THẮP LỬA NIỀM TIN
(Nghe 10 ca khúc trong tập
“Đồng chí không phải là anh” của nhạc sĩ Trần Viết Bính)
Bùi Công Thuấn
NS Trần Viết Bính
Phải nghe trực tiếp nhạc sĩ Trần Viết Bính trình bày ca khúc
của mình, bạn đọc mới cảm nhận được sắc thái thẩm mỹ của giai điệu, hồn nhạc và
thái độ sống của người nhạc sĩ trước những hiện tượng của cuộc sống hôm nay
(tranvietbinh.vnweblogs.com). Và dù ca khúc có viết về đề tài nào, phê phán những
hiện tượng bất công nào, thì tiếng nói của người nhạc sĩ vấn là tiếng nói đầy
tâm huyết và trách nhiệm.
1.Mười ca khúc là
một tiếng lòng yêu thương nhân dân khi cuộc
sống của họ còn bao nhiêu khó khăn, khi những bất công xã hội còn vây bọc xung
quanh. Người nhạc sĩ “Không
thể ngợi ca, khi cuộc sống
quanh tôi còn xót xa, những án tử hình oan sai, những đứa con không biết đánh vần
chữ hiếu, tuổi thơ không được hát dân ca,”Người nhạc sĩ phải kêu lên:”Lương y như từ mẫu ơi có đau đớn không khi thấy cái sống đến không cách gì níu giữ, khi
thấy cái chết đến không cách gì chặn lại, không phải vì thiếu thuốc, không phải
vì thiếu tài, mà vì thiếu tiền”(Thiên đường áo trắng).
Người nhạc sĩ nhập
vai với người công nhân cao su mà nhìn, mà tự hỏi: “Năm nay, trên rừng cây này, người phu đồn điền cao su năm ấy tự hỏi vì
sao, vì sao. Những ông chủ mới anh ta là ai là ai? Những ông chủ mới anh ta là
ai là ai. Nhìn lên dinh thự lộng lẫy nguy nga nhìn vào cảnh đời giàu có xa hoa.
Người công nhân già nhìn rõ anh ta là đồng chí năm xưa thân quen, là ông quan
chức năm nay cách xa, lắm quyền lắm tiền”(Anh ta là ai)
2. Đứng về phía nhân dân, người nhạc sĩ
bày tỏ một thái độ quyết liệt trước những cái xấu, kẻ xấu.” “Nhân dân chung từng hạt thóc. Những bà mẹ
chung bao nước mắt, những người vợ chung bao nhớ thương, những đồng đội chung
máu chung xương, có phải chăng để ngày hôm nay vun vén cho anh cuộc sống giàu
sang? Đồng Chí đâu còn là anh! Đống Chí
không phải là anh!”Người nhạc sĩ nhìn rõ bản chất bọn lưu manh nói chuyện
tình nghĩa bên những cuộc rượu :”Tình
nghĩa để có những chữ ký đổi trao cho nhau. Tình nghĩa để có những con số loanh
quanh chen nhau. Tình nghĩa để có những mưu tính riêng tư cho nhau. Tình nghĩa
để có những tội ác đong đưa bên nhau”(Tình nghĩa… Rượu)
3.Cuộc sống có nhiều bất công nhưng người nhạc
sĩ vẫn vững lòng tin. “Tự do! Công
bình là niềm tin hình thành trong tôi, là lẽ sống và nguyên theo suốt cuộc đời”
(Niềm tin) bởi đó là lý tưởng của Cách Mạng tháng Tám 1945:” Sao vàng bay rừng cờ Cách mạng, cha anh đứng
lên giành quyền làm người”Người nhạc sĩ vẫn thiết tha với cuộc sống của
nhân dân, nói với mọi người cũng là nói với chính mình:”Hãy để lại tình thương cho người, hãy để lại bài ca cho đời”(Để lại)
4.Chùm ca khúc “Đồng chí” không phải là anh
được nhạc sĩ Trần Viết Bính gọi là “vũ khí” trong cuộc đấu tranh chống lại cái
xấu, cái ác, cái bất công đang tồn tại khi toàn Đảng, toàn dân đang dồn sức cho
công nghiệp hóa , hiện đại hóa đất nước hôm nay.
Quan điểm văn nghệ là vũ khí đấu tranh cách mạng
là quan điểm căn cốt của văn nghệ cách mạng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị
cũng ghi rõ :”Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận khăng khít của toàn bộ sự nghiệp
cách mạng, có sứ mệnh phục vụ các nhiệm
vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu sắc với đời sống nhân dân.”
Nghị
quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng đề ra chủ trương :” Trên nền
tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát
thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy
những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của
nhân loại; lên án, phê phán không khoan
nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và
con người Việt Nam.”
Công
chúng quen nghe anh hùng ca, tình ca, nên khi nghe những ca khúc có nội dung
phê phán cái xấu cái bất công có thể có những cảm nhận khác nhau. Thực ra tinh
thần phê phán cái xấu, kẻ xấu là một nội dung quan trọng của văn chương nghệ
thuật Việt nam. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện cười, tuồng, chèo, Cải
lương luôn có những nhân vật, những câu chuyện phê phán (nhân vật hề, chẳng
hạn). Nó thể hiện chân lý của nhân dân, thể hiện tinh thần dân chủ và khát vọng
về cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống của nhân dân.
Nhạc sĩ
Trần Viết Bính kế tục truyền thống ấy. Ngôn ngữ phê phán của Nhạc sĩ Trần Viết
Bính là ngôn ngữ trực tiếp đặt vấn đề, một loại ngôn ngữ tinh lọc có sức tác
động trực tiếp đến người nghe, khơi lên và đòi buộc người nghe phải suy nghĩ,
và không thể vô cảm. “Tôi không thể ngợi
ca khi cuộc sống quanh ta còn nhiều cay đắng…Những án tử hình, những án chung
thân ở những nơi công lý lệch cán cân,
những cái chết không đáng chết ở những nơi thừa sức cứu con người. Những biệt
thự nguy nga tráng lệ của những ông bà ‘đầy tớ’ nhân dân. Những đứa con không
biết đánh vần chữ hiếu sống sung sướng khi mẹ cha thiếu thốn từng ngày. Trẻ thơ
đến trường không được hưởng công bằng từ tấm bé…”Trong cấu tứ, Nhạc sĩ Trần
Viết Bính dùng nghệ thuật tương phản và trùng điệp để làm nổi bật vấn đề.
Về giai
điệu, đây là loại ca khúc hướng về quần chúng, nói lên tiếng nói quần chúng nên
giai điệu dễ nghe, dễ cảm. Có 7/10 ca khúc viết ở âm giai thứ (Mineur) giai
điệu buồn thương, diễn tả nỗi đau xót, day dứt, phẫn nộ trước hiện tượng bất
công. Ở những chỗ cao trào, giai điệu vút lên cao, hoặc lặp lại cấu trúc, lặp
lại âm hình, dùng những quãng xa, quãng nghịch (quãng 6, quãng 7) để khẳng định
một thái độ quyết liệt. Chẳng hạn: “Đồng
chí đâu còn là anh! Đồng chí không phải
là anh!
Đồng chí đâu còn là anh! Đồng chí không phải
là anh!”Hoặc :”Tình nghĩa, để có những
chữ ký đổi trao cho nhau- Tình nghĩa để có những con số loanh quanh chen
nhau-Tình nghĩa để có những mưu tính- tình nghĩa để có những tội ác đong đưa
bên nhau”(Tình nghĩa…Rượu)
Để diễn tả những tình huống cảm xúc phức tạp, Nhạc
sĩ Trần Viết Bính từ bỏ lối viết cân phương, mà đẩy giai điệu phát triển theo
ngôn ngữ diễn tả. Đây là giai điệu của kẻ lạng lách xe:” Anh có khác gì con thiêu thân- Khi nghĩ mình là tay đua tốc độ-Vun vút
vun vút vun vút xe anh lao nhanh như là làm xiếc, lạng lách lạng lách lạng lách
xe anh gầm rú náo loạn giao thông. Mô tô lao nhanh sẽ đưa anh vào bệnh viện- Mô
tô lao nhanh sẽ đưa anh đến nghĩa trang ô hô ô hô”(Con thiêu thân). Đọc câu
văn, bạn đọc không am hiểu âm nhạc vẫn cảm thấy giai điệu đã vút lên thế nào.
Ngôn ngữ tự nó đã có tính giai điệu, tính hình tượng.
Một điều dễ
nhận thấy là giai điệu của nhạc sĩ Trần Viết Bính trong những ca khúc này bám
sát nhạc tính của tiếng Việt. Và tính chất căn bản vẫn là giai điệu trữ tình.
Điều này khác rất xa những kiểu nhạc “ chế” những kiểu Rap bình dân đang thịnh
hành, bởi nhạc sĩ Trần Viết Bính đặt ra những vấn đề lớn, bởi tâm hồn người nhạc
sĩ nhạy cảm luôn đau đáu nỗi đau của nhân dân, và đồng thời, trong hành trình
sáng tạo, nhạc sĩ Trần Viết Bính làm giàu có thêm tài sản âm nhạc của mình bằng
thể loại ca khúc có tính phê phán, bên cạnh những tình ca, những tráng ca, nhi
đồng ca và dân ca đã rất thành công của ông.
Tôi thích những ca khúc thể hiện tâm huyết của người
nhạc sĩ. Những ca khúc này thể hiện một hồn nhạc trong trẻo. Tư tưởng vút lên,
có sức thuyết phục, có sức thắp lửa, và có sức lay động, lan tỏa sâu xa.(Niềm tin, Để lại)
Tháng 12.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét