Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

LẶNG LẼ VĂN CHƯƠNG 2015 - Bùi Công Thuấn

LẶNG LẼ VĂN CHƯƠNG 2015
Bùi Công Thuấn







Năm 2015 đã lùi vào quá khứ lãng quên để lại một đời sống văn học tẻ nhạt lặng lẽ. Nhà thơ Việt Phương cho rằng: ”văn học Việt Nam lẹt đẹt và khủng hoảng như giai đoạn hiện nay thiết nghĩ cũng không có gì là lạ.”(1)

1.Tắt ngấm những “kỳ vọng”

Cuối năm 2014, người ta hồ hởi nói đến những kỳ vọng về văn chương trẻ sẽ bùng nổ trong năm 2015.
“Năm 2014 có thể coi là 1 năm đầy thành công của những tác giả trẻ, những cái tên như Anh Khanh, Phong Việt, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào… trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Những con số sách bán ra lên đến mức không tưởng, những sự kiện văn hóa đọc “choáng váng” do những cây bút trẻ tạo ra đã phá tan đi sự tĩnh lặng nhiều năm qua của người viết trẻ. Những thành công đó khiến bạn đọc có quyền trông chờ vào họ trong năm 2015.”(2)

Trang Văn học quê nhà cũng nhận xét: ”Phải thừa nhận rằng, một năm qua, những tín hiệu vui của văn chương Việt mới dừng ở số lượng ấn phẩm đến tay người đọc, ở sự tự tin và sáng tạo của các tác giả trong việc lựa chọn hướng đi chứ chưa có những thành tựu lớn về và đóng góp nhiều ở thi pháp. Tuy nhiên với những gì mà các tác giả trẻ đã khẳng định được, chúng ta có quyền hi vọng vào một năm mới của những bùng nổ, đột phá từ những bạn trẻ ấy.”(3)

Thế nhưng dõi theo suốt năm 2015, tôi thấy những tác giả trẻ được “kỳ vọng” ấy đã không trình làng được tác phẩm nào ghi được dấu ấn thành tựu văn chương của mình cả về tư tưởng và nghệ thuật, và vì thế, họ mới chỉ là những tác giả đứng bên lề dòng chảy văn chương đích thực của văn chương Việt Nam đương đại. Đã là Phong trào thì lúc nào cũng ồn ào, hào nhoáng, và đầy những “lời có cánh”, song tài năng sáng tạo những tác phẩm văn chương đích thực có giá trị tư tưởng và nghệ thuật (như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài…) bao giờ cũng là “của hiếm”. Văn chương “mua vui” có chăng chỉ được vài trống canh là vậy. (xin mượn chữ của Nguyễn Du)

2. Nhen nhúm những hy vọng.

Đã có những nỗ lực đưa văn chương Việt Nam ra nước ngoài hội nhập với văn chương thế giới, và chúng ta có quyền hy vọng.

Ngày thơ Việt Nam 2015 kết hợp ba hoạt động: Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương với Hội nghị Quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam. Các hoạt động được tổ chức tại nhiều địa bàn khác nhau thuộc Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Liên hoan thơ Quy tụ 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và các vùng lãnh thổ, và nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả tiêu biểu khắp các vùng miền trên cả nước.

Từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2015 tại Pháp đã diễn ra chuỗi sự kiện liên quan tới giới thiệu, dịch thuật, phê bình và gặp gỡ nhà văn, dịch giả văn học Việt Nam ở các thành phố Paris, Bordeaux và Limoges.

PGS. TS. Đoàn Cầm Thi, nhà nghiên cứu từ Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) của Pháp cho biết : Văn học Việt được dịch khá nhiều tại Pháp, từ "Truyền kỳ mạn lục","Chinh Phụ Ngâm", "Truyện Kiều" đến "Thầy Lazaro Phiền", "Tố Tâm", "Số Đỏ", "Chí Phèo", "Dế mèn phiêu lưu ký"...Theo thống kê của Unesco, Pháp là nước dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhất, hơn cả Mỹ, Nga, Đức. Trong giai đoạn 1980-2009, có khoảng 130 cuốn sách văn học Việt Nam được dịch sang Pháp văn, trong khi con số này trong Anh văn là 83, Nga văn là 42, Đức văn là 27. Hiện nay, có 3 tủ sách văn học Việt Nam. Đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trên thực tế, hai tủ sách của NXB L’Aube và NXB Philippe Picquier, được thành lập những năm 1992-1994, đã từng in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi Mới, hiện nay hầu như không hoạt động nữa. Riêng tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại » của NXB Riveneuve còn rất trẻ và đang tỏ ta sung sức. Thành lập cuối 2012, Tủ Sách đã in được 13 đầu sách, với ý thức giới thiệu các gương mặt của văn học Việt Nam hôm nay với những đề tài và thử nghiệm mới.

PGS. TS. Đoàn Cầm Thi nhận định : Như vậy, có thể nói văn học Việt bắt đầu được quan tâm ở Pháp. Tuy nhiên, tất cả chỉ là tương đối, vì giữa 3.000 tiểu thuyết được in hàng năm tại đây, thì những cuốn sách Việt chỉ tạo được một sự có mặt vô cùng khiêm tốn. Và đương nhiên, ngoài những dịp kỷ niệm như Năm Pháp-Việt (2014) hay như năm nay, 40 năm kết thúc chiến tranh, văn học Việt khó có thể gây được sự chú ý của dân chúng Pháp.(4)

Và đây là cảm nghĩ của một nhà văn trẻ, nhà văn Nguyễn Danh Lam, người đã hai lần được giải thưởng tiều thuyết của Hội Nhà Văn:“Viết xong, in xong một cuốn sách, ngồi ngắm nghía một mình, nó thật giống ngón tay che sát mắt, lúc ấy có mà cả vũ trụ cũng chẳng bằng nó. Nhưng có đi ra nhà sách mới thấy nó lọt thỏm giữa một rừng "hoa", thậm chí đi tìm cuốn sách của mình cũng... đỏ con mắt! Đặc biệt, khi mình ra nước ngoài, lạc vào một Bookstore, cái cảm giác đi giữa hàng... cây số sách mới thấy ngay cả Lev Tolstoi cũng... bé như con kiến! Càng ngày mình càng hiểu rõ hơn, một cách thực lòng nhất, ảo tưởng về mình là thực sự khôi hài…nhà văn Mai Sơn gửi cái ảnh, cuốn sách mình được dịch- xuất bản sang tiếng Pháp, nằm... thò gáy trong một nhà sách ở Paris (ảnh phải), lại càng hiểu "thân phận" của mình hơn. Nước Pháp mỗi năm cho ra lò mấy nghìn tiểu thuyết mới của các tác giả bản xứ! Thế nhé! Nghề văn nhẹ bỗng…”

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng cho biết: “Văn học ra nước ngoài liên quan đến dịch, chào hàng, xuất bản vì vậy rất cần huấn luyện viên, ông bầu, nhà tổ chức đứng sau nhà văn. Văn chương Việt Nam như đám đá bóng Hàng Đẫy nghiệp dư, lăng nhăng, còn văn học thế giới cũng như bóng đá Anh, Italy vừa ra tiền bạc, ra hồ hởi, hưng phấn vừa ra cả những mối quan hệ”; “Thế hệ chúng tôi ra nước ngoài như chim chích lạc rừng, lọt vào thành phố không biết chỗ nào tả, chỗ nào hữu, không biết ai chân thành, ai dối trá”(5)

Những gì PGS. TS. Đoàn Cầm Thi cho biết và những suy nghĩ “khiêm tốn” của nhà văn Nguyễn Danh Lam làm chúng ta suy nghĩ và nhận ra nhiều vấn đề, song chúng ta có quyền hy vọng.

3. “Văn đàn dậy sóng”

Văn đàn 2015 dậy sóng không phải bởi sự xuất hiện những tác phẩm đỉnh cao hay những tài năng xuất chúng, mà ồn ào về việc ăn cắp thơ. Tôi không dùng chữ “đạo thơ”, bởi “đạo thơ” là từ Hán Việt, không nói đúng bản chất của vấn đề. Lấy thơ người khác làm thơ của mình, không xin phép, không ghi nguồn, thì đó là ăn cắp. Người làm thơ Phan Huyền Thư lấy đã lấy bài thơ 'Buổi sáng' của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan đưa vào bài 'Bạch lộ' trong tập thơ 'Sẹo độc lập'. Cũng trong tập thơ Sẹo độc lập”, trước đó đã có nghi ngờ Phan Huyền Thư ăn cắp thơ Du Tử Lê. Vấn đề là, khi bị phanh phui sự việc, Phan Huyển Thư lại quanh co nhằm đánh lừa dư luận, và khi phải xin lỗi hai lần, Phan Huyền Thư vẫn không nhận lỗi. Công luận phẫn nộ là vì vậy.

Từ xưa đến nay, nhà văn được coi là người đi trước và soi sáng lương tri nhân loại. Nhà văn là biểu tượng cho minh triết, phẩm hạnh và nhân cách. Văn chương nghệ thuật là sáng tạo độc đáo, mỗi tác giả là một cá tính sáng tạo, tác phẩm của họ tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng. Nhà thơ, nhà văn không bao giờ chấp nhận tác phẩm của mình “chịu ảnh hưởng” người khác. Văn chương Việt Nam đã có bao nhiêu tài năng và nhân cách được muôn đời kính phục. Tại sao nhân dân tôn thờ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, tại sao thế hệ hôm nay vẫn ngưỡng mộ Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Lê Anh Xuân,…bởi các nhà thơ ấy là tinh hoa của dân tộc này, họ là tiêu biểu cho tinh thần, nhân cách của thời đại. Nhà văn, phẩm chất hàng đầu phải là nhân cách, chỉ có nhân cách lớn mới làm nên tác phẩm lớn. Chuyện ăn cắp thơ là một vết nhơ nhân cách đối với nhà thơ nhà văn Việt Nam.

4. Những “động cựa” giữa ao bèo

Khi truyện ngôn tình lấn át văn đàn và gây ra những tác hại cho giới trẻ thì Cục xuất bản mới quyết định yêu cầu các NXB không đăng ký xuất bản sách ngôn tình, đam mỹ.

Công luận đã lên tiếng mạnh mẽ: Ẩn hoạ tiềm ẩn từ “cạm bẫy bão ngôn tình”, Ngôn tình hay “dâm thư” trá hình? “Trên thực tế, sách ngôn tình xuất xứ từ Trung Quốc so với sách ngôn tình đến từ phương Tây hoàn toàn khác nhau, giới xuất bản, dịch thuật Việt Nam cũng thừa nhận các nhà làm sách ngôn tình ở phương Tây là một đẳng cấp khác xa so với nền xuất bản Việt. Họ có thể làm ít nhưng rất chất lượng và có trách nhiệm kiểm duyệt rất chặt trước khi đưa ra lưu hành.

Nhà phê bình Văn Giá cũng nhận định, trẻ em mới lớn chưa có sức đề kháng nên tiếp nhận mọi thứ rất lệch lạc. Do đó, khi đọc những truyện ngôn tình “ngập ngụa” trong sex, trong đó miêu tả gây tò mò hấp dẫn cho giới trẻ nhưng ở hướng giới tính lệch lạc, nguy hiểm.”(6)

Hiếu Văn trên báo Nhân Dân viết: “Ðừng mang danh nghệ thuật để truyền bá trụy lạc: …Nhưng lợi dụng đề tài đồng tính để truyền bá các sản phẩm có nội dung trụy lạc là điều đáng phải bị lên án, nếu nghiêm trọng thì phải xử lý trước pháp luật; đặc biệt, khi các sản phẩm loại này hướng tới người đọc trẻ, nhất là học sinh, thì càng cần phải nghiêm khắc hơn. Vì thế không chỉ nhà xuất bản, cơ quan quản lý in-tơ-nét,... mà các nhà trường cũng cần phải tổ chức, quản lý, điều hành diễn đàn trên mạng của nhà trường một cách lành mạnh, bổ ích.”(7)

Công luận cũng lên tiếng mạnh mẽ về bản dịch bài thơ Sông Núi Nước Nam trong Sách giáo khoa, phản ứng gay gắt bìa sách Truyện Thúy Kiều in tranh của Lê Văn Đệ vẽ hình thiếu nữ khỏa thân, bởi Truyện Kiều được dạy trong nhà trường. Hình thiếu nữ khỏa thân ở bìa sách sẽ làm sai lạc sự cảm nhận về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều. Dù vậy vẫn có ý kiến cho rằng những việc như thế là bình thường. Đây là ý kiến của Ts Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: “Theo tôi, nếu nhìn từ góc độ tiếp nhận văn hoá thì đó lại là một vụ bê bối hết sức lớn. Nó hé lộ cho ta thấy cái chuẩn thẩm mỹ và văn hoá hết sức thấp cũng như cái hời hợt của một bộ phận công chúng, trong đó có cả những người nổi tiếng ngày nay. Người ta đánh giá một hiện tượng nghệ thuật ấy trên những cái chuẩn hết sức mơ hồ và hời hợt về thuần phong mỹ tục và hoàn toàn thiếu hiểu biết.

Chính vì thiếu hiểu biết nên người ta mới không hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật của bức minh hoạ bìa, một hoạ phẩm được vẽ theo một phong cách rất đặc biệt trước Cách mạng và dị ứng đến thế với tranh khoả thân.

Người ta hời hợt đến mức không cần xem chú thích trong sách để tìm hiểu xem đó là tranh của ai và người đó có vị trí thế nào trong lịch sử hội hoạ. Tóm lại, người ta tiếp nhận một sản phẩm văn hoá bằng những cảm nghĩ thông thường (common sense), bằng một thứ “lẽ phải thông thường” và là một thứ "common sense" hết sức thấp.

Cái hết sức đáng lo ngại là chuẩn thẩm mỹ rất thấp đó dường như là chuẩn chung, hết sức phổ biến trong xã hội chúng ta. Nó là một thứ nguy hại, ngăn cản sự xuất hiện của những giá trị mới, chân chính, làm đa dạng và sâu sắc thêm đời sống văn hoá. Bởi cái mới, bao giờ cũng là một sự thách thức những định kiến.”(8)

Có lẽ Ts Phạm Xuân Thạch là người có một “chuẩn thẩm mỹ” rất cao, cùng với sự hiểu biết vượt trội mới dám khinh thường độc giả và nặng lời với công chúng như vậy. Ông cho rằng công chúng “hoàn toàn thiếu hiểu biết, chuẩn thẩm mỹ rất thấp. Cái hết sức đáng lo ngại là huẩn thẩm mỹ rất thấp đó dường như là chuẩn chung, hết sức phổ biến trong xã hội chúng ta.”.Tôi không tin rằng trình độ của công chúng hôm nay lại như lời ông Tiến sĩ nói. Nhưng tôi biết chắc điều này, ông Tiến sĩ không nhận thức được sự khác biệt giữa một bức tranh (hội họa) với bìa một cuốn sách (và cuốn sách được dạy trong nhà trường). Bức tranh với tư cách một tác phẩm hội họa, được trưng bày ở phòng triển lãm, là một tác phẩm có giá trị tư tưởng-thẩm mỹ độc lập, rất khác với bức tranh ấy in trên bìa sách. Chức năng của bìa sách là giúp định hướng người đọc về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của cuốn sách. Bức tranh dùng làm bìa sách cũng phải tuân thủ chức năng ấy. Bìa sách dùng trong nhà trường còn phải có tính giáo dục. Nếu bìa sách là tranh khỏa thân như vậy thì nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều là gì? Chẳng lẽ chỉ là truyện cô gái ở trần để ngực ra ngoài? Chính Nguyễn Du đã phải nghệ thuật hóa lời tục tĩu Tú Bà dạy nghề cho Kiều ở lầu xanh. Ông chỉ viết: “Này con thuộc lấy làm lòng/ Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề"(câu 1209-1210). Ông đâu có miêu tả vành trong vành ngoài là gì, tám nghề cụ thể là gì. Tôi nghĩ, nếu hiểu theo cách của ông Tiến sĩ, thì vẽ bộ tranh tám nghề của Kiều, chắc các bức tranh ấy sẽ “giá trị” hơn tranh của Lê Văn Đệ ! Cũng cần thấy rằng, truyện Kiều được viết bằng bút pháp ước lệ, đem vẽ thành tranh hiện thực như tranh của Lê Văn Đệ, thì hình ảnh sẽ hoàn toàn sai lạc với phẩm chất nghệ thuật của hình tượng văn học. Tranh bìa ấy đã xuyên tạc giá trị truyện Kiều, tục hóa giá trị thẩm mỹ của hình tượng Thúy Kiều, nên công chúng mới lên tiếng. Công chúng không thiếu hiểu biết như ông Tiến Sĩ nhận thức đâu!

5. Đọng lại những nghĩ suy

Đại hội đại biều lần thứ IX Hội Nhà Văn Việt Nam đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đại hội đã biểu quyết sửa đổi điều lệ Hội, thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VIII (2010-2015) và đề ra phương hướng nhiệm vụ 2015-2012, và bầu được một Ban chấp hành đáng tin cậy trong tình hình chính trị - xã hội tiềm ẩn nhiều “nguy cơ” (nguy cơ đứt gãy truyền thống văn hóa dân tộc, nguy cơ tha hóa do đời sống kinh tế thị trường toàn cầu hóa gây ra…). Trước Đại hội có những tiếng eo sèo, sau Đại hội, văn đàn trở lại im ắng. Thấp thoáng có tiếng nhà thơ Việt Phương than thở: ”Việc Ban Chấp hành Hội Nhà văn chủ yếu là những người cao tuổi cả khiến tôi buồn lắm...Tôi cũng buồn vì một nhẽ, nhìn đâu đó trong cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn có biểu hiện của những nhóm lợi ích, mà ở đó, họ nâng nhau lên, cùng nhau chia sẻ lợi ích và quyền lực, chứ không phải hoàn toàn vì sự phát triển chung của văn học. Nền văn học của chúng ta bây giờ lẽ ra phải là một nền văn học đầy sức trẻ, một nền văn học của ngày mai, một nền văn học hướng đến tương lai, thì giờ đây đang cũ kỹ và nhiễu loạn hơn bao giờ hết, khi mà phần lớn chỉ quan tâm đến chuyện không đâu vào đâu, hơn là hướng tâm hồn mình vào việc sáng tác thi ca.”(1, đd). Tôi nghĩ, tổ chức-lãnh đạo và sáng tác là 2 việc khác nhau. Đại hội Hội Nhà Văn là một sinh hoạt chính trị, Ban chấp hành Hội Nhà Văn là bộ phận lãnh đạo Hội, nằm trong công tác tổ chức của Đảng. Dù họ là nhà văn già hay trẻ, thì Ban chấp hành 6 người không thể ép hơn 1000 nhà văn Hội viên sáng tác được các tác phẩm đỉnh cao. Sáng tạo là công việc đơn độc của nhà văn. Có một thực tế này, khi chưa được kết nạp vào Hội Nhà Văn, nhà văn trẻ viết rất mạnh bạo, nhưng khi trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, tài năng của họ chững lại, lỗi ấy do Ban chấp hành Hội Nhà Văn chăng? Hay do “tài năng” nhà văn Việt Nam chỉ có thể viết được một cuốn truyện?

Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư (2011 - 2015) của Hội Nhà văn Việt Nam có 170 tác phẩm của 144 tác giả tham gia. Trong đó có nhiều cây bút trẻ, và nhiều nhà văn đã thành danh hưởng ứng. Trong danh sách đạt giải nhà văn trẻ tiếp tục khẳng định tài năng, chẳng hạn Trần Nhã Thụy (Hát), Nguyễn Danh Lam (Cuộc đời ngoài cửa)…Đáng tiếc không có giải thưởng hạng A. Cuộc thi được đánh giá là: ”Nền cao nhưng chưa có đỉnh”(9). Tôi không hiểu tác gia bài viết gọi “nền” là gì, và tầm cao của nền cỡ nào, trong khi suốt bài viết khá nhiều đánh giá nền không cao: ”chất lượng cũng không cao”,… có bộ tiểu thuyết dài ba tập với hơn hai nghìn trang in, nhưng ít để lại ấn tượng. Thậm chí, có tác phẩm được giải như Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như (giải C), những chương cuối tác giả đã tỏ ra đuối sức. Đây cũng là tình trạng chung của không ít cây bút tiểu thuyết, là sự hụt hơi của tác giả, sau khi mở đầu đã triển khai khá hoành tráng… vẫn viết theo lối mòn,… Một vài tác phẩm được trao giải theo chúng tôi là còn gượng”. Cho đến nay, các tác phẩm đạt giải lần này chưa gây được tiếng vang nào.

Năm 2015 là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du. Nhiều hoạt động văn hóa lớn đã được tổ chức để tôn vinh nhà thơ lớn của dân tộc. Cũng đã có những hướng tiếp cận, nghiên cứu mới về Nguyễn Du so với 10 năm trước. Nhưng những vấn đề về Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn còn thách thức nhiều thế hệ nữa. Nguyễn Du là người thế nào? Tại sao Nguyễn Du không viết về thực tại lịch sử xã hội Việt Nam dương thời, ông dấu kín mọi suy nghĩ, cảm xúc của mình trước “những cuộc bể dâu”? Làm sao tìm được nguyên bản Truyện Kiều của Nguyễn Du? Vấn đề mối quan hệ giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân do Đổng Văn Thành (Trung Quốc) đặt ra vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, ngoại trừ bài viết của GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Du viết truyện Kiều thời điểm nào trong đời ông (trước khi ra làm quan cho Gia Long, hay sau khi đi sứ Trung Quốc về 1814)?…Tôi có cảm giác rằng người ta suy tôn Nguyễn Du nhưng chưa thực hiểu Nguyễn Du. Xin cứ đọc tiểu thuyết Nguyễn Du của Nguyễn Thế Quang thì có thể thấy rất rõ điều này.

Lý luận và phê bình văn học có nhiều vấn đề trăn trở trong những năm qua. Có người vận dụng Phân Tâm Học, Thi Pháp học, Cấu trúc luận và Giải Cấu trúc để lý giải văn học Việt nam. Có lúc rất ồn ào về Hậu Hiện Đại, gần đây có sự cọ sát với lý thuyết trung tâm và ngoại biên, lý thuyết trò chơi, lý thuyết về diễn ngôn…Và có những nhà lý luận đã mạnh dạn khẳng định rằng chủ nghĩa Hiện Thực Xã hội chủ nghĩa đã hết vai trò lịch sử. Lại có thêm nhận thức rằng các lý thuyết văn học phương Tây là viết cho các nền văn học phương Tây, ta không thể áp dụng “nguyên xi” vào thực tại văn học Việt Nam mà cần xây dựng một nền lý luận văn học của riêng mình trong mói tương quan với thực tại sáng tác. GS Trần Đình Sử đề xuất: ” Cách hiểu như trên về khái niệm nền lí luận văn học Việt Nam từ góc độ diễn ngôn cho phép chúng ta có thể quan niệm rằng muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại, xứng tầm thời đại và dân tộc như nhiều người mong muốn, vấn đề không phải là quán triệt tư tưởng này, chủ trương nọ, không phải học tập cho có hệ thống lí thuyết nước ngoài, mà then chốt là đột phá bốn yếu tố của diễn ngôn lí thuyết. Muốn thế thì xây dựng đội ngũ các nhà lí luận, nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ được học tập, sáng tạo tự do, để họ tự kiến tạo hệ thống của riêng mình, phương pháp của mình, đem vận dụng vào thực tế văn học mà họ tâm đắc.

Dân chủ hóa, đa nguyên hóa về ý thức hệ và hệ thống quyền lực, thì chắc chắn một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại sẽ xuất hiện từ trong thực tế nghiên cứu sinh động theo tinh thần sáng tạo ấy.”

Cho đến nay, tôi chưa thấy đâu là tăm hơi của nền lý luận văn học theo sự tiên liệu chắc chắn của GS Trần Đình Sử, nhưng tôi giật mình vì không biết ông nói thật hay chỉ giả định, bởi ông tự thú điều này: “Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi… “Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”. (10)

Có một sự thật GS Trần Đình Sử nói có thể tin được là:” Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi..”Nền lý luận ấy đi sau sáng tác xa lắm.

Kết thúc năm 2015, tôi ngậm ngùi mãi. Từ 1975 đến nay đã là 40 năm văn học, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu, lý luận nào, đánh giá thỏa đáng 40 năm văn học ấy.(11) Nhiều nhà văn đã ra đi trong âm thầm mà không biết những đóng góp của mình cho văn chương Việt Nam 40 năm qua được đánh giá thế nào khi họ đã từng phải “lên bờ xuống ruộng” vì tác phẩm của mình? Có thể họ còn phải chờ 300 năm nữa như Nguyễn Du đã từng chờ…

30. 12. 2015

______________________________

(1) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20866
(2) TƯỜNG VY Nguồn Saigongiaiphong-http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20232
(3) Phương Mai- Nguồn: Văn học quê nhà-http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20416
(4) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/10/151004_doancamthi_vietnam_literature
(5) http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/nha-van-nguyen-huy-thiep-ngung-viet-2980998.html
(6) http://dantri.com.vn/van-hoa/an-hoa-tiem-an-tu-cam-bay-bao-ngon-tinh-1062374.htm
(7) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=20418
(8) http://news.zing.vn/Bia-sach-Truyen-Thuy-Kieu-co-thuc-su-la-be-boi-post599806.html
(9) http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=21288
(10) Chiều 23 tháng 1 năm 2015, Khoa Viết văn báo chí, ĐH Văn hóa HN đã tổ chức tọa đàm “Trần Đình Sử trên đường biên lý luận văn học”. Nguyễn Xuân Diện tường thuật buổi tọa đàm:
https://giangnamlangtu.wordpress.com/2015/01/25/tuong-thuat-toa-dam-tran-dinh-su-tren-duong-bien-cua-li-luan-van-hoc/
(11) Đọc them: Bùi Công Thuấn-40 năm văn học Viện Nam, những gì còn với mai sau:
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=21141,(kỳ 1)
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=21142 (kỳ 2)

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

"TRỞ VỎ LỬA RA" CỦA PHAN KHÔI

“TRỞ VỎ LỬA RA” CỦA PHAN KHÔI
Bùi Công Thuấn




Trao đổi với nhà văn Phan Nam Sinh về cuốn Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi, anh cho biết:” Những ý kiến về "Trở vỏ lửa ra" anh sưu tầm được, tôi cũng có biết, nhờ đó mới nhận ra các nhà phê bình xưa nay không được công bằng cho lắm khi nhận xét về cuốn tiểu thuyết này.” (Email ngày 18.12.2015)

Chỉ là một trao đổi rất nhỏ nhưng Phan Nam Sinh làm tôi băn khoăn mãi về điều anh cho rằng các nhà phê bình xưa nay không được công bằng cho lắm khi nhận xét về Trở vỏ lửa ra. Tôi cũng ngạc nhiên vì có rất ít bài viết về cuốn tiểu thuyết này của Phan Khôi, mặc dù cho đến nay người ta cũng đã nói nhiều đến Phan Khôi. Hẳn phải có một điều “bí mật” nào đó của sự im lặng và “không công bằng cho lắm” này.

1."TRỞ VỞ LỬA RA" và NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯƠNG THỜI.

Phan Khôi viết Trở vỏ lửa ra năm 1939, hẳn ông đã đọc Đoạn Tuyệt (1936) của Nhất Linh, Nửa chừng xuân (1934) của Khái Hưng và Tắt Đèn (1937) của Ngô Tất Tố. Chủ đề chống lễ giáo phong kiến trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn và chủ đề chống sưu thuế áp bức của Tắt Đèn đã chiếm lĩnh văn đàn giai đọan trước 1945. Chắc chắn trong sáng tạo nghệ thuật Phan Khôi không thể lặp lại chủ đề này.

Thực ra, trước cả Tự Lực Văn Đoàn, Phan Khôi đã có những bài báo về những vấn đề này. Nguyễn Hưng Quốc nhận xét: ”Đi trước Nhất Linh trong cuốn Đoạn tuyệt và Khái Hưng trong cuốn Nửa chừng xuân, ngay từ năm 1931, Phan Khôi đã đả kích chế độ đại gia đình, nguyên nhân của những quan hệ thù nghịch hay hục hặc bất hoà giữa mẹ chồng và nàng dâu, đã quyết liệt chống lại việc cưỡng bức hôn nhân”. Ông còn nhấn mạnh: ”Sớm hơn bất cứ người nào khác, ngay từ năm 1929, Phan Khôi đã đặt ra vấn đề nam nữ bình quyền và vấn đề nữ quyền (feminism) trong văn học.”(1) Như vậy, về mặt tư tưởng, Phan Khôi là người tiên phong, nhưng chuyển hóa tư tưởng thành hình tượng nghệ thuật trong một tác phẩm tiểu thuyết, Phan Khôi là người đi sau. Nhất định Phan Khôi phải có sự khác biệt với Nhất linh, Khái Hưng và Ngô Tất Tố. Sự khác biệt này làm nên phẩm chất văn chương của Phan Khôi và phẩm chất nhà văn của tác giả.

Xin lược lại nội dung của Trở vỏ lửa ra”.

Trở vỏ lửa ra là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Nghi. Nghi sinh trong một gia đình khá giả ở Quy Nhơn, học ở Phan Thiết. Nghi ở với gì Tuấn. Ông bà Giám – cha mẹ của Nghi - không có con trai nên đã lập người cháu họ là Trần Công Thưởng làm kế tự. Khi cha mẹ Nghi qua đời, Thưởng không muốn cho Nghi tiếp tục học. Anh ta gọi Nghi về và đặt vấn đề “con gái đi học để làm gì mới được chứ.” Thâm tâm Thưởng muốn chiếm hết gia tài cha mẹ Nghi để lại. Nhờ sự can thiệp của bà Giáo, Nghi tiếp tục ra Phan Thiết học cho đến khi đỗ bậc Tiểu học. Được tin Nghi tốt nghiệp, Thưởng lại viết thư gọi cô về với ý định gả cho một người giàu có trong vùng. Nghi từ chối lời đề nghị của Thưởng cô quyết tâm học để thi Tú Tài. Nhờ Hiệp là chị gái giúp tiền, Nghi vào Sài Gòn học Cao đẳng Tiểu học. Thưởng phải thanh toán tiền học cho Nghi suốt bốn năm Nghi học ở Sài gòn. Hắn xót xa và căm giận Nghi. Nghi muốn đi Hà Nội học nên trở về quê và đề nghị Thưởng chia gia tài. Thưởng mượn chữ “hiếu” đề nghị chia gia tài theo tỉ lệ có lợi cho hắn. Nghi không chịu, cô đành tạm gác lại việc chia gia tài và mượn tiền chị gái ra Hà Nội học. Ở đây, Nghi quen Phạm Hị Xuân Sơn, một bạn học cùng cảnh ngộ như Nghi, hai người trở nên rất thân thiết. Họ trọ chung với nhau. Một thời gian sau, anh rể là phán Thục qua đời, chị Hiệp lâm vào cảnh khốn khó, Nghi mất chỗ dựa. Nàng trở về nhà định đồng ý với đề nghị của Thưởng về tỉ lệ chia gia tài, nhưng chị Hiệp không chịu. Hai chị em kiện ra cửa quan. Quan hứa là sẽ đòi lại công bằng cho chị em cô. Nghi lại mượn tiền chị ra Hà Nội học. Thưởng đã hối lộ rất đậm cho quan nhằm kéo dài thời gian vụ kiện. Ở Hà Nội, để có tiền chi tiêu, Nghi đã phải đi làm thêm ở nhà in. Rồi Nghi bị bệnh lao nặng. Cô được Sơn và Hà Văn Hải (sinh viên trường thuốc, con trai quan Án sát tỉnh Bình Định vốn thầm yêu Nghi) hết lòng yêu thương chăm sóc. Nghi biết mình không thể qua khỏi nên đã bán hết nữ trang, quần áo và thuê một căn nhà nhỏ ở làng Bưởi, cạnh hổ Tây và thuê người vú già chăm sóc mình. Trong đêm trừ tịch (1930), Nghi trao tình cho Hải qua bức tranh Nghi vẽ chân dung Hải. Từ đó nàng không nói lời nào nữa. Sau đó mấy hôm Nghi qua đời lặng lẽ. Sơn và Hải lo hậu sự cho Nghi. Chị Hiệp đang quá khó khăn không ra được. Thưởng gửi cho Hải một lá thư nói rõ hắn “không còn anh em gì” với Nghi. Hắn còn nguyền rủa Nghi :”Nó làm thân con gái chưa có chồng, mà nó đi luôn, đi Nam rồi ra Bắc, ngày ông bà cho đến ngày cha mẹ banh da nẻ thịt đẻ ra nó nữa nó cũng không về. Ngày nay nếu nó đến nỗi chết đường chết sá như thế là có lẽ bởi vong linh tiền nhân nhà tôi bắt nó, vì nó đắc tôi nhiều lắm” rồi hắn nhờ Hải: ”Quan lớn có rộng ơn cho nó vài nhát cuốc là qúy lắm, tôi có ra làm gì”.Truyện kết thúc bằng lá thư của Thưởng. Tác giả không viết gì thêm.

Độc giả nhận ra ngay tư tưởng chống phong kiến và ý thức đòi nữ quyền trong nội dung câu chuyện. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, coi con gái là người ngoài họ, bởi khi đi lấy chồng, người con gái thuộc về nhà chồng, không còn thuộc về cha mẹ ruột (“Nữ nhân ngoại tộc”). Vì thế Nghi không được cha mẹ cho kế thừa tài sản. Ông bà Giám lập Trần Công Thưởng là người cháu họ quyền kế thừa. Toàn bộ tài sản cha mẹ để lại bị Thưởng thâu tóm, Nghi gặp bao khó khăn, sau cùng chết nghèo khổ, tha hương, không thân thích. Nhân vật bà Giáo nói với Nghi: Chị phải biết chị là nạn nhân của cái xã hội Annam hàng ngàn năm nay. Cái chế độ ấy đã không coi đàn bà con gái chúng ta ra gì, cho nên chị mới phải mở vào cái tình cảnh đáng thương như thế. Tác giả cũng bình luận trực tiếp: ”Cho nên sinh trong một gia đình chuyên chế trong một xã hội đầy những chế độ bất bình và tàn khốc, duy có kẻ nào lành như con cừu,, không thích tự do như con lợn thì mới sống được yên thân; còn ai biết đau đớn mà nhúc nhích, thấy ngột ngạt mà vùng vẫy, là người ấy sẽ thiệt thân, sẽ chết, chết dưới sức phản động của cái chế độ ấy.”

Vẫn biết vậy, nhưng Nghi vẫn chống lại cái xã hội ấy, cái chế độ ấy. Chí hướng và con đường của Nghi hoàn toàn khác với Loan (Đoạn Tuyệt) và Mai (Nửa chừng xuân). Cả Loan và Mai đều chống lại mẹ chồng và những hủ tục, để đòi tự do yêu đương và hạnh phúc cá nhân. Nghi quyết tâm theo học, và học lên nữa. Cô coi việc học như một lý tưởng, một cuộc cách mạng và chỉ có học mới có cơ hội tự giải phóng. Nghi nói với bà Giáo:

“- Con quyết đi học nữa, một là vì con yêu cha mẹ con, con muốn làm y theo sở nguyện của người, hai là vì con không bằng lòng làm một người đàn bà thường, mà ưng làm một người có học thức, xin lỗi thầy, như thầy chẳng hạn”
- Chị đã quyết định như thế?
- Dạ con quyết lắm. Nhiều khi con nghĩ dại rằng nếu không đi học nữa, thì thà con chết
Bà giáo cười tủm tỉm:
- Chị Nghi nói cái gì nghe cũng dễ dàng quá. Hôm trước chị nói làm cách mạng, bữa nay chị lại đòi chết…”
Tác giả cũng lưu ý người đọc: “Người đọc truyện nên nhận thấy chỗ này trước nhất: hết thảy cái lịch sử của cô thiếu nữ bạc mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học. Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu nữ khác, nghe lời Cửu thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia đình sầm uất, con cái sum suê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rốt cục chỉ một mảnh hốn thơ phiêu bạt ở đất người? Nhưng mà nếu thế thì lại đã không có truyện rồi!

Chị Hiệp nói với Sơn: ”Con em tôi nay mai như có mệnh hệ thế nào thì cũng chính bởi cái tư tưởng cao xa của nó làm hại nó! Nó tưởng cái tài lực của nó có thể vẫy vùng để thoát ra ngoài khuôn khổ được, chứ có biết đâu rằng rút cục lại nó vẫn một hạng “trở vỏ lửa ra” như tôi hay là như chúng ta”

Phan Khôi đã xác định đúng con đường của Nghi. Xã hội Việt Nam hàng ngàn năm phong kiến, rồi thực dân, phụ nữ đều không được đi học. Cửu Thưởng nhắc lại nhiều lần vấn đề “con gái đi học để làm gì mới được chứ.” Đó là vấn đề của ngàn đời. Con gái có học cho lắm, đi lấy chồng là hết. Bởi ở nhà chồng, họ chỉ là cái máy đẻ và cái máy làm việc, chỉ cần biết đọc biết viết là đủ. Cha mẹ ruột cho con học nào có nhờ được gì. Và vì thế họ không cho con gái đi học. Ở nhà chồng, phụ nữ thực chất họ là nô lệ. Muốn tự giải phóng, phụ nữ phải được học để biết về giá trị bản thân, để biết về vai trò xã hội, để biết quyền lợi của mình như một nhân phẩm bình đẳng với nam giới. Nghi quyết tâm học là vậy. Nghi chịu đựng mọi khó khăn để được học và sau cùng Nghi chết khi chưa kịp thi Tú Tài. Nói cách khác, Nghi chết trên con đường thực hiện lý tưởng, chết trên ngưỡng cửa khát vọng đạt đến lý tưởng. Đó là một bi kịch. Chính hoàn cảnh xã hội cũ đã đè bẹp khát vọng của Nghi.

Nghi là một nhân vật bi kịch, điều này hoàn toàn khác với Loan và Mai. Để giải phóng Loan, Nhất Linh để cho Loan phạm tội ác giết chồng, cùng với tội ngoại tình với Dũng. Kết thúc truyện tác giả để Loan và Dũng nối lại tình xưa. Loan đọc thư tỏ tình của Dũng gửi qua Thảo mà hạnh phúc say đắm:”Loan muốn về để được yên tĩnh nghĩ đến cái sung sướng của mình. Nàng như người say…”. Còn Khái Hưng, Ông chọn giải pháp để Mai ở vậy nuôi con, nuôi em ăn học, chẳng khác gì một người phụ nữ chính chuyên trong xã hội phong kiến. Cả hai nhân vật sau cùng đề đạt được hạnh phúc. Kết thúc truyện Mai ở bên Lộc, hai người cùng bàn tính tương lai. ”Hạnh phúc như bao bọc, như âu yếu hai tâm hồn khoáng đoạt, đã siêu thoát ra ngoài vòng tư tưởng nặng nề, u ám”. Trái lại, Nghi bị dồn đến đường cùng. Muốn có tiền để học, Nghi đòi chia gia tài nhưng Cửu thưởng trì hoãn. Nhờ vả chị Hiệp để ra Hà Nội học chỉ được lúc đầu. Khi chồng chị Hiệp chết (phán Thục), chị Hiệp chỉ còn cái quán nhỏ không giúp Nghi được nữa. Nghi đi làm thêm rồi bị bịnh phải bỏ làm, bỏ học, sau cùng Nghi bán tất cả những gì mình có được để có tiền thuê nhà trọ riêng, tránh lây bịnh cho Sơn. Nàng sống cô độc, chết tha hương, không sao đạt tới ước vọng Tú Tài. Lá thư của Thưởng gửi cho Hải kết thúc truyện để lại một nỗi bi thương, ngậm ngùi không sao thốt thành lời. Xin nghe lại lời ái điếu của tác giả dành cho Nghi: ”Cho nên sinh trong một gia đình chuyên chế trong một xã hội đầy những chế độ bất bình và tàn khốc, duy có kẻ nào lành như con cừu,, không thích tự do như con lợn thì mới sống được yên thân; còn ai biết đau đớn mà nhúc nhích, thấy ngột ngạt mà vùng vẫy, là người ấy sẽ thiệt thân, sẽ chết, chết dưới sức phản động của cái chế độ ấy.” Phan Khôi biết rõ cái kết cục ấy của cuộc đời Nghi nhưng ông vẫn theo chân Nghi đến hơi thở cuối cùng của đời nàng, để nói cho mọi người biết: “hết thảy cái lịch sử của cô thiếu nữ bạc mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học”.Tôi hiểu ông muốn xây dựng Nghi như một nhân vật lý tưởng thực hiện tư tưởng xã hội của ông.

2. TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN HAY HIỆN THỰC?

Đọc “Trở vỏ lửa ra” ta thấy cái phong vị những truyện Lãng mạn của Tiểu thuyết Tự Lực Văn đoàn, cũng có cái gay cấn của tiểu thuyết Hiện thực Tắt Đèn. Có phải đây là chỗ riêng của Phan Khôi không?

Tác giả kết thúc truyện bằng cuộc tình nở vội giữa Nghi và Hải (Nếu cuộc tình này đến sớm hơn, số phận Nghi có lẽ sẽ khác). Nghi đã lâm bịnh nặng. Hải chăm sóc mỗi ngày. Trong đêm trừ tịch Nghi tặng Hải bức vẽ chân dung Hải do chính tay Nghi vẽ. Sự tinh tế của Nghi làm Hải vô cùng ngạc nhiên. Nghi bảo Hải giữ bức vẽ làm kỷ niệm về Nghi, sau đó nàng qua đời lặng lẽ trong tình yêu thương của Hải. Có thể coi đó là một chuyện tình ”có hậu” của Nghi. Nàng tự chọn người yêu, dành hết tâm trí cho người yêu đến phút sau cùng của đời mình và ra đi trong sự trao gửi yêu thương trọn vẹn, dù sự trao gửi ấy cũng là bi kịch. Bi kịch của hai người yêu nhau phải chia lìa nhau vĩnh viễn. Nhưng trước sự phũ phàng của cửu Thưởng và của cuộc đời, cuộc tình ấy vẫn có thể giúp Nghi tìm được giấc ngủ bình an.

Cũng đồng thời với cảm xúc lãng mạn ấy là nỗi đắng cay phẫn nộ độc giả dành cho Cửu Thưởng. Nhân vật này được viết bằng bút pháp của chủ nghĩa hiện thực.

Trước tiên là sự dốt nát của Thưởng khi phải hầu quan Tây (chương 2). Thưởng nhận được trát của Công sứ Quy Nhơn đòi đền hầu có việc. Hắn không biết là việc gì nên lo sợ như gặp tai nạn gì lớn lắm. Hắn đi hỏi những người trí thức trong làng để biết cách đối phó, nhưng người ta chỉ trả lời qua loa. “Ngày hôm sau, cửu Thưởng vào đến tòa, trước chỗ quan Công sứ ngồi thì thụp lạy bốn lạy. Không đợi quan hỏi gì cả, chàng cứ một mực kêu xin…Quan Công sứ hết sức ngạc nhiên hỏi người thông ngôn chứ anh chàng ấy làm cái gì mà rộn rịp thế. Thông ngôn thuật lại những lời cửu Thưởng kêu oan cho ngài nghe, thì ngài lắc đầu nói mình không biết việc gì, sở dĩ đòi hắn đến đây là chỉ để giao tận tay hắn một phong thư của trong toà Phan Thiết gởi ra cho hắn mà thôi”. Đó là thư của bà Đốc trường Nữ Phan Thiết gửi cho hắn, bảo hắn cho Nghi trở lại trường học. “Nghe vợ đọc xong lá thư, cửu Thưởng thở hắt ra một cái thật dài, khoan khoái như lúc vào tòa xử xong, đựơc vô sự mà về.”Ngòi bút Phan Khôi vẽ những nét sắc xảo đầy tính hài hước về cửu Thưởng.

Hắn tuy dốt nát nhưng có cái tính toán tráo trở hết sức thực dụng, và dấu rất kín tâm địa sau những chiêu bài. Cụ thể là việc chia gia tài của ông Giám để lại. Theo lẽ, 100 mẫu gia tài thì để hương hỏa 25 mẫu, còn 75 mẫu chia ba phần, cửu Thưởng, Hiệp, Nghi mỗi người một phần. Hắn đòi chia hai phần, hắn giữ 50 mẫu hương hỏa cho cha mẹ, ông bà, ông cố, ông cao, còn 50 mẫu chia cho 3 người. Hắn nói, “Có lẽ nào chỉ đặt 25 mẫu cho cha mẹ, còn ba đời ông bà trên nữa không có lấy một cục đất à? Ngày cha mẹ mình thì vật bò giết heo, mà ngày ông bà thì con gà cỗ xôi cũng không biết lấy gì mà sắm như thế sao cho phải đạo làm con cháu? Giá ngày nay thầy còn nghe tôi nói phải là thầy cũng phải theo. Thầy làm nên nổi cơ đồ, là nhờ mồ mả của ai chớ?”. Với luận điệu đó, hắn trì hoãn việc chia gia tài, sau cùng thì hắm chiếm được tất cả.

Đó là thủ đoạn “kiên định” hắn sử dụng để chiếm phần gia tài của chị em Nghi. Đối phó với việc Nghi đi học làm hắn tốn tiền, hắn ứng xử linh hoạt hơn nhiều. Đầu tiên hắn dụ cho Nghi về nhà, sau đó quyết giữ không cho Nghi đi học nữa. Khi Nghi trốn đi, hắn báo sẽ không gửi tiền lên nữa. Nhưng hắn phải trả tiền học cho Nghi vì không ngờ lá thư hắn dụ Nghi về lại trở thành chứng tích pháp lý trói buộc hắn (chương 8). Nghi học xong Tiểu học Hắn dụ Nghi không đi học để hắn làm mai cho con nhà giàu. Nghi từ chối và lại trốn đi. Đến năm thứ tư, Nghi 18 tuổi, dịp tết, Nghi về thăm nhà cha mẹ. Ngày 1 tết Phán Thục gái dẫn Nghi về để thắp nhang. Cửu Thưởng chào Hiệp (chị của Nghi) rồi quay mặt về phía Nghi hỏi: ”Con này là con nào tôi không biết?...nhà này chẳng ai biết con Nghi là con nào”. Vâng, con người trở mặt đến thế là cùng. Vậy mà khi Nghi học ở Hà Nội, lúc đã ốm nặng, Thưởng nghe người ta đồn ầm lên rằng, Nghi sắp lấy Hà Văn Hải. Đốc tờ, là con quan Án Bình Định, Thưởng viết thư đấu dịu với Nghi ngay. Hắn tính toán rằng, biết đâu quan Án sẽ can dự vào vụ kiện mà xử cho bên Nghi hơn. Thư hắn viết cho Nghi rất nặng “tình nghĩa”. Nhưng ngay sau đó, khi biết Nghi không qua khỏi, hắn lại viết thư hất hủi và nguyền rủa Nghi.

Ngòi bút Phan Khôi mổ xẻ khá sắc xảo nhiều khía cạnh phức tạp của hiện thực theo những quy luật khách quan của dòng chảy tự sự. Từ việc bọn quan lại ăn hối lộ, việc kinh doanh thua lỗ của phán Thục (chồng Hiệp), đến những thủ đoạn tính toán của cửu Thưởng dẫn đến sự kết thúc số phận không thể khác của Nghi. Nghi đã bị hoàn cảnh xã hội đè bẹp mọi khát vọng, truyện kết thúc mang tính bi kịch. Tất nhiên nhân vật cửu Thưởng chưa đạt đến tính “điển hình” của Chủ nghĩa Hiện thực, ngòi bút của Phan Khôi cũng không đi sâu miêu tả những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn xã hội, không có dòng nào về hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930 (là thời điểm trong truyện) và những năm 1939 (là thời điểm ông viết truyện). Truyện chỉ thu gọn trong mâu thuẫn gia đình. Điều này khác với Tắt Đèn hay Chí Phèo. vì thế Trở vỏ lửa ra không hẳn là một truyện được viết theo bút pháp của chủ nghĩa Hiện thực. Nói cách khác, tiểu thuyết của Phan Khôi vừa hướng về lý tưởng, vừa dựa trên nền của hiện thực. Ông không quan tâm đến bút pháp mà quan tâm thể hiện tư tưởng. Tuy nhiên, nhân vật của ông chưa đạt đến tầm vóc kiểu nhân vật tư tưởng.

3. CÁI RIÊNG CỦA VĂN CHƯƠNG PHAN KHÔI

Theo Đỗ Ngọc Thạch, trong bài Văn chương và văn chương của nhà báo, Phan Khôi viết: "Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: tín, đạt, mỹ. Tín, nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó. Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó. Bất kỳ văn nước nào thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được…”(2)

Có thể coi đó là quan niệm văn chương của Phan Khôi. Ông không để cập đến các kiểu bút pháp (phương Đông hay phương Tây, tôi nghĩ Phan Khôi không thể không biết). Ông quan tâm đến hiệu quả “hữu dụng” của văn chương là, làm cho người đọc “tin” là thật, làm cho người đọc hiểu đúng ý mình và sao cho tác động sâu xa đến tâm hồn người đọc. Ông ý thức được giá trị thẩm mỹ của văn chương: ”song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó”.

Những quan điểm trên soi chiếu vào Trở vỏ lửa ra có giúp người đọc hiểu gì về “cái riêng”(phong cách) của văn chương Phan Khôi không?
Để thực hiện những “nguyên tắc” viết văn của mình, trước hết Phan Khôi sử dụng một lối văn giản dị: giản dị bình dân trong lời văn, giản dị trong cấu trúc tác phẩm và giản dị cả trong miêu tả. Phan Khôi không đặc tả chân dung nhân vật, không có dòng nào miêu tả khung cảnh nơi Nghi sinh sống: cảnh nhà cha mẹ Nghi, khung cảnh trường học ở Phan Thiết, Sài gòn, Hà Nội, ngôi nhà trọ ở làng Bưởi cạnh Hồ Tây. Tất cả chỉ được nói đến rất sơ sài. Câu truyện khởi đi chỉ có 3 nhân vật: Nghi, bà Giáo, bà Tuấn, sau thêm vào cửu Thưởng, Hiệp, phán Thục, vợ cửu Thưởng. Những chương cuối có thêm Sơn và Hải. Sự việc được phát triển trong suốt tác phẩm là việc Nghi đi học, những sự việc khác chỉ là việc liên quan. Không có những tuyến truyện khác phát triển song song. Tính cách của các nhân vật cũng đơn nhất (như kiểu nhân vật cổ tích). Người tốt (bà Giáo, bà Tuấn, Hiệp, Sơn, Hai) thì tốt từ đầu đến cuối, kẻ xấu (cửu Thưởng) cũng xấu từ đầu đến cuối. Truyện được “kể” nhiều hơn là “dựng”. Vì thể “Trở vỏ lửa ra” là “truyện dài” hơn là “tiểu thuyết”. Cách kể của Phan Khôi cũng khá gần với cách kể dân gian, (tức là chỉ tập trung vào sự việc mà không miêu tả cảnh, xây dựng nhân vật thành hai tuyến chính- tà, cùng lúc thêm vào những lời bình của người kể). Chọn lựa cách viết này, có lẽ ông hướng đến đối tượng người đọc là quần chúng bình dân.

Xin đọc một đoạn “kể chuyện” khá tiêu biểu sau đây:

“Năm ấy, ông thần Tài nhà phán Thục hình như bắt đầu đội nón ra đi. Đắp con đường từ Bình Định lên An Khê dài mấy trăm cây số vừa xong chưa kịp giao cho sở Lục Lộ thì một cơn mưa to làm lở hết. Cất một cái trường học giá năm vạn đồng, cất xong, bị chủ trường bẻ rằng sai kiểu, không chịu nhận, rồi hai đằng kiện nhau mãi đến hơn một năm mà chưa thanh khoản. Đến việc thầu cơm cũng bị lỗ, hồi đầu năm làm giao kèo thì giá thực phẩm hạ, được ít tháng bỗng cao lên gấp hai làm chàng phải thâm xác bảy, tám ngàn đồng. Tất cả sự thất bại ấy gây cho chàng một cơn khủng hoảng riêng về kinh tế; thêm nữa, một cơn đau mắt xuýt chết.

Ốm vừa khỏi dậy thì tòa án xử xong vụ kiện trường học, tuyên cáo chàng thua. Cho là tòa xử ức mình, phán Thục lập tức đi vô Sài Gòn thuê thầy kiện chống án. Chẳng may đến Sài Gòn mới mấy hôm công việc lập dập chưa ra chi thì bệnh chàng tái phát. Vào nhà thương chữa không khỏi rồi chàng chết tại đó. Bấy giờ vào mùa thu 1928, phán Thục kém một tuổi đầy năm mươi”(chương XII)

Đọc đoạn văn trên bạn đọc có thể nhận ngay ra hai tiêu chuẩn Phan Khôi đề ra đầu tiên là Tín, và Đạt. Chuyện ông kể rất thật (Tín). Sự việc xảy ra có nơi chốn, thời gian cụ thể. Ý tứ ông trình bày rất rõ ràng (Đạt) bởi câu văn chỉ có nghĩa tường minh, không có hàm ý. Và tiêu chuẩn thứ ba là “Mỹ”, tức là cái hay, cái đẹp, thể hiện ở cách kể chuyện dí dỏm, dân dã, như “thần Tài… bắt đầu đội nón ra đi”; các sự việc liên tiếp xảy ra được lý giải bằng vận xui theo kiểu “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Con người sống trên đời không tránh được những năm tháng xui xẻo, “chẳng may”. Phan Khôi viết “phán Thục kém một tuổi đầy năm mươi” tức là tuổi 49. Đó là “năm tuổi” hạn rất xấu. Phán Thục không qua khỏi. Phan Khôi khai thác truyện theo niềm tin này.

Đọc Trở vỏ lửa ra, người đọc cũng dễ nhận ra tài năng nghệ thuật của Phan Khôi. Ông nắm được”bí quyết” tạo ra sự hấp dẫn trong cách kể chuyện, giữ được “độ căng” trong suốt truyện. Ở mỗi chương, ông xây dựng và phát triển một mâu thuẫn, và cài trước một “bí mật” sẽ phát triển ở chương sau. Những “cài đặt” trước này đem đến cho người đọc nhiều thú vị khi được phát hiện. Thí dụ, lá thư cửu Thưởng dụ Nghi về (chương 6) mà hắn cho là khôn ngoan, lại trở thành chứng tích pháp lý trói hắn, buộc hắn phải trả tiền học cho Nghi (chương 9). Đó là đòn “gậy ông đập lưng ông”, là cách “tương kế, tựu kế” của bà Giáo đánh lại cửu Thưởng. Ông viết những đoạn đối thọai sinh động và đầy cá tính cho nhân vật (thí dụ ngôn ngữ nhân vật Hiệp, chị Nghi, khi nói chuyện với cửu Thưởng-chương 8)

Tôi thích nhất cái cách ông thể hiện tư tưởng qua nhân vật. Đó là một giá trị của tác phẩm còn với ngày hôm nay. Trong Trở vỏ lửa ra, Phan Khôi coi trọng tư tưởng dân chủ, pháp quyền phương Tây, tôn trọng quyền cá nhân trong việc chọn lựa thái độ sống (nhân vật bà Giáo), nhưng đồng thời ông cũng tôn trọng nét đẹp tinh tế của văn hóa phương Đông, ở việc hành xử sao cho “phải lẽ, phải đạo”(nhân vật phán Thục giữ lời đoan ngôn với cha vợ-chương 11), ở lối sống có tình có nghĩa, có trước có sau (tình chị em Nghi với Hiệp, tình bạn với Sơn và Hải, tình như cha mẹ của Nghi với bà Giáo và bà Tuất)…

4. NHÀ VĂN PHAN KHÔI

Trong tọa đàm tưởng niệm Phan Khôi 2007, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Phan Khôi, người đi trước thời đại”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người lập “hồ sơ Phan Khôi”, đã định danh Phan Khôi là: nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn xuôi hư cấu, tác giả tiểu phẩm hoạt kê châm biếm, tác giả hồi ký hồi ức tự truyện, dịch giả, tác giả Hán văn.(3) Ông nhận định về năng lực và giới hạn trong khả năng viết truyện của Phan Khôi: mạnh suy lý, logic nên nhất quán, triệt để ở tứ, ở tư tưởng đặt vào cốt truyện, nhưng hơi thiếu linh hoạt linh động và chất sống trong mô tả, dựng các cảnh trong truyện.

TS Nguyễn Hưng Quốc (ở Úc) nhận xét, Phan Khôi (1887-1959) là một tên tuổi lớn, nhưng Phan Khôi không phải là một nhà thơ lớn, không phải là một nhà văn lớn, không phải là một học giả lớn; ông cũng không phải là một nhà báo lớn. Viết phê bình văn học, chỉ tập trung vào những ngọn đỉnh cao nhất của từng thể loại, người ta có thể bỏ qua Phan Khôi, tuy nhiên, nếu viết lịch sử văn học, nhằm tái hiện diện mạo nền văn học Việt Nam hiện đại trong quá trình vận động của nó qua những thời kỳ, những biến thái, những trào lưu và những khuynh hướng khác nhau, người ta lại không thể không nhắc đến Phan Khôi, hơn nữa, không thể không nhắc đến ông một cách trọng vọng.”(1 sđd)

Và theo TS Nguyễn Hưng Quốc, Thanh Lãng cũng ca ngợi Phan Khôi bằng những lời rất đẹp: “Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh tuý nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc chiết của Tây phương.”(1 sđd)

Trở vỏ lửa ra chứa đựng nội dung của tất cả những nhận định trên. Và tôi xin nói thêm, Phan Khôi là một nhà văn tài năng, bởi ông có những sáng tạo nghệ thuật của riêng ông, những sáng tạo có sức thuyết phục. Tôi nghiền ngẫm lời này của ông:”Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu nữ khác, nghe lời Cửu thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia đình sầm uất, con cái sum suê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rốt cục chỉ một mảnh hốn thơ phiêu bạt ở đất người? Nhưng mà nếu thế thì lại đã không có truyện rồi!”. Vâng, viết thế nào thì thành truyện và là truyện hay. Đó là vấn đề trăn trở của nhà văn, bởi đó cũng là con đường“bí mật” mỗi nhà văn phải tự khai phá. Và Phan Khôi đã có cách riêng của mình…

Tháng 12. 2015
____________________________________
(1) www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid...
(2) http://blog.tamtay.vn/entry/view/731550/Ngu-su-van-dan-Phan-Khoi-Do-Ngoc-Thach.html
(3) vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/seminar-2982014-tai-espace-nhan-dien-tc-gia-phan-khi/+&cd=55&hl=vi&ct=clnk&gl=vn




Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

HOÀNG VĂN BỔN: NHÀ VĂN-DẤU ẤN-TÌNH ĐỜI

HOÀNG VĂN BỔN,
NHÀ VĂN-DẤU ẤN-TÌNH ĐỜI

Bùi Công Thuấn



Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã xa chúng ta 10 năm. Nhưng khi xem lại video về nhà văn Hoàng Văn Bổn do cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ thực hiện, tôi vẫn thấy ông đang sống giữa chúng ta, đặc biệt là với anh em hội viên Hội VHNT Đồng Nai. Vẫn dáng gầy gầy và vẻ mặt trầm tư, vẫn là sự thân tình gần gũi và quan tâm. Và trên nét mặt ông, vẫn đau đáu một nỗi niềm ưu tư, tâm huyết với thế hệ nhà văn trẻ. Gặp ông trong đời thường, người ta chỉ có thể biết ông là một người con của đất Đồng Nai, bởi ông hiền hòa, chân thực, giản dị. Nhưng nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, người ta sẽ nhận ra ngay ông là một nhà văn lớn của đất này.
Tôi đã hứa với lòng mình sẽ viết được điều gì đó về ông, nhưng trước tầm vóc một nhà văn hóa lớn của ông, tôi vẫn chưa thực hiện được. Nhiều lần ông đã nhìn tôi với ánh mắt có vẻ buồn (nhưng nhẫn nại) vì kẻ sinh sau đã chẳng theo được những bước chân ông đã đi.

HOÀNG VĂN BỔN-NHÀ VĂN

Không phải tình cờ mà một người có thể trở thành nhà văn. Với nhà văn Hoàng Văn Bổn, Cách Mạng đã hun đúc nên con người nhà văn nơi ông. Ông thổ lộ:” Tôi trở thành nhà văn là hoàn toàn do cách mạng, kháng chiến và quân đội. Tôi sáng tác như một sự phân công của cách mạng. Suốt 30 năm cầm bút tôi phải phục vụ sự nghiệp cứu nước… Tôi rất hài lòng về điều này.”(1).

Nói cách mạng là nói khái quát. Nói cụ thể, Hoàng Văn Bổn sinh ra trong một gia đình cách mạng ở làng Bình Long, và suốt đời cầm súng và cầm bút phục vụ cho nhiệm vụ Cách mạng. Ông kể lại: Năm 1946 đi kháng chiến, ông làm Trưởng Ban Giáo dục huyện Tân Uyên. Hôm ấy, ông ôm cây chuối hột lội qua sông về làng. Ông thấy bọn Tây đã tràn vô đầy đồng. ”Từ đầu làng đến cuối làng lửa đỏ trời. Nhà cửa, mía đám, ruộng nương, mía, đậu xanh, đậu phọng trong bồ…cháy hết. Khói đen bầu trời. Khắp đường làng, Xóm Gò, Xóm Miễu, ấp Bình Ninh, cầu Ba Bướm đầy nghẹt người Bình Long bị lùa, bị đánh đập tại trận, bị rượt bắn, bị trói dẫn thành hàng dài từ đầu xòm đến cuối xóm, Tây trắng, Tây đen, lính pac-ti-dăng, lính đạo Cao Đài phản động vung súng la thét…Nhiều người lủi vô mía đám, lủi xuống bờ sông, nhảy đại xuống sông, trèo cây, chui hầm bí mật. Tụi Tây phục kích sẵn từ bên kia bờ sông, xả súng, nã đại bác vào giữa đám người đang vượt sông. Nước con sông Đồng Nai đỏ ngầu máu.”
Giặc Tây đã bắt nhốt hơn 200 người dân Bình Long, Tân Phú, Tân Triều, Bình Thạnh. Cứ 12 giờ đêm, thằng Tây lai Pây-ra lại bắt một người đem đi cắt cổ, nửa giờ sau nó trở lại, trên tay con dao còn dính máu tươi.(2) Nơi đây qua những cuộc càn quét thời chống Pháp và chính sách ấp chiến lược và chiến dịch “tố cộng’ thời chống Mỹ, kẻ thù đã gây nên không biết bao nhiêu tội ác với nhân dân. Hai Cơi nói với Chín Bổn sau 30 năm gặp lại: “Còn muốn biết hơn nữa về dân Đồng Nai mình à…, dù chú có sống lại 100 cuộc đời chú, chú cũng không bao giờ đạt được ước mơ ấy đâu. Xứ Đồng Nai mình, từ tạo thiên lập địa, khai sơn phá thạch, có biết bao nhiêu chuyện buồn, chuyện thảm, oan trái, hận thù. Đau khổ thấu trời xanh. Có sống hai chục năm qua ở xứ mình, may ra chú mới thấu hiểu điều tôi nói. Thằng Mỹ bạo tàn không nói xiết…”.(3) “…mỗi nhà có đến năm bảy bàn thờ người bị giết. Hầu như nhà nào cũng có treo một chùm khăn tang trên vách. Còn có bao người con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em…Trong số người còn sống, có biết bao nhiêu sẹo và viên đạn, mảnh bom còn nằm nguyên trong thân thể họ” (4).

Gia đình nhà văn Hoàng Văn Bổn thì chồng chất đau thương. Ông kể: “Những năm 1945 – 1958, gia đình tôi bị Pháp giết hại nhiều quá. Anh Năm tôi bị chúng cắt cổ tại đầu làng. Ba tôi uất ức và chết sau hai ngày cái chết của anh Năm tôi. Anh Tám tôi đi bộ đội, bị thương, bị chúng bắt giam, tra tấn, chết sau khi thả ra hai tháng. Má tôi lên chiến khu thăm con bị chúng bắn bị thương. Anh Bảy, anh Tư, anh Ba tôi cũng bị bắt giam, bị tra tấn…làng tôi bị biến thành vành đai trắng từ đó đến 1975.”(5); “Ba chục năm trời, chồng và bảy người con và các cháu lần lượt bị giết trước mặt mẹ…Cái bảng “gia đình Việt cộng” màu đen lúc nào cũng treo trước cửa nhà. Nghĩa là lúc nào chúng muốn bắn, muốn giết, tùy chúng” (6) “Tôi căm thù chúng, tôi thương cha mẹ anh em và tôi quyết viết một cái gì đó để trả thù, ít ra cũng để thiên hạ biết tội ác tày trời của chúng. Tôi đi kháng chiến mà quyết ăn chay, tu tại tâm, và quyết viết sách để tố cáo tội ác cuả chúng”(5)

Như vậy, mục đích viết văn ở nhà văn Hoàng Văn Bổn đã hình thành rất sớm, đã nảy nở ngay trên cái hiện thực máu lửa nơi quê ông, và được nuôi dưỡng suốt mấy chục năm ông cầm súng chiến đấu. Hiện thực cách mạng cụ thể và dữ dội của làng Bình Long, cùng với đời sống, chiến đấu của cả dân tộc trên khắp mọi miền đất nước nơi ông đã đi qua trở thành vốn sống, trở thành nguồn chất liệu cho nhà văn khai thác. Cái gian khổ, hy sinh của bản thân nhà văn lại trở thành cái may mắn của người cầm bút, vì được sống ngay trong trung tâm thời đại bão táp cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, đã có biết bao câu chuyện anh hùng mà ngày nay được nghe kể lại, người đọc tưởng như truyện thần kỳ. Nhà văn không cần phải hư cấu thêm, trái lại, nhà văn phải cố làm sao để ghi cho trung thực những gì đã xảy ra, để xứng với những hy sinh xương máu mà nhân dân đã đổ ra, của một dân tộc anh hùng.

Làng Bình Long và những con người bình dị ở đây đã đi vào trang văn của Hoàng Văn Bổn tự nhiên như thể chính đời sống đã là trang văn. Nhà văn chia sẻ: ”Những năm tuổi đã cao, tôi có may mắn là được viết những gì mà mình ham thích. Tôi viết về quê hương tôi, về cuộc đời tôi được cả thảy mấy ngàn trang…(Nhà văn Việt Nam hiện đại, Tr.81). Lấy thí dụ. Gặp lại một dòng sông của nhà văn Hoàng Văn Bổn là một tập ký sự. Sau 30 năm rời quê ra đi, ngày 30.4.1975 ông trở về, lòng chất chứa bao vui buồn. Ông đi lại con đường làng, sống lại những giờ phút của ngày xưa đau thương và anh dũng. Ông về gặp lại mẹ, một người mẹ biết bao hy sinh và đau thương, gặp người dân làng Bình Long nghe họ kể chuyện. Câu chuyện ở bốt Cây Đào, chuyện của Hai Cơi, Bảy Hơn (Bảy Điên), Út Theo, của Bảy Mẫn, Sáu Dê…thực sự là những câu truyện hay nhà văn hôm nay khó có thể tưởng tượng và hư cấu. Tuy là ký, là sự thật về chính tác giả, song câu chuyện của tác giả cũng là câu chuyện của nhân dân, vì thế nhân vật tôi (tác giả) lại trở thành nhân vật điển hình cho một thời. Ký của Hoàng Văn Bổn giàu tính truyện là vậy.

Cái vốn sống, tức là cái kho nguyên liệu để Hoàng Văn Bổn khai thác viết thành tác phẩm là rất lớn, hơn nữa ông lại có ý thức góp nhặt đến từng chi tiết để làm giàu thêm vốn liếng của mình. Hoàng Văn Bổn rời làng đi kháng chiến từ 1945, lần lượt phụ trách Phó Ban Đời Sống Mới huyện, Trưởng Ban Giáo Dục huyện Tân Uyên, Đồng Nai. Vào Đảng 1950. Ông tham gia quân đội vì muốn được đi đây đi đó để viết văn. Năm 1952 ông cùng đơn vị hành quân xuống miền tây Nam Bộ, rồi vào học Lục Quân Trần Quốc Tuấn…Sau công tác văn hoá quân đội tại phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Tham gia chiến dịch Rạch Giá, An Biên, Hộ Phòng, Bảy Háp. Ông kể :”Tôi vẫn tham gia bộ đội…, làm đủ thứ trong quân đội: cán bộ văn hoá văn nghệ ở đại đội, sư đoàn, phân liên khu…làm cán bộ viết kịch bản phim, làm trưởng ban biên tập xưởng phim quân đội, tham gia các chiến dịch lịch sử như : đường 9 nam Lào, Quảng Trị, Tổng Tiến Công và Nổi Dậy 1968, đường Trường Sơn, đảo Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, làm phim về không quân đánh Mỹ, làm phim về chiến thắng 1975 lịch sử, làm phim Tổng tiến công giải phóng Phnompênh 1979, làm phim đánh bọn bành trướng 17.2.1979 tại 6 tỉnh phiá Bắc… tham gia xây dựng nền điện ảnh quân đội từ hai bàn tay trắng, tham gia thiết kế và xây dựng nền điện ảnh Campuchia từ hai bàn tay trắng…các tác phẩm văn xuôi của tôi cũng lần lượt ra đời theo dấu chân của tác phẩm điện ảnh… trừ Trên Mảnh Đất Này, Miền Đất Ven Sông

Tôi viết bất cứ giờ trống nào, ở chỗ nào, nhất là lúc thiên hạ vui chơi, liên hoan chiến thắng, nghỉ ngơi…Trên ô tô ra chiến dịch, tôi tranh thủ chữa, viết. Bị bom đánh, anh em tôi nhảy xuống, xong lại viết tiếp. Ban đêm lúc mọi người ngủ, tôi viết.Viết lúc họp hội nghỉ Đảng Uỷ, viết lúc học tập chính trị…viết lúc B52 cạo gọt các ngọn đồi chung quanh, xiết vòng vây vào chỗ hầm tôi…Nói chung, đến nay, tôi chưa có một dịp nào thảnh thơi, chưa có dịp nào gọi là chuyên để sáng tác cả. Về VNĐN, tôi phải tranh thủ ban đêm, cứ đều đặn từ 9 giờ tối tới 3 giờ đêm, đêm nào cũng thế”(7)

Đọan văn trên là lời nhà văn Hoàng Văn Bổn trả lời phỏng vấn trên báo Văn Nghệ Tp HCM do Lê Xuân thực hiện 1988. Chúng ta có thể hiểu được nhiều điều đã làm nên tố chất nhà văn lớn ở Hoàng Văn Bổn. Đó là, ông được sống trong hiện thực cách mạng vĩ đại của dân tộc, ông có ý thức và mục đích viết văn tiến bộ, viết văn để phản ánh hiện thực cách mạng, để phục vụ những nhiệm vụ cách mạng. Ông là một nhà văn cần cù, chịu đựng gian khổ, tranh thủ mọi thời gian mọi hoàn cảnh để viết, một nỗ lực không ngừng rèn giũa ngòi bút, cả lúc vinh quang và khi cay đắng (thí dụ những đánh giá khen chê về tác phẩm Trên Mảnh Đất Này). Có lúc ông đã tự than thở với mình :” Gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi đã đi bộ đội, chiến đấu khắp chiến trường ba nước Đông Dương, trở thành nhà văn, viết và in cũng nhiều, làm phim cũng lắm. Trớ trêu, cay nghiệt thì khôn xiết“ (tr.25), “ mỗi người một số phận..mà cái số phận ấy hình như đã được an bài từ trước..” (tr.106 )(8) ..”

Nhưng trên hết ở Hoàng Văn Bổn-nhà văn-là ở một tấm lòng thương yêu sâu nặng.

HOÀNG VĂN BỔN-TÌNH ĐỜI

Tấm lòng yêu thương sâu nặng ấy là tình quê, tình người, tình đời, và trên hết là tình cảm cách mạng với Đảng. Ngọn lửa yêu thương ấy đã nung nấu ngòi bút của nhà văn Hoàng Văn Bổn. Không có ngọn lửa cháy rực này, thì dù có trải nghiệm một đời, có vốn sống giàu có, Hoàng Văn Bổn cũng không thể viết được một khối lượng tác phẩm đồ sộ như thế. Lao động văn chương là lao động rất khổ nhọc, không chỉ có trải nghiệm, có tài năng và công sức mà còn cần lắm một tấm lòng. Ông đã viết 50 cuốn gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, bút ký, ký sự, chân dung; 25 kịch bản phim được dựng và chiếu, và hàng ngàn bài báo văn học khác.

Có thể khẳng định rằng, tình yêu quê hương, tình cảm cách mạng với Đảng đã làm nên cốt cách và giá trị văn chương của Hoàng Văn Bổn. Cuộc sống chiến đấu, gian khổ hy sinh nhưng kiên cường bất khuất của dân làng Bình Long dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuyển hóa thành nội dung của nhiều tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, trong đó, bộ tiểu thuyết sử thi Nước mắt giã biệt, và Miền đất ven sông là bộ tiểu thuyết ông tâm đắc.

Ông nói về Nước mắt giã biệt : “Đầu tiên viết Nước Mắt Giã Biệt, bộ tiểu thuyết sử thi, khai thác 30 năm hai cuộc kháng chiến từ 1945 đến 1975, vùng đất Đồng Nai, Bình dương. Những nhân vật tâm đắc nhất của tôi là Từ Liêm, chú Bảy Hưng Điên, Sáu lé (hôm mình về thăm mộ ông ấy, bả ấy già rồi), Bảy lỳ và con người gọi là điển hình tượng trưng cho anh Tám Nghệ, tức là anh Huỳnh Văn Nghệ, là ông Hai Đinh, tức là Hai Đính, chính ủy Hai Đinh. Tôi viết về một giai đoạn dài như thế cả bên ta cả bên địch, cho nên nó mang cái sử thi như thế, cả mấy triều của tổng thống, của tướng tá Pháp này kia và của Mỹ
Nổi bật một số nhân vật chủ yếu là cơ sở ĐN sông Đồng Nai, cuộc sống của người Đồng Nai dưới đáy sông Đồng Nai và cuộc sống của người Đồng Nai ở trên mặt đất ở hai bên bờ tả hữu ngạn Đồng Nai. Dọc theo tả hữu ngạn sông Đồng Nai Từ Định Quán với những cơn khắc nghiệt của thiên nhiên, có những con người anh hùng huyền thoại như Huỳnh Văn Nghệ, như Bảy Lỳ. Có những kẻ địch thật bại thảm bại như là gia đình đại chù Ngô Kỳ Hồng có những hoàn cảnh éo le như cô Hồng Loan, như là Đờ men, như là Ngô Thị An ở Bộ Điền Địa của Thiệu… Tôi viết cái bộ đó tốn từ 1962 khởi thảo, đổi qua nhiều cái tên nhiều thử thách, nhiều in thử. Tôi in thử hai ba cuốn rồi tôi lại bỏ tôi viết lại. In thử đến cuốn thứ bốn, sau tôi bỏ tôi viết lại hoàn toàn. Cuối cùng tôi lấy tên Nước Mắt Giã biệt 1600 trang một giai đoạn 30 năm của đất Đồng Nai (video)

Miền Đất Ven Sông gồm 3 tập, 847 trang , được Hoàng Văn Bổn viết trong hơn ba năm, từ 1983 đến 1986. Tác phẩm miêu tả cuộc sống chiến đấu của những con người làng quê Bình Long bên sông Đồng Nai từ những ngày khởi nghiã năm1940 đến những ngày đình chiến 1954. Bộ tiểu thuyết này có thể đươc coi là một tiểu thuyết sử thi, vì nó phản ánh những sự kiện cuả một giai đoạn có những biến động lớn lao cuả lịch sử: kháng chiến chống thực dân Phát xít, Cách mạng tháng tám 1945 và chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954).

Miền đất ven sông (9) chính là lịch sử Cách mạng Đồng Nai, được tiểu thuyết hoá. Con người, sự việc là thật. Trong tác phẩm này, Hoàng Văn Bổn đã ghi lại được đậm nét hình ảnh đất nước và con người Đồng Nai. Dòng sông Đồng Nai được miêu tả nhiều lần như một biểu tượng linh thiêng của nhân dân Đồng Nai, gắn bó với từng con người từng số phận, với những ngày đau thương và quật khởi cuả nhân dân. Hoàng Văn Bổn cũng đặc tả những cảnh sinh hoạt có màu sắc và không khí đặc thù của người Đồng Nai: sinh hoạt cuả một gia đình, đỡ trâu đẻ, đám cưới, hội cấy đầu muà (chương 17), con nhà điạ chủ Ngô Kỳ Hồng quậy phá (Đờ Mên-chương 14 ).

Trong tác phẩm này, tính cách con người Đồng Nai hiện lên khá rõ qua các nhân vật gia đình bác Sáu: Bằng, Sáu Nở, Bảy Quỳ, và các nhân vật khác như Hương, Hai Đính, tướng cướp Bảy Lì, ông già chèo đò Hai Thố, mụ chủ quán Sáu Lé…Đó là những con người có cá tính mạnh, cần cù chịu thương chịu khó, giàu tình nghiã, ngang tàng khí phách, gắn bó với quê hương đất nước, sống chết có nhau. Chẳng hạn, Bảy Lì đã cướp tù cứu Bằng và Hương. Bảy Lì cũng dõi theo Sáu Nở mãi, cả sau những ngày sáu Nở có chồng, ốm đau…Bằng và Hương sống chết bên nhau, gắn bó với Cách Mạng (Chương 20)

Người đọc có thể thấy mỗi câu chữ Hoàng Văn Bổn sử dụng đều nồng cháy tình yêu quê hương đất nước, con người Đồng Nai; tình cảm cách mạng với Đảng. Ông miêu tả sắc nét chân dung con người Bình Long. Ông ghi lại từng chi tiết của sự việc, của phong cảnh, đặc biệt là những kỷ niệm với Đồng Nai, với Đảng. Trong Mùa Mưa, Hoàng nhớ lại lễ kết nạp Đảng và lời thề trước Đảng. Trong Gặp lại một dòng sông, Hoàng Văn Bổn cũng ghi lại một lễ kết nạp Đảng đơn sơ nhưng cảm động: ”Sau đó, tôi được kết nạp vào Đảng, cũng nở rìa sân bay biên Hòa này. Anh Tám đứng ra kết nạp tôi vào Đảng, đơn sơ lắm. Một lá Đảng kỳ nhỏ bằng hai bàn tay xòe, treo trên gốc cây cao su đơn độc, một cái bàn bằng cây tầm ron ghép lại, một nhánh hoa rừng và những lời tuyên thệ. Bên ngoài con Huệ ôm sung trường đứng canh gác cho tôi vào Đảng”(tr.15). Xuyên suốt nhiều tác phẩm, Hoàng Văn Bổn đã miêu tả Đảng là người lãnh đạo, là sức mạnh làm nên mọi thắng lợi; là ước mơ, thúc giục quần chúng vươn lên, xốc tới. Ông bày tỏ niềm tin thiêng liêng vào Đảng. Gọi là thiêng liêng bởi vì Đảng không ở đâu xa, mà chính là rất nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Khi trở lại quê hương, nhà văn Hoàng Văn Bổn tìm đến nghĩa địa xưa: ”Gặp mộ bác Hai Đỉnh.”Tôi còn gặp nhiều bạn bè thuở chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, vớt củi trên sông Đồng Nai đang nằm ở đây”; “Tôi cũng tìm gặp mộ các đồng chí lãnh đạo chi bộ, Ủy ban, Mặt trận Việt Minh thôn, quận, đã cùng tôi vào chiến khu nay đang nằm ở đây….Đồng chí Chín Hùng, đồng chí Hồng, Tài, chị Tư Hóa bạn thân của chị Thanh hậu, Thanh Huyền…”(9)

Trí nhớ của ông thật tuyệt vời, những trang văn miêu tả của ông khắc sâu vào nhận thức của người đọc một vùng quê hương đất nước đẫm máu và nước mắt nhưng kiên cường và nghĩa tình biết bao. Ông đã viết những trang văn máu chảy, những trang văn gấm thêu…Chẳng hạn, hình ảnh con sông Đồng Nai có thể coi là một trường dụ trong rất nhiều tác phẩm của Hoàng Văn Bổn. Con sông lên tiếng nói cùng với nhân dân Đồng Nai trong trường kỳ kháng chiến, và con sông cũng là tình cảm của người dân Đồng Nai với quê hương mình.

“Hai chúng tôi bò lăn ra cười bên mép nước con sông Đồng Nai đục ngầu, mênh mông vào mùa tháng bảy. Vào mùa này, nước con sông ĐN chỉ chảy có một chiều, chảy suôi ra cửa biển… Trên một chiếc thuyền câu dập dềnh gần bờ, một bà mẹ trẻ ôm thằng con trai hở rốn chồm ra dòng nước. Chị khỏa nước rửa mặt mũi cho con, vạch vú cho con bú…Thằng nhỏ ngửa mặt nhìn bầu trời trên đầu, cười toe toét. Người mẹ vỗ vỗ vào lưng con hát ru:”Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”. Tôi và anh Sáu nhìn nhau bùi ngùi: Có biết bao nhiêu người quân tử của đất Đồng Nai ra đi suốt ba chục năm qua, mãi mãi không bao giờ trở về đoàn tụ nữa. Một giọt nước suông để rửa mặt cho thằng nhỏ dưới ghe kia, thật ra cũng thấm đầy máu và nước mắt”(Gặp lại một dòng sông- chương 3-)

Một đoạn văn tả cảnh nhưng giàu sức biểu cảm :
”Ngoài bàu Mật Cật, không biết ai đó chống ghe bứt cỏ hay đánh cá, đàn vịt trời cất bay từng bầy trên cao, kêu quàng quạc. Chim te te hoành hoạch, chim tầm bồng, bù nông cũng “quần đảo” kêu “táo tác”. Trên mấy cây dầu cổ thụ ngay chỗ trước kia là miễu Bình Long, một cặp chim hồng hoàng, cao các to bằng con công trống, mỏ dài và đỏ, quạt cánh lào xào không trung đảo một vòng quanh chòm dầu, thằng nhỏ chăn bò ngoái cổ kêu tôi, chỉ chỉ về hai con chim hồng hoàng nói to:’Hồng hoàng về miếu đó chú. Mấy năm nay cháu không thấy nó về đây lần nào đâu.” (Gặp lại một dòng sông- chương 6-)

Tình quê trong văn của Hoàng Văn Bổn không chỉ bó hẹp nơi làng Bình Long hay khắp miền Đồng Nai. Tình quê ấy còn bao hàm cả miền Nam thương yêu khi nhà văn tập kết ra Bắc. Tiểu thuyết Mùa Mưa ghi lại sâu đậm tình cảm này của các nhân vật. Đó là câu chuyện của đại đội quân bưu, cuối năm 1955 phải hành quân 300km đến công trường sông Lô, rồi sông Mường Tha gần biên giới để hoàn thành đường dây nối với Hà Nội. Sau 8 tháng ở rừng, họ đã hoàn thành công việc đúng hạn định của Bộ Quốc Phòng. Đại đội được thưởng huân chương. Quân số 150 người nguyên vẹn. Đa số chiến sĩ của đại đội là người miền Nam tập kết. Hoàng người Biên Hòa, Liên người Cao Lãnh. Lúc nào lòng họ cũng hướng về miền Nam, họ đọc chung thư từ miền Nam gửi ra. Học tự nguyện đào thêm hố trồng trụ cột vì miền Nam. Chiến sĩ Đệ ngủ mơ về Nam. Đệ nói với Hoàng:”Tôi có khóc hả anh! Đang ngủ… thấy mình về Nam, má tôi đang giã cốm dẹp cho tôi thì tụi thằng Diệm vô bắt má tôi, trói lại. Tôi bắn hai phát, kêu:’Má, má’ và khóc rống. Tôi vội chạy đi báo cho anh” (tr. 317). Bính không ngủ được vì nghe tin làng quê miền Nam bị Diệm khủng bố, 20 người hy sinh. Bính như người điên lên vì căm thù. Nỗi nhớ quê hương miền Nam của anh thật cụ thể: “Bính hít hít mùi hôi của lá ủ và sình non trộn mồ hôi, rồi kêu to qua hơi thở phì phò:”giống mùi sinh Đồng Tháp Mưới quá bà con ơi”. Và những ngày chiến đấu lăn lốp ngủ bờ dìa Đồng Tháp xâm chiếm tâm hồn anh. Anh nói cùng Thân: “Đời tôi giờ chỉ ước mơ được khiêng gỗ như vầy ở Đồng Tháp Mười thì đã là tiên rồi. Tôi không mơ ước gì hơn”.(tr. 259). Nhiều người khác chỉ mong được về Nam chiến đấu, vì nơi quê nhà bao người thân yêu đang bị kẻ thù giết hại. Hoàng kêu lên: ”Ôi quê hương! Một giọng nói, một mảnh đất, một ngọn rau, một con rạch một dòng kinh tít tắp với hai người đã trở thành một khát vọng!”(tr.357)
Vào lúc đất nước mở cửa chuyển sang nền kinh tế thị trường, đã có lúc nhà văn Hoàng Văn Bổn nhắc nhở chúng ta: “Nói chuyện ông Tám Hùynh Văn Nghệ chỉ huy trưởng của chúng ta, tự thành lập trung đòan đầu tiên xứ mình đánh Tây, lấy nhà mình làm tổng hành dinh, tự đốt nhà mình tiêu thổ kháng chiến, mới cách nay có hai ba chục năm thôi, các chú có biết không? Không chớ gì? Trong làng mình các chú có biết, có nhớ các bác, các cô, chú đã hy sinh anh dũng cho tụi mình như ông Chín Hùng bí thơ chi bộ đầu tiên, ông Chín Hồng, chú Ba Tấn, chị Thanh Hóa, chú Bên, Nhứt, Nhì, các Má Sáu, Má Mười, Má Bảy phải nhịn đói, chịu tra tấn để tiếp tế cho hai cuộc kháng chiến qua không? Không chớ gì? Một ngàn năm trăm bác, chú, cô, dì... của các chú đã hy sinh “(10). Lời nhắc nhở ấy nghĩa tình biết bao, sâu nặng biết bao. Nghĩa tình ấy để lại dấu ấn Hoàng Văn Bổn trong lòng mọi người.

DẤU ẤN HOÀNG VĂN BỔN

Nói đến “dấu ấn Hoàng Văn Bổn”, bạn đọc hôm nay rất dễ nhận ra Hoàng Văn Bổn là nhà văn, nhà văn hóa lớn của Đồng Nai qua những gì ông đã đóng góp cho vùng đất này.

Gọi Hoàng Văn Bổn là nhà văn Đồng Nai, bởi ông sinh ra, lớn lên và ở lại mãi với đất này. Ông đã chuyển hóa con người, vùng đất, lịch sử Đồng Nai thành văn chương của ông. Và chính vùng đất này trở thành quê hương sáng tạo của ông. Nếu mỗi nhà văn đều có một vùng quê sáng tạo thì con sông Đồng Nai trở thành biểu tượng trong sáng tác của Hoàng Văn Bổn. Sinh thời nhà văn nói mình có nợ với con sông Đồng Nai, vì thế viết văn là để trả nợ con sông: Miền đất ven sông, Gặp lại một dòng sông, Nước mắt giã biệt…là những tác phẩm đặc biệt thi hóa hình ảnh con sông Đồng Nai.

Hoàng Văn Bổn còn có tiểu thuyết Thuở hồng hoang, khám phá miền đất Đồng Nai từ những ngày “khai sơn phá thạch”. Đây là tác phẩm hư cấu. Hoàng Văn Bổn đưa vào tác phẩm nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, có cả những yếu tố thần kỳ. Truyện kể về gia đình ông Kỳ Ngoại lưu lạc từ ngoài Bắc vào thượng nguồn sông Đồng Nai để tìm đất sống. Gia đình ông được ông Bách, chàng trai tên Suman và bộ tộc người Po giúp đỡ. Sau đó lại được Ông Già Đồng Nai và chàng trai Đồng Nai hỗ trợ. Rồi họ cùng nhau đi tìm đất định cư. Họ đến vùng lưu vực sông Đồng Nai, ngã ba sông Nhỏ-sông Đồng Nai, làm rẫy, lập ấp, lập chợ lập trường học. Xóm làng vùng Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ đã dần dần hình thành, sầm uất, trù phú. Nhiều thế hệ trẻ đã lớn lên, dựng vợ gả chồng, con cái đùm đề… Viết tác phẩm này, nhà văn Hoàng Văn Bổn muốn nói đến đặc điểm văn hóa Đồng Nai là sự hợp nhất nhiều nền văn hóa khác nhau từ khắp miền đất nước.

Viết về Đồng Nai, Hoàng Văn Bổn có ý thức viết những bộ sử thi lớn. Đó cũng là dấu ấn Hoàng Văn Bổn với văn chương cả nước. Nếu nói đến văn chương chống Pháp và chống Mỹ, thì không thể không nhắc đến Trên Mảnh đất này, Miền đất ven sông và Nước Mắt giã biệt của Hoàng Văn Bổn, trong đó hình tượng nhân dân Nam bộ, hình tượng người lính là những đóng có màu sắc riêng của Hoàng Văn Bổn. Nhà văn cũng đặc biệt miêu tả sự lãnh đạo của Đảng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm. Đảng là niềm tin, là lý tưởng. Đảng cũng là tình nghĩa. Đọc tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn, bạn đọc mới thấy hết tầm vóc lớn của nhà văn. Nhà văn trẻ Đồng Nai hôm nay thật khó nối tiếp tiểu thuyết sử thi của ông.

Dấu ấn Hoàng Văn Bổn cũng thể hiện ở hành trình nghệ thuật của ông, cũng là hành trình chung cùa văn chương Việt Nam từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Lúc đầu, ông chỉ viết để phản ánh hiện thực, viết để “trả thù” và tố cáo tội ác thực dân, đế quốc. Những ngày đầu chống Pháp, văn chương Việt Nam được hướng đến đối tượng công, nông, binh. Viết về công, nông, bính; viết để phục vụ công, nông, binh; nói bằng tiếng nói công nông, binh. Tác phẩm của Hoàng Văn Bổn hoàn toàn mang những đặc điểm này. Đó là giàu tính quần chúng. Ông miêu tả sinh hoạt của quần chúng, đưa ngôn ngữ đời thực của quần chúng vào tác phẩm, lẫn lộn vốn từ miền Bắc với miền Nam, vì thế, tính văn chương chưa nhiều. Dần dần, trong những tác phẩm về sau, Hoàng Văn Bổn đã nâng chất văn chương của ngôn ngữ lên, để tác phẩm dù là ký sự (như Gặp lại một dòng sông) cũng vẫn giàu chất thẩm mỹ.
Một đặc điểm khác của ngòi bút Hoàng Văn Bổn là ông có ý thức miêu tả cặn kẽ và chi tiết chân dung nhân vật. Ông quan sát rất kỹ để đọc cho được những ẩn dấu đàng sau hình hài một con người. Có lẽ ông muốn lưu giữ cho đời sau những khuôn mặt của một thời để họ có thể hình dung cụ thể về thời cha ông đã sống; cũng có thể là do ảnh hưởng nghề nghiệp. Ông là người viết kịch bản phim, cần có những chi tiết góc cạnh, cụ thể.

Và đây là chân dung của Bảy Mẫn, một người mà sau 30 năm nhà văn đến nhà tìm gặp. Từ cửa vào, nhà văn ghi nhận:”Trên một chiếc sa lông nệm mút bọc giấy bóng cẩn thận, một ông già mặt gồ gẫy, da bánh ếch, râu và ria bó hàm để dài kiểu râu Trương Phi che kín miệng, cổ. Mái tóc ông già rắc muối tiêu, hai bàn tay to lớn, nổi gân đặt trên bàn sa lông, bộ quần áo bà ba đen có lẽ bằng xoa Pháp bó chặt người. Cho tới bây giờ, hàm râu rậm rì của ông già Trương Phi kia mới động đậy, cái âm thanh ồm ồm, rắn rỏi của một cổ họng bành bạnh, vạm vỡ :- Lu, Tôm sơn, Nít…lui!. Sau tiếng quát oai vệ ấy, bầy chó tản dần. Tôi nhận ra ngay cái cốt cách của gia đình Bảy Mẫn trước 1945. Oai vệ, kỷ cương, hay cố làm ra oai vệ, kỷ cương trưởng giả “(gặp lại một dòng sông, tr.88)

Sang thời kháng chiến chống Mỹ, hiện thực cuộc kháng chiến mở rộng hơn nhiều. Văn chương Việt Nam cũng mở rộng biên độ bằng tác phẩm sử thi. Thơ ca có thể lọai trường ca. Hoàng văn Bổn là nhà văn trong số không nhiều nhà văn có nhiều bộ sử thi đồ sộ. Ông theo kịp sự phát triển chung của văn học Việt Nam và có cái riêng của mình. Ông đã chọn Đồng Nai để viết những bộ sử thi.

Nói “dấu ấn Hoàng Văn Bổn” thì không thể không nhắc đến hình ảnh của ông trong lòng anh em văn nghệ Đồng Nai. Trong điếu văn vĩnh biệt nhà văn Hoàng Văn Bổn, Ts Huỳnh Văn Tới đã ghi nhận tấm vóc một nhà văn, nhà văn hoá lớn Hoàng Văn Bổn với Đồng Nai: ” …Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Nai xin ghi nhận công lao to lớn của nhà văn Hoàng Văn Bổn trong xây dựng nền văn học nghệ thuật địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa mới trên đất Đồng Nai. Những người cầm bút Đồng Nai thế hệ trưởng thành sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng biết ơn và ghi nhớ mãi về một người thầy, người anh tận tình phát hiện, nâng đỡ và khuyến khích trên con đường sáng tạo nghệ thuật cao quí mà gian nan, đòi hỏi nhiều tâm sức, tài năng... “

Nhà báo Đặng Minh Hân nhận xét về nhà văn Hoàng Văn Bổn: “Tính anh hiền lành, chất phác, thật thà và không bao giờ cách biệt giữa “nhà văn” và bạn bè. Nhờ những lần gặp gỡ đó mà tôi hiểu khá nhiều về anh và càng khâm phục anh thêm…Trong quá trình viết lách của tôi, phải nói có sự giúp đỡ của anh nhiều. Anh biết tôi là nhà báo chứ không phải nhà văn, hai lĩnh vực khác nhau về cách viết, nên bài nào đăng báo Sông Phố hay tạp chí Văn nghệ Đồng Nai anh đều tham gia một cách chân tình”(11)

Nhà văn Bùi Quang Tú gọi Hoàng Văn Bổn là người lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa:” Tấm lòng ưu ái với anh em viết trẻ, kinh nghiệm sáng tác lâu năm đã giúp ông phát hiện, nâng đỡ cho nhiều cây bút, giới thiệu họ trên báo. Ông còn tổ chức được nhiều trại sáng tác mời các nhà văn, nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh về trao đổi kinh nghiệm. Hồi ấy phong trào Hội khá rôm rả, anh em thích đến Hội để trò chuyện về sáng tác và tán gẫu. Nhà văn Hoàng Văn Bổn đã tập hợp được lực lượng xung quanh mình để làm cho văn nghệ Đồng Nai mạnh lên, phong phú hơn” (12)

Nhưng Hoàng Văn Bổn còn là nhà văn cùng thời với nhiều nhà văn lớn giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nhà văn Bùi Hiển gọi Hoàng Văn Bổn là nhà văn nhân chứng. Ông viết : « Có thể coi Hoàng Văn Bổn là một nhà văn nhân chứng./ Mà không ! Anh không hề chỉ là người chứng kiến đơn thuần. Anh lao vào cuộc, anh xông xáo dọc ngang, với những nhiệm vụ khác nhau, anh đi nhiều nơi ở Nam Bộ và miền Bắc, sang Lào, ra hải đảo, anh viết truyện, anh quay phim dưới bom đạn (một số đoạn phim tư liệu của anh đã được Joris Iven sử dụng lại), anh cũng là một nhân vật chính, anh có quyền sử dụng nhiều chữ « tôi », nhắc lại nhiều đến « tôi » mà không sợ mang tiếng huênh hoang, hợm hĩnh. Anh tỉ mỉ và tuần tự kể lại những việc mình làm kề vai sát cánh cùng bạn bè, đồng đội (đều cũng là chiến sĩ vệ quốc hồi « chín năm ») để góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam bằng một lối văn kể chuyện hết sức tự nhiên, chân thực, phảng phất màu dân dã tươi vui hóm hỉnh »(13)
Nhà thơ Thu Bồn chỉ ra đặc điểm văn phong của Hoàng Văn Bổn so sánh với các nhà văn Nam Bộ: “Đặc điểm của anh Bổn tôi thấy là anh là một tác giả Nam bộ, nhưng có khác với ahh Đoàn Giỏi, anh Sáng. Những người kia thì là viết về đồng ruộng, về nông dân Nam bộ những người hơi có khí phách giang hồ. Đoàn Giỏi viết Đất Rừng Phương Nam, anh Sáng viết về Chiếc Lược Ngà, thì cái tính cách Nam bộ nó khác, nhưng mà anh Hoàng Văn Bổn cũng là một chất giọng Nam Bộ nhưng mà anh thể hiện trong tác phẩm của ảnh cái giọng rất là hiền hòa đôn hậu khi tả những người dân lao động chất phác ở miền quê. Và anh Bổn cũng là một người rất hiền lành, cho nên đọc tác phẩm anh Bổn thấy người dân Nam bộ hồn hậu dễ thương.”(14)(video)
Đạo diễn Dương Minh Đẩu, nguyên giám đốc xưởng phim quân đội nhân dân, người đã sống gần gũi với nhà văn Hoàng Văn Bổn 30 năm, ghi lại ấn tượng về nhà văn: “Đối với anh Bổn, tôi vừa là người đồng đội, vừa là bạn thân. Hai điều đó khiến cho tôi không lúc nào quên được hình dáng gầy gầy gò gò, suốt ngày chỉ lo chuyện tìm hiểu, viết lách. Ngoài ra ông cũng có chuyện riêng của ông ấy. Tại sao ông ấy làm được phim nhiều, mà ông viết cũng rất khỏe, tiểu thuyết, ký sự, nhất là ký sự rất khỏe. Những là Hòn Mê ông ấy viết trong khi đi làm phim đấy. Thì hóa ra có lúc tôi mới trêu chọc ông ấy, tôi bảo, anh khôn lắm. Tất cả đề tài các chiến trường nóng bỏng anh đi hết, anh thu lượm cho hết, về giờ này, anh nhả ra một ít để anh làm phim, còn bao nhiêu những cái không đưa được lên phim anh giữ trong bụng, đêm về anh giở ra viết sách, anh vẫn viết tiểu thuyết đấy, hồi ký đấy, ký sự đấy, khôn lắm”(video)

TS Phạm Quang Trung (ĐH Đà Lạt) lại khám phá một khía cạnh khác của ngòi bút Hoàng Văn Bổn : ”Trước nay, tôi quen nghĩ, Hoàng Văn Bổn là nhà văn của những bộ sách đồ sộ về quê hương, kháng chiến và cách mạng, đâu có ngờ ông còn là tác giả của những trang viết xúc động và thấm thía về nhiều nhà văn tên tuổi như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Chế Lan Viên… cùng với những chi tiết sống động mà giàu ý nghĩa về văn chương của một thời đã qua đi. Những trang viết như vậy thật sự vượt thoát khỏi khung ký ức mang tính nghề nghiệp để ghi dấu một chặng đường từng trải qua của dân tộc, đem lại những bài học quý giá đối với các thế hệ tới sau.”(15)

TS Phạm Ngọc Hiền (ĐH Vinh) cho biết: tình hình nghiên cứu văn chương Hoàng Văn Bổn: “Hơn nửa thế kỷ nay, đã có nhiều sách báo nhắc đến Hoàng Văn Bổn nhưng chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về tác phẩm của ông. Trong hai năm trở lại đây, giới học đường biết đến sự nghiệp văn học đồ sộ của ông qua một số luận văn của các sinh viên Huỳnh Thùy Linh (ĐH Bình Dương), Phan Thị Thanh Thúy (ĐH Văn Hiến)... Gần đây nhất là luận văn thạc sĩ của Trần Minh Hậu với đề tài: "Đặc điểm tiểu thuyết của Hoàng Văn Bổn giai đoạn 1955 - 1975". Cả ba luận văn đều do TS. Phạm Ngọc Hiền (ĐH Sài Gòn) hướng dẫn.”(16)

Hoàng Mai Quyên, con gái nhà văn Hoàng Văn Bổn ghi lại ấn tượng này về người cha thân yêu của mình: ”Ba tôi đã ra đi một cách rất nhẹ nhàng thanh thản vào ngày lễ Phật Đản năm 2006. Bây giờ, ở cõi xa xăm nào đó, có lẽ ba tôi cũng đã và đang viết… Khi đặt ông vào quan tài, bạn bè đồng nghiệp và người thân không quên để vào mấy cây viết và mấy tập giấy trắng… những thứ mà ông đã gắn bó hầu như suốt cả cuộc đời.” (17)

VĂN HOÀNG VĂN BỔN- CẦN ĐỌC BẰNG CHỮ TÂM

Tôi đã đọc và viết về Hoàng Văn Bổn bằng nhiều cách đọc và những phương pháp phê bình văn chương khác nhau. Nhưng tôi thấy không cách phê bình nào là thỏa đáng với tác phẩm của Hoàng Văn Bổn. Mọi khen chê đều làm tổn thương đến những trang văn của ông. Đọc để thưởng thức chăng? Hoàng Văn Bổn không viết loại văn giải trí hay văn chương thù tạc. Đọc để khám phá những sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Văn Bổn trong sự phát triển chung của Văn chương Việt Nam chăng? Nếu vậy, người đọc sẽ thất vọng, bởi ông không quan tâm điều này. Vì xét cho cùng, những “cách tân” nghệ thuật cũng chỉ là để diễn đạt sao cho nội dung sâu sắc và mới lạ. Nhà xã hội học, văn hóa học có thể tìm thấy nhiều điều thú vị về đất nước, con người Đồng Nai trong tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, song cách đọc Xã hội học hay cách đọc Văn hóa –lịch sử không giúp khám phá giá trị văn chương với tư cách một bộ môn nghệ thuật ngôn ngữ.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn nói: “Với chúng tôi, mỗi trang bản thảo đều đổi bằng cái giá không biết thế nào mà tính được. Đắng cay lắm. Giờ đây, khi còn sống ngồi viết lại những dòng này, tôi càng thấm thiá rằng mỗi một dòng, một trang sách đối với chúng tôi (ít tài năng) chúng tôi phải trả bằng cả cuộc đời, bằng trăm nghìn thứ hy sinh trên đời này” (18)

Tôi nghiền ngẫm mãi điều này, và lo lắng không biết trang viết của mình có làm tổn thương đến nhà văn không!

Trại sáng tác Vũng Tàu. 04.12.2015

______________________________________
Ghi chú
(1) Nhà văn Việt Nam hiện đại, Tr.81).
(2) Gặp lại một dòng sông.Nxb Đồng Nai.1982.tr. 36
(3) Gặp lại một dòng sông, sđd. Tr.69.
(4) Gặp lại một dòng sông, sđd. Tr.57.
(5) Văn nghệ Tp HCM, số 513. TR.8
(6) Gặp lại một dòng sông, sđd. Tr.92.
(7) Văn nghệ Tp HCM, số 513 (sđd)
(8) Người điên kể truyện người điên, Nxb Đồng Nai 1992
(9) Gặp lại một dòng sông.tr 50
(10) Người điên kể chuyện người điên.tr. 155
(11) http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2006/5/49270/
(12) http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201111/Nha-van-Hoang-Van-Bon-Nguoi-luc-dien-tren-canh-dong-chu-nghia-2109181/
(13) http://www.nxbkimdong.com.vn/products/van-hoc-nhi-dong/tuong-lam-ky-dat.html
(14). Video: Tự sự với Đồng Nai https://www.youtube.com/watch?v=FbdQwaFMmKQ
(15)http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/hoang-van-bon-tat-ca-la-vi-con-nguoi.html
(16) http://tapchivan.com/tin-van-hoa-giao-duc-luan-van-thac-si-ve-nha-van-hoang-van-bon-685.html
(17) http://mucdong2010.violet.vn/document/same/entry_id/2830229
(18) VNĐN số 8/ 1987.