Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

NGUYỄN DU- ĐÔI ĐIỀU NGẪM NGHĨ

Đôi điều ngẫm nghĩ
NHÂN KỶ NIỆM 250 NĂM NGUYỄN DU 1765-2015,

Bùi Công Thuấn


Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, Bộ văn hóa- thể thao- du lịch, Hội Nhà Văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động để tôn vinh nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cũng đã có rất nhiều người nghiên cứu viết về Nguyễn Du. Chỉ riêng một hội thảo quốc tế với chủ đề "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du- Di sản và các giá trị xuyên thời đại" do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 08.08.2015. đã có hơn 100 tham luận, trong đó có 13 tham luận đến từ các học giả Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan… với những hướng tiếp cận mới mẻ.
Tôi đã định không viết gì thêm, nhưng thấy lòng mình vẫn có điều muốn chia sẻ, bởi cho đến nay, Nguyễn Du và Truyện kiều (Đoạn tường tân thanh) vẫn thôi thúc chúng ta về những điều còn ẩn mật.

1.NHÀ THƠ ĐI TÌM CHÂN LÝ

Ngoại trừ bài Long Thành cầm giả ca có nhắc đến nhà Tây Sơn, còn lại, Nguyễn du im lặng trước hiện thực Việt Nam (1765-1820) suốt từ thời hậu Lê qua thời Quang Trung và Gia Long. Cả khi đi sứ Trung Quốc 1813, ông cũng không có dòng nào về những gì đang diễn ra ở triều đại nhà Thanh lúc ấy giờ. Đó là vấn đề cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Nguyễn Du là con cháu nhà Lê, lại làm quan cho nhà Nguyễn, mà đạo “trung hiếu” của nhà Nho đòi buộc “Trung thần bất sự nhị quân”, thành ra Nguyễn Du không tránh khỏi mặc cảm. Nhưng trong tình thế ông không thể không ra làm quan với Gia Long, Nguyễn Du còn chứng kiến việc Gia Long trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn, giết hại công thần Nguyễn Văn Thành, Bùi Thị Xuân, Đặng Trần Thường… thì thân phận một “hàng thần lơ láo” như Nguyễn Du nào có nghĩa gì. Cho nên giữ im lặng là thái độ phải lẽ của bậc thức giả. Hơn nữa, Nguyễn Du còn được Gia Long trọng dụng, thăng chức liên tục. Ông không thể phủ nhận lòng ưu ái của Gia Long. Trên đường đi sứ qua Ải Nam Quan ông đã viết:“Ơn vua như biển chưa mảy may báo đáp”. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết: ”Rằng: Ơn Thánh đế dồi dào/ Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu”(câu 2489). Như vậy, Nguyễn Du đã đạt được “hùng tâm và sinh kế” là hai điều mà ông hằng ấp ủ mà có lúc ông bế tắc đến tuyệt vọng (Tạp thi 1, U cư 2, Mạn hứng 1,…).

Nhưng đọc thơ Nguyễn Du, người đọc không nguôi day dứt về những gì ông muốn chia sẻ. Trong bài My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù), ông tỏ lộ:

Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.
(Ta có một chút tâm sự, không biết bày tỏ cùng ai,
Dưới chân núi Hồng Lĩnh, sông Quế Giang sâu thẳm.)

Và ông tự khóc thương thân trong bài Độc Tiểu Thanh ký:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Không biết sau ba tram năm nữa
Ai là người trong thiên hạ khóc Tố Như)

Đọc thơ chứ Hán của Nguyễn Du, người đọc thấy rõ hành trình tư tưởng của ông. Về cơ bản Nguyễn Du là một nhà Nho. Lúc lưu lạc “thập tải phong trần”, sống trong nghèo khổ tha hương, ông hướng về lý tưởng “kinh bang tế thế” của nhà Nho, ông đau đáu mộng công danh, và than thở khôn nguôi vì tóc đã bạc mà chưa làm được việc gì.

(Dịch nghĩa:)
Cuộc thế trăm năm phó mặc gió bụi,
Hết ăn nhờ ở miền sông lại ăn nhờ ở miền biển.
Đã lâu rồi, lúc cao hứng, không còn ấp ủ giấc mộng gác vàng nữa,
Nhưng hư danh nào đã buông tha kẻ bạc đầu này
(Mạn hứng 1-)
Cái dáng nho nhã bình sinh nay xơ xác như con phượng nhốt trong lồng.
Công danh thì như con rắn chui tuột vào hang lúc nào rồi
(Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy)
Nhưng khi đã làm quan, được thăng chức, được cử đi sứ, Nguyễn Du lại không hề nhắc đến mộng công danh nữa. Ông nhận ra thân cá chậu chi lồng mà muốn về quê. Nghĩa là cái mộng công danh, cái lý tưởng ông theo đuổi ngày xưa đã không thỏa mãn ý nguyện của ông.

(Dịch nghĩa)
Những con oanh đẹp trong vườn vua ghen nhau vì sắc đẹp
Rau thuần già nơi quê cũ vẫn còn nấu canh được
(Tống nhân)

Thân này đã làm vật trong lồng trong chậu
Còn tìm đâu lại cuộc chơi phóng đãng
Chớ nhìn chân trời mà than thân lưu lạc
Phía nam sông nay đã là đất của vua rồi.
(Tân thu ngẫu hứng)

Một dòng sông đầy ngăn một xóm hẻo lánh
Trong đó có một cao sĩ không ra khỏi cửa…
Ta muốn treo mũ ra về theo ý nguyện
Để cùng ông gảy đàn uống rượu vui hưởng tuổi già. (Tặng nhân)
Đi sứ Trung Quốc, (có nhà nghiên cứu cho rằng, trong 10 năm gió bụi trước khi ra làm quan, Nguyễn Du đã từng đi Trung Quốc) ông đã đi qua nhiều nơi, thăm những di tích danh nhân văn hóa, của lịch sử hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Ta từ xa đến, muốn hỏi chuyện nghìn năm cũ (Hoàng Sào binh mã). Ông đứng trên lập trường Nho gia để đánh giá nhân vật lịch sử: “Ngày thường không thấu hiểu hai chữ "trung tín"/ Thì đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề "sống và chết". (Thuyền xuội qua ghềnh Đại Than). Ông ca ngợi người trí dũng, nhân nghĩa. Ông chê trách kẻ tham tàn bạc ác.
Tầm nhìn của ông rất rộng. Ông quan sát lịch sử Trung Quốc từ thời đế Nghiêu. Ở mỗi nơi, đứng trước di tích lịch sử, ông đối thoại với con người đã ghi dấu tại nơi ấy về cuộc đời họ, về ý nghĩa nhân sinh, về giá trị làm người. Đặc biệt, đứng trên lập trường dân tộc, ông mỉa mai chí anh hùng của Mã Viện chỉ là trò cười. Ông mượn mộ kỳ lân để tố cáo tội ác Minh Thành Tổ (Kỳ lân mộ). Với người Trung Quốc, Ông ca ngợi Đế Nghiêu, vinh danh Tỷ Can, Nhạc Phi. Khen Ậu Dương Tu: Một tấm lòng son để lại tiếng xưa nay (Mộ Bùi tấn Công). Khen Lạn Tương Như bảo vệ được đất nước khỏi chiến tranh (Lạn Tương Như cố lý). Ca ngợi Kinh Kha: Thần dũng hiên ngang chỉ có mình ông. Ca ngợi Dự Nhương:”Chiếc gươm ngắn thời đó dài bảy tấc/ Riêng có tia sáng dài muôn trượng rọi thấu cổ kim”. Khen Chu Du: “Đốt sạch trăm vạn quân họ Tào/ Trượng phu cũng đủ thỏa chí bình sinh”(Mộ Chu Du), khen người hiền Vinh Khải Kỳ (thời Xuân Thu), ca ngợi Hàn Tín, Văn Thiên Tường. Ông tôn vinh Đỗ Phủ là bậc thầy: “Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời / Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt” (Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương kỳ 1). Ông chia sẻ nỗi niềm của Khuất Nguyên:”Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình, /Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào?”, ông đồng điệu với Lý Bạch : Danh vọng coi thường như giẻ rách. Ông sánh mình với Liễu Tông Nguyên :”Một thân bị đày ải nơi xa sáu ngàn dặm / Văn chương nghìn thuở, là một trong tám nhà văn thơ lớn bậc nhất / Thời trai trẻ, ta cũng có tài ví như gỗ tốt / Nay bạc đầu, tự mình than vãn trước gió thu…”(Vĩnh châu Liễu Tữ Hậu cố trạch). Ông ghét bọn bất trung (Đáng xấu hổ họ Ngụy quê mùa tham sống / Dám hồ đồ gượng ép chia hai Trung với Lương- Mộ Tỷ Can). Ông nặng lời với Tần Cối: ”Gác Cách Thiên lầu vàng đổ nát / Còn thằng gian lẩn quất chốn này/ Tim đen nọc độc chứa đầy/ Để cho sắt sống oan lây nghìn đời (Tượng Tần Cối 2). Ông chê Tào Tháo (72 ngôi mộ gió). Coi Tô Tần chỉ là kẻ nhỏ mọn (vì chỉ lo lợi lộc riêng không vì nước- Đình Tô Tần). Chê Quản Trọng sự nghiệp nhỏ.

Sự thật của lịch sử Trung Quốc là vậy, nhưng những con người và sự việc ở ngay trước mặt (Sở kiến hành, Trở binh hành…) cũng đâu có khác. Thành ra những gì Nguyễn Du thao thức lại là vấn đề của hiện sinh. Ấy là tất cả đã qua đi và sẽ qua đi, dù là Hạng Vũ, Hàn Tín, Kinh Kha, Chu Du, Tào Tháo, Hoàng Sào, Tôn Quyền, hay Lưu Bị,.. Cái gọi là sự nghiệp cũng chỉ là không. Đáng thương thay cho kiếp phù sinh.

Vua xưa dấu cũ đã xa rồi
Triền miên sông Hán ngày đêm trôi
(Chiều ở Hán Dương)
Rốt cuộc muôn khéo nghìn khôn cũng thành không tất cả
Từ ngàn xưa đau lòng nước sông Chương
Ta nghĩ đến người xưa mà xót nỗi mình
Bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, thương kiếp phù sinh.
(Đổng Tước đài)
Gió thu lúc mặt trời lặn ngóng quê nhà
Nước trôi mây nổi, sạch hết mưu đồ làm bá làm vua
Đâu rồi đất Tôn Quyền tranh giành với Lưu Bị?
Trông chỉ thấy xanh um một vùng cỏ hoang.
(Sở vọng)
Trăm vạn cờ xí vượt sông Hoàng Hà phía bắc
Dưới đất Yên còn vùi gươm giáo
Việc xa xôi xảy ra đã hai nghìn năm
Mênh mông ở bên thành một bãi cát.
(Hàn Tín giảng binh xứ)
Người nay cảm chuyện nghìn năm trước
Đương thời nghĩ chuyện khó tính thông
Giỏi ra chỉ một sông Dương Tử
Thành bại theo dòng cuốn bể đông.
(Hoàng Châu trúc lầu)
Giàu sang trên đời như mây nổi
Trăm năm rốt cuộc đều như thế
Quay đầu nhìn chỉ thấy một áng bụi mịt mùng.
(Đồ trung ngẫu hứng)

Nguyễn du bế tắc trước vấn đề của hiện sinh:

Ta từ xa đến, muốn hỏi chuyện nghìn năm cũ.
Nhưng ông lái đò lắc đầu như không nghe thấy!
(Hoàng Sào binh mã)

Thầm đọc bài ca hỏi trời,
Trời cao, biết đâu mà hỏi? (Bất mị)

Trong tất cả tác phẩm của Nguyễn Du, ông chưa bao giờ an nhiên trong Đạo, mặc dù có lúc ông muốn theo Đạo (Mộ xuân mạn hứng). Và dù đọc kinh Kim Cang ngàn lần, “Lòng này thường định không xa rời đạo thiền/ Đạo Phật không tâm, không ý bao la vô tận,” nhưng khi Nguyễn Du nhìn xuống cuộc đời, “Cúi nhìn xuống thấy thành có nhiều sự đổi thay mà ngậm ngùi khôn xiết.”(Đề Nhị Thanh động). Nguyễn Du cũng không tìm thấy con đường giải thoát nơi Phật vì tâm của ông không lúc nào thôi xót xa thôi thúc trước hiện thực (Long Thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả, Độc Tiểu Thanh Ký, Trở Binh hành, Văn tế thập loại chúng sinh...). Ông không sao lý giải được những vấn đề của ngàn năm và đành xuôi theo Thiên mệnh của Nho giáo.
Hành trình tư tưởng này tạo nên một giá trị đặc sắc thơ Nguyễn Du, đó là thơ tư tưởng. Tuy Nguyễn Du không vượt qua được thời đại của mình, nhưng ông đã tiếp cận được với vấn đề hiện sinh của ngàn đời. Ông nhìn hiện thực thời đại của ông bằng cái nhìn thấu suốt lịch sử ngàn năm qua và hướng về những thế kỷ sau ông. Tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ chỉ còn lại đồ nát và hoang tàn, tất cả là hư không. Và vì thế, dù được Gia Long trọng dụng, ông vẫn thờ ơ với quan trường.
Trước sân, cây mai lại qua một mùa xuân nữa.
Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong,
Đường danh lợi làm luỵ đến sự khóc cười.
(Xuân tiêu lữ thứ)

II HỒN THƠ NGUYỄN DU

Trong khi Nguyễn Du bế tắc về tư tưởng thì có một nơi hồn thơ ông luôn luôn hướng về, luôn rạng rỡ, luôn an lạc, đó là quê hương. Nơi có núi Hồng Lĩnh, song Lam, có những tháng ngày ông tự nhận mình là “Hồng sơn hiệp lộ”, “Nam hải điếu đồ”. Dù là khi lưu lạc hay lúc làm quan, lúc đi sứ, thì quê hương luôn gọi ông trở về, và chỉ có nơi đó ông mới thực là chính mình.
Cố ráng mắt nhìn xem quê hương mình ở chỗ nào?
Chỉ thấy vài chấm nhỏ, đó là những cánh chim hồng bay lên đám mây trắng.
(Thanh Quyết giang viễn diểu)
Có hình nên phải chịu vất vả
Không bệnh mà lưng vẫn khom khom
Ngoảnh đầu trông về bến sông Lam
Lòng nhàn xin tạ từ chim âu trắng.
(Thu chí)
Lòng nhớ quê xa vạn dặm, quay đầu lại
Mây trắng ở phía nam nhiều biết là bao.
(Ngẫu hứng)
Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng.
(Xuân dạ)
Hồng Lĩnh trong giấc mộng thiếu vắng những cuộc đi săn
Ðầu bạc còn in dấu chân khắp núi song.
(Hàm Đan tức sự)
Ta vốn có tính yêu núi
Xa rồi nhớ bao nhiêu
Nay trên đường đi Tiềm Sơn
Tưởng như ở trong dãy Hồng Lĩnh.
(Trên đường Tiềm Sơn)

Nguyễn Du nhớ quê không phải là nhớ gia tộc và quá khứ vàng son, dường như điều ấy không làm vướng bận trái tim ông; ông cũng cũng không phải lo lắng nhiều về cuộc sống gia đình, không tha thiết bạn bè thù tạc, mặc dù tình cảm của ông vẫn dành cho họ.
Quê hương hạn hán hại việc nông
Mười miệng trẻ thơ sắc đói cùng
Rau thuần cá vược mà nhớ quá
Cứ về cần chi gió thu trông.
(Ngẫu hứng 4)

Phía bắc Hoành Sơn, mười miệng kêu đói
Góc đông thành vua, một thân nằm bệnh
Các bạn quen biết lấy làm lạ tại sao ta sầu mộng
Thiên hạ ai là người không ở trong mộng?
(Ngẫu đề)

Nguyễn Du tự tạc chính hồn mình vào thiên thu. Đó là một con người suy tư về hiện sinh, một nhà thơ, nhà thơ tư tưởng đầy ắp tình quê:

Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,
Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi.
Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở,
Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng nơi ngàn dặm.
Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,
Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.
(La Phù giang thủy ca độc tọa)

Truyện Kiều và Văn chiêu hồn là những tra hỏi về hiện sinh sâu sắc vượt thời đại của Nguyễn Du. Ở hai tác phẩm này, hồn thơ Nguyễn Du là tình cảm nhân đạo có tư tưởng triết học và chiều sâu tâm linh, kết hợp với những trải nghiệm kiếp người dâu bể của chính Nguyễn Du. Nguyễn Du đã sống những ngày vinh hoa phú quý bên phụ thân, rồi đến những ngày tang tóc, lưu lạc đói khổ, có lúc phải đi ăn xin (khất thực). Ông cũng đã thấm thía những ngày trong tù (My trung mạn hứng). Ông không hiểu tại sao trên đất Trung Hoa no ấm lại có phận người tàn tạ (Long Thành cầm giả ca), phận người bất hạnh (Thái Bình mại ca giả), và ông tận mắt nhìn thấy người chết đói trên đường (Trở binh hành). Những oan khiên thì không sao kể xiết. “Oan này còn một kêu trời nhưng xa”, đặc biệt là thân phận con người trong chiến tranh phong kiến phi nghĩa.
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

Nguyễn Du không thương người theo cái nhìn Phật giáo, tất cả chúng sinh đều mang kiếp khổ (Khổ đế). Nguyễn Du nhìn kiếp khổ bằng cái nhìn xã hội. Trong Văn Chiêu hồn, Nguyễn Du chia làm 3 hạng người, ông dành cho họ tình yêu thương tùy vào chính những gì họ làm ở trong đời này. Với những kẻ có tham vọng quyền lực đế vương, những lăm cướp gánh non sông, những kẻ bài binh bố trận, mong cướp ấn nguyên nhung, những hạng người này gây nên bao nhiêu nghiệp chướng oan khuất, họ “Dãi thây trăm họ nên công một người”. Nếu có đáng thương là thương ở chỗ họ không hiểu cơ trời, nên rước lấy thảm bại. Hạng người thứ hai là những người mưu cầu giàu sang, công danh, phú quý. Nếu có đáng thương thì thương ở chỗ họ không biết tất cả chỉ là phù vân.“Của phù du dẫu có như không,/ Sống thời tiền chảy bạc ròng,/ Thác không đem được một đồng nào đi.” Loại người thứ ba, rất nhiều, gộp chung những người bất hạnh: kẻ vào sông ra bể, kẻ buôn bán, kẻ mắc vào khóa lính, cô gái lầu xanh lỡ thì, người hành khất, kẻ tù oan, đứa tiểu nhi, kẻ chìm sông lạc suối, người sảy cối sa cây, người leo giếng đứt dây, kẻ trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành, người mắc sơn tinh thủy quái, người sa nanh sói, ngà voi, tất cả họ, “Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,…”Nguyễn Du thương xót cho kiếp người của họ bằng chính trải nghiệm hiện sinh của mình (ông đã từ sống trong đói khổ, trốn chạy lưu lạc, hành khất, tù đày…). Ông kêu gọi mọi người hãy thương lấy những con người bất hạnh, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi, đó mới là con đường giúp giải thoát.

Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi bát cháo nén nhang,
Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.

Ai đến đây dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh.

Có thể nhận thấy chính tình cảm nhân đạo kết hợp với những trải nghiệm hiện sinh đã nâng hành trình tư tưởng tra hỏi về chân lý ở Nguyễn Du lên một tầm cao vượt qua cả Nho, Đạo và Phật đến với mọi người, mọi thời đại. Nguyễn Du là nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của văn chương Việt Nam là vì vậy.

III. NHÀ THƠ HÔM NAY HỌC TẬP ĐƯỢC GÌ TỪ NGUYỄN DU

Nhà thơ hôm nay không thể có được những trải nghiệm hiện sinh dâu bể như Nguyễn Du, và vì thế hồn thơ khó đạt tới tư tưởng triết học về bản thể, về nhân sinh, là nền tảng làm nên thơ tư tưởng của Nguyễn Du. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất… nhiễm vào lối sống của người làm thơ, làm cho họ trở nên vô cảm, họ không thể vượt qua hiện sinh để đạt tới những chứng ngộ của kiếp người như Nguyễn Du. Nói vậy để thấy rằng, để trở thành nhà thơ tư tưởng là rất khó. Trong văn chương Việt Nam, những nhà thơ tư tưởng như Nguyễn Du có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và chỉ văn chương tư tưởng mới có sức sống lâu bền trong tâm thức người đọc.
Dù vậy, nhà thơ hôm nay có thể học được nhiều ở Nguyễn Du. Học sự uyên bác về lịch sử, văn hóa của mọi thời. Nhà thơ phải nuôi dưỡng một tình yêu quê hương sâu nặng, tình thương yêu con người bằng chính bản thể của mình. Và đặc biệt là học Nguyễn Du ở cách sử dụng tiếng Việt tinh thế, tài hoa và đầy sức mạnh. Nói đến sức mạnh thơ Nguyễn Du, ngoài tư tưởng triết học, tình cảm nhân đạo, thì bút pháp hiện thực đã làm nên những bài thơ bất hủ cho văn chương dân tộc. Trong Nguyễn Du có chất phóng khoáng của Tiên thi Lý Bạch, có cái dữ dội gân guốc của Thánh thi Đỗ Phủ, có cái tài hoa của Bạch Cư Dị và có bóng dáng cả Phật thi Vương Duy. Nhưng Nguyễn Du là Nguyễn Du, với dấu ấn của núi Hồng, sông Lam rất đậm, với những vấn đề nhân sinh được đặt ra còn làm bận tâm nhiều thời đại… và một Nguyễn Du của tiếng Việt tài hoa, sang trọng. Điều này nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam nữa vẫn khó vượt qua được. Nguyễn Du vẫn chờ đó.
Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,
Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.
(La Phù giang thủ ca độc tọa)

Tháng 11. 2015


Nguồn: Bùi Công Thuấn-Văn chương Việt Nam, những gì còn với mai sau. Nxb HNV 2016

____________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét