Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

VỚI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI


VỚI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI

Bùi Công Thuấn
(Lời tựa cho cuốn sách HOA ĐỎ BÊN SÔNG,Nxb Hội Nhà Văn 2014)
 

 

Năm 1988 tôi được kết nạp vào Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm Nhạc. Trong lễ kết nạp, cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ (NĐT) có phỏng vấn tôi và đưa tin. Tôi nhớ mãi nụ cười hiền lành và tác phong lanh lợi của anh. Sau này khi viết phê bình văn chương, tôi mới đọc văn NĐT. Hồi Ức Làng CheDấu Chân Tiên của anh thực sự thuyết phục tôi. Anh viết về những bi kịch dữ dội của con người Việt Nam trong những khúc quanh khốc liệt của lịch sử. Tôi nhìn thấy ở anh triển vọng một nhà văn viết truyện ngắn hay của văn chương VN. Rất tiếc anh lại ra đi quá sớm. Những tài năng thực sự phải chăng chỉ lóe sáng như một ánh sao băng giữa trời. Nguyễn Đức Thọ nhắc tôi nhớ đến ngọn nguồn Hội VHNT Đồng Nai, thời nhà văn Lý Văn Sâm làm chủ tịch Hội.
 
Tôi ở xa, rất ít có dịp gặp gỡ các nhà văn Đồng Nai. Những năm 1980, thỉnh thoảng tôi có nhìn thấy nhà văn Lý Văn Sâm đi vào văn phòng Hội. Tôi là kẻ hậu bối, chỉ đứng xa mà ngưỡng phục. Ông không chỉ là nhà văn nổi tiếng, mà nhìn dáng ông, tôi có nhiều điều ngẫm ngợi. Một con người vóc dáng nhỏ thó, gầy guộc, thanh thoát vậy mà lại sống và viết trong lòng địch mấy chục năm, chịu bắt bớ giam cầm vì ngòi bút của mình. Ở ông toát ra một sức mạnh mà tôi không hiểu nổi. Sức mạnh của một con người, một nhà văn có lý tưởng. Hiểm nguy, gian khổ như vậy mà ông vẫn viết được, viết hay và viết rất sung sức. Ít có nhà văn Đồng Nai nào viết về đất nước con người Đồng Nai hay như ông. Hẳn những trang văn của ông sẽ còn là thách thức đối với những nhà văn trẻ Đồng Nai, và tôi nghĩ khó có nhà văn trẻ Đồng Nai nào vượt qua ông. Bởi họ không sinh ra, lớn lên và sống chết với đất nước này. Họ cũng  không sống và viết cho  một lý tưởng cao đẹp như thời đại của ông, và hơn thế, họ khó có được những trang văn đẹp lãng mạn nhưng lại đầy sức mạnh hiện thực, giàu màu sắc thẩm mỹ như ông. Ở Đồng Nai, những nhà văn như ông chỉ có Hoàng Văn Bổn. 

Cho đến giờ, tôi vẫn còn nợ nhà văn Hoàng Văn Bổn một món nợ tinh thần, món nợ tự nguyện. Đó là tôi chưa thể viết được một công trình nghiên cứu về ông. Bởi ông không chỉ là nhà văn, mà còn là nhà văn hóa lớn của Đồng Nai. Những lần gặp ông ở văn phòng Hội, lúc nào tôi cũng thấy ông ưu tư. Ông bảo tôi muốn đọc tác phẩm nào của ông thì cứ ghé nhà. Trước một khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, tôi biết mình không đủ sức khám phá hết tài năng nhiều mặt của ông. Điều làm tôi kính phục ông là, ông sinh ra và sống chết Trên Mảnh Đất Này, ông sống và viết cho một lý tưởng cao đẹp. Ông đã có những đóng góp cho văn học nghệ thuật chung của cả nước, như một nhà văn lớn. Tôi gọi ông là nhà văn lớn bởi ông có nhiều bộ tiểu thuyết sử thi viết về Đồng Nai, hẳn nhiên ông đã đổ hết công sức và tâm huyết của ông cho những bộ sử thi ấy. Và hẳn nhiên, ông đã sống đắm mình trong thời đại bão táp Cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc thì ông mới có thể phản ánh được thời đại lịch sử vẻ vang ấy. Những nhà văn như ông ở Đồng Nai chỉ có Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm. Nhà văn trẻ không ai có thể theo chân ông được. Và tôi biết, ông sẽ còn mãi ưu tư.
 
Tất nhiên là mỗi nhà văn có một không gian nghệ thuật riêng của mình, có ưu thế riêng về khả năng thể hiện, và có những nhiệm vụ riêng mà người cầm bút tự nguyện dấn thân. Gần đây Đàn Ống Tre Bên Kia Sông của Khôi Vũ được nhà xuất bản Đồng Nai chọn in tài trợ, là một dấu chỉ Khôi Vũ là nhà văn Đồng Nai có cốt cách riêng. Tôi có “duyên” với nhà văn Khôi Vũ từ bên Ban Âm Nhạc. Ông giúp tôi in tuyển tập nhạc, nhân dịp tôi tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm 30 năm viết ca khúc (tháng 11. 1998). Trong lời giới thiệu tập sách, ông phát hiện ra trong các ca khúc của tôi có những nốt thăng (#), giáng (b) bất thường, giống như những lận đận trong đời thực của tôi. Điều ấy làm tôi rất thú vị, bởi ông thẩm thấu nhạc của tôi rất sâu sắc. Hèn gì mà (ông kể với tôi), trong một năm người ta mời ông tham gia làm giám khảo tới mấy chục cuộc hội thi âm nhạc.(xin lưu ý, ông cũng là một nhạc sĩ sáng tác ca khúc, có nhiều ca khúc đạt giải)
 
Có lần tôi hỏi ông, làm việc xã hội nhiều như vậy thì ông lấy đâu ra thời gian để viết văn? ông chỉ cười (bí mật nghề nghiệp). Thực sự là tôi thán phục sức làm việc và sức viết của ông. Tôi hiểu thế nào là một nhà văn chuyên nghiệp. Ông cho xuất bản tác phẩm đều đều, và tác phẩm của ông sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Ở Đồng Nai, Khôi Vũ là nhà văn nỗ lực không ngừng  đổi mới ngòi bút của mình. Điều này những nhà văn trẻ có thể học tập. Lời Nguyền Hai Trăm Năm của ông là một khám phá về kết cấu hai tuyến truyện song song khá độc đáo của tiểu thuyết VN đương đại. Đến Vỡ Dần Trong Mắt, ông có một bước cách tân khác về lối viết. Ông có tài kể những chuyện đời thường, dung dị nhưng giàu ý nghĩa tư tưởng. Ông có cách nói bộc trực Nam Bộ, nhưng lại có sự ý nhị khôn ngoan của văn hoá Bắc Bộ. Tôi học được ở ông nhiều bài học của người cầm bút. Lần ông giúp tôi in cuốn Chút Tình Tri Âm, ông bảo, tôi chưa in cuốn nào vất vả như in cuốn này, tranh cãi nhiều lần với nhà xuất bản để bảo vệ bài viết của tôi. Sách được in đẹp, đầy đặn , đặt được một cột mốc trong đời viết phê bình văn chương của tôi. Cả những khi ngòi bút của tôi mất lửa, ông cũng giúp tôi giữ gìn nhiệt tình với văn chương.
 
Sự thật là, khi viết phê bình văn chương, tôi bị mất lửa nhiều lần. Vì tôi đã ảo tưởng về thời đại của mình. Tôi ảo tưởng rằng, phê bình là đánh giá tác phẩm, tìm kiếm cái đẹp nghệ thuật và qua đó khẳng định tài năng văn chương. Tôi ngộ ra sự ảo tưởng của mình khi nhận ra thời đại của tôi khác với thời đại của Hoài Thanh. Thời của Hoài Thanh, tài năng lấp lánh như sao đầy trời. Văn chương VN hôm nay rất hiếm tài năng. Như thế, làm gì có chỗ cho phê bình nghệ thuật. Người cầm bút viết văn làm thơ hôm nay  viết vì rất nhiều thứ ngoài văn chương. Thật khó tìm được một nhà thơ nhà văn dành cả đời mình để khám phá cái đẹp, viết để làm giàu có đời sồng tinh thần của nhân dân và làm phong phú vốn văn hóa của dân tộc. Lúc sinh thời, nhà thơ Hải Ba đọc bài tôi viết về thơ ông, ông đã phủ định thẳng thừng những nhận xét của tôi. Tôi hiểu ông ái ngại về những nhận xét ấy, vì nó dễ làm tổn thương con người xã hội của ông. Ông là một đảng viên. Mà đảng viên thời của ông (1960-1990) phải là những con người toàn vẹn, lý tưởng, không thể có khuyết điểm. Đọc thơ ông, tôi nhận ra những quan ngại của ông về lý tưởng ông theo đuổi, ông tỏ lộ những điều không thể chấp nhận (với tư cách đảng viên). Tôi biết ông sợ. Bởi ông đã sống suốt một đời treo nỗi sợ vô hình trên đầu.

Bây giờ tôi hiểu hơn về các Hội Văn Nghệ địa phương (kể cả Hội Nhà Văn trung ương).  Ở các Hội văn nghệ địa phương, chức năng của Hội là làm văn nghệ phục vụ chính trị. Hội có chức năng phát triển văn nghệ quần chúng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ cụ thể:” Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận khăng khít của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, có sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu sắc với đời sống nhân dân...- Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. “Quy định số 284-QĐ/TW ngày 5-2-2010 của Ban Bí thư đã khẳng định: “Công tác cán bộ lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật là công tác cán bộ của Đảng. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật…” Các quan điểm ấy đã xác lập tiêu chí chính trị là tiêu chí tiên quyết của văn nghệ. Đó cũng là quan điểm của Đảng xuyên suốt trong các thời kỳ Cách mạng Việt Nam, từ Hội Văn Hoá Cưu Quốc 1943 đến nay. Điều này càng quan trọng khi tình hình đạo đức xã hội ngày càng suy thoái, và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu.

Vì thế Hội Văn Nghệ hay tạp chí Văn Nghệ của Hội trước hết, và tiên quyết, phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kế hoạch hoạt động của Hội hàng năm đều phải đặt mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tỉnh. Khi đã đặt tiêu chí chính trị làm tiên quyết thì vấn đề chất lượng nghệ thuật không phải là quyết định. Cũng vì thế vấn đề phê bình văn nghệ, trước hết phải đặt trên tiêu chí chính trị, lấy việc phục vụ các nhiệm vụ cách mạng là thang giá trị. Đánh giá tác phẩm là xem xét tác phẩm đáp ứng thế nào các nhiệm vụ chính trị, có sai phạm chính trị hay không? Thật cũng dễ hiểu Hội kết nạp tất cả những ai có khả năng cầm bút phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng (gọi chung là quần chúng), mà không bận tâm nhiều đến tài năng sáng tạo. Ngoài những nhà thơ nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà Văn có tay nghề chuyên nghiệp hơn, những người cầm bút khác trong Hội là thuộc về văn nghệ quần chúng. Tôi đã đọc văn nghệ Đồng Nai với tinh thần ấy.Và tôi cũng đọc VNĐN với tiêu chí khác, tiêu chí khám phá những cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật trong sự vận động nội tại của lịch sử văn học.

Văn nghệ Đồng Nai hiện nay đã có nhiều tên tuổi. Đó là các nhà văn (xin gọi chung là vậy) Anh Hoàng, Trần Thúc Hà, Tấn Hoài, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Đào Sỹ Quang, Nguyễn Một, Dương Đức Khánh, Trần Thu Hằng, Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh, Hạnh Vân… Các nhà thơ Cao Xuân sơn, Trương Nam Hương, Hải Ba (trước kia), Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Xuân Bảo, Hồng Phương, Đào Trọng Thử, Nguyễn Hoài Nhơn, Ngọc Thùy Giang, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Tiêu Thanh Giang, Khương Hà Bùi, Nguyễn Thị Khánh…Tôi đã được đọc ít nhiều tác phẩm của các tác giả này. Tôi thấy rằng đội ngũ nhà thơ nhà văn Đồng Nai sung sức, say mê văn chương, thực hiện tốt trách nhiệm nhà văn - chiến sĩ. Tác phẩm phục vụ tốt cho nhiệm vụ cách mạng của Đồng Nai (xin đọc tác phẩm của các trại sáng tác về học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh, đề tài Công nghiệp, đề tài Tam Nông, đề tài nhà giáo, nhà trường…). Cá nhân mỗi người cầm bút đều có những nỗ lực âm thầm tự thân. Những vấp váp lúc này lúc khác là trong quá trình vượt lên để trưởng thành, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Không có những sai phạm nặng nề như Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất của Nguyễn Khải hay Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh

Nhìn trong xu thế phát triển, có nhà văn Đồng Nai đã vươn tầm vóc đến với bạn đọc cả nước, tác phẩm đạt giải của Hội Nhà Văn. Đó là tín hiệu đáng mừng của Văn Nghệ Đồng Nai hôm nay. Tuy nhiên, xét ở mặt tài năng sáng tạo (khai phá lối viết mới, có được tư duy nghệ thuật mới) và phong cách độc đáo, thì văn chương của các tác giả Đồng Nai hôm nay còn mờ nhạt. Tôi chưa nhìn thấy triển vọng nào trên con đường phát triển của văn nghệ Đồng Nai, bởi đội ngũ chủ lực của văn nghệ Đồng Nai hôm nay đã nhiều tuổi, lực bất tòng tâm và đội ngũ kế thừa chưa khẳng định được tài năng và sức lực để đi trên con đường vạn dặm.

Là người viết phê bình văn chương, tôi quan tâm đến tác phẩm và giá trị tác phẩm (tôi không dùng chữ chất lượng). Bởi khi xét giá trị tác phẩm, thì tùy tiêu chí đánh giá mà tác phẩm có giá trị hay không. Khi đã lấy tiêu chí  phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng làm chuẩn, kết hợp với nhiệm vụ phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng làm nhiệm vụ trọng tâm thì tiêu chí về chất lượng nghệ thuật là chuẩn mực hạng hai. Và ngay cả lấy chuẩn mực nghệ thuật, thì thế nào là hay, thế nào là không hay cũng không dễ phân định rạch ròi. Thế nên nhiêu khi tôi cũng băn khoăn về một vài việc liên quan đến tiêu chí. Chẳng hạn giải Trịnh Hoài Đức đặt ra tiêu chí tác phẩm phải có ít nhất 50 phần trăm nội dung viết về đất nước con người Đồng Nai. Điều này đúng với yêu cầu chính trị, nhưng thật khó cho nhà văn. Bởi văn chương cần phải vượt qua cái ao làng, vươn tới cộng đồng cả nước và cộng đồng thế giới. Cuốn Chút Tình Tri Âm của tôi được giải khuyến khích vì tiêu chí này, mặc dù tôi mất 4 năm mới hoàn thành, trong khi có bài hát viết về Đồng Nai lại đạt giải A, giải B. Thú thực nếu có cảm hứng, một nhạc sĩ có thể chỉ mất 30 phút là viết xong một ca khúc, không cần mất 4 năm như tôi. Vâng, còn nhiều điều băn khoăn, nhưng điều quan trọng đối với một người cầm bút không phải là giải thưởng, mà là anh có viết được không, tác phẩm của anh có được cộng đồng công nhận hay không, tác phẩm ấy có sống được với thời gian hay không?

Tất nhiên là chính quyền và nhân dân Đồng Nai mong mỏi các văn nghệ sĩ Đồng Nai viết được những tác phẩm lớn. Đó là món nợ mà chưa nhà văn nhà thơ Đồng Nai nào trả được (ngoại trừ Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn). Ngày xưa (1925-1940), M.Sôlôkhôp chỉ viết về sông Đông cũng trở thành nhà văn thế giới (tác phẩm Sông Đông Êm Đềm). Sông Đồng Nai vẫn đang nhẫn nại chờ các nhà văn nhà thơ Đồng Nai viết về mình, như thể Sông Đồng Nai Êm Đềm (tôi giả định vậy). Dầu vậy, số lượng tác phẩm được in và được giải của Ban Van Học Hội VHNT Đồng Nai là những tín hiệu đáng mừng và là những nỗ lực thật đáng trân trọng. Trong 5 năm (2007-2013) nhà văn nhà thơ Đồng Nai đã in 70 tác phẩm, trong đó có  tác phẩm đạt giải của Hội Nhà Văn, của Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội VHNT Việt Nam.

Tập sách này không phải là văn học sử, cũng không có mục đích phản ánh phong trào sáng tác của văn nghệ Đồng Nai. Người viết chỉ chọn đọc tác phẩm trong phạm vi khả năng của mình, khám phá những gía trị tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật của tác giả trong từng tác phẩm cụ thể. Để ghi lại đôi điều ngẫm nghĩ, làm tư liệu cho người đi sau khi tìm hiểu văn chương nghệ thuật Đồng Nai. Các tác giả chuyên nghiệp được đọc chuyên chú hơn. Các tác giả văn nghệ quần chúng được đánh giá  ở mặt phong trào.

Tôi cũng sử dụng nhiều phương pháp phê bình để xem xét tác phẩm. Trước hết là phương pháp phê bình Cấu Trúc luận, xem xét ý nghĩa tác phẩm từ chính cấu trúc của nó, có khi ý nghĩa ấy không nằm trong chủ đích sáng tạo của tác giả. Rồi đặt tác phẩm trong tương quan với tác giả (phương pháp tiểu sử, phương pháp phê bình Phân Tâm Học), tương quan với xã hội (phương pháp Marxist), với văn hoá cộng đồng (Giải Cấu Trúc và chũ nghĩa Duy Vật Văn Hoá) để xem xét giá trị nội dung của tác phẩm. Tôi vận dụng Phong Cách Học và Thi Pháp Học để khám phá cái riêng của tác giả. Bao giờ tôi cũng lần theo ý thức sáng tạo, quan điểm thẩm mỹ của tác giả để tìm đường thâm nhập tác phẩm. Dẫu thế nào, mỗi góc nhìn chỉ thấy được một nửa sự thật. Và vì thế, phê bình gây ra tranh cãi, tranh cãi học thuật, điều ấy là bình thường. Đối với tôi, phê bình cảm tính, chủ quan, không đem đến bất cứ giá trị nào, và nhiều khi nó gây ra tai hoạ...

Tập sách có hai phần, Hoa Đỏ Bên Sông viết về các tác giả Đồng Nai, và Mở Thêm Cửa Sổ để nhìn rộng ra những khoảng trời khác của văn chương Việt Nam hiện nay.

Tháng 1.2013

 ________________________
 

 

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

ĐỀ THI TÚ TÀI & ĐH 2014 MÔN VĂN 12


CÁC BẠN BẤM VÀO LINK TẢI VỀ MÁY ĐỂ ÔN TẬP
https://shared.com/bu72b068e1?s=l

E. Hemingway


ĐỀ ĐƯỢC SOẠN THEO CHỈ THỊ CỦA BỘ GD VỀ ÔN THI MÔN VĂN 2014.
MỖI ĐỀ CÓ 2 PHẦN, PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VÀ PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN.

PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN, HS ĐƯỢC TIẾP CẬN VỚI NHIỀU KIỂU VĂN BẢN, NHIỀU KIỂU BÚT PHÁP VÀ NHIỀU KIỂU TƯ DUY NGÔN NGỮ.

PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN GỒM 1 ĐỀ NLXH VÀ 1 ĐỀ NGHỊ LUẬN VĂN HỌC.
ĐỀ NLXH, HS TRỰC DIỆN VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ ĐANG XẢY RA TRONG XÃ HỘI HÔM NAY. ĐỀ NLVH, HS KHÁM PHÁ TÁC PHẨM VH Ở NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
                                                                                                      Bùi Công Thuấn

Luyện thi Tú Tài & Đại Học
         BỘ ĐỀ THI MÔN VĂN
                     Soạn theo cách ra đề mới của
                                                          Bộ GD-ĐT 2014
                                                               (Tác giả giữ bản quyền)
 
      Đề 1 : Tuyên Ngôn Độc Lập-Hồ Chí Minh
      Đề 2 : Đất Nước- Nguyễn Khoa Điềm
      Đề 3 : Việt Bắc-Tố Hữu- Tướng Võ Nguyên Giáp
      Đề 4 : Tây Tiến- Quang Dũng-Đọc Nhà Tôi (Yên Thao)
      Đề 5 : Sóng – Xuân Quỳnh - Đọc thơ Đường
      Đề 6 : Đàn Ghita của Lorca-Thanh Thảo-Đọc thơ đương đại
      Đề 7 : Vợ Nhặt –Kim Lân- Đọc Thằng Bờm
      Đề 8 : Vợ Nhặt – Kim Lân-Đọc Nguyễn Ngọc Tư
      Đề 9 : Vợ chồng A Phủ -Tô Hoài-Đọc chợ tình
      Đề 10 : Rừng Xà Nu-Nguyễn Trung Thành
      Đề 11 : Những đứa con trong gia đình-Nguyễn Thi
      Đề 12 : Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu
      Đề 13 : Chiếc thuyền ngoài xa - đọc F. Kafka
      Đề 14 : Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân
      Đề 15 : Ai đã đặt tên cho dòng sông-Hoàng Phủ Ngọc Tường
      Đề 16 : Hồn Trương Ba da hàng thịt-Lưu Quang Vũ
      Đề 17 : Chí Phèo-Nam Cao
      Đề 18 : Đời Thừa- Nam Cao
      Đề 19 : Chữ Người tử tù - Nguyễn Tuân
      Đề 20 : Số Đỏ- Vũ Trọng Phụng- Đọc Thơ Dâng-R. Tagore
 
_____________________________
 
CÁC BẠN BẤM VÀO LINK TẢI VỀ MÁY ĐỂ ÔN TẬP

 

 

 CHỈ THỊ CỦA BỘ GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO VỀ ÔN THI MỘN VĂN 2014
Trước mắt, để kịp thời giúp giáo viên, học sinh ôn thi tốt môn học này cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 như tinh thần Công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT, các trường THPT lưu ý một số nội dung sau đây:
1. Việc thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 thực hiện theo hướng đánh giá năng lực học sinh nhưng ở mức độ phù hợp. Cụ thể là tập trung đánh giá hai kĩ năng quan trọng: kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết văn bản.
Đề thi gồm hai phần: đọc hiểuviết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu.
2. Cách thức ôn tập, kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết như sau:
a- Để làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh để làm ngữ liệu hướng dẫn đọc hiểu; xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng học sinh.
Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như:
+ Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản;+ Những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản;+ Một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.
b- Để làm tốt phần thi viết,  giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết vận dụng những kĩ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc/ và tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng mởtích hợp trong môn và liên môn, tập trung vào một số khía cạnh như:
+ Tri thức về văn bản viết (kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết), nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề văn;+ Các kĩ năng viết (đúng chính tả; ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…);+ Khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống).
- Về viết nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép nguyên si tài liệu. Bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào chuẩn kĩ năng viết nói chung và chuẩn kĩ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt.
Nhận được công văn này, đề nghị các Sở GDĐT, các trường THPT trực thuộc triển khai thực hiện đầyđủ và kịp thời đến giáo viên và học sinh./
                                                                            KT. BỘ TRƯỞNG
                                                                             THỨ TRƯỞNG
                            (Đã kí)
                                                                            Nguyễn Vinh Hiển



Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

NHỮNG THÚ VỊ TRONG “KHU VƯỜN HẠNH PHÚC’


NHỮNG THÚ VỊ TRONG “KHU VƯỜN HẠNH PHÚC’

(Đọc Khu Vườn Hạnh Phúc, truyện đồng thoại của Nguyễn Thái Hải. Nxb Trẻ 2014)

 

Bùi Công Thuấn
 
 

 

Khu Vườn Hạnh Phúc là cuốn sách thiếu nhi thứ 23 của Nguyễn Thái Hải và là cuốn thứ 45 của Khôi Vũ- Nguyễn Thái Hải.

 

Tôi không rõ các cháu thiếu nhi thích thú như thế nào khi đọc Khu Vườn Hạnh Phúc, nhưng người lớn tuổi như tôi, khi theo chân nhà văn Nguyễn Thái Hải vào Khu Vườn Hạnh Phúc, lại tìm thấy những cái thú vị rất riêng. Lúc đầu tôi tưởng mình chỉ là người đứng ngoài mà nhìn xem các cháu vui chơi trong vườn, giống như phụ huynh khi chở con đến nhà trẻ, thường đứng bên ngoài xem các cháu trong vườn chơi mẫu giáo rồi yên tâm ra về, tin rằng, ở nơi ấy, con mình được chăm sóc và giáo dục tốt. Thế nhưng, khi đặt chân vào Khu Vườn Hạnh Phúc của nhà văn Nguyễn Thái Hải, tôi đã bị cái đẹp và sức hấp dẫn của những câu chuyện trong khu vườn đưa mình vào thế giới trẻ thơ, được sống như trẻ thơ, trong một bầu khí đầy sức sống và thanh khiết. Đôi khi phải tự nhìn lại chính mình, nhưng khi ra khỏi khu vườn ấy, tôi vẫn thấy lòng âm vang bao điều điều thú vị.

 

Một hành trình khám phá, sáng tạo

 

Khu Vườn Hạnh Phúc chỉ là một khu vườn nhỏ, nhưng trong mắt nhà văn, mọi thứ đều mới mẻ và lung linh sắc màu. Đó là một hành trình khám phá sáng tạo. Không gian nghệ thuật là khu vườn xinh xắn với hàng chục cây ăn trái bao quanh, giữa có một sân cỏ rộng. Khu vườn ấy còn có cây táo sai trái và vô số những chậu hoa. Một góc sân cỏ, cây nhãn lòa xòa với căn nhà gỗ nhỏ xíu của ông Lu Lu cùng Mi Lu Anh và Mi Lu Em-hai chú chó nhỏ dễ thương… Trong vườn, còn có một chuồng chim bồ câu, một đàn gà, cô mèo nhỏ Miu Miu, bướm, đàn kiến, ếch, nhái, gián, rắn, chuột xù, ốc sên, gió và hoa quỳnh… Nhà văn đã khám phá ra một xã hội sinh động, đầy sức sống với những sinh hoạt, những biến cố, những con người, chứa đựng  cái đẹp và những bài học thú vị dành cho bạn nhỏ.

 

Đôi khi ta có thể bắt gặp một con mèo rượt theo một con sẻ trên sân, như một trò đùa nghịch vui vui vậy thôi, nhưng Nguyễn Tháu Hải có thể dựng nên một câu chuyện rất hay về chú Sẻ Bạc Má ỷ tài trêu chọc cô mèo Miu Miu, bị cô Miu Miu vồ, may mà có Milu Em cứu, nếu không chắc đã vong mạng. Ông Lulu đã nhắc nhở mọi người về bài học “đừng ỷ tài”

 

Những trận mưa thường làm ngập lụt sân nhà, đời sống sinh hoạt của bao gia đình gặp khó, nhưng Nguyễn Thái Hải lại khám phá ra trong Khu Vườn Hạnh Phúc một cộng đồng biết  chung sức giúp đỡ nhau, dù rằng, ở mỗi con người riêng lẻ có thể có những lúc “không ưa” gì nhau. Mưa làm cho cả khu vườn thành một cái ao khổng lồ. Tất cả phải núp vào mái hiên. Nơi đây có đủ mặt ông Lu Lu, anh em Milu, gia đình Gà, cô Miu Miu, một anh Cóc Tía, vài cậu Ếch, Nhái, một chú Dế, một chú Kỳ Nhông. Mi Lu Anh đã nhảy xuống nước cứu được một chú Gián, và một chú ếch con. Thật cảm động cảnh chú Dế làm hô hấp nhân tạo và ông Lu Lu hà hơi ấm cho Gián…Cô Miu Miu thường ngày không ưa gì bọn Ếch, Nhái, Dế, nhưng trong cảnh nước lụt như thế này, mọi người nương nhau mà sống thì cô tỏ ra hiền khô và rất quân tử nữa. Khi mưa tạnh, ông Lu lu ra vườn hỏi thăm những gốc cây, hoa mười giờ, cỏ xanh bị mưa gió và nước bẩn trùm lên. Ông động viên họ chịu khó. Đôi khi trong mưa, tôi có nhìn thấy đàn kiến bò trên cột, hay một con gián bơi trong nước, nhưng không thể hình dung được một thế giới đầy sức sống và đầy tình thương yêu như nhà văn miêu tả.

 

Tương phản với thế giới hiền hòa chung sống của mọi loài là cuộc đấu tranh quyết liệt đối với những kẻ phá hoại. Đó là gã Chuột hung bạo, gã Rắn nguy hiểm. Nguyễn Thái Hải miêu tả cuộc đấu tranh này thật hấp dẫn. Kẻ ác có nhiều thủ đoạn gây ác, lỳ lợm và tàn bạo. Gã Chuột rượt bắt gà con, ăn trứng bồ câu. Bị đánh đuổi, hắn vẫn gan lỳ ngoạm cánh bồ câu non lôi đi…Gã rắn xuất hiện là mang đến sự hiểm nguy cho cả cộng đồng. Hắn tấn công đàn gà và đàn bồ câu, ông Lulu khôg cản được. Rắn đánh ngã vợ chồng Gà. Milu Anh xuất hiện kịp thời giải cứu, nhưng bị rắn mổ cho mấy nhát.  Cô Miu Miu và Milu Em hợp sức chiến đấu cũng không xong. Cái ác, kẻ ác tưởng thắng thế, may còn có bác làm vườn, Rắn bị tiêu diệt. Những bài học tự nhiên toát ra từ những tình huống, những biến cố, và ghi lại những ấn tượng sâu sắc. Trong đời thường, có lẽ chẳng bao giờ ta được chứng kiến một cuộc chiến thực sự giữa cộng đồng những con vật hiền lành với loài thú ác như vậy. Vâng, đó là khám phá và sáng tạo.

 

Trong sự sáng tạo, Nguyễn Thái Hải cũng có những chi tiết thật tinh tế, giàu thẩm mỹ và giàu ý nghĩa nhân văn. Tôi rất thích chi tiết cây quỳnh nở hoa trong chương “không tha kẻ phá hoại”. Đánh đuổi được gã Chuột hung dữ, các loài đã mở tiệc mừng. Đàn chim con trình bày một màn múa, Một cô chim đang tuổi cập kê hát một bản tình ca. Đặc biệt, một cây Quỳnh tình nguyện nở hoa sớm trước căn nhà gỗ để tô điểm cho buổi họp mặt. Sự xuất hiện của đóa quỳnh trong đêm liên hoan của các loài đem đến hương hoa và sắc màu, tất cả tạo nên thế giới của cái đẹp tinh khiết, như chính tâm hồn trẻ thơ.

 

Những bài học thú vị

 

Viết cho thiếu nhi, dù là kể truyện gì, nhà văn cũng phải đặt mục đích giáo dục lên trước tiên. Nhưng sự giáo huấn lộ liễu, khô khan, áp đặt thường gây phản cảm. Nhà văn sẽ bị gò ngòi bút vào những khuôn, sẽ phải viết những lời dạy dỗ, và vì thế, nhiều khi phải hy sinh sự sáng tạo và tính nghệ thuật của tác phẩm. Truyện đồng thoại của Nguyễn Thái Hải có thể đem đến cho người đọc và những người viết văn khác nhiều kinh nghiệm về tính giáo dục của truyện viết cho nhi đồng.

 

Nguyễn Thái Hải nhấn mạnh đến bài học giáo dục ở từng chương, nhưng truyện vẫn hấp dẫn. Nhan đề mỗi chương là một bài học. Kết thúc chương tác giải lại nhắc lại bài học ấy : Hãy can đảm làm việc phải, Đừng ỷ tài, Đức hy sinh đáng quý, Giúp đỡ kẻ hoạn nạn, Đừng liều lĩnh, Sức khỏe là vàng,…tài năng của nhà văn là ở chỗ kể được những câu chuyện mà tự cốt truyện, hình tượng, tình huống chứa đựng được bài học một cách tự nhiên, hiển nhiên như chân lý, đầy sức thuyết phục.

 

Câu chuyện về sự hy sinh của bà bồ câu Bạch thật cảm động. Đàn bồ câu trở nên đông đúc. Chuồng bô câu chật chội. Một đôi bồ câu ra riêng, và cô dâu đến ngày sinh nở. Bà bồ câu Bạch, dù cũng đang bụng mang dạ chửa, đã nhường ngăn chuồng của mình cho bạn trẻ. Bà ra nằm ngoài hiên, trò chuyện chỉ bảo cho cô bồ câu trẻ. Rồi hai đứa con cô bồ câu chào đời an lành. Trời bỗng đổ mưa, từ trưa đến đêm. Mưa tạt ướt ổ rơm bà bồ câu bạch, bà vẫn xòe cánh ấp trứng trong  sự lo lắng của ông bồ câu và anh bồ câu trẻ. Khi cơn mưa tạm ngớt, hai đứa con bà bồ câu Bạch chào đời. Bà kiệt sức, qua đời. Hàng xóm xúm lại mỗi người giúp một tay, nhưng không cứu được bà bồ câu. Xác bà lạnh cứng, đôi cánh duỗi ra che phủ gần hết ổ rơm. Hôm sau cậu chủ nhỏ phát hiện, bảo bác làm vườn chôn bà bồ câu Bạch ở gốc cây. Buổi tối, ông Lulu làm lễ  tưởng niệm, ông đã đọc điếu văn ca ngợi đức hy sinh của bà. Tôi tin chắc câu truyện có sức lay động tâm hồn trẻ nhỏ về đức hy sinh của người mẹ, về tình người, tình cộng đồng, về cả lòng biết ơn với những người đã hy sinh.

 

Những bài học về đừng ỷ tài, đừng liều lĩnh, tham thực cực thân, giúp đỡ kẻ hoạn nạn, bảo vệ danh dự tránh voi không xấu mặt nào cũng thú vị, ấn tượng và sâu sắc như vậy. Chương Hạnh Phúc Trong Lòng Ta không chỉ dành cho thiếu nhi và cho cả người lớn. Chương này đã nâng truyện đồng thoại cho thiếu nhi thành truyện tư tưởng đặc sắc, mà hiếm tác giả viết cho thiếu nhi đạt được. Gà Tơ hỏi mẹ :”Thưa mẹ, vậy đúng ra, con phải nghĩ thế nào về hạnh phúc?”. Nói cách khác, “hạnh phúc là gì”. Đây là một câu hỏi mà con người hằng kiếm tìm, và tùy mỗi góc độ, người ta có những quan niệm về hạnh phúc và đau khổ rất khác nhau. Nguyễn Thái Hải để thím gà mẹ dắt Gà Tơ đi dạo quanh vườn, quan sát mọi loài mọi vật mà nhận ra ý nghĩa của vấn đề. Đầu tiên là gốc Táo sai quả. Thím gà hỏi con nhưng cũng là khẳng định:”làm tròn bổn phận kết trái của minh đem lại niềm vui cho chủ, như thế có phải là hạnh phúc không?”. Đi qua sân cỏ, mẹ con thím Gà nhìn những ngọn cỏ vươn lên trong nắng mai reo hát trước gió, tiếng cười rộn rã thật vui, và nghe cỏ nói :”bất cứ nơi nào có đất, có ánh mặt trời là có mặt chúng tôi”, Thím Gà nói con ghi nhớ điều này: “cuộc sống vô tư cũng là cuộc sống hạnh phúc chan hòa nữa…”. Cảnh ông Lu Lu kể chuyện cổ tích cho Mi Lu, bồ câu, đó cũng là hạnh phúc . Anh em Gà Ô chăm lo luyện tập, thương yêu nhau cũng là hạnh phúc. Nhìn theo đám bông mười giờ nở, Gà Tơ hỏi mẹ :”Sống theo lẽ tự nhiên của trời đất, đó cũng là hạnh phúc phải không me?- Chính thế”. Nhìn năm con bồ câu tập dợt say mê, Gà thím nói :”Ai mà không vậy, say mê với công việc hằng ngày và làm cho trọn vẹn, thì dù có mệt nhọc đến đâu, trong tâm hồn cũng thấy tràn trề… hạnh phúc…”. Nhìn chú Gà và các em đi dạo vui vẻ, đó cũng là hạnh phúc. Gà Tơ nhìn cha mẹ, nó nghĩ đây cũng là hạnh phúc. Nhìn cô Miu Miu hiền lành  bên cậu chủ đang cho bồ câu ăn thóc, thím Gà nói :“Một đời sống thân thiện, an phận cũng có thể gọi là hạnh phúc”. Ông chủ ra sân, cậu chủ khoe đàn bồ câu, Gà Tơ nói với mẹ, gia đình ông chủ thật hạnh phúc. Sau cùng Gà Tơ hỏi mẹ,”Có phải hạnh phúc đích thực chỉ có được do sự bằng lòng với những gì mình có, phải không mẹ?”. Thím Gà nhìn con đáp âu yếu :”Hạnh phúc ở trong lòng ta.”. Nguyễn Thái Hải đã dẫn bạn đọc đi và nhận ra hạnh phúc ở quanh ta, hạnh phúc thật nhiều và đa dang.

 

Có thể nói chương Hạnh Phúc Trong Lòng Ta là một tổng luận về hạnh phúc của Nguyễn Thái Hải. Vấn đề có thể vượt quá sức hiểu của trẻ, và cũng chưa phải là một nhu cầu tinh thần của trẻ, bởi trẻ con thường hồn nhiên, vô tư, vui chơi, không trăn trở nghĩ suy như người lớn. Dù vậy, việc chỉ ra cho trẻ ý nghĩa đích thực của hạnh phúc cũng là điều cần thiết, bởi câu hỏi căn cốt của cuộc sống là hạnh phúc. Với Nguyễn Thái Hải, Hạnh phúc là hướng về tha nhân, về cộng đồng, mà làm việc và cống hiến, làm tròn trách nhiệm của mình. Với bản thân, hạnh phúc nằm trong sự say mê làm việc, sống thuận theo lẽ tự nhiên, bằng lòng với những gì mình có, thân thiện và yêu thương tha nhân. Hạnh phúc ở trong lòng ta.”Quan niệm về hạnh phúc như thế có nhiều yếu tố tinh túy của tư tưởng  phương Đông và phương Tây, lại rất thực tiễn. Điều thú vị là Nguyễn Thái Hải phát hiện ra những tư tưởng ấy từ những hình ảnh cụ thể, đời thường mà trẻ có thể tiếp nhận dễ dàng. Gà Tơ hỏi đám Bông Mười Giờ: “-Tại sao các bạn không thử nở sớm một chút coi nào?”Bông Mười Giờ hỏi lại :” …Nở sớm để làm gì?”, và khi nắng lên, Mười Giờ nở rộ. Gà Tơ hỏi mẹ :”Sống theo lẽ tự nhiên của trời đất, đó cũng là hạnh phúc phải không mẹ?”.Tôi chưa bao giờ nhìn hoa Mười Giờ nở mà có thể nhận ra một triết lý sống đẹp như vậy. Nói cho cạn nhẽ, Khổng Tử nói sống thuận theo Thiên Mệnh hay Lão Tử nói đến “vô vi” cũng chỉ là sống theo lẽ tự nhiên của trời đất mà thôi, giản dị như hoa Mười Giờ nở mỗi ngày.

 

Tôi tâm đắc những điều Nguyễn Thái Hải nói với trẻ về tính cộng đồng, lối sống tình nghĩa, về bảo vệ những giá trị nhân bản (lòng yêu thương, đức hy sinh, sự tương kính...) và giá trị truyền thống (tinh thần đoàn kết, tính trung thực, lòng nghĩa khí, thái độ quyết liệt đối với cái xấu, cái ác...). Trong xã hội hôm nay, người trẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, sống thực dụng vô luân, chạy theo những hào nhoáng và những giá trị ảo, vô cảm trước nỗi thống khổ của tha nhân và tội ác man rợ xảy ra hàng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc; thì tiếng nói của nhà văn Nguyễn Thái Hải là sự khẳng định mạnh mẽ những giá trị nhân bản cần vun đắp cho thế hệ trẻ, nhất là các cháu thiếu nhi. Giá trị tiếng nói của nhà văn là ở ngôn ngữ nghệ thuật và những hình tượng đủ sức chuyển tải tư tưởng. Tôi tin là nhà văn Nguyễn Thái Hải trong Khu Vườn Hạnh Phúc đạt được những gía trị ấy.

 

Và những chia sẻ

 

Tôi hiểu, viết cho nhi đồng rất khó, và viết được như Khu Vườn Hạnh Phúc, truyện cho thiếu nhi không có nhiều. Văn Nguyễn Thái Hải dung dị, hấp dẫn và giàu tính tư tưởng. Bên dưới những truyện kể là tấm lòng nhân ái thiết tha nhà văn dành cho thiếu nhi và cho cuộc đời. Quan niệm của Nguyễn Thái Hải về hạnh phúc trong chương Hạnh phúc ở trong lòng ta có thể là tư tưởng nền tảng nhiều tác phẩm của ông, và của chính đời sống hiện thực của nhà văn. Cùng với năng lực sáng tạo phong phú, bấy nhiêu điều đủ làm nên giá trị cho tập truyện.

 

Khu Vườn Hạnh Phúc là một truyện dài có kết cấu “lỏng lẻo” của cách viết hiện đại. Mỗi chương có thể đứng độc lập như một truyện ngắn với cốt truyện, nhân vật, tình huống và chủ đề riêng biệt. Tuy nhiên, cả tập truyện lại thống nhất trong một khung cảnh, sự tương quan giữa các nhân vật, và thống nhất một chủ đề. Nguyễn Thái Hải khai thác ở mỗi chương là câu truyện của một nhân vật chính. Truyện của Milu, của Sẻ Bạc Má, gã Chuột hung bạo, bà bồ câu Bạch hy sinh, truyện tình của cô Miu, chú Gà và Đại Bạch, lũ Sên, bồ câu tập bay. Điều đặc sắc là Nguyễn Thái Hải luôn khám phá ra những tình huống bất ngờ đẩy cao kịch tính và thường kết thúc truyện có hậu. Chính những tình huống bất ngờ đầy sáng tạo làm cho truyện phong phú và hấp dẫn. Mỗi truyện còn có màu sắc thẩm mỹ riêng, góp thành những sắc màu trong một hòa điệu lấp lánh. Chương 1 là mối thương cảm Milu bị đòn oan. Chương 2, chim Sẻ Bạc ỷ tài trêu ghẹo cô Miu, bị Miu vồ súyt chết, vậy cũng đáng. Chương 3, Không tha kẻ phá hoại, hồi hộp như một truyện trinh thám. Chương 4. Sự hy sinh của bà bồ câu Bạch để lại mối buồn thương sâu sắc. Chương 9, cuộc thách đấu của Chú Gà và Đại Bạch mang tinh thần nghĩa khí dân gian Nam bộ ….chương cuối là niềm vui và hạnh phúc tràn ngập cả khu vườn.

 

Nếu được chia sẻ, tôi xin có vài suy nghĩ riêng. Nguyễn Thái Hải kể chuyện tình của cô Miu Miu và cuộc đánh ghen của Mướp có quá lớn so với tuổi thiếu nhi chăng? Truyện có thể gây ra những nghi ngại của trẻ với người lớn, có thể khứa vào mặc cảm của những em mà gia đình bố mẹ có những gãy đổ. Ở một vài truyện khác, đành rằng cái xấu, cái ác phải bị tiêu diệt, kẻ xấu phải bị trừng trị, nhưng kết thúc số phận của gã Chuột (Không tha kẻ phá hoại), gã Rắn (Tránh voi không xấu mặt), bằng “bạo lực”, cùng với nhiều cảnh “bạo lực” khác (Sức khỏe là vàng, Quyết bảo vệ danh dự), liệu có khơi dậy tính tính “hiếu thắng” ở trẻ con không? Tôi cũng thấy, ở những truyện có “đánh võ”, Nguyễn Thái Hải chưa khai thác được những chiêu thức đặc trưng của các loại “võ” như “võ mèo”, “võ rắn”, “võ gà”, “võ cẩu” trong các cuộc chiến đấu…Thế nên cuộc thách đấu của chú Gà và Đại Bạch (Quyết bảo vệ danh dự) chỉ được miêu tả bằng vài “chiêu” như “đá song phi, bồi thêm một cú đá, vươn mỏ tới mổ thật mạnh”, Nói vui vậy, hẳn bạn đọc nhận ra nhà văn có nhiều cách tạo hấp dẫn cho câu truyện…

 

Tôi nghĩ rằng một vài chương trong tập truyện này có thể đưa vào sách giáo khoa cho trẻ đọc, bởi truyện có nội dung hay và sâu sắc về tư tưởng, tính giáo dục rất cao.  Năm 2012 Hội Nhà Văn tổ chức hội thảo “Văn học cho thiếu nhi nhìn từ miền Đông Nam Bộ” ở Đồng Nai. Đến nay, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã góp được một tập truyện hay vào thành quả của hội thảo. Đó là một nỗ lực sáng tạo thật quý giá.

 

Xin chúc mừng sự thành công của nhà văn Nguyễn Thái Hải.

 

Tháng 4 năm 2014