Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG - NHỮNG GÓC NHÌN

PHÊ BÌNH VĂN CHƯƠNG - NHỮNG GÓC NHÌN

Bùi Công Thuấn





LỜI THƯA

Đã có nhiều tác giả viết phê bình văn chương. Riêng từ sau “Đổi mới” (1986), nhà thơ-nhà nghiên cứu Đỗ Quyên (Canada) đã thống kê được 200 tác giả cả trong và ngoài nước thuộc 8 thế hệ [*]. Giới hạn trong phạm vi bài viết, tôi đặc biệt chú ý đến Nguyễn Văn Trung với cuốn Lược khảo văn học tập III (Sài Gòn. 1968), Đỗ Lai Thúy với cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, viết về “Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử” (2010), Thụy Khuê có các tập Sóng từ trường I (1998), II (2002), III (2005) và cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX (tập hợp bài viết từ 2005 đến 2016). Cả ba tác giả trên đều dành nhiều trang bàn luận chuyên sâu về phê bình văn học, giới thiệu các lý thuyết phê bình, và sơ bộ hình thành lịch sử phê bình văn học Việt Nam. Thụy Khuê và Đỗ Lai Thúy còn trực tiếp viết phê bình. Mỗi tác giả đều trình bày những trải nghiệm của mình và mở rộng cửa đối thoại về những vấn đề mình quan tâm.

Nguyễn Văn Trung viết trong “Lời nói đầu” Lược khảo văn học, tập III: “Chúng tôi không phải là nhà phê bình văn học, cũng không phải là nhà nghiên cứu văn học, vì không đủ khả năng, nhưng chỉ là người hay muốn suy luận về mục đích, nền tảng mọi sự, nên cũng muốn tìm hiểu nền tảng của văn học, của công trình nghiên cứu và phê bình văn học./ Những suy nghĩ nhận xét trong tập này nếu có bao hàm một quan niệm gì thì cũng chỉ có mục đích nhằm gợi ý, như một giả thuyết nhằm gửi tới những ai để ý đến vấn đề và nhất là gửi tới những nhà nghiên cứu và phê bình văn học”.

Đỗ Lai Thúy trong “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, cho biết: “…Khi phê bình, tôi bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn tác phẩm, dựa vào trực giác nghệ thuật, chỉ đến khi cần đến việc xây dựng các mô hình nghiên cứu, cần khoa học, tôi mới cầu viện đến lý thuyết. Bản chất lưỡng thê của phê bình và phê bình văn học của tôi, trước hết xuất phát từ đây, kể cả phê bình sự phê bình. Một cuốn sách xây cất trên kinh nghiệm nghề nghiệp cá nhân như vậy nên tác giả hay nói công việc của mình không phải vì mắc thói tự sỉ mà muốn trình ra các trải nghiệm nghệ thuật riêng như một bằng chứng” (tr.14)
Thụy Khuê thì khuyên người viết phê bình trẻ về một niềm tin:“…rằng người Tây phương khác ta, có những điều họ biết, ta chưa biết, có những điều ta biết mà họ chưa biết, chúng ta học họ để bổ sung những thiếu vắng của ta… Chỉ có sự làm việc và học hỏi sẽ giúp ta làm nên sức mạnh của riêng mình, giúp ta xây dựng một ngành phê bình riêng, có nhã độ và minh triết Á Đông.”(đd)
Nhìn vào phê bình văn học thế kỷ XX trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng, Mỗi lý thuyết phê bình chỉ chuyên tâm vào một vấn đề nào đó, vì thế không thể bao quát được mọi vấn đề, và rằng, sự xuất hiện nối tiếp nhau của các lý thuyết phê bình là sự bổ sung cho những mặt thiếu sót của lý thuyết trước đó, hoặc mở rộng vấn đề sang những phạm vi khác. Từ tiếp cận Ngôn ngữ học sang tiếp cận Ký hiệu học, từ văn bản học sang xã hôi học, hoặc thay đổi những hệ hình từ tiếp cận tác giả sang tác phẩm và sang người đọc...

Con đường vẫn rộng mở trước mặt. Đóng góp của mỗi tác giả, dù nhỏ cũng là rất qúy. Nghĩ vậy, tôi theo chân những “người khổng lồ” đi trước, dù biết rằng, họ đã đi rất xa trên con đường vạn dặm.

ĐỐI TƯỢNG CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Có lần, trong một bài viết, tôi coi tác phẩm văn học là đối tượng của phê bình, thì sau đó, tôi đọc được nhận định này của Lã Nguyên: “Tôi nghi ngờ cơ sở khoa học của những kết luận quá mơ hồ, chung chung, kiểu như thế này: đối tượng của phê bình là tác phẩm văn học”[1]
Tôi nghạc nhiên và đọc tiếp bài viết của Lã Nguyên. Sau khi phủ định việc coi tác phẩm văn học là đối tượng của phê bình, Lã Nguyên đưa ra ý kiến: “…tác phẩm thu hút được sự chú ý của phê bình chủ yếu vẫn là những tác phẩm có vấn đề tranh luận. Có thể nói, cái tranh luận là đối tượng chính yếu của phê bình. Tôi không có ý đồng nhất cái tranh luận với cái hay, cái tuyệt tác. Bởi vì, có nhiều tác phẩm rất hay mà vẫn không thể trở thành đối tượng của phê bình.”[đd]
Lã Nguyên cho rằng “cái tranh luận là đối tượng chính yếu của phê bình”, tôi tự hỏi, “cái tranh luận” nằm trong tác phẩm (tác phẩm có vấn đề tranh luận). Vậy nếu không có tác phẩm văn học thì làm gì có “cái tranh luận”. Xưa nay những ồn ào về một hiện tượng văn học nào đó đều xuất phát từ một tác phẩm cụ thể, thí dụ, đã có lúc rất ồn ào về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hoặc trăn trở về Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, hoặc quyết liệt khi đánh giá Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư...

Tuy nhiên, mỗi nhà phê bình có thể chú ý đến một mặt nào đó của tác phẩm để khám phá, đánh giá, không cứ phải là “cái tranh luận”. Thí dụ, phê bình bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, nhà phê bình không cần phải “tranh luận” với ai, cũng không cần phải tìm “cái tranh luận” trong bài thơ này làm gì. Sau cùng, Lã Nguyên kết luận: “Puskin gọi ‘phê bình là khoa học khám phá những vẻ đẹp và nhược điểm của tác phẩm’.”; “Tác phẩm văn học là chỉnh thể trung tâm, là khách thể tìm kiếm, khám phá của tất cả các lĩnh vực hoạt động ấy.[đd]. Vấn đề trở lại điểm xuất phát.

Nhà nghiên cứu lại Nguyên Ân cũng khẳng định: ”Đối tượng thường thấy của phê bình là sáng tác, là các tác phẩm văn học, hoặc nói rõ hơn, là những sáng tác mới ra mắt, những tác phẩm đương đại.”, và ông mở rộng thêm vấn đề: “Đối tượng thật sự của phê bình còn là toàn bộ quá trình văn học đương đại với tất cả các đặc điểm, diện mạo, vấn đề của nó. Và để phát huy đầy đủ vai trò thật sự của phê bình trong việc đánh giá tác phẩm, phát hiện, khẳng định và khuyến khích các nhân tố mới, phê phán những tác phẩm và khuynh hướng lệch lạc gây tác động tiêu cực, trên cơ sở quan điểm văn nghệ của Đảng và thực tế phát triển của văn học, cần triển khai hoạt động phê bình trên nhiều hướng, nhiều hình thức…”[2] Dù có nói đến toàn bộ quá trình văn học đương đại, thì Lại Nguyên Ân cũng phải xác lập nhiệm vụ căn cốt của Phê bình văn học là “đánh giá tác phẩm, phê phán những tác phẩm lệch lạc…”

Trịnh Bá Đĩnh lại đặt vấn đề: “Văn học là gì, lý luận phê bình văn học là gì? Nó đang ở vị trí nào trong cấu trúc văn hoá đương đại? Những câu hỏi như vậy và tương tự như vậy giờ đây đang (lại) được đặt ra và hầu như không thể có được câu trả lời thống nhất.”[3]

Đỗ Lai Thúy cũng khẳng định tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm và là đối tượng của phê bình văn học: “Vậy đối tượng của phê bình văn học là gì? Theo tôi, đó là tác phẩm. Tác phẩm là yếu tố trung tâm của hệ thống văn học, là điểm nút mà tác giả, truyền thống, hiện thực, độc giả đến giao hội. Tác giả chỉ trở thành tác giả khi anh ta sáng tạo ra tác phẩm của mình. Độc giả, cũng vậy, chỉ trở thành độc giả khi đọc và đánh giá tác phẩm.”[4]

Nói tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm là đặt tác phẩm trong mối tương quan: Tác giả-Tác phẩm-Người đọc. Có ý kiến cho rằng, tác giả chỉ là tác giả khi viết được tác phẩm; tác phẩm chỉ trở thành tác phẩm khi có người đọc. Và người đọc là chỉ là người đọc khi đọc tác phẩm. Tác phẩm văn học là yếu tố trung tâm bởi vì không có tác phẩm thì cũng không thể tồn tại tác giả và người đọc. Trong tác phẩm, tác giả đặt ra nhiều vấn đề với hiện thực. Qua tác phẩm, tác giả đối thoại với người đọc, tìm tri âm tri kỷ. Tác giả và người đọc lại sống trong một môi trường địa lý, lịch sử, văn hóa nhất định, vì thế tác phẩm cũng chịu sự quy định của tất cả những yếu tố ngoài tác phẩm ấy.
Nhiều ngành khoa học đã lấy tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu, trong đó có Lý luận văn học, Phê bình văn học, Lịch sử văn học. Ngôn ngữ học và Văn học có những mối quan hệ mật thiết ở yều tố ngôn ngữ. Văn hóa gồm nhiều thành tố như ngôn ngữ, tư tưởng, nghệ thuật, giáo dục, phong tục tập quán. Văn học quan hệ mật thiết với văn hóa vì tác phẩm văn học chứa đựng nhiều thành tố của văn hóa…Và không phải vô tình, đang có khuynh hướng phê bình văn học mở rộng sang lĩnh vực văn hóa để có cái nhìn rộng hơn và xem xét những giá trị của văn học trong việc xây dựng nền văn hóa, hình thành nên bộ mặt văn hóa của thời đại.
Nguyễn Hưng Quốc thì đi xa hơn, khi ông nói về nhiệm vụ nhà phê bình: “Công việc quan trọng nhất của phê bình không phải là đánh giá từng tác phẩm cụ thể mà là xây dựng những tiền đề lý luận cho một hệ thẩm mỹ mới đang hoặc sẽ ra đời căn cứ trên việc phân tích bản chất của ngôn ngữ và văn học hay trên xu hướng phát triển chung của lịch sử cũng như của văn hoá.”[5]

Tôi nghĩ đó là nghiên cứu về lý thuyết văn học, một bước khái quát tiếp theo của phê bình văn học, và sau đó là nghiên cứu quá trình văn học như ý kiến của Lại Nguyên Ân (ở trên)

TÁC GIẢ-TÁC PHẨM-NGƯỜI ĐỌC

Trước khi nói về phê bình, xin xác lập một vài điều về tác phẩm. Đã có nhiều lý thuyết bàn về vấn đề này. [6]

Nhà phê bình chỉ chú ý đến những tác phẩm thực sự là những sáng tạo nghệ thuật, tức là tác phẩm chứa đựng Cái Đẹp, Cái Mới, được kiến tạo bằng những nguyên tắc thẩm mỹ mới, góp phần vào thúc đẩy tiến trình văn học. Những tác phẩm viết theo công thức, viết theo phong trào, viết do đặt hàng; những tác phẩm thuần túy giải trí hay những tác phẩm viết chỉ để bộc lộc cái riêng tư, hay để cầu danh, cầu lợi… không nằm trong tầm ngắm của nhà phê bình. Vì thế khi nói “tác phẩm”, cần xác định đó là những sáng tạo nghệ thuật, không phải là bất cứ tác phẩm nào. Sự tranh cãi chỉ nổ ra khi những sáng tạo nghệ thuật mới đụng đến những tín niệm của xã hội đã cũ.

Tác phẩm văn học là một thế giới nghệ thuật do nhà văn sáng tạo ra (các lý thuyết văn học còn coi tác phẩm văn học còn là ký hiệu hay một sinh thể tinh thần…). Để thâm nhập được vào thế giới ấy, nhà phê bình cần phải tìm ra con đường. Khi nhà phê bình không vào được bên trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm, chỉ đứng ngoài dòm ngó rồi suy diễn chủ quan, áp đặt suy nghĩ của mình lên tác phẩm, thì đó không phải là phê bình văn chương. Khả năng thâm nhập được vào bên trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm là một thách đố thực sự đối với nhà phê bình. Trước 1945, Hoài Thanh đã hoàn toàn bất lực trước các bài thơ Siêu thực. Ông chỉ có khả năng đọc những bài thơ Lãng mạn. Trên Evan ngày 11/5/2006, nhà thơ trẻ Nguyễn Thúy Hằng nhận xét: “đội ngũ các nhà phê bình quá ít và trình độ của họ hiện nay chỉ dừng ở mức độ khen - chê, chưa đủ sức phân tích tác phẩm trọn vẹn”. TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi đó là “bi kịch “đọc không vỡ chữ”, nhất là đối với các tác phẩm mới, các nhà văn mới xuất hiện”[7]
Thế giới nghệ thuật của tác phẩm không chỉ có cấu trúc, có các thành tố hình thức (Cái biểu đạt) và nội dung (Cái được biều đạt), các mã nghệ thuật (cái làm nên tính văn chương) mà còn chứa đựng tư duy nghệ thuật, tư tưởng, tình cảm và thông điệp của tác giả. Hơn thế tác phẩm còn là kết tinh toàn bộ thế giới tinh thần, những trải nghiệm hiện sinh của tác giả do hoàn cảnh xã hội, điều kiện lịch sử và môi trường văn hóa đem lại. Tác phẩm cũng chứa đựng “cái tạng riêng”của nhà văn. Vì thế, thế giới nghệ thuật là vô cùng phức tạp. Lý thuyết về Cái biểu đạt và Cái được biểu đạt của Saussure đã không đề cập đến thế giới tinh thần và thể tạng của người nói-tác giả (nhận thức, tri thức, cảm xúc, năng lực sáng tạo cái thẩm mỹ…). Những sai lầm của những lý thuyết phê bình lấy tư tưởng của Saussure làm nền tảng cũng bắt nguồn từ đây. R. Barthes cho rằng “tác giả đã chết”. Phạm Quang Trung cho biết: “Vào những năm cuối đời, khi viết hồi ký, chính ông (R.Barthes) cũng cảm thấy mình có thời đã lầm lạc, rồi lên tiếng phàn nàn là các học trò của ông khiến ngay bản thân ông cũng không thể nào đọc cho nổi”. (Xem Văn học Nước ngòai, Số 4 / 1997). Thụy Khuê cho biết, Xã hội học phê bình của Bakhtin đã bổ sung cho những thiếu sót của Ngữ học phê bình của trường phái Hình thức Nga.(Phê bình văn học thế kỷ XX-Chương kết)

Và sau tất cả, mục đích viết văn của tác giả chi phối toàn cục việc kiến tạo tác phẩm (thí dụ, Phan Bội Châu viết văn là để tuyên truyền quan điểm chính trị của ông. Trùng Quang tâm sử phục vụ cho mục đích này)….

Nhà phê bình không thể đọc được tác phẩm khi không có đủ kiến thức về tất cả những vấn đề trên cùng với “kinh nghiệm” đọc, giải mã tác phẩm mà người ta quen gọi là trực giác nghệ thuật. Nhiều nhà phê bình loay hoay mãi nhưng vẫn không sao đọc đúng mã nghệ thuật của Đây Thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), hoặc rất nhiều ngộ nhận về bài Cây chuối (Ba tiêu) của Nguyễn Trãi. Thực ra, không phải ai cũng đọc được thơ Thiền, hay thưởng thức được thơ Đường, bởi thơ Thiền và thơ Đường có tư tưởng riêng, có thi pháp riêng. Tôi đã thử chia sẻ vài truyện rất ngắn của F. Kafka với vài người, nhưng họ không thể hiểu. Bởi thế giới nghệ thuật cùa Kafka cũng là thế giới tư tưởng-thẩm mỹ… Thơ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Lê Đạt, Hoàng Cầm không dễ dọc và thơ của người trẻ hôm nay như Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng, Văn Cầm Hải, Nguyễn Quang Thiều…cũng bị nhiều người cho là “thơ khó hiều”, bởi thơ của họ đã khác rất xa với kiểu tư duy nghệ thuật của thơ Xã hội chủ nghĩa trước đó mà người ta quen đọc. Có cả một hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng có bao nhiêu tham luận đọc được thơ Nguyễn Quang Thiều?

Cho nên bản lĩnh và trình độ của nhà phê bình thể hiện ở trình độ đọc tác phẩm. Có khi nhà phê bình hiểu rất rõ các phương pháp phê bình (từ phương pháp tiểu sử, phê bình giáo khoa (Lanson), đến phê bình Phân tâm học, Cấu trúc luận và Giải cấu trúc, phê bình xã hội học Marxist, cả phê bình văn hóa- sử…) nhưng đứng trước thế giới nghệ thuật của tác phẩm, nhà phê bình vẫn đọc tác phẩm một cách cảm tính theo kiểu Hoài Thanh: Xin thử đọc những bài bình thơ Bùi Giáng của Thụy Khuê và bài bình thơ Bà Huyện Thanh Quan của Đặng Tiến.

Trở lại vấn đề phê bình. Nếu nhà văn viết tác phẩm như một hành động dấn thân (thí dụ, viết vì mục đích chính trị như Phan Bội Châu), thì cũng phải nói đến mục đích viết của nhà phê bình. Những bài quảng cáo cho tác phẩm, những bài viết để “đánh” hay để “tụng ca”một tác giả nào đó (như tụng ca “thơ” Hoàng Quang Thuận chẳng hạn), những bài viết theo công thức, theo quán tính, của những “nhà phê bình phong trào”và còn có những bài phê bình “ăn theo” của những người “ngoại đạo” nữa…loại bài phê bình đó không phải là phê bình văn học với tư cách là tác phẩm nghệ thuật. Đã có lúc văn đàn “loạn” vì những bài phê bình lọai này. Tôi gọi đó là phê bình xã hội, dù nó có nói đến tác phẩm văn học. Thí dụ, quảng cáo là một thể loại báo chí, đối tượng là khách hàng, nó “gãi” vào tâm lý mua sắm của khách hàng, nó cố gắng tạo ra dư luận xã hội như kiểu một sản phẩm “hot”, một thứ best-seller, thời thượng. Ai cũng biết không có quảng cáo nào nói đúng chất lượng sản phẩm. Một bài phê bình quảng cáo bao giờ cũng nói tốt về cuốn sách nó PR (vì người viết được trả tiền). Người viết còn biết che giấu những gì không nên nói, che giấu cả mục đích quảng cáo của mình, và tỏ ra như là viết một bài phê bình sách có phẩm chất học thuật. Người đọc nếu tin vào những bài tiếp thị sách ấy thì sẽ thấy rằng nền văn học của ta toàn những kiệt tác!

Xin nói về tác giả. Đọc một tác phẩm văn học, người ta vừa theo dõi câu chuyện, cùng lúc vừa theo dõi mọi hành ngôn của tác giả. Trước mặt người đọc có hai con người, tác giả trong tác phẩm và tác giả ngoài tác phẩm (con người xã hội). Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo trong tác phẩm của ông khác với Nguyễn Du là ông quan phong kiến trong đời thực. Vì thế nhà phê bình văn học, khi phê bình tác phẩm, không thể không phê bình tác giả. Có người gọi tác giả cũng là một nhân vật. Nhưng Tác giả-con người xã hội, người sáng tác, mới là người quyết định toàn bộ quá trình sáng tạo. Thí dụ, Nam Cao đã đem toàn bộ đời sống xã hội của mình để kiến tạo nên tác phẩm, đó là cuộc sống nghèo túng, con ốm, vợ chửi, nợ nần…Nếu viết về con người xã hội, dùng tác phẩm như cái cớ, như vật chứng để quy kết về tác giả, thì đó không phải là phê bình văn học.

Trong tác phẩm, tác giả ẩn thân, ngay cả khi hóa thân thành nhân vật, đó là yêu cầu khách quan khi kể chuyện. Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu hóa thân trong nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng qua đó trình bày những quan sát những nghĩ suy và thái độ trước hiện thực. Cũng vậy, trong truyện ngắn Một người Hà Nội, Nguyễn Khải hóa thân thành nhân vật đồng chí Khải, người kể chuyện, người trực tiếp đưa ra nhận xét, đánh giá. Dù vậy, sự hiện diện của tác giả luôn là sự ẩn thân hoặc đeo mặt nạ. Người đọc chỉ nhận ra qua phong cách nghệ thuật, qua việc xây dựng tác phẩm. Và xét đến cùng, tác phẩm văn học là một diễn ngôn của tác giả, vì thế phê bình cần phải đọc cho được diễn ngôn này. Điều này không dễ, vì có khi nhà phê bình không giải mã đúng tín hiệu ngôn ngữ của tác phẩm.

Một thí dụ, Nguyễn Khải nói gì trong truyện ngắn Một người Hà Nội? Những lời nói công khai của nhân vật đồng chí Khải chỉ là phép thử để nhân vật chính bà cô Hiền lộ diện. Điều Nguyễn Khải muốn nói nằm ở cái cách nhà văn xây dựng nhân vật bà cô Hiền. Bà cô Hiền được đặt trong thế tương phản với con người cùng thời, tương phản giữa cách sống, cách nghĩ của bà cô Hiền “Tư sản” với người vô sản (Khải); tương phản giữa nhân vật bà cô Hiền thượng lưu với bà mẹ Tuất tảo tần, người có con hy sinh ở mặt trận Xuân Lộc mấy ngày trước ngày chiến thắng 30.01.1975. Tương phản giữa con người và thời cuộc: bà cô Hiền thức thời trái ngược với những cái ào ạt đang xảy ra. Kết truyện đọng lại hình ảnh cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ, “cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời”. Vậy “Một người Hà Nội của Nguyễn Khải là người thế nào? Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp đến những năm Hà Nội đánh tư sản, rồi kháng chiến chống Mỹ và chuyển sang thời kỳ đất nước đổi mới, cô Hiền luôn tìm cách vượt qua những cản trở của thời đại. Dân Hà Nội đi kháng chiến 9 năm, cô vẫn ở Hà Nội. Hà Nội đánh Tư sản, cô là Tư sản nhưng chưa đủ chuẩn đi cải tạo. Hà Nội ăn bom thời kháng chiến chống Mỹ còn cô Hiền, tháng nào cũng tiệc tùng ăn uống thượng lưu. Con cô vào Nam chiến đấu, tháng 12 năm1975 trở về. Anh ta vào đến nhà nhưng người mẹ này không nhận ra con, nghĩa là bà cô Hiền không bận tâm đến kháng chiến chống Mỹ, mặc ai chiến đấy hy sinh, 660 thanh niên Hà Nội vào Nam chiến đầu, trở về chỉ còn hơn 40 người…Bà cô Hiền nhìn cây si cổ thụ bị bão đánh bật rễ, mà nghĩ về sự ra đi của một thời, là có ý nghĩa gì. Cái “thời” sắp ra đi đó, là thời nào?..Thái độ chọn lựa sự việc, con người để miêu tả cùng với nhận thức, suy nghĩ của các nhân vật chính là diễn ngôn của tác giả. Lúc đầu dường như (đứng trên lập trường người vô sản) Nguyễn Khải phê phán bà cô Hiền, nhưng kết truyện, Nguyễn Khải lại ca ngợi bà cô Hiền. Vậy Một người Hà Nội nói điều gì? Và đây là diễn ngôn của Nguyễn Khải: Bão táp cách mạng có thể đánh bật rễ văn hóa Hà Nội, nhưng bão táp rồi sẽ qua đi, Hà Nội vẫn thế, như bà cô Hiền, vượt qua tất cả. Để hiểu tường tận điều này, cần đọc thêm bút ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải.

Như vậy từ phê bình tác phẩm chuyển sang phê bình tác giả, và luôn có sự giao thoa, qua lại hai đối tượng này trong một bài viết. Bởi để hiểu một tác phẩm, cần đặt tác phẩm ấy trong hệ thống tác phẩm của tác giả, và đồng thời phải đối chiếu với quan điểm sáng tác và kiểu tư duy nghệ thuật của tác giả. Viết phê bình tác phẩm không rời với phê bình tác giả là vì vậy. Nhưng tác phẩm là một sinh mệnh biệt lập với tác giả. Người viết phê bình không tỉnh táo sẽ dễ rơi vào trạng thái phê bình tác phẩm thành phê bình tác giả.

Ngày nay, các lý thuyết tiếp nhận đề cao vai trò của người đọc, và cho rằng tác phẩm chỉ là tác phẩm khi có người đọc, và nghĩa của tác phẩm là nghĩa do người đọc đồng sáng tạo với tác giả. Nghĩa đó là do sự lấp đầy các khoảng trống của văn bản, do cách đọc liên văn bản hay do cách đọc tác phẩm văn học theo góc nhìn văn hóa. Tôi cho rằng có nhiều điều cần phải xem xét cẩn trọng hơn. Thực ra tác phẩm đã tồn tại bằng cấu trúc tự thân, với ý nghĩa ban đầu tác giả gửi trong nó trước khi người đọc khám phá nó. Và người đọc khi đọc tác phẩm là đi tìm chính mình trong tác phẩm. Điều đó người ta gọi là sự đồng điệu. Nếu người đọc gán cho tác phẩm cái nghĩa chủ quan của mình cảm nhận được thì tác phẩm không còn là tác phẩm nữa. Đó là cách đọc xuyên tạc… Bao nhiêu tai nạn văn chương ụp lên đầu tác giả do cách đọc này. Tác phẩm là tiếng nói riêng của tác giả, không thể ai muốn diễn giải thế nào cũng được. Tác giả là người chịu trách nhiệm trước xã hội về chính diễn ngôn của mình. “Tác giả giữ bản quyền” trước hết là như vậy. Có người còn ghi thêm: Cấm mọi trích dịch, sao chép…

Thực ra các lý thuyết đề cao vai trò người đọc chỉ phù hợp với loại tác phẩm được viết theo những thủ pháp Hậu hiện đại, chẳng hạn những tác phẩm bị phá vỡ cấu trúc, tác phẩm không có nhân vật (kiểu truyền thống), tác phẩm sắp đặt (dành cho người đọc quyền tái cấu trúc tác phẩm để tạo nghĩa mới), loại tác phẩm thị giác…Ở những kiểu loại tác phẩm này, tác phẩm chỉ là chất liệu gợi ý để người đọc nhào nặn thành tác phẩm của mình. Tác giả thực sự chết là vậy:

Không thể đọc bằng cách đọc truyền thống bài thơ này của Văn Cầm Hải:

Hoe chân lời

Mùi quế hương lưu vong
tấm lưng trần liệm nắng
ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất
những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!
Se tháng năm vất vưởng đáy rốn
nhúm nhau dạt chân trời
không tổ chức
lụt bão
luật lệ
tử cung
sự giao lưu hoang hoải ngực Mạ
một ngày mai tinh khôi vân tay
một ngày thơ cô đơn rực rỡ mai San Francisco
hao gầy
bóng Mỹ
nợ nần
lửa khói
hoe đáy mắt phù du Thiên Cầm
phủ dụ kiếp biển
mùi nước mắm vàng lên chân lời Hồng Lĩnh

Iowa, 2005

Cấu trúc truyền thống của bài thơ hoàn toàn bị phá vỡ (nhân vật, thời gian, không gian, cốt truyện) thêm vào những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng, phi logic… Văn bản chỉ là những mảnh hiện thực rời rạc, không có khả năng kết nối theo cách đọc logic truyền thống, nó chỉ tính gợi ý. Và gọi mời mọi người cùng đọc. Vì thế mỗi người đọc, sau khi sắp xếp những mảnh hiện thực ấy lại theo một cấu trúc do mình tìm ra, thì tự gán cho bài thơ một ý nghĩa theo cách hiểu của mình, không nhất thiết phải hiều theo ý của tác giả.

Dù sao, mỗi tác phẩm đều có một cấu trúc nghệ thuật (hoặc do tác giả kiến tạo, hoặc do người đọc tái cấu trúc), thì nghĩa cơ bản của tác phẩm là nghĩa tạo ra bởi cấu trúc này. Dù có Giải cấu trúc tìm nghĩa ngoài văn bản thì trước hết phải đọc nghĩa do cấu trúc của văn bản tạo ra, sau đó mới tìm những ý nghĩa có liên quan (nghĩa xã hội học, nghĩa văn hóa học…). Vấn đề là nhà phê bình có khám phá được cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm hay không. Với người đọc bình thường, điều này là quá sức, nhất là đối với những tác giả có kiểu tư duy nghệ thuật mới. Vì thế nếu nói đến người đọc, thì cần phân biệt đối tượng người đọc. Mỗi đối tượng người đọc có cách đọc riêng và cách cảm nhận khác nhau.

Người đọc phổ thông chỉ đọc cảm thụ, cảm tính. Điều họ tìm kiếm là sự hấp dẫn của tác phẩm. Những ý nghĩa, những giá tri của tác phẩm (nếu có) là những ngẫm nghĩ sau đó. Họ chỉ “ngốn” cốt truyện (kiểu đọc truyện kiếm hiệp) để giải trí. Trong nhà trường, tác phẩm văn học được phân tích nội dung và nghệ thuật, tuy vậy, cách đọc này được định hướng bằng yêu cầu giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho học sinh. Nhà phê bình, nhà nghiên cứu đọc tác phẩm là để tìm kiếm những luận điểm, những luận cứ cho vấn đề mình nghiên cứu. Nhưng tùy vào mục đích, nhà phê bình có thể chỉ tìm kiếm chú tâm vào một góc cạnh. Thí dụ đọc truyện Kiều bằng Thi pháp (Trần Đình Sử), nhà nghiên cứu chỉ chú ý đến những yếu tố của thi pháp, và dù Thi pháp có bao quát một phạm vi rộng của kiến tạo tác phẩm, thì cũng chỉ có thể đóng góp một góc nhìn; hay đọc thơ Hồ Xuân Hương bằng lí thuyết "di truyền văn hoá" của G.C.Jung, một nhà Phân tâm học Thuỵ Sĩ (Đỗ Lai Thúy), nhà phê bình chỉ tìm kiếm những yếu tố phù hợp với yêu cầu của phương pháp phê bình này. Khác với những cách đọc trên, nhà đạo diễn không chỉ đọc cảm thụ, đọc phân tích, đọc nghiên cứu mà còn phải sáng tạo trên văn bản tác phẩm. Thí dụ, đạo diễn dựng phim Làng Vũ Đại ngày ấy từ các truyện ngắn của Nam Cao, nhất thiết phải sáng tạo bối cảnh, trang phục, kiểu ngôn ngữ, nếp sinh hoạt và các nhân vật như Chí Phèo và thị Nở bằng người thật vào đúng cái thời của Nam Cao sống.… Ông ta phải nghiên cứu những gì Nam Cao miêu tả, rồi tưởng tượng ra và dựng lại, bồi đắp thêm vào những gì nhà văn không nói đến… Sự tưởng tượng, nhận thức của nhà đạo diễn nhiều khi không giống với người đọc bình thường, nên ông kiến tạo tác phẩm cùa Nam Cao thành một tác phẩm mới. Vì thế, khi xem phim, người xem thường than phiền phim không giống với tác phẩm, nghĩa lả không giống với những gì người đọc tưởng tượng ra khi đọc tác phẩm của Nam Cao. Người ta gọi đó là sự hàm hồ của ngôn ngữ văn chương.

Như vậy, không thể tin được những đánh giá tác phẩm do mọi kiểu người đọc cảm nhận. Các nhà lý thuyết cho rằng diễn giải là vô tận là vì vậy. Nó tùy thuộc vào trình độ, tâm lý, thời đại cùa người đọc. Vậy những cuốn sách gọi là best-seller trên thị trường với số lượng độc giả rất cao, có phải là những cuốn sách hay và giá trị không? Và những cuốn sách gọi là “văn học cách mạng” ngày nay rất ít người đọc có phải là rất ít giá trị không?
Tôi thực sự hoài nghi vế tính chân lý của các lý thuyết về người đọc. Giá trị của nó có chăng là tinh thần dân chủ trong thưởng thức nghệ thuật của thời đại toàn cầu hóa. Nó chống lại cách đọc độc tôn và sự áp đặt ý nghĩa của tác phẩm từ một phía. Nó có cơ sở ở chỗ, thưởng thức nghệ thuật là hoàn toàn cảm tính và chủ quan, không ai bắt người khác phải yêu thích giống mình được. Còn đánh giá giá trị của tác phẩm nghệ thuật lại là chuyện khác.

Và tôi tin rằng, những nhà phê bình chuyên nghiệp có thể xác lập được giá trị của tác phẩm trong hai chiều kích: sự sáng tạo và hiệu quả xã hội.

ĐI TÌM NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG


Trở lại vấn đề, phê bình văn học là gì?
Như đã xác lập ở trên, tôi không quan tâm đến “phê bình phong trào”, phê bình chính trị và phê bình tiếp thị … Thực ra, một nhà phê bình, trong từng hoàn cảnh cụ thể, anh ta có thể viết tất cả các loại phê bình. Chẳng hạn, khi dự một trại sáng tác, nhà phê bình buộc phải góp ý thẩm định tác phẩm của đồng nghiệp trong những cuộc họp nghiệm thu tác phẩm. Khen là chính, còn chê… cho có lệ! Nếu nhà phê bình làm việc ở một cơ quan Nhà Nước (Tuyên giáo, các Viện, biên tập báo, truyền thanh, truyền hình…) khi văn đàn có những hiện tượng lệch lạc so với quan điểm của Đảng và Nhà Nước, anh ta có nhiệm vụ phải phê phán những tư tưởng sai trái để bảo vệ quan điểm của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng. Và nếu nhà phê bình làm việc cho một công ty văn hóa, công ty phát hành sách, thì anh ta sẽ viết bài điểm sách với mục đích quảng cáo. Tất cả những loại phê bình đó đều có giá trị tùy theo nhà phê bình thực hiện nhiệm vụ gì, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng người đọc và làm phong phú sinh hoạt phê bình văn học, với điều kiện nhà phê bình phải giữ cho được ngòi bút “thành ý, chính tâm”.

Có một kiểu nhà phê bình văn học khác nữa tôi gọi là nhà phê bình lý thuyết. Gọi đúng tên thì đây là những nhà nghiên cứu các lý thuyết phê bình, sau đó họ kiểm nghiệm lại lý thuyết ấy bằng những nghiên cứu trên tác phẩm cụ thể. Trần Đình sử với Thi pháp học và Đỗ Lai Thúy với Phân tâm học là những kiểu mẫu... Tôi sẽ viết riêng về họ, bởi công việc chính của họ là nghiên cứu văn học. Tôi nói đến phê bình khám phá sáng tạo. Trọng tâm của ngòi bút phê bình là khám phá cái riêng, cái mới, của nhà văn khiến cho nhà văn ấy trở thành độc đáo. Anh ta đóng góp vào tiến trình văn học như thế nào.

Điều này, khi đối diện với dòng chảy văn chương, nhà phê bình chẳng khác gì người đãi cát tìm vàng. Sẽ chẳng có nhà phê bình nào đọc tất cả tác phẩm đương thời (vì không có sức, cũng không cần thiết), và cũng đừng kêu ca rằng phê bình không theo kịp sáng tác. Tùy theo mục đích phê bình, nhà phê bình chọn đọc tác phẩm theo yêu cầu mình viết và bỏ qua tất cả các tác phẩm không nằm trong phạm vi quan tâm. Bản thân tôi, khi viết về văn thơ trẻ đầu thế kỷ XXI, tôi chỉ quan tâm đến những tác giả thực sự có tài năng. Tôi không bao giờ đọc tiểu thuyết ngôn tình, cũng không quan tâm đến những cuốn sách được quảng cáo, càng không đọc những tác phẩm ra lò từ những trại sáng tác, loại sáng tác được đặt hàng theo yêu cầu trước. Những tác phẩm phong trào, không có sáng tạo gì mới, đọc chỉ mất thì giờ và thêm nản. Chẳng là đã có một thời, nhiều người viết theo một công thức chuyện “ra vào hợp tác xã” ở miền Bắc. Ngày nay những tác phẩm ấy còn có giá trị gì không?…

Khi đọc một tác phẩm, tôi thường đặt mình như đứng trước một khu rừng mới cần khám phá, và thường cảm thấy e ngại. Vì sợ mình không thể hiểu được tác phẩm, và hiểu sai thông điệp của tác giả (dẫu thế nào, tác giả khi viết tác phẩm, cũng mong người đọc hiểu mình). Và sẽ thật thú vị khi được đối mặt với những thách thức trí tuệ mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Tôi rất thích đọc những tác giả khó là vì vậy. Tôi thường không để ý đến ý kiến người khác là để giữ cho cái nhìn của mình được tinh khôi. Cũng có khi để đọc nhanh, tôi đọc ý kiến của người khác về tác phẩm trước, sau đó, khi đọc tác phẩm, tôi vừa đối chiếu kiểm chứng và cố gắng có được những nhận xét riêng.

Điều quan trọng nhất đối với tôi là tìm cho được ý thức sáng tạo riêng của tác giả, rồi lần theo đó, khám phá xem nhà văn nghệ thuật hóa ý thức sáng tạo ấy như thế nào. Không nắm được ý thức sáng tạo của tác giả, nhà phê bình rất dễ ngộ nhận khi giải mã và đánh giá tác phẩm. Nhiều nhà văn không có quan niệm riêng về sáng tác. Tôi quan sát thấy rằng, chỉ những nhà văn có ý thức sâu sắc về sáng tạo, tác phẩm của họ mới có những giá trị lâu bền. Nguyễn Tuân, Nam Cao là những thí dụ. Nếu chỉ đọc tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn (Đồng Nai) với tư cách đó là những văn bản thuần túy, khách quan, chắc chắn nhà phê bình sẽ không thể hiểu đúng về tác giả này. Bởi Hoàng Văn Bổn không viết văn như một nhà văn thị trường hay nhà văn phong trào, dù ông xuất thân từ phong trào. Ông thổ lộ: “Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thiá rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này”[8]

Khi đọc tác phẩm, tôi phải vận dụng tất cả những hiểu biết về lý luận và phê bình văn học để làm cơ sở giải mã. Tùy theo kiểu sáng tác và tư duy nghệ thuật của tác giả, tôi chọn một lý thuyết nào đó có khả năng giúp luận giải những vấn đề từ tác phẩm đặt ra. Có khi dùng nhiều lý thuyết để có thể nhìn tác phẩm ở nhiều góc độ. Với những tác phẩm viết theo lối “truyền thống”, việc đọc không mấy khó. Vì tác phẩm có những lớp lang ổn định như nội dung, chủ đề, tư tưởng, được thể hiện qua cấu trúc, qua cốt truyện, nhân vật, các tuyến thời gian, không gian, các kiểu bút pháp, kiểu mã hóa…Nhưng khi đối diện với tác phẩm mà các yếu tố như cấu trúc, nhân vật, thời gian, bút pháp và cả ngôn ngữ cũng bị giải thể, hoặc tất cả các yếu tố của tác phẩm bị gỡ ra và quăng đi mội nơi một mảnh; cả nội dung, chủ đề cũng không tồn tại, mà là do người đọc tự tìm thấy sau khi sắp đặt lại cấu trúc tác phẩm…Quả là việc đọc vất vả hơn gấp bội. Nhưng cái thụ vị là ở cách đọc “đồng sáng tạo”, ở vai trò người đọc lên ngôi. Với tôi cách đọc gần (close reading) mang đến nhiều hiệu quả, và dù thế nào, trước hết cũng phải khám phá nghĩa do cấu trúc tác phẩm tạo ra, bất chấp đó có phải là ý nghĩa tác giả muốn đặt làm thông điệp trong tác phẩm hay không. Tôi cũng loại bỏ tất cả những ý kiến áp đặt từ bên ngoài cấu trúc. Bài ca dao Thằng Bờm có cái quạt mo [9] bị áp đặt nhiều ý nghĩa sai lệch bởi vì người ta không chú ý đến cấu trúc tác phẩm…

Thí dụ, đọc thơ Nguyễn Quang Thiều [10] tôi khám phá ra cấu trúc mỗi bài thơ là một câu chuyện thể hiện tư tưởng hiện sinh, kiểu truyện ngắn của F.Kafka kết hợp với kiểu ngôn ngữ thơ của R.Tagore. Cả hai tác giả này, đặc sắc nghệ thuật là sự thể hiện tư tưởng. Xin đọc:

BẦY CỪU
Như những đám mây nhỏ trôi trên những triền đồi từ ban mai đến đêm tối
Những con cừu vùng Achill không hề than thở về số phận của chúng
Không đau khổ, không tuyệt vọng, chỉ im lặng thực hiện sứ mệnh vô thức
Đi từ chân đồi lên đỉnh đồi trong gió lạnh không bao giờ ngừng thổi trên vùng đảo.
Đi và đi, thi thoảng kêu lên, chợt nhớ điều gì đó
Tiếng buồn bã tan trong sóng biển vỗ chân đồi

Vào lúc ban mai thêm một con cừu trong đàn biến mất
Những mảnh thân xác tản mát đâu đó
Những con cừu khác lại im lặng tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng
đi từ chân đồi lên đỉnh đồi,
những ngọn đồi…
những ngọn đồi…
những ngọn đồi…
bất tận.
Bài thơ là câu chuyện đàn cừu ở Achill.
Cốt truyện đơn giản: (xin chú ý những chữ in đậm-BCT) Những con cừu vùng Achill im lặng đi từ chân đồi lên đỉnh đồi, thi thoảng kêu lên. Mỗi ngày lại mất một con. Các con khác vẫn im lặng tiếp tục…

Nếu bỏ đi phần cốt truyện, bài thơ còn lại là những suy tư, võ đoán của tác giả: Những con cừu không hề than thở, chúng thực hiện sứ mệnh, kêu lên tiếng buồn bã. Tác giả nhận ra mỗi ban mai lại mất một con và nghĩ rằng thân xác cừu tản mát đâu đó. Cái tiến trình ấy là không đảo ngược, bất tận.

Bỏ nội dung trực tiếp kể chuyện đàn cừu đi, cái còn lại của bài thơ là suy tư về Hiện Sinh của Nguyễn Quang Thiều. Sống là đi về cõi chết, không cưỡng lại được, như hành trình của đàn cừu, mỗi ngày có một con mất đi (bị người ta làm thịt?). Nỗi buồn đọng rất sâu về lẽ tử sinh. Chuyện đàn cừu chỉ là cái vỏ để chuyển tải tư tưởng. Những chi tiết ngôn ngữ còn lại của bài thơ chỉ là những vỏ ngôn ngữ nghi trang, che dấu cái cấu trúc truyện, làm cho câu truyện trở thành thơ (ngôn ngữ hình ảnh, cảm xúc, nhạc tính…). Nếu không nắm được cấu trúc này của thơ Nguyễn Quanh Thiều, mà cứ lần theo vỏ ngôn ngữ nghi trang mà tán, chắc chắn người đọc sẽ lạc lối.

Nói “giá trị văn chương” thì cần xác lập hai chiều kích: giá trị tự thân của tác phẩm văn chương và giá trị xã hội tức là xem xét mối tương quan tác phẩm với hiện thực.

Giá trị tự thân của tác phẩm văn chương là Cái đẹp, Cái mới, Cái độc đáo sáng tạo của tác giả trong tất cả các yếu tố tác phẩm, cả trong tư duy nghệ thuật, thi pháp và phong cách. Sự thật là, mỗi tác giả chỉ đặc sắc mới mẻ, độc đáo ở một mặt nào đó của quá trình kiến tạo tác phẩm. Nhà phê bình phải chỉ ra cái riêng, cái khác của tác giả. Đâu là chỗ mở đường, đâu là chỗ đóng góp mới, đâu là cái độc đáo không thể lặp lại. Chẳng hạn, cái độc đáo của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Bùi Giáng, hay của Vũ Trọng Phụng trong Số Đỏ; hoặc cái riêng của Lê Đạt, của Hoàng Cầm hay Trần Dần... Chỉ những tài năng văn chương đích thực mới có những sáng tạo làm phát triển nền văn học và sự xuất hiện của họ luôn gây nên những chấn động.

Tuy nhiên tài năng là của hiếm, những tài năng lớn càng hiếm. Bởi họ phải đối mặt với những truyền thống cũ, mà do quán tính, luôn muốn kéo lùi tiến trình văn học. Nhiều thể nghiệm cách tân vẫn chỉ tồn tại như một hiện tượng đơn độc. Trước kia là nhóm Dạ Đài, sau này là thể nghiệm “bóng chữ” của Lê Đạt hay sử dụng “chữ rỗng” của Trần Dần, thơ Tân hình thức của Khế Yêm và thơ trẻ đầu thế kỷ XXI khai phá những kỹ thuật Hậu hiện đại. Người đọc Việt trong nước đã quen với ca dao, đã quen đọc thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên không hiểu nổi loại “thơ cách tân,” như thơ trình diễn, thơ sắp đặt, thơ thị giác…, ấy là chưa kể đến những “Cái mới” lệch lạc như thơ Rác, thơ Dơ, thơ Nghĩa địa, văn chương sex, tiểu thuyết ngôn tình rẻ tiền…Những nỗ lực thể nghiệm không thể tạo thành trào lưu đưa thơ Việt Nam bước hẳn vào một thời đại thi ca mới. Và vì không có tài năng mới, không có sáng tạo mới, nên chưa bao giờ văn đàn tẻ nhạt như hiện nay (từ sau 2010…), mặc dù khắp nơi đều có trại sáng tác, năm nào giải thưởng văn học cũng được trao.

Cái thời trước “đổi mới” (1986), người ta tưởng rằng khi nhà văn được “cởi trói”, được “tư do” sáng tác thì sẽ xuất hiện những tác phẩm lớn, những tài năng độc đáo. Có người, lúc bốc lên, từng thổ lộ về những “ấp ủ lớn”, kiểu nhà văn Hộ trong Đời thừa (Nam Cao) sẽ viết một cuốn đạt giải văn chương Nobel. Thực tế Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Quang Thuận! đã từng có ý định gửi tác phẩm đến Viện Hàn lâm Thụy Điển để tranh giải Nobel văn chương. Nhưng rồi những tác giả này cũng còn kịp nhận ra ảo tưởng của mình. Thời gian làm sáng tỏ tất cả. Thực tiễn sáng tác mấy chục năm qua của những nhà văn người Việt hải ngoại, những người sống và viết trong một môi trường hoàn toàn “tự do”, đã không xuất hiện những tài năng và tác phẩm như một khơi nguồn, một mở đường cho văn chương trong nước. Trái lại, chính những nhà văn trong nước mới là những người đóng góp thực sự có ý nghĩa cách tân cho văn chương Việt đương đại.

Những khám phá sáng tạo của nhà văn trong tác phẩm góp phần thúc đẩy tiến trình văn học từ bên trong, trái lại sự tồn tại của tác phẩm lại do xã hội quyết định. Dư luận xã hội sẽ phản ứng ngay khi một tác phẩm xuất hiện “có vấn đề”. Cái gọi là “có vấn đề” ở Việt Nam thường là vấn đề chính trị hoặc vấn đề đi ngược với thuần phong mỹ tục. Một lực lượng đông đảo công chúng được học quan điểm của Đảng về văn học trong nhà trường, một lực lượng cũng đông đảo và có quyền lực khác là cán bộ nhân viên Nhà Nước ở các báo, tạp chí, các viện, các hội VHNT, là những “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng… Chính những lực lượng này sẽ lên tiếng ngay khi một tác phẩm có tính ”đồi trụy, phản động”. Tác phẩm bị ngăn chặn ngay tại nhà xuất bản. Có khi sách đã in, vừa mới phát hành thì đã bị thu hồi và nghiền thành bột. Lý do: sách vi phạm pháp luật của Nhà Nước.
Như vậy tiêu chí đầu tiên và quan trọng của xã hội là tiêu chí chính trị và quan điểm của Đảng, luật pháp của Nhà Nước. Nhiều nhà văn phải chịu cảnh sống “lên bờ xuống ruộng”(chữ của Nguyễn Mạnh Tuấn) vì tác phẩm của mình. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn kể: “Khi tác phẩm Đứng trước biển ra đời thì lãnh đạo một số tỉnh có liên quan phản đối một cách dữ dội, coi là phản động. Lúc ấy tôi viết phủ nhận một xí nghiệp đánh cá vừa được phong anh hùng và nhận thấy rằng thời kỳ làm ăn bằng kinh nghiệm đã qua. Nhưng rồi mọi việc đúng như dự báo, xí nghiệp này sau đó làm ăn thua lỗ, phải giải thể. Còn Cù lao tràm viết về đề tài nông nghiệp. Khi tác phẩm ra đời đã có văn bản đề nghị đưa tôi đi cải tạo. Nhất là lãnh đạo 9 tỉnh miền Tây hồi bấy giờ phẫn nộ. Báo Hậu Giang liên tục có các bài phê phán Cù lao tràm; một số nhà văn, nhà nghiên cứu có bài viết phê bình tác phẩm, có bài còn vạch rõ bảy tội danh. Đặc biệt, tôi gần như bị cô lập, chỉ còn vợ là bạn, có ông bạn văn trước kia rất thân nhưng cũng trốn không gặp tôi.[11]

Có điều, ngay cả những tác phẩm đã bị cấm, bị thu hồi, thì chúng vẫn còn đó trong dư luận, và biết đâu chúng có cơ may “sống”. Những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật, tư tưởng đều có thể vượt qua thời đại. Ngày nay nhiều tác giả của thời Nhân Văn Giai Phẩm đã được phục hồi danh hiệu nhà văn, tác phẩm của những nhà văn này được phổ biến lại và đựợc trao giải thưởng…[12]. Những tác phẩm văn chương thị trường lại “sống” theo một cơ chế khác: cơ chế đầu tư, quảng cáo của nhà xuất bản. Khi một nhà xuất bản “đành hơi” được tác phẩm đáp ứng được thị hiếu của một số đông độc giả, họ sẵn sàng mua tác phẩm và làm nhiều chương trình quảng cáo trên mọi phương tiện truyền thông, đẩy tác phẩm lên thành loại best-seller. Tiêu chí của nhà xuất bản là tác phẩm phải đáp ứng thị hiếu độc giả, có vậy sách mới bán được, đặc biệt là lớp độc giả trẻ đông đảo. Lớp này sinh ra và lớn lên trong nền kinh tế thị trường, quen với tiếp thị, chọn đọc tác phẩm theo những chương trình tiếp thị. Đa phần là loại sách giải trí, hoặc tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng, thuộc thể loại cận văn học.

Vì có nhiều đối tượng công chúng văn học nên nhiều loại tác phẩm được viết để đáp ứng sự quan tâm cho từng loại đối tượng, và vì thế giá trị xã hội của tác phẩm cũng tùy thuộc vào đối tượng người đọc. Nhà Nước chỉ trao giải cho những tác phẩm góp phần vào sự nghiệp Cách mạng trong các Giải thưởng Nhà Nước. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh dù được dư luận đánh giá cao song không đạt được tiêu chí của giải thưởng này (2016), trong khi cuốn Biên bản chiến tranh của Trần Mai Hạnh lại được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, dù rằng có ý kiến cho cuốn sách này không phải là tác phẩm văn học, nó chỉ là một tập hợp tư liệu báo chí và dựng lại theo kiểu cận văn học. Hãy nhìn lại những tác phẩm có nội dung Nhân văn và dân chủ của thời đổi mới (1986)[13], dù đã tạo được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, song đến nay vẫn chưa có những đánh giá chính thức về giá trị của những tác phẩm này.

Đọc lại Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, sách được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1986, và được đưa vào dạy trong chương trình Ngữ Văn lớp 12, người đọc hôm nay đã thấy những gì tác giả viết đã lạc hậu nhiều. Nội dung truyện phản ánh sự xáo trộn của một gia đình truyền thống lúc đất nước chuyển sang cơ chế thị trường. Cách viết của Ma Văn Kháng mang đặc điểm nông dân: khệnh khạng, luôm thuộm, không còn kịp với tốc độ đời sống của thế kỷ XXI. Vào những năm 1986, tác phẩm có thể nói được đôi điều về hiện thực, song đến nay những điều ấy không còn ý nghĩa gì. Và nếu hỏi học sinh 12 giá trị của Mùa lá rụng trong vườn là gì, các em sẽ không có câu trả lời, vì tác phẩm không đặt ra được vấn đề nào thiết thân với các em. Bảo vệ nề nếp của đại gia đình truyền thống chăng? Tình yêu thủy chung của chị Hoài, vợ cả Tường liệt sĩ, dù chị đã có gia đình riêng chăng? Hay vấn đề tha thứ tội ngoại tình của Lý, vợ Đông (sĩ quan về hưu), và cậu Cừ vượt biên, rồi trở thành tội phạm?

ĐÔI ĐIỀU NGẪM NGHĨ

Nói vậy để thấy việc đánh giá giá trị tác phẩm (các giải thưởng văn học), và giá trị đích thực của tác phẩm với thời đại thật không dễ chút nào. Điều ấy cần đến nhà phê bình văn học. Và chúng ta tự hỏi, điều gì làm nên giá trị của những tác phẩm lớn của thế giới (thí dụ tác phẩm của Homère, Shakespear, V.Hugo, Đôixtôievxky, Lep Tônxtôi, Hemingway, Sôlôkhôp...), giúp các tác phẩm ấy thể vượt qua mọi giới hạn thời gian, không gian sống mãi với nhân loại? Đúng là nhiều năm qua, chúng ta trăn trở về vấn đề làm sao có được tác phẩm lớn cho văn chương Việt Nam, và đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Người đọc có ý thức và có “vốn liếng văn học”(tri thức về lý thuyết văn học, về tác phẩm; kinh nghiệm đọc: kinh nghiệm sử dụng phương pháp phê bình), bằng trực giác, có thể nhận ra ngay giá trị của tác phẩm mình đọc.

Cảm thụ tác phẩm là việc riêng của mỗi người đọc, nhưng việc đánh giá tác phẩm cần có những chuẩn mực của cộng đồng. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, tác phẩm có giá trị xã hội là tác phẩm đáp ứng yêu cầu này: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân.”(Nghị quyết của Bộ Chính trị)
Tháng 3. 2017

Nguồn: Bùi Công Thuấn-Phê bình văn chương, diện mạo của một thời

________________
[*] Đỗ Quyên: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=22323
[1] Lã Nguyên-Phê bình văn học hay là vương quốc của cái tranh luận:
http://www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=12236%3Aphe-binh-vn-hc-hin-nay-phe-binh-vn-hc-hay-la-vng-quc-ca-cai-tranh-lun-la-nguyen&catid=4188%3Avn--vn-hc&Itemid=7197&lang=fr&site=30
[2] Lại Nguyên Ân-Về hoạt động của phê bình văn học:
http://lainguyenan.free.fr/VanHoc/VeHoatDong.html
[3] Trịnh Bá Đĩnh-Mấy vấn đề Phê bình văn học hiện nay:
http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=17724&sitepageid=543#sthash.KHHMj5kf.dpuf
[4] Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy. Nhã Nam & HNV. 2010
https://www.sachtre.com/2003/12/phe-binh-van-hoc-la-gi-55/
[5] Nguyễn Hưng Quốc-Nhiệm vụ của phê bình:
www.voatiengviet.com/a/nhiem-vu-cua-nha-phe-binh-van-hoc/2478392.html
[6] Xin đọc:
-Trần Hoài Anh: Quan niệm về Tác phẩm văn học của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-197- http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17425
- Lê Lưu Oanh: Tính chỉnh thể của tác phẩm văn học
http://butnghien.com/tinh-chinh-the-cua-tac-pham-van-hoc.t64663/
- Trần Đình Sử: Tác phẩm văn học như là kí hiệu nghệ thuật
https://trandinhsu.wordpress.com/2016/09/30/tac-pham-van-hoc-nhu-la-ki-hieu-nghe-thuat/
-Phạm Quang Trung: Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần
http://www.pqtrung.com/ly-luan-van-chuong/ly-luan-van-chuong-hien-dhai/tc-phm-vn-chng-nh-mt-sinh-th-tinh-thn
-Roman Ingarden: Tác phẩm văn học-Trương Đăng Dung dịch
https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tac-pham-van-hoc
[7] Nguyễn Thị Minh Thái:
http://vanvn.net/tac-pham-chon-loc/tieng-noi-nha-vanve-bi-kich-doc-khong-vo-chu-van-chuong%E2%80%A6/898
[8] Văn nghệ Đồng Nai số 8/ 1987.
[9] Bùi Công Thuấn-Bờm ơi là bờm:
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18536 12.05.2012
[10] Bùi Công Thuấn-Đọc thơ Nguyễn Quanh Thiều
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18902
[11] Nguyễn Mạnh Tuấn:
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nguyen-manh-tuan-co-luc-toi-gan-nhu-bi-co-lap-2141850.html
[12] Quang Dũng được trao Giải thưởng Nhà Nước về Văn học nghệ thuật 2011
Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
[13] Thời xa vắng (Lê Lựu), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Những thiên đường mù, Bên kia bờ ão vọng (Dương Thu Hương), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc tấn), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường),...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét