TRẦN THANH ĐẠM
Và “lý thuyết”: Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ.
Bùi Công Thuấn
PGS-NGND Trần Thanh Đạm (1932-2015) quê ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông từng là giảng viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường Đại học tổng hợp TPHCM. Ngoài ra, ông còn là Uỷ viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục.
Ông đã xuất bản:
-Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể (1968),
-Tục ngữ và vấn đề nguồn gốc văn chương,
-Dẫn luận văn học so sánh,
-Sự chuyển tiếp của văn chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại.
Cùng với Phạm Thị Hảo dịch tác phẩm:
- Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (xuất bản năm 2007)
Viết chung các tác phẩm như:
-Trích giảng văn học lớp mười phổ thông (1964),
-Giảng dạy văn học Việt Nam (phần cổ điển và cận đại) ở trường phổ thông cấp ba (1966),
-Văn học và cuộc sống: Tập lý luận - phê bình văn học (1996)…
Tôi đã định không viết về ông, vì số lượng bài viết của ông về văn học không nhiều và chưa đủ hình thành một khuôn mặt riêng. Nhưng rồi đọc bài ông viết, tôi thấy hiện ra ở ông bóng dáng một kiểu nhà phê bình văn học ờ Việt Nam trước giai đọan đổi mới (1986), vì thế tôi ghi vài dòng về đặc điểm của kiểu nhà phê bình này, góp thêm vào diện mạo chung.
1.Nhà phê bình Marxist giáo khoa thư.
Trần Thanh Đạm là kiểu nhà phê bình Marxist giáo khoa thư vì lập trường phê bình của ông là quan điểm chủ nghĩa Marx-Lênin về văn học, và cách viết của ông là cách viết như trong sách giáo khoa.
Xin đọc một đoạn:
“Câu hỏi: rốt cục văn học là gì?...
…Chúng tôi xem văn học sinh ra từ ngôn ngữ. Trong thời kỳ đầu, loài người chỉ có ngôn ngữ thôi. Ngôn ngữ cùng với lao động sinh ra con người. Ban đầu con người giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên. Trong giao tiếp, dần dần nhận ra ngôn ngữ có sức mạnh. Họ tin vào sức mạnh này. Từ đó sinh ra những câu thần chú. Hay như lời ru con của mẹ, lời dỗ dành người thương. Khi đó, con người mong mỏi dùng sức mạnh của ngôn ngữ để tác động vào nhau, chứ không đơn thuần chỉ để hiểu nhau. Tác động về tâm lý, tình cảm. Từ đó sinh ra lời chúc phúc và lời nguyền rủa. Trong yếu tố gốc hình thành nên các từ này đều có nghĩa là lời nói (benediction, malediction) - tốt hay xấu nhằm cầu mong điều tốt lành hoặc mong mỏi điều ác độc đối với một ai đó, tuỳ vào mối thiện cảm hay ác cảm của mình với họ. Ở ta có câu lời nói là một đọi máu là thế. Lời nói như hoa gấm, lời nói như gươm dao. Như vậy lời nói có tác động tinh thần mạnh mẽ như là một sức mạnh vật chất. Nhưng, nếu xét kỹ, lời nói chính là vật chất chứ không đơn thuần là tinh thần”(Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ)
Xin đối chiếu với đoạn văn giải thích nguồn gốc văn học trong giáo trình Lý luận văn học của Lê Lưu Oanh và Phạm Đăng Dư (Đại học Sư phạm Hà Nội-Nxb ĐHSP Hà Nội 2008):
“Chủ nghĩa Mác cho rằng, điều kiện ra đời của văn học trước hết gắn liền với sự hoàn
thiện của chủ thể sáng tạo ra nó là con người. Quá trình lao động đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện con người. Chính lao động đã góp phần làm cho đôi tay con người ngày càng phát triển, trở nên linh hoạt khéo léo, các giác quan con người ngày càng phát triển và hình thành ngày càng rõ nét những cảm xúc thẩm mĩ. Đó là quá trình làm cho con người có năng lực cảm thụ cái đẹp của khách quan và có năng lực sáng tạo ra văn học nghệ thuật.
Nhờ có lao động, con người như một chủ thể thẩm mĩ có khả năng hiểu biết, thưởng thức và sáng tạo cái đẹp dần dần xuất hiện. Một số quy luật của cái đẹp tự nhiên được nhận thức trong quá tr.nh lao động, chiếm lĩnh đời sống…”
Phần giải thích của Trần Thanh Đạm có pha tạp nhiều nguồn thành ra kém thuyết phục so với giáo trình Lý luận văn học của Lê Lưu Oanh-Phạm Đăng Dư. Những cách giải thích nguồn gốc văn học như thế ngày nay đã thành “cổ điển’ và không còn thuyết phục nữa.
2.Nhà phê bình-Người chiến sĩ
Trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đồng chí Trường Chinh có nêu lên rằng: "Không có phê bình, không có luận chiến phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”. Nói phê bình là cái roi ngựa là nói tính chiến đấu của nhà phê bình.
Trong bài Một sai lầm thế kỷ trong lý luận phê bình văn học (2004),[1] Trần Thanh Đạm đã “vung roi quất” rất mạnh vào tất cả trào lưu lý luận và phê bình văn học đương đại phương Tây, Ông viết:
“Xu hướng lý luận, phê bình cũng như sáng tác phương Tây khởi đầu với Chủ nghĩa hình thức, đi vào Chủ nghĩa cấu trúc, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hiện đại, Hậu hiện đại rồi nhiều các trường phái khác: tiểu thuyết mới, phê bình mới, văn học phi lý, văn học suy đồi, thi ca vụt hiện, thi ca rú rít như con thú, cùng mọi thứ quái thai khác, chung quy đều xuất phát từ quan niệm văn học chỉ là nghệ thuật ngôn ngữ (language exercise, literary craft) biến ngôn ngữ thành một trò chơi, trò ảo thuật, áp dụng cái công thức của Chủ nghĩa hình thức Nga mà chính tác giả của nó là Chklovski đã từ bỏ, đó là “Nghệ thuật như là thủ thuật”, loại bỏ nội dung, ý nghĩa, tư tưởng, nhận thức, tri thức, lương tâm, lương tri, v.v…ra ngoài văn học, làm cho văn học trở thành văn học không có con người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức, v.v… Thứ văn học này bắt đầu bằng Chủ nghĩa hình thức và giá trị cao nhất của nó là chủ nghĩa duy mỹ.
… Khi nó chỉ là nó thì nó trở thành vô nghĩa, điên rồ cũng đúng thôi, bởi vì một nền văn học tuyên ngôn coi khinh ý nghĩa (meaning) thì còn có ý nghĩa gì nữa. Nếu nó không còn có ý nghĩa gì cả, chỉ tồn tại thôi, thì “tồn tại hay không tồn tại” đó là một vấn đề. Nói chung, văn học mà không có ý nghĩa thì sự tồn tại cũng như không tồn tại.”
Đọc đoạn văn trên, người ta thấy Trần Thanh Đạm tỏ ra hiểu chưa thấu đáo về các trào lưu lý luận văn học phương Tây thế kỷ XX. Ông phê phán kịch liệt Chủ nghỉa Hình thức Nga với T. Todorov và R. Jakobson; sau đó là tất cả các lý thuyết đương đại. Ông “vơ đũa cả nắm” và cho rằng các lý thuyết văn học ấy “làm cho văn học trở thành văn học không có con người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức… Khi nó chỉ là nó thì nó trở thành vô nghĩa, điên rồ cũng đúng thôi, bởi vì một nền văn học tuyên ngôn coi khinh ý nghĩa (meaning) thì còn có ý nghĩa gì nữa”.
Thụy Khuê dẫn lời của Eichenbaum khẳng định rằng Trường phái Hình thức Nga chủ trương hình thức chính là nội dung, không tách biệt:” "Khái niệm hình thức từ nay, đã có một ý nghiã mới, nó không còn là cái vỏ, là cái bình đựng nội dung nữa mà là một toàn bộ năng động và cụ thể có nội dung của nó, mà không cần một quan hệ hỗ tương kiểu bình và nước”[2].
Trần Thanh Đạm cũng ngộ nhận về “chủ nghĩa hiện đại” như một hệ thống lý thuyết về văn học. Thực ra chủ nghĩa Hiện đại là một khái niệm chỉ một loạt những trào lưu nghệ thuật khác nhau đầu thế kỷ XX đến những năm 1970. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết:“các nhà phê bình Xô Viết liệt vào "chủ nghĩa hiện đại" và phê phán hàng loạt hiện tượng, nhóm phái trong văn nghệ các nước phương Tây suốt thế kỷ XX, từ chủ nghĩa tiền phong (avant-gardisme), các nhóm phái đađa (dadaisme), lập thể (cubisme), vị lai (futurisme), ấn tượng (impressionnisme), tượng trưng (symbolisme), siêu thực (surrealisme), biểu hiện (expressionisme), hình tượng (imaginisme) và hàng loạt hiện tượng văn nghệ khác, xuất hiện trước và sau thế chiến I (1914 - 18), tiếp theo là văn học phi lý, chủ nghĩa hiện sinh, tiểu thuyết mới, "pop-art" và nhiều hiện tượng khác trong văn nghệ phương Tây từ sau thế chiến II (1939 - 45) đến những năm 1970.
Bên cạnh đó, những phát hiện nghệ thuật ở văn học cuối thế kỷ XIX - đầu XX như "dòng ý thức", "độc thoại nội tâm", sáng tác huyền thoại, sân khấu phi lý, các thủ pháp "dán ghép" (collage), lắp dựng (montage), v.v... - đều được "tính" cho chủ nghĩa hiện đại.”[3]
Thái độ phê phán của Trần Thanh Đạm với “chủ nghĩa hiện đại “ không khác gì ở Liên xô trước đây. Lại Nguyên Ân cho biết: “Về căn bản, đây là lập trường của tuyến bảo thủ trong văn hóa truyền thống xét theo thái độ đối với tất cả những gì mang tính cách tân; ở khoa học Xô Viết, lập trường ấy trước hết bị quy định bởi các định hướng tư tưởng đảng tính, giai cấp tính. Tiền phong (avant-grad) cũng như chủ nghĩa hiện đại, ít khi là đối tượng của sự phân tích khoa học, nhưng thường khi lại là đối tượng của một sự phê phán trùm lớp, không cần có căn cứ xác đáng.”[Lại Nguyên Ân-đd]
Tính chiến đấu của “người chiến sĩ” Trần Thanh Đạm còn mạnh mẽ hơn nhiều khi ông trực diện phê phán những luận điểm có tính cởi mở trong bài phát biểu Vươn tới những thành tựu lý luận mang tính khoa học và nhân văn của ông Nguyễn Khoa Điềm- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương- đọc trong Hội thảo khoa học Lý luận văn học trước yêu cầu đổi mới và phát triển tại Viện Văn học (Hà Nội) ngày 25.11.2004, [4]. Người ta ngạc nhiên khi thấy Trần Thanh Đạm chỉ gọi đồng chí Nguyễn Khoa Điềm bằng một từ trống không là “diễn giả” mà không gọi bằng danh xưng của một người lãnh đạo văn nghệ trung ương. Càng ngạc nhiên hơn ở khi Trần Thanh Đạm tỏ ra “đứng cao hơn” Nguyễn Khoa Điềm: “Tôi cho rằng lý giải các yếu kém thiếu hụt của lý luận văn học chúng ta như diễn giả đã làm là có phần hời hợt, sơ lược, chủ quan, không trên cơ sở một nhận thức lịch sử thật chu đáo, thận trọng”… Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, trong giới hạn và mức độ của nó… Tư duy, nhận thức của một người dù ở cương vị lãnh đạo đi nữa cũng có hạn…”
Lúc đầu Trần Thanh Đạm tỏ ra đồng thuận với phát biểu của Nguyễn Khoa Điềm rằng: “diễn giả đã có những nhận định theo tôi là xác đáng, cần thiết trong tình hình lĩnh vực lý luận văn học còn bề bộn ngổn ngang hiện nay”; “Diễn giả cũng có những nhận định lạc quan một cách đúng đắn đối với “thực tiễn văn học” ấy. Đây là thực tiễn văn học Việt Nam, trước hết là tình hình sáng tác của văn học hiện đại và đương đại”; “Không những khẳng định văn học Việt Nam hiện đại, đồng chí còn khẳng định văn học Việt Nam truyền thống”; “Nhất quán với quan điểm của mình, xem thực tiễn văn học là khởi nguồn của lý luận văn học, diễn giả cũng khẳng định mạnh mẽ nền lý luận văn học dân tộc”; “Ở đây cũng như ở các lĩnh vực khác, cần bảo vệ các thành tựu và các giá trị tích cực của dân tộc và cách mạng để ra sức đổi mới chúng, không bảo vệ các thành tựu đó thì nói đổi mới là đổi mới cái gì? Không thể như một vài người hô hào: làm lại từ đầu, xây lại từ móng. Nghĩa là lật đổ tất cả để làm lại tất cả. Chúng ta chắc ai cũng thấy được cái gì đằng sau những lời hô hào “đổi mới” như vậy”…
Sau những rào đón, che chắn và đồng thuận với “diễn giả” cho có, cho phải đạo, Trần Thanh Đạm trở giọng công kích mãnh liệt nhiều luận điểm của Nguyễn Khoa Điềm về những vấn đề như: “lý giải những mặt yếu của lý luận văn học chúng ta”; “vấn đề quan hệ giữa nội dung và hình thức”; “vấn đề quan hệ giữa chủ quan của nghệ sĩ và thực tại khách quan”; “vấn đề giữa sáng tác và tiếp nhận”; “Vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị…” và đặc biệt là những nhận định của Nguyễn Khoa Điềm về những đổi mới nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp. Trần Thanh Đạm cho rằng Nguyễn Khoa Điềm “chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn…nên có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp. Ông viết:
“Có lẽ do chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong truyền thống của chúng ta nên diễn giả đã tiếp cận các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp một cách siêu hình, tách rời máy móc nội dung và hình thức. Ông nói rằng: “Tôi rất mừng khi nhận thấy những dấu hiệu đổi mới về ngôn ngữ nghệ thuật ở sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Có người đã nói anh Thiệp đã viết những điều trước nay chưa ai viết. Tôi thấy điều ấy không quan trọng lắm. Về mặt nội dung, có những điều anh Thiệp sai, nhưng về mặt đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật thì anh Thiệp lại là người có nhiều đóng góp. Đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật là một vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết, không đơn giản là nội dung quyết định hình thức như lâu nay ta thường nói. Ở vào thời điểm mang tính chuyển đổi thì nhiều lúc hình thức lại mang tính cách mạng của nó”.
Không cần phải là nhà lý luận uyên thâm gì cũng có thể thấy nhận định của tác giả về Nguyễn Huy Thiệp là không chính xác, là tách rời nội dung với hình thức, tách rời ngôn ngữ nghệ thuật với tư tưởng nghệ thuật. Tôi cho rằng cả những người thích Nguyễn Huy Thiệp lẫn những người không thích đều thấy rõ cái điều gây scandale của nhà văn này trước hết là ở nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của anh phục vụ cho nội dung tư tưởng đó. Sự “đổi mới” của Nguyễn Huy Thiệp là trên cả hai phương diện chứ không thể nói: nội dung sai, không quan trọng mà lại có đóng góp về ngôn ngữ nghệ thuật….Ở Nguyễn Huy Thiệp, mặt sáng cũng như mặt tối, mặt đóng góp cũng như mặt phá hoại đều trên cả hai phương diện: nội dung và hình thức, tư tưởng và nghệ thuật, không thể phê phán cái này mà khẳng định cái kia. Cái mà diễn giả gọi là “tư duy biện chứng” không hề thấy ở đây. Không nói đến chuyện trong khi một số nhà văn, nhà phê bình lên án những ngôn luận xằng bậy của anh Thiệp đối với các văn hữu của mình trong Hội nhà văn Việt Nam thông qua các bài như: Trò chuyện với hoa thủy tiên, Mổ nhà văn, Tuổi 20 yêu dấu v.v… thậm chí xúc phạm đến cuộc kháng chiến của dân tộc, thì đồng chí Nguyễn Khoa Điềm hình như có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp để tỏ ra mình “không can thiệp thô bạo vào các cuộc tranh luận học thuật” (!).
Quả là xưa nay chưa thấy một “nhà phê bình” nào dám công khai đánh giá về một Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương là: “chưa nhận thức rõ về mặt lý luận cũng như thực tiễn… và có ý muốn che chắn cho Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn xúc phạm đến cuộc kháng chiến của dân tộc”
Sở dĩ Trần Thanh Đạm “mạnh dạn trao đổi” với Nguyễn Khoa Điềm như vậy, vì ông đứng trên lập truờng chính trị để lý giải mọi vấn đề. Ông viết:
“Đúng là lý luận văn học của chúng ta trước đây chịu ảnh hưởng của các thành tựu lý luận văn học từ các nước Xã hội chủ nghĩa anh em (trước hết là Liên Xô). Phải nói rằng đó là lý luận văn học của chủ nghĩa Mác – Lênin, của Chủ nghĩa xã hội trải qua gần 100 năm đấu tranh và xây dựng với nhiều thành tựu quan trọng và dĩ nhiên với những vấn đề tồn tại…Nền lý luận văn học cũng như toàn bộ nền văn học của chúng ta chủ yếu sản sinh từ thực tiễn văn học của chúng ta... Nó được sản sinh ra từ đường lối lý luận và thực tiễn của cách mạng dân tộc, dân chủ và xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từ 1930 và sớm hơn, từ đầu thế kỷ 20, thể hiện trong các văn kiện của Đảng: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, qua các đại hội văn nghệ và đại hội nhà văn, các tác phẩm lý luận phê bình của các nhà văn, nhà thơ lớn của chúng ta trong thế kỷ 20 như: Hải Triều, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh… và các nhà lý luận ưu tú khác của chúng ta…”
…”Đối với các vấn đề này, chính thống mà nói chúng ta phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho lý luận văn học. Chúng ta có thể chấp nhận và tiếp thu rộng rãi các quan điểm lý luận văn học phi Macxit nếu nó có hạt nhân hợp lý có thể giúp vào việc làm giàu, mở rộng và phát triển lý luận của chúng ta, bởi vì lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn “nhịp bước cùng thời đại, cùng cách mạng, cùng khoa học, không phải là một mớ giáo điều”.
Những tư tưởng trong các nhận định trên của Trần Thanh Đạm, người đọc có thể gặp trong bất cứ văn kiện chính trị nào của Đảng. Thí dụ luận điểm: ”chúng ta phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho lý luận văn học”. Xin đối chiếu với Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học,nghệ thuật trong thời kỳ mới”:“…Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”
Nói cách khác, Trần Thanh Đạm đã thấm nhuần rất kỹ các Nghị quyết và quan điểm chính trị của Đảng. Khi đối diện với bất cứ vấn đề gì, ông chỉ việc lấy “bửu bối” ông đã thuộc lòng ra áp lên vấn đề ấy là có thể có đáp án ngay.
Chỉ đáng tiếc là, từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) đến nghị quyết 23 của bộ chính trị (2008), Đảng đã đổi mới rồi, còn Trần Thanh Đạm vẫn nhận thức và hành xử như những nhà phê bình Xô Viết những năm 1960, thời chiến tranh lạnh trên thế giới.
3. Và tham vọng …
Trong bài viết “Tác phẩm văn học như một đơn vị ngôn từ”, Trần Thanh Đạm trình bày “hệ thống luận điểm” của “lý thuyết văn học” do ông đề xuất như sau:
“Hình thái đầu tiên của tác phẩm văn học với tư cách là một đơn vị ngôn từ rất đơn giản…”“Tục ngữ là hình thái nguyên sơ của tác phẩm văn học. Ở đây ta đã thấy những đặc trưng tiêu biểu nhất của một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ “; Ông giải thích: “ngôn từ có nhiều điểm khác với ngôn ngữ. Ngôn từ thì có ngôn từ nói, ngôn từ hát, ngôn từ viết. Có ngôn từ thông thường tự nhiên và ngôn từ có dụng công, dụng ý tức là ngôn từ văn hoá, ngôn từ nghệ thuật”.
Ông luận tiếp: “Từ thành ngữ đã có rồi, nhưng mới chỉ là bán tác phẩm, chưa thật hoàn chỉnh. Tục ngữ thì đã hoàn chỉnh. Tục ngữ là câu nói, đến ca dao là câu hát. Rồi đến các truyện kể… Hoàn chỉnh rồi, cố định rồi, tác phẩm rời khỏi ngôn từ, sống cuộc sống độc lập, thành lời nói có cánh, bay đi…”
Sự xuất hiện chữ viết tạo điều kiện cho văn học truyền miệng trở thành văn học thành văn, làm cho ngôn từ có cơ sở thành văn từ”;
“Như vậy, dưới góc nhìn ngôn từ, ta đã đi từ văn học dân gian đến văn học cổ điển (ở ta là văn học Hán Nôm). Nhiều dân tộc khác trên thế giới đều vậy cả…”
“Nếu ta viết cuốn lịch sử văn học đích thực, thì đối tượng của nó mà lịch sử cần tiếp cận chính là văn học theo quan niệm này. Tức là phải đi từ văn học dân gian, tức những tác phẩm có tính văn hoá và có tính nghệ thuật, sau đó đi vào văn học cổ điển mà ban đầu cũng là những tác phẩm có tính văn hoá, có giá trị văn hoá nhiều hơn.”
“Tóm lại, văn học là một loại hình ngôn từ, mỗi tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, từ ngôn từ văn hoá đến ngôn từ nghệ thuật, từ ngôn từ văn hoá mà thành văn hoá ngôn từ, từ ngôn từ nghệ thuật mà thành ra nghệ thuật ngôn từ. Dù đã trở thành văn hoá hay nghệ thuật thì vẫn là ngôn từ, cùng anh em họ hàng, cùng dòng máu. Sự phân biệt giữa chúng nếu khó khăn thì cũng là lẽ tự nhiên.”
Trần Thanh Đạm khẳng định “lý thuyết” của mình một lần nữa:”...bản chất của tác phẩm văn học là ở bản chất ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, từ ngôn từ thông thường mà trở thành ngôn từ văn hoa, ngôn từ nghệ thuật, từ ngôn từ rất đơn sơ như một câu tục ngữ đến một trường ca, hay tiểu thuyết trường thiên. Đó là tác phẩm nhất ngôn và tác phẩm đa ngôn. Giống như một cơ thể sống đơn bào và đa bào. Tục ngữ tựa như đơn bào. Đó là tác phẩm văn học chỉ có một lời. Còn những tác phẩm hiện đại có cấu tạo rất phức tạp, rất khác nhau. Chúng có nhiều bộ phận. Nhưng muốn hiểu cơ thể thì phải xuất phát từ tế bào…Văn học cũng vậy, phải từ các đơn vị ngôn từ nhỏ bé nhất để đi tới cấu trúc chung của tác phẩm văn học. “
Trần Thanh Đạm kết luận khẳng định “lý thuyết” của mình:
“Trên đây chỉ mới là hệ thống luận điểm chính của tư tưởng tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ, cần phải được luận giải, chứng minh, xác minh thêm nữa. Chúng tôi tin rằng quan niệm này có thể bao quát được các hình thái khác nhau của tác phẩm văn học. Dù tồn tại dưới bất cứ dạng nào thì tác phẩm văn học cũng không nằm ngoài phạm vi đề cập của lý thuyết này được.”
Thú thực rằng, đọc “hệ thống luận điểm” Trần Thanh Đạm trình bày về “lý thuyết”: “tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ”, tôi bị “choáng”. Bởi không hiểu ông định nói gì. Những “luận điểm” ông đưa ra pha tạp đủ mọi thứ “lý thuyết” và làm hỏng mọi lý thuyết mà ông vận dụng (nhưng ông không ghi nguồn). Một lý thuyết thường có nhiều thuật ngữ chứa đựng những phạm trù. Tôi đỏ mắt tìm xem ông giải thích “đơn vị ngôn từ” là gì, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Cũng vậy, tôi dò tìm xem ông xác lập phạm trù “tác phẩm văn học” là gì, cũng không thấy. Tôi không biết ông dựa vào đâu để đưa ra nhận định: “Tục ngữ là hình thái nguyên sơ của tác phẩm văn học“. Thành ra lý thuyết “tác phẩm văn học là một đơn vị ngôn từ” là một khái niệm hàm hồ ngay từ điểm xuất phát.
Lẽ ra ông phải nói rõ “ngôn từ có nhiều điểm khác với ngôn ngữ” là lý thuyết của F. Ferdinand de Saussure, nhưng ông đã không ghi nguồn, thành ra đó là luận điểm của ông. Lẽ ra khi nói về tác phẩm văn học, ông nên tham khảo R.Barthes về văn bản và tác phẩm. Lẽ ra ông nên “mượn” một ít lý thuyết của Trường phái Hình Thức Nga để lý giải “tính văn chương” của tác phẩm. Để lý giải sâu hơn về tác phẩm, ông nên vận dụng Chủ nghĩa cấu trúc mà phát hiện ra ‘ngữ pháp’ của văn chương, tức những quy ước làm cho một hình thức diễn ngôn nào đó trở thành văn chương rồi Giải cấu trúc, để xem nghĩa của tác phẩm ngoài văn bản trong tính chất liên văn bản. Cũng cần dùng cả Phân tâm học để khám phá những “ẩn ức” thăng hoa thành nghệ thuật. Sau đó vận dụng các lý thuyết về Người đọc (reader theory) để giải mã ý nghĩa của tác phẩm trong những “tầm đón đợi”(Hans Robert Jauss) trong “ cộng đồng diễn dịch”(Stanley Fish)…Dẫu thế nào ông cũng phải quan tâm đến tác giả, dù R. Barthes nói “tác giả đã chết”. Và để theo kịp với lý luận văn học thế giới, ông còn phải xem xét lại “lý thuyết” về tác phẩm văn học của mình dưới ánh sáng các lý thuyết văn hóa nữa. Bởi văn học là một thành tố của văn hóa, góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của cộng đồng, của thời đại.
Nhưng những điều vừa trình bày, xem ra Trần Thanh Đạm không bận tâm, vì trong não trạng của ông, đó là những thứ làm cho văn học trở thành văn học không có con người, văn học phi nhân, vô luân, vô thức
Nói như vậy để thấy rằng tư duy lý luận văn học của thế giới rất phong phú và năng động. Mỗi lý thuyết đều có những khám phá rất sâu sắc về một mặt nào đó của văn học. Những người sáng lập lý thuyết đã có những công trình thực sự có ý nghĩa cách mạng về vấn đề. Việt Nam mới hội nhập toàn cầu hóa, thì cần mở rộng tầm nhìn để tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Việc tiếp thu này mới ở giai đoạn đầu, nói gì đến việc đề ra một “lý thuyết” mới. Khi Trần Thanh Đạm đưa ra “lý thuyết” về tác phẩm văn học, nhất thiết ông cần phải biết những người đi trước ông đã nói những gì, và ông có thể khám phá thêm được những gì. Tôi thấy thương cho ông vì những nỗi lực của ông bị thất bại, bởi “lý thuyết” của ông đầy dẫy sự hàm hồ, không thể dùng làm nền tảng để giải quyết bất cứ vấn đề gì của văn học Việt Nam.
Nếu gọi Trần Thanh Đạm là một nhà phê bình thì có thể đặt ông vào chiếu ngồi của các nhà phê bình chính trị [5]. Những nhà phê bình này chỉ xem xét văn học ở chức năng phục vụ chính trị. Ông khẳng định: “chúng ta phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, làm kim chỉ nam cho lý luận văn học”.
Và tôi lại thấy câu văn này trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011): “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”
Tháng 2. 2017
____________________________
[1] Nguồn: Văn, tạp chí sáng tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật
của Hội Nhà văn TP. HCM, số 21 (Bộ mới tháng 1 – 2.2005)
[2] Thụy Khuê-Phê bình văn học Nga-Trường phái Hình thức -http://thuykhue.free.fr/stt/p/PBVH-Ch04.html
[3] Lại Nguyên Ân-Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại:
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac-truong-phai-trao-luu/204-lai-nguyen-an-ve-pham-tru-chu-nghia-hien-dai.html
[4] đăng lại trên eVăn ngày 02.12.2004 và Văn Nghệ ngày 04.12.2004.
[5] Đọc thêm: Trần Thanh Đạm- Văn học tự vấn và chức năng tự nhận thức, tự phê phán của văn học (Tham luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc (tài liệu sử dụng nội bộ) của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Hà Nội tháng 3. 2006, trang 162-165) đăng trên Talawas ngày 15.03.2006. Trong tham luận này, đứng trên lập trường chính trị, Trần Thanh Đạm cực lực phê phán Nguyên Ngọc về cái gọi là “văn học Tự Vấn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét