Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Thế giới hiện sinh ngoài khung cửa

Thế giới hiện sinh ngoài khung cửa Bùi Công Thuấn Tưởng tượng & Dấu vết của Uông Triều đã dẫn người đọc rời hẳn thế giới tiểu thuyết hiện thực quen thuộc của văn chương Việt Nam 1945-1975 mà bước vào thế giới của sáng tạo đích thực, tiểu thuyết hư cấu (fiction). Điều này hầu chưa tác giả trẻ đương đại nào thành công. Các tác giả trẻ dù đã có nhiều cách tân, song họ vẫn bị hiện thực ghì chặt lấy, vẫn chưa thoát được cách viết phản ánh hiện thực. Bước vào Tưởng tượng & Dấu vết là bước vào thế giới không thể phân biệt được đâu là thực, đâu là hư, đâu là ảo giác, đâu là đời sống. Có những giấc mơ giữa ban ngày, có những con người hoang tưởng từ trong bức tranh bước ra đời thực. Nhân vật hiển hiện ngay trước mặt nhưng không thể biết họ là ai, họ từ đâu đến, đi đâu về đâu. Người mẹ ngoại tình với cây cổ thụ, ông bố nổi ghen bị cái cây quật ngã. Cái rễ cây đuổi theo ông bố, mọc lên ngay giữa nhà. Con số bí mật theo đuổi nhân vật Tôi đến dòng cuối cùng của trang sách. Và sau cùng, Tôi, người kể truyện cũng không biết mình là ai. Những “bí mật” ấy tạo nên sự hấp dẫn mới lạ, buộc người đọc phải tìm câu trả lời. Nhưng câu trả lời lại là ẩn ngữ của tác phẩm, bởi tác giả đặt người đọc vào một tâm thế hoàn toàn khác so với tiểu thuyết “truyền thống”. Nhà văn không kết luận, không bắt người đọc phải hiểu theo ý mình. Cánh cửa sổ mở ra, nhân vật chính còn đang kiếm tìm lời giải cho cuộc sống của anh ta, và người đọc, người đồng hành với nhân vật cũng phải tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình khi đối diện với những vấn đề của hiện sinh. Vấn đề của hiện sinh là gì? Con người tìm kiếm tự do? Nhưng tự do có đem đến hạnh phúc không hay chỉ đem đến đổ vỡ? Tại sao thế giới hôm nay lại vô cảm đến vậy? Cha, mẹ, con cái, người yêu, và những người ở ngoài khung cửa sổ kia, họ đang lướt qua trước mặt Tôi, tất cả đều xa lạ. Họ gặp nhau mỗi ngày nhưng như chưa bao giờ biết rõ về nhau. Tôi đang chết dần như cái cây hết nhựa sống. Tôi tra hỏi sâu vào hiện sinh, con người là gì. Tôi nhận ra chính mình đang trở thành cây, sau gáy đang mọc ra những lá cây. Nhân vật trong tác phẩm của Tôi, cũng là chính Tôi, ban đêm mọc ra lông lá móng vuốt của loài quái thú. Một nửa con người là quái thú, không sao tiêu diệt được. Tác giả cũng nói đến những khó nhọc của việc viết văn, những trang văn giết người. Tác giả đã sử dụng kỹ thuật dòng chảy ý thức khá nhuần nhuyễn với nhân vật Tôi. Tôi là một “chàng trai 26 tuổi,(bị một tai nạn thảm khốc) ngồi yên một chỗ, không một người bạn qua lại, đang dằn vật thể xác và tinh thần, một kẻ cô độc, đang chết mòn”. Tôi nhìn đời qua ô cửa sổ, nhận thức, suy tư và sống. Tôi trầm mình trong ký ức tuổi thơ và tuổi sinh viên. Tôi nhìn rất sâu vào bản thể sinh tồn của chính mình, vào sự chết, vào bản thể của mọi vật xung quanh, kể cả đàn kiến bò trên tường. Tôi ngửi được mùi rất riêng của cô gái thoảng trên người bố, biết bố đang ngoại tình. Tôi soi rọi mọi hành vi, cách hành xử của con người qua ánh sáng phân tâm học. Tác giả trộn lẫn câu chuyện của nhân vật Tôi đang kể với câu truyện trong những cuốn sách Tôi đang đọc, đồng thời trộn Tôi với nhân vật trong cuốn sách anh đang viết. Tác giả xóa nhòa ranh giới thời gian hiện tại và quá khứ, xóa nhòa ranh giới giữa thực và mơ, giữa cái hiển hiện và cái hoang tưởng, giữa nhân vật Tôi trong thực tại với nhân vật trong những cuốn sách anh đọc và cuốn sách anh viết. Quả thực tác giả đã tạo được một thế giới nghệ thuật đa chiều đồng hiện, một thế giới còn ít xuất hiện trong tiểu thuyết Việt Nam. Trên cái nền của một thực tại đổ vỡ, mất mát, vô cảm như vậy những tưởng tiếng nói nhà văn sẽ bị che lấp đi. Nhưng không, tiếng nói ấy vang lên mạnh mẽ về nhiều vấn đề của thực tại xã hội hôm nay. Đó là sự đổ vỡ của gia đình, là trạng thái vô cảm của con người, là những thân phận bé nhỏ vô danh như bà lão tóc bạc trắng bán quán nước dưới gốc đa, ông già đi qua chiến tranh chết ở giữa sông, dưới chân trụ sắt cây cầu cổ; cô gái điếm có con số bí mật, cô gái câm họa sĩ vẽ bức tranh ấn tượng. Tác giả chia sẻ những nỗi niềm không tỏ lộ của nhân vật bố và nhân vật mẹ khi họ đi tìm ý nghĩa cuộc sống riêng của họ. Dẫu thế nào, họ vẫn dành cho Tôi tất cả sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương. Tác giả nhìn những thất vọng và khóc khuất của xã hội bằng cái nhìn nhân bản và cảm thông. Nhân vật cô gái điếm được miêu tả mạnh mẽ. Người mẹ, ông bố ngoại tình có chân lý riêng của họ. Sex cũng được miêu tả ở giá trị nhân bản. Tất cả các nhân vật đều có cuộc sống riêng theo ý mình, khẳng định mạnh mẽ giá trị của cá nhân, mặc dù rất khác nhau, nhưng họ vẫn tôn trọng nhau và cùng tồn tại. Trong tác phẩm có những trang đối thọai tinh tế, tài hoa. Nhân vật như nhìn thấu vào trong nhau, và ngôn ngữ của họ, là một thứ ngôn ngữ trau chuốt thiên về tư tưởng. Khả năng sáng tạo của tác giả rất phong phú, cuộc tình của cái cây cổ thụ với người mẹ là một thí dụ. Tác phẩm có cấu trúc mạch lạc, đơn tuyến nhưng lại tạo được một thế giới đa tầng đồng hiện. Tác giả tô đậm nhiều chi tiết đặc trưng của mỗi nhân vật, nhờ đó tạo ra chất kết dính, làm nên sức hấp dẫn của cốt truyện. Dãy số bí mật 688.211 theo với nhân vật Tôi mãi, dãy số ấy từng cho anh công nhân trúng số, và người đọc hy vọng đến cuối tác phẩm sẽ biết đó là bí mật gì… Với Tưởng tượng & Dấu vết, Uông Triều đã góp được một tiếng nói mới, khác lạ vào ngôn ngữ tiểu thuyết Việt đương đại. http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20025

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

TRANH GÒ NHÔM CỦA HỌA SĨ VĂN PHÚC

TRANH GÒ NHÔM CỦA HỌA SĨ VĂN PHÚC
Bùi Công Thuấn

Họa sĩ Văn Phúc




Họa sĩ Văn Phúc là bậc thầy trong thể loại tranh gò nhôm. Tranh của ông đường nét tài hoa, có nhiều tìm tòi sáng tạo về bố cục, nội dung vừa dân dã vừa hiện đại. Về phong cách, tranh Văn Phúc có những đặc điểm riêng đủ sức sức thu hút và gây ấn tượng cho người xem ngay phút đầu gặp gỡ.

BCT mới được họa sĩ Văn Phúc tặng 4 bức tranh quý, thật cảm động không lời nào diễn tả được, bởi gói trong những tranh ấy là tấm lòng tri kỷ nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên BCT được chiêm ngưỡng loại tranh này. Trước đây BCT có được xem tranh Văn Phúc qua những bức ảnh chụp và có bài viết về tranh của ông. Thực ra ông đã nổi tiếng và được giới thiệu ở nhiều chương trình, nhiều diễn đàn. Bài viết của tôi về tranh của ông chỉ là cái nhìn cảm tính của một người “ngoại đạo” thưởng tranh

(Các bạn có thể đọc các bài về họa sĩ Văn Phúc theo link dưới đây)


 BCT xin giới thiệu 4 bức mới của họa sĩ Văn Phúc.
Bức Đờn ca tài tử có nét sang trọng trong trang phục, thế ngồi, nét mặt và bố cục. Bức Người bán dừa có những ẩn ý thật thú vị ở dáng ngồi và dáng ôm dừa. Tắm dưới trăng Tình trăng vừa kín đáo khuôn phép, vừa đậm chất sex nghệ thuật, có sực gợi những năng lượng tiềm ẩn.

Nhân vật, đường nét, bố cục tranh Văn Phúc bao giờ cũng cuồn cuộn sức sống và lòng yêu đời, vừa rất đời thường cũng rất nghệ thuật. Bên dưới cái nền nã truyền thống là những khám phá táo bạo. Có một sự hài hòa quý giá giữa công sức lao động và cái đẹp nghệ thuật. Phải mất rất nhiều thời gian gõ hàng vạn dấu đinh trên nhôm để tạo nên đường nét, lại vừa tìm tòi cách thể hiện nội dung, khắc tạc hình tượng, sáng tạo cái đẹp mang khí cốt dân tộc và sức sống thời đại, người họa sĩ trải trên bức tranh bao nhiêu là sức lực và tâm huyết. Tôi tin rằng những cống hiến của họa sĩ Văn Phúc cho ngành mỹ thuật Việt Nam sẽ còn mãi với thời gian.

Kính chúc họa sĩ vui khỏe và có thêm nhiều giá trị nữa cho nghệ thuật , làm giàu đẹp văn hóa Việt nam
                                                Đờn ca tài tử-Tranh gò nhôm Văn Phúc                                                                                    (BCT chụp lại)
                                                 Người bán dừa-tranh gò nhôm Văn Phúc
                                             Tắm dưới trăng-Tranh gò nhôm Văn Phúc                                              

Tình trăng-Tranh gò nhôm Văn Phúc