Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

40 NĂM VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM (1975-2015)-NHỮNG GÌ CÒN VỚI MAI SAU


40 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM,
NHỮNG GÌ CÒN VỚI MAI SAU
Bùi Công Thuấn
(Tác giả giữ bản quyền)







Lời thưa,

Tôi không viết lịch sử văn học, cũng không ghi lại những sự kiện, những tác giả, tác phẩm, những trào lưu; không miêu tả diện mạo hay thành tựu của 40 năm Văn học Việt Nam (1975-2015). Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu của Viện Văn học, của Hội Nhà Văn Việt Nam, của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học, tôi chỉ ghi lại cảm nhận chủ quan của mình những gì mà mình đã chứng kiến và dõi theo trong 40 năm Văn học Việt Nam (1975-2015). Chắc chắn là một góc nhìn rất hẹp và không tránh được “những khác biệt” với những góc nhìn và cách tiếp cận khác. Điều ấy cũng là lẽ bình thường. Tôi chỉ hy vọng chia sẻ được điều gì đó với bạn đọc yêu văn chương dân tộc. Được vậy cũng đã là rất quý.
Nhìn về quá khứ, rồi nhìn về tương lai, tôi tự hỏi, 40 năm Văn học Việt Nam (1975-2015) sẽ còn lại gì với mai sau?

KIÊN ĐỊNH MỘT ĐƯỜNG LỐI VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Trong suốt 40 năm qua, Đảng và Nhà Nước đã kiên định một đường lối chính sách về Văn học Nghệ thuật. Những quan điểm này ngày càng được cụ thể hóa trong các nghị quyết (1). Đáng kể nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (1998), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008), và gần đây là nghị quyết trung ương 33 (2014).

Nghị quyết Trung ương 5 đề ra nhiệm vụ “Phát triển sự nghiệp vǎn học - nghệ thuật.

“Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm vǎn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân vǎn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.

Hướng vǎn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc. Đặc biệt khuyến khích các tác phẩm về công cuộc đổi mới thể hiện nổi bật những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại. Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn. Sáng tạo nhiều tác phẩm vǎn học-nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng với hình thức, nội dụng thích hợp; nghiêm cấm xuất bản loại sách kích thích bạo lực ở trẻ em…

Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối vǎn nghệ của Đảng.
Không ngừng nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng, đặc biệt quan tâm tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia tích cực sáng tạo và phê bình, được hưởng thụ ngày càng nhiều tác phẩm vǎn nghệ có giá trị trong nước và ngoài nước.

Chǎm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho vǎn nghệ sĩ. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo lớp vǎn nghệ sĩ trẻ. Làm tốt công tác bảo vệ bản quyền tác giả.
Liên hiệp vǎn học nghệ thuật Việt Nam (bao gồm các hội sáng tạo vǎn học, nghệ thuật ở Trung ương) và các hội vǎn nghệ ở các tỉnh, thành phố là những tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp do Đảng lãnh đạo có bộ máy chuyên trách gọn nhẹ, có sự tài trợ của Nhà nước về kinh phí.”

Nghị quyết 23 nói rõ mục tiêu và quan điểm chỉ đạo:
Mục tiêu
- Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Quan điểm chỉ đạo:

“Trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo chung đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), riêng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cần nhấn mạnh và bổ sung các quan điểm chỉ đạo sau đây:

- Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

- Văn học, nghệ thuật Việt Nang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.

- Tài năng văn học, nghệ thuật và vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc. “

Nghị quyết 33 cũng đề ra nhiệm vụ :
“Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở cống hiến cho đất nước. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ. “

Như vậy, từ Đề Cương Văn Hóa năm 1943 đến Nghị Quyết 33 (2014) là một chặng đường hơn 70 năm, Đảng vẫn kiên định những quan điểm cơ bản về văn hóa, văn nghệ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới việc mới, chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau” (Hồ Chí Minh).Văn hóa, Văn Nghệ là một bộ phận của sự nghiệp Cách mạng do Đảng lãnh đạo, có nhiệm vụ chính trị là phục vụ sự nghiệp Cách mạng. Văn học phải phản ánh cho được hiện thực cách mạng, góp phần giáo dục quần chúng. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Họ có nhiệm vụ truyền bá tư tưởng cách mạng của Đảng, đấu tranh chống lại mọi quan điểm sai trái, thù địch. Đảng có trách nhiệm chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; tạo mọi điều kiện để nhà văn sáng tác những tác phẩm trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, hướng đến mục tiêu ” xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.”

Hiện nay Hội Nhà Văn Việt Nam có trên 1000 hội viên. Các Hội VHNT ở các tỉnh cũng có hàng trăm hội viên, chưa kể những người làm ở các cơ quan, báo chí… Như vậy số người cầm bút sáng tác văn chương trong tổ chức do Đảng lãnh đạo và Nhà Nước quản lý là rất đông đảo. Các hội viên thường xuyên được học Nghị quyết của Đảng, tham gia các trại sáng tác, tham gia các cuộc thi văn nghệ. Họ cũng được hỗ trợ sáng tác… Những năm gần đây, từ 2009 đến 2013, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã mở 11 lớp tập huấn, mỗi lớp có khoảng 200 người tham dự, như vậy vài ngàn người đã được học tập các quan điểm của Đảng. Chẳng hạn, năm 2013 mở lớp tập huấn chuyên đề "Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật". Năm 2014 tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”.Tháng 4 năm 2015 mở tập huấn “Mấy vấn đề về lý luận và thời sự trong đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay”. Đây là bản tin của Lai Châu: Từ ngày 21-22/09/15 Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Lai Châu phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức lớp tập huấn cho các học viên là văn nghệ sỹ; cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ các cấp và phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ của Ban Tuyên giáo các Huyện ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc.Trong 2 ngày các học viên đã được tập huấn các nội dung: Công tác tư tưởng, báo chí phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng; nhận diện và đấu tranh chống quan điểm sai trái trước thềm Đại hội XII của Đảng; những quan điểm cơ bản về văn hóa, văn học, nghệ thuật trong Hiến pháp 2013 và Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI và kỹ năng viết năng viết bài phê bình văn học, nghệ thuật. (laichau.gov.vn)…

Nhìn vào những hoạt động nêu trên, phải khẳng định rằng Đảng đã rất coi trọng việc đào tạo văn nghệ sĩ, tạo mọi điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác, chăm sóc họ cả vật chất và tinh thần, đặt họ vào vị trí trung tâm của cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng. Và không ít người đang nắm giữ những trọng trách hành chính, là công nhân viên trong các cơ quan Nhà Nước. Họ thực sự là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, thống nhất tổ chức.

Với một đội ngũ to lớn như vậy, từ phong trào quần chúng đến các Hội chuyên nghiệp trung ương, hẳn nhiên khối lượng tác phẩm được sáng tác trong 40 năm qua lên đến hàng vạn. Xin đơn cử, Báo cáo nhiệm kỳ 2005-2010 của Hội Nhà Văn Việt Nam cho biết: ”Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thể hội viên của Hội đã cho xuất bản 1875 tác phẩm. Trong đó, văn xuôi: 942 tác phẩm, Thơ: 611 tác phẩm, văn học dịch 83 tác phẩm, Lý luận phê bình 239 tác phẩm”(2); Báo cáo nhiệm kỳ 2010-2015 :”trong nhiệm kỳ qua, toàn Hội đã sáng tác được 1216 tác phẩm thuộc đủ các thể loại (3)… .

Nhìn từ mục tiêu của các Nghị quyết, các tác phẩm văn học ấy được đánh giá là thành tựu to lớn, làm nên bộ mặt văn hóa thời đại, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, bên cạnh sự nghiệp chính trị, kinh tế, văn hóa... Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà Nước về Văn Học Nghệ thuật là sự tôn vinh những thành tựu và giá trị của văn học Cách mạng.

NHỮNG DÒNG CHẢY VĂN CHƯƠNG

Cho đến nay, văn chương Việt Nam đã định hình rõ các dòng sau đây: Văn học Cách mạng, văn chương thoát ly chủ nghĩa Hiện thực Xã Hội chủ nghĩa và văn chương thị trường.
Xu thế chung của dòng chảy là muốn thoát khỏi, muốn viết khác đi, hay còn gọi là cách tân, so với văn chương giai đoạn kháng chiến (1945-1975) viết bằng phương pháp Tả thực xã hội chủ nghĩa. (báo cáo Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam do Trường Chinh, thay mặt Đảng, đọc trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tháng 7 năm 1948). Xu thế cách tân ngày càng chiếm ưu thế.

1.Văn chương Cách Mạng

Gọi là văn chương Cách mạng vì dòng văn chương này được sáng tác theo quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật, được Đảng và Nhà Nước lãnh đạo, tổ chức. Dòng văn học này phục vụ trực tiếp nhiệm vụ Cách mạng của Đảng, kiên trì các đề tài lịch sử, Cách mạng và kháng chiến; đề tài “học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đề tài nông nghiệp, công nghiệp, viết cho thiếu nhi, viết về các dân tộc ít người, viết về các ngành nghề (thí dụ đề tài Giao thông vận tải, Ngân hàng...). Hội Nhà Văn Việt Nam và các Hội VHNT địa phương liên tục tổ chức các trại sáng tác đưa hội viên thâm nhập thực tế, liên tục tổ chức các cuộc thi thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết; hàng năm trao giải về VHNT, đặc biệt được quan tâm là giải của Hội Nhà Văn VN, của Hội VHNT Hà Nội, Tp. HCM…(Phần thống kê tác phẩm và đánh giá giá trị của các tác phẩm này xin xem các báo cáo tổng kết của các Hội VHNT).

Xin đơn cử báo cáo tổng kết giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc Phòng (2009-2014) :” chọn lựa trong 200 tác phẩm văn học, gần 500 tác phẩm mĩ thuật, gần 1000 tác phẩm nhiếp ảnh, 400 tác phẩm âm nhạc, 50 tác phẩm múa, 44 tác phẩm điện ảnh, 30 tác phẩm sân khấu… để lựa chọn ra và trao 185 giải thưởng ở cả 8 lĩnh vực. Trong đó, có 19 giải A, 35 giải B và 54 giải C và 77 giải khuyến khích.

Trong văn học, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cao đẹp hiện lên đối nghịch với chiến tranh khốc liệt được nhiều tác phẩm thể hiện thành công, kêu gọi lòng nhân ái và tinh thần yêu hòa bình của con người. Các tác phẩm nổi bật như: tiểu thuyết Đèn kéo quân của tác giả lão thành Lương Sĩ Cầm, tiểu thuyết Phượng Hoàng của tác giả Văn Lê, tập thơ Sương đẫm lá khộp khô của nhà thơ Ngân Vịnh, hai trường ca Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý… đã cho ta thấy vẻ đẹp, ý chí quật cường, lòng dũng cảm sự hi sinh, gian khổ và lòng cao thượng của chiến sĩ Việt Nam.”(Văn nghệ quân đội online 17.10.2015). Xin đọc thêm Mùa Gặt Văn chương, báo cáo bế mạc trại sáng tác văn học Hội Nhà Văn, Vũng Tàu 04/2014 (4). Và đây là một thành quả:

Bản tin về tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh: “Đúng dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), Nhà xuất bản chính trị quốc gia-Sự thật giới thiệu với bạn đọc cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh. Đây là tác phẩm duy nhất của thể loại văn xuôi được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định trao tặng “Giải thưởng Văn học năm 2014” với số phiếu bầu tuyệt đối. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Các nhà khoa học hàng đầu về văn chương trên thế giới đã dự báo thế kỷ XXI là thế kỷ của văn học tư liệu. Hiện nay hàng loạt hồi ký của các nhân vật chính trị, tướng lĩnh, các nhà doanh nghiệp lớn, chiếm lượng phát hành lớn, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Văn học tư liệu đã đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình văn học hiện đại. Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử của nhà báo Trần Mai Hạnh đã phác họa sinh động sự sụp đổ, chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là một "hiện tượng" vì lần đầu tiên trong văn học tư liệu có cái nhìn "ngược sáng" về "phía bên kia". Tác giả đã không đứng ở phía "người chiến thắng" thông thường, không lấy hình ảnh người bộ đội cụ Hồ làm chính thể như những tác phẩm khác về chiến tranh. Cách nhìn khách quan, trung lập của tác giả đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về nội tình của chính quyền Việt Nam Cộng hòa thời đó cũng như đi sâu tìm hiểu nguyên nhân sụp đổ của chính quyền này".(5)

Các báo cáo tổng kết của các Hội VHNT luôn đầy những lời tụng ca “có cánh” như vậy. Nhưng nếu đánh giá thực chất theo yêu cầu của các Nghị quyết, thì có rất ít tác phẩm “phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc…”, có rất ít tác phẩm ”thấm nhuần tinh thần nhân vǎn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người”, và chưa có tác phẩm nào được tôn vinh về ”phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”(?)

Trong nhà trường, học sinh chán học môn Văn bởi chương trình Văn đã quá lạc hậu so với thực tại đời sống văn học. Lớp 12 học Mùa Lá Rụng Trong Vườn của Ma Văn Kháng, học sinh tiếp cận với một hiện thực đã thành “cổ tích”, thời còn hợp tác xã.Một Người Hà Nội của Nguyễn Khải là truyện để lại ấn tượng tư tưởng, rằng Cách Mạng dù có như cơn bão quét làm đổ cây si, nhưng một thời đại sắp qua đi. Văn hóa Hà Nội vẫn còn đó. Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu lại dạy học trò nữ cam chịu bạo hành, vì các giải pháp tác giả đưa ra đều bế tắc.

Trên thị trường sách, tác phẩm văn học Cách mạng có rất ít người đọc, trong khi sách gối đầu giường của người trẻ lại là tiểu thuyết ngôn tình.

Đánh gía từ các nghị quyết, các báo cáo, các cuộc hội thảo đều nhận định rằng:

Trong sáng tác, biểu diễn, truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội – thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước… “(Nghị quyết 23)

2.Văn chương thoát ly chủ nghĩa Hiện thực Xã hôi Chủ nghĩa

Văn chương thời kỳ đổi mới (1985-1995) và sau đổi mới đến nay chưa được tổng kết đánh giá và định vị như các giai đọan văn học trước. Lấn cấn đó là vì nhiều lẽ.

Gọi là văn học “đổi mới” thực ra chỉ là sự quyết liệt lìa bỏ Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội. Cũng đồng nghĩa từ bỏ các quan điểm của Đảng về văn chương. Văn chương chống Pháp và chống Mỹ “miêu tả hiện thực Cách mạng, kết hợp với lãng mạn Cách mạng thông qua điển hình hóa cao độ”. Đánh giá tác phẩm dựa trên tính Đảng, tính nhân dân và nhiệm vụ phục vụ Cách mạng trong từng thời kỳ cụ thể (như kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc). Khi được “cởi trói” và “đổi mới tư duy”, nhà văn nhận ra, trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, hiện thực vốn phức tạp, có phần sáng và có phần tối. Nhận ra trách nhiệm nhà văn phải lên tiếng trước những vấn đề bức xúc của đời sống, không thể cứ tụng ca lãng mạn, họ thấy cần phải đổi mới cách viết. Nhà văn muốn viết phần “sự thật” chưa được văn chương Cách mạng nói tới. Bởi một nửa chân lý không phải là chân lý.

Có người gọi dòng văn chương này là văn chương thức tỉnh. Tôi cho rằng cách gọi đó không đúng. Sự đổi mới nằm ở ý thức mới về tư tưởng - thẩm mỹ và phương pháp sáng tác. Tôi gọi là dòng văn chương Nhân văn và Dân chủ (mượn chữ của Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23- đã dẫn). Dòng văn học này rời bỏ hẳn chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, nhìn hiện thực bằng cái nhìn khác, có khi trái ngược với các quan điểm của Đảng (quan điểm văn học phục vụ nhiệm vụ cách mạng) và với một cách viết khác hẳn. Rõ ràng đó không phải là văn chương Cách mạng. Các tác phẩm này không phản ánh hiện thực cách mạng, không “để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau” (Hồ Chí Minh)… Nhiều tác phẩm được viết với cảm hứng và thái độ nghiền ngẫm hiện thực, một hiện thực đa diện, phức tạp.

Có thể kể đến Đứng trước biển (1982), Cù lao Chàm (1985- Nguyễn Mạnh Tuấn), Chiếc thuyền ngoài xa (1983-Nguyễn Minh Châu), Thời xa vắng (1984-Lê Lựu), Thiên sứ (1989-Phạm Thị Hoài) truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu-1987), Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu 1987- Giải thưởng HNV 1991-Bảo Ninh), Bên kia bờ ảo vọng (1987) và Những Thiên đường mù (1988-Dương Thu Hương), Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990-Nguyễn Khắc Trường), Một người Hà Nội (1990-Nguyễn Khải), Chuyện kể năm 2000 (2000- theo lời tác giả, tiểu thuyết này được viết từ tháng 6 năm 1990 đến 30 tháng 11 năm 1991 thì hoàn tất. Bản thảo được xem lại lần cuối vào tháng 8 năm 1998), Cánh đồng bất tận (2005-Nguyễn Ngọc Tư), Ba người khác (2006-Tô Hoài), Thời của thánh thần (2008-Hoàng Minh Tường), Quán dương cầm (Đặng Thị Thanh Liễu- tạp chí Langbian Lâm Đồng số 75, 76 tháng 7, 8/2009), Bóng anh hùng (2009-Doãn Dũng), …

Cần nhận rõ đây là dòng văn học phức tạp về tư tưởng và mục đích viết văn. Giá trị của nó tùy thuộc vào góc nhìn chính trị hay góc nhìn “nhân văn- dân chủ”. Xét đến cùng, các tác phẩm của dòng văn học này là hành động phủ định Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng chưa định hình hẳn một trào lưu nghệ thuật có những cách tân theo kịp với thời đại. Dòng văn học này vẫn chỉ là “phản ánh hiện thực”, phần hiện thực chưa được văn chương cách mạng khai phá. Thực ra, nó gây ra ồn ào vì lý do chính trị, không hẳn là do nghệ thuật văn chương, tư tưởng; và do cách phản ứng của Nhà Nước (Dương Thu Hương muốn “làm giặc” bằng văn chương-chữ của DTH). Về chính trị, nhiều tác phẩm trình bày những cái nhìn trái ngược với quan điểm chính trị của Đảng và Nhà Nước, chẳng hạn quan điểm về chiến tranh, về Cải cách ruộng đất, về những tiêu cực trong đời sống xã hội... Vì thế đã có những tác phẩm bị thu hồi và tiêu hủy. Người cổ vũ những tác phẩm này cũng vì lý do chính trị là chính.

Cũng đã có những ý kiến nói đến việc sử dụng văn chương (Hậu hiện đại) để “giải thiêng”, để “hạ bệ thần tượng” nằm trong chiến lược “diến biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Năm mục tiêu của sách lược “diễn biến hòa bình” là:
“…xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, gây mất ổn định về chính trị…(6)

Trên tạp chí Quốc phòng toàn dân, Phạm Văn Sơn nói cụ thể hơn : ”Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản, chúng ra sức vận động thành lập “Văn đoàn độc lập”, “Hội nhà báo độc lập”, “Công đoàn độc lập”; tán phát một số cuốn sách được xuất bản ở hải ngoại, như: “Con đường Việt Nam” của Trần Huỳnh Duy Thức, “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, “Đèn cù” của Trần Dĩnh,… nhằm “bôi nhọ” đời tư của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, v.v.(7)

Có lẽ vì sự “nhạy cảm” chính trị của những tác phẩm này đã gây khó cho các nhà viết lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1975-2015 (?). Không thể phủ định dòng văn chương này, nhưng cũng không thể coi đó là những tác phẩm có giá trị của nền văn học do Đảng lãnh đạo. Người ta chọn lựa cách nhìn riêng lẻ từng tác phẩm và chỉ xét ở góc độ nhân văn và dân chủ trong nghệ thuật. Điều ấy thể hiện ở việc trao giải văn học. Hội Nhà Văn Việt Nam đã trao giải thưởng cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh năm 1991, cho Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm 2006

Vấn đề văn nghệ và chính trị luôn là điều phải quan tâm hàng đầu của nhà văn Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:”Văn hóa nghệ thuật cũng như mọi hoạt động không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(8). Quan điểm này thống nhất, xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Chúng ta không ngạc nhiên khi biết rằng CIA Mỹ trong thời chiến tranh lạnh đã dùng tác phẩm Bác sĩ Zhivago của nhà văn Boris Pasternak nhằm làm suy yếu Liên Xô.(9) Ở trong nước, có những tác phẩm “nổi tiếng” là do “có vấn đề” về chính trị (Nỗi buồn chiến tranh, Thời cùa thánh thần, Chuyện kể năm 2000…). Ít có tác phẩm nào thực sự nổi tiếng về giá tị tư tưởng và nghệ thuật.

Sự từ bỏ Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa cũng được nhận thức về mặt lý luận. Đầu tiên là bài của GS Hoàng Ngọc Hiến - Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (1979). Sau đó 8 năm là bài của nhà văn Nguyễn Minh Châu - Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa. (1987)

GS Hoàng Ngọc Hiến nói đến một thứ "chủ nghĩa hiện thực phải đạo" chỉ phản ánh cái hiện thực phải - là, chứ không phải cái hiện thực ¬đang – là: “Nhìn chung trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại. Và chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Minh Châu cho rằng sự lấn át này đương là một cản trở “trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực”, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn sản sinh ra “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”(10).

Nguyễn Minh Châu nói đến một giai đoạn văn nghệ minh họa:” Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh "lột xác".(11)

Năm 2012 GS Trần Đình Sử đề nghị bỏ khái niệm phương pháp sáng tác: ”tôi thấy đã đến lúc dứt khoát loại bỏ khái niệm phương pháp sáng tác nhằm hoàn thiện hệ thống lí luận văn nghệ của chúng ta. Bỏ khái niệm phương pháp sáng tác không phải là hành vi theo đuôi nước ngoài, mà là bỏ đi một thuật ngữ nguỵ tạo của lí luận văn học Xô viết, vốn không có trong lí luận mác xít, để hệ thống lí luận văn học được chặt chẽ hơn, phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác, đồng thời nội dung mà ta vẫn gọi là “phương pháp sáng tác” thì chuyển sang lí thuyết hay chủ trương về sáng tác (12). Người ta hiểu rằng GS Trần Đình Sử muốn loại bỏ phương pháp sáng tác Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa mà Trường Chinh đã nói đến trong báo cáo Chủ Nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam:”Theo chúng tôi, hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp sáng tác văn nghệ tả sự thật trong xã hội đang phát triển theo những quy luật khách quan dẫn đến chủ nghĩa xã hội”.(13)

Năm 2015 Đi xa hơn về mặt lý luận, GS Trần Đình Sử (2015) nói về tình trạng khủng hoảng lý luận ông kết luận:” Tóm lại, lí luận văn học mác xít vì bản chất là xã hội học, tuy có đem lại một ít sinh khí, khí thế trong đấu tranh xã hội, nhưng nhìn chung đối với phê bình văn học nghệ thuật, một lĩnh vực thẩm mĩ, nó có rất nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Trong điều kiện xã hội học mác xít độc tôn thì các khiếm khuyết ấy càng phát huy tác dụng tiêu cực. Chỉ đến thời Đổi mới người ta mới dám nhìn thẳng vào các tiêu cực ấy, dám phê bình nó, vượt qua nó để vươn tới phát triển nền lí luận, phê bình văn học phong phú, đa dạng, giàu sức sống.”(14)

Nói về việc xây dựng nền lý luận văn học Việt Nam, ông nói cụ thể hơn: ”...từ góc độ diễn ngôn cho phép chúng ta có thể quan niệm rằng muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại, xứng tầm thời đại và dân tộc như nhiều người mong muốn, vấn đề không phải là quán triệt tư tưởng này, chủ trương nọ, không phải học tập cho có hệ thống lí thuyết nước ngoài, mà then chốt là đột phá bốn yếu tố của diễn ngôn lí thuyết. Muốn thế thì xây dựng đội ngũ các nhà lí luận, nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ được học tập, sáng tạo tự do, để họ tự kiến tạo hệ thống của riêng mình, phương pháp của mình, đem vận dụng vào thực tế văn học mà họ tâm đắc. Căn cứ vào các bình diện của diễn ngôn cần phải trau giồi hệ thống thuật ngữ, chuẩn hóa nội hàm. Không ngừng mở rộng khung tri thức theo các giới hạn mà lí luận thế giới đang mở ra. Dân chủ hóa, đa nguyên hóa về ý thức hệ và hệ thống quyền lực, thì chắc chắn một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại sẽ xuất hiện từ trong thực tế nghiên cứu sinh động theo tinh thần sáng tạo ấy.”(15)

Lã Nguyên (2015) cũng nói đến những hạn chế của nền lý luận văn nghệ Mác xít (16). “Khi công cuộc đổi mới văn nghệ được khởi động, trên các diễn đàn học thuật, người ta truy vấn, thảo luận sôi nổi về hàng loạt nguyên lí quen thuộc của mĩ học Mác –xít truyền thống. Cũng từ đây, trong các công trình nghiên cứu của giới khoa học, trong các luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, hệ thống lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống không còn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu để tiếp cận đề tài. Ở các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không còn là ưu tiên lựa chọn của văn nghệ sĩ…Nói tóm lại, giờ đây, ai cũng nhận ra, lí luận văn nghệ và mĩ học Mác xít truyền thống không thể giữ được vị thế vốn có vì nó đã trở nên xơ cứng, bất cập trước thực tiễn khoa học và sáng tạo nghệ thuật của thời đại.” Ông dẫn lời Phan Trọng Thưởng“… Từ những năm chín mươi của thế kỷ 20 đến nay, hệ thống lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và cùng với nó là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, sau hơn bảy mươi năm tồn tại và phát triển, đã không đủ sức trụ vững ngay trên mảnh đất quê hương của nó. Dường như nó đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình để nhường chỗ cho những quá trình văn học khác đang nhen nhóm và thay thế”(17)
Nhìn vào thời điểm những bài viết, người đọc thấy rõ các nhà lý luận đã đi sau nhà văn khá xa. Nếu tính từ những năm 1986-1990 văn chương thoát ly chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu có giá trị khẳng định thì mãi 25 năm sau (2015) các nhà lý luận mới dám nói đến sự việc phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử. Thực tế ở Việt Nam cho thấy lý luận văn chương luôn đi sau sáng tác, yếu kém và lạc hậu, chưa trở thành ánh sáng tiên phong cho sáng tác. Nguyên nhân do đâu, xin để các nhà lý luận trả lời.

Người ta đi tìm câu trả lời ở các Hội nghị Lý luận, phê bình văn học lần thứ I (2003), lần II (năm 2006), lần III (2013).

Khai mạc Hội nghị lần III, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn cho biết “Chủ đề lần thứ I đề cập đến vấn đề đánh giá tiến trình phát triển của văn học thế kỷ 20; chủ đề lần thứ II: Phát huy vai trò, tính sáng tạo của nhà văn. Và lần thứ III mang chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả LLPB văn học”(18)

TS Lê Thành Nghị trong phát biểu đề dẫn Hội nghị lần III nêu một số vấn đề cụ thể của Lý luận, phê bình:” vấn đề mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, vấn đề vai trò chủ thể sáng tạo, vấn đề ngôn ngữ nghệ thuật, lý thuyết tiếp nhận, văn học và hiện thực, phương pháp sáng tác…chưa được soi sáng thấu đáo từ góc độ lý thuyết đến diễn giải những dấu hiệu của thực tế sáng tạo. Trong khi đó, nhiều vấn đề nảy sinh từ sự đời sống hiện tại của văn học chưa kịp được nghiên cứu, lý giải, hướng dẫn, tổng kết, cắt nghĩa các hiện tượng, soi sáng chúng trên bình độ lý thuyết, nhận thức và phân tích chúng bằng tư duy luận lý, từ đó chỉ ra con đường triển vọng, dự báo những khả năng hiện thực…”(19)
Đây là một vài ý kiến phát biểu nhận xét về Hội Nghị II.(20)

Họ đến Hội nghị với một tinh thần nghiêm túc và nhiệt tình. Tuy nhiên, những tham luận trong Hội nghị còn có sự tản mạn về đề tài. (Phạm Tiến Duật)

Hội nghị còn khá nhiều tham luận nói đến những vấn đề quá cũ kỹ, tôi đã nghe nhiều lần. Sự lặp đi lặp lại những ý kiến, những phát hiện không mới hay chỉ là sự bày tỏ những bức xúc gì đó của cá nhân (Nguyễn Hòa)

Vẫn cái cũ lặp lại nhiều và nếu người ta có đề nghị cái mới thì tôi cũng không nhận thấy sự cụ thể và rõ ràng. Theo tôi, Hội thảo nên tập trung khai thác nhiều vấn đề mới hơn nữa trong lý luận văn học.(Inrasara)

Đại biểu Chu Văn Sơn nhận xét: “Thực tế, các hội nghị về nghệ thuật thì người ta chỉ chú trọng đến những thành công bên ngoài chứ không chú trọng vào những thành công ở bên trong. Tạo dựng cho các đại biểu một địa điểm đổi gió, một nơi để anh em cùng nghề gặp nhau, qua sự giao lưu bên lề để có thể góp ý cho nhau thì hội nghị này coi như đã thành công rồi

Nhận xét về Hội nghị Lý luận, phê bình lần III năm 2006, Ngô Vĩnh Bình viết trong bài “Văn chương 2006, rối như canh hẹ:“Điểm nóng thứ hai của văn học năm 2006 là phê bình văn học. Tốn kém cả trăm triệu đồng, kéo cả trăm người xuống Đồ Sơn để hy vọng "hắt những chảo lửa" xuống cái "ao lý luận phê bình" bấy nay đìu hiu, buồn tênh và tĩnh lặng (theo từ dùng của nhà thơ Trần Đăng Khoa) nhưng kết quả thu được là thế nào? Có thể nói rằng rất ít! Vẫn là những vấn đề, những câu hỏi mà Hội nghị Lý luận - Phê bình lần thứ nhất ở Tam Đảo đã đặt ra, những vấn đề, những câu hỏi chưa được giải đáp.”(21)

Vâng, đã có rất nhiều hội nghị về Lý luận, phê bình văn học nhưng những vấn đề của thực tiễn văn học Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chẳng hạn, làm thề nào để có tác phẩm văn học đỉnh cao? Đã có những ý kiến chỉ ra rằng việc tiếp thu các lý thuyết văn học phương Tây có chỗ bất cập, vì các tác giả phương Tây viết cho nền văn học của họ, vậy thì đến bao giờ mới có một nề lý luận văn học Việt Nam cho nền văn học Việt Nam? Và đây một thực tế, Ngô Vĩnh Bình viết: ”…ở Hội An khi đến dự đêm thơ, nghe nhà thơ đọc thơ (diễn thơ)? có người đã hỏi "người ta (nhà thơ) đang làm gì thế ”? có người không tránh khỏi bất ngờ đã phải viết "thơ là vậy sao”?... Các nhà phê bình thì dường như "chạy mất dép" cả. Không ai dám bảo đó là thơ và cũng chăng ai dám nói đó không phải là thơ. Tôi chưa thấy một bài phê bình nào dám "nhìn thẳng” vào các nhà thơ trẻ, đặc biệt là các nữ thi sĩ trẻ để khen thuyết phục và chê thuyết phục.”, còn Nguyễn Thúy Hằng, người làm thơ trẻ, nhận định về giới phê bình:“đội ngũ các nhà phê bình quá ít và trình độ của họ hiện nay chỉ dừng ở mức độ khen – chê, chưa đủ sức phân tích tác phẩm trọn vẹn”. PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Bản chất của văn học là chữ, và đòi hỏi duy nhất là đọc cho “vỡ chữ”. Các nhà phê bình hiện nay đang gặp phải bi kịch: đọc không vỡ chữ. ” (Hội nghị lần III)

Lý giải vấn đề “khủng hoảng” của lý luận, phê bình văn học, nhà văn Hoàng Quốc Hải (tham luận Hội nghị lần II- vẫn nhìn theo cách nhìn Marxist) cho rằng:“Hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Ban văn hóa tư tưởng cũng như Hội đồng lý luận Trung ương có đề ra “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, đó là định hướng mờ nhạt. Vì rằng “định hướng Xã hội chủ nghĩa” nhưng lại hoạt động theo cơ chế thị trường. Định hướng xã hội chủ nghĩa với cơ chế thị trường khắc chế nhau như nước với lửa nhưng lại song song tồn tại. Do vậy các nhà lý luận nước ta rơi vào khủng hoảng triền miên là một sự đương nhiên.”Cách lý giải này không thuyết phục.

Ở Hội nghị lần III, từ phát biểu của nhà lý luận Nguyễn Văn Lưu về luận văn của Đỗ Thị Thoan, GS Phong Lê lên tiếng: Ai làm luận văn xúc phạm lãnh tụ, hãy truy đến tận gốc xem hội đồng thạc sĩ ai chấm, ai lập hội đồng. Không thể chấp nhận được. Cần phải lên tiếng. Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đặt thẳng vấn đề với các đồng nghiệp :” Chúng tôi muốn góp ý với các đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học, và nhà văn Văn Giá- Trưởng khoa Lý luận-Phê bình Văn học trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa) hai thành viên hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên-người đã đọc bản thảo Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên- rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này-do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập- đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn là lập lờ hai mặt như vị thầy của các bạn: vẫn ca ngợi kính phục Dương Thu Hương: Người phụ nữ một mình chống lại cả một Nhà Nước- nhưng mà giải thưởng, chức danh Nhà Nước ấy trao cho vẫn vui vẻ nhận, lại còn thắp hương khấn vái xin cho được nữa. Cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng để ĐHSP Hà Nội thành ra một trung tâm hài hước như thế “ (22)

Vấn đề luận văn Đỗ Thị Thoan là vấn đề chính trị, tôi không đề cập ở đây. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này đã có những ý kiến có tính học thuật. Luận văn của Đỗ Thị Thoan nói về “cái bên lề” về văn học ngoại biên: ”Việc Mở Miệng tự xác định vị trí bên lề của mình thuộc vào một xu hướng rộng hơn, có tính chất liên quốc gia: xu hướng ngoại vi hóa (marginalization). Mảng văn chương ngoại vi này hấp dẫn cộng đồng nghệ thuật và giới trí thức trong/ngoài nước, như biểu hiện của nỗ lực trên cả hai phương diện của nghệ sĩ: đổi mới nghệ thuật và đòi hỏi tự do ngôn luận”(Luận văn).
Như một thái độ bênh vực Đỗ Thị Thoan (tuy không nói thẳng ra), GS Trần Đình Sử ca ngợi văn chương ngoại biên. Dẫn theo Bakhtin ông viết: “Như vậy văn học ngoại biên là nguyên sinh, văn học trung tâm là thứ sinh do điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quy định. Văn học cách mạng Việt Nam trước 1945 chỉ là ngoại biên, sau cách mạng tháng Tám liền trở thành chủ lưu, trung tâm. Trung tâm ngoại biên luôn đổi chỗ cho nhau trong thực tế”,…” Quan niệm về ranh giới của Bakhtin cho ta hiểu rằng, toàn bộ sức sống văn học, nghệ thuật nằm ở đường biên. Kìm giữ văn học, nghệ thuật ở trung tâm là kìm hãm sự phát triển, sinh sôi của chúng. Quan niệm này cũng cho thấy ngoại biên hóa là quy luật khách quan của nghệ thuật và lí thuyết, phê bình.” Ông cho rằng văn học Việt Nam đã ngoại biên hóa từ đầu đổi mới: ”Các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Hồ Anh Thái… thể hiện nhu cầu ngoại biên của văn học rất mạnh mẽ. Dần dần các đề tài về tình yêu, tình dục, đề tài chấn thương, thế tục, đồng tính trở nên phổ biến. Ông kết luận:”, “Ngoại biên hóa dẫn đến đa nguyên, tạp giao, đối thoại và điều đó có thể làm nảy sinh những sáng tác mới có giá trị. Ngoại biên hóa văn học ở Trung Quốc đã làm nảy sinh một Mạc Ngôn đoạt giả Nobel, lẽ nào ngoại biên hóa văn học Việt Nam chẳng đem đến niềm hi vọng?”(23)

Lý luận về văn chương ngoại biên và văn chương trung tâm còn cần phải xem xét kỹ. Trong suốt quá trình lịch sử, có bao giờ văn học dân gian Việt Nam trở thành văn học trung tâm? Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thì văn học nào là trung tâm ? văn học Đàng Trong hay Đàng ngoài?. Trước 1975, văn học Miền Bắc, văn học Miền Nam, văn học nào là ngoại biên, văn học nào là trung tâm? và hiện tại, văn học Việt Nam trong nước và văn học Việt Nam của những người cầm bút hải ngoại, đâu là văn học trung tâm, đâu là ngoại biên? và cứ theo mạch lập luận của GS Trần Đình Sử (mượn uy của Bakhtin) thì một ngày nào đó, theo quy luật vận động khách quan, thì văn học Việt hải ngoại sẽ thành văn học trung tâm chăng? Câu trả lời là như thế nào ai cũng có thể khẳng định.

Cần thấy rõ ngay từ năm 1998, Nghị quyết trung ương 5 đã mở đường :”Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính.” Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị (2008) cũng khẳng định:”Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà…”

Phải đến lớp nhà văn trẻ đầu thế kỷ XXI dòng văn học Nhân văn-Dân chủ mới có những cách tân thực sự. Do không còn vướng mắc về phương pháp sáng tác, họ mạnh dạn thể nghiệm những cách viết hiện đại. Văn chương không đặt ra mục đích phản ánh hiện thực mà miêu tả và nghiền ngẫm hiện thực. Văn chương từ phương thức kể chuyện chuyển sang kiểu tác phẩm tư tưởng. Nhà văn rời bỏ cách nhìn theo chủ nghĩa Mác (nhìn hiện thực theo quan điểm đấu tranh giai cấp) chuyển sang khám phá hiện sinh. Có người trở về với tư tưởng phương Đông. Nhà văn vận dụng nhiều kiểu bút pháp, cả Siêu thực và Hiện thực huyền ảo và Hậu hiện đại. Có thể nói 10 năm đầu thế kỷ XXI một lớp nhà văn trẻ đã làm thay đổi hẳn bộ mặt văn chương Việt Nam hiện đại. Do được tiếp cận với văn chương thế giới, họ hơn hẳn thế hệ trước về trình độ. Do không vướng mắc vào quá khứ, họ không phải e dè ngòi bút, và do được “cởi trói” bởi Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23, họ mạnh dạn thể nghiệm những gì mình tâm đắc.

Có thể kể đến các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Bình Phương (Những đứa trẻ chết già. 1994- Thoạt kỳ thủy. 2004-Ngồi. 2006,…), Đỗ Tiến Thụy (Màu Rừng Ruộng. 2006), Phong Điệp (Blogger. 2009), Nguyễn Danh Lam (Giữa dòng chảy lạc-Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010), Nguyễn Ngọc Tư (Khói trời lộng lẫy. 2010), Uông Triều (Sương mù tháng giêng. 2015)…, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Văn Cầm Hải, Nguyễn Thúy Hằng,… (24 ). Sau những thành công ban đầu, lớp nhà thơ nhà văn này đang chững lại, và phía sau họ, lớp nhà văn trẻ hiện nay chưa có khả năng vượt lên phía trước, tiếp tục con đường đưa văn chương Việt Nam hội nhập văn chương thế giới.

3. Văn chương thị trường

Cho đến nay (2015) sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập, chúng ta đã có thể nhận dạng được kinh tế thị trường và những hệ quả của nó với xã hội Việt nam. Khi nền kinh tế Việt Nam chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường thì tất yếu làm thay đổi mọi yếu tố xã hội, từ tư tưởng, văn hóa đến lối sống. Lúc đầu người ta còn tranh cãi, sau mặc nhiên chấp nhận thực tế là mọi giá trị đều trở thành hàng hóa và vận động theo quy luật của đồng tiền. Văn chương cũng là hàng hóa bị thị trường quy định. Xã hội Việt Nam chịu sự biến động rất lớn. Bao nhiêu thứ rác rưởi văn hóa thị trường tràn vào Việt Nam làm đảo lộn mọi giá trị, trong đó phá hủy văn hóa, đạo đức truyền thống, đạo đức Cách mạng. Sự thất bại của nền giáo dục đã đưa vào đời một lớp người trẻ hoàn toàn khác với lớp trẻ cha anh. Họ không có lý tưởng, chẳng có gốc rễ gì với Cách mạng và kháng chiến. Chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ vị kỷ và triết lý thực dụng trở thành lối sống của họ. Họ quay quắt kiếm tiền, rồi đắm mình trong thế giới ảo. Không có tình yêu, chỉ có sex. Không còn niềm tin, chỉ có sự trống rỗng. Không có con đường cho tương lai, chỉ có quanh quẩn bế tắc trong cái Tôi. Không tìm thấy giá trị thật trong đời sống, chỉ có hàng nhái, hàng giả.

Tối 18/10/12 tại Hà Nội, trong tọa đàm mang tên “Nhiều cách sống của những tuổi trẻ bất thường” về bộ ba tiểu thuyết "1981", "Nhiều cách sống" và "Mất ký ức", tác giả Nguyễn Quỳnh Trang thú nhận: “Từ khi sinh ra tôi đã luôn tự hỏi mình là ai, mình từ đâu đến, mình sẽ đi về đâu trong cuộc đời này… Tuổi trẻ của chúng tôi hoang mang, lo lắng quẩn quanh, càng đi sâu vào những thú vui vật chất lại càng thấy rệu rã. Với Mất ký ức tôi muốn đi tìm tôi, để biết cách vượt qua những hoang mang bấn loạn”(25).

Văn chương thị trường là dòng tác phẩm đáp ứng thị hiếu một lớp độc giả trẻ. Họ chịu ảnh hưởng văn chương thị trường nước ngoài. Các tác giả viết cho đối tượng độc giả này cũng bị cuốn vào thị trường, viết theo thị hiếu. Nhà văn Nguyễn Đình Tú đưa ra nguyên do sau:
“Thứ nhất: Không thể phủ nhận được sự tác động của văn học nước ngoài khi vào Việt Nam đã ít nhiều tạo động lực cho những tác phẩm thuộc khuynh hướng này ra đời. Với Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Cô gái chơi dương cầm của Jelinek, Rừng Na uy, Kapka bên bờ biển của Murakami, Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, Huynh đệ của Dư Hoa, các tác phẩm của Vệ Tuệ, Thiết Ngưng, Sơn Táp, Xuân Thụ… Thứ hai: Sex từng là vùng cấm kỵ trong văn chương nước ta, vì thế nó luôn tạo sự háo hức cho người đọc và người viết. Chỉ khi nào bạn đọc chán nó thì các tác phẩm viết về nó mới dừng lại… Sự “cởi trói” cho một vùng cấm kỵ cùng với thị hiếu bạn đọc (có vẻ như mong chờ) ít nhiều là nguồn cảm hứng cho các nhà văn cầm bút lên và viết về…sex!...
… Với sự nở rộ những tác giả tác phẩm thuộc khuynh hướng này trong thời gian gần đây, cho thấy, dòng văn học này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Bài viết này không bàn tới cái được và cái chưa được cũng như những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của những tác phẩm mang đậm yếu tố sex. Nếu nhìn nó đơn giản chỉ là một khuynh hướng sáng tác thì cũng hãy đơn giản mà nhìn nhận rằng: Cũng giống như nhiều khuynh hướng (hay trào lưu) sáng tác khác, khuynh hướng tính dục cũng sẽ phát triển lên đến cao trào rồi thoái trào.”(26)

Đã có những “mặt nạ” được dựng lên để che đạy thực chất việc miêu tả sex trần trụi nhằm câu khách, nhằm gây scandal để nổi tiếng của một số người cầm bút. Người ta mượn hơi hướng của văn chương nữ quyền, người ta dùng văn chương để giải phóng người phụ nữ khỏi sự thống trị của nam giới; rằng văn chương không có vùng cấm, rằng văn chương sex đã có trong mọi thời đại, trong mọi nền văn chương của nhân loại…Có thể nhắc đến, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè; Y Ban với I am đàn bà, Thủy Anna với Điếm trai; Keng với Dị bản; Nguyễn Đình Tú với Nháp,…Đồng thời với đề tài sex là đề tài tình dục đồng tính: tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Song Song của Vũ Đình Giang…Nhưng không hẳn chỉ có vậy. Trong một cuộc tập huấn Lý luận phê bình VHNT, Gs Mai Quốc Liên cho biết, Bóng Đè lúc đầu chỉ là một truyện sex gây sốc bằng sự miêu tả trần trụi bản năng, nhưng khi một nhà văn nước ngoài mông má lại, nó trở thành một mặt nạ để bộc lộ chủ đề chính trị.

Trong bài viết có nhan đề: Văn chương thời nay: Không có sex, không bán được?, tác giả Nhung Đinh báo Người đưa tin cho biết, theo nhận định của các công ty sách Alpha, Nhã Nam thì: ”…trong khi thị trường văn chương trong nước đang ế ẩm mới thấy rằng "văn học sex" đang trở thành cứu cánh số 1 cho các nhà xuất bản. Chưa cần biết cốt truyện là gì, nhân vật ra sao, ý nghĩa xã hội như thế nào; chỉ cần quảng cáo có "sex" là các đơn vị xuất bản đã có thể yên tâm về số lượng phát hành.”(27)

Khi nhà văn viết sex mà “không bàn đến…những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực”, và chỉ “nhìn đơn giản” văn chương sex như một trào lưu rồi sẽ qua, tôi e rằng nhà văn đã chỉ viết theo bản năng mà không viết dưới ánh sáng những quan niệm tư tưởng tiến bộ. Trong số những người viết về “sex bẩn”, có người đã nói thẳng ra mục đích cầu danh cầu lợi, không che dấu.(28)

Sau trào lưu văn chương sex, văn chương thị trường lại rộ lên những truyện ngôn tình, mà đa phần chịu ảnh hưởng ngôn tình Trung Quốc. Chuyện tình yêu được xào nấu đủ kiểu và hẳn nhiên không thể thiếu sex. Nhan đề sách đủ gợi ra nội dung những gì tác giả muốn nói. Xin điểm qua nhan đề các tác phẩm ngôn tình trong năm 2014: Trước khi chết phải biết tình yêu là gì; Bùa Yêu; Yêu đi thôi, muộn lắm rồi"; Tất cả em cần là tình yêu; Đến lượt em tỏ tình; Có ai yêu em như anh; Ai cho em nằm trên? Yêu anh bằng tất cả những gì em có; Im lặng để yêu; Yêu trên từng ngón tay; Yêu không hối tiếc; Chỉ là yêu thôi mà, Tin em đi, rồi anh sẽ lại yêu. Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người. Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng. Người yêu cũ có người yêu mới, Yêu người yêu người ta; Yêu lại nhau, như thể lần đầu; Ngoại tình; Tình yêu là không ai muốn bỏ đi; Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình; Yêu nhau để cưới; Đừng chết vì yêu..

Xin lắng nghe tâm trạng của tác giả Anh Khang:
”… không chỉ bạn bè tôi, đầy rẫy ngoài kia vẫn đang có nhiều lắm những cặp tình nhân gạch đầu dòng. Yêu cho qua ngày, cặp kè cho có tụ. Thấy người này hội tụ đủ những điều mình cần cho một mối quan hệ thì... cứ yêu. Rồi nếu thấy một vài người khác nữa cũng có những chỉ tiêu vừa khít với những gạch đầu dòng mình đề ra, thì lại... yêu tiếp. Cứ thế, họ đi yêu những gạch đầu dòng - chứ không phải yêu một tấm lòng...“(Buồn làm sao buông)

Xu hướng chung của văn chương thị trường là văn chương giải trí. Xu hướng này đang lấn át trên thị trường và có một lượng fan (người ái mộ) đáng kể. Và trong danh mục sách bestseller năm 2014, những sách đứng đầu top ten lại là văn chương thị trường. Xin đọc những lời quảng cáo này: ”Tác phẩm mới ra mắt đã cháy hàng tại Hội sách tại TP.HCM thời gian qua; sách nằm trong top 12 cuốn sách Việt Nam bán chạy nhất năm; Tập tản văn đầu tay… với lượng tái bản lên tới 20.000 bản, tác giả tiếp tục trình làng tập truyện ngắn thứ hai. Cuốn này khi mới nằm ở dạng bản thảo đã trở thành sách best-seller vì có đơn đặt hàng trước gần chục nghìn bản; Tập sách như những cuốn cẩm nang dành cho lứa tuổi ô mai ngốc nghếch; Tác giả là một blogger đình đám và được cộng đồng mạng phong danh là "nhà văn hotgirl". Trước khi tiểu thuyết phát hành, 6 chương đầu được tung lên mạng đã thu hút hơn 2 triệu lượt view chỉ trong vòng 1 tháng.”, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc NXB Trẻ, thành viên sáng lập giải Sách Hay thì chia sẻ riêng với Sài Gòn Tiếp Thị rằng: “Khi người đọc đa số là người trẻ thì có nghĩa là thị trường sẽ rộng hơn, mức chi tiêu cho sách sẽ mạnh hơn. Tôi thấy hiện nay nhiều công ty sách, đặc biệt là phía tư nhân đã bắt mạch tính chất thị trường rất tốt. Họ tìm những tác giả trẻ có tiếng nói trẻ có thể chạm vào cảm xúc, suy nghĩ, tạo ra sự đồng cảm với người đọc trẻ. Nhưng thách thức đặt ra là thị trường sách đang cần tính đa dạng, không nên chỉ tập trung ở mảng sách giải trí thuần túy…”(29)

Có tác giả đã in 7 đầu sách nói rằng:”Văn chương không phải là công việc của tôi. Nó chỉ là sở thích. Có cũng được, không có cũng hơi buồn chán, nhưng mà chẳng sao”. Một tác giả khác đã in 3 đầu sách cũng có cùng một ý:”Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện có trở thành một nhà văn thực sự hay không? Chỉ đơn giản là thích viết, luôn viết…”.

Trong cái xô bồ của việc buôn bán chữ, của việc cầu danh cầu lợi, của những toan tính cá nhân, thì dòng văn chương thị trường cũng có những tác giả tài năng. Sách của họ vừa đáp ứng thị trường, vừa có phẩm chất văn chương. Xin đơn cử Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên… Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã thành thương hiệu. Sách mới in của ông thường vượt qua con số 10.000 bản. Dương Thụy nổi tiếng với tác phẩm "Oxford thương yêu" tái bản trong hai năm là 14 lần, với tổng đầu sách là 55.000 bản. Phan Hồn Nhiên chuyên tâm với thể loại sci-fi (Mắt bão, Cảm xúc nguy hiểm, Máu hiếm, Ngựa thép…)

Thực ra không có sự phân định rạch ròi một nhà văn thuộc dòng văn chương thị trường văn chương Nhân văn và dân chủ. Nguyễn Ngọc Tư là một thí dụ. Nữ tác giả này có sách bestseller trên thị trường, nhưng cô cũng là nhà văn đụng chạm đến những vấn đề nóng của hiện thực. Cánh đồng bất tận đã đem đến vinh quang cho cô nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho tác giả khi nó mới xuất hiện.
Trong xu thế của nền kinh tế thị trường, nhà văn viết tác phẩm muốn được đông đảo độc giả biết đến, họ buộc phải hướng đến thị trường. Chỉ những nhà văn tài năng mới có thể viết được một tác phẩm vừa đáp ứng những đòi hỏi của thị trường vừa có phẩm chất văn chương. Thành công như Nguyễn Nhật Ánh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và vì thế, dòng văn chương thị trường, tuy có lúc ồn ào do quảng cáo, nó sẽ qua đi rất mau, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, tùy thuộc vào những cơn sóng thị trường có ảnh hưởng toàn cầu. Văn chương thị trường trước hết là văn chương giải trí, là trò chơi ngôn ngữ còn ở dạng bản năng của người trẻ, chưa phải là những sáng tạo nghệ thuật của những tài năng, có ý thức tư tưởng-thẩm mỹ đi trước thời đại.


GHI NHẬN MỘT VÀI HIỆN TƯỢNG

40 năm qua đã có nhiều hiện tượng văn học còn lưu lại dấu vết.

1.Đáng kể là việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu. Hoạt động này đã trở thành một nét văn hóa có ý nghĩa. Tuy vậy phong trào tổ chức Ngày Thơ Việt Nam trong cả nước đã bị chững lại, vì người ta không đánh giá được thơ hiện nay có giá trị gì, tác giả nào, bài thơ nào là tài năng được tôn vinh như các tác giả thời chống Mỹ.
2.Sau gần 50 năm, các tác giả trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã được phục hồi danh dự và được trao giải thưởng Nhà Nước: Nhà thơ Quang Dũng (năm 2000), Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Yến Lan và Hoàng Cầm được Chủ tịch nước Việt Nam ký quyết định tặng thưởng giải thưởng Nhà Nước Tháng 2 năm 2007…
3.Đã có lúc tình trạng “loạn” diễn ra trên các diễn đàn. Nhất là trong Đại Hội Nhà Văn lần thứ VIII (2-5/8/2010): “Cả hội trường như một lò lửa! Đại Hội căng lên như một dây đàn. Và Tô Nhuận Vỹ đăng đàn. Trong chốc lát đã có người lên cướp diễn đàn của Ổng! Ôi ! Khủng khiếp!”(30)
Khi rộ lên phong trào viết blog, phong trào lập trang web. Nhiều người mang “mặt nạ”, quăng lên mạng đủ mọi thứ ngôn từ làm cho việc phê bình văn chương trở nên hỗn loạn, nhất là loạn tiêu chí đánh giá tác phẩm. Từ đây dẫn đến tình trạng “thiếu văn hóa” trong phê bình văn chương. Môi trường văn chương bị ô nhiễm trầm trọng, mất hẳn tính nhân văn học thuật trong đời sống văn học. Đến độ, PGS-TS Phạm Quang Trung đã phải tuyên bố ngưng cuộc tranh luận về giải thưởng văn chương của Hội Nhà Văn Việt Nam 2010:” Suốt một tháng trời nay, tôi thức khuya dậy sớm, mong góp những tiếng nói kịp thời theo diễn biến nhanh chóng không phải chỉ từng ngày mà từng giờ chung quanh cuộc tranh luận chủ yếu trên diễn đàn trannhuong.com về giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Đến lúc này, tôi ý thức rõ rệt là bản thân cần nói lời giã từ mặc dầu không phải không thấy lưu luyến và tiếc nuối…” (31)

Thực ra không chỉ cuốn Hội Thề của Nguyễn Quang Thân đạt giải thưởng tiểu thuyết (2006-2009) của Hội Nhà Văn Việt Nam 2010 gây ra những luồng ý kiến trái chiều, mà nhiều giải thưởng văn chương khác cũng khiến người ta đặt vấn đề về việc trao giải.” Vì lẽ, qua mấy mùa trao giải gần nhất, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn xảy ra sự cố: Nào là có nhà thơ từ chối nhận tặng thưởng, sếp trong Hội từ chối nhận giải khi bị dư luận phản đối “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vô số tác phẩm bị chê là không xứng đáng được vinh danh... Kể cũng khổ cho Hội, điều quan trọng nhất để đánh giá cái được và chưa được của giải thưởng là chất lượng tác phẩm, thì người ta lại bỏ quên để chú ý chuyện đâu đâu”(32)

4.Trình trạng “đạo thơ” xảy ra qúa nhiều làm nhức nhối lương tâm những người cầm bút chân chính. Nhà văn từ xưa đến nay là ánh sáng lương tri cho nhân loại. Trong thế giới của “cái đẹp”, của sự sáng tạo, không có chỗ cho kẻ cắp. Ngay khi tôi đang viết những dòng này thì báo chí cũng đang rộ lên việc đạo thơ của Phan Huyền Thư, một nhà thơ nữ vừa đạt giải thơ của HNV Hà Nội (33). Đó là một vết nhơ cho nhà văn Việt Nam còn mãi về sau. Một hiện tượng “đạo thơ” bị “ném đá” dữ dội là hiện tượng “thơ nhập đồng” của Hoàng Quang Thuận. Ông tự coi 3 tập thơ "Hoa Lư thi tập", "Ngọa Vân Yên Tử" và "Thi vân Yên Tử" là "thơ thần Phật". (34) Ông đã tự gửi 2 tập thơ ứng cử giải Nobel văn học. Cuộc hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” được tổ chức “hoành tráng” với hơn 20 tham luận (35) Nhưng rồi công luận lên tiếng về việc Hoàng Quang Thuận đạo thơ, Ban Thường vụ Hội Nhà văn đã phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc những thiếu sót trong việc quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí Hội Nhà văn, trong đó có việc chọn lựa tác giả và tác phẩm để hội thảo. Ngậm ngùi và bẽ bàng hết sức!
40 năm tuy dài, nhưng có những vấn đề của lịch sử để lại còn cần thêm thời gian. Vấn đề văn chương miền Nam (1954-1975) và vấn đề “hợp lưu” dòng văn chương của người Việt Hải ngoại sau 1975.

5. Đã có những đòi hòi và nỗ lực ở trong nước và ngoài nước đánh giá về Văn học miền Nam (1954-1975).

Trong nước, cuốn Văn học thực dân mới Mỹ ở miền nam những năm 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Đàn.(Nxb Sự Thật, Hà Nội 1988) là cuốn sách chứa đựng những quan điểm vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Cuốn này sau đổi tên là Văn-hóa Văn nghệ Nam Viêt Nam, 1954-1975(Nxb Văn-hóa Thông tin, Hà Nội, 2000). Xin trích:

Trần Trọng Đăng Đàn nói về nhiệm vụ chính trị trong cuộc đấu tranh chống văn hóa thực dân mới Mỹ ở miền Nam sau 1975:
“…Những văn kiện của Đảng và Nhà Nước, đặc biệt các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI đã xem nhiệm vụ nghiên cứu và phê phán chủ nghĩa thực dân mới trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ là một bộ phận hữu cơ của toàn bộ nhiệm vụ khắc phục những hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây và là một việc làm có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy mạnh cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa đang diễn ra ở nước ta.

Để đạt mục tiêu ấy, chúng ta phải có phương pháp nghiên cứu thích hợp, đồng thời phải xác định đúng vị trí, đánh giá đúng tác hại của “văn học” thực dân mới. Do nhận định sai về vị trí và tác hại của “văn học” thực dân mới Mỹ, xem nó như một giai đoạn kế tục của nền văn học Việt Nam truyền thống, mà nhiều người làm công tác nghiên cứu giảng dạy văn học thời Mỹ đã vận dụng phương pháp lịch sử để trình bày diễn tiến của “giai đoạn văn học “này và gán ghép nó vào lịch sử văn học dân tộc.

Theo chúng tôi, với mục đích nghiên cứu “văn học” thực dân mới để vạch trần những độc hại của nó, để thanh toán những tàn tích của nó, qua đó, góp phần xây dựng nề văn hóa mới, con người mới Xã hội chủ nghĩa, thì việc sử dụng phương pháp lịch sử là không thích hợp, là khiên cưỡng và có dụng ý bóp méo lịch sử.

Ở đây, cái thích hợp nhất đối với chúng ta là phương pháp nghiên cứu logic, nhằm phân tích và phê phán “văn học” thực dân mới qua 4 khâu: xã hội, nhà văn, tác phẩm và người đọc”(tr.42)

Nhận xét về nội dung văn học miền Nam 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn viết:

“Có ba khuynh hướng: “văn học” phản động về chính trị, “văn học” đồi truỵ hóa con người và “văn học” chạy theo những thị hiếu thấp kém của xã hội tiêu thụ gọi tắt là “văn chương tiêu thụ” (tr.23)

Nhận xét về hình thức vận động của văn học:

“Nhằm tận dụng “văn hóa” và “văn nghệ” làm công cụ chiến tranh tâm lý, trong những năm thống trị ở miền nam, địch đã kết hợp cả hai hình thức: ”văn hóa, văn nghệ chỉ huy” và “văn hóa văn nghệ tự phát”

“Chỉ huy là loại “văn hóa”, “văn nghệ” do các cơ quan, các tổ chức, các cá nhân trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài gòn công khai nắm…phục vụ trực tiếp cho những yêu cầu chính trị, quân sự, kinh tế của chúng. (tr.17)

Gọi là “văn hóa”, “văn nghệ tự phát” là vì nhìn bề ngoài thì y như nó không chịu sự điều khiển, chỉ huy của chính quyền, y như nó được hoàn toàn tự do, tự phát. Ở đây, “văn hóa”, “văn nghệ” giống như một khu vực chợ trời: ai muốn in sách cứ in, ai muốn ra báo cứ ra, ai muốn lập nhà xuất bản, lập các hội, các đoàn, các nhóm, các phái… cứ việc lập; có tiền anh cứ xây nhà hát, dựng rạp chiếu bóng, lập phim trường…Chính quyền cũ… cho du nhập đủ các trường phái văn học, các xu hướng triết học, mỹ học, và trong đó, chúng vờ làm như là cho tha hồ viết, tha hồ nói…kể cả chửi Mỹ, chỉ trích tổng thống… Thực chất là có chỉ huy, mà trước hết là nó chỉ huy cái cơ bản: muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, nhưng phải là không nói, không viết cái gì có lợi cho cách mạng, không viết “theo sự chỉ đạo của cộng sản”…và “mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ”…

Tuy nhiên, đường lối “văn hóa, văn nghệ tự phát’ lại có các mặt bất lợi cho địch…Chính đây là kẽ hở mà cách mạng có thể lợi dụng để khơi những dòng trong giữa những dòng đục và quật lại chúng những đòn thấm thía trên mặt trận đấu tranh văn hóa- tư tưởng.(Tr. 26)

Qua trích dẫn trên, Trần Trọng Đăng Đàn không coi văn học miền Nam là văn học. Ông để chữ “văn học” trong ngoặc kép (“ “). Theo ông, văn học miền Nam phải hoàn tòan bị vứt bỏ vì nó là nền “văn học” phản động về chính trị, đồi truỵ hóa con người và chạy theo những thị hiếu thấp kém của xã hội tiêu thụ“. Nó không thể được coi là một bộ phận của nền văn học dân tộc vì nó chỉ có tác hại. Nghiên cứu văn học miền Nam bằng phương pháp lịch sử là sai lầm. Nhưng ông phải thừa nhận, ngoài bộ phận “văn học chỉ huy”, ở miền Nam còn có một bộ phận “văn hóa văn nghệ tự phát”, “hoàn toàn tự do”.” Chính quyền cũ… cho du nhập đủ các trường phái văn học, các xu hướng triết học, mỹ học”.

Ngày nay nhìn lại, đánh giá của Trần Trọng Đăng Đàn về văn học miền Nam 1954-1975 hoàn toàn là đánh giá chính trị, một cái nhìn phủ định sạch trơn. Văn học chịu sự quy định của bối cảnh chính trị xã hội, nhưng văn học cũng có giá trị tự thân và vận động theo quy luật riêng của nó trong lịch sử văn học. Bối cảnh chính trị xã hội 2015 đã hoàn toàn khác với bối cảnh chính trị xã hội trước 1975. Văn học miền Nam 1954-1975 này đã trở thành một thực tại lịch sử. Nó phải được đặt trong dòng chảy của lịch sử văn học dân tộc và được nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học và phương pháp lịch sử. (Giống như sau 40 năm, từ 1986 trở đi, người ta đã đánh giá lại văn học 1930-1945, đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn, Vũ Trọng Phụng, Thơ Mới…; hoặc 50 năm nữa hay những thế kỷ sau, khi nhìn về văn học miền Nam 1954-1975, các thế hệ con cháu sẽ chỉ chú ý đến những giá trị mà nền văn học này đóng góp cho lịch sử văn học dân tộc.)

Cho đến nay đã có một vài tín hiệu mở ra hướng tiếp cận những vấn đề còn nhiều cách biệt về chính trị. Đã có những đề xuất cần phải nhận thức lại văn học miền Nam, chẳng hạn: Nguyễn Thị Thu Trang: Vài nét về văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 5/2007), Trần Hoài Anh : Lý luận - Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, Nguyễn Thị Việt Nga : Một bộ phận văn học dân tộc cần được tiếp tục nghiên cứu.

Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề: ”…phải thừa nhận có một thực tế là sau giải phóng miền Nam 1975, do cách nhìn thành kiến, đố kỵ và sự ấu trĩ trong quan điểm tiếp cận, hoặc bị chi phối bởi các yếu tố ngoài văn học và các yếu tố tâm lý xã hội thiếu cởi mở, nên các nhà nghiên cứu, phê bình văn học (ở cả miền Nam và miền Bắc) có biểu hiện né tránh, ngại đi vào lĩnh vực có vẻ còn nhiều “chông gai” bởi đã và vẫn đang tồn tại nhiều quan điểm trái chiều này. Hơn nữa, qua thời gian đã nửa thế kỷ, nhiều tác phẩm văn học không những không được tái bản mà còn không được quan tâm lưu trữ. Do vậy, nguồn tư liệu, theo thời gian đang là trở ngại cho giới nghiên cứu. Văn học đô thị miền Nam dù thế nào đi nữa, nó là một bộ phận của văn học dân tộc, có quá trình phát triển hơn 20 năm, không thể bỏ qua. Đã đến lúc (tuy rằng đã muộn) phải tiến hành nghiên cứu đầy đủ văn học đô thị miền Nam, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học để những gì có giá trị thực sự, đóng góp vào thành tựu chung của cộng đồng, dân tộc cần ghi nhận, tiếp thu.”(36)

Ts Trần Hoài Anh viết:"Việc xác định giá trị của lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam trong hệ thống giá trị của lý luận - phê bình văn học dân tộc là điều có ý nghĩa, không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt tư tưởng xã hội của một đất nước thống nhất, một dân tộc thống nhất./ Mặt khác, sự hiện hữu của lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam là một thực thể, một thực tế lịch sử, không thể phủ nhận. Sự hiện hữu đó làm cho di sản lý luận - phê bình văn học dân tộc phong phú hơn, giàu có hơn, tiệm cận hơn với nền lý luận - phê bình hiện đại của thế giới mà chúng ta đang hướng tới trong xu thế mở cửa, hội nhập với quốc tế hôm nay" (sđd., tr. 260).

Trên các diễn đàn (báo in và báo mạng), Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu đã được nói đến. Riêng việc tái bản các tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu đã có những ý kiến phản đối quyết liệt. (bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của Vũ Hạnh đăng trên trang nhà Sài Gòn Giải phóng ngày 22 tháng 4 năm 2007). Nhà thơ Du Tử Lê đã có lúc bị phản đối mạnh mẽ (xin đọc bài: Bộ mặt ngạo mạn của Du Tử Lê- báo công an tpHCM 18/8/05), nay cái nhìn về ông đã có vẻ thân thiện hơn. Nhà Thơ Nguyễn Đức Tùng xuất hiện nhiều trong các sinh hoạt văn chương trong nước, ông cũng đã in tác phẩm ở trong nước. Tác phẩm Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác cũng đã được in trong nước…
Ở nước ngoài cũng đã có những tác giả viết về văn học miền Nam. Đáng kể là Tổng quan văn học miền Nam của Võ Phiến. Cuốn này được viết dưới nhãn quan “chống cộng”, tuy vậy nó có giá trị về mặt tư liệu đối với người làm công việc nghiên cứu. Nhà phê bình Đặng Tiến đánh giá :” trong bộ Văn Học Miền Nam, cuốn I Tổng Quan là một trước tác công phu, một ký sự văn học và xã hội học phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của một quần chúng đông đảo dới một chế độ xã hội đã đi qua. Một tác phẩm giàu tâm tình và tâm huyết, với nhiều nhận định sắc bén, qua giọng văn trò chuyện tự nhiên, thân mật, dí dỏm. Trong một đề tài rộng rãi và phức tạp như thế, dĩ nhiên là có điểm cần bàn lại, có chỗ cần bổ sung hay sửa sai, nhưng nói chung, Tổng Quan là một biên khảo thành tâm, đứng đắn, ngay thẳng, đáng tin cậy.”(37)

Cũng phải kể đến bài viết Văn học miền Nam của Thụy Khuê (38), và đặc biệt là Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam 1975-1975 ngày 6 &7/12/14 tại Hội Trường Nhật Báo Việt Báo, Westminster (39). Trong hội thảo này, đã có 16 tham luận về văn học miền Nam 1954-1975. Hội thảo vẫn nằm trong ý thức chính trị “chống cộng” của một bộ phận người cầm bút hải ngoại, song cũng đã có những góc nhìn xem xét văn học miền Nam trong tiến trình văn học dân tộc. Chẳng hạn, tham luận của Bùi Vĩnh Phúc: Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1954 – 1975): Phẩm Tính và Ý Nghĩa, của Du Tử Lê: ”Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm văn học miền Nam”,…

6.Văn chương của người Việt Hải ngoại sau 1975 đã được các tác giả hải ngoại nghiên cứu và đánh giá. Thụy Khuê viết: ”Thử tìm một lối tiếp cận Văn Học Sử về Hai mươi nhăm năm Văn học Việt Nam Hải ngoại 1975-2000”, Nguyễn Mộng Giác viết “Sơ thảo về các giai đoạn thành hình và phát triển của giòng văn xuôi ở hải ngoại từ 1975 đến nay”, Du Tử Lê có công trình 700 trang :” Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật (1975-2015)”, Nguyễn Đức Tùng có một chuyên luận công phu về ”40 năm thơ hải ngoại” (40)

Một bài viết súc tích là bài :” Văn học Việt Nam ở hải ngoại, những vấn đề của sự phát triển hiện nay.” của A.A. Sokolov, Phó giáo sư tiến sĩ sử họcViện Phương Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga: Lê Sơn dịch đăng trên Văn Hóa Nghệ An (41). Đây là bài có cái nhìn khá bao quát về diện mạo văn học Việt Nam Hải ngoại và định hướng phát triển. Tác giả có góc nhìn rộng và đối chiếu với theo quan điểm của nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Qua những công trình biên khảo trên bạn đọc trong nước sơ bộ có thể nhìn thấy đông đảo các nhà văn thuộc nhiều thế hệ cầm bút hải ngoại, những vấn đề họ quan tâm, và khuynh hướng phát triển của dòng văn học này. Nhìn chung các tác giả vẫn nhận định về giá trị của văn chương hải ngoại theo chuẩn “phản ánh hiện thực”. Đó là “văn chương lưu vong”, chủ yếu viết về những kỷ niệm quê hương, tình cảm với cố quốc, về di tản, vượt biên, kiếm sống và hội nhập. Nhiều nhà văn hải ngoại thấm thía gánh nặng của “tự do” và bi quan về văn chương hải ngoại khi thế hệ các nhà văn miền Nam qua đi, thế hệ hội nhập không còn viết bằng tiếng Việt, thì văn chương Việt Hải ngoại chưa biết sẽ thế nào. Bởi thế hệ hội nhập đa số không viết bằng tiếng Việt mà viết bằng tiếng bản ngữ hướng về cộng đồng bạn đọc nơi họ sinh sống.

Tôi tự nghĩ, các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài, hết sức tự do và đầy đủ phương tiên, lại tiếp cận với văn chương thế giới đương đại, lẽ ra họ phải viết được những tác phẩm lớn, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tư tưởng, lẽ ra họ phải viết bằng những bút pháp hiện đại đổi mới hẳn văn chương Việt Nam, nhờ đó các nhà văn trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm đưa văn chương trong nước hội nhập văn chương thế giới. Tuy nhiên, trong thực tiễn văn học, mọi đổi mới nghệ thuật văn chương đều xuất phát từ các nhà văn trong nước, đặc biệt những nhà văn dấn thân quyết liệt trên con đường sáng tạo.

Nói vậy không có nghĩa là không có sự giao lưu văn học trong và ngoài nước. Những nhà văn trẻ trong nước viết bằng thủ pháp Hậu Hiện đại hoặc làm thơ Tân Hình Thức chắc chắn có kinh nghiệm của nhà văn hải ngoại. Thời mà các trang báo điện tử trong nước chưa có nhiều, rất nhiều nhà văn trong nước đã đăng bài ở các trang mạng nước ngoài.

7. Hội Nhà văn Việt Nam những nhiệm kỳ gần đây trở thành một vấn đề có nhiều ý kiến trái ngược. Ngay trước Đại hội IX (2015), có 20 hội viên HNV tuyên bố từ bỏ Hội. Trong các “tuyên bố” của một vài nhà văn, có người rời tổ chức Hội để tự do sáng tác, không muốn bị ràng buộc. Nhưng “tuyên bố chung” của các nhà văn trong Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc lập do nhà văn Nguyên Ngọc chủ xướng, là “tuyên bố’ có ý nghĩa chính trị.
"Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam, đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy."

"Đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản."
"Nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo HNVVN đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần 9 sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của HNVVN, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút."
"Chúng tôi tuyên bố từ bỏ Hội nhà Văn Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015."

20 nhà văn ký tên trong tuyên bố chung là : Bùi Minh Quốc (hội viên HNVVN từ năm 1977), Đặng Văn Sinh, Đỗ Trung Quân (hội viên HNVVN từ năm 1987), Hoàng Minh Tường (hội viên HNVVN từ năm 1981), Lê Hiền Phương, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyên Ngọc (hội viên HNVVN từ năm 1957), Nguyễn Huệ Chi (hội viên HNVVN từ năm 1984), Nguyễn Quang Thân (hội viên HNVVN từ 1977), Phạm Đình Trọng, Thùy Linh, Vũ Thế Khôi, Ý Nhi, Võ Thị Hảo, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Nguyễn Duy, Trần Kỳ Trung.

Hành động “tuyên bố” từ bỏ HNV của 20 nhà văn trên có gây được một chút chú ý trong văn giới. Tuy nhiên, đa số nhà văn cho rằng việc chọn lựa xin vào HNV hay ra khỏi HNV là quyền lựa chọn riêng tư của mỗi nhà văn. Về phía Hội Nhà Văn Việt Nam, từ các đại hội đia phương đến Đại hội đại biều toàn quốc, đã gạt tất cả các nhà văn trên ra khỏi đại hội. Đã có những ý kiến trái chiều ở Đại hội nhà văn khu vực. Ở khối Công an, nhà văn 87 tuổi Lương Sỹ Cầm lên án Văn đoàn độc lập như một tổ chức phản động, "đám mây đen chân trời đang làm vẩn đục bầu trời văn học", "bây giờ độc lập sau này đối lập". Theo nhà văn, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ, không nên nặng nề, mà cần rõ ràng với Văn đoàn Độc lập. Dù sao thì hàng loạt nhà văn “ly khai” HNVVN cũng là nỗi buồn của HNVVN. Ban Chấp hành Hội nên làm rõ lý do các nhà văn tuyên bố rời khỏi HNVVN, vì không phải họ chống Đảng, chống đất nước, mà có khi chỉ là thái độ với HNVVN.(42) Nhà văn Ngô Minh bày tỏ chính kiến :” dù hoạt động trong Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội nhà văn nào khác trên đất nước này, chúng ta phải cùng chia sẻ, đồng cảm với các đồng nghiệp của mình. Đừng nên đẩy các nhà văn có chính kiến khác vào thế đối nghịch”.

Hiện tượng trên biểu hiện sự “mất giá” của HNV. Đây đó đã có những tiếng nói đòi phải phục hồi danh giá của HNV. Thực ra sự “mất giá” của HNV là do sự vắng bóng của những tài năng. Khi những nhà văn sáng giá như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Duy… không còn là “điểm sáng” của HNV, và thay vào đó là những nhà văn “quần chúng”, nâng số hội viên HNV lên hàng ngàn người, thì HNV đã không còn giữ được thế giá của mình. Nguyễn Huy Thiệp nói “trắng phớ” ra sự thật này, ý kiến của ông không phải là không có cơ sở: “Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng, sáng tạo và hầu hết đều… "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả. Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: "Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!", tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.(43)

Chỉ khi HNV có được những nhà văn tài năng, có được những tác phẩm đặt được những cột mốc cho sự phát triển văn học Việt Nam, thì khi ấy, HNV mới có cơ phục hồi “danh giá” của mình. Trong tình hình hội viên như hiện nay, HNV chỉ thực hiện được một nhiệm vụ là “Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng,…” như Nghị quyết 23 đã đề ra.


8. Internet và văn chương

Yếu tố làm thay đổi sinh hoạt văn chương mạnh mẽ nhất trong những thập niên qua là sự ra đời của Internet và văn chương mạng.

Nhà văn thoải mái công bố tác phẩm và người đọc cũng thoải mái gửi lời bình (comment) khiến cho đời sống văn học có lúc sôi nổi hẳn lên. Thời gian đầu, khi trong nước chưa có nhiều trang văn học mạng thì các trang văn học mạng của người Việt hải ngoại chiếm ưu thế và có sức thu hút mạnh mẽ. Đáng kể là các trang Talawas, Hopluu.net, tienve.org và sau đó là damau.org. Những tác phẩm của nhà văn miền Nam trước 1975, những tác phẩm trong nước bị cấm, những “vụ án” văn chương như Nhân Văn Giai Phẩm, những bức xúc của nhà văn trong nước, những tác phẩm “có vấn đề” không thể in trong nước, đều được đăng trên các trang mạng nước ngoài.

Giai đoạn sau đó khi phong trào viết Blog nở rộ, hầu như nhà văn nào cũng có một trang blog (ngoại trừ nhà văn không biết vi tính). Có thể coi đó là phong trào “trăm hoa đưa nở”, ai muốn viết gì thì viết, muốn “lập ngôn” gì thì lập ngôn, muốn phê phán báng bổ ai thì mặc sức. Và không ít người lợi dụng net cho mục đích chính trị, mục đích cá nhân ngoài văn chương. Và tình hình có lúc trở nên “loạn” phát ngôn, loạn phê bình, gây ra tình trạng “loạn” tiêu chí đánh giá văn chương. Thật hiếm có trang mạng nào chuyên về văn chương và những vấn đề văn chương mà không dây vào những vấn đề thời sự chính trị.

Nhưng khi phong trào chơi blog “xẹp” xuống, trang Talawas có thế giá của nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức bỗng dưng đóng cửa (2010), sau đó Phạm Thị Hoài lại lập trang Procontra, cũng chỉ một năm sau lại ngậm ngùi đóng cửa (2014), thì người ta ngờ ngợ có điều gì đó đàng sau vấn đề (?) Cũng sau khi chơi blog, nhà văn nhận ra văn chương chỉ là cuộc chơi. Những tưởng văn chương là chuyện lâu dài, bỗng dưng nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ mạng miễn phí, rất nhiều trang blog phải “chết”. Tất cả những gì nhà văn đã tung lên mạng bỗng mất sạch. Trước kia người ta tưởng cứ tung lên mạng thì sẽ được người đọc vồ vập, nhưng rồi không phải vậy. Chỉ một ít trang là có độc giả. Bởi đơn giản người đọc thích các chương trình giải trí hơn bằng hình ảnh trên Youtube hơn. Rồi từ khi Nhà Nước xiết chặt luật pháp về truyền thông mạng, số trang web còn sống được và có ảnh hưởng với văn đàn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong nước đáng kể là vanvn.net, tapchisonghuong.com; vanhoanghean.com; trannhuong.com, phongdiep.net; vanchuongviet.org. Rất nhiều trang khác nhạt nhẽo, lười cập nhật bài (cũng có thể là không có bài) thành ra khách truy cập “vắng như chùa bà Đanh”. Trang vanvn của Hội Nhà Văn lúc đầu được kỳ vọng, song đến nay cũng chậm chạp, lặng lẽ và tẻ nhạt, có rất ít bài giá trị để đọc. Vanchuongviet.org là nơi nhiều tác giả hải ngoại tìm trở về môi trường văn chương trong nước. Tạo ra sự hợp lưu. Trang này không vướng vào các tranh cãi vô bổ như những trang khác, bài vở được chọn lọc nên thông tin có thể tin cậy được. vanhoanghean.com có nhiều bài nghiên cứu sâu sắc. Phongdiep.net và trannhuong.com là hai trang khá năng động. Phongdiep chuyên về tin tức văn chương, còn trannhuong đa mang nhiều tin thời sự, kể cả việc đăng các bài tranh cãi văn chương.

Sau 15 năm đầu của thế kỷ 21, người ta tưởng sẽ hình thành “văn chương mạng”, song điều này đã không xảy ra. Chỉ một vài người viết trẻ chia sẻ trên mạng những bài viết, sau tập hợp lại in thành sách gọi là tạp văn, nhờ họ đã PR trước đó trên mạng nên có gây được sự chú ý nhất định. Điều còn lại của internet là góp phần “hợp lưu” văn chương hải ngoại và văn chương trong nước, góp phần dân chủ hóa đời sống, sinh hoạt văn chương, giải tỏa những ảo tưởng của nhà văn, và giúp phát triển văn nghệ quần chúng (kiểu như các câu lạc bộ thơ Lục bát, câu lạc bộ thơ Đường luật, trang web của các Hội VHNT tỉnh lẻ…)

40 NĂM SAU VĂN HỌC VIỆT NAM SẼ THẾ NÀO?

Đó là một câu hỏi viễn tưởng. Giả định rằng tình hình thế giới ổn định, hòa bình. Giả định rằng tình hình an ninh chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển, thì trong thế giới toàn cầu hóa chuyển động và phát triển như vũ bão hôm nay, thật khó hình dung được 40 năm sau văn chương Việt Nam sẽ như thế nào. Chắc chắn là rất khác, cũng có thể là vẫn trì trệ như 40 năm qua.

Vấn đề là tài năng văn chương có xuất hiện hay không. Cứ theo chu kỳ phát triển, 40 năm qua đã có 2 thế hệ, thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… và thế hệ Nguyễn Quang Thiều, Phong Điệp,…thì 40 năm tới sẽ có 2 thế hệ nhà văn mới xuất hiện …. Họ hoàn toàn sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu hóa, không có gốc rễ gì với bối cảnh trước đó. Họ sẽ viết khác; đồng thời xuất hiện những lớp công chúng văn học mới, hoàn toàn bị chi phối bởi thị trường. Điều này sẽ làm nên diện mạo văn học mới. Đã có thể nhìn thấy trong bóng dáng những thế hệ kế tiếp của nhà văn Việt Nam trong hình ảnh thế hệ thứ hai, thứ ba nhà Việt Nam văn hải ngoại như Andrew Lam, Monich Trương, Aimee Phan, Lan Cao, Kien Nguyễn, Lê Thị Diễm Thuý, Dao Strom, Nguyễn Minh Bit, Mộng Lan v.v... Kim Lefevr và Linda Le…(dẫn theo A. A. Sokolop).

Trong sự phát triển văn chương, chủ nghĩa Hiện thực vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó bên cạnh những kiểu bút pháp khác. Về nội dung, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo tiếp tục phát triển ở những tầm vóc mới. Xu hướng dân chủ hóa trong văn học ngày càng mạnh mẽ. Một số nhà văn không vào Hội Nhà Văn Việt Nam, và trước Đại Hội 9 Hội Nhà Văn Việt Nam 2015, một số hội viên từ bỏ Hội để gia nhập Văn Đoàn Độc Lập là một dấu chỉ, rằng trong nền kinh tế thị trường, nhà văn tự mình có thể sống và viết, tự in tác phẩm và phổ biến tác phẩm không cẩn đến tổ chức Hội, miễn là họ không vi phạm pháp luật. Điều này hoàn toàn khác với thời bao cấp. Hội Nhà Văn Việt Nam khi đơn thuần chỉ là tổ chức hành chính của Nhà Nước, nhà văn là công chức, thì sẽ mất dần tính hấp dẫn. Định hướng “xây dựng nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, có tinh thần nhân văn và dân chủ sâu sắc” là một định hướng có giá trị rất xa về phía trước. Dù vậy, văn chương Việt Nam sẽ vẫn chạy theo những trào lưu của văn chương thế giới vì chúng ta không có những nhà lý luận và những nhà văn tiên phong.

Nhìn lại xu thế phát triển của văn chương Việt Nam 40 năm qua, ta có thể thấy lờ mờ con đường phát triển phía trước.

Dòng văn chương yêu nước và Cách mạng tiếp tục phát triển. Hiện thực cách mạng và kháng chiến là kho tư liệu to lớn cho nhiều thế hệ nhà văn khám phá. Sẽ có tác giả viết nên những bộ sử thi mới, như Núi rừng yên thế của Nguyên Hồng viết về người anh hùng Hoàng Hoa Thám ngày xưa. Thế hệ nhà văn trực tiếp cầm súng sẽ qua đi, đó là một mất mát không bù đắp. Nhưng người viết trẻ tài năng sẽ có cách tiếp cận chiến tranh toàn diện hơn, tỉnh táo hơn để viết những tác phẩm lớn. Trong nhất thời, tiểu thuyết tư liệu như kiểu Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh sẽ là một hướng phát triển. Tuy nhiên những thế hệ nhà văn sau này đứng ngoài chiến tranh sẽ nhìn về chiến tranh với những nhận thức khác. Có người vẫn viết những bản anh hùng ca bằng bút pháp lý tưởng hóa, nhưng cũng có người nhìn chiến tranh ở góc độ khác như Nỗi buồn chiến tranh, Bóng anh hùng, Quán dương cầm… hoặc như cách các nhà văn hiện nay khai thác đề tài lịch sử xưa để nói về thời hiện tại (Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Hội Thề của Nguyễn Quang Thân, Sương mù tháng giêng của Uông Triều, Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang…)

Dòng văn chương Nhân văn-Dân chủ hiện nay sẽ chuyển hướng vì thế hệ cầm bút tương lai không có vướng mắc gì với Cải cách ruộng đất, Nhân văn- Giai phẩm, cải tạo xã hội chủ nghĩa, chiến tranh phía Bắc, phía Nam (1979) hay những ngặt nghèo của thời bao cấp. Nói gọn lại, họ không sống trong hiện thực Thời của thánh thần, vì thế họ sẽ không có những bức xúc chuyển hóa thành cảm hứng sáng tác những tác phẩm kiểu như thời kỳ đổi mới (1986-1990). Hơn nữa, thế hệ nhà văn coi việc viết là hành động dấn thân cho một lý tưởng cũng không còn, thành ra những nhận thức về Nhân văn-Dân chủ sẽ có nội hàm khác, có thể dễ chấp nhận hơn, kiểu như tác phẩm của Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền, Giã biệt bóng tối), của Thuận, của Đoàn Thị Minh Phượng.

40 năm tới, văn chương thị trường sẽ trở thành dòng chính, điều này là xu thế tất yếu. Chỉ cần nhìn vào chợ sách 2014 có thể nhận rõ sự lấn át của văn chương thị trường. Đã có những tác giả mà tác phẩm tái bản nhiều lần, ấn phẩm lên đến hàng trăm ngàn bản (đơn cử: Trong ba năm qua, Hamlet Trương đã có tới 150.000 bản sách (Thời gian để yêu, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay), còn Iris Cao cũng chạm con số 100.000 bản sách được bán ra.) trong khi tác phẩm của những dòng văn học khác vẫn chỉ in vài ngàn bản. Văn chương thị trường nắm giữ một lượng lớn độc giả trẻ như thế, nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào đối với tư tưởng, đạo đức lối sống của người trẻ? Gần đây trào lưu ngôn tình Việt Nam mà đa phần lai căng truyện ngôn tình Trung Quốc đã gây nên những lo ngại lớn cho thế hệ trẻ (44). Nếu không có một chính sách văn hóa đúng đắn, thì những đợt xâm lăng văn hóa từ ngoài tràn vào sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được…

Hội nhập, “hợp lưu” văn học trong và ngoài nước, văn học miền Nam trước 1975 với văn học Xã hội chủ nghĩa là xu hướng mở ra dần dần. Khi tác phẩm văn chương còn bám chặt lấy hiện thực với những ý thức chính trị khác nhau thì không thể có sự dung hòa nào cả. Người Việt hải ngoại không đọc những tác phẩm Cách mạng, thì người trong nước không thể chấp nhận những tác phẩm văn chương hải ngoại viết với ý thức “chống cộng” (nhận định của Thụy Khuê-(45). Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) và Mùa hè đỏ lửa (Phan Nhật Nam) tuy cùng viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng không thể đứng chung được trong một môi trường văn học nghệ thuật trái ngược về chính trị và khác biệt về quan điểm văn chương. Chỉ khi văn chương viết để nghiền ngẫm hiện thực dưới ánh sáng chung của truyền thống dân tộc (như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác) lúc ấy văn chương Việt mới có cơ may “hợp lưu”. Điều này đã trở thành hiện thực khi thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ Bùi Giáng, thơ Phạm Thiên Thư, thơ Du Tử Lê, sách của Nguyễn Đức Tùng… được giới thiệu; hoặc tác phẩm của Thuận, của Đoàn Minh Phượng được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải. Paris 11 tháng 8 (Thuận) được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2006. Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng) được trao giải 2007.

Lời bạt
40 năm qua, dân tộc Việt Nam đã trải qua những thăng trầm lớn lao của lịch sử để tồn tại và khẳng định mình trong cộng đồng nhân loại. Bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, văn hóa và nhân cách Việt Nam là đáng tự hào trước các dân tộc. Nhưng muốn tìm một tác phẩm văn chương nào tiêu biểu cho khuôn mặt dân tộc và mang được phẩm tính nhân loại trong giai đoạn này để giới thiệu với bạn bè thế giới, để làm gương mẫu cho các thế hệ mai sau (như Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi tiêu biểu cho tầm vóc con người và tư tưởng Việt Nam thế kỷ 15), thì văn chương Việt Nam 40 năm qua chưa đáp ứng được. Văn chương Việt Nam chưa được thế giới biết đến nhiều bởi thiếu phẩm chất dân tộc và tính nhân loại, không đặt ra và giải quyết những vấn đề có tính thời đại và tầm vóc toàn cầu. Đó là một nền văn chương vẫn chưa thoát ra khỏi “cái ao làng” phản ánh hiện thực để vươn tới tác phẩm tư tưởng trả lời cho các vấn đề của muôn đời. Phần lớn các nhà văn trong Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay đã 70 tuổi, lực bất tòng tâm. Đành phải trông chờ vào các thế hệ nhà văn tương lai vậy.


Tháng 10 năm 2015

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Văn chương Việt Nam, những gì còn với mai sau. Nxb HNV 2016

____________________________________________

Chú thích
(1) Tháng 11 năm 1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 05 về Văn hóa- Văn nghệ trong cơ chế thị trường; tháng 8 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 52- CT/TW về đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình Văn học- Nghệ thuật; tháng 6 năm 1990, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 61- CT/TW về công tác quản lý văn học- nghệ thuật; tháng 1 năm 1993, BCHTW ra Nghị quyết Trung ương 4 về một số nhiệm vụ văn hóa- văn nghệ những năm trước mắt; Ngày 16 tháng 7 năm 1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) ban hành Nghị quyết “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.”
Ngày 16 tháng 6 năm 2008, Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và
phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”
Ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
(2) Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VIII, Kỷ yếu. Nxb HNV 2012, tr.146
(3) Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2010-2015, Tài liệu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà Văn Việt Nam lẩn thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020.
(4) (http://vanvn.net/news/1/4646-mua-gat-van-chuong.html)
(5) cadn.com.vn/.../68_130544_cong-bo-them-tai-lieu-tuyet-mat-ve-tieu-thuyet-bien-ban-chien-tranh-1-2-3-4-75)
(6) Trương Tấn Sang: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2010/3003/Nang-cao-hieu-qua-cuoc-dau-tranh-chong-Dien-bien-hoa-binh.aspx
(7) http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/nhan-dien-thu-doan-dien-bien-hoa-binh-tren-linh-vuc-tu-tuong-van-hoa/7798.html
(8) Hà Huy Giáp: Hồ Chủ tịch với một vài vấn đề va87n hóa văn nghệ. Nxb Sự Thật 1978. Tr. 69
(9) bản tin của Washington Post : http://www.washingtonpost.com/world/national-security/during-cold-war-cia-used-doctor-zhivago-as-a-tool-to-undermine-soviet-union/2014/04/05/2ef3d9c6-b9ee-11e3-9a05-c739f29ccb08_story.html )
(10) Báo Văn Nghệ, Hà Nội, số 23, thứ bảy, 9/6/1979, tr. 2-3
(11) Văn nghệ, Hà Nội, số 49&50 (5-12-1987)
(12) Tham luận hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học” , do Hội đồng Lý luận phê bình
văn học nghệ thuật T.W và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 10.4,2012
(13) https://trandinhsu.wordpress.com/2015/07/23/tiep-nhan-phuong-phap-luan-xa-hoi-hoc-mac-xit-trong-nghien-cuu-phe-binh-van-hoc-viet-nam-truoc-1986/
(14) Trường Chinh-Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975.tr. 92
(15) Tham luận Hội thảo Lý luận văn nghệ Việt Nam đương đại – từ sự vận động của thực tiễn đến sự đổi mới của lý thuyết do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 4/2/2015, tại Hà Nội http://phebinhvanhoc.com.vn/ve-van-de-xay-dung-nen-li-luan-van-hoc-viet-nam-li-thuyet-va-thuc-tien/
(16) Lã Nguyên: Lý luận văn nghệ Mac-xit Việt Nam nhìn từ phiên bản gốc, 2014-
http://phebinhvanhoc.com.vn/ly-luan-van-nghe-mac-xit-viet-nam-nhin-tu-phien-ban-goc/
(17) Phan Trọng Thưởng:- Từ thực tiễn lí luận đến yêu cầu xây dựng hệ thống lí luận văn nghệ Việt Nam// Báo “Nhân dân”, Thứ 6, Ngày 15/8/2014.
(18) http://vanvn.net/news/35/3567-khai-mac-hoi-nghi-ly-luan-phe-binh-van-hoc-lan-thu-iii.html)
(19) http://vanvn.net/news/11/3572-ly-luan--phe-binh-truoc-thuc-te-sang-tac-van-hoc-hom-nay.html
(20) Ý kiến bế mạc: cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10093...id
(21) www.viet-studies.info/NgoVinhBinh_VanChuong2006.htm
(22) (Luận chiến văn chương, quyển 3, Nxb Văn học, 2015, tr.24)
(23) trandinhsu.wordpress.com
(24) Xem thêm các chuyên đề về văn trẻ, thơ trẻ của Bùi Công Thấn trong Chút tình tri âm (Nxb HNV 2009) và Những dòng sông vẫn chảy (Nxb HNV 2011)
(25) http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nguyen-quynh-trang-va-su-hoang-mang-cua-nguoi-tre-2248237.html
(26) http://vietbao.vn/The-gioi-giai-tri/Khuynh-huong-tinh-duc-trong-sang-tac-van-hoc-gan-day/209350316/49/
(27) http://www.nguoiduatin.vn/van-chuong-thoi-nay-khong-co-sex-khong-ban-duoc-a78849.html
(28) Sợi xích - sách sex! http://www.nld.com.vn/20100313020924767P0C1020/soi-xich-sach-sex-.htm.
(29) http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=7387&CategoryID=41
(30) xuandienhannom.blogspot.com/.../tu-lieu-bai-tuong-thuat-ai-hoi-viii-hoi
(31) (http://trannhuong.net/tin-tuc-7684/thua-nha-tho-tran-manh-hao-toi-xin-ngung-cuoc-tranh-luan.vhtm)
(32) Hàm Đan : http://maivanphan.vn/maivanphan/32/398/793/1528/tranh-luan-van-chuong/giai-thuong-hoi-nha-van-viet-nam-2010-va-2011--hoi-sinh-mot-giai-thuong-danh-gia--nhan-dinh----ham-dan.aspx
(33) Phan Huyền Thư đạo thơ: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/phan-huyen-thu-lai-dao-tho-cua-phan-ngoc-thuong-doan-245227.html.
(34) http://hoangquangthuan.vn/gs-ts-hoang-quang-thuan-va-nhung-van-tho-thien-giang.html
(35) http://hoangquangthuan.vn/hoang-quang-thuan-voi-non-thieng-yen-tu-cham-den-tho-vi-long-thanh-thuc.html.
(36) http://vannghetre.com.vn/vi/tin-tuc-moi.nd80/-van-hoc-do-thi-mien-nam-1954--1975.i3840.html
(37) http://www.xuquang.com/j15/index.php?option=com_content&task=view&id=431&Itemid=48).
(38) http://thuykhue.free.fr/stt/v/VanHocMienNam.html,
(39) Ghi chép của Đặng Phú Phong: baocalitoday.com/.../van.../hoi-thao-20-nam-van-hoc-mien-nam-1954-1...
(40) http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21851.
(41) http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/van-hoc-viet-nam-o-hai-ngoai,-nhung-van-de-cua-su-phat-trien-hien-nay).
(42) (http://trannhuong.net/tin-tuc-19265/dai-hoi-nha-van-khu-vuc-cong-an.vhtm).
(43) (Trò chuyện với hoa thủy tiên- Tạp chí Ngày Nay, Hà Nội, số 6, 15.3.2004).
(44) PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doc-ngon-tinh-cong-chung-tre-can-su-dinh-huong-351744/
(45) Thụy Khuê: Thử tìm một lối tiếp cận Văn Học Sử về Hai mươi nhăm năm Văn học Việt Nam Hải ngoại 1975-2000. http://thuykhue.free.fr/tk99/tiepcan.html

_________________________________