Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017
NHÀ PHÊ BÌNH LÝ THUYẾT
Lý luận và phê bình văn học-Diện mạo của một thời
NHÀ PHÊ BÌNH LÝ THUYẾT
Bùi Công Thuấn
Nhà phê bình lý thuyết là những người giới thiệu các lý thuyết phê bình. Và cũng từ góc độ lý thuyết, họ bàn luận về những vấn văn học. Hầu hết họ là các Giáo sư, Phó Giáo sư -Tiến sĩ ở các Viện, các trường Đại học, công việc chính là nghiên cứu. Cũng có người viết phê bình văn học. Tôi không viết về những công trình nghiên cứu học thuật của họ. Tôi đọc họ với tư cách họ là nhà phê bình văn học. Với tôi, năng lực thẩm thấu và vận dụng lý thuyết là thước đo năng lực của nhà phê bình. Họ góp phần tạo nên diện mạo lý luận phê bình của một thời.
NHỮNG KHUÔN MẶT GHI ĐƯỢC DẤU ẤN
Viết về những nhà phê bình lý thuyết hôm nay, tôi chợt nhớ đến GS Nguyễn Văn Trung ở Sài gòn trước 1975. Bộ sách Lược khảo văn học (3 cuốn) của ông đến nay vẫn còn giá trị tham khảo. Đặc biệt cuốn 3. Ông dành tâm huyết giới thiệu các lý thuyết phê bình cho những nhà phê bình. Đó là các phương pháp Phê bình ấn tượng, Phê bình giáo khoa, Phê bình luân lý, phê bình tâm lý theo tính tình học và Phân tâm học; Phê bình xã hội theo Taine và Mác- xít; Phân tâm phê bình cùa Charles Mauron; Phân tâm hiện sinh của J.P.Sartre; Phân tâm vật chất của G. Bachlard; Phê bình chủ đề của J.P.Richard, Paul Weber, G. Poulet; Phê bình cơ cấu của Goldmann, R.Barthes. Nguyễn Văn Trung được coi là một nhân cách trí thức ở miền Nam trước 1975.
Nhà nghiên cứu, biên khảo và phê bình văn học Thụy Khuê ở Pháp tiếp bước GS Nguyễn Văn Trung giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học ở phương Tây thế kỷ XX. Do môi trường làm việc thuận lợi, cùng với thái độ nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, Thụy Khuê cung cấp những tri thức căn bản, có hệ thống, đáng tin cậy, cho những ai muốn tìm hiểu các lý thuyết phê bình phương Tây thế kỷ XX. Không phải vô tình, trong Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV ở Tam Đảo 2016, nhà phê bình Nguyễn Hòa đã trích dẫn ý kiến của Thụy Khuê trong bài Hậu hiện đại thực chất và ảo tưởng làm cơ sở cho nhận định của mình trong bài viết về Một số lý thuyết ngoại nhận và văn học Việt nam gần đây.[a] Về những lý thuyết phê bình được dùng trong bài viết này, tôi tham khảo Thụy Khuê. Thụy Khuê có nhiều bài phê bình văn học, phạm vi quan tâm của bà rất rộng, từ văn học trước 1945 đến văn học Miền Nam (1755-1975), văn học Việt Nam ở hải ngoại và văn học trong nước đương đại. Tâm huyết của bà đối với văn học Việt Nam thật đáng quý.
Những năm gần đây (từ 2010), GS-TS Trần Đình Sử nổi lên như một khuôn mặt trí thức có uy tín học thuật. Giữa những ồn ào, xô bồ của những luồng ý kiến trái chiều, “loạn chuẩn” trên văn đàn, thì ý kiến của GS-TS Trần Đình Sử là có thẩm quyền và đáng tin cậy (?). Bởi ông là người có uy tín và ông cũng khôn ngoan giữ gìn uy tín ấy. Ông giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội, bộ môn Lý luận văn học từ giữ những năm 1960. Ông là chủ biên chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn trung học phổ thông. Do những đóng góp to lớn về giáo dục và văn học, ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000...Nhìn vào vị trí của ông, người ta có thể hiểu được ảnh hưởng của ông rất rộng trong công chúng và trong học thuật. Tôi ngờ rằng, ông cũng muốn thể hiện thái độ của một trí thức trong thời đại của mình như GS Nguyễn Văn Trung trước kia ở Sài Gòn. Tuy nhiên, thân phận của ông khác GS Nguyễn Văn Trung nhiều.
Người viết lý luận phê bình có sức hấp dẫn là TS Đỗ Lai Thúy (tiến sĩ Lịch sử văn hóa Nghệ thuật, phó giáo sư văn học). Một bài viết trên Tiền phong online nhận xét “Chẳng “đứa con tinh thần” nào của Đỗ Lai Thúy chào đời mà trời yên bể lặng. Thế nào cũng có giông bão ở cấp độ khác nhau. Bản thân Đỗ Lai Thúy cũng khoái khiêu khích, chia rẽ dư luận. Anh bảo, khi nào những “đứa con” của anh được thiên hạ dang tay ôm ấp, chỉ số ít quay lưng, thì lúc ấy anh giải nghệ cũng vừa” [b]. Ông đã có nhiều đứa con như thế: Mắt thơ (1992), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (1999), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật (2000), Nghệ thuật như là thủ pháp (2001), Chân trời có người bay (2002), Sự đỏng đảnh của phương pháp (2004), Bút pháp của ham muốn (2009), Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (2010), Thơ như là mỹ học của cái khác (2013), vẫy vào vô tận (2014)…Điều thú vị mà Đỗ Lai Thúy đem đến cho phê bình văn học đương đại là sự vận dụng nhiều lý thuyết phê bình văn học để khám phá văn học Việt Nam. Ông tự đặt ra mô hình tiếp cận tác phẩm văn học thu tóm hầu hết các lý thuyết phê bình đương đại. Mô hình tiếp cận của ông gồm ba bước: Tiếp cận tiền văn bản, văn bản và hậu văn bản. Ở mỗi bước ông thực hiện như sau: Tiếp cận tác phẩm từ tác giả: Phê bình tiểu sử học, Phê bình văn hóa-lịch sử, Phê bình xã hội học, Phê bình phân tâm học. Tiếp cận tác phẩm từ văn bản: Phê bình phong cách học, Phê bình Thi pháp học,Phê bình Cấu trúc-Ký hiệu học,Phê bình phân tâm học, Phê bình văn học từ hệ thống văn hóa. Tiếp cận tác phẩm từ người đọc: Phê bình theo lý thuyết tiếp nhận, Phê bình hậu/ Giải cấu trúc. Phê bình Thông diễn học, Phê bình Nữ quyển luận, Phê bình hậu thực dân, Phê bình phân tâm học. Gần như trên sân chơi phê bình văn học, ông một mình một ngựa “Vẫy vào vô tận”.
PGS-TS La Khắc Hòa (ĐHSP Hà Nội), người dịch và giới thiệu văn bản của nhiều tác giả nước ngoài viết về lý luận và phê bình văn học như Juri Lotman, V. B. Shklovski, Y.N.Tynhianov, Iu.V. Satin, V. I. Chiupa, A. E. Makhov, Julia Kristev. Ông tỏ ra biết nhiều. Nhưng khi bình bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, thì những tri thức về phê bình văn học ông đã dung nạp, không giúp ích gì cho ông. Ông không sao thâm nhập được vào cấu trúc bài thơ và giải cấu trúc để phát hiện ra những nghĩa ẩn khuất, những nghĩa “bị bỏ sót”. Ông học Jakobson, săm soi vần điệu, chữ nghĩa vụn vặt. Ông cũng học Hoài Thanh, viết những dòng bay bổng những con chữ nhưng không có nghĩa. Ông gọi bài thơ là một bản tốc kí tâm trạng. Ông nói dài về lý luận nhưng hầu như chỉ lặp lại ý kiến của người khác.[c] Ở ông, giữa lý thuyết và thực hành phê bình có một khoảng cách không thể vượt qua (?)
Có thể nhận ra nhiều khuôn mặt lý luận phê bình khác với những nét riêng như: PGS-TS Nguyễn Văn Dân (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); TS Trần Hoài Anh (Trường ĐH Văn hóa Tp Hồ Chí Minh), người có nhiều chuyên luận về văn học miền Nam trước 1975; TS Ngô Tự Lập (Khoa Quốc tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội); PGS-TS Phạm Quang Trung (ĐH Đà Lạt); các PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Trương Đăng Dung, Trịnh Bá Đĩnh, TS Trần Thiện Khanh (Viện Văn học); TS Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn (ĐHSP Hà Nội); TS Lê Thành Nghị, TS Phan Trọng Thưởng...Người Việt hải ngoại viết lý luận phê bình, ngoài Thụy Khuê, có thể kể đến TS Nguyễn Hưng Quốc (ĐH Victoria-Úc), Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quân (Victoria University, Melbourne), Nguyễn Đức Hiệp (Sydney), nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc (Cal State University và Golden West College), GS Trần Văn Đoàn (Giáo Sư Triết Học, Đại Học Quốc Gia Đài Loan), các nhà thơ Ngu Yên, Đỗ Quyên, Nguyễn Đức Tùng…
GS-TS Hồ Sỹ Vịnh (ĐH Quốc tế Sài Gòn) nhận xét: “Đội ngũ các nhà lý luận - phê bình đông đảo hơn cả là ở giai đoạn 1945-2000. Phần lớn họ được đào tạo cơ bản tại các trường Đại học danh tiếng ở trong nước và nước ngoài dần dần trở thành những nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp, trong số đó nhiều vị được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.”[d]
2.SỰ TIẾP THU CÁC LÝ THUYẾT PHÊ BÌNH VĂN HỌC
PGS-TS La Khắc Hòa (Lã Nguyên) viết 3 bài có ý nghĩa tổng thuật và nhận định vể lý luận, phê bình văn học Việt Nam. Đó là: Việt Nam thế kỷ XX và những xu hướng lựa chọn tư tưởng văn nghệ nước ngoài, Lý luận, phê bình văn học Việt Nam thời hậu chiến, và Các lý thuyết văn nghệ hiện đại phương Tây từ 1986 đến nay. Sau khi giới thiệu nhiều công trình lý luận văn học và đánh giá những tác giả tiêu biểu, ông nhận định: “Có thể khẳng định chắc chắn, trong vòng 30 năm nay, chúng ta đã dịch và giới thiệu với công chúng Việt Nam gần như tất cả những hệ thống lí luận văn nghệ hiện đại nhất của phương Tây ở thế kỉ XX. “[e]
Đúng như PGS-TS La Khắc Hòa nhận xét. Đã qua cái thời độc tôn của chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cũng qua rồi cái thời mọi lý thuyết văn học phương Tây đều bị coi là lý thuyết của giai cấp tư sản phản động. Chủ nghĩa Cấu trúc, chủ nghĩa Hậu hiện đại rất bị nghi kỵ!
Có điều, bây giờ người ta lại vồ vập mọi lý thuyết văn học, văn hóa phương Tây. Bài viết của nhà nghiên cứu dày đặc tên các tác giả nước ngoài, từ Aristote, Plato, Kant, Nietzsche, Heidegger, đến Freud, Bakhtin, Lotman, Lyotard, Derrida, Foucault, Kristeva, Lacan, Gadamer,Wolfgang Iser, Ludwig Wittgenstein, Roland Barthes, Huizinga, …
Điều này có ý nghĩa gì?
Việc giới thiệu được các lý thuyết văn học thế giới vào Việt Nam là một thành công của xu hướng dân chủ hóa trong học thuật và tư tưởng. Chắc chắn sẽ có những tác động tích cực đến lý luận và phê bình văn học ở Việt Nam. Xu hướng dân chủ hóa trong học thuật và sáng tác là một đòi hỏi mạnh mẽ nhiều chục năm qua của người sáng tác và các nhà lý luận, nhưng chỉ đến những năm gần đây giới lý luận mới dám lên tiếng trực tiếp nói về những hạn chế của lý luận phê bình Mác-xít, và yêu cầu cập nhật, đổi mới lý luận.
GS-TS Trần Đình Sử trong bài Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học đòi đặt lại tất cả vấn đề: “Giải cấu trúc đem lại một ý thức phản tư. Nó muốn soát xét lại tất cả, không trừ một chỗ nào, mọi nguyên lí, định lí, nguyên tắc, phương pháp, nhận định, khái niệm, làm rõ những điểm mù, tìm đến các khía cạnh mới, hợp lí. Giải cấu trúc đòi hỏi phải viết lại văn học sử, viết lại lí luận, đọc lại người trước với tinh thần khoa học, phát hiện mọi ngộ nhận, mọi thành kiến, phát hiện những nhận thức mới, chân lí mới, đưa người đọc vào những tìm tòi mới. [4]
Năm 2008, trên Talawas, Lã Nguyên kết luận bài viết Số phận lịch sử của nền lý luận văn học Xô-viết chính thống như sau: “dẫu có lòng hoài cổ đến đâu thì rồi vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật: Nền lí luận văn học chính thống ở Liên Xô trước kia đã trọn đời mãn kiếp, hoàn tất vai trò lịch sử của nó. Nhiều trang sách cũ thế là đã vĩnh viễn gấp lại. “[5]
Đổi mới, cánh cửa tiếp xúc với bên ngoài được mở rộng, cái nền lý luận cũ bị vượt qua , không còn nền tảng học thuật để xem xét các vấn đề văn học, trong khi việc tiếp thu lý luận mới còn ở dạng nguyên liệu thô, thì tất yếu dẫn đến “khủng hoảng” lý luận.
Trong bài Lý luận văn học, khủng hoảng và lối thoát, GS-TS Trần Đình Sử lý giải: “Khủng hoảng là gì? Là trạng thái quá độ nặng nề từ một hình thái lí luận này chuyển sang hình thái lí luận khâc. Lí luận cũ với hệ giá trị cũ đã mất hiệu lực, nhưng chưa mất đi thật sự, lí luận mới đã được nối kết, nhưng chưa được hình thành hẳn. Trạng thái bây giờ là nửa nọ, nửa kia, cũ mới đan xen.” Ông đòi hỏi phải thay đồi: “Đánh giá cuộc khủng hoảng lí luận chúng ta cần làm sáng tỏ mấy vấn đề: Trong thế giới hiện nay liệu có thể tồn tại một hình thái lí luận khép kín, độc tôn được không? Liệu có thể tồn tại một hình thái lí luận chỉ dựa vào quyền lực mà tự duy trì được các nguyên lí không? Liệu có nền lí luận văn học mà chỉ có một thứ lí luận phát triển trên cơ sở một học thuyết được tồn tại hay không? Liệu có một thứ lí luận văn học mà chỉ do các nhà lãnh đạo bao biện làm thay, không có tác giả lí luận văn học bình thường nào khác được không? Trả lời các câu hỏi ấy chúng ta sẽ thấy cuộc khủng hoảng lí luận văn học vừa qua là một dấu hiệu của sự tiến bộ rất đáng khích lệ.” [6]
PGS-TS Nguyễn Văn Dân nói đến những hạn chế trong việc tiếp thu lý thuyết văn học nước ngoài là: Chưa chú ý đầy đủ đến tính khả dụng của lý thuyết, tình trạng sai biệt trong tiếp thu lý thuyết, tình trạng thiếu suy xét trong tiếp thu… [7] Ông nói cụ thể về việc tiếp thu Hậu hiện đại trong bài Chủ nghĩa hậu hiện đại-Tồn tại hay không tồn tại: “Nhiều người chỉ nghe người nước ngoài nói thế nào về hậu hiện đại thì nói theo như thế ấy mà không hề có ý thức rõ ràng về nó. Chẳng hạn có người khi đọc thấy một ý kiến vô căn cứ của một người nước ngoài cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại có những đặc điểm gần với chủ nghĩa Mác, thế là lấy ngay ý kiến đó làm tiêu chuẩn để phán xét hậu hiện đại mà không hề biết rằng quan điểm của một chủ soái hậu hiện đại (Francois Lyotard) lại cho rằng chủ nghĩa Mác là một “đại tự sự” cần phải xoá bỏ. Và gần đây, tôi cũng lại bắt gặp ý kiến của một tác giả Việt Nam cho rằng “chủ nghĩa hậu hiện đại chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Mác”! Điều này thật là khôi hài. Nó càng chứng tỏ trong số những người cổ xuý cho [chủ nghĩa] hậu hiện đại, có nhiều người chẳng hiểu gì về [chủ nghĩa] hậu hiện đại.[8]
Trong bài này PGS-TS Nguyễn Văn Dân phê phán trực diện GS Phương Lựu. Sau đó GS Phương Lựu đã phản hồi như sau: “Tuy có hấp thu ý kiến của học giả nước ngoài, nhưng trong nhiều năm qua, bạn Dân dồn sức vào chứng minh sự giống nhau như hệt giữa chủ nghĩa hiện đại với chủ nghĩa hậu hiện đại trên các vấn đề như phi lý tính, phi chủ thể, phi xác định .v.v… để cho rằng không có chủ nghĩa hậu hiện đại…Bạn Dân đúng là tham bác nhiều tài liệu và là người có chủ kiến, nhưng có lẽ do đọc quá nhiều, mà lại lắm chủ kiến cho nên cuối cùng không làm chủ được ý kiến của mình. Chỉ một bài viết ngắn được sửa chữa nhiều lần trong nhiều năm qua, mà ý tứ không rõ ràng nhất quán, luận chứng mâu thuẫn không trọn vẹn! Đem những thao tác tư duy như vậy để nhận xét rất trịch thượng về sách báo của đồng nghiệp trong một phần tư thế kỷ đầy những biến chuyển sôi động vừa qua, mà không hề có chút tư duy lịch sử thì làm sao mà tin được”[9]
Đúng là, qua bài Chủ nghĩa Hậu hiện đại-Tồn tại hay không tồn tại>, thì chính PGS-TS Nguyễn Văn Dân mới là người chưa hiểu thấu đáo lý thuyết này. Trong bài viết, PGS-TS Nguyễn Văn Dân đưa ra những nhận định: “Người ta nói rằng chủ nghĩa hậu hiện đại là phi lý tính”; “Người ta nói chủ nghĩa hậu hiện đại là phi chủ thể, là chủ thể bị giải thể, là mang tính phân mảnh”; “Người ta cũng nói nhiều đến một đặc tính nghệ thuật có khả năng phân biệt chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ nghĩa hiện đại, đó là sự có mặt của chủ nghĩa chiết trung mang tính kết hợp giữa hiện đại với quá khứ truyền thống trong chủ nghĩa hậu hiện đại”,…[đd]. Đọc những nhận định như thế của PGS-TS Nguyễn Văn Dân, người đọc buộc phải nghi ngờ những gì ông hiểu về Hậu hiện đại. Có lẽ ông chỉ nghe “người ta nói” chứ chưa tự mình nghiên cứu (?). Vì trong một bài nghiên cứu, tác giả không thể viết “Người ta nói rằng…” mà phải ghi nguồn, xuất xứ cụ thể. PGS-TS Nguyễn Văn Dân đã không làm được điều này. Đối chiếu với các bài viết về chủ nghĩa Hậu hiện đại của nhà nghiên cứu Thụy Khuê, Nguyễn Minh Quân, Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Đức Hiệp, và bài Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương của Lewis, Barry do Hoàng Ngọc Tuấn dịch, Hoàn cảnh Hậu hiện đại cùa J.F.Lyotar, Ngân Xuyên dịch…người đọc có thể nhận ra ngay sự sai biệt trong bài viết của PGS-TS Nguyễn Văn Dân, và ý kiến của GS Phương Lựu về PGS-TS Nguyễn Văn Dân là có cơ sở. GS Phương Lựu viết: “Chỉ một bài viết ngắn được sửa chữa nhiều lần trong nhiều năm qua, mà ý tứ không rõ ràng nhất quán, luận chứng mâu thuẫn không trọn vẹn! Đem những thao tác tư duy như vậy để nhận xét rất trịch thượng về sách báo của đồng nghiệp trong một phần tư thế kỷ đầy những biến chuyển sôi động vừa qua, mà không hề có chút tư duy lịch sử thì làm sao mà tin được.”
Không kể đến việc PGS-TS Nguyễn Văn Dân hiểu chưa thấu đáo về chủ nghĩa Hậu hiện đại được nói đến ở trên, nhà phê bình Nguyễn Hòa còn cho biết: “Tỷ như với Chủ nghĩa cấu trúc trong nghiên cứu văn học, hay Phân tâm học trong phê bình chẳng hạn, muốn nhận biết thì chí ít cũng phải hiểu Chủ nghĩa cấu trúc là gì, Phân tâm học là gì… và điều này theo tôi là nằm ngoài khả năng của đa số nhà văn Việt Nam đương đại.”..[10].
Việc diễn giải một lý thuyết, một trào lưu hay một hiện tượng văn học không bao giờ bảo đảm được trung thực với văn bản gốc. Diễn giải luôn là sai biệt, bởi trước tiên là do trình độ người diễn giải hiểu vấn đề như thế nào, và diễn giải với mục đích gì. Trở lại với chủ nghĩa Hậu hiện đại, bài viết Đằng sau hậu hiện đại của Thích Thanh Thắng diễn giải Hậu hiện đại qua nhãn quan Phật giáo, rất khác với bài Triết học Hậu hiện đại với những ảnh hưởng của nó của Tạ Văn Tịnh OP (Đại chủng viện Vinh Thanh) nhìn qua nhãn qua Thiên Chúa giáo và các bài giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Đức Hiệp… [11]
Nói về Giải cấu trúc, GS-TS Trần Đình Sử nhấn mạnh: “Giải cấu trúc đem lại một ý thức phản tư. Nó muốn soát xét lại tất cả, không trừ một chỗ nào, mọi nguyên lí, định lí, nguyên tắc, phương pháp, nhận định, khái niệm, làm rõ những điểm mù, tìm đến các khía cạnh mới, hợp lí. Giải cấu trúc đòi hỏi phải viết lại văn học sử, viết lại lí luận, đọc lại người trước với tinh thần khoa học, phát hiện mọi ngộ nhận, mọi thành kiến, phát hiện những nhận thức mới, chân lí mới, đưa người đọc vào những tìm tòi mới.”Thực ra GS-TS Trần Đình Sử chỉ muốn mượn Giải cấu trúc để lên tiếng đòi hỏi “xét lại” sự độc tôn của toàn bộ lý luận văn học Mác-xit ở Việt Nam nhiều chục năm qua.
Khác với GS-TS Trần Đình Sử, Lã Nguyên muốn vận dụng Giải cấu trúc vào nghiên cứu văn học, ông đề xuất tìm hiểu 5 luận điểm và trình bày cụ thể: “phân tích văn bản theo nguyên tắc giải cấu trúc nhắm vào hai mục đích: Thứ nhất: khám phá mâu thuẫn của văn bản; Thứ hai: phát hiện “nghĩa bỏ sót” bị đóng kín trong văn bản “đóng kín” trong bản thân nó.”Lã Nguyên không hề đòi hỏi phải “xét lại tất cả, không trừ một chỗ nào, mọi nguyên lí, định lí, nguyên tắc, phương pháp, nhận định, khái niệm; phải viết lại văn học sử, viết lại lí luận…” như GS-TS Trần Đình Sử.
Nguyễn Minh Quân nói về Giải cấu trúc: “Giải cấu trúc không đồng nghĩa với sự phá huỷ (destruction) mà trên thực tế nó rất gần gũi với ý nghĩa của sự phân tích có từ nguyên của sự tháo gỡ; giải cấu trúc một văn bản không có nghĩa là đọc một cách ngẫu hứng, bất định và phá bỏ cấu trúc văn bản một cách tự ý, thay vào đó là sự tách rời hết sức cẩn thận những xung lực gây hấn về ý nghĩa chứa đựng trong văn bản./ Việc đọc của một nhà phê bình giải cấu trúc là một sự phản biện văn bản để làm bộc lộ những sự vô thức tiềm ẩn trong ngôn ngữ, ở những điểm mà ý nghĩa bị che khuất, có thể trở nên mâu thuẫn với những ý nghĩa bộc lộ một cách rõ ràng.,”[12]
Diễn giải của Nguyên Minh Quân về Giải Cấu trúc cũng làm rõ sự sai biệt trong diễn giải của GS-TS Trần Đình Sử. Ta có thể hiểu, chính mục đích diễn giải quyết định việc diễn giải. GS-TS Trần Đình Sử thường mượn Bakhtin, để nói cái nguyện vọng dân chủ trong “đối thoại, đa thanh,”; “Sự đa dạng của nhiều giọng nói, với những ý thức độc lập, khác nhau, tức là sự đa âm đích thực và toàn diện”. GS-TS Trần Đình Sử nói về Ngoại biên- trung tâm là để đòi hỏi đa nguyên về nhận thức. Cách nói bao biện và đầy mâu thuẫn của ông trong bài “Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại” [13] thật khó thuyết phục. Ông khẳng định như đinh đóng cột: “một nền văn hóa sống động thì nó phải sống trên đường biên, và do đó, đa nguyên, giao tiếp, đối thoại, mỗi yếu tố văn hóa đều là sự đan bện của nhiều nguyên tố văn hóa, là đa ngữ, đa thanh.”; “vùng biên là nơi tiếp giáp, giao tiếp của nhiều thế giới, các nền văn hóa khác nhau, các nhân tố khác nhau, cho nên đó là nơi sôi động nhất, phong phú nhất.”; “Bản chất sự sống là ở ngoại biên. Quan niệm về ranh giới của Bakhtin cho ta hiểu rằng, toàn bộ sức sống văn học, nghệ thuật nằm ở đường biên. Kìm giữ văn học, nghệ thuật ở trung tâm là kìm hãm sự phát triển, sinh sôi của chúng. Quan niệm này cũng cho thấy ngoại biên hóa là quy luật khách quan của nghệ thuật và lí thuyết, phê bình.” Khi những khái niệm căn bản chưa được xác lập, thì mọi lý luận đều chông chênh.
GS-TS Trần Đình Sử vô cùng lúng túng khi cố gán ghép những khái niệm “đường biên, đường ranh giới, ranh giới, biên giới, lằn ranh, giáp ranh, đường biên, sự tiếp giáp, giáp giới, các đường biên ngang dọc chồng chéo giao cắt nhau, nằm ở khắp nơi, với khái niệm “lề”, vùng biên, ngoại biên, vùng biên là nơi tiếp giáp, giao tiếp của nhiều thế giới …” Ông kết luận: ”Toàn bộ văn hóa, văn học… đều tồn tại trên đường biên, đường ranh giới.” Nhận định này thật hàm hồ bởi vì ông không chứng minh được trong thực tiễn đời sống văn học Việt Nam và thế giới. Ông có dẫn “Các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Hồ Anh Thái”…Nhưng đây là những nhà văn và tác phẩm của họ xuất hiện trong dòng chảy chính thống, ở trung tâm, chứ không nằm trên đường biên. Những nhà văn ấy vẫn “phản ánh hiện thực”, như văn học chính thống. Thực ra trong nền kinh tế thị trường, văn học Việt Nam phát triển thành ba dòng chảy: Văn học cách mạng (văn học do Nhà nước tổ chức), văn học Dân chủ và Nhân văn, và văn học thị trường. Không có đường biên, vùng biên nào cả. Trong sự xô bồ của phê bình văn học những năm vừa qua, không phải vô tình xuất hiện bài viết: “Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại”. Giải cấu trúc bài viết (tức là xem xét các cặp đối lập nhị nguyên để tìm những ý nghĩa khuất lấp) có thể nhận ra điều này. Ấy là lúc dư luận đang ồn ào về vụ việc “Luận văn Đỗ Thị Thoan”. Trong luận văn này, Đỗ Thị Thoan dùng lý thuyết trung tâm-ngoại vi, và thuyết về cái bên Lề, cái Khác, để giải cái trung tâm, cái chính thống. Dẫn theo Derrida, Foucault, Đỗ Thị Thoan khẳng định “Sự trỗi dậy của cái bên lề - một hiện tượng có tính quy luật của vận động”. Bài viết của GS-TS Trần Đình Sử như một giải trình lý luận nhằm bênh vực Đỗ Thị Thoan. Rất tiếc bài viết tự nó đã không đứng được. Diễn ngôn của ông lộ ra nhiều điều làm cho người ta nghi ngại.
Vì thế thật khó cho những người viết phê bình muốn tìm hiểu bản gốc lý thuyết để có thể vận dụng thực hành. Nếu cứ tin vào sự diễn giải của các nhà phê bình lý thuyết, người viết phê bình rất dễ lầm lạc, và tình trạng sai lệch vẫn đang diễn ra. Các nhà phê bình lý thuyết bước đầu mới chỉ giới thiệu được lý thuyết văn học và phê bình văn học. Con đường phía trước còn dài.
3.TRÔNG ĐỢI GÌ Ở NHỮNG NHÀ PHÊ BÌNH LÝ THUYẾT?
Trong Hội thảo “Nghiên cứu - phê bình văn học hiện nay” diễn ra trong ngày 12/01/2012 tại Viện Văn học, nhà phê bình trẻ Ngô Hương Giang đặt ra vấn đề rằng, phải chăng nền phê bình của chúng ta “…đang là nô lệ của lý thuyết và nô lệ của chính mình?”[đd].
Thực ra đó là thói sùng ngoại và bệnh phô trương kiến thức. Từ bệnh sùng ngoại, coi các lý thuyết phương Tây là chân lý tuyệt đối, và tôn sùng các nhà lý luận phương Tây như các vị “thánh”, dẫn đến sự nô lệ ý thức chỉ trong gang tấc.
Vấn đề của các nhà phê bình lý thuyết Việt Nam là sự sai biệt trong tiếp thu và diễn giải các lý thuyết văn học, cùng với sự hạn chế trong việc ứng dụng lý thuyết để xem xét văn học Việt Nam.
Chưa một nhà phê bình lý thuyết Việt Nam nào tự mình khám phá ra một lý thuyết văn học mới, cũng chưa có ai đi sâu vào một lý thuyết và từ đó khám phá ra vấn đề mới. Hãy quan sát Trường phái Hình thức Nga. Những thành viên như Boris Eichenbaum, Ossip Brik, Iouri Tynianov, Roman Jakobson, Viktor Chklovski và Boris Tomachevski, mỗi người có khám phá riêng của mình, góp chung vào làm phong phú lý thuyết của cả trường phái. Bakhtin khởi đi từ phương pháp Hình Thức nhưng ông lại chủ trương một nền xã hội học văn chương và trở thành lý thuyết gia về tiểu thuyết. Cũng là phê bình Ký hiệu học, Umberto Eco nói đến Tác phẩm mở, còn Roland Barthes lại nó đến “Độ không của lối viết”…Các nhà lập thuyết phương Tây liên tục đào sâu nhận thức, khám phá những khía cạnh mới của vấn đề, từ đó đề xuất những nhận thức mới. Họ có tài lý luận thuyết phục người đọc, đồng thời chính họ thực hành lý thuyết của mình. Bakhtin đưa ra lý thuyết đối thoại và đa âm trong tiểu thuyết khi ông phân tích các tác phẩm của Dostoïevski. Ở Pháp, J.P.Sartre viết rất sâu sắc về văn chương. Ông đề ra phê bình Phân tâm hiện sinh và chính ông đã phân tâm hiện sinh Baudelaire. Cũng vậy, R. Barthes viết tác phẩm S/Z phân tích truyện ngắn Sarrasine của Balzac như một mẫu mực trong việc nghiên cứu và thực hành phương pháp phê bình Ký hiệu học…
Cũng chưa có nhà phê bình lý thuyết Việt Nam nào nhận ra những lỗ hổng của lý thuyết văn học và phê bình văn học phương Tây để phản biện và đề xuất một nhận thức sâu sắc hơn. Chẳng hạn, Ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure cho rằng ký hiệu ngôn ngữ không nối kết một sự vật với tên gọi của nó mà nối kết một ý niệm với một hình ảnh có âm hưởng (tiếng nói). Cái biểu đạt là chữ/ tiếng. Cái được biểu đạt là nghĩa (ý niệm trong đầu). Mối liên lạc giữa Cái biểu đạt (chữ) và Cái được biểu đạt (ý niệm trong đầu) là rất bất kỳ. Ký hiệu ngôn ngữ chỉ là một hình thức diễn đạt. Từ đây, người ta nói đến Cái biểu đạt không dẫn đến Cái được biểu đạt, mà dẫn đến Cái biểu đạt khác, vô tận, và chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới được Cái được biểu đạt cuối cùng …
Hiện tượng học của Husserl cho biết: Đối tượng bao giờ cũng là đối tượng cho một ý thức, và ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. Cái ý niệm trong đầu ta chính là một cái gì trong hiện thực được nhận thức. Vì thế ý niệm luôn dẫn đến một cái gì trong hiện thực. Cho nên khi ý niệm được ghi lại bằng một ký hiệu (tiếng nói/chữ viết), thì ký hiệu đó luôn dẫn ta về hiện thực. Phải có vật thể gọi là “bàn”ở trước mặt, thì trong đầu ta mới có ý niệm “bàn”, sau đó, ý niệm “bàn” đó được diễn đạt ra thành tiếng/ chữ viết là “bàn”. Và khi nói hay nghe nói tiếng “bàn” ta hình dung ra ngay một cái bàn trong hiện thực. Các nhà ngữ học và lý luận và phê bình văn học theo F. Saussure đã bỏ mất hoàn toàn phần ý thức về hiện thực này, từ đó phủ định mối quan hệ của văn văn học với hiện thực. Bởi vì Cái biểu đạt luôn dẫn đến Cái biểu đạt khác, không dẫn đến hiện thực. Bakhtin đã bác bỏ Hình thức luận Nga. Ông cho rằng không thể chỉ chú ý đến câu chữ (Cái biểu đạt) mà không xét đến con người đã tạo dựng câu chữ đó (thực thể xã hội tạo nên ý thức). Sartre coi con người là ý thức, là dự phóng. Nó luôn phóng mình về phía trước. Nhà phê bình cần tìm ra sự lựa chọn tiên thiên và tìm xem nhà văn định hướng tới cái gì.
Bao giờ thì những nhà phê bình lý thuyết Việt Nam có khả năng như Bakhtin hay Sartre?
Lý thuyết văn học và phê bình văn học là do các nhà lý thuyết đề ra để giải thích văn học. Mỗi người qua thực nghiệm một số trường hợp cụ thể, từ đó khái quát lên thành nhận thức, vì thế lý thuyết của họ có một phần chân lý, nhưng không lý thuyết nào có khả năng lý giải được mọi vấn đề văn học. Điều quan trọng đối với nhà phê bình lý thuyết không phải là diễn giải lại lý thuyết ấy mà vận dụng lý thuyết để giải thích đời sống văn học đương đại Việt Nam. Khi các nhà phê bình lý thuyết văn học ở Việt Nam phủ định lý luận văn học Mác-xít, phủ định Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì cũng đồng nghĩa phủ định nền văn học được xây dựng trên nền tảng tư tưởng ấy. Tôi chưa đọc được bài viết hay công trình nào sử dụng các lý thuyết mới để đánh giá văn học kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ, và đánh giá cả dòng văn học Nhân văn và Dân chủ sau chiến tranh. Liệu có thể đem quan niệm trò chơi văn học vào những sáng tác chống Pháp và chống Mỹ được không? Vì thế, đến nay, đã hơn 40 năm, vẫn chưa có những đánh giá thống nhất cho một bộ văn học sử Việt Nam từ 1975 đến 2015.
Bao giờ thì các nhà phê bình lý thuyết trả được món nợ này với thời đại văn học của chính mình?
Nhiều nhà phê bình lý thuyết đã bắt đầu nhận ra sự bất cập trong các lý thuyết văn học phương Tây khi áp dụng vào phê bình văn học Việt nam, họ cho rằng lý thuyết văn học phương Tây là để áp dụng cho văn học phương Tây. Họ đề ra trách nhiệm xây dựng một nền lý luận và phê bình văn học Việt nam, phù hợp với thực tiễn Văn học Việt Nam. Thế nhưng về lý luận, họ mắc kẹt. Bởi không thể kết hợp quan niệm văn học của cha ông xưa (văn học phong kiến) với các quan điểm văn học của Đảng (từ 1945 đến nay), rồi trộn với các lý thuyết văn học tư sản đương đại thành một thứ lý luận văn học gọi là lý luận văn học Việt Nam được hiện đại, tiên tiến. Lý luận phải được nghiên cứu từ thực tiễn sáng tạo, mà văn học Việt Nam từ 1945 đến nay, một bộ phận lớn vẫn được sáng tác bằng phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Chỉ từ 1986 đến nay mới xuất hiện dòng văn học Nhân Văn và Dân chủ sáng tác dưới những quan điểm văn chương khác. Vậy muốn xây dựng một nền lý luận và phê bình văn học mới thì phải dựa trên những sáng tác văn học được viết bằng Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nếu sử dụng những lý thuyết khác, chắc chắn sẽ dẫn đến sai lạc. “Hãy đọc lời ai điều cho một giai đọan văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu và bài “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” của Hoàng Ngọc Hiến là những góc nhìn khác về văn học 1945-1975 đã gây ra những phả ứng dữ dội vì bị coi là phủ định văn học cách mạng.
Bao giờ các nhà phê bình lý thuyết mới gỡ mình khỏi những mắc kẹt của lý thuyết để thực sự tự mình tìm lấy một lối đi vào tác phẩm đạt đến việc đánh giá đúng văn học Việt Nam mấy chục năm qua? Tôi trộm nghĩ, phải vài thế hệ nữa các nhà phê bình lý thuyết mới làm được (?)
4.THAY LỜI KẾT
Trường phái Hình Thức Nga chỉ chú ý đến những giá trị nội tại của chất liệu văn chương, họ tìm kiếm tính văn chương. Họ làm việc trực tiếp trên chữ nghĩa, xác định nghệ thuật là một thủ pháp. Trong khi phê bình Ký hiệu học lại tập chú vào việc tìm hiểu quá sáng tạo của người nghệ sĩ, tìm hiểu cấu trúc tác phẩm, và tìm hiểu sự tiếp nhận của độc giả. Phê bình Phân tâm hiện sinh của Sartre lại khám phá sự chọn lựa tiên thiên của người nghệ sĩ khi sáng tạo. Nói một cách tổng quát, lý thuyết văn học và phê bình văn học đi từ tác giả đến tác phẩm, rồi từ tác phẩm đến người đọc. Yếu tố trung tâm là tác phẩm. Nhưng hình như các nhà lý thuyết coi tác phẩm là một đối tượng siêu hình. Và họ lại để lộ ra một lỗ hổng nữa. Trong các lý thuyết mới, họ không xác lập thế nào là một tác phẩm hay, một tác phẩm giá trị và giá trị của một tác phẩm văn chương là gì. Họ cũng không quan tâm đến điều này là, tại sao trên thế giới nhiều tác phẩm bị cấm phổ biến (thí dụ: Cuốn Những vần thơ của quỷ Satan. Tác giả Salman Rushdie bị truy sát); cũng không xem xét tác phẩm từ mục đích sáng tác (thí dụ, tác phẩm của các nhà văn cách mạng) và mục đích sử dụng (văn chương giải trí), thế nên, ở Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh được đánh giá khác với phương Tây khi họ dịch tác phẩm này. Năm 2017 tác phẩm này cũng không được trao giải thưởng Nhà nước, dù nó rất “nổi tiếng”.
Chân lý là cụ thể, không có chân lý siêu hình. Những gì là chân lý của phương Tây thì khác với cái chân lý phương Đông. Vì thế trước hết cần phải Giải cấu trúc những Đại tự sự (lý thuyết phê bình phương Tây), Giải cấu trúc cái tư duy vọng ngoại trước khi xây dựng nền lý luận, phê bình văn học Việt Nam. Tôi nghĩ các nhà phê bình lý thuyết đều hiểu rõ điều này. Vấn đề còn lại là…
Tháng 4. 2017
____________
[a] Nguyễn Hòa-Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây
http://vanvn.net/ong-kinh-phe-binh/mot-so-ly-thuyet-ngoai-nhap-va-van-hoc-viet-nam-gan-day/457
[b] Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy - Kẻ thích chia rẽ dư luận
http://www.tienphong.vn/van-nghe/nha-phe-binh-do-lai-thuy-ke-thich-chia-re-du-luan-618028.tpo
[c] Lã Nguyên-“Đây thôn Vỹ Dạ-Bản tốc ký tâm trạng và khát vọng ngàn đời”
https://caulacbovanhoc2015.wordpress.com/2016/05/20/day-thon-vi-da-ban-toc-ky-tam-trang-va-khat-vong-ngan-doi/
[d] Hồ Sỹ Vịnh-Toàn cảnh lý luận phê bình văn học thế kỷ XX
http://hanamtv.vn/?modul=letter&sub=view&lg=1&list=31&cid=8&nid=31
[e] Lã Nguyễn:
- https://languyensp.wordpress.com/2016/01/29/su-tiep-nhan-cac-li-thuyet-van-nghe-hien-dai-phuong-tay-tu-1986-den-nay/
- https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/viet-nam-the-ky-xx-va-nhung-xu-huong-lua-chon-tu-tuong-van-nghe-nuoc-ngoai
- http://vanvn.net/tu-doi-vao-van/li-luanphe-binh-van-hoc-viet-nam-thoi-hau-chien/929
[4] Xin đọc các bài:
https://trandinhsu.wordpress.com/2013/06/13/giai-cau-truc-va-chuyen-doi-hinh-thai-dien-ngon-trong-li-luan-phe-binh-van-hoc-trung-quoc/
- Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (Nguyễn Minh Châu)
- Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua (Hoàng Ngọc Hiến)
- Khái niệm phương pháp sáng tác trong lí luận phê bình văn học mác xít là nguỵ tạo (Trần Đình Sử)
[5] www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14521&rb=0106
[6] Trần Đình Sử-Lí luận văn học- khủng hoảng và lối thoát
http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/Lyluanvanhoc/tabid/104/newstab/111/Default.aspx
[7] Nguyễn Văn Dân-Tình hình tiếp thu các lý thuyết văn học của thế giới từ ngày đổi mới đến nay:
http://vci.vnu.edu.vn/an-pham/tinh-hinh-tiep-thu-cac-ly-thuyet-van-hoc-cua-the-gioi-tu-ngay-doi-moi-den-nay.html
[8] Nguyễn Văn Dân-Chủ nghĩa hậu hiện đại-Tồn tại hay không tồn tại:
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac-truong-phai-trao-luu/2097-nguy-n-van-dan-ch-nghia-h-u-hi-n-d-i-t-n-t-i-hay-khong-t-n-t-i.html
[9] Phương Lựu-Đôi lời trao đổi lại với bạn Nguyễn Văn Dân:
https://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/phuong-luu-trao-doi-voi-nguyen-van-dan.html
[10] http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ly_luan-phe_binh_van_hoc_va_cac_van_nan-4.html
[11]Thích Thanh Thắng: http://huongsenviet.blogspot.com/2007/12/ng-sau-hu-hin-i.html
Tạ Văn Tịnh OP: http://daichungvienvinhthanh.com/triet-hoc-hau-hien-dai-va-nhung-anh-huong-cua-no/
Bùi Văn Nam Sơn: www.amvc.free.fr.
Lê Nguyên Cẩn (ĐHSP Hà Nội): http://vhnt.org.vn/tin-tuc/sach-hay-nen-doc/29243/mot-cach-nhan-dien-ly-thuyet-van-hoc-hau-hien-dai
Nguyễn Đức Hiệp (Sydney): http://www.husc.edu.vn/khoavan/articles.php?article_id=499
[12] Nguyễn Minh Quân: www.tienve.org/home/viet/viewVietJournals.do?action=viewArtwork&artworkId
[13] Trần Đình Sử: https://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/28/ngoai-bien-hoa-trong-tien-trinh-van-hoc-viet-nam-duong-dai/
__________________________
PHỤ LỤC
(Thống kê những tác giả nổi bật)
Những người viết phê bình văn học Việt Nam hiện nay không thể không biết đến các tên tuổi đã góp phần làm nên diện mạo phê bình của một thời, và hơn thế, họ đã góp phần thúc đẩy phê bình văn học Việt Nam từ Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa tiếp cận với phê bình văn học thế giới đương đại.
Nhà biên khảo Thụy Khuê ở Paris, chia sẻ với nhà phê bình trẻ điều này: “Chỉ có sự làm việc và học hỏi sẽ giúp ta làm nên sức mạnh của riêng mình, giúp ta xây dựng một ngành phê bình riêng, có nhã độ và minh triết Á Đông./ Đường còn dài, sớm cũng phải nửa thế kỷ nữa, bởi hiện giờ chúng ta đang ở mức độ sao chép tất cả những gì người Tây phương viết mà không kiểm chứng lại và chúng ta chưa thực sự có ý kiến, có tiếng nói của riêng mình./ Chúc bạn thượng lộ bình an.”. Đó là lời kết trong loạt bài Thụy Khuê giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học thế kỷ XX ở Phương Tây. Loạt bài này được viết từ 2005 đến 2016:
Phê bình cũ, phê bình mới
Phê bình phân tâm học
Trường phái Hình thức Nga
Những nhà Cấu trúc Nga
Bakhtin và xã hội học văn chương
Trường phái Bác ngữ học Đức
Phê bình ý thức: Marcel Raymond, Geogers Poulet,
Phê bình phân tâm tưởng tượng vật chất: Gaston Bachelard,
Phê bình phân tâm hiện sinh: Jean-Paul Sartre;
Maurice Blanchot với lý thuyết về sự im lặng của văn chương (vô thể)
Phê bình ký hiệu học: Umberto Eco, Roland Barthes
Hậu hiện đại của Jean-François Lyotard trong cuốn Điều kiện hậu hiện đại
Những năm đầu thế kỷ XXI, TS Nguyễn Hưng Quốc ở Úc cũng giới thiệu khái quát các lý thuyết văn học:
Hình thức luận của Nga (Formalism)
Phê Bình Mới của Anh và Mỹ (New Criticism)
Cấu trúc luận (Structuralism)
Hậu cấu trúc luận / Giải cấu trúc (Poststructuralism/Deconstruction)
Các lý thuyết Mác-xít (Marxist Theories)
Thuyết người đọc (Reader Theory)
Phân tâm học (Psychoanalysis)
Nữ quyền luận (Feminism)
Thuyết lệch pha (Queer Theory)
Chủ nghĩa hậu thực dân (Postcolonialism)
Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism)
Chủ nghĩa tân duy sử (New Historicism) và Chủ nghĩa duy vật văn hoá
(Cultural Materialism)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Quân (Victoria University, Melbourne) có các tiểu luận: Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản (Văn nghệ quân đội đăng lại 2012). Lý thuyết và phê bình văn học đương đại: từ cấu trúc luận đến giải cấu trúc (2001). Liên văn bản – sự triển hạn đến vô cùng của tác phẩm văn học (2001). Về văn học hypertext.
Nhà thơ Ngu Yên có chuyên luận Ý Thức Về Ký Hiệu Học
Nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc (Cal State University và Golden West College) có các tiểu luận: Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước, 1975-1995 (1996). Trịnh Công Sơn / Ngôn Ngữ & Những Ám Ảnh Nghệ Thuật (2005). Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam (giáo trình đại học.1992). Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954–1975): Phẩm Tính và Ý Nghĩa. Truyện ngắn, mỹ học của cái vụt qua. Dịch thuật (văn học) trong bối cảnh toàn cầu hóa: Một số chiến lược diễn dịch & những hệ hình mới. Cái đẹp của ngôn ngữ & nét hậu hiện đại trong khả thể (2015). Về tính vũ đoán trong viết, đọc, và thẩm thức văn chương (2009). Vấn đề thẩm thức một tác phẩm nghệ thuật (2009)
PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam) có các chuyên luận và bài viết: Giọng điệu trong thơ trữ tình (2002), Tự sự học, tập 1 (viết chung) 2004; Thi pháp học ở Việt Nam (đồng chủ biên- 2010). Buồn vui phê bình văn học hôm nay (2012). Thơ mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa (2014). Thơ và người đọc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa - Nguyễn Đăng Điệp (2015) Kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng và văn học đại chúng (2016)
PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học) có các chuyên luận và bài viết: N.I.Konrad: Giải thích văn bản và so sánh văn học (2007). Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học, (2002). Tiếp cận văn học Việt nam từ các lý thuyết phương Tây (2011). Phê bình văn học Việt Nam hiện đại, Tuyển tập phê bình, (2011). Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam, Chuyên khảo (2012). Cấu trúc văn bản nghệ thuật của Yu.M. Lotman (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch ra tiếng Việt. 2004). Các lý thuyết thi pháp học cấu trúc (Tạp chí Văn học 2002). Nhận diện lý luận phê bình văn học hiện nay.
PGS-TS Trương Đăng Dung (Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học: 1995-2010) có các chuyên luận và bài viết: Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998). Tác phẩm văn học như là quá trình (2004). Về đặc trưng của phản ảnh nghệ thuật trong mĩ học C.Caudwell và G. Lukacs (1990.) C.Caudwell: Ảo ảnh và hiện thực, (Trương Đăng Dung dịch. 2000) Những đặc điểm của hệ thống lí luận văn học macxít thế kỉ XX. (2001). Hai mô hình lí luận trên một vấn đề (2001.) Tri thức và ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại (2012). Văn bản là gì? (Trương Đăng Dung dịch Paul Ricoeur. 2016) Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa. Những giới hạn của lý thuyết văn học nước ngoài ở Việt Nam. 2017
GS-TS Trần Đình Sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) có các chuyên luận và bài viết: Lí luận văn học soạn chung với Phương Lựu 1986. Thi pháp thơ Tố Hữu, 1987. Thi pháp Truyện Kiều, 2002. Dẫn luận thi pháp học (2004). Giáo trình Lí luận văn học tập 2; 2008. Trên đường biên của Lý luận văn học” (2015).
Các bài viết:
Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học hôm nay (2010),
Cần đưa khái niệm phương pháp sáng tác ra khỏi hệ thống lí luận phê bình văn học ở Việt Nam (2012),
Khái niệm phương pháp sáng tác trong lí luận phê bình văn học mác xít là nguỵ tạo. (2012),
Lí luận văn học nước ngoài hiện nay và phương hướng biên soạn giáo trình lí luận văn học ở Việt Nam trong tương lai (2012)
Quan niệm diễn ngôn như là yếu tố siêu ngôn ngữ của nghiên cứu văn học(2012)
Lý thuyết Cácnavan hoá của M.Bakhtin và tư duy tiểu thuyết hiện đại;
Các khuynh hướng phê bình văn học Việt Nam hiện nay (2013)
Phê bình văn học chuyên nghiệp – một cái nhìn lịch sử (2013)
Toàn cảnh thi pháp học (2013)
Khoảng trống trong văn bản học (2013)
Lí luận văn học – khủng hoảng và lối thoát (2013- đăng lại trên vanviet 2017)
Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại (2013)
Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hôm nay (2013)
Bản chất xã hội, thẩm mĩ của diễn ngôn văn học (2013)
Bước ngoặt diễn ngôn và sự đổi thay hệ hình nghiên cứu văn học (2014),
Lí luận văn học Việt Nam hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa – triển vọng và thách thức (2014),
Tiếp nhận phương pháp luận xã hội học Mác xít trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam trước 1986 (2015),
Mã và giải mã trong văn học (2015,
Khái niệm sự kiện trong Tự sự học hiện đại (2015),
Tác phẩm văn học như là kí hiệu nghệ thuật (2016,
Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay…
PGS-TS Nguyễn Văn Dân (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có các chuyên luận và bài viết: Lý luận văn học so sánh (1998). Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật (2013).
Bài viết:
Góp phần tìm hiểu phương pháp cấu trúc 2009
Sức sống dai dẳng của kỹ thuật “dòng chảy ý thức” 2010
Đừng làm rối trí người đọc. 2010
Giới hạn của vai trò người đọc. 2011
Chủ nghĩa Biểu hiện 2011
Chủ nghĩa Hậu hiện đại-Tồn tại hay không tồn tại 2011
Đi tìm một hiện thực khác bằng con đường siêu thực 2012
Xu hướng duy khoa học của chủ nghĩa lập thể 2012
Cuộc cách mạng của chủ nghĩa trừu tượng. 2012
Nguy cơ rối loạn hệ thống lý luận trong nghiên cứu văn học nghệ thuật 2012
Cần hiểu thủ pháp lạ hoá như thế nào?
Dấu ấn phương tây trong văn học Việt Nam hiện đại - vài nhận xét tổng quan,
Các lý thuyết nghiên cứu văn học và tính khả dụng. 2016
Tư duy lý luận văn học Đông – Tây và ảnh hưởng của nó đến lý luận văn học
Việt Nam hiện đại.
Phê bình dưới sự dẫn dắt của lý luận hay áp đặt định kiến?...
PGS-TS Phạm Quang Trung (Trường Đại học Đà Lạt) có các chuyên luận và bài viết:
Tiếp cận giá trị văn chương (lý luận, phê bình - 1995); Lý luận trước chân trời mở (lý luận - 1998); Lặng lẽ giữa trang văn (lý luận, phê bình - 1998); Nhà văn Xuân Thiều như tôi được biết (phê bình - 1999); Thổ cẩm dệt bằng thơ (phê bình - 1999); Sống với văn chương cùng thời (lý luận, phê bình - 2000); Thức cùng trang viết (lý luận, phê bình - 2003); Đến từ con chữ (lý luận, phê bình) - 2007; Ai tri âm đó (lý luận, phê bình - 2009); Hồn cây sắc núi (lý luận, phê bình - 2010); Mỹ học (Giáo trình Đại học - 2010); Quan niệm văn chương cổ Việt Nam - Từ một góc nhìn (chuyên luận - 2011); Nhắp chuột cùng mạng văn chương (phê bình - 2011); Nghệ thuật của ngôn từ (lý luận, phê bình - 2013)…
Bài viết:
Chung quanh khái niệm "tầm đón nhận" của H. Jauss. 2010
Chung quanh quan niệm mô thức của Northrop Frye. 2013
Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần
Tiến trình hiện đại hóa phê bình văn chương Việt Nam thế kỷ XX
Nên tiếp nhận tác phẩm văn chương như thế nào?
PGS-TS La Khắc Hòa (Lã Nguyên-ĐHSP Hà Nội) dịch và giới thiệu nhiều tài liệu về lý luận và phê bình văn học:
M.Bakhtin và học thuyết thể loại văn học,
Các lý thuyết diễn ngôn hiện đại: Kinh nghiệm phân loại- O.F. Rusakova
Văn bản-Liên văn bản-Lí thuyết liên văn bản- G.K. Kosikov
Kí hiệu học văn hóa và khái niệm văn bản- Juri Lotman
Lý thuyết kể chuyện của Y. M. Lotman
Lí thuyết tự sự theo hướng tiến hóa luận của V. B. Shklovski
Lý thuyết tiến hóa văn học của Y.N.Tynhianov
Tân Tu từ học- Iu.V. Satin
Trần thuật học như là khoa học phân tích diễn ngôn trần thuật- V.I. Chiupa
Trò chơi (trong văn học)- A.E. Makhov
O.M.Freidenberg và Tự sự học theo hướng Di truyền luận
Bốn nhận xét ngắn về nền tảng triết học và cơ sở phương pháp luận của Chủ
nghĩa Cấu trúc
Mĩ học Mác-xít phương Tây trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam từ 1986
đến nay
Kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ- Juri Lotman
Lí luận văn nghệ Mác-xít Việt Nam-nhìn từ bản gốc.
Số phận lịch sử của nền lý luận văn học Xô-viết chính thống.
Một nền thi pháp học sụp đổ-Julia Kristeva
Thay đổi khung tri thức và mô hình lí thuyết là tiền đề nâng cao hiệu quả của
hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học.
TS Trần Hoài Anh (Trường Đại học Văn hóa Tp Hồ Chí Minh) có các chuyên luận và bài viết:
Lý luận – Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 -1975 (2009).
Thơ - Quan niệm và Cảm nhận (tiểu luận phê bình- 2010)
Văn học nhìn từ Văn hóa (tiểu luận phê bình-2012)
Bài viết:
Về khuynh hướng phê bình hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954-1975
Vấn đề ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954-1975
Nhà văn trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975
Quan niệm về Tác phẩm văn học của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975
Quan Niệm Về Thơ Trong Lý Luận Phê Bình Văn Học Đô Thị Miền Nam 1954 – 1975
Từ lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa
Quan hệ văn học và tôn giáo ở miền Nam trước năm 1975
TS Ngô Tự Lập (Khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội) có các chuyên luận và bài viết:
Những đường bay của mê lộ. 1999
Văn chương như là quá trình dụng điển. 2008
Ba cách hiểu về Hậu hiện đại. 2013
Để tránh những cuộc tỷ thí với cối xay gió. 2007
Giải kiến tạo là gì?
Lý luận văn học: Từ những hệ hình quy chiếu bất bình đẳng đến một cách tiếp cận tổng thể. (Lời nói đầu cuốn “Văn chương như là quá trình dụng điển”)
Nhóm Bakhtin những vị tiền bối của chủ nghĩa hậu hiện đại (Ngô Tự Lập-Ngô Minh Thùy)
“Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” của V. N. Voloshinov
- Ngô Tự Lập dịch 2015
Lời trong đời sống và lời trong thơ, các vấn đề của thi pháp xã hội học
-Voloshinov -Ngô Tự Lập dịch 2016
GS Trần Văn Đoàn (Giáo Sư Triết Học, ĐHQG Đài Loan) Tác giả trên 15 tập sách chuyên khảo và hơn 150 luận văn nghiên cứu khoa học viết bằng Việt, Trung, Anh, Đức, Pháp và Ý ngữ.
Thông Diễn Học và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn (2004). Hậu Hiện Đại Thuyết (Hà Nội, 2005).
TS Trần Thiện Khanh (Viện Văn học)
Phân tâm học với văn học (in chung – 2014)
Các tham luận trong một hội thảo:
Hội thảo “Nghiên cứu - phê bình văn học hiện nay” diễn ra trong ngày 12/01/2012 tại Viện Văn học. Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Viện thông tin KHXH, Viện nghiên cứu Văn hóa, Đại học KHXH và NV- ĐHQG, Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm II, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
“Các tham luận đã đề cập đến những vấn đề thời sự của nghiên cứu, phê bình và dịch thuật văn học ở nước ta hiện nay: Phê bình văn học dưới những thiết chế truyền thông của Ths. Phan Tuấn Anh (Đại học khoa học Huế), Những tranh luận về văn xuôi hư cấu lịch sử và sự chuyển biến của tư duy lịch sử hiện nay của Ths. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học), Tình hình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học Nga tại Việt Nam những năm gần đây của Ths. Đỗ Thị Hường (Viện Văn học), Trước sự nô lệ của lý thuyết (Con đường thử thách của phê bình văn học Việt Nam) của Ths. Ngô Hương Giang (Đại học khoa học Huế), Cấu trúc luận trong nghiên cứu biểu tượng: từ ký hiệu học đến nhân học biểu tượng của TS. Đinh Hồng Hải (Viện nghiên cứu Văn hóa), Khái niệm tác giả hàm ẩn trong lý thuyết tu từ học tiểu thuyết của Ths. Cao Kim Lan (Viện Văn học), Vài nét về việc nhìn lại lý thuyết văn học ở Pháp của Ths. Cao Việt Dũng (Viện Văn học), Phê bình văn học Việt Nam hiện nay: một số thách thức và giải pháp, Đỗ Văn Hiểu, Trường ĐHSP Hà Nội (NCS. Viện Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc); Phê bình tương tác, Đoàn Minh Tâm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội; “Trò chơi ngôn ngữ” và phê bình văn học: (trường hợp phê bình thơ Nôm Hồ Xuân Hương của Trần Thanh Mại và Xuân Diệu), Hoàng Phong Tuấn, NCS. Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Phê bình - người đọc tiền phong, Khánh Phương, nhà phê bình văn học; Có một “diễn ngôn” phê bình văn học hiện nay hay không? Nguyễn Chí Hoan, Báo Văn nghệ; Về mối quan hệ giữa dịch thuật và nghiên cứu văn học ở Việt Nam, Nguyễn Duy Bình, Viện nghiên cứu văn hóa, Đại học Vinh; Lê Tuyên trong cái nhìn mơ mộng (Hay là phê bình hiện tượng học văn học tại Việt Nam), Nguyễn Mạnh Tiến, Viện Văn học; Vài nét về lý luận phê bình văn học nữ quyền phương Tây, phương Đông - nghiên cứu văn chương nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Hiền, Viện thông tin khoa học xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Vài suy nghĩ về đặc trưng của văn chương và chỗ đứng của nhà phê bình, Nguyễn Văn Thuấn, Đại học Sư phạm Huế; Phê bình - nhìn từ gốc, Phạm Xuân Thạch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam, Phùng Gia Thế, Đại học Sư phạm Hà Nội II; Người đọc - vị quyền của nhà phê bình trước thị trường dư luận, Vũ Thị Thu Hà, Viện Văn học; Truyện ngắn đương đại Việt Nam - những đổi mới tư duy thể loại, Lê Dục Tú, Viện Văn học;…Số lượng tham luận và những vấn đề được đặt ra từ các tham luận này cho thấy sự phong phú, đa dạng của các vấn đề nghiên cứu, phê bình và dịch thuật.”[1]
Nguyễn Hồng Dũng-ĐH Huế thống kê tác phẩm viết về chuyên đề [chủ nghĩa] Hậu hiện đại được:
Năm 1991 bài tiểu luận Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại của Antonio Blach, nhà phê bình Tây Ban Nha. Năm 1997, có bài tiểu luận Về chủ nghĩa hậu hiện đại của Jonh Verhaar (Lộc Phương Thủy dịch). Năm 1998, tcó bài viết Những giớihạn của phạm trù tác giả trong văn học hậu hiện đại của Viliam Marcok (Lại Nguyên Ân dịch). Từ năm 2000 trở đi: Công trình Lý thuyết văn chương hậu hiện đại của Niall Lucy (Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch). Năm 2003, công trình Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 do I.P.Ilin và E.A.Tzurganova chủ biên (những người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân). Cũng vào năm 2003, chuyên luận Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX (1900 – 1959) của R.M.Alberes (Vũ Đình Lưu dịch). Năm 2003 Nhà xuất bản Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã phát hành bộ sách 2 tập: Tập 1: Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn), tập 2: Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (Lê Huy Bắc tuyển chọn, giới thiệu). Năm 2004, công trình Phê bình – lý luận văn học Anh Mỹ (3 tập) do Lê Huy Bắc biên soạn. Cũng trong năm 2004, tập tiểu luận Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco (Vũ Ngọc Thăng dịch). Năm 2006, Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu cuốn Theo vết chân những người khổng lồ - Tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hóa. Cuốn sách có 2 bài về hậu hiện đại: Phân tích văn hóa theo thuyết hậu hiện đại của Steven Seidman và Phê phán hậu hiện đại và hậu cấu trúc của Buckminster Fuller (đều do Thiệu Bích Hường dịch). Năm 2008, cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean Francois Lyotard, Nhà xuất bản Tri thức (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính) Trong năm này, còn có bài viết Tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại của Stephen Baker, in trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5 (Phạm Phương Chi dịch). Năm 2008, còn có các cuốn Nguy cơ của Dan Gardner, (Ngọc Trung và Kiều Vân dịch); Kỷ nguyên hỗn loạn – Những cuộc khám phá trong lòng thế giới mới của Alan Greenspan (nhóm dịch Nguyễn Hồng Quang); Thế giới phẳng – Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI của Thomas l.Friedman (nhóm dịch Thái Quang A); Hiện đại hóa và Hậu hiện đại hóa của Ronald Inglehart, (Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Chí Tình, Nguyễn Mạnh Trường dịch, Vũ Thị Minh Chi hiệu đính). Từ những năm 2009 đến 2013, đáng chú ý nhất là các cuốn Nóng, Phẳng, Chật của Thomas Friedman (Nguyễn Hằng dịch); Súng, Vi trùng và Thép – Định mệnh của các xã hội loài người của Jared Diamond (Trần Tiễn Cao Đăng dịch); Nhận diện quyền lực của Noam Chomsky (Hoàng Văn Vân dịch, Đinh Hoàng Thắng hiệu đính); Nietzsche và triết học của Gilles Deleuze (Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu dính); Hướng đến kỉ nguyên hậu nhà nước phúc lợi do Tom G. Palmer (Chủ biên), …[2]
____________
[1] Nhận diện nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay.
http://toquoc.vn/doi-song-van-hoc/nhan-dien-nghien-cuu-phe-binh-van-hoc-hien-nay-104715.html
[2] lib.husc.edu.vn/.../TC%20KHOA%20HOC%20VA%20CONG%20NGHE/.../1.2.%20...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét