Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

"Tóc bạc rồi hồn vẫn trẻ thơ"


Tóc bạc rồi hồn vẫn trẻ thơ”

(Đọc Đồng Dao Cho Mình - thơ Đỗ Minh Dương-Nxb Trẻ 2013)

Bùi Công Thuấn

 

 

Bài thơ Nằm Võng Giữa Rừng Chiến Khu của Đỗ Minh Dương có sức hút kỳ lạ sự chú ý của tôi đối với thơ anh

 

Về nguồn với chiến khu xưa

Lại cùng mắc võng đung đưa giữ rừng

Võng chao cây động ngập ngừng

Sương nhòa mắt lá rưng rưng mái đầu

*

Võng nghiêng về phía khe sâu

Nhớ ai đẵn gỗ bắc cầu trong mưa

Võng nghiêng về phía rừng thưa

Nhớ triền rẫy chín hương mùa thoảng bay

Võng nghiêng về phía rừng dày

Bếp Hoàng Cầm tỏa ấm ngày khao quân

Võng chao cho dạ bần thần

Thương hoài mắt mẹ trong lần tiễn đưa

Nghiêng rừng cơn sốt mùa mưa

Bạn hy sinh để võng thừa chông chênh

Có đêm thức giấc giật mình

Lệnh truyền bỏ võng kíp hành quân ngay

Quân đi dưới tán rừng dày

Lần theo dấu võng dấu tay bạn bè

Bom rơi đạn nổ tứ bề

Cây rừng gẫy đổ võng che chở người

*

Bây giờ đưa võng thảnh thơi

Tiếng rừng man mác như lời mẹ ru

Bạn nằm kể chuyện chiến khu

Võng chao nghiêng cả rừng thu bồi hồi”

 

Ai đã sống trong thời đạn bom chiến trận, đọc bài thơ này hẳn sẽ xúc động về những ngày tháng hào hùng và thắm thiết nghĩa tình. Điều ấy giờ đây đã trở thành tâm thức Việt Nam. Bài thơ cũng ánh lên nét tài hoa của ngòi bút Đỗ Minh Dương. Trong tập Đợi Chờ Bình Minh Em (51 bài) của anh cũng có nhiều bài hay như vậy (Áo Lính Một Thời, Hà Nội Một Chiều Mưa, Kỷ Vật Thiêng Liêng, Với Dòng Sông Quê, Uống Rượu Với Người Trong Tranh...) .

 

Tôi trộm nghĩ điều này. Chiến tranh vệ quốc đã trở thành thiêng liêng, bao nhiêu cảnh ngộ dữ dội, bao nhiêu cảm xúc mãnh liệt, bao nhiêu nỗi niềm sâu lắng, và bao nhiêu điều muốn sẻ chia thôi thúc nhà thơ sáng tạo. Những bài thơ như Nằm Võng Giữa Rừng Chiến Khu dễ làm say lòng người. Trở về cuộc sống đời thường, những sự tích hào hùng không còn nữa, những xúc cảm mãnh liệt đã phôi pha, cuộc sống cơm áo  kéo nhà thơ từ đỉnh cao lý tưởng xuống những nhọc nhằn ghì sát đất. Và hơn thế, những nhiễu nhương của đời trần tục làm thất vọng nhà thơ. Tôi tự hỏi nhà thơ lấy đâu ra cảm hứng lãng mạn, tìm đâu ra một bầu trời trong sáng để cho hồn thơ vút lên? Cho nên thơ được in rất nhiều nhưng thơ hay thì phải đi tìm.

 

Người làm thơ hôm nay phải nhọc nhằn đi tìm được tứ thơ mới, phải vắt cạn tâm huyết mình để thắp lửa cảm hứng trong tim, và trăn trở khôn nguôi để làm mới ngòi bút. Họ chống chọi kiệt sức với những lối mòn thơ ca đang làm cho câu chữ của mình cũ đi. Nhiều người đã không vượt qua thế hệ làm thơ thời chống Mỹ, và không vượt qua chính mình, đành ngậm ngùi nhìn ngọn nến sáng tạo tàn lụi. Đọc Đồng Dao Cho Mình của Đỗ Minh Dương, tôi thấy hồn thơ anh vẫn còn sung sức và có chỗ khởi sắc.

 

2.Đồng dao cho mình

 

Đồng dao là những khúc hát dân gian của trẻ con, thường gắn liền với những trò chơi. Nội dung của đồng dao là câu chuyện về những sự vật gần gũi trong thế giới thần thoại của trẻ, nhiều bài ngô nghê chỉ có vần điệu cho vui .Chẳng hạn bài : Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương…hoặc bài “dung dăng dung dẻ…” Trẻ con thích vui, thích lạ, thích ngộ nghĩnh, không cần tra hỏi ý nghĩa là gì. Để được sống trong thế giới đồng dao, Đỗ Minh Dương tìm về thế giới tuổi thơ

 

Tôi về tìm lại tuổi thơ

Một thời cất giữ trong bờ tre gai

Chui rào xước cả vành tại

Mùi trăng thơm thể mùi khoai nướng vùi

Ổ rơm nằm cuộn…mà vui


Chợt nghe tiếng trẻ xì xào

Hỏi rằng :”Ông ở thôn nào lại chơi?”

                  (Tìm lại tuổi thơ)

 

Tứ thơ “Mùi trăng thơm thể mùi khoai nướng vùi” thật lạ lùng thú vị. Câu hỏi của trẻ chắc làm nhà thơ giật mình nhận ra mình đã già. Bài thơ kết bằng một nụ cười hồn nhiên. Tìm Lại Tuổi Thơ là nhạc của ca dao thì Đồng Dao Cho Mình mới thực là nhạc của đồng dao dân dã.

 

Từng qua chiến trận

Ngỡ còn như mơ

Cớ gì phải sợ

Những điều vu vơ:


Sợ trái chưa chín

vỏ đã đổi màu

Sợ người buông câu

chẳng nhằm vào cá

Sợ tay ném đá

dấu vào sương thu

Sợ khúc hát ru

trở nên xa lạ…

            (Đồng dao cho mình)

Bài thơ sử dụng thể 4 chữ của đồng dao, thơ điệu nói. Nhiều hình ảnh biểu cảm liên tiếp xuất hiện theo vần điệu, đó là những hình ảnh của thi pháp ca dao. Thế nhưng có sự đột ngột chuyển hình ảnh biểu cảm thành tứ thơ, ngôn ngữ trở nên hàm nghĩa và tích tụ năng lượng thẩm mỹ đáng ngạc nhiên. Trong khoảnh khắc, bài thơ ghi được ấn tượng nơi người đọc. Thơ dung dị như đồng dao nhưng lại lãng mạn như thơ trữ tình, và thấp thoáng ý vị triết lý nhân sinh.

 

Đồng dao cho mình là những khúc hát cho chính nhà thơ, vừa là tự tình, vừa là bày tỏ, vừa là nhận thức, vừa là triết lý nhân sinh. Những bài thơ tâm tình với mẹ, với cha (Ngày Giỗ Mẹ, Khuyết, Trên cát Bỏng) chia sẻ nỗi đau với người vợ mất chồng, con mất cha (Với Người Trong Ảnh, Điểm Tựa) là những bài thơ đạt tới chỗ sâu thẳm của hồn người, của tình người, mà đời sống xô bồ hôm nay ngỡ như vùi lấp đi mất

 

Đứa trẻ không cha

Con cưng của chị

Chuyện thời chống Mỹ

Nó ngồi im nghe

Kể cho bạn bè

Pha màu thần thoại…

 

Nhà tranh cỏ dại

Trẻ già nương nhau

Đêm trở cơn đau

Chiều lên cơn sốt

Trong mê thảng thốt

Chị gọi người xưa

 

May còn lời thưa

Tiếng con gọi mẹ

Như cây lặng lẽ

Chở che cho người!

            (Điểm Tựa- Tặng chị Thảo)

 

Thể đồng dao 4 chữ hồn nhiên đã hoàn toàn trở thành thơ trữ tình. Nhạc thơ giúp phát triển nhanh mạch truyện.  Câu chuyện được kể thật khách quan và tự nó có sức tác động đến cảm xúc của người đọc. Thương quá tình cảnh của chị và của cháu nhỏ, nhưng cũng cảm phục biết bao những hy sinh âm thầm nhưng phi thường của những người vợ Việt Nam có chồng hy sinh trong chiến trận. Nói như thế, đồng nghĩa với sự khẳng định tài thơ của Đỗ Minh Dương trong việc khắc họa vẻ đẹp tính cách con người Việt Nam trong đời thường. Thực ra đó chính là đồng dao cho mình của tác giả. Quan sát, tìm kiếm, khám phá những giá trị bị khuất lấp trong đời thường, để nuôi dưỡng hồn thơ thanh khiết. Ở mảng thơ này, bài Chợt Nghĩ có ý tưởng thật lạ. Tác giả phập phồng về cái ngày “Quỷ thần đến rước”, và tác giả sẽ mang theo một gánh phong trần buồn đau, để,

 

Hóa thân vào mảnh đất nghèo

Hồn theo cơn gió ngược chiều ly hương

 

Qua nơi xưa –đất chiến trường

Gặp bao đồng đội hỏi đường về quê…”

 

Người ta trước khi chết thường nghĩ đến siêu thoát, đến Niết Bàn hay Thiên đàng cho linh hồn được thảnh thơi. Đỗ Minh Dương lại hóa thân vào mảnh đất nghèo, lại về chiến trường xưa để gặp bao đồng đội còn xa lạc quê hương. Đó là những tứ thơ để thể hiện cái tình quê và tình đồng đội sâu nặng vượt qua cả kiếp lai sinh. Thơ đời thường nói được những tình ý chân thành như thế thật không dễ tìm thấy trong thơ hiện nay.

 

3. Đồng dao cho người tình

 

Đỗ Minh Dương gọi tình yêu của mình là “tình khờ”

 

Tôi kẻ dại khờ

Tình yêu nông nổi

Khát giọng em nói

Tin lời trong mơ

 

Như sóng vỗ bờ

Như cây trĩu quả

Muốn dâng tất cả

Vì yêu nát lòng

 

Thoảng nghe em buồn

Lòng tôi muốn khóc

Thương em khó nhọc

Những mong đỡ đần

 

Mặc đời chuyển vần

Kệ lời chê trách

đất nung nên gạch

Em làm nên tôi…

 

Vẫn là thể 4 chữ đồng dao, vẫn là cách nói bộc trực bằng những hình ảnh biểu cảm. Những tình những ý không mới so với thơ tình truyền thống, nhưng bài thơ kết bằng một tứ rất lạ và cũng rất đồng dao. Mặc đời chuyển vần/ Kệ lời chê trách/ đất nung nên gạch/ Em làm nên tôi…Đất nung nên gạch thế nào thì tình yêu của em nung nấu tôi, làm nên tôi như thế. Tôi không còn là tôi mà trở thành tình yêu hiến dâng, tình yêu chia sẻ. Dẫu vậy, tôi chỉ là kẻ dại khờ, bởi tình yêu của em với tôi vẫn xa tầm tay với. Nhiều bào thơ tình trong Đồng Dao Cho Mình có cái chất vị ngọt ngào nhưng xót xa, hạnh phúc trong đau khổ, rất thực mà rất ảo, rất gần mà rất xa, rất thánh thiện nhưng cũng trần tục, và không sao lấp đầy những khát vọng yêu thương, thành ra người thơ không sao quên được, và vì thế duyên thành nợ, niềm vui trở thành sự dằn vặt khôn nguôi.

 

Nếu quên em được

hẳn anh nhẹ lòng!

trăng trôi bến nước

trải buồn đầy sông

 

 

Thuyền anh cũ nát

chơi vơi bến bờ

qua bao ghềnh thác

tóc chiều bơ vơ!

 

Chim bay về mộng

lạc vào tim đau

cõi đời cao rộng

dễ gì thương nhau?

 

Bao lời hẹn ước

tan vào thinh không

nếu quên em được

hẳn anh nhẹ lòng!

 

Đọc bài thơ thật chậm và trải lòng mình vào từng câu chữ, từng tứ thơ, bạn đọc sẽ chia sẻ được với nhà thơ một nỗi buồn thấm thía, mênh mông như ánh trăng trải trên sông. Tất cả cứ trôi đi, chỉ còn lại trái tim đau, chơi vơi trong ghềnh thác, suốt một đời cả đến khi tóc đã về chiều, hồn vẫn bơ vơ. Bài thơ có những tứ thật đẹp và diễn tả cái bi thương sâu nặng của một nỗi vô vọng :”Cõi đời cao rộng/dễ gì thương nhau?”. Chỉ những ai đã yêu chân thành, yêu thực sự, chỉ những duyên nợ từ kiếp nào quấn vào, mới cảm nhận được hết những giọt nước mắt đẹp như ngọc của Mỵ Nương làm tan vỡ bóng hình Trương Chi trong bài thơ này.

 

Ly rượi mang hình bóng Trương Chi đã vỡ, còn tìm đâu thấy tình yêu. Đỗ Minh Dương cũng có một tứ thơ như thế trong bài Quên

 

Quên em. Anh trở về anh

Trồng câu ảo vọng, vinh cành viển vông!

 

Ngày xuân hoang hoải cõi lòng

Nghe hoa cỏ dại mọc trong tim mình…

 

Vẩn vơ khôn rượu, dại tình

Uống say hình bóng, đập bình… tìm em

 

Vẫn biết là cô độc, là viển vông, là ảo vọng, vẫn phải sống với trái tim hoang vu cỏ dại, vẫn nhận ra lẽ khôn dại khi yêu, nhưng người thơ không sao quên được. Uống rượu say để quên, đập vỡ bình cho hả những nỗi niềm. Nhưng không, càng uống càng say men tình, càng quên càng khao khát tìm em. Hình bóng em làm anh nghiêng ngả, tìm em trong quên lại càng nhớ. Đỗ Minh Dương đã diễn tả được khá sâu sắc và phong phú tâm trạng yêu trong nhiều hoàn cảnh, chiều kích và nhiều sắc thái tâm hồn. Bỗng Dưng Lại Buồn là nỗi day dứt xót xa. Ru Em là một ám ảnh rất sâu trong tâm thức. “Nhớ thương trong nỗi cách vời/ Đêm đêm tôi lại ru người trong mơ”. Đã có lúc người thơ mơ thấy người trong mơ, dịu dàng trau chuốt trở lại, như chiếc bình hoa vỡ lại lành (Trong mơ). Thế nhưng, em lại ra đi, và người thơ cứ chờ mong mãi. Dỗ Minh Dương có những tứ thơ thật đẹp, thật khóang đạt, và tình ý sâu nặng thấm thía.

 

Sông quê loang loáng trăng mờ

Bướm vàng xếp cánh đậu hờ hoa trôi

Cuối mùa gió giật lá rơi

Hoàng hôn cháy đỏ phương trời đợi em…”

                        (Đợi phía hoàng hôn)

 

3. Đồng dao cho NGƯỜI

 

“Chim khôn hướng núi bay về

Người khôn tựa gốc bồ đề đợi nhau

*

Kẻ nào sống tựa bóng đêm

Thường nơm nớp sợ ngày lên chói lòa…

 

Đem vàng đi đổi lấy danh

Bao giờ đổi được cái danh thành NGƯỜI

                                 (Thơ hai câu)

 

Những câu thơ trên mang dáng dấp tục ngữ, bởi tục ngữ là kinh nghiệm sống, là minh triết dân gian Việt. Tôi gọi đó là minh triết của Đỗ Minh Dương. Bởi anh đã vượt qua được cái quay cuồng nhị nguyên và đạt đến sự bình tâm dịu dàng. Anh đã trải nghiệm cái sự thật này :” “Sợ người buông câu/ Chẳng nhằm vào cá/ Sợ người ném đá/ Dấu vào sương thu”. Anh cũng hiểu được nhiều bộ mặt con người:”Gương mặt lo buồn nặng trĩu/ cuộc đời đầy nỗi truân chuyên/ Kẻ không thích nghe lời khuyên/ sống đời kiêu căng phách lối/ Hay thề, thường người nông nổi/ Trầm lặng, vốn người ưu tư/ Mặt trẻ sáng niềm mộng mơ/ Lòng già hay thương quá khứ “(Dự Báo). Không phải là nhà thơ Hiện Sinh, anh vẫn nhận ra thân phận cô đơn khi thả cho chim bay đi, “Chim bay về chốn mù khơi/ bỏ tôi trống vắng… chơi vơi nỗi buồn!(Phóng Sinh).

 

Ý nghĩ lan man dọc đường của anh phải chăng là những gì anh đã “chứng ngộ”?

 

Lan man ý nghĩ dọc đường

Trăng khuya huyền ảo khôn lường dở hay

 

Làm trời cho lộng mây bay

Làm sao để sáng, làm cây để già

Làm sông mong chở phù sa

Làm quả đợi chín, làm hoa đợi tàn…

            (Dọc đường)

Nhà thơ mong mình được làm sao để sáng, làm sông chở phù sa, làm quả đợi chin, thế nhưng ở đời nào biết thế nào là hay là dỡ, đẹp như hoa cũng tàn. Anh ngoảnh mặt kiếm tìm tám hướng, nhưng vô vọng:”Cầu lời gió/ gió thoảng bay/ Cầu lời mây/ mây rong núi/ Cầu lời núi/ núi vời trông/ Cầu lời sông/ sông lần lữa/ Cầu lời lửa/ khói lắt lay/ Cầu lời cây/ cây rũ bóng..(Nguyện Cầu). Anh cũng đã tìm đến cõi Thiền, nhưng không phải để thoát tục, mà để thương đời hơn.

 

Vào chùa nghe nỗi chuông ngân

Buồn vui trăm nẻo, chuyện gần chuyện xa


Ai mong chạm được Niết bàn

Tôi thương khổ lụy lầm than kiếp người

            (Trong tiếng chuông ngân)

 

Có lẽ chính tấm lòng thương kiếp người lầm than đã giúp anh tìm được ý nghĩa cuộc sống

 

Bao điều ta chưa hề biết

Đang ở mùa xuân phía trước đời ta

Vạn điều ta đã trải qua

Bỗng mới lạ như chưa từng được biết

 

Lòng rạo rực giữa ngày xuân tháng tết

Tóc bạc rồi hồn vẫn trẻ thơ…

                        (Giữa ngày xuân)

 

Tôi thích cái hồn nhiên “bỗng dưng “ của anh, không phải Thiền những vẫn có một đóa hoa mai của Mãn Giác Thiền sư bừng nở, cùng với nụ cười rất hiền của Ma-ha Cadiep dễ thương.

 

Bỗng dưng một nhánh mai vàng

Nở bừng nắng sớm che ngang lối nhìn


Bỗng dung nhặt được nụ cười

Giấu đi chẳng đặng, trả người không xong


Bỗng dưng gọi một cái tên

Hiện lên gương mặt làm quên chính mình

                           (Bỗng Dưng)

 

4. “Dung dăng Dung dẻ”  với tác giả

 

Đồng Dao Cho Mình có nhiều bài thơ hay. Tuy vậy, khi thơ là tiếng nói trực tiếp những nghĩ suy chính luận, thì thơ Đỗ Minh Dương trở nên khô cứng, rất ít chất thơ. Hình như đó là những bài học đạo đức (Trước Tượng Đài, Số, Thơ). Anh nghiêng về phía chuẩn mực. Và chỉ những khi hồn thơ anh bay trong cõi trời lãng mạn, lúc ấy thơ anh mới thực sự khởi sắc (Tìm Lại Tuổi Thơ, Nguyện Cầu, Như Có Như Không, Bỗng Dưng Lại Buồn). Thơ anh nằm trong thi pháp thơ truyền thống, có bóng dáng dân dã. Anh không tìm kiếm những kỹ thuật cách tân, nhưng có khám phá những tứ thơ mới, đây là một nỗ lực bảo đảm được phẩm chất thi sĩ ở anh. Anh thành công ở thể bốn chữ đồng dao chuyển hóa thành thơ trữ tình. Lục bát của anh không mới về nghẹ thuật song nhiều bài cũng đủ hấp dẫn bạn đọc ở những nét tài hoa.

 

Tôi hiểu Đồng Dao Cho Mình là cơn say tự tình của nhà thơ Đỗ Minh Dương, cơn say của những tấm lòng tri kỷ.

 

Rựu làm mới bạn cũ

Thơ làm tươi tuổi già

Kể gì ngon hay nhạt

Say tự lòng say ra!

            (Bạn đến)

 

Tháng 2. 2014

__________________________________