ĐỌC LẠI TRUYỆN NGẮN ÔNG NĂM CHUỘT CỦA PHAN KHÔI
Bùi Công Thuấn
Tôi rất vui khi được chia sẻ suy nghĩ của mình về những vấn đề ông Phan Nam Sinh đặt ra khi trao đổi với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về truyện ngắn Ông Năm Chuột của Phan Khôi.
Những vấn đề lịch sử về Phan Khôi và về truyện Ông Năm Chuột thuộc về một lĩnh vực nghiên cứu khác. Bạn đọc hôm nay đối diện với truyện Ông Năm Chuột thông qua văn bản ngôn ngữ truyện. Mọi ý nghĩa của tác phẩm trước hết phải là ý nghĩa từ cấu trúc ngôn ngữ văn bản này. Cách đọc và suy diễn cảm tính những ý nghĩa bên ngoài tác phẩm hay dùng tác phẩm như một “vật chứng” để quy kết về tác giả, đó không phải là cách đọc tác phẩm văn chương.
Vậy cần phải đọc Ông Năm Chuột như thế nào?
Thời điểm hiện tại (thế kỷ 21 hội nhập toàn cầu hóa) khác với thời điểm 1958 khi Ông Năm Chuột đăng trên báo Văn số 36. Ngày nay, cách đọc xã hội học dung tục đã phải nhường chỗ cho những quan điểm và lý thuyết văn học mới, nhờ đó tác phẩm được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Ánh sáng nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị đã nhấn mạnh đế tinh thần nhân văn và dân chủ sâu sắc của văn học. Nghị quyết ghi rõ:”Tư duy lý luận và quan điểm của Ðảng về văn học, nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển, góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho văn nghệ sĩ…- Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ.”
1.TẦM VÓC NHÀ VĂN PHAN KHÔI
Phan Khôi nhà báo kiệt xuất thì đã rõ. Phan Khôi cũng người mở đầu cho phong trào Thơ Mới (1930-1945), nhưng tầm vóc nhà văn của Phan Khôi có sánh được với báo chí và thơ của ông không? Nhà văn là người viết tác phẩm hư cấu, nhưng một thời gian dài ông không công bố tác phẩm truyện nào? Về điều này ông Phan Nam Sinh cho biết: ”Phan Khôi không viết văn hư cấu chỉ là do hoàn cảnh đất nước và đời sống riêng của Phan Khôi không thuận lợi và cũng chưa đòi hỏi tới mức để ông phải làm việc ấy.”...”Phan Khôi rất coi trọng phản biện xã hội, xem đó là thứ vũ khí song hành và rất sắc bén để thực hiện mục đích khai trí của phong trào Duy tân, một tổ chức mà trong một thời gian dài có tới hơn sáu năm, ông tích cực tham gia.”
Thực ra, việc chọn lựa thể loại văn chương để thể hiện tư tưởng nằm trong chủ đích của nhà văn. Một nhà lý luận, một tài năng sáng tạo như Phan Khôi, khi chọn một kiểu tác phẩm nào đó để thể hiện tư tưởng hẳn nhiên là có mục đích riêng, bởi ông biết rõ ưu thế của từng thể loại. Một thời gian dài ông không viết truyện hư cấu không phải do “viết truyện hư cấu ít hứa hẹn hơn nhiều” như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định. Nhưng trong những hoàn cảnh cần thiết bày tỏ trực tiếp chính kiến, thù dùng văn chính luận sẽ là một lợi khí sắc bén.
Người viết văn nào cũng biết viết truyện ngắn hư cấu đòi hỏi công sức sáng tạo hơn nhiều so với viết văn chính luận. Có khi, có một cốt truyện nhưng nhà văn không thể tìm được chủ đề thể hiện tư tưởng, thì cũng không thể viết thành truyện. Cũng có khi, nhà văn đã có tư tưởng và những vấn đề cần lên tiếng, nhưng lại không có một cốt truyện để thể hiện, thì cũng không thể viết thánh truyện. Vì thế nhà văn thường lấy chất liệu từ đời sống rồi tự sáng tạo một cốt truyện để thể hiện chủ đề, tư tưởng. Việc mã hóa chủ đề, tư tưởng trong hình tượng là công đoạn khó khăn nhất vì nó đòi hỏi năng lực sáng tạo của người cầm bút. Và ngay cả khi truyện đã được công bố thì người đọc chưa hẳn đã đọc được những “chính kiến” tác giả gửi trong tác phẩm (thí dụ như truyện Ông Năm Chuột) vì nhiều lẽ. Trước hết ở kiểu truyện. Những truyện mã hóa như một ẩn dụ (Kinh Thánh có nhiều dụ ngôn), những truyện triết học (thí dụ F. Kafka), những kiểu viết Siêu thực, hay dùng những yếu tố ngẫu nhiên, hoang tưởng, phá vỡ cấu trúc trong thủ pháp của Hậu Hiện Đại… thì không hẳn người đọc nào cũng có thể thâm nhập thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Điều này có thể giải thích cho lý do một thời gian dài Phan Khôi không viết truyện hư cấu.
Nhưng nếu nói rằng :”Chỉ đến khi Phê bình lãnh đạo văn nghệ (1956) được đăng trên Giai phẩm mùa thu bị kịch liệt phê phán, đồng nghĩa với việc ông không còn đất để phản biện được nữa, Phan Khôi mới trở về cùng lối văn hư cấu và đã rất thành công với truyện ngắn Ông Năm Chuột.”(Phan Nam Sinh), tôi e rằng chưa thấu đạt mục đích và tài năng văn chương của Phan Khôi, nếu không nói là hạ thấp tài năng viết truyện của Phan Khôi.
Ngày nay, nhiều người viết truyện chuyển sang viết lý luận, hoặc ngược lại, có nhà lý luận chuyển sang làm thơ, viết truyện; hẳn các tác giả ấy có sự chọn lựa riêng. Chúng ta nên tôn trọng quyền chọn lựa cách viết của Phan Khôi. Vấn đề là, từ một ngòi bút với tư duy chính luận phản biện sắc xảo chuyển sang kiểu văn hình tượng, Phan Khôi có thành công không? và truyện ngắn Ông Năm Chuột có giá trị văn chương như thế nào? Chính giá trị này mới làm nên nhà văn Phan Khôi.
Thái kế Toại (1) cho rằng :”Truyện ngắn Ông Năm Chuột ... với bút pháp bậc thầy, nội dung hàm chứa nhiều thông điệp mang tính ẩn dụ cao còn có ý nghĩa cách tân văn học so với các truyện ngắn minh họa đơn giản trong thời điểm đó”. Những ý kiến nói về giá trị văn chương của Ông Năm Chuột như nhận định của Thái Kế Toại chưa nhiều (?). Người ta chỉ mới mơ hồ điều này là, vì Ông Năm Chuột mà tờ báo Văn bị đóng cửa, và Phan Khôi phải chịu trách nhiệm chính trị. Nhưng chỉ cần một truyện ngắn Ông Năm Chuột, Phan Khôi đủ khẳng định tài năng văn chương của mình, cũng như chỉ cần một bài thơ Tình Già, Phan Khôi đã khẳng định mình là người đi tiên phong của phong trào Thơ Mới (1932-1945)
2.ÔNG NĂM CHUỘT LÀ MỘT TÁC PHẨM KÝ?
Có lẽ không khó để xác định thể loại của một tác phẩm. Nhưng đặt vấn đề xác định thể loại của Ông Năm Chuột là để làm gì?
Nếu gọi Ông Năm Chuột là ký, tức là thể loại ghi lại người thật việc thật, thì Ông Năm Chuột sẽ giúp người đọc tìm hiểu về đời tư tác giả Phan Khôi qua nhân vật Tôi với những chi tiết tự thuật rất thật.
Và nếu chỉ đọc tác phẩm để tìm hiểu con người xã hội của tác giả thì đây là cách xã hội học dung tục. Người ta coi văn bản tác phẩm là “vật chứng” để quy kết tác giả. Cách đọc này phủ định sự sáng tạo và những giá trị tư tưởng-thẩm mỹ của tác phẩm. Nếu đọc Ông Năm Chuột để tìm hiểu và quy kết Phan Khôi như Đào Vũ đã viết (2), thì mục đích này sẽ thất bại. Đào Vũ viết: ”Phan Khôi con quan, cháu quan chính tông dòng dõi nhà quan như Phan Khôi đã tự báo trong truyện “Ông Năm chuột”. Có điều Phan Khôi chưa tự báo là Phan Khôi còn đã là một đại địa chủ chiếm đoạt bao nhiêu mẫu nương dâu…”
Không kể những điều Đào Vũ bịa đặt, Phan Khôi đúng là cháu ngoại Tổng đốc Hoàng Diệu, cha là cụ Phan Trân (1862-1934), đậu phó bảng, làm tri phủ Diên Khánh, năm 37 tuổi (1899), ông cáo bệnh từ quan. Đào Vũ nhắc đến những chi tiết này là để nói điều gì về giá trị tác phẩm? hay chỉ để quy kết “thành phần giai cấp” phong kiến của Phan Khôi? Có chi tiết này: Nhân vật Tôi trong Ông Năm Chuột kể:” Năm 1944, tôi ở Hà Nội, về nhà được mấy hôm thì thầy tôi mất. Làm đám xong, tôi ở luôn trong nhà ba bốn tháng không ra khỏi cổng”, Đào Vũ sẽ giải thích thế nào khi cụ Phan Trân, thân phụ Phan Khôi qua đời năm 1934?(*)
Nếu gán cho nhân vật Tôi là Phan Khôi, thì những gì Tôi thuật lại không đủ để hiểu về Phan Khôi. Tôi kể : ”Hồi tôi còn 14 tuổi, 15 tuổi, thì đã nghe người làng nói nhiều về cái tên Năm Chuột- Năm hai mươi tuổi, tôi thi đỗ tú tài- Tháng tám năm Hợi, mẹ tôi mới đẻ tôi ra - vào khoảng 1920, một lần tôi ở Hà Nội về nhà, thấy người ta nói Năm Chuột bây giờ lập gia đình ở ngụ tại làng tôi- gần nay, đọc Lỗ Tấn toàn tập, tôi mới thấy trong đó có nhắc đến tên cuốn sách ấy- tôi bấy lâu trau dồi cái đức tính ngay thực của người viết báo -Năm 1944, tôi ở Hà Nội, về nhà được mấy hôm thì thầy tôi mất…”
Trong suốt tác phẩm, nhân vật tôi chỉ im lặng và nép mình đi.“Tôi thấy cái điều anh ta nói đó hình như đúng, tôi làm thinh.” Có khi“Tôi bẽn lẽn ấp úng, cười hì hì không trả lời được”. Có khi “tôi cảm động quá. Tôi không dám chống lại ý anh ta, chỉ nói như vớt vát một ít“, và có lúc phải thú nhận:”Không biết đối đáp thế nào với hắn, tôi phải nói một câu mà tự mình cũng thấy là non nớt quá”…
Thực ra, nhân vật tôi chỉ là nhân vật dẫn truyện, làm ngòi nổ cho nhân vật Năm Chuột. Những chi tiết thật về đời tư của nhân vật Tôi chỉ để ám thị người đọc rằng, truyện Tôi kể là truyện thật. Có khi những cảnh, những người, những sự việc và chi tiết là thực, nhưng cốt truyện, nhân vật chính lại hoàn toàn hư cấu. Tài năng của tác giả là ở chỗ mượn cái thật để hư cấu sáng tạo, làm cho người đọc tin những gì được hư cấu là thực, nhất là cái cách Phan Khôi trực tiếp tự miêu tả tâm trạng mình (như trích ở trên) thì hết sức thuyết phục.
Quan sát nhân vật Năm Chuột, Phan Khôi thú nhận là “không biết rõ” về nhân vật này. Ông mở đầu và kết truyện thế như sau:”Về gốc gác của hắn, chỉ thấy nói là người làng Kỳ Lam, cái làng ở phía Bắc làng tôi, cách một con sông, về sau có cái ga xe hỏa gọi là ga Kỳ Lam, còn mọi sự khác không biết rõ. Hình như hắn cũng không có nhà cửa, cha mẹ, vợ con gì ở làng…”
“…Buồn quá, một hôm tôi đi tìm anh ta. Ðến nơi, cái túp tranh không có nữa. Ðến nơi, cái túp tranh không có nữa. Hỏi thì người ta nói Năm Chuột dọn đi đâu đã lâu rồi. Từ đó tôi mất Năm Chuột của tôi.”
Như vậy, cả hai nhân vật Tôi và Năm Chuột đều không có địa chỉ đáng tin để người đọc có thể lần ra manh mối. Ông Năm Chuột không phải là một tác phẩm Ký. Nếu bám víu vào Ông Năm Chuột để “quy chụp” Phan Khôi, thì đó là dụng ý ngoài tác phẩm. Ngày nay những dụng ý như bài viết của Đào Vũ đã rõ ràng trắng đen.
3. ÔNG NĂM CHUỘT LÀ MỘT TRUYỆN NGẮN?
Gọi Ông Năm Chuột là truyện thì cần phải xem xét nhân vật Năm Chuột, bởi nhân vật này là hình tượng trung tâm. Tác giả có thể kể về Năm Chuột mà không cần đến nhân vật Tôi. Năm Chuột chứa đựng đầy đủ nội dung, chủ đề, tư tưởng và nghệ thuật của truyện. Những chi tiết đời thực chỉ là chất liệu phục vụ cho việc xây dựng hình tượng này. Bạn đọc hôm nay khi đọc Ông Năm Chuột sẽ cảm nhận trực tiếp tài năng, tư tưởng nghệ thuật của Phan Khôi qua hình tượng Năm Chuột, không cần biết những nhận vật mà Năm Chuột nói đến trong thực tế là ai. Thí dụ Năm Chuột nói đến nhân thân của nhân vật Tôi:
- “Quan lớn hồi xưa (chỉ ông ngoại tôi) làm đến Tổng đốc Hà Nội vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói; còn ông phủ (chỉ cậu tôi) mới làm Tri-phủ có 3 năm về “chung dưỡng”, mua được những mươi mẫu ruộng, tôi biết là hạng đất tốt nhất, thế sao nói là không có nhiều tiền?
Tôi thấy cái điều anh ta nói đó hình như đúng, tôi làm thinh”
Những chi tiết ấy người đọc biết rõ hay không biết cũng không ảnh hưởng gì đến nhân vật Năm Chuột
Phan Nam Sinh nhận định: nhân vật Năm Chuột được:”xây dựng trên nền tảng của luận lý học và cái triết lý yêu nước, ghét Tây “ là hoàn toàn xác đáng.
Năm Chuột có thể là một “bậc kỳ tài” ẩn thân, bởi ông ta làm được những việc người khác không thể làm. Việc ông ta làm có mục đích rõ ràng, không thể gọi là xấu. Ông ta có tri thức văn hóa sâu rộng, có những hiểu biết sâu sắc về con người và thời đại mình. Nhân vật Tôi, dù đỗ Tú Tài, dù sinh trưởng trong một gia đình thế giá, cũng chạy theo không kịp những hiểu biết của Năm Chuột. Những gì Năm Chuột nói đều được Tôi kiểm chứng và xác nhận đúng. Chẳng hạn, Năm Chuột đọc Thương-Sơn thi tập, đọc xong xé tập thơ cuộn thuốc hút. Hắn nói chỉ giữ lại 1 quyển trong đó có bài Mại trúc diêu. Nhân vật Tôi lạnh người vì đã đọc thơ Thương Sơn rồi nhưng “bài Mại trúc diêu là bài thế nào, tôi có biết đâu?” ; hoặc khi biết Năm Chuột đọc Kim Thạch chí-biệt”, nhân vật tôi thú nhận: ”thầy tôi cũng chịu không biết,”… Cho mãi đến gần nay, đọc Lỗ Tấn toàn tập, tôi mới thấy trong đó có nhắc đến tên cuốn sách ấy. Tôi nghĩ mà lấy làm thẹn,…mình là người học thức viết báo viết biếc, mà tỏ cái dốt..”
Năm Chuột còn biết đến gốc ngọn việc làm quan của thân sinh nhân vật Tôi, biết gốc ngọn từ thời Đồng Khánh, Thành Thái đến giờ ở cái làng Bảo An, ông nào cũng làm đến phủ huyện rồi kiếm cách từ chức mà về. Nhân vật tôi phải xác nhận cái sở kiến của Năm Chuột là độc đáo và khẳng định thêm: ”Thuở Tự Ðức ông Nguyễn Duy Tự, làm đến phủ đoãn Thừa Thiên, ông nội tôi làm đến án-sát Khánh Hòa, cũng đều bị cách.Tôi không tin phong thủy, nhưng đó là sự thực”. Chỉ có điều, Năm Chuột mượn hình hài nhếch nhác, chọn công việc và cách sống bình dân để che dấu tung tích của mình, khiến cho nhân vật Tôi như bị hút vào Năm Chuột; và dù đã tiếp cận Năm Chuột nhiều lần nhưng Tôi vẫn không thể nhận rõ Năm Chuột là ai.
Cái ý thức chống Tây và chống bọn quan lại phong kiến ở Năm Chuột là rất rõ. Chỉ có điều ý thức ấy không biến thành hành động yêu nước cụ thể như một chiến sĩ mà ẩn thân trong một cách sống có vẻ bí mật, như một kẻ giang hồ, tạo ra những huyền thoại và nghi ngờ, khiến người làng không ai dám thuê hắn làm việc gì về cái nghề của hắn cả…người ta lại cho Năm Chuột là kẻ nói láo nói phét, vào cái hạng “mười voi không được bát nước xáo”. Đó cũng là cái dụng ý của Năm Chuột.
”Hắn cũng không có nhà cửa, cha mẹ, vợ con gì ở làng. Hắn làm thợ bạc, quanh năm đi làm nghề ở các nơi,…Nhiều người còn nói Năm Chuột đúc súng, đúc bạc giả được. Mỗi khi nói điều ấy, họ làm ra vẻ bí mật, hình như họ có ý ngờ cho Năm Chuột định làm một việc gì lớn, “làm giặc” chẳng hạn.”
Phan Nam Sinh nhận định:” Năm Chuột đầy cá tính, không thể trộn lẫn với bất kỳ nhân vật nào khác, thậm chí đã đạt tới mức các điển hình nhân vật trong văn học hiện đại chúng ta.” Vậy đặt Ông Năm Chuột vào bối cảnh 1956, Phan Khôi muốn nói gì qua hình tượng Năm Chuột? và hình tượng Năm Chuột có ý nghĩa gì đối với hôm nay?
Có người nói Phan Khôi dùng nhân vật Năm Chuột để ám chỉ người này, người kia. Nhưng thực ra cả nhân vật Tôi và Năm Chuột chỉ là phân thân của một người, đó là tác giả. Nhân vật tôi là bóng dáng đời thực Phan Khôi, còn Năm Chuột là tính cách, thái độ sống của Phan Khôi. Hẳn bạn đọc biết rõ Phan Khôi là một người yêu nước, có tri thức uyên bác và hiểu rõ thời đại mình. Ông sống thẳng thắn, một nhà phản biện sắc xảo. “Năm 1907, Phan Khôi được phong trào Duy tân Quảng Nam gửi ra Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, vừa để tìm cách phát triển các hoạt động duy tân ở quê hương … Lúc này, vụ "xin xâu" (chống sưu thuế) ở Quảng Nam bị đàn áp dã man. Trần Quý Cáp bị xử tử. Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện bị đi đày Côn Đảo. Phan Khôi cũng bị kết án 3 năm tù ..”(3) Phan Nam Sinh xác nhận điều này:”được đọc hàng ngàn bài báo của chính ông trong công trình Phan Khôi - tác phẩm đăng báo của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Tôi thật sự choáng ngợp và thán phục trước kho tri thức uyên bác, vừa có chiều rộng lại có chiều sâu mà ông sở hữu…”(4)
Năm Chuột là hình ảnh một Phan Khôi ẩn thân. Ông biết rất rõ bản chất thực dân phong kiến, và dứt khoát đi theo kháng chiến (như thái độ chống thực dân phong kiến của Năm Chuột). Ông cũng biết rất rõ về những người xung quanh mà ông phải giao tiếp. Người ta nghi kỵ, tẩy chay ông, quy kết “phản động”, như dân làng tẩy chay và đồn thổi nhiều điều về Năm Chuột, kể cả việc “làm giặc”. Nhưng không vì thế mà Phan Khôi từ bỏ tính cách của mình. Nếu Năm Chuột đã nói thẳng tất cả (như tính phản biện của Phan Khôi), thì Phan Khôi cũng không ngại “Phê bình lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm Mùa Thu, tập 1). Phan Khôi trực tiếp bày tỏ quan điểm về văn chương.”Từ khi biết Năm Chuột có biết chữ Hán nhiều, xem sách xem thơ được rồi, tôi có lúc đem văn học nói với anh ta, anh ta chỉ nghe và hỏi chứ không tỏ ý kiến. Tôi có ý trách. Anh ta giải thích thế này:“Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi”.Thái độ của Phan Khôi là rõ ràng và thẳng thắn, nhưng người ta lại hiểu đó là một ám chỉ. Cả việc Phan Khôi không viết phản biện nữa cũng được Năm Chuột nói thẳng ra: ”Thôi thôi, đã lâu nay tôi không còn nói những chuyện như thế nữa. Nói không có người nghe mà còn có hại…”
Dù thế nào ông vẫn tự khẳng định mình, và đòi mọi người phải tôn trọng như thể gọi Năm Chuột bằng Ông. Phan Khôi vẫn giữ thái độ thẳng thắn trước hiện thực bị che lấp hay ngụy trang, (như việc các quan chức làng Bảo An bị Năm Chuột lật tẩy việc cáo quan). Nếu thời 1956 người ta nghĩ vậy thì việc Phan Khôi bị “tai nạn” là không tránh khỏi. Phải thấy điều này, sau bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ, 1956, Phan Khôi bị công kích dữ dội, nhưng ông vẫn sáng tạo được Ông Năm Chuột (1958), tiếp tục thể hiện quan điểm của mình, để rồi sau đó ông bị vùi dập nghiệt ngã hơn (6), thì đó là bản lĩnh văn chương và nhân cách của Phan Khôi. Phan Khôi kết truyện về Năm Chuột:”Buồn quá, một hôm tôi đi tìm anh ta. Ðến nơi, cái túp tranh không có nữa. Hỏi thì người ta nói Năm Chuột dọn đi đâu đã lâu rồi. Từ đó tôi mất Năm Chuột của tôi”. Phải chăng Năm Chuột là một nhân vật tri kỷ của Phan Khôi?
Nhưng nếu chỉ đọc Ông Năm Chuột như vậy, hẳn nhiên là đã bó hẹp giá trị tác phẩm, bởi hình tượng Năm Chuột còn có tính khái quát tư tưởng rộng hơn nhiều. Nhận xét về các tác phẩm văn xuôi thời Nhân Văn- Giai Phẩm, trong đó có Ông Năm Chuột, Lê Hoài Nguyên (Thái kế Toại) viết:”Về bút pháp, văn xuôi NVGP đã không còn là lối văn tả thực, tường thuật đơn giản. Nó thực sự đã có những ẩn dụ, biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc mà trong văn học kháng chiến còn vắng bóng. Các hình tượng nghệ thuật của họ đã tiến tới sự khái quát nghệ thuật, đa nghĩa, mang ẩn dụ tư tưởng. Đó là các truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp, Những người khổng lồcủa Trần Duy, Ông Năm Chuột của Phan Khôi, Con ngựa già của Chúa Trịnh của Phùng Cung, tiểu luận Ông bình vôi của Phan Khôi, Thi sĩ máy của Như Mai…”(5)
4. NGẪM NGHĨ THÊM
Ngày nay, đọc Ông Năm Chuột, ta mơ hồ nhận ra những bóng dáng quen trong cách kể truyện về những “dị nhân” xưa, những người có cách sống hay hành động khác người. Xin đọc truyện Ngô Soạn trong Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính. Truyện này chép lại Chuyện Chức Phán Sự Đền Tản Viên trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Tôi thích lời bình này trong Truyền Kỳ Mạn Lục về Ngô Soạn : ”Than ôi! Người ta vẫn nói: "Cứng quá thì gẫy". Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gẫy hay không là việc trời. Sao nên đoán trước là sẽ gẫy mà chịu đổi cứng ra mềm ru! Ngô Tử Văn là một anh chàng áo vải. Vì cứng cỏi cho nên dám đốt cháy đền tà, chống cãi yêu quỷ, một lần ra tay mà mối hận của cả thần và người đều được rửa. Nhân thế nức tiếng mà được giữ chức vị ở Minh tào, thật là xứng đáng. Vậy là kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.” Lời bình này gợi ra trong tôi điều gì đó về Phan Khôi (!). Tất nhiên truyện xưa làm gì có ngụ ý gì về thời chúng ta, nhưng nếu Phan Khôi kể lại truyện này, hẳn có người sẽ lại “quy kết” Phan Khôi thâm ý ám chỉ người này, người kia! Tính khái quát tư tưởng của truyện là để lại bài học cho đời sau suy gẫm, không phải chỉ nhất thời. Ông Năm Chuột cũng có tính khái quát ấy.
Bạn đọc hôm nay cũng gặp cách kể truyện ấy ở Nguyễn Huy Thiệp. Nói vậy để thấy Phan Khôi liền một mạch giữa quá khứ và hiện tại trong dòng chảy văn chương nước Nam. Hay nói cách khác, Phan Khôi đã đi trước thời đại của mình. Tuy nhiên, tôi hơi tiếc vì Phan Khôi không đẩy nhân vật đi hết con đường lý tưởng đã chọn như nhân vật Huấn Cao trong Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân, mà để nhân vật ấy dở dang, phí phạm tài năng và tâm huyết. Có thể đó cũng là chỗ bế tắc của chính cuộc đời Phan Khôi, chỗ thương tâm của kẻ sĩ.” Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gẫy hay không là việc trời. Sao nên đoán trước là sẽ gẫy mà chịu đổi cứng ra mềm ru!”
Tháng 10 năm 2015
___________________________________________
(1) Thái kế Toại, Phan Khôi trong bối cảnh văn học từ thời chiến sang thời bình 1954-1958. http://newvietart.com/index4.1827.html
(2) Đào Vũ, Tạp chí Văn nghệ số 12 tháng 5-1958
(*) Bản in trên báo Văn số 36, ngày 10.01.1958
(3) Đỗ Lai Thúy: Phan Khôi và bước chuyển từ chính trị sang văn hóa: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/phan-khoi-va-buoc-chuyen-tu-chinh-tri-sang-van-hoa
(4) Phan Nam Sinh : Cha tôi-Phan Khôi :
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20130317/cha-toi---ong-phan-khoi/538416.html
(5) Lê Hoài Nguyên, VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13582
(6) Xin đọc các bài viết của
Hồng Quảng, Tạp chí Văn Nghệ tháng 4. 1958
Nguyễn Đổng Chi, Tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa số 41 tháng 6-1958.
Phùng Bảo Thạch… báo Hà Nội hàng ngày 22 và 23-4-1958
Nguyễn Công Hoan, Tạp chí Văn nghệ số 12.1958
Đào Vũ, Tạp chí Văn nghệ số 12 tháng 5-1958
Thế Lữ. Báo Nhân dân số 1501 ngày 21-4-1958.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét