Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

BÙI CÔNG THUẤN-CHÚT TÌNH TRI ÂM

CHÚT TÌNH TRI ÂM
Bùi Công Thuấn



Giai thoại kể rằng. Bá Nha là người nước Sở, làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Tử Kỳ là người kiếm củi ở thôn Tập Hiền gần núi Mã Yên. Vào một đêm trăng thanh gió mát, trên đường từ Sở về Tấn sau chuyến công cán, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương. Tình gặp Tử Kỳ, Bá Nha đã đánh đàn cho Tỷ Kỳ nghe. Khi Bá Nha gảy khúc Ý tại non cao. Tử Kỳ nói: “Tuyệt thay, ý chí cao vút. Ý tại non cao”. Một lúc sau Bá Nha gảy thêm khúc Ý tại lưu thủy. Tử Kỳ khua tay xuống dòng nước: “Trời nước bao lạ. Ý tại lưu thủy”. Bá Nha không ngờ một người gánh củi miền thôn dã lại có thể cảm thấu được tiếng đàn của mình như vậỵ. Rồi cảm tài đức của nhau, họ kết làm anh em. Sau đó hai người chia tay. Một năm sau, Bá Nha trở lại tìm bạn tri âm. Tử Kỳ không còn nữa, chỉ còn nấm mộ dưới chân núi Mã Yên. Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha ngồi tấu khúc "Thiên thu trường hận", sau đó đập vỡ đàn.

Dao cầm đập nát đau lòng phượng
Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai
Gió xuân bốn phía bao bè bạn
Khó thay tìm được bạn tri âm [1]
Bá Nha-Tử Kỳ là truyện tri âm tri kỷ.

1. Chút tình tri âm

Truyện tri âm tri kỷ của Bá Nha-Tử Kỳ làm tôi liên tưởng đến mối quan hệ giữa người sáng tác và nhà phê bình. Cả hai đều phải là nghệ sĩ. Cả hai đều phải có tài, có tâm và cùng tương kính, vượt lên trên hoàn cảnh xã hội. Nhà phê bình, giống như Tử Kỳ, không chỉ hiểu cây đàn Dao cầm của Bá Nha làm bằng gỗ cây ngô đồng, mà còn hiểu tiếng đàn, hiểu được tâm hồn người chơi đàn và những quy cách văn nhân không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm…”[1-đd]

Tác phẩm văn chương dệt bằng chất liệu ngôn ngữ, giống như cây đàn, phải được người tài hoa tấu lên và phải được người tài hoa thưởng lãm. Nhà văn khi sáng tác cần phải biết những kỹ thuật viết như kỹ thuật của người nhạc sĩ chơi đàn. Nhưng điều căn cốt là phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm, tức là cái hay của bài nhạc cùng với tài đàn của người nghệ sĩ, nhất là cái hồn nhạc, tức là vẻ đẹp tâm hồn tác giả. Giống như vẻ đẹp tâm hồn của Bá Nha mà Tử Kỳ có thể cảm nhận được qua tiếng đàn. Trên tất cả là tài, tâm và lòng tương kính. Người đọc tác phẩm văn chương cũng cần có những phẩm chất ấy.

Tôi đã đọc tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ tài năng bằng tấm lòng ngưỡng mộ tri âm. Tôi hiểu, sáng tạo là điều vô cùng khó khăn, vượt lên chính mình còn khó khăn hơn. Mặc dù không thiếu vốn sống, không thiếu điều suy tư, nhưng kiến tạo được một cốt truyện hay, tạc được những hình tượng mới để chuyển tải những suy tư của mình thì tôi không sao cất bút thành lời. Nhiều tác giả chỉ có một tác phẩm là vậy. Tôi đã viết và in được một tập truyện ngắn (tập truyện ngắn Hạnh, Nxb HNV 2005), đã thử bút nhiều lần, nhưng biết rõ khả năng làm ra cái mới của mình rất hạn chế. Lại còn một điều bí mật nữa, là làm sao viết thành một truyện hay, hấp dẫn được người đọc từ dòng đầu đến dòng cuối. Tôi phân vân mãi về cái sự viết. Kể chuyện mình thì thật đáng ghét vì phô trương cái tôi luôn là điều vô sỉ. Mà kể chuyện người thì rất dễ làm tổn thương đến người. Nhà văn đích thực phải là người kể được những câu chuyện tưởng tượng (fiction), tức là tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng. Kể truyện không phải là sao chụp lại hiện thực, không phải chỉ là để phản ánh- vì thuộc tính của văn chương đã là phản ánh hiện thực- mà sáng tạo một hiện thực mới, một hiện thực thẩm mỹ. Thực ra ai cũng kể chuyện được. Người đi xa về kể cho người ở nhà nghe những câu chuyện mình gặp trong chuyến đi. Một đứa bé ra đường thấy truyện lạ, nó về nhà kể huyên thuyên cho mẹ nghe, có vẻ lạ lùng lắm. Vì thế, kể truyện không khó, và thợ chữ, thợ làm theo khuôn mẫu thì nhiều vô kể. Nhưng kể được một truyện hay thì chỉ nhà văn tài năng mới làm được.

Tôi cũng nhận ra điều này, chính ý thức sáng tạo hướng dẫn nhà văn trong hành trình kiến tạo tác phẩm. Và chỉ những nhà văn có ý thức sáng tạo độc đáo, tiến bộ mới làm nên những tác phẩm giá trị. Thiếu ý thức sáng tạo độc đáo, thiếu một kiểu tư duy nghệ thuật mới lạ, nhà văn chỉ có thể viết theo quán tính. Nguyễn Tuân độc đáo từ ý thức sáng tạo đến bút pháp, cách viết và độc đáo đến cả từng câu, chữ.

Tôi yêu thích phê bình văn học ngay từ khi còn học Đại học. Phê bình cũng là sáng tạo. Có thể mỗi người viết phê bình có một lục đích riêng. Với tôi, nhà văn sáng tạo tác phẩm, phê bình là khám phá quá trình sáng tạo ấy. Đối với những nhà văn lớn và độc đáo, khám phá tư duy nghệ thuật của họ không dễ chút nào, quá trình khám phá ấy mang đến nhiều thú vị. Đọc tác phẩm là được thưởng thức hai lần. Lần thứ nhất, thưởng thức cái hay của tác phẩm, lần thứ hai, thưởng thức cái độc đáo trong quá trình sáng tạo của tác giả, tức là thâm nhập vào kiểu tư duy nghệ thuật riêng. Có khi rất khó và rất lạ lùng. Chẳng hạn, để đọc được thơ Thiền, tôi mất nhiều tháng tìm đọc Kinh Phật, tìm hiểu mỹ học thiền, học kiểu “vô ngôn” của cách nói Thiền thông qua công án của các Thiền sư, nhờ đó khi đọc thơ Thiền của Phạm Thiên Thư hay Bùi Giáng, mình vỡ nhẽ được nhiều điều, mà nếu đọc bằng kiểu tư duy “phản ánh hiện thực” thì không sao thâm nhập được vào bên trong tác phẩm.

Đối với tôi, phê bình cũng là tiếng nói tri âm với nhà văn, bởi tác giả phơi gan ruột mình trên trang giấy và mong được người đời chia sẻ. Nguyễn Du đã từng tự hỏi, không biết ba trăm năm sau, người đời ai khóc thương ông? (Độc Tiểu Thanh Ký). Nam Cao đã sống và viết với bao trăn trở. Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu là tiếng nói tâm huyết với văn chương. Ông đã chân thành và thiết tha nói lên những khát vọng. Nhà phê bình cần khám phá thế giới tinh thần của nhà văn là vậy. Từ đó, có thể nhìn thấy bộ mặt văn hóa, lịch sử của một thời ngay trên khuôn mặt nhà văn. Không có sự đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng, việc đọc tác phẩm của nhà phê bình chỉ còn là đọc những con chữ vô hồn.

Và người đọc khi thâm nhập tác phẩm, không chỉ là đọc con chữ, đọc câu truyện được kể, mà còn là hành trình đi tìm chính mình trong tác phẩm. Điều tìm kiếm có thể là những suy nghĩ, những ước mơ, những gì không thể nói ra mà chỉ có thể tìm gặp trong tác phẩm. Thí dụ, những cô gái không có người yêu, nhưng tâm hồn khao khát yêu đương, họ đi tìm tình yêu. Học khao khát có một người yêu như trong tiểu thuyết, họ đă71m mình trong những cuộc tình tưởng tượng được nhà văn vẽ ra trong tác phẩm. Họ chép những câu thơ tình yêu đúng với nỗi lòng của họ… Đi tìm chính mình trong tác phẩm cũng có thể là trải nghiệm những con đường mình chưa đi qua, sống những kiếp nhân sinh mình chưa bao giờ chạm tới, và phiêu du trong cả những cảnh giới không thực, nâng mình thoát khỏi cõi đời thực nhọc nhằn triền miên. Người ta thích truyện thần tiên, truyện phiêu lưu giả tưởng, truyện tình, truyện kiếm hiệp là vì vậy. Nói một cách khác, văn chương trong bản thân nó đã mang mối tri âm tri kỷ với người đọc.

2. Tôi đã đọc tác phẩm văn học như thế nào?

Tôi không phải là nhà phê bình chuyên nghiệp, không viết phê bình văn chương như một nghề kiếm sống. Tôi chỉ viết khi mình có cảm xúc và hoàn toàn làm chủ ngòi bút của mình. Đối tượng của tôi là tác phẩm. Tôi tập trung cho việc đọc hiểu tác phẩm, nhưng thật không dễ dàng. Tất cả các lý thuyết phê bình văn học, từ trường phái Hình thức Nga đến Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Ký hiệu học, Thông diễn học và Thuyết người đọc… đều tập chú vào việc đọc và hiểu tác phẩm, khám phá bản chất văn chương thông qua việc giải mã ký hiệu ngôn ngữ, rồi xem xét tác phẩm trong mối quan hệ văn hóa, xã hội...Đến nay, mọi lý luận vẫn còn bỏ ngỏ. Người ta muốn thiết lập một khoa học văn chương với những quy luật và phương pháp khả dụng, song tùy theo góc nhìn và mục đích đọc, người ta phát hiện một mặt nào đó của vấn đề. Ở Việt Nam, phương pháp tiểu sử, phương pháp phê bình giáo khoa, phê bình Marxist là những phương pháp thống trị một thời. Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa cùng với mục đích chính trị là tiêu chí tiên quyết áp dụng cho mọi cách đánh giá tác phẩm. Tác phẩm chỉ được coi là chứng lý để đánh giá con ngưởi xã hội của tác giả.

Nhưng tác phẩm văn chương tồn tại như một sinh mệnh trong cuộc đời, không lệ thuộc vào tác giả (Truyện Kiều và Nguyễn Du là hai thực thể xã hội biệt lập). Nó có giá trị tự thân với tư cách là một thực thể thẩm mỹ. Nó cũng có giá trị xã hội vì nó tác động vào hiện thực, và nó được sử dụng để cải tạo hiện thực. Giá trị tự thân của tác phẩm văn chương nằm trong mọi yếu tố cấu trúc của nó. Chủ nghĩa Cấu trúc, Ký hiệu học, Phân tâm học có khả năng khám phá giá trị này. Ngược lại, phê bình xã hội học, phê bình Marxist, phê bình văn hóa, Thuyết người đọc là những công cụ hữu dụng để xem xét giá trị xã hội của tác phẩm. Không có phương pháp phê bình nào có thể đọc được giá trị của mọi tác phẩm. Mỗi phương pháp phê bình chỉ giúp nhìn ra một khía cạnh nào đó. Bakhtin đọc Dostoïevski bằng Thi pháp học, Sartre đã dùng Phân tâm hiện sinh để đọc Baudelaire, và Roland Barthes lại dùng Ký hiệu học để nghiên cứu truyện ngắn Sarrasine của Balzac (trong tác phẩm S/Z)…

Tiếp cận với một tác phẩm văn chương, trước hết tôi khám phá cấu trúc của tác phẩm, vì cấu trúc là tất cả. Sau đó lần theo ý thức sáng tạo của tác giả, tôi tìm cách “bẻ khóa” cách tác giả mã hóa tín hiệu, rồi từ đó giải mã hệ thống ký hiệu của văn bản. Xin đọc bài viết về thơ Nguyễn Quang Thiều như một thí dụ. [2] Nhiều bài thơ Nguyễn Quang Thiều có kiểu cấu trúc truyện của F. Kafka và tư tưởng R.Tagore. Nếu không đọc thơ Nguyễn Quang Thiều bằng cấu trúc này này thì sẽ bị lạc trong mớ chữ nghĩa gây nhiễu. Cũng vậy, thơ Thiền được viết bằng kiểu ngôn ngữ “vô ngôn” theo những nguyên tắc của mỹ học Thiền. Sẽ bất lực nếu giải mã thơ Thiền bằng cách đọc theo kiểu thơ phản ánh hiện thực. Xin đọc: Một cách tiếp cận thơ Thiền [3]. Nhưng khi đọc những bài thơ được viết bằng thủ pháp Hậu hiện đại, tác giả phá vỡ cấu trúc truyền thống của tác phẩm, thì cách đọc Giải cấu trúc và Ký hiệu học và có thể giúp thâm nhập tác phẩm. Xin đọc bài Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại.[4]

Sau khi khám phá cấu trúc và cách mã hóa ngôn ngữ, tôi bắt đầu tìm hiểu nghĩa của tác phẩm. Nếu bị huyễn hoặc bởi Lý thuyết người đọc, thì tất cả sẽ rối mù vì không biết đâu là ý nghĩa thực của tác phẩm [5]. Hãy trở lại từ gốc. Trước tiên, nghĩa của tác phẩm là nghĩa do cấu trúc thẩm mỹ tạo ra, tức là ý nghĩa mà thế giới nghệ thuật của tác phẩm tạo ra. Đây là lớp nghĩa làm nên sự tồn tại của tác phẩm. Bởi mỗi tác phẩm, luôn có một cấu trúc cố định. Chỉ khi tác giả cố ý phá vỡ cấu trúc tác phẩm, lúc ấy người đọc mới tái cấu trúc để tìm nghĩa, và nghĩa của tác phẩm là do người đọc quyết định. Dù vậy, tác giả vẫn gửi trong tác phẩm những thông điệp tiềm ẩn. Ngay cả trường hợp tác giả chỉ bày ra những mãnh vỡ của hiện thực, rời rạc, ngẫu nhiên, hoang tưởng, phi logic,… thì đó cũng là một thái độ chọn lựa cách thể hiện thông điệp.[6] Tôi đã đọc bài ca dao Thằng Bờm từ góc nhìn cấu trúc và khám phá ra rằng, bài ca dao có ý nghĩa như một ngụ ngôn, không phải ý nghĩa đấu tranh giai cấp giữa nông dân và địa chủ như người ta quen gán ghép.[7]

Nhưng nghĩa của tác phẩm không chỉ do cấu trúc tạo ra. Tác phẩm còn những lớp nghĩa do con chữ đan dệt làm nên hình hài, còn có hình tượng là yếu tố trung tâm, có thời gian, không gian làm bối cảnh. Và khi nhà văn kiến tạo tác phẩm, anh ta không chỉ đan dệt chữ, xây dựng hình tượng mà còn huy động vào tác phẩm tất cả vốn sống, vốn tri thức văn hóa, xã hội, lịch sử…; bản thân nhà văn còn là con người xã hội của một cộng động với những truyền thống lịch sử-văn hóa nhất định. Tất cả những truyền thống của đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng ấy đều trở thành máu thịt của tác phẩm. Vì thế người đọc cần có tri thức về tất cả những lĩnh vực đó (tri thức ngoài cấu trúc tác phẩm) mới có thể đọc tác phẩm. Thí dụ Kim Lân viết Vợ nhặt với những truyền thống ngôn ngữ, văn hóa Bắc bộ, trái lại Sơn Nam viết Hương rừng Cà Mau trong bầu khí của đời sống, lịch sử, văn hóa Nam bộ.

Và đàng sau tác phẩm luôn luôn là tác giả, dù tác giả có giấu mặt thế nào thì anh ta vẫn lộ diện. Chính anh ta là người kể chuyện cho người đọc nghe. Giọng kể của anh ta là giọng riêng với vốn từ ngữ, cách nói năng, cá tính và phẩm chất văn hóa riêng không lẫn lộn được. Đó là thái độ của tác giả đối với hiện thực, là những nghĩ suy về những vấn đề của đời sống, qua đó lộ ra thế giới quan, nhân sinh quan thể hiện trong việc giải quyết vấn đề. Hơn nữa, tác phẩm luôn là tiếng nói của một “cái tôi” tác giả cụ thể, không thể có “độ không của lối viết”, trừ khi người ta lập trình cho robot làm thơ, viết truyện. Một cô gái mới quen một chàng trai, chỉ sau vài câu chuyện, chàng trai thổ lộ: “anh yêu em nhiều lắm”. Cô gái sẽ bỏ ngoài tai lời anh nói (tác phẩm), mà tra hỏi ngay về con người chàng trai (tác giả). Anh ta có thành thực không? Nói như vậy, anh ta có mục đích gì? Những nguyên nhân nào dẫn đến việc anh ta tỏ tình? Nói cách khác, tác phẩm là văn bản ngôn ngữ, là một diễn ngôn, vì thế đọc văn bản, không chỉ cần hiểu văn bản mà cần hiểu tác giả, đó mới là cái đích của phê bình. Tôi muốn nói đến việc khám phá cá tính sáng tạo của nhà văn, khám phá con đường nhà văn kiến tạo tác phẩm và đặc biệt khám phá tư tưởng thẩm mỹ chi phối mọi yếu tố sáng tạo.

Đọc tác phẩm văn chương, người đọc thường yêu cầu phải là tác phẩm hay. Đó là một nhận thức cảm tính. Con người tiếp cận thế giới thông qua các giác quan, cảm xúc. Vì thế mọi nhận thức, trước tiên là nhận thức cảm tính. Cảm nhận nghệ thuật còn đòi hỏi sự tinh tế hơn nữa của giác quan cùng với ý thức về cái thẩm mỹ. Bởi yếu tính của nghệ thuật là cảm xúc, là tình cảm. Đọc thơ, đọc truyện, ta cảm cái hay cái đẹp trước đã (cảm tính), sau đó mới xem xét giá trị (lý tính). Cái đẹp nghệ thuật là cái đẹp của sự tiếp nhận toàn vẹn. Bông hồng đẹp khi nó là một cành hồng toàn vẹn sắc hương. Nếu ta tách từng cánh hoa hồng ra để xem xét hoa hồng đẹp ở chỗ nào thì hoa hồng không còn là hoa hồng nữa. Tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Phải đọc toàn vẹn tác phẩm, mở rộng khẩu độ của mọi giác quan đón nhận những tín hiệu thẩm mỹ, từ đó với sự cộng hưởng của tâm hồn, sẽ lòng ta bỗng thấy rung rưng. Người đọc, bằng trực giác có thể cảm ngay được cái hay của tác phẩm. Tuy nhiển thưởng thức nghệ thuật là cảm tính, nên cái hay với người này chưa chắc đã là cái hay với người khác. Có người thích cải lương, lại có người thích Giao hưởng, người trẻ thì thích Rock, Rap. Đọc tác phẩm văn chương, người thích thơ Đường, người thích ca dao, có người chỉ đọc một vài tác giả mình thích. Chủ nhận trang Viet-studies.com lập hẳn một trang về Nguyễn Ngọc Tư vì ông thích nhà văn này. Không thể áp đặt sự yêu ghét tác phẩm của mình lên người khác là vậy.
Phê bình văn chương gạt ra ngoài sự yêu ghét cảm tính mà dùng nhận thức lý tính của những phương pháp khoa học để tìm ra giá trị văn chương. Nếu phê bình chỉ dùng trực giác cảm tính chủ quan, gán cho tác phẩm những ý nghĩa mà tác phẩm không nói, hay nói cách khác, người phê bình chỉ dùng tác phẩm làm phương tiện phô trương cái tôi thì đó không còn là phê bình văn chương. Cái khó của người viết phê bình là ở năng lực khám phá tác phẩm. Đây là một năng lực riêng, sánh ngang với năng lực sáng tạo của nhà văn. Năng lực này là tổng hợp mọi tri thức kết hợp với sự hiểu biết sâu sắc các lý thuyết văn học cùng với những kinh nghiệm đọc và giải mã tác phẩm. Năng lực này là năng lực trí tuệ, nó vận dụng mọi khả năng tư duy (ghi nhận, phân tích, tổng hợp, so sánh, lý giải, đánh giá…). Người viết văn có thể không cần phải học nhiều, biết nhiều vẫn có thể sáng tác nếu anh ta có năng lực tưởng tượng và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Trái tại, người viết phê bình không có vốn tri thức, vốn lý luận văn học, không đọc nhiều, không có kỹ năng phân tích ngôn ngữ, phân tích tác phẩm thì không thể viết phê bình văn học. Người viết phê bình cũng phải có năng lực nghiên cứu là vì vậy. Xin trích lại một đoạn tôi viết về thơ Bùi Giáng.

Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên? Rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
(Bùi Giáng)

Đây là câu Bùi Giáng trả lời cho người muốn tra hỏi về ông. Nếu người đọc chỉ tra hỏi, đo, đếm với cái tâm sai biệt (Nghi tâm), chỉ bám vào câu chữ, thì không thể hiểu ông nói gì. Bởi vì Bùi Giáng tồn tại vô sắc tướng trong đoạn thơ. Người đọc cảm được cái hay cuả đoạn thơ nhưng khó giải thích được được bản chất thẩm mỹ cuả đoạn thơ là gì. Đây chính là đặc điểm ngôn ngữ Thiền. Không hiểu mới là Thiền. Bởi vì Thiền “…Bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm “, Thiền loại bỏ tất cả sự nhận thức cuả trí. Khi còn bám vào sắc tướng (lời) còn nghi tâm, thì không hiểu được ý ở ngoài lời.

Tất nhiên bằng trực giác, ta vẫn có thể hiểu được lớp nghiã tường minh cuả văn bản, bởi vì trong ta đã có sắn vốn ngôn ngữ để hiểu. Ta hiểu được “Biển xanh dâu“ vì trong ta đã có câu thơ Kiều “Trải qua một cuộc bể dâu “. Trong ta, ai cũng đã từng một lần dệt mộng cho tình đầu cuả mình, ”mộng ban đầu “, “mộng dưới hoa “, “mộng bình thường“. Đoạn thơ còn quen thuộc ở cấu trúc giống với đoạn thơ Nguyễn Du giới thiệu Mã Giám Sinh, một nhân vật để lại nhiều ấn tượng cho người đọc Kiều. Sự thú vị càng tăng lên khi người đọc nhận ra phép đối trong câu chữ cuả Bùi Giáng với câu chữ cuả Nguyễn Du: “Hỏi quê: “ rằng huyện Lâm Thanh cũng gần “ (truyện Kiều ), đối với “Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa “(Bùi Giáng). Bùi Giáng đối lập mình với Mã Giám Sinh, từ đó đặt mình trong tương quan với Nguyễn Du. Câu thơ Nguyễn Du là câu thơ tả thực nói cái đời thường, quê quán, tuổi tác, gia cảnh. Câu thơ Bùi Giáng ngược lại, dẫn người đọc vào một cuộc chơi ngôn ngữ. Chữ, lời trong tay Bùi Giáng như thật, như đùa, trong một cuộc chơi công phu của tư tưởng, của cõi hành Thiền. Cái hay cuả đoạn thơ còn ở chỗ Bùi Giáng làm thay đổi đột ngột cách tư duy cuả người đọc. Đang từ kiểu tư duy hình tượng với biển xanh dâu, đột ngột đổi sang kiểu tư duy logic cụ thể đo đếm, một, hai , ba , rồi tức khắc chuyển sang tư duy triết học với những “diệu tưởng, nghi tâm“. Tư duy logic cuả người đọc bị lật nhào, đoạn thơ mở ra chiều tư tưởng, buộc người đọc phải thoát ra khỏi câu chữ để nhìn bằng cái tâm không sai biệt (tâm Phật) để đối thoại với ông. Tiến trình đọc như vậy tạo ra khoái cảm thẩm mỹ. Người đọc có thể không hiểu câu chữ Bùi Giáng vẫn cảm nhận được cái hay cuả thơ ông là vậy.

Nhưng để viết được như vậy, tôi đã phải tra cứu cách nói “vô ngôn” của Thiền trong Thiền Uyển Tập Anh, và trong Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki.
Thí dụ: Đệ tử hỏi:
- Thế nào là Phật?
Thiền sư Tịnh Không (1091-1170) đáp:
- Nhật nguyệt sáng soi ức triệu cõi
Ai hay mua móc gội non sông!
(Thiền Uyển Tập Anh)
Câu trả lời của Thiền sư Tịnh Không chỉ là để trả lời cho có. Nó vô nghĩa. Bởi Phật không là một thực thể như vạn pháp, mà là trạng thái chứng ngộ. Trạng thái này không thể diễn tả bằng lời. Nếu cứ bám vào lời, vào hình ảnh mà giảng tất sẽ sai lạc. Rằng Phật là ánh sáng mặt trăng mặt trời soi chiếu ức triệu cõi, rằng Phật là mưa móc gội trên sông núi nào ai biết. Kinh Kim Cang dạy rằng Phật là KHÔNG. Cách trả lời của Thiền sư Tịnh Không trong Thiền Uyển Tập Anh là cách nói vô ngôn. Cách trả lời của Bùi Giáng trong đoạn thơ trên cũng là cách nói ấy. Đây là một đoạn đối thoại giữa Đức Phật với Tu Bồ Đề:
“- Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?
- Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.
Bụt bảo thầy Tu Bồ Đề:
-"Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lường gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai." (Kinh Kim Cương-Thích Nhất Hạnh dịch)[8]

3. Trông cậy gì ở các lý thuyết phê bình?

Viết về một tác phẩm, một tác giả hay một hiện tượng văn học, phương pháp phê bình không phải là yếu tố quyết định mà chỉ là yếu tố công cụ. Điều làm tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ là mình sẽ khám phá được gì mới hơn, khác hơn so với những gì người khác đã viết, và nhất là tránh lặp lại ý kiến người khác. Nếu hai người viết phê bình sử dụng cùng một phương pháp, một cách tiếp cận thì sẽ cho ra những nhận định không khác nhau. Thí dụ, nếu chỉ dùng phương pháp phê bình của chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì tác giả nào cũng xem xét tác phẩm có phản ánh hiện thực cách mạng không, có xây dựng những nhân vật điển hình không, có kết hợp với lãng mạn cách mạng không, và xem tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị như thế nào. Vì thế hầu hết tác phẩm được phân tích trong nhà trường đều có một khuôn mẫu giống nhau. Phân tích chủ đề, phân tích giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và lướt qua một vài đặc sắc nghệ thuật như nghệ thuật xây dựng nhân vật, tạo tình huống, tả tâm lý…Học sinh chán học Văn là vì vậy.

Mỗi tác phẩm là một cấu trúc nghệ thuật riêng, mỗi tác giả có một kiểu tư duy nghệ thuật và một thế giới sáng tạo riêng, vì thế không có một phương pháp phê bình nào chung cho mọi loại tác phẩm hoặc cho tất cả các tác giả. Nguyễn Tuân viết Chữ Người tử tù bằng bút pháp lãng mạn kết hợp với cấu trúc kịch thì không thể đọc Chữ Người tử tù như một tác phẩm hiện thực. Cũng vậy, thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều bài viết bằng bút pháp Siêu thực, kết hợp với kiểu truyện Hiện sinh của Kafka và ánh sáng tư tưởng R. Tagore thì không thể đọc bằng phương pháp phê bình Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trước 1945 Hoài Thanh đã bất lực trước những lâu đài nghệ thuật Siêu thực. Ông chỉ có thể đọc được thơ Lãng mạn bằng những ấn tượng do trực giác đem lại. Học sinh lớp 12 đang học tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng chủ nghĩa hiện thực, khi tiếp cận các tác phẩm văn học nước ngoài của Lỗ Tấn, M.Sôlôkhốp và E. Hemingway thì hoàn toàn ngỡ ngàng, bởi các tác giả này kiến tạo tác phẩm bằng những tư tưởng thẩm mỹ và bút pháp khác với văn học cách mạng Việt Nam. Cũng vậy, những cách tân của Thanh Tâm Tuyền, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm là thách đố trí tuệ và năng lực đối với nhiều người viết phê bình; và rất nhiều người đã không đọc được loại “thơ khó hiểu” của những người viết trẻ đầu thế kỷ XXI như thơ Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh…

Những nhà văn tài năng là người luôn đi trước thời đại. Không có cái áo lý luận và phê bình nào mặc vừa sự sáng tạo của họ. Các lý thuyết văn học và phê bình văn học chỉ giúp tìm hiểu một góc cạnh nào đó của tác phẩm. Vì thế người viết phê bình cũng phải tự mình tìm kiếm những cách tiếp cận tác phẩm riêng, không máy móc áp dụng lý thuyết. Tự mình tìm lấy những góc nhìn mà ở đó có thể phát hiện ra vấn đề mới, mà không nhìn bằng con mắt người khác. Và cũng tự mình viết những trang văn mang bản sắc riêng, không lẫn lộn với những cây bút khác.

Sau cùng, giá trị của trang viết là sự đóng góp vào việc khám phá những giá trị văn học, vì thế, đòi hỏi người viết phê bình phải làm việc cẩn trọng, công phu, may ra mới tìm thấy những hạt châu ngọc văn chương cho đời.

Tháng 3 năm 2017
_______________________
[1] Giai thoại văn học: http://www.maxreading.com/sach-hay/giai-thoai-van-hoc/dien-tich-truyen-kieu-cam-dai-ba-nha-tu-ky-31968.html
[2] Bùi Công Thuấn-Ta vẽ mắt nhân loại hình lục giác- đọc thơ Nguyễn Quang Thiều:
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18902
[3] Bùi Công Thuấn- Một cách tiếp cận thơ Thiền
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5E4458
[4] Bùi Công Thuấn-Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại:
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8942
[5] Nguyễn Văn Dân-Đừng làm rối trí người đọc:
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/dung_lam_roi_tri_nguoi_doc.html
[6] Bùi Công Thuấn- Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại- 8: Văn Cầm Hải
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=8943
[7] Bùi Công Thuấn-Bờm ơi là Bờm:
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18536
[8] http://www.thuvienhoasen.org/kinhkimcuong-thichnhathanh.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét