Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017

TIỂU THUYẾT KHÔI VŨ


TIỂU THUYẾT KHÔI VŨ
Bùi Công Thuấn


(52 tác phẩm của Khôi Vũ)


Bến đời mơ thực (2016) là cuốn sách thứ 53 của nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải. Trước đó Khôi Vũ đã in nhiều tiểu thuyết như: Người có một thời (1988), Giữa dòng đời (1989), Lời nguyền hai trăm năm (1989), Dòng sữa cây nước mắt (1990), Mặt trời của riêng ai? (1990), Triệu phú (1992), Ngọn lửa âm thầm (1993), Bay với đôi tay trần (2004), Cái bóng (2005), Những người nuôi lửa (2005), Phía sau một khách sạn (2006), Vỡ dần trong mắt (2009). Và sau 9 năm với 12 lần được bổ sung (15/5/2017), anh đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Nguồn mạch. Cuốn sách lên đến 133.000 chữ, khoảng 500 trang in. Khôi Vũ cho biết: “Chưa biết có “Nhà” nào chịu in cho, cũng chưa biết hay dở thế nào, nhưng tự thấy hài lòng và hạnh phúc vì đã viết được một cuốn sách... “hết cốt”

1. TỪ LỜI NGUYỂN HAI TRĂM NĂM ĐẾN BẾN ĐỜI MƠ THỰC.

Tôi chưa có điều kiện đọc tất cả tiểu thuyết của nhà văn Khôi Vũ nên không thể có một cái nhìn bao quát. Tuy vậy, mỗi cuốn sách hé lộ một khía cạnh nào đó của bút pháp, phong cách và năng lực sáng tạo của tác giả. Tôi chọn Lời Nguyền Hai Trăm năm(1989), Vỡ dần trong mắt (2009) và Bến đời mơ thực (2016) để lần tìm những manh mối.

Trong cuốn Con ếch ngắm trăng (chưa xuất bản nhưng đã công bố một phần), Khôi Vũ cho biết: Trước Tết âm lịch năm 1989, vì ham vui, anh theo chân một phóng viên đài PTTH Đồng Nai đến Bà Rịa Vũng Tàu. Ở Long Hải, Khôi Vũ gặp Hai Sửu, tập đoàn trưởng tập đoàn đánh cá. Hai Sửu có biệt tài lặn xuống biển thăm dò luồng cá, nên được người ta gọi là Vua Biển. Khôi Vũ không ngờ rằng chuyến đi ấy cũng đã “tặng” anh một nguyên mẫu cho nhân vật chính của cuốn Lời nguyền hai trăm năm với hai chi tiết “đắt”: danh xưng Vua Biển và tài lặn xuống biển nghe luồng cá. Sau Tết âm lịch năm ấy Khôi Vũ được anh Chí Thiện, một phóng viên của báo Tiền Phong (TP HCM) “đặt hàng” qua sự giới thiệu của nhà thơ Cao Xuân Sơn.

Khi viết Lời nguyện hai trăm năm, Khôi Vũ kể: “Tôi chọn Hai Sửu là nguyên mẫu nhân vật chính cuốn sách của mình nhưng đổi tên thành Hai Thìn cho phù hợp với tài lặn biển (như rồng). Tôi chọn bối cảnh là rừng và biển Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) vì nơi ấy tôi từng đi thực tế, từng vào rừng nghe bà già người Châu Ro trăm tuổi hát để ghi son-phe mấy bài hát của dân tộc ít người này, có thể đưa bà thành một nhân vật. Vì thế tôi “chuyển” Hai Thìn từ biển Long Hải qua biển Bình Châu và tôi đổi tên nơi đây thành “làng biển Cát”. Ở đây, về phía không gian rừng, tôi tự tin với nhân vật Tòng Út cùng chiếc đàn goong-kala mà tôi gọi là đàn ống tre. Tôi đã từng được tặng một chiếc đàn ống tre và biết sử dụng nó khá thành thạo, thậm chí còn sáng tác được một bài hát mang âm hưởng dân ca từ nó... Cứ thế, ngày qua ngày trong vòng gần ba tháng, tôi viết. Viết với sự hào hứng. “

Lời nguyện hai trăm năm ca ngợi người lao động làm giàu vào cái thời người kinh doanh còn bị gọi là con buôn với tất cả sự đố kỵ. Chủ đề tư tưởng, theo Khôi Vũ, là viết về tính thiện.

Làng biển Cát có ông tổ họ Lê theo Gia Long. Ông phò dưới trướng Lê Văn Duyệt. Khi Gia Long chiến thắng và tiến hành trả thù khắp nơi, họ Lê cũng nguyền trả thù cho gia huynh mình. Họ Lê đã bắt được và giết chết một cách dã man cha con họ Vũ, một viên tướng Tây Sơn. Trước khi bị chém làm hai mảnh, họ Vũ nguyền rằng, dòng họ Lê, “chỉ đến khi tuyệt tự mới hết kẻ ác tâm”. Sau đó hồn họ Vũ đầu thai vào nhà họ Lê để trả thù riêng. Lời nguyền ấy đã ứng nghiệm. Mỗi đời họ Lê muốn có con trai nối dòng đều phải làm một việc ác…Đến đời Hai Xung Phong, sau khi làm ác, y hối hận, từ bỏ gia đình đi tu, đổi tên là Thích Huệ Mẫn. Ông có một con trai, đặt tên là Lê Trung Hiếu.
Hiếu chính là Vua Biển Hai Thìn. Anh sống ở làng biển Cát. Sau giải phóng, anh bị cán bộ điạ phương ép đi kinh tế mới. Nhà cửa của anh bị chiếm đoạt. Một năm sau đó anh xin hồi cư. Lý do anh là dân biển. Anh bị cán bộ điạ phương là Năm Mộc, Sáu Thế, Năm Hường o ép đủ điều. Sau cùng nhờ người dân trung kiên như ông Bảy, bà Cả Mọi và ông Ba Tê, một đảng viên hưu trí đấu tranh mạnh mẽ, Hai Thìn được nhập lại hộ khẩu, làm ăn, trở nên giàu có, được cử làm đại biểu Hội đồng Nhân dân. Anh không có con trai, nhưng anh từ chối làm điều ác theo đề nghị của cha và sự sắp đặt của vợ. Hai Thìn đã yêu vợ nồng nàn trong đêm trước khi anh đi biển. Chuyến đi ấy thuyền Hai Thìn bị sóng thần đánh vỡ. 15 người đi biển chỉ còn Năm Mộc sống sót, 9 người mất tích. Trong đêm yêu đương sau cùng, Hai Thìn đã để laị trong bụng vợ một đưá con. Chị đã sinh một cháu trai, ước mơ tuyệt vời của vua biển.

Trong bản thảo gửi Chí Thiện, Khôi Vũ cho biết, lúc đầu tất cả các nhân vật đều chết. “Anh Thiện nói với tôi: ‘Ông cố gắng cho một ai đó sống sót có được không?’. Tôi trả lời để tôi suy nghĩ. Cuối cùng, tôi cho nhân vật Năm Mộc, kẻ đầy tính xấu được sống. Hai Thìn, nhân vật tôi yêu quý, tôi vẫn để cho chết vì anh ta đã có đứa con trai nối dõi. ‘Cái mầm thiện đã có, còn lo gì!’”

Có một khoảng cách rất xa từ chuyến đi Bà Rịa-Vũng Tàu của Khôi Vũ đến việc viết Lời nguyền hai trăm năm. Chỉ có thể giải thích bằng tài năng sáng tạo văn chương. Độc đáo nghệ thuật của Lời nguyền hai trăm năm là cấu trúc hai tuyến truyện song song ngược chiều. Đây là điều mới mẻ so với tiểu thuyết đương thời những năm sau 1975. Tài năng sáng tạo, hư cấu, kết nối mạch truyện từ thời Gia Long qua thời chống Pháp đến những ngày trước đổi mới (1986) chứng tỏ Khôi Vũ là một cây bút có khả năng viết tiểu thuyết sử thi, và là một nhà văn tự khẳng định bản lĩnh trong việc phản ánh hiện thực còn nhiều phức tạp sau 1975. Khôi Vũ cho biết, anh viết với sự hào hứng, nhưng cũng “viết với một... nỗi lo… rằng mình ca ngợi người lao động làm giàu liệu có được chấp nhận không?”.

Rất tiếc, Khôi Vũ còn có hai cuốn tiểu thuyết sử thi bị “đứt mạch” chưa thể viết tiếp. Anh kể: “Mặt trời của riêng ai? (1990) là tiểu thuyết sử thi với những nhân vật chính là thanh niên trí thức miền Nam, bắt đầu từ những năm sáu mươi và dừng lại ở tháng 4/1975. Trong ý định thì tôi sẽ viết tiếp số phận của các nhân vật trí thức miền Nam này sau giải phóng. Tập 2 là khoảng thời gian từ sau tháng 4/1975 đến năm 1990, khi Việt Nam đã bước vào đổi mới một thời gian. Tập 3 là thời gian sau 1991. Ý tưởng thì “lớn” như vậy nhưng đáng tiếc cho đến nay tôi vẫn chưa thể “nối mạch” được”.

Khi đã 50 tuổi, Khôi Vũ định tập trung viết một bộ “trường thiên tiểu thuyết”. Truyện kể “về cuộc đời một cô gái mười lăm tuổi từ năm 1954 đến khi trở thành một phụ nữ trên sáu mươi tuổi vào năm 2000, mà sự đau khổ đã khiến toàn bộ mái tóc của bà sớm bạc trắng. Chuyện về cuộc đời của nhân vật này được lồng trong bối cảnh lịch sử của miền Nam đất nước ta: thời đệ nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm, thời của các tướng lĩnh làm chính trị và thời sau tháng 4/1975. Tôi đặt nhan đề chung cho bộ truyện là “Tóc trắng” và viết theo kiểu chương hồi, trước mỗi chương là một đoạn lời kể của người phụ nữ tóc trắng, tiếp đó mới là phần kể hoặc tả của tác giả theo thứ tự thời gian… Trong suy nghĩ của tôi,”Tóc trắng” phải dài ít nhất 3 cuốn, mỗi cuốn khoảng trên dưới 300 trang in, thì việc in ấn không phải dễ. Vì vậy, trước hết phải viết cho xong đã rồi tính gì thì tính...Ba tháng, tôi viết được 100 trang vi tính, hết phần 1. Tiếc là số phận không chiều lòng tôi. Bộ “Tóc trắng” đến tận năm nay, tức mười mấy năm sau, vẫn còn dừng ở ba chữ ‘Hết phần 1’.”(Con ếch ngắm trăng-đd).

Như vậy có thể coi Lời nguyền hai trăm năm là một tiểu thuyết sử thi tiêu biểu của Khôi Vũ. Tác phẩm này tiếp tục dòng chảy sử thi trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975, nhưng với những nguồn mạch mới. Lời nguyền hai trăm năm chảy liền một mạch 200 năm từ thời Gia Long đến trước thời kỳ đổi mới (1986)

Hai mươi năm sau, Khôi Vũ ghi một cột mốc tiểu thuyết khác là tiểu thuyết“Vỡ dần trong mắt. Khôi Vũ “kể chuyện ‘vỡ mộng’ của một anh nhạc sĩ với thủ trưởng của mình, vốn là thần tượng của anh trước đó. Cuốn sách này tôi khai thác hầu như triệt để vốn ‘mổ mắt’ của mình, đặc biệt là ‘cuộc đời’ của cái bọt bóng khí trong mắt từ lúc nó xuất hiện đến khi tan biến. Cái bọt bóng khí trong mắt sau mổ này, tôi tin là chỉ có người nào mổ võng mạc mới có, mới biết chứ khó mà tưởng tượng ra.”(Con ếch ngắm trăng-đd).
Vỡ dần trong mắt cũng có một cấu trúc song song tạo nên tính tư tưởng cuả
truyện. Đó là câu chuyện về sự tan dần cuả bọt bong bóng trong mắt nhân vật Tôi, và mức độ trầm trọng ngày càng tăng lên đối với số phận anh Trần. Hai cấu trúc này gặp nhau ở cuối truyện. Khi bọt bóng tan, Tôi hết ảo tưởng về anh Trần. Trong Vỡ dần trong mắt, Khôi Vũ miêu tả nhiều giấc mơ (5 lần) của nhân vật Tôi. Tôi mơ thấy Lam. Và Lam chỉ xuất hiện trong giấc mơ cuả Tôi. Lam là nhân vật có nhiều bộ mặt: trẻ em nghèo nhặt cá, trẻ em trong chiến tranh nghịch ngợm súng đạn, một hướng dẫn viên du lịch trong những công ty lưà, một tay cơ hội giỏi tâng bốc trong những trò quảng cáo và sau cùng hoá thân trong vị bác sĩ từ nghèo khó phấn đấu thành tài. Nhân vật Tôi không lý giải được sự hiện diện cuả Lam. Có thể coi Lam là một kiểu nhân vật “lạ” của Khôi Vũ với nhiều ẩn nghĩa tư tưởng và nghệ thuật.
Kết nối mạch sáng tác của Khôi Vũ từ Lời nguyền hai trăm năm qua Vỡ dần trong mắt đến Bến đời mơ thực (hành trình 27 năm sáng tạo), người đọc có thể nhận ra một vài đặc điểm nghệ thuật của Khôi Vũ.
Khôi Vũ có nhiều nỗ lực cách tân nghệ thuật tiểu thuyết, rõ nhất là ở cấu trúc truyện song song ngược chiều trong Lời Nguyền hai trăm năm. Cho đến nay, kiểu cấu trúc này vẫn giữ nguyên giá trị. TS Hà Thanh Vân (Khoa Ngữ văn, Đại học Thủ Dầu Một) nhận xét: “Lời nguyền hai trăm năm là tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Khôi Vũ trong mấy chục năm cầm bút.”[1]
Lời nguyền hai trăm năm được trao giải Hội Nhà Văn còn vì là một tác phẩm viết thành công về dân tộc ít người với những số phận và màu sắc văn hóa gây được ấn tượng.

Ngày nay có nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử và Khôi Vũ là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử khá sớm. (truyện ngắn Kiếm Sắc –Nguyễn Huy Thiệp [1988], tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh [1999], tiểu thuyết Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải [2003], tiểu thuyết Sương mù tháng giêng của Uông Triều [2015]…).
Tiểu thuyết Khôi Vũ viết về hiện thực xã hội miền Nam, nhiều cuốn lấy bối cảnh Đồng Nai. Nếu tổng hợp truyện ngắn và tiểu thuyết Khôi Vũ, người đọc sẽ thấy bức tranh xã hội miền Nam thật rộng lớn (trong truyện ngắn, Khôi Vũ viết áp sát những vấn đề thời sự). Góc nhìn của Khôi Vũ là góc nhìn của nhân dân, nên truyện của anh gần gũi với bạn đọc. Tạng của anh không phải là cây bút viết những truyện “gây hấn”, nên dù có đề cập đến những vấn đề xã hội bức xúc, ngòi bút Khôi Vũ vẫn hiền lành. Anh đã rút được nhiều kinh nghiệm, chẳng hạn chuyện bị gây khó từ cuốn Chuyện ở dãy phố năm căn. Gần đây anh viết truyện ngắn Xót xa sông lên tiếng về việc người ta đổ đất lấp sông Biên Hòa gây nên bao bức xúc trong dân. Với tư cách là nhà văn, một người con của Biên Hòa, Khôi Vũ không thể im lặng, nhưng anh viết rất “khôn ngoan”.
Khôi Vũ hướng về đối tượng độc giả thị trường, và giữ được sự mến mộ của độc giả mấy thập kỷ qua. Đó là một thành công mà không nhiều nhà văn đạt được. Có thể nói việc “ra dân”(xin thôi việc ở cơ quan Nhà nước) của anh chính là để lăn mình vào văn chương thị trường. Sức viết của Khôi Vũ thật dồi dào, gần như anh in sách liên tục trong nhiều năm ở cả ba thể loại truyện ngắn, truyện dài và truyện thiếu nhi. Anh còn viết sách đặt hàng cho Đồng Nai, viết về du lịch…

Khôi Vũ viết văn chương thị trường, song vẫn giữ ngòi bút của người làm văn chương đích thực, tức là sự sáng tạo cái đẹp, giữ gìn văn hóa và góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn lên…

Cũng nhìn trong mạch tiểu thuyết từ Lời nguyền hai trăm năm đến Bến đời mơ thực, có những vấn đề tôi chưa thể lý giải được.
Đó là sự giảm dần dung lượng hiện thực trong nội dung tác phẩm. Vỡ dần trong mắt không còn chất “sử thi”đậm đặc, như Lời nguyên hai trăm năm. Dù vậy tác phẩm vẫn còn gắn với nội dung về đấu tranh chống cái tiêu cực của cuộc sống. Trái lại Bến đời mơ thực thu gọn lại chỉ là chuyện của ba nhân vật ở khu nhà trọ Lão Sao. Tuyệt nhiên không còn bóng dáng sử thi hay bóng dáng hiện thực những đấu tranh xã hội. Sự nổi trội của tác phẩm là miêu tả “cái bi kịch” cá nhân trong bối cảnh đời thường. Mạch truyện chậm, không có một cốt truyện chặt nên giảm hẳn sức hấp dẫn. Các nhân vật trôi đi trong thời gian với những việc hàng ngày: gặp gỡ, ăn uống trao đổi về những vấn đề của nhau trong sự quan tâm hàng xóm. Hình như họ xa lạ với dòng đời đang ào ạt hội nhập toàn cầu hóa ngoài kia. Truyện không đặt ra được bất cứ vấn đề xã hội cấp thiết nào, chỉ có vài chi tiết về cá nhiễm độc chết và cát tặc gây ra dòng xoáy dòng làm lở bờ sông.
Vỡ dần trong mắt kế thừa cấu trúc song song của Lời nguyền hai trăm năm và mở ra cách viết nhiều giấc mơ trong Bến đời mơ thực. Tuy nhiên cốt truyện của Vỡ dần trong mắt không hấp dẫn bằng Lời nguyên hai trăm năm, và những giấc mơ trong Bến đời mơ thực “rối” hơn, thần thoại hơn sơ với những giấc mơ không thể phân tâm trong Vỡ dần trong mắt. (Xin đọc bài BCT viết về Bến đời mơ thực). Ở một góc nhìn khác, tính “tư tưởng” của tác phẩm cũng giảm dần giữa ba tác phẩm này.
Tôi không rõ đây là sự chuyển đổi bút pháp hay là sự “xuống tay” của Khôi Vũ, dẫu biết rằng không nhà văn nào vượt được chính mình trong suốt chặng đường sáng tạo.

2. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA SÁNG TẠO

Đã có lúc Khôi Vũ tự đặt vấn đề với chính mình: “Đi 3 nước châu Âu trong 2 tuần lễ về đã hơn tháng, trong mình đầy ắp những câu chuyện, hình ảnh... Nhưng vẫn chưa viết gì. Kể cả khi bạn bảo "Viết cái gì đi, tôi in báo cho", mình cũng lần lữa hẹn. Nghỉ ngơi sau chuyến đi dài thì đã đủ rồi. Nhưng mình vẫn còn đang nghĩ... “Khôi Vũ nghĩ gì? “Kể chuyện thì dễ thôi. Khó là kể những gì, kể để làm gì? Có khi nghĩ mãi không ra cũng nên...”.(FB Nguyễn Thái Hải 12.06.2017)

Trước kia anh viết ào ạt, viết đầy cảm hứng, sách in liên tục. Lý do cụ thể là, anh kể: “Năm 1991, tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của ông phó thủ tướng Nguyễn Khánh. Chỉ thị này quy định các Hội phải tự lực tài chính để hoạt động. Tôi mới qua tuổi bốn mươi. Phải tìm một việc gì đó để làm. Rất có thể một lúc nào đó tôi sẽ trở lại với nghề Dược, nhưng trước mắt phải viết đề kiếm... nhuận bút mà sống cái đã.”; Vâng, viết văn cũng là một nghề, và sống được bằng nhuận bút không phải nhà văn Việt Nam nào cũng đạt được.
Trước kia, khi “thời” của anh đến, anh gặp nhiều may mắn, nhờ thế, có động lực, tài năng được phát huy. Viết xong anh gửi ngay cho nhà in, có cuốn cùng lúc được cả hai nhà xuất bản in, có năm in hai, ba cuốn. Làm gì cũng phải có thời. Người viết văn cần có tài, có thời và có dũng khí, Khôi Vũ đã “tri thiên mệnh” về sự chọn lựa con đường của mình. Và đây là “thời” của anh: “Thật bất ngờ, vào dịp cuối năm 1986, tôi nhận được thông báo từ nhà xuất bản Tác Phẩm Mới rằng “Người có một thời” sẽ được in ở đó vào năm 1987. Thế là chỉ một năm 1987, tôi có đến hai cuốn sách được in ở hai nhà xuất bản, một trong Nam, một ngoài Bắc. Với tôi ngày ấy, quả không còn gì vui hơn! Chưa hết, nhà xuất bản Văn Nghệ ở TP Hồ Chí Minh còn hỏi tôi có cuốn “dài” nào khác thì đưa họ in cho. Trời ạ! Tôi đang định viết một cuốn về “đời thường”. Tổ đãi tôi rồi!

Trước kia, khi còn trẻ, Khôi Vũ lăn vào cuộc đời kể trải nghiệm, để có vốn sống, anh có cơ hội tiếp cận được với nhiều loại người, và nhiều trong số họ trở thành nguyên mẫu cho nhân vật của anh. Vốn sống dồi dào nên Khôi Vũ viết thật dễ dàng. Khôi Vũ kể về việc tìm và sử dụng vốn sống trong sáng tác của anh như sau:

Thời kỳ anh trở thành REP (Trình dược viên) của CIBA. “dường như thời gian ba năm đã vừa đủ cho tôi tích lũy được một vốn sống về người trí thức đi làm việc cho Công ty nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng ngẫu nhiên có được một vốn sống về hoạt động của các khách sạn cả bề ngoài lẫn thực sự bên trong. Sau này, năm 2006, tôi in cuốn truyện vừa “Phía sau một khách sạn” được viết với vốn sống “được tặng thêm”…

Tôi đã chấm dứt thời gian đi tìm vốn sống ở một công ty nước ngoài từ đó. Ít ai biết tôi lại đang âm thầm tìm vốn sống mới tại báo Lao Động Đồng Nai, nơi tôi sẽ có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới công nhân và các công ty, xí nghiệp sản xuất trong tỉnh Đồng Nai
Vốn sống thời gian làm báo Lao Động Đồng Nai bây giờ mới được tôi huy động để viết. Tập truyện ngắn “Bên kia dãy điệp vàng” gồm toàn bộ truyện viết về công nghiệp, công nhân. Tiểu thuyết “Cái bóng” thì viết về chuyện nhân sự trong một nhà máy.(Con ếch ngắm trăng-đd).
Cả một cuốn “Dòng sữa cây nước mắt” đầy ắp vốn sống và đời người mà tôi ghi nhận được sau những lần đi viết và ở lại nhiều ngày trong vùng cao su Long Khánh

Viết “Đất sóng”, tôi dựa vào cuộc đời của gia đình một người bạn sau tháng 4/1975. Anh bạn, tôi không lấy làm nguyên mẫu mà chọn cô em gái của anh để xây dựng nhân vật chính. Một số sự việc trong truyện là có thực và tôi từng tham gia. Không gian là vùng đất gần nhà tôi nên tôi rất thông thuộc. Lần đầu tiên tôi đưa vào truyện những câu ca của người dân tộc đã được “cải biên” lại cho phù hợp nhưng vẫn giữ đúng ý tứ nội dung. (Thủ thuật này, tôi còn sử dụng trong một số sáng tác sau này, trong đó có tiểu thuyết “Lời nguyền hai trăm năm”). Về nhan đề của truyện, tôi đã được “trời cho” từ một chuyến đi thực tế. Chuyến đi ấy chỉ có hai người là tôi và Đàm Chu Văn khi cả hai đang là phóng viên báo Văn Nghệ Đồng Nai. Lần ấy chúng tôi đạp xe đạp đi tìm tổ hợp trồng sả của một người quen nằm trong khu đất đồi giáp vùng Hố Nai. Là đất đồi nên đường đi khi lên dốc, lúc xuống dốc, đạp xe bở hơi tai. Cái hình ảnh đất nhấp nhô như sóng hiện ra trong tôi cho đến khi viết truyện dự thi năm 1985, nó đã hiện ra như một hình ảnh “đắt” cho cuộc đời đầy sóng gió của nhân vật chính.

Vùng đất sóng đầy ấn tượng trong tôi ấy sau này còn là không gian chính của tiểu thuyết “Những người nuôi lửa” (Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức tỉnh Đồng Nai lần thứ 2 – Loại A văn xuôi).

“Ngọn lửa âm thầm” viết về ngành giáo dục với nhân vật chính là một cô giáo dạy học ở một vùng xa. Câu chuyện được ghép với một chuyện tiêu cực về rừng và chuyện làm báo. Đúng là việc tiếp cận với thời sự hàng ngày đã ảnh hưởng đến tôi khi viết cuốn sách này. Thứ nhất, tôi đang làm báo. Thứ nhì, chuyện phá rừng đang là thời sự nóng lúc ấy. Thứ ba, ngành giáo dục là ngành mà báo Lao Động Đồng Nai nơi tôi làm việc có mối quan hệ khá thân thiết. Trong nội dung sách, tôi khai thác khá kỹ vốn sống của mình về vùng đất trồng mía và các khu đất đồi của huyện Vĩnh Cửu. Tôi cũng đưa vào những câu chuyện tạm gọi là “cổ tích” giải thích sự hình thành của vùng đất, thông qua những “câu chuyện dưới cờ” của cô giáo nhân vật chính.”
Sống sôi nổi, viết ào ạt và thành công nối tiếp thành công, tại sao bây giờ Khôi Vũ lại đặt câu hỏi về bản thể của sự viết?
“Kể chuyện thì dễ thôi. Khó là kể những gì, kể để làm gì? Có khi nghĩ mãi không ra cũng nên...”.
Có lẽ sau bao nhiêu cuốn sách anh đã viết, thời gian qua đi, anh không biết cuốn nào sẽ sống với đời, góp phần vào bộ mặt văn hóa thời đại, góp phần vào sự phát triển văn chương Việt Nam đương đại? Cho nên anh tự hỏi “Kể để làm gì?”. Nhà văn nào không có khát vọng để lại tác phẩm cho đời? Nghĩa là nếu định vị chỗ đứng của anh trong dòng chảy văn học của thời đại, Khôi Vũ có vị trí nào, khuôn mặt văn chương của Khôi Vũ (phong cách) có những nét riêng độc đáo nào, và ngòi bút Khôi Vũ đã mở ra cách viết mới nào cho những người đi sau? Hình như cho đến nay chưa có công trình văn học sử nào nghiên cứu đầy đủ về văn chương Khôi Vũ (?) ngoài một số luận văn của nghiên cứu sinh. Trên văn đàn mấy chục năm qua, Khôi Vũ không gây được ấn tượng góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học như nhiều nhà văn khác. Anh là nhà văn “hiền lành”, cần cù viết, không gây ồn ào. Và nếu anh cứ kể truyện như thế, đã kể mấy chục cuốn rồi, thì “Kể để làm gì?”

Ngòi bút Khôi Vũ hướng về thị trường, anh hiểu và nắm bắt thị trường. Chẳng hạn, sau khi in Chuyện ở dãy phố năm căn và Người có một thời [1987], Khôi Vũ nhận định thị trường: “Từ đây, tôi bắt đầu có suy nghĩ thêm về việc cần chọn lựa nhân vật để viết “dài”. Hai cuốn “dài” được in của tôi đều có nhân vật sinh sống ở miền Nam. Đây là những mẫu người mà tôi quen thuộc, có thể kể, tả, thoải mái và đầy tự tin. Mặt khác, “họ” lại “xa lạ” với một bộ phận bạn đọc phía Bắc, trong đó gồm cả các nhà văn có trách nhiệm xuất bản! Vừa khai thác được thế mạnh của mình, vừa đáp ứng được nhu cầu của người đọc, há chẳng “một công đôi việc” sao! “. Nhưng sang thế kỷ XXI, độc giả thị trường đã là một thế hệ khác, với những vấn đề khác, tâm lý đọc sách cũng khác. Viết như Bến đời mơ thực không thể đáp ứng đối tượng độc giả thế hệ truyền thông đa phương tiện, với smartphone và Internet này. Bến đời mơ thực dành cho người già, đã thoát khỏi lối sống ồng ào, sống chậm, đọc chậm, nhẹ nhàng vui vẻ và có hậu. Cái khó của Khôi Vũ, theo tôi, là anh đã có một khoảng cách đối với công chúng trẻ của văn chương thị trường hôm nay, và anh muốn vượt lên những gì đã đạt được.

Cái khó còn xuất phát từ bút pháp. Khôi Vũ đã bám quá chặt vào việc đi tìm và khai thác vốn sống để huy động vào viết văn. Bây giờ (2017) anh đã 67 tuổi, tuổi tác không còn cho phép anh thâm nhập vào những vùng hiện thực gai góc, tôi không hiểu anh sẽ đi tìm “vốn” thế nào để tiếp tục hành trình anh đã chọn? Đọc những truyện ngắn gần đây Khôi Vũ lấy chính mình và gia đình làm nguyên mẫu như: Đời thường (Tuổi Trẻ cuối tuần 10.01.2016), Lạc giữa vùng quá khứ (Tuổi trẻ cuối tuần ngày 03.12.2017)… tôi băn khoăn. Những truyện quá đơn giản như thế chỉ có thể đăng báo mà không để lại dấu vết gì của sự thăng tiến nghệ thuật văn chương.

Và đây mới là nguyên nhân chính, Khôi Vũ tự đánh giá văn chương của anh: “Nhiều năm sau đọc lại, tôi nhìn ra chất “kể” nhiều hơn chất “tả” trong sách, phần “truyện” nổi rõ hơn phần “tư tưởng”. Mà như thế, gọi là “tiểu thuyết” có lẽ đã thậm xưng!” Vâng, tôi đồng ý với Khôi Vũ, thiếu một hệ tư tưởng triết học làm bệ đỡ thì những điều miêu tả chỉ là hiện tượng, mọi hiện tượng đời sống sẽ trôi qua rất nhanh. Bây giờ đọc lại những truyện anh viết trước kia về hiện thực của một vùng nào đó, chẳng hạn những truyện trong cuốn Già lửa, người đọc sẽ không còn thấy hấp dẫn, bởi truyện chỉ được viết để ”phản ánh hiện thực” với thái độ ngợi ca, và hiện thực ấy nay đã thành cổ tích.

3. “KỂ ĐỂ LÀM GÌ?

Câu hỏi này anh đã tự trả lời rồi.
Viết, trước tiên là thỏa mãn nỗi đam mê của mình. Việc anh bỏ làm Công ty dược, bỏ các công việc hành chính ở Hội VHNT Đồng Nai để chuyên tâm viết, đó chính là nỗi đam mê làm nên nhiều tác phẩm của Khôi Vũ. Khi hoàn thành bản thảo tiểu thuyết Nguồn mạch, Khôi Vũ cho biết: “Chưa biết có “Nhà” nào chịu in cho, cũng chưa biết hay dở thế nào, nhưng tự thấy hài lòng và hạnh phúc vì đã viết được một cuốn sách... “hết cốt”. Đây là tâm trạng Khôi Vũ những năm sau 1975: “điều canh cánh trong lòng tôi vẫn là việc sáng tác! Tính từ năm 1975 đến 1981 là 6 năm tôi không có sáng tác nào in ấn trên báo. Tôi cũng không viết gì dù chỉ viết rồi để đó. Tôi đọc báo, chờ một văn bản gì đó về các tác giả trước 1975 nhưng chẳng thấy gì. Một hai cuốn sách được in dạo đó nói về làng văn Sài Gòn cũ thì toàn là lên án, bêu xấu các tác giả. Tên tôi không thấy ai nêu ra có lẽ vì tôi chỉ viết cho thiếu nhi.”

Kể để làm gì? Ít ra có lúc những truyện anh kể đã đem lại nhuận bút, góp thêm vào thu nhập đời sống của anh. Ấy là lúc: “Trở lại với cuộc sống bình thường cùng gia đình từ đầu năm 1978 và sau 5 tháng cùng cha già đi làm rẫy mì ở cách nhà hơn chục cây số, rồi nuôi heo thịt sau nhà, tôi được nhận vào làm việc tại Công ty Dược phẩm cấp II tỉnh Đồng Nai từ tháng 6.1978…”.
Kể để làm gì? Ở Đồng Nai, viết về con người và đất nước Đồng Nai, chỉ có 3 người: Nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn Hoàng Văn Bổn và Khôi Vũ. Anh đang “nung nấu hoàn thành bộ sách về Đồng Nai để tự mừng tuổi 70 (vào năm 2020), Tập ký "Theo dòng chảy Đồng Nai" đã in đầu năm 2016, cũng phải kể đến tập truyện ngắn Đàn ống tre bên kia sông. 2012). Nhà thơ Lê Huy Mậu nhận xét: “hàng loạt cuốn tiểu thuyết sau đó viết về đề tài công nghiệp, về giáo dục, về văn hóa, về ẩm thực… cho thấy Khôi Vũ phong phú và thạo thuộc con người và đời sống vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai cỡ nào.”[2] Người ta phải công nhận rằng những tác phẩm của Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn và Khôi Vũ đã góp phần vào đời sống văn hóa, sinh hoạt tinh thần của Đồng Nai. Nhà văn trẻ Đồng Nai ai sẽ là người tiếp bước? Có một khoảng cách khá xa và những khoảng trống không thể lấp đầy.

Kể để làm gì? Viết văn cũng là quyền lên tiếng nói. Quyền lên tiếng nói là một quyền thiêng liêng. Lên tiếng nói để bảo vệ và khẳng định cái thiện (Lời nguyền hai tram năm). Lên tiếng nói để cổ vũ cái đúng, cái tốt (Những người nuôi lửa) cái nhân văn. Khôi Vũ đã từng khẳng định: “Khi viết, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình viết văn, dựa vào những nguyên mẫu ngoài đời mà viết, tô vẽ cho họ số phận ngày một tốt đẹp hơn”. Lên tiếng nói trước mọi hiện tượng đời sống để bảo vệ quyền sống của con người (Thí dụ, quyền sống của Gió và Mây trong Bến đời mơ thực)…

Nhà văn là người lên tiếng nói thay cho mọi người. Người nông dân dưới ruộng sâu, người công nhân trong công trường, nhà máy, những con người dưới đáy xã hội nữa, họ không thể sáng tác văn chương, nhà văn phải nói thay cho họ, bởi nếu không, đám “dân đen” ấy mãi mãi sống trong câm lặng, tăm tối. Và bởi chính họ mới làm nên cuộc sống, làm nên văn chương. Điều này thì tác phẩm của Nam Cao, của Anh Đức, của Nguyễn Ngọc Tư là những câu trả lời thuyết phục.

Kể để làm gì? Trẻ con Việt Nam lớn lên bằng ca dao, cổ tích. Những tác phẩm dân gian ấy làm nên một phần tính cách và bản sắc Việt nam. Nhà văn là người kể tiếp những chuyện dân gian ấy. Tôi nghĩ, những tập truyện ngắn, truyền dài cho thiếu nhi của Khôi Vũ là một tài sản giá trị cho cộng đồng.

Kể để làm gì? Nhà văn là người thư ký trung thành của của thời đại. Balzac đã viết văn chương với quan điểm ấy, và giá trị tác phẩm của Balzac cũng đặt trên nền tảng ấy. Khôi Vũ cũng ghi lại cái thời mình đã sống: Người có một thời” kể lại chuyện đời của một người lao động bình thường ở Sài Gòn, trôi dạt về Biên Hòa đi làm thuê rồi trở thành một nhà thầu rác Mỹ. Cuộc đời tiếp tục đưa anh ta đến với cuộc sống của giới thượng lưu, rồi tình cờ có mối quan hệ với một phu nhân quan chức. Sau tết Mậu Thân 1968, số phận phũ phàng quăng anh ta trở lại kiếp nhọc nhằn, tệ hơn, thành một người không còn tỉnh trí! Viết “Người có một thời”, tôi huy động được nhiều vốn sống vào trang sách. Đó là chuyện làm đại lý bia, nước ngọt của gia đình tôi, là nguyên mẫu một nhà thầu rác Mỹ từng là người giúp việc trong gia đình tôi, là mấy câu chuyện kể về nếp sống Mỹ của một người bạn học từng có một năm học trung học và sống trong một gia đình người Mỹ,...

Điều này Khôi Vũ ý thức rõ. Các tác phẩm văn học miền Bắc không có được phần hiện thực của miền Nam thời đất nước còn chia cắt, và như thế Khôi Vũ đã góp phần làm đầy đặn hơn những đường nét khuôn mặt thời đại của một dân tộc trong một thời khốc liệt của lịch sử. Điều ấy không quý sao?

Tôi xin mượn lời nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ với Khôi Vũ để tạm kết cho bài viết này: [3]
“Qua tuổi năm mươi, Khôi Vũ và tôi đã có thể nhẹ nhõm nói ra với nhau bằng cái giọng có đến 80% tinh thần đầu hàng: cứ cố làm hết sức, còn được chừng nào là do Trời.

Trên đời có lẽ chẳng có cái nghề nào như nghề viết văn, phụ thuộc vào Trời nhiều đến thế. Nhưng cũng phải. Cái còn lại của văn chương không nhìn thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy như cái còn lại của nhiều nghề khác.

Văn chương do con người làm ra, lại vuột khỏi tầm kiểm soát của con người. Nói trời cho mới có văn hay, hồn văn thoát ra xác chữ để sống lâu với đời, là ở cái nghĩa đó.”

Tháng 12.2017

___________________________

[1] Ts Hà Thanh Vân: Diện mạo của văn học Đông Nam Bộ từ 1975 đến nay
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-vi%E1%BB%87t-nam/6286-di%E1%BB%87n-m%E1%BA%A1o-c%E1%BB%A7a-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%C3%B4ng-nam-b%E1%BB%99-t%E1%BB%AB-1975-%C4%91%E1%BA%BFn-nay.html
[2]Lê Huy Mậu: Khôi Vũ-Như con thuyền chăn song
http://vannghebrvt.com/post/khoi-vu-nhu-con-thuyen-chan-song
[3] Trần Đức Tiến: Khôi Vũ-Vỡ dần trong mắt
https://www.tienphong.vn/van-nghe/khoi-vu-vo-dan-trong-mat-121080.tpo