Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI TRONG VĂN HỌC

LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI (Game theory)
Trong nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam

Bùi Công Thuấn






Thế hệ người đọc lớn tuổi ở Việt Nam khi nghe nói văn chương là trò chơi hoặc nghe một tác giả trẻ nào đó nói mình chỉ viết chơi thì cảm thấy bị “sốc”, bởi đã nhiều thế hệ người đọc được giáo dục ở trong trường về những chức năng cao quý của văn học, như chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, chức năng nhân đạo hóa con người…, và văn học có nhiệm vụ đặc biệt “trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.”(Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị).

Khi nói văn học là trò chơi, phải chăng đang có nhu cầu nhận thức lại những vấn đề đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng?

Bước đầu tôi ghi nhận được vài điều, nhưng rất cần sự trao đổi.

1. GHI CHÚ VỀ LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

Dưới đây là tổng hợp (từ nhiều nguồn) những điểm căn bản của Lý thuyết trò chơi (Game Theory)

Lý Thuyết Trò Chơi [1] là hệ thống nghiên cứu các mô hình toán học đặc tả sự “xung đột và hợp tác giữa” các cá nhân. Nó cung cấp các kỹ thuật toán học để phân tích các tình huống từ đó “người chơi” đưa ra các quyết định. Khái niệm “trò chơi” chỉ là quy ước về mặt ngôn ngữ. Người tham gia trò chơi không phải là để vui chơi giải trí. Họ là người ra các quyết định rất nghiêm túc và bằng trí khôn chuẩn mực khi phải chọn lựa giữa các tình huống.

Lý Thuyết Trò Chơi hiện đại được coi là khởi đi từ Von Neumann (1928), và cuốn Theory of Games and Economic Behavior, 1944 (của Von Neumann và Morgenstern).

Đầu những năm 1950, Nash đưa ra khái niệm “điểm cân bằng Nash”, khi không người chơi nào muốn thay đổi chiến thuật vì đã biết tất cả mọi thứ về chiến thuật của những người chơi khác.

Các trò chơi trong lý thuyết này bao gồm từ chơi cờ đến nuôi dạy trẻ, từ quần vợt đến các thương vụ thâu tóm trong kinh doanh, từ quảng cáo đến kiểm soát chạy đua vũ trang… Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM đã có chuyên luận “Tranh chấp biển đông: Phân tích từ lý thuyết trò chơi” (Lê Hồng Nhật-2016). Cuốn sách Lý thuyết trò chơi trong kinh doanh của A.M.Brandenburger và cuốn Tư duy chiến lược cùa Avinash K. Dixit và Bary J. Nalebuff do Nguyễn Tiến Dũng và Lê Ngọc Liên dịch (2007) phân tích rất cụ thể các yếu tố chiến lược của Lý thuyết trò chơi như: Người chơi, các quy tắc, chiến thuật, chiến tranh và hòa bình, cạnh tranh và hợp tác…Nhiều tác giả khác cũng đã giới thuyệt Lý thuyết trò chơi [3]

Đề cương môn học Lý thuyết trò chơi của Đại học Luật TP HCM xác định mục tiêu cụ thể của môn học như sau:
“Mục tiêu kiến thức:
Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của Lý thuyết trò chơi.
Phân tích một số “luật chơi” và chiến lược chơi trong kinh doanh qua tình huống thực tiễn.
Phân tích hành vi của các đối tác (đặc biệt là các doanh nghiệp) trên thị trường qua các vấn đề: Cạnh tranh hay hợp tác kinh doanh; chiếm lĩnh hay chèn ép thị trường; ra quyết định kinh doanh phù hợp
Trình bày các kỹ thuật sàng lọc thông tin, đánh tín hiệu.
Cung cấp các chiến lược đàm phán trên cơ sở phân tích hành vi đối tác, các yếu tố tạo nên sức mạnh đàm phán.
Đưa ra “ứng dụng Lý thuyết trò chơi” trong việc vạch chính sách: xây dựng một thể chế lánh mạnh trợ lực cho nền kinh tế phát triển trong thời kỳ hội nhập”[2]

Ngày nay lý thuyết trò chơi được áp dụng trong chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế và nhiều ngành khác.

“Bài toán “Tình thế lưỡng nan của người tù” (The Prisoner’s Dilemma) là một bài toán nổi tiếng của lý thuyết trò chơi. Bài toán này thường được lấy làm ví dụ cho các sách giáo khoa về Lý thuyết trò chơi. Bài toán như sau:

Có hai người tù A và B bị bắt vì tội cướp của. Cảnh sát cách ly A và B để chúng không thể liên lạc, thông đồng với nhau. Cảnh sát yêu cầu chúng thành thật khai báo nhận tội, và đưa ra điều kiện: Nếu anh ta nhận tội và khai báo người kia thì sẽ chỉ bị 2 năm tù trong trường hợp người kia không nhận tội, và 5 năm tù nếu người kia cũng nhận tội. Mặt khác, nếu anh ta không nhận tội mà người kia nhận tội thì anh ta sẽ bị 10 năm tù.
Cuối cùng nếu cả hai không nhận tội thì cả hai sẽ chỉ bị 2 năm tù.
Bài toán này có thể tóm tắt ở bảng sau
Tù nhân A
không nhận tội Tù nhân A
nhận tội
Tù nhân B
không nhận tội Cả hai bị 2 năm tù B bị 10 năm tù, A - 1 năm tù
Tù nhân B
nhận tội B - 1 năm tù, A - 10 năm tù Cả hai bị 5 năm tù

Bài toán này có hai người chơi là A và B. Hai người bị cách ly nên người này không biết người kia chọn điều gì (nhận tội hay không). Vì vậy tình huống là rất khó xử, như tên gọi của trò chơi.

Ta có thể thấy rằng, ở địa vị A (hoặc B) đều có thể suy nghĩ nếu nhận tội thì có thể chỉ bị 1 năm tù khi mà B (hoặc A) không nhận tội, còn B (hoặc A) sẽ chịu 10 năm tù; còn nếu B (hoặc A) cũng thú tội thì bị 5 năm tù. Ý nghĩ này xuất phát từ mong muốn ích kỷ sao cho mình có thể bị tù ít nhất nên nhận tội và đào ngũ với bạn. Trường hợp đào ngũ khiến tổng thời gian tù của cả hai sẽ là 11 năm (trong có kẻ ích kỷ chỉ chịu 1 năm), hoặc là 10 năm (nếu cả hai cùng suy nghĩ ích kỷ như nhau) nhiều hơn là khi không nhận tội (hợp tác với nhau) sẽ cùng bị 2 năm tù, tổng cộng chung cả hai là 4 năm.

Như vậy cả A và B đều chỉ có hai chiến lược là hợp tác và đào ngũ.

Ta có thể lập ma trận thưởng - phạt (payoff) như sau:
Hợp tác Đào ngũ
Hợp tác 2, 2 10, 1
Đào ngũ 1, 10 5, 5

Qua ma trận trên, chúng ta nhận thấy là nếu cả hai chọn chiến lược hợp tác thì tổng số thiệt hại là nhỏ nhất (2+2=4 năm tù) - ô 1.1 của ma trận trên. Còn nếu cả hai cùng chọn chiến lược đào ngũ (không hợp tác) thì tổng số thiệt hại lên tới 10 năm tù (ô 2.2, 5+5=10). Một khi chỉ có một bên chọn chiến lược hợp tác, thì tổng số thiệt hại chung lên tới 11 năm tù (ô 1.2 và 2.1) trong đó anh bạn phản bội hưởng lợi chỉ bị 1 năm tù, còn người kia chịu tới 10 năm tù.

Như vậy, bài toán này có thể coi là bài toán phân tích lợi ích của sự hợp tác, và đặt quyền lợi chung của cộng đồng làm mục tiêu.”[4] Bài toán này đã đượcVương Quân Hoàng phân tich cụ thể bằng thuật toán [5]

Các loại trò chơi [6]
“Phân loại các loại trò chơi thường được dựa vào ba yếu tố là
1. Số lượng người chơi,
2. Chiến lược mà các người chơi lựa chọn,
3. Cơ chế quyết định kết quả của cuộc chơi.

Dựa trên ba điểm trên có ba loại trò chơi chính:
a) Trò chơi hai người có tổng bằng không,
b) Trò chơi hai người với tổng khác không,
c) Trò người nhiều người với tổng khác không.

Trong khi trò chơi có tổng bằng không hàm ý rằng lợi ích của người này đồng nghĩa với thiệt hại của người khác, thì loại trò chơi với tổng khác không nhấn mạnh đến khả năng cùng thắng giữa các đối thủ trong một cuộc chơi, lợi ích của người này không nhất thiết là thiệt hại của người khác, mà ngược lại: mọi người tham gia cuộc chơi đều có thể giành được lợi ích tương đối cho bản thân.

Trong quá trình người chơi tham gia cuộc chơi, chúng ta có thể phân ra hai loại chiến lược: chiến lược hoàn hảo và chiến lược thông minh. Chiến lược hoàn hảo là chiến lược mà sẽ đem lại lợi ích cao nhất cho người tham gia cuộc chơi, không phụ thuộc vào hành động phản ứng của đối phương. Nói đơn giản là cho dù đối thủ có làm gì đi nữa, thì phần thắng vẫn thuộc về mình. Ngược lại, chiến lược thông minh hướng tới mục tiêu giảm thiểu mức độ rủi ro cho người tham gia cuộc chơi. Nói đơn giản là chiến lược này giúp người chơi chọn đường đi nào tới đích an toàn với rủi ro thấp nhất.”

Những khái lược trên của Lý thuyết trò chơi có thể dùng tham chiếu để xem xét vấn đề Lý thuyết trò chơi ứng dụng trong phê bình văn học hiện nay (2017) ở Việt Nam.

2. CHƠI, TRÒ CHƠI và LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI

Trong các bài viết về Lý thuyết trò chơi trong văn học mà tôi đọc được, có sự không rõ ràng trong diễn giải các khái niệm Chơi, Trò chơi và Lý thuyết trò chơi. Các tác giả muốn ôm tất cả vào một vấn đề và nhấn mạnh đến tính chất “chơi” của văn học.

Dựa vào Johan Huizinga ,Tác giả Trần Ngọc Hiếu đã gần như tuyệt đối hóa cái sự “chơi” của sáng tác văn học, coi chức năng chơi của văn học là có tính bao trùm và từ đó đặt ra vấn đề nhận thức lại giá trị, chức năng của văn học:

“Johan Huizinga đã đưa ra một quan niệm rất rộng về trò chơi, đến nỗi, mọi hình thái nhận thức của con người, theo đó, đều mang tính chất của trò chơi. Nhận định của ông không phải quá cực đoan. Nếu ngôn ngữ là công cụ của tư duy thì ngay ở đây, Huizinga đã lưu ý chúng ta việc dùng ngôn ngữ để gọi tên sự vật, đưa sự vật vào địa hạt của cái tinh thần, về bản chất, là một sự chơi”[7].

Trần Ngọc Hiếu cho rằng: “Trên thực tế, chức năng trò chơi của văn học còn có trước chức năng thẩm mỹ và đã từng có địa vị quan trọng hơn cả chức năng thẩm mỹ”…” Trong nền văn minh hiện đại, văn học không còn chiếm giữ vị trí trung tâm nữa mà bị dạt ra ngoại vi và chính ở tình thế này, chức năng trò chơi của văn học mới thực sự được hiểu lại, nhận thức lại. Chỉ có thể bằng sự chơi, văn học mới có thể phát huy được quyền năng của cái ngoại vi”.

Và đây là phần tác giả nhận thức lại vấn đề: “giá trị nhận thức của văn học không phải nằm ở nằm việc phản ánh thực tại, phát hiện những quy luật, những cái phổ quát mà nằm ở việc gợi ra những khả thể khác của thực tại, giải bỏ cái phổ quát, cho phép đa nguyên hóa nhận thức ở con người. Cũng theo đó, cái gọi là chức năng nhân đạo hóa của văn học không nên chỉ đơn giản hiểu ở khía cạnh giáo hóa, hướng thiện con người. Nó cần phải được chú ý ở khả năng đem đến cho con người sự vui tươi (fun) – thành tố được xem là hạt nhân của sự chơi theo quan niệm của Huizinga, thứ kháng cự mọi phân tích, diễn giải logic, giúp con người thả lỏng, cân bằng trước những áp lực của thực tại, của những quy luật duy lý, giúp con người luôn là một thực thể “đang trở thành”, “sẽ trở thành” (becoming) chứ không phải một khái niệm đã hoàn kết, rắn lại, trừu tượng. Chức năng nhân đạo hóa của văn học không chỉ quan sát được ở phía hiệu ứng tác động mà còn nằm ngay ở thế giới nghệ thuật của tác phẩm – một thế giới chơi đúng nghĩa, hội tụ đầy đủ những phẩm chất của sự chơi – nơi cho phép con người hóa thân vào “cõi ảo” nơi những khả thể được phát hiện, được khai phóng, thay vì bị hãm lại, nén lại dưới áp lực của thực tại.”..

Có thể coi đây là một luận điểm khái quát:” Ngay cả ở khía cạnh tác động của văn học, ta cũng cần lưu ý: văn học giáo hóa con người trong hình thức của sự chơi, bằng phương thức của sự chơi,..”[đd]

Tôi buộc phải hoài nghi những nhận định nêu trên của Trần Ngọc Hiếu. Có lẽ những ý tưởng của Johan Huizinga đã áp đảo, ám thị, khiến cho Trần Ngọc Hiếu không còn nhận ra chân lý của vấn đề. Cái sự “chơi” bằng văn chương là hiển nhiên có trong nguồn gốc của văn chương, đó là một mặt của chức năng giải trí (thí dụ, văn chương giải trí: chuyện kiếm hiệp, truyện giả tưởng, thơ thù tạc, truyện cười; xứớng họa thơ, ra vế đối, làm thơ đọc ngược, đọc xuôi…). Nhưng nếu coi “cái sự chơi” bằng văn học là một chức năng có trước và quan trọng hơn chức năng thẩm mỹ, quan trọng hơn chức năng thẩm mỹ, thì cái sự chơi ấy không phải là văn chương. Bởi bản chất của văn chương trước hết là cái thẩm mỹ.

J.P.Sartre (1905-1980) khi nói đến “văn học dấn thân” (litérature engagée) đã viết: « Nhà văn dấn thân biết chữ nghĩa… là những ‘khẩu súng đã nạp đạn’. Nếu hắn nói ra là hắn bắn…”,”nhà văn chọn ‘vén màn’ cuộc đời, tức là làm lộ con người, trước mặt mọi người, để cho tất cả đều nhìn thấy đối tượng trần trụi trước mắt mà biết trách nhiệm của mình.”[8]

Nhà văn Hoàng Văn Bổn, người cầm súng chiến đấu vừa viết từ kháng chiến chống Phấp đến kháng chiến chống Mỹ. Ông viết khoảng 50 tác phẩm, trong đó có những bộ tiểu thuyết sử thi. Ông thổ lộ: “Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thiá rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này”[9]

Tôi không biết đối với .J.P.Sartre, với Hoàng Văn Bổn, viết văn có phải là để “chơi” không? Và Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải văn chương Nobel năm 1970, viết Tầng đầu địa ngục có phải là “bằng sự chơi, văn học mới có thể phát huy được quyền năng của cái ngoại vi”? Và phải hiểu như thế nào về những trang văn được viết trên chiến trường của của Nam Cao, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi…?

Tôi đọc được diễn ngôn này Trần Ngọc Hiếu đàng sau những con chữ, điều mà Trần Ngọc Hiếu không dám nói thẳng ra:“Bởi như ở trên đã nói đến, bằng cách chơi, văn học khuấy động, tháo dỡ những diễn ngôn trung tâm, khai phóng cho những gì bị đè nén, trấn áp, bị tước quyền hiện diện. Chơi là cách văn học kiến tạo và giải kiến tạo thế giới, bản ngã và cả chính bản thân nó nữa. Và đó chính là sự vận động đích thực của đời sống.”

Trần Ngọc Hiếu không dẫn chứng được tác phẩm “chơi” nào của văn học Việt Nam làm căn cứ cho luận điểm của mình, thành ra “cái sự diễn ngôn” của Trần Ngọc Hiếu cũng chỉ là “để chơi” cho vui!

Trong bài Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài: Tiếp nhận từ lý thuyết trò chơi, tác giả Lê Hương Thủy cho rằng ”lý thuyết trò chơi (game theory) với cội rễ đã có từ thời Hy Lạp cổ đại đã được nhiều lý thuyết gia phương Tây đi sâu bồi đắp và nhiều nhà văn ứng dụng.”Sau đó tác giả dẫn ra rằng: Brian Edwards trong Theories of play and postmodern fiction cho rằng “khái niệm sự chơi và những dạng thức của sự chơi tồn tại xuyên suốt lịch sử văn hóa phương Tây”, Hans Georg Gadamer, tác giả cuốn Truth and Method (Chân lý và phương pháp) quan niệm hành vi chơi như một “nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật”. Mikhail Bakhtin quan tâm tới những dạng thức của trò chơi và sự chơi mang tính xã hội như lễ hội hóa trang carnaval, hội chợ và tác động của nó trong đời sống. Trò chơi cũng là một phạm trù then chốt trong thuyết Giải cấu trúc của Jacques Derrida. Michel Foucault cũng đã cho thấy quan điểm về vấn đề trò chơi, theo đó: "ngôn ngữ nói được hình thành trên cơ sở trò chơi của các ký hiệu và ngôn ngữ viết thì vận hành trên cơ sở trò chơi của những sự tái hiện…”, rồi tác giả kết luận: “Lý thuyết trò chơi ngày càng được nhiều học giả đi sâu, bồi đắp. Việc vận dụng nguyên lý trò chơi vào hoạt động sáng tạo cho thấy những thay đổi của tư duy sáng tạo”[10]

Tô Ngọc Minh trong luận văn Thạc sĩ: “Tiểu thuyết đương đại Việt Nam nhìn từ Lý thuyết trò chơi” cũng khẳng định: “lý thuyết trò chơi đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại nhưng phải đến bây giờ khi văn học chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa hậu hiện đại thì lý thuyết này mới được bộc lộ rõ ràng hơn. Hiểu một cách cụ thể có nghĩa là khi văn học bắt đầu hình thành những dấu hiệu của hậu hiện đại (postmodern) cũng là lúc lý thuyết trò chơi được các nhà nghiên cứu nhìn nhận lại như một cách thể hiện cá tính sáng tạo của người sáng tác. “

Đối chiếu với Lý thuyết trò chơi (Game Theory) ở trên, người đọc nhận ra ngay sự nhầm lẫn của Lê Hương Thủy, Tô Ngọc Minh. Các tác giả không phân biệt được các khái niệm Lý thuyết trò chơi với trò chơi, sự chơi (Theories of play).

Thực ra Lê Hương Thủy, Tô Ngọc Minh cũng như nhiều người khác đã sao chép lại các ý kiến của Gordon E. Slethaug trong bài viết Các lý thuyết về sự chơi/ sự chơi tự do. [11]

Xin lưu ý rằng Gordon E. Slethaug nói đến “sự chơi/ sự chơi tự do”. Ông không hề nhắc đến, dù chỉ một lần, khái niệm “Lý thuyết trò chơi” trong bài viết của mình.

Tôi cho rằng đã có sự diễn giải khác đi những diễn ngôn này của Gordon E. Slethaug. Gordon E. Slethaug viết:

“Những nhà tư tưởng tiền-Socrates, như Heraclitus, đã hình thành khái niệm về sự chơi trên nền tảng những cuộc giao tranh về mặt thể chất giữa con người và sức mạnh thần thánh (agon và athlon),”

“Platon và Aristotle, ở một mặt khác, lại xem xét sự chơi từ một quan điểm duy lý hơn, theo đó sự chơi bao hàm tính trình diễn (performativeness), tính mô phỏng, sắm vai và sự giải trí có tính chất trẻ thơ”

“Trước tác của Immanuel Kant thường được xem là bước ngoặt phê phán trong quá trình khái niệm hóa sự chơi…”

“Nếu Kant và Schiller tái định nghĩa sự chơi, khiến nó trở thành một khái niệm hữu dụng cho thời hiện đại thì Friedrich Nietzsche chính là người đã giải phóng nó khỏi những câu thúc của lý trí”

“Trong lý thuyết văn chương đương đại, ba cách tiếp cận sự chơi đáng chú ý hơn cả là: tiếp cận chính trị (Bakhtin), thông diễn học (Gadamer), và giải cấu trúc (Derrida, Lacan, Foucault, Barthes, và Kristeva).

“Cho đến nay, những lý thuyết nổi bật nhất về sự chơi chính là những lý thuyết của các nhà giải cấu trúc luận. Những đại diện tiêu biểu thuộc khuynh hướng này bao gồm Jacques Derrida, Michel Foucault, Roland Barthes, Jacques Lacan, Julia Kristva và Jacques Erhmann.”…[đd]

Người nghiên cứu khoa học bị đòi buộc phải trung thực và sự chính xác khi dẫn nguồn. Nếu cứ liệu làm nền tảng cho sự nghiên cứu bị diễn giải sai lạc, thì kết quả nghiên cứu sẽ không còn giá trị thuyết phục.

3. VẬN DỤNG LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI VÀO PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Herbert de Ley trong “The Name of the Game: Applying Game Theory in Literature”(1988) cho biết: “…cho đến nay không mấy người áp dụng thuyết trò chơi toán học và các khái niệm liên quan vào các văn bản cụ thể”.

Ông viết tiếp: “…có lẽ là độc nhất, chính là một cuốn sách xuất bản năm 1980 của Steven J. Brams, Những trò chơi trong Kinh Thánh [Biblical Games] (1980). Trong Những trò chơi trong Kinh Thánh, Brams tuyên bố rằng, theo như ông được biết thì “chưa hề có một công trình cỡ tầm cuốn sách nào khảo cứu một tác phẩm văn học hay nhân văn mà sử dụng thuyết trò chơi một cách nghiêm túc” – mà những tìm tòi của bản thân tôi cũng xác nhận tuyên bố này của ông là đúng”[12]

Herbert de Ley kết luận: “Như ta đã nói rõ, cho đến thời điểm này, việc phân tích văn học theo thuyết trò chơi, về bản chất là chưa được phát triển, đặc biệt là so với những phương pháp cạnh tranh với nó. Nếu phát triển hơn, có thể vì nó có khả năng mang lại một lợi ích quan trọng. Nếu như, ít nhất ở trạng thái hiện tại, ký hiệu học tự sự ắt hẳn là phương pháp mạnh mẽ hơn và được áp dụng rộng rãi hơn, thì nó cũng có một tính chất thường được cho là không ai mong muốn trong giải thích “khoa học”; nó bị chê trách vì quá phức tạp, lằng nhằng, rối rắm dễ làm nản lòng người.”[12 đd]

Có lẽ ý kiến của Herbert de Ley đáng được tham khảo.

Theo tôi, việc áp dụng Lý thuyết trò chơi (Game Theory) vào phân tích, phê bình văn học cần được nghiên cứu cẩn thận. Phần lý thuyết và phương pháp nào của Lý thuyết trò chơi có thể dùng được? Và điều quan trọng là việc áp dụng Lý thuyết trò chơi vào văn học mang đến những giá trị gì hơn hẳn so với các phương pháp phê bình khác?

Trước hết cần xác định xem tác giả có viết tác phẩm như bày ra một trò chơi để mời gọi người đọc chơi không? (Xin thử hỏi hỏi J.P.Sartre, Solzhenitsyn, Hoàng Văn Bổn, Nam Cao, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm…). Nếu tác giả không bày trò chơi thì có thể “chơi” tác phẩm được không?

Trong sự phức tạp của đối tượng người đọc và cấu trúc tác phẩm, đâu là sân chơi và luật chơi? Những tình huống nào buộc người chơi phải đưa ra những quyết định? Chiến lược chơi để giành phần thắng là gì? Thắng-thua trong trò chơi văn học là gì? Tác giả và người đọc, ai là người thắng, người thua? Thưởng-phạt với người thắng, người thua là những gì?

Giả sử tác giả và người đọc trong một cuộc chơi tay đôi, mà bàn cờ là tác phẩm, thì liệu bước đi chiến lược của hai người này có đồng bộ và tương tác không (như trong chơi cờ tướng chẳng hạn, bên quân xanh đi một nước (để tấn công) thì bên quân đỏ đi một nước (để tấn công lại hay thủ thế) để đối lại? Chiến thuật ban đầu biến hóa thế nào cho đến tàn cuộc?

Điều này không thể có đối với tác giả, vì khi tác phẩm đã được in và phát hành, tác giả không được quyền can dự vào tác phẩm nữa (R.Barthes nói “tác giả đã chết” là vì vậy). Người đọc cũng vậy, sách hay thì đọc, không hay thì bỏ, chẳng cần chiến thuật chiến lược gì. Rỗi rãnh thì đọc. Có khi đọc lướt, đọc nhảy cóc để đuổi theo cốt truyện. Người đọc tìm trong tác phẩm những cái mình không có. Vì thế, người đọc chỉ quan hệ với tác phẩm chứ không “chơi” với tác giả. Không có cuộc chơi nào giữa tác giả và người đọc. Nhưng tác phẩm có thể trở thành cuộc chơi của nhà xuất bản, nhà phát hành và độc giả. Lúc ấy cuộc chơi trở thành một bài toán kinh tế. Người ta có thể áp dụng Lý thuyết trò chơi để tính toán xem sách của tác giả này có ăn khách không, số lượng in sẽ là bao nhiêu. Quảng cáo thế nào, tổ chức buổi ra mắt sách thế nào, và sau cùng việc in cuốn sách này sẽ được lời bao nhiêu?...

Về phía nhà phê bình ở Việt Nam, hiện nay ai có thể dùng thuật toán để giải trò chơi giữa người đọc và tác giả như các nhà toán học đã giải bài toán “Tình thế lưỡng nan của người tù” (The Prisoner’s Dilemma) không?

Thí dụ (xin giản lược cuộc chơi giữa tác giả và người đọc để xem xét giá trị của tác phẩm văn học)
Người đọc
Đọc chơi Đọc tìm giá trị,
Đọc khám phá
Tác giả Viết chơi Tp Vô giá trị Tp vô giá trị
Viết có mục đích xã hội: Tp vô giá trị Tp có giá trị

Nhìn vào mô hình trên, phần giá trị của tác phẩm văn học chỉ là ¼. Vậy Văn học còn có nghĩa gì với cuộc đời này?

Tôi cho rằng, ngay cả khi thực hiện được thuật toán để giải trò chơi giữa tác giả và người đọc thì những sáng tạo của tác giả, giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng, tình cảm, những tác động văn hóa tư tưởng của tác phẩm đối với đời sống tinh thần của xã hội cũng không tồn tại trong các thuật toán, đồng nghĩa làm triệt tiêu văn học.

Một phương pháp phân tích, phê bình văn học mà làm triệt tiêu bản chất và những giá trị xã hội của của văn học thì phương pháp ấy có ích gì? Và nền văn học “chơi” bị triệt tiêu giá trị ấy kiến tạo thế giới thế nào được?

Ý kiến của Herbert de Ley về việc áp dụng Lý thuyết trò chơi vào phê bình văn học là có cơ sở: “nó bị chê trách vì quá phức tạp, lằng nhằng, rối rắm dễ làm nản lòng người” [đd]

Tháng 3. 2017
________________________________

[1] www.slideshare.net/nguyenuyphap/game-theory-vuong-quan-hoang
[2] http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&id=6152:-cng-mon-hc-ly-thuyt-tro-chi&catid=339:s-qtl-dcbgiang&Itemid=231
[3] Game theory-Lý thuyết trò chơi- Régis Deloche-Giáo sư đại học Franche-Comté (BesanVon)-Nguyễn Đôn Phước dịch: - https://tuanvanle.wordpress.com/category/1-%E1%BB%A9ng-d%E1%BB%A5ng-toan-h%E1%BB%8Dc/ly-thuy%E1%BA%BFt-tro-ch%C6%A1i/page/4/
-Trương Minh Huy Vũ: http://nghiencuuquocte.org/2015/11/14/ly-thuyet-tro-choi-game-theory/
-TS. Lý Bách Chấn: http://www.vlr.vn/vn/news/img/nghien-cuu-ung-dung/1378/ly-thuyet-tro-choi-va-bai-toan-tinh-the-luong-nan-cua-nguoi-tu.vlr
-Nash và Lý thuyết trò chơi: https://luattaichinh.wordpress.com/2012/03/05/nash-v-l-thuy%E1%BA%BFt-tr-ch%C6%A1i/
-Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright: Kinh tế học vi mô- Nhập môn Lý thuyết trò chơi- Niên khóa 2011 – 2012 Bài giảng Phần 1
-Thu Hương: Hiểu thêm Lý thuyết trò chơi của J. Nash
http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/hieu-them-ve-ly-thuyet-tro-choi-cua-thien-tai-john-nash-20150525153324519.chn
-Đình Uyên: Lý thuyết trò chơi-Chèn ép trong kinh doanh:
http://kdtqt.duytan.edu.vn/Home/ArticleDetail/vn/33/1550/bai-1-ly-thuyet-tro-choichen-ep-trong-kinh-doanh
[4] TS. Lý Bách Chấn: http://www.vlr.vn/vn/news/img/nghien-cuu-ung-dung/1378/ly-thuyet-tro-choi-va-bai-toan-tinh-the-luong-nan-cua-nguoi-tu.vlr
[5] Game Theory-Vuong Quan Hoang-https://pt.slideshare.net/nguyenuyphap/game-theory-vuong-quan-hoang
-Đọc thêm lời giải trong cuốn: Game Theory-An Introduction của Mohammad Ali Abbasi.
School of computing, Informatics, and Decision Systems Engineering Arizona State University-
https://pt.slideshare.net/aliabasi/introduction-to-game-theorymohammad-ali-abbasi
-Game Theory- By Soumyashree Bilwar Department Of Computer Engineering:
https://pt.slideshare.net/1991soumya/game-theory-12530191
[6] Lý thuyết trò chơi: http://nghiencuuquocte.org/2015/11/14/ly-thuyet-tro-choi-game-theory/
[7] Trần Ngọc Hiếu: Tiếp cận bản chất trò chơi của văn học (Những gợi mở từ công trình Homo Ludens của Johan Huizinga)- https://hieutn1979.wordpress.com/2012/01/04/ti%E1%BA%BFp-c%E1%BA%ADn-b%E1%BA%A3n-ch%E1%BA%A5t-tro-ch%C6%A1i-c%E1%BB%A7a-van-h%E1%BB%8Dc-nh%E1%BB%AFng-g%E1%BB%A3i-m%E1%BB%9F-t%E1%BB%AB-cong-trinh-homo-ludens-c%E1%BB%A7a-johan-huizinga/
[8] Dẫn theo Thụy Khuê: Qu'est-ce que la littérature - Văn chương là gì?, http://thuykhue.free.fr/stt/p/PBVH-Ch16.html
[9] Văn Nghệ Đồng Nai số 8/ 1987.
[10] http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/thien-su-cua-pham-thi-hoai-tiep-nhan-tu-ly-thuyet-tro-choi
- Tô Ngọc Minh, Luận văn Thạc sĩ: “Tiểu thuyết đương đại Việt Nam nhìn từ Lý thuyết trò chơi”, ĐH quốc gia Hà Nội, trường ĐH KHXH&NV. 2013. Mã số: 60 22 32: xemtailieu.com/tai-lieu/tieu-thuyet-duong-dai-viet-nam-nhin-tu-ly-thuyet-tro-choi-287845.html+&cd=12&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[11] https://phebinhvanhoc.com.vn/cac-ly-thuyet-ve-su-choi-su-choi-tu-do/
-Cũng có sự nhầm lẫn như vậy trong Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI VÀ MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI-Chuyên ngành: Lý luận văn học. Mã số: 62.22.32.01. HÀ NỘI – 2012:
http://text.123doc.org/document/1303477-ly-thuyet-tro-choi-va-mot-so-hien-tuong-tho-viet-nam-duong-dai-luan-an-tien-si-ngu-van.htm
[12] http://www.sscnet.ucla.edu/polisci/faculty/chwe/austen/deley1988.pdf- Có thể đọc bản dịch của Văn Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét