Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

MỘT THỜI RỪNG SÁC-Lê Bá Ước



TÁC GIẢ VÀ NHÂN VẬT VĂN CHƯƠNG

TRONG MỘT THỜI RỪNG SÁC

  Lê Bá Ước, Nxb tổng hợp Đồng Nai 2003

Bùi Công Thuấn

 

Đại tá Lê Bá Ước, tác giả Một Thời Rừng Sác
 

 

1.Một Thời Rừng Sác ghi lại những kỳ tích anh hùng của đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Địa bàn hoạt động của Đoàn 10 rải quân trên dưới 50km từ Vũng Tàu lên hai bờ sông Lòng Tàu đến Nhà Bè sang đường 15 lên Thành Tuy Hạ và hai đơn vị trụ ở phía đông đường 15. Trong tập sách, tác giả nói nhiều đến những hoạt động trên sông Thị Vải.

 
Theo nhiều nguồn tư liệu ghi lại, Trong 10 năm, Đoàn 10 đã lập những chiến công lừng lẫy:

 Chiến đấu 595 trận, diệt 6200 quân địch (trong đó diệt gọn 2 đại đội Mỹ,
 Đánh chìm và cháy 365 tàu, thuyền chiến đấu.
            Đánh đắm 133 tàu vận tải từ 800 đến 13 ngàn tấn và cháy 145 tàu vận tải khác.
            Bắn rơi 29 máy bay trực thăng.
            Đột nhập kho bom Thành Tuy Hạ hai lần, phá hủy trên 110 ngàn tấn bom đạn;

 Phá hủy 200 triệu lít xăng và khí đốt butaga tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè.
            Pháo kích 70 trận làm cháy hàng triệu lít xăng dầu.
            Phá hủy 1 trận địa pháo 2 khẩu 105 ly; 10 đồn bót cấp đại đội và nhiều tua chốt dã ngoại, đánh sập và hỏng 4 cầu, 3 khu chỉ huy cơ sở của quân ngụy.

 
Đoàn trưởng kiêm chính ủy Lê Bá Ước trực tiếp chỉ đạo nhiều trận đánh vang dội :

            Dội pháo vào Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ tháng 8. 1968
Đánh kho bom Thành Tuy Hạ đêm 12-11-1972
Trận đánh kho xăng Nhà Bè đêm 3.12.73  

Đại tá Lê Bá Ước sinh năm 1931, quê ở Gò Quào, Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), nhập ngũ năm 1945, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau hiệp định Genève, ông tập kết ra miền Bắc. 1965 ông trở về miền Nam chiến đấu với cương vị chính ủy và trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác. Trong Câu chuyện một gia đình (tr.185) ông kể khá kỹ về gia đình mình, đó là một gia đình nhiều thế hệ chiến đấu và hy sinh cho Cách mạng. Có hai bà mẹ Việt Nam anh hùng, 8 người thân hy sinh, tất cả dâu, rể, trai, gái đều trưởng thành: có hai sĩ quan dự bị, hai sĩ quan công an, hai bác sĩ, một thiếu tá, 10 người đã qua trình độ Tú Tài, Cử nhân., có thêm 8 cháu nội ngoại.(tr.196). Ông tự đánh giá :”…rõ ràng trong sự hy sinh mất mát phải chấp nhận đó vẫn thấy phần được lại cũng khá nhiều…họ sống với niềm tự hào to lớn của dòng tộc…, động viên dìu dắt nhau để phấn đấu xứng đáng với người đã khuất”.

 
Có một điều ngạc nhiên là không thể tìm thấy tên nhân vật Lê Bá Ước trong Một Thời Rừng Sác. Chỉ có nhân vật Lê Bảy, khi là “anh ngư dân Lê Bảy”(tr.38),đoàn trưởng kiêm chính ủy”, (tr.55),Chỉ huy trưởng Lê Bảy”(tr.129), nhiều khi chỉ gọi trống không là “ Lê Bảy”, không chức vụ. Chẳng hạn :”Đại đội trưởng Trần Sung nói :…, Chính trị viên Lê Chính :nói…. Lê Bảy điềm tĩnh dằn mạnh từng lời… Lê Bảy vui vẻ mỉm cười sau một quyết định”(Tr.74)”2 giờ sáng Lê Bảy cùng vài đồng chí thao thức trên võng ni lông”(tr.78), hoặc “ anh Bảy rừng sác “(Tr.103)
 

Đối chiếu với tiểu sử chiến đấu của các trận đánh thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè, bạn đọc nhận ra Lê Bảy chính là Lê Bá Ước. Điều này có ý nghĩa gì? Tại sao tác giả không ghi trực tiếp tên mình vào câu truyện, nhưng lại tách mình ra, với tư cách người cầm bút, viết về Lê Bá Ước qua nhân vật Lê Bảy?
 

2.Theo tôi xây dựng nhân vật Lê Bảy thay cho tác giả Lê Bá Ước là một thành công của nhà văn Lê Bá Ước. Nhất là khi theo dõi câu chuyện riêng tư của gia đình Lê Bảy, bạn đọc thấy rõ Lê Bá Ước đứng bên ngoài gia đình mình, ghi chép, nhận định về từng người và cả giòng tộc, gọi chung là “họ”, như thể một người khác viết về gia đình Lê Bá Ước (Câu chuyện một gia đình)

 
Thường thì khi viết về chính mình, khi kể lại công trạng thành tích, khi thổ lộ suy nghĩ cảm xúc, người cầm bút rất dễ bị “cái Tôi” nâng cánh bay bổng, làm cho hiện thực được phản ánh không tránh khỏi chủ quan. Ngòi bút Lê Bá Ước đã không vấp phải hạn chế đó.

 
Lê Bá Ước có ý thức “ém” mình đi để viết về đồng chí, đồng đội, cố ghi cho được chân dung và sự tích những con người anh hùng. Bởi sự thành công của một trận đánh, một chiến dịch và của Cách mạng là của cả một tập thể anh hùng. Chính tập thể ấy mới đáng biểu dương và ghi công. Tác giả Lê Bá Ước nhận rõ điều đó, ông tô đậm vai trò của quần chúng, sức mạnh của nhân dân, sự mưu trí, dũng cảm phi thường của từng con người trong từng hoàn cảnh ngặt nghèo, khi đối mặt với kẻ thù :” Có thể nói hàng trăm hàng ngàn tấm gương của con người, của tấm lòng yêu thương anh bộ đội cụ Hồ thể hiện tình quân dân cá nước sắt son cần phải ghi lại thành sử sách của thời kỳ chiến tranh chống xâm lược nơi vùng ven bám trụ.”(tr.184). Nhờ thế, Lê Bá Ước viết rất hay về đồng đội, đồng chí, về những người dân gắn bó sống chết với Cách mạng.(Mà Hai Trầu, Chân dung nữ liệt sĩ, Lòng dân Phước Thái, Hội anh chiến sĩ…)

 
Một đặc sắc nữa của ngòi bút Lê bá Ước qua nhân vật Lê Bảy, ông vừa có được cái nhìn tổng quát được cả chiến trường, lại rất kiên định trong lý tưởng những khi thử thách, khó khăn; đồng thời lại thể hiện được tình cảm sâu nặng với đồng đội, nhất là với người đã hy sinh. Chính con người tình cảm này của Lê Bá Ước làm nên những trang văn nhân hậu, thấm thía. Truyện Tìm Giọt Máu Rơi, Tình Đồng Đội là những câu chuyện cảm đồng cả về sự tích anh hùng và cả về những tình nghĩa thủy chung trước sau của những người cùng nhau sống chết trong cuộc đấu tranh giành lấy độc lập tự do từ tay kẻ thù..

 
3. Sự kết hợp bút pháp Ký và tự truyện tạo nên màu sắc riêng của ngòi bút Lê Bá Ước. Một Thời Rừng Sác có giọng văn trẻ, điềm tĩnh, nhân hậu nhưng cũng đầy chất anh hùng ca của sử thi. Thật ngạc nhiên khi tác giả của những bút ký ấy là người đã có tuổi, sức lực đã cạn kiệt vì hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho chiến trận.

Khi in Một Thời Rừng Sác, Lê bá Ước đã trên 70 tuổi. Tôi nghĩ, chính tấm lòng người lính với đồng đội, với đồng bào và Cách mạng đã chắp cánh cho những trang văn Lê Bá Ước. Ghi lại chân thực những chi tiết, những người, những việc, cùng với những tình cảm sôi nổi của một thời quá vãng, truyền ngọn lửa Cách mạng cho người đọc, không phải người cầm bút nào cũng làm được. Những người đã sống trọn vẹn đời sống chiến đấu cho lý tưởng cầm bút như Lê Bá Ước đến nay là rất hiếm, và chắc chắn những người trẻ hôm nay không thể viết được những trang văn hào sảng không khí chiến trận như tác giả Một Thời Rừng Sác.

Ở những bài viết mà chất Ký  là chính, tuy có ghi được tầm vóc sử thi và không khí chiến trận nhưng người đọc vẫn thấy thiếu một điều gì đó đọng lại thấm thía lòng mình; trái lại, những bài mà chất truyện vượt lên, văn Lê Bá Ước đọc rất thú vị. Đó là những cảnh sông nước, những tâm tư của nhân vật, những trăn trở, đấu tranh quyết liệt trong đầu người chỉ huy trước nhiệm vụ và trước sự sống chết của đồng đội, lòng tin của đồng bào. Ngòi bút trở nên “chân thật” hơn những trang “anh hùng ca” chỉ tập trung vào sự việc. Đúng ra Lê Bá Ước nên khai thác sâu hơn nữa việc miêu tả số phận từng con người, thay vì chỉ miêu ta kỳ tích của họ. Điều gì cho học sức mạnh làm nên kỳ tích anh hùng?
 

Sự kết hợp Ký và truyện làm cho ngòi bút Lê Bá Ước trở nên có duyên. Dù viết về những câu chuyện đời thường (Tình đồng đội, Một đám giỗ, Hội anh chiến sĩ, Lòng dân Phước Thái), văn Lê Bá Ước vẫn hấp dẫn. Sự hấp dẫn không phải bởi ngôn từ mà bởi cách kể nhanh, gọn, biết chắt lọc những con người, những sự việc có sức gây ấn tượng, tạo ra những “đột biến” cho mạch kể. Kết thúc truyện có hậu đem đến nhiều khoái cảm thẩm mỹ cho bạn đọc. Tất cả đều bật lên sự mưu trí dũng cảm và lòng nhân hậu, sức mạnh nhân dân làm nên chiến thắng.
 

Tôi chia sẻ tâm nguyện này của nhà văn Lê Bá Ước :”Qua tập hồi ký Một Thời Rừng Sác, dù không là người cầm bút chuyên nghiệp, tôi chỉ xin được ghi lại đôi điều, một số kỷ niệm, sự việc, chiến công của đồng chí, đồng bào. Sức mình có hạn, chắc chắn không thể nào phản ánh được đầy đủ những chiến công, kỷ niệm sâu sắc của đồng bào đồng chí Rừng Sác, những mong anh chị em bè bạn bổ sung cho Bản Anh Hùng Ca Rừng Sác thêm hoàn chỉnh, để cho các thế hệ mai sau lưu truyền và hình dung được phần nào về thời cha anh đã đánh giặc.”

 
Tháng 8. 2014

_____________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét