Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Nam Quốc Sơn Hà


"NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ
TIỆT NHIÊN ĐỊNH PHẬN TẠI THIÊN THƯ
NHƯ HÀ NGHỊCH LỖ LAI XÂM PHẠM
NHỮ ĐẲNG HÀNH KHAN THỦ BẠI HƯ"
                                         Lý Thường Liệt

"...Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ còn ghi...



...Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn...

                               (Bình Ngô đại cáo-Nguyễn Trãi)



"...Nước chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"
              (Đất Nước- Nguyễn Đình Thi)


 
 

Hình ảnh tù binh Trung Quốc trong chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979

 
 
 
 

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014


TRÊN MẢNH ĐẤT NÀY (1962)
 Tiểu thuyết của Hoàng Văn Bổn. Nxb Đồng Nai 1984

  Bùi Công Thuấn

Nhà văn Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn
 

Nguyễn Thành Lập cho rằng “cuốn tiểu thuyết Trên Mảnh Đất Này được xem là tác phẩm thành công nhất của Hoàng Văn Bổn”(1). Nhưng cả Nguyễn Kim Chi và Phan Cự Đệ đều cho rằng hiện thực những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ chưa được phản ánh trung thực trong tác phẩm Trên Mảnh Đất Này. Phan Cự Đệ viết :”Một phần hiện thực về những ngày đầu kháng chiến Nam Bộ đã bị bóp méo trong tiểu thuyết Trên Mảnh Đất Này”. Nguyễn Kim Chi khẳng định mạnh mẽ hơn :”Dưới ngòi bút của Hoàng Văn Bổn, một phần hiện thực về những ngày đầu của cuộc kháng chiến nam Bộ đã bị bóp méo có thể gây nên những hiểu lầm có hại, đó là  khuyết điểm chính về nội dung tư tưởng cuả TMĐN”(2)

Một số phận vinh quang và cay đắng

Nhà văn Hoàng Văn Bổn khi kể lại qúa trình tìm chủ đề cho tiểu thuyết TMĐN đã nhắc lại những phút vinh quang, những phút cay đắng của mình. Năm 1962, trong trại sáng tác quân đội do Tổng Cục Chính Trị mở, sau khi tìm được chủ đề, chỉ trong 26 ngày đêm, HVB đã viết xong 400 trang tiểu thuyết TMĐN. Tác phẩm được đề nghị đem lên đọc cho Ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng coi như tác phẩm đại diện báo cáo kết qủa trại sáng tác.. tác phẩm được dư luận khen chê tới tấp. Các quân binh chủng mời HVB đến nói chuyện và đài phát thanh truyền đi những buổi gặp gỡ ây. Hội Nhà Văn mở một buổi phê bình TMĐN có đông người dự (3). HVB viết kỹ chương thời thơ ấu của Ba Râu và cô Năm trong cảm xúc mãnh liệt “ vừa viết vừa lau nước mắt”…Một tác phẩm đầy vinh quang như vậy, nhưng qua những khen chê cũa dư luận cũng đem đến cho HVB “ một cuộc đời đầy thương tích “. Phải chăng có sự mâu thuẫn giữa những cố gắng chủ quan của tác giả và những gía trị thực của tác phẩm qua những đánh giá của người đọc.

Điều ấy không có gì lạ trong lịch sử văn chương. Tác phẩm văn chương khi đã được công bố trước công luận, nó sẽ tồn tại như một sinh thể độc lập với tác gỉa. Nó tự nói tiếng nói bằng hệ thống hình tượng và cấu trúc, ngôn ngữ của chính nó. Tác giả không thể bênh vực hay phủ định nó (R.Barthes : Tác giả đã chết). Sinh mệnh của nó phục thuộc vào người đọc, mà trình độ đọc, phương pháp đọc và mục đích đọc tác phẩm sẽ dẫn đền những kết quả khác nhau từ người đọc này đến người đọc khác, thế nên sự khen chê khác nhau là không tránh khỏi.  

Giá trị của tác phẩm là giá trị tự thân của nó trong cuộc đời. Mọi “vinh quang” hay “cay đắng” nhất thời không phản ánh giá trị thực của nó. Mọi xuyên tạc hay ngộ nhận nhất thời rồi cũng sáng tỏ. Gía trị một đời văn của tác giả là do tác phẩm đem lại. Nhà văn không thể tự phong cho mình bất cứ một danh hiệu nào nếu những danh hiện ấy không do giá trị tác phẩm đem lại. Nhà văn dù có lao động “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, dù có “nếm mật nằm gai” chiến đấu bao nhiêu năm đi nữa, dù có đổ tất cả tâm huyết một đời vào tác phẩm, thì tất cả những điều ấy chưa hẳn đã làm nên giá trị tác phẩm nếu không có tài năng sáng tạo. Có chăng là chỉ để ghi vào tiểu sử tác giả. Vậy đâu là giá trị thực của tác phẩm ? “ Tính chân thực, tính tư tưởng và tính nghệ thuật bao giờ cũng là tiêu chuẩn của giá trị tác phẩm Hiện Thực XHCN’(4). Khi những tính chất ấy bị vi phạm thì hẳn là giá trị tác phẩm bị gỉam đi. Vậy TMĐN, những tính chất ấy được thể hiện thế nào ? 

Trước hết xin xem xét “tính chân thực” của tác phẩm TMĐN 

M.Gorky nhấn mạnh điều này :”Cần phãi làm cho người đọc cảm thấy rằng tất cả những gì mình đã đọc đều đã diễn ra đúng như thế, không thể khác được “(5). Trong thư gửi M.Haccơnetxơ tháng 4. 1888, Ăng-ghen đã có một ý, nay trở thành kinh điển, như sau :”Theo tôi, ngoài chi tiết chân thực, chủ nghiã hiện thực còn đòi hỏi một sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình “(6) Ăng ghen coi những tác phẩm của Balzac là “những thắng lợi vĩ đại nhất” của chủ nghiã hiện thực và là một trong những” nét vĩ đại nhất của ông già Balzac”(sđd)

TMĐN miêu tả hiện thực những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở làng Bình Lăng, Nam Bộ trong khoảng thời gian “hơn ba tháng”. Nội dung xoay quanh mối quan hệ  giữa đội quân của Ba Râu với dân làng Bình Lăng, nói chính xác hơn chỉ có mối quan hệ giữa Ba Râu và chính trị viên Thuần. Theo Hoàng Văn Bổn, tình hình lúc đó đầy hỗn loạn. “khi giặc Pháp núp dưới danh nghiã đồng minh Anh, Ấn nổ súng xâm lược Nam Kỳ ngày23.09.1945, toàn dân xứ Nam Kỳ hầu như đưa ngực ra để bảo vệ nền độc lập và quê hương xứ sở. Những ngày đen tối ấy, ấu trĩ, hỗn loạn, tả, hữu khuynh , vô chính phủ…các ông vua, ông tướng của mỗi vùng đất Nam Kỳ gầm ghè, sát phạt nhau , tranh chấp triệt để…trên đường vượt qua hàng rào của quân xâm lược để đến với độc lập tự do”(Văn Nghệ Đồng Nai-sđd)

TMĐN đã miêu tả được một hiện thực quả thật là hỗn loạn, vô chính phủ. Nếu không đặt hiện thực ấy trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nó, hẳn sẽ cho rằng “hiện thực bị bóp méo”. Dụng ý của Hoàng Văn Bổn là tả cho được sự “hỗn loạn” ấy để làm sáng lên chủ đề. Người đọc quen nếp nghĩ về một hiện thực có tổ chức, có lãnh đạo thống nhất, có quan điểm chỉ đạo sáng rõ, sẽ thấy TMĐN được miêu tả “tự nhiên chủ nghiã”, hoặc như kết án nặng nề của Nguyễn Kim Chi rằng “ chưa thoát khỏi ảnh hưởng các khuynh hướng nghệ thuật tư sản”(Tạp chí Văn Học-sđd). Những đánh giá như vậy chưa đúng với ý thức sáng tạo của nhà văn.

HVB đã ghi lại hình ảnh những đoàn quân rút lui như những “ đội quân thất trận”, tả tơi, đầy thương tích ( chương II), cảnh hỗn loạn trong nội bô nhân dân như cảnh dân xóm Miễu đánh nhau với dân xóm Chùa (tr.236, tập 2), cảnh đánh nhau  giữa các đội quân kháng chiến (chương 23), những nhận thức mù mờ về đường lối kháng chiến (Ba Râu không biết gì vế quan điểm, đường lối của Đảng), nhân dân bị ức hiếp đủ điều, không phân biệt được đâu là “bộ đội đàng mình”. Ngay trong nội bộ đội quân của Ba Râu cũng đầy dẫy những sự rối loạn, thí dụ sự thao túng của Út Nhỏ, cảnh các phân đội giành nhau khẩu súng máy FM( chương 19). Người đọc không thể tưởng tượng nổi một đội quân Cách Mạng lại có thể là một đội quân ô hợp như vậy.

 Nếu mục đích cuả HVB là ghi lại được cái hiện thực hỗn loạn buổi đầu kháng chiến ở Nam Bộ, thì tôi tin ông đã thành công. Những hạn chế nếu có ( và ngoài chủ đích của tác giả ) là ở bề rộng và bề sâu của hiện thực lịch sử mà tác phẩm chưa bao quát được. Điạ bàn của tác phẩm là làng Bình Lăng, trong một cánh rừng bên sông Đồng Nai. Đội quân của Ba Râu chừng vài chục người, không có quan hệ gì về chiến thuật chiến lược, với các tổ chức và lãnh đạo kháng chiến ;  không hoà nhập gì với bối cảnh  cả nước kháng chiến, hay ít ra trong vùng Đồng Nai. Miêu tả một đội quân  bị cô lập trong một điạ bàn hẹp như vậy, với những quan hệ giản lược, so với cuộc kháng chiến rộng lớn với những quan hệ phức tạp, HVB đã làm giảm đi tính chân thực lịch sử, vì thế ông  chưa đạt được mục đích phản ánh lịch sử cụ thể những giờ phút đầu tiên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.  

Câu chuyện rút lại, chỉ là câu chuyện về nhân vật Ba Râu với một vấn đề là bám đất để đánh Pháp hay rút lui về thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hình ảnh giặc Pháp xâm lược không được miêu tả trực diện. Hình ảnh toàn dân trực tiếp đánh Pháp cũng không được miêu tả. Những chuyển biến của thời cuộc và những vận động ngầm của lịch sử cũng không được ghi nhận, chiều sâu tâm hồn và tính cách con người Việt Nam  ở những ngày tháng ấy cũng chưa được khắc tạc.

Nhân vật Ba Râu có thể được xem là nhân vật điển hình cho người nông dân Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp không ? 

Ý chí quyết tử đánh Pháp,  thương yêu đồng đội chí tình, chí nghĩa ; tình đồng bào, tình quê hương sâu nặng ;  dáng dấp ngang tàng, dũng mãnh, bộc trực ở Ba Râu như những nét điển hình. Nhưng Ba Râu còn quá nhiều nét riêng không tiêu biểu, chẳng hạn tính anh hùng cá nhân (tr.147, tập 2) *, tính ghen tuông mù quáng (tr.217, tập 2) , tính thô lỗ, tính mềm yếu bên trong, không có được nhận thức chiến thuật chiến lược đúng đắn, tính khinh đich, tính chủ quan và cách ứng xử bặm trợn (cảnh Ba Râu “đạp cửa xông vào, rút một cành tre toan quất vào chân ông già” doạ nạt ông Bảy lò rèn –tr.50.tập 1). Tính cách Ba Râu chưa đạt đến một tính cách điển hình. Bởi vì một tính cách điển hình bao giờ cũng đòi hỏi “ những nét đặc trưng” , mà theo Ăng ghen thì “ đặc trưng của cá nhân không những thể hiện ở việc làm mà cá nhân ấy làm, mà còn bằng ở cách làm mà cá nhân ấy làm việc đó nữa”(7). Ở đây những việc Ba Râu làm và cách Ba Râu thực hiện đều không mang được những nét đặc trưng của nhân dân Nam Bộ. Nhân vật Ba Râu chưa đạt tới tính chân thực điển hình ở bề sâu. 

Như vậy  hoàn cảnh và nhân vật của  HVB đều chưa đạt được tính chân thực điển hình, mặc dù ông có đưa vào nhiều chi tiết có thực của đời sống ( chẳng hạn, tờ giấy thông hành cuả quân đội Hoà Hảo). Người đọc nhân ra chân lý nghệ thuật chưa phù hợp với chân lý hiện thực. Cuộc sống như bị cắt xén đi, nhào nặn lại, chưng cất lên thành một hiện thực khác, không thật, đúng hơn là một hiện thực giả, gây phản cảm. Điều này không nằm trong ý thức sáng tạo của nhà văn, mà ở cách viết, ở mặt thi pháp. 

Chủ đề, tư tưởng của tác phẩm được HVB xác định là :”Cái vĩ đại của Đảng là tập hợp được các lực lượng dưới ngọn cờ của Đảng, dưới ngọn cờ của dân tộc”(Văn Nghệ Đồng Nai-sđd) . Toàn bộ diễn tiến câu chuyện, sự phát triển những mâu thuẫn đều quy về việc : Ba Râu phải dẫn quân về chiến đấu dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, tiến hành chiến tranh nhân dân. Đó mới là tư tưởng đúng. Mọi ý đồ bám đất, chiến đấu theo kiểu làm vua làm tướng một vùng,  đều sai lầm và dẫn đến thất bại.

Chủ đề này được thể hiện thế nào?

Chủ đề này bộc lộ ra từ hai phiá. Một là  mâu thuẫn giữa Thuần và Ba Râu, hai là những hệ qủa hành động chủ quan của Ba Râu. Giữa Thuần và Ba Râu luôn nổ ra những cuộc tranh cãi quyết liệt về vấn đề : Thuần chủ trương rút quân về tập trung dưới cờ Đảng để đánh lâu dài, bảo toàn lực lượng, còn Ba Râu quyết tâm bám đất, chiến đấu đến cùng không rút lui nữa.. Mâu thuẫn này được triển khai trong suốt tác phẩm, trở thành nút truyện chính. Đặc biệt ở chương 17, mâu thuẫn này được phát triển cao độ. Cuộc tranh cãi nổ ra thật dữ dội.. Lúc thì Ba Râu “nổi giận đùng đùng”(tr.142.tập 2), lúc thì “run bần bật, bất thình lình đứng dậy, trông như sắp xông đến móc họng chính trị viên Thuần “(tr.143. tập 2). Lúc thì  hai người nhìn nhau hàng mấy phút liền, không chớp qua một lần. Thuần có cảm tưởng như nhìn thấy đôi mắt xanh lè loài thú dữ nhìn gã thợ săn”(tr.144.tập 2) . Lúc thì Ba Râu “cười một cách độc địa, ghê rợn rồi chửi đổng một câu”, lúc thì “rung rinh như một con vật sống đang gào thét tìm mồi”(tr.145.tập 2). Thuần đã ngất xỉu trong cuộc tranh cãi. Tất cả những lý lẽ của Thuần đều không đủ thuyết phục Ba Râu. Không bao giờ có một sự nhất trí giữa Thuần và Ba Râu trong ban chỉ huy.. Mỗi người đi theo con đường riêng. Có lúc tưởng như hai người phải chia tay nhau, nếu không có quan hệ kết nghĩa họ hàng giữa hai người (tr.158.tập 2). Mọi ý nghĩ, hành động của Thuần đều là đúng, là tốt, mọi hành động của Ba Râu đều đi đến thảm bại. Bản thân Ba Râu bị bắt, chết hụt, đồng đội hy sinh quá nhiều, sau chỉ còn 30 người. Đến lúc ấy Ba Râu mới nhận thức được những lời của Thuần, kéo quân về khu Lạc An. Thuần hy sinh.

Chủ đề  tác phẩm đã được HVB làm sáng lên. Con đường Ba Râu có thể đi đến đích trong cuộc kháng chiến chống Pháp là con đường chiến đấu dưới cờ Đảng. Không thể một mình chiến đấu theo kiểu làm vua một cõi. Thuần là biểu tượng cho sức mạnh và sự kiên trì của Đảng  trong việc tập họp quần chúng cùng chiến đấu dưới ngọn cờ cách mạng và dân tộc. Anh dồn tất cả sức lực vào cuộc đấu tranh để đem Ba Râu về dưới cờ Đảng. Dù bị vết thương hành hạ  suốt chặng đường chiến đấu, anh cũng không  lùi buớc, kiên trì cho đến chết. 

Tuy nhiên khi tính chân thực bị hạn chế thì cũng đồng thời làm giảm hiệu quả của tính tư tưởng  và gỉam sự thuyết phục của tính nghệ thuật. Những hành động của chính trị viên Thuần chưa đủ sức làm thay đổi tư tưởng của Út Nhỏ. Cũng vậy, Thuần không có ảnh hưởng gì quyết định đối với Ba Râu. Thuần hoạt động đơn độc, không có bất cứ mối liên hệ nào với tổ chức Đảng trong quần chúng và với tổ chức Đảng ở cấp cao hơn. Thuần không có khả năng lãnh đạo và hành động. Việc tổ chức đội du kích của Tươi chỉ được nói đến gián tiếp mà không được miêu tả trực tiếp như một thành công của Thuần.. Thuần bất lực trong việc can dân xóm Miễu và xóm Chùa đánh nhau. Tất cả những hành động ấy của Thuần cùng với sự yếu đuối thể chất đã làm gỉam vai trò lãnh đạo của Thuần, làm mất đi sự thuyết phục của chủ đề.

Con đường trở về của Ba Râu không xuất phá từ sự thuyết phục của Thuần, mà từ những thảm bại liên tiếp của Ba râu. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự thảm bại ấy. Quân của Ba Râu ô hợp, hỗn loạn. Vũ khí thiếu thốn, sứt mẻ. Không có chiến thuật chiến lược. Cách đánh của Ba râu là cách đánh liều mạng, đánh bắt bí, đánh thí quân nóng nảy, thêm vào đó là bi kịch gia đình với cô Năm và mâu tuẫn với Thuần. Lòng Ba Râu rối bời đau khổ, mềm yếu. Những yếu tố ấy đẩ Ba Râu đến chỗ thật bại, dù Ba Râu có quyết tử bám đất. Sau cùng buộc phải rút về Lạc An, không thể làm khác hơn nếu không muốn bị tiêu diệt hoàn toàn.

Ba Râu trở về chiến đấu dưới cờ Đảng không phải bằng sự giác ngộ cách mạng, mà bằng sự thảm bại của chính Ba Râu. Sự triển khai mâu thuẫn giữa Thuần và Ba Râu, giữa Ba Râu và cô Năm ( bi kịch gia đình ) không phải là giải pháp nghệ thuật tốt nhất và phù hợp với thực tế để thể hiện chủ đề.. Người đọc nhận thấy rất rõ đó là những mâu thuẫn giả tạo, được thiết kế một cách chủ quan, không đúng với chân lý lịch sử. Tác giả không đạt được mục đích sáng tác thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật. 

Ngôn ngữ nghệ thuật của Hoàng Văn Bổn có đặc điểm gì trong Trên Mảnh Đất Này ? 

Trước hết là sự cường điệu trong hầu hết các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm
HVB thích dùng  từ láy để cường điệu hoá sự miêu tả. Xin dẫn trong tập II: phun phè phè (tr,112), ướt lóp ngóp, giẫm bành chạch, xoay vù vù (tr.113), cười khành khạch (tr.124) nhìn chằm chằm (tr.131) nổ lung bùng, kêu vo vo, quay cuồng, rung rinh, rập rềnh (tr.223); hoặc dùng những động từ, tính từ cường điệu : to bè (tr.113), đỏ ké (tr.115), nhảy lồng lên, trắng dã; vết thương hoác miệng (tr.269), chua loét, hơn 15 đôi mắt sâu hoắm, đỏ hoe (tr.286), những khối thịt rống lên quằn quại, giật nẩy, bùng nhùng (tr.289)…Ở dòng văn nào của HVB, người đọc cũng gặp kiểu từ như vậy. Nó tạo nên sự ồn ào trong giọng điệu và sự giả tạo của hiện thực được miêu tả. Miêu tả một miền quê Nam Bộ nhưng rất tiếc là HVB chưa đem được vốn từ Nam Bộ vào tác phẩm. Ngôn ngữ của HVB là ngôn ngữ Bắc bộ, đặc biệt trong việc sử dụng thành ngữ như : dốt đặc cán mai, nhạt như nước ốc (tr.265 tập 2), như điả phải vôi (174.tập 2)
          Sự cường điều còn thể hiện trong nhiều chi tiết truyện. Các nhân vật lúc nào nói với nhau, cũng  nói như gào”(129),la hét lạc giọng(133); chuyện một anh lính phơi quần bị gió xé toạc mất, trần như nhộng, “hai tay che chỗ kín rượt theo gió”(tr.111, tập 1), hoặc bộ đội ăn cơm, “ có anh đang nhai cơm, bỗ hự một tiếng, ngừng nhai, và lôi ra một con vắt vằn no máu”(tr119, t. 1) ; chuyện Thuần cắt tóc cho Ba Râu, máu nhỏ ròng ròng, lúc gần xong, “lưỡi kéo kia lại ngoạm thêm một miếng thịt vành tai Ba Râu nữa”(tr52, t.2) những chi tiết cường điệu này làm hỏng tính chân thật của tác phẩm, vì bút pháp hiện thực đòi hỏi những “chi tiết chân thực” để tái hiện đời sống một cách chân thực.                                                                                 
           Sự cường điệu cũng đưọc HVB miêu tả trong các tình huống truyện. Các tình huống được làm cho căng lên, ào ào, cấp tập, đột ngột, không thật. Phải chăng HVB muốn tạo kịch tính ? Chẳng hạn cảnh Bân vật nhau với thằng Tây(119.t.2). Bân bị thằng Tây vật xuống, tìm dao găm để giết Bân. Bỗng Bân thấy nơi bụng thằng Tây có một vết thương. Bân chỉ nó :- Mông xừ, mông xừ…vết thương rộng hoác đút ổ bánh mì lọt tuốt. Thằng Tây nhìn xuống bụng mặt tái xanh. Bân thoát được và hạ thủ nó.
              Nguyễn Kim Chi (tạp chí Văn Học –sđd) còn nói đến sự “lên gân cho tính cách nhân vật và cường điệu mâu thuẫn xung đột”. Phan Cự Đệ nói rõ hơn :”cường điệu một số nét ngổ ngáo dung tục của tính cách, dường như tác giả cho rằng có như thế nhân vật mới gân guốc, dữ dội, nhưng thực chất là nhà văn đã hạ thấp tính lý tưởng của nhân vật đưa ra một kiểu người thấp lè tè không giáo dục được ai”(sđd.tr 179). Sự cường điệu trong xây dựng nhân vật là có thật trong TMĐN. Điều này có thể xuất phát từ ý định xây dựng một nhân vật anh hùng kiểu “ côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”. Ba Râu có đầy đủ “trí dũng”, xông xáo, vào sinh ra tử như chơi, đánh phục kích táo bạo (chương 8), một mình đánh cận chiến giữa vòng vây kẻ thù (chương 16), bị giặc trói đem ra sông giết, Ba Râu lật úp thuyền giết giặc và trốn thoát ( chương 25). Ngoài phẩm chất “trí dũng” trên, Ba Râu còn có lòng yêu đồng đội thắm thiết, thuỷ chung rất mực, yêu quê hương, đồng bào như ruột thịt. Người đọc cảm động trước cảnh Ba Râu chôn cất các thương binh (tr.34.t.2), Ba Râu mút vết thương ưá máu của Thuần (146.t.2). Cũng cần lưu ý rằng, cho đến năm 1962, khi TMĐN ra đời, chúng ta đã  có được một ý niệm khá đầy đủ về hình tượng người anh hùng kiểu mới “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (thí dụ Một truyện Chép Ở Bệnh Viện.1957 ). Nhưng Ba Râu chưa đạt được những phẩm chất ấy. Đây là một hạn chế trong ý thức thẩm mỹ của tác giả. Thực tế lúc ấy để lại dấu ấn không tránh khỏi trong trang văn HVB. “đạo quân ngổ ngáo coi trời bằng vung, coi Tây như cỏ rác cuả Hoàng Trường, Hoàng Hinh, chẳng kém Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ trong Thuỷ Hử…đạo quân vô cbính phủ của Hoàng Thọ, đầu cạo trịc lóc, đội mũ xẻ gáy, mang gươm Nhật…”(Văn Nghệ Đồng Nai, sđd)
                 Trong một câu chuyện sáng tác khác, HVB đã nói rõ công việc bà mụ sáng tạo các nhân vật của mình như sau :”Tôi tập trung nét yêu nước, cái khí phách hào hùng của anh Tám Nghệ, nét ngổ ngáo ngang tàng phảng phất tính mã thượng giang hồ xứ Đồng Nai của “tướng cướp” Chín Quỳ để xây dựng nhân vật Ba Râu”,”một Ba Râu nông dân, yêu nước , thù giặc, hận đời ngang trái bất công, trung thực, thuỷ chung, bộc trực, ngây thơ chính trị, cả tin và ngổ ngáo ngang tàng vốn tính tự do thoải mái của người nông dân”(8), và dùng thủ pháp phân thân xây dựng nhân vật Thuần và Cô Năm như là những nét tính cách khác của Ba Râu. Nhà văn cũng bày tỏ sự hối tiếc là đã không mượn hẳn anh Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) làm nguyên mẫu cho nhân vật trung tâm của tiểu thuyết. Theo HVB thì “ nghệ thuật xây dựng nhân vật là nghệ thuật ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’…đây là phần khó nhất trong tiểu thuyết” ( VNĐN số 85.sđd)

Người đọc nhận thấy rõ nhân vật ba Râu không đáp ứng được mong mỏi sáng tạo của tác giả. Nhân vật ấy còn mang  nhiều dấu vết của sự lắp ghép, đắp tượng, tô vẽ có chỗ quá tay, hoặc còn thô mộc tự nhiên chủ nghiã. Ba Râu chưa bước ra khỏi trang sách như một hình tượng hoàn chỉnh, có linh hồn, có bề sâu và tính cách thống nhất như một con người của đời thực. Hạn chế này không do bởi tư tưởng, chủ đề, vốn sống ;  mà bởi nghệ thuật thể hiện. 

Một vài yếu tố nghệ thuật khác cũng gây mất thiện cảm với người đọc, và bị các nhà phê bình nặng lời. Đó là những yếu tố tục, những hình ảnh, chương đoạn “khêu gợi những thị hiếu tầm thường chỉ thích hợp với một số ít người còn vướng cái khiếu thẩm mỹ sa đoạ của giai cấp tư sản(Nguyễn Kim Ch-sđd). Thực chất vấn đề này thế nào ?

Trong các chi tiết miêu tả, trong lời nói nhân vật, HVB thường nhắc tới những yếu tố tục như : cứt đái, mông đít, chỗ kín, chửi thề. Chẳng hạn , “chạy vãi cứt đái ra “(tr.8/1) ; “suốt đêm hôm mà còn chưa’đã’ à”(tr.14) ;phải đổ cứt đổ đái, giặt tã lót và quần áo đàn bà”(tr.15) ; “cô em chớ buồn phiền mà làm gì ! Đời chó đẻ ! còn chó đẻ nưã”(tr.91) ; Thằng Tây trắng bị đạn mất một mảng mông đít, run rẩy đi ra”(tr.135) ; “đéo mẹ cả nhà thằng chánh mật thám “(tr.134) ; “khi tổ quốc lâm nguy thì ru rú trong đít vợ, tao mà biết như vậy thì tao thiến quách mày đi”(tr.19/2) ; “cái mặt mày thì có mà giết Tây trên bụng vợ”(tr.20/2) ; “đám con gái tắm còn ở truồng, chưa biết mắc cỡ, cái quân chó má ấy chúng cũng không từ”(tr.22) ; “cuối phân đội, một chiến sĩ thoáng thấy bóng đàn bà, hoảng hốt cúi chạy lom khom hai tay che chỗ kín “(tr.37) (9) Đáng kể nhất là hình ảnh Ba Râu thò tay bắt điả đeo ở chỗ kín của cô Năm lúc nhỏ được nhắc lại nhiều lần (10). Hình ảnh cô gái bị Tây rượt rách toạc một vạt áo.”Cô vẫn để nguyên chiếc vú bên trái vun đầy, chắc nịch và nửa khung ngực trái nở nang, tràn trề thấm máu “(136/1), hình ảnh một cô gái lẳng lơ trong tay thằng Tây phòng nhì : ”thân thể loã lồ, ngồn ngộn với những ngấn thịt trắng như hoa nhài của cô gái lẳng lơ. Cô ta cứ tô hô lim dim mắt chờ tên phòng nhì rít vội vảng nửa điếu thuốc cuối cùng, rồi trườn lên, ngoạm đầy miệng chiếc vú bên trái…Út Nhỏ đang mải ngắm thân thể người đàn bà còn nằm đấy đón chờ…”(tr.59/2)

Việc sử dụng những yếu tố tục này nhằm mục đích gì, và để đạt hiệu quả nghệ thuật nào ? Trước hết, bản thân những yếu tố tục, tự nó không có gì đáng trách. Vấn đề là nghệ thuật sử dụng nó.Chúng ta gặp khá nhiều những yếu tố như vậy trong văn học dân gian, trong thơ Hồ Xuân Hương…, và trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều người nói tục. Phải chăng HVB muốn đem ngôn ngữ “tươi nguyên”. “chân thực” của đời sống vào tác phẩm, nhằm tạo nên tính nhân dân? Hay việc miêu tả như thế là thuộc về “cái tạng riêng” của con người và ngòi bút HVB? 

Tôi không tin là HVB muốn “khêu gợi những thị hiếu tầm thường nơi người đọc” như các nhà phê bình đã lên án. Đúng là những yếu tố tục (nêu trên) đã làm giảm chất văn chương, chất nghệ thuật của tác phẩm, làm cho người đọc khó chịu, mất cảm tình với tác phẩm, nghi ngờ thực tâm ngòi bút của tác giả. Xin lưu ý những yếu tố tục chỉ có trong TMĐN ( ở những tác phẩm sau của HVB không có ). Có lẽ đó là một thử nghiệm cách viết chăng, cách viết về quần chúng, viết cho quần chúng những gì là chính quần chúng, mộc mạc, chân chất, có phần tự nhiên chủ nghĩa. Nếu quả là như vậy, thì đó là một ngộ nhận. Bởi vì tính nghệ thuật mới làm nên giá trị tác phẩm, không thể vì tính quần chúng mà không quan tâm đến tính nghệ thuật. 

Một đặc điểm nghệ thuật khác của ngòi bút HVB trong TMĐN là miêu tả cách điệu như “cải lương”, nghiã là nó chỉ có thể được diễn trên sân khấu Cải Lương, khó có ở ngoài đời.. Chẳng hạn cảnh giết tên Tư Cầu Muối (tr.105/I) không khác gì một màn kịch lớp lang giật gân và hài hước ; Cảnh hai thương binh, anh mù cõng anh què đánh gươm với Sáu Võ Vườn (tr201/II) ; cảnh Sáu Võ Vườn giả gái để hỏi tội Út Nhỏ(tr.206/II) ; Cảnh Thuần trước lúc chết : Thuần đứng thẳng giữa vòng vây mà chiến đấu từ 4 giờ sáng, một cánh tay gẫy nát, giữa ngực và bụng ông 5 vết thương thi nhau phun máu, gặp Ba Râu, ông ngất đi, rồi phút chốc lại vùng ngồi dậy rất gọn và nhanh nhìn xác giặc, âu yếm nhìn anh em, rồi lại ngất đi. Nghe tiếng Thảo gọi, Thuần lại tỉnh, “đôi mắt Thuần hoàn toàn trong sáng như bầu trời trên đầu” mà trước đó thì “đờ dại, đỏ ngầu”. Thuần lại nói chuyện với Ba Râu, rất bình tĩnh và sảng khoái. Ông lại cười, “nụ cười rất hóm và rất lành. Ông đưa tay phải lấy điếu thuốc lá trên môi một chiến sĩ, đưa lên miệng ngắt làm đôi, chia cho Ba Râu một nửa”. Thuần nghe như vết thương biến mất, người tỉnh táo, lâng lâng. Nhưng chỉ sau vài ba câu nói nữa thì Thuần chết. Những cảnh như thế không thể có trong đời thực. Nó làm người đọc buộc phải nghi ngờ về tính chân thực hiện thực ( bởi vì tác phẩm được viết bằng bút pháp hiện thực, không phải loại truyện hư cấu –fiction) 

Trong TMĐN, ý thức về thời gian và không gian nghệ thuật không rõ ràng. Tác giả không tạo ra được  hiệu quả nghệ thuật trong việc miêu tả không gian và thời gian. Tuy HVB có  ghi lại được hình ảnh thiên nhiên Đồng Nai, sông nước, cánh đồng, một vài sinh hoạt của dân, nhưng không gian bối cảnh của câu chuyện, nơi nhân vật đi đứng, hoạt động lại là một không gian hẹp và được miêu tả làm cho rối rắm, mất phương hướng. Nếu đặt trên một bản đồ cụ thể, người đọc không thể hình dung nổi nhân vật đã đi đứng hoạt động ở khu vực nào. Chỉ biết khu vực ấy có sông Đồng Nai, cách thị xã Biên Hoà không xa, có một con đường độc đạo và rừng thì mênh mông. Có lúc nghe rõ tiếng trẻ khóc và giọng ru của bà mẹ ở bên kia sông (chương 25), vậy mà chạy loanh quanh mãi trong rừng, Ba Râu không thể đi cứu Thuần, đã vậy còn bị du kích của Tươi xét hỏi và đụng độ lớn với đội quân của người râu dài lạ mặt để bị bắt. Người đọc không thể tưởng tượng ra nổi nơi đóng quân của Ba râu (chương 23). Phải chăng tác giả cố ý miêu tả một không gian không thực,một không gian rắc rối, đề nhân vật xuất hiện thần kỳ và biến đi cũng thần kỳ, kiểu tiểu thuyết kiếm hiệp kỳ tình chăng? 

Thời gian nghệ thuật trong TMĐN cũng mơ hồ như không gian nghệ thuật. Nhân vật lúc nào cũng hành động vào ban đêm , “tối mịt mù”. Có lúc “tối từ ven rừng tối ra”(tr.31/I), lúc các chiến sĩ ngáy vang “dọc theo con suối tối lờ mờ”(tr.33). Ba Râu đi tìm ông Bảy Lò Rèn trong bóng tối (tr.50). Thuần dẫn Cô Năm về đơn vị, “họ đi trong đêm, men theo những xóm làng vắng lặng”(tr.141). Ba Râu đào huyệt chôn tử sĩ lúc “trăng đã lên rồi”. Chương 11 mở đầu bằng cảnh “sắp cuối đêm”(tr.32/II). Chương 12 mở đầu :”tháng mười chưa cười đã tối, cũng có nghiã là ngày ngắn đêm dài” (tr.46/II). Út Nhỏ và Huy đi bắt thằng Tây phòng nhì “lăn lộn suốt đêm như trâu gìa kéo cày”(tr.57). Bi kịch gia đình của Ba Râu với cô Năm cũng diễn ra ban đêm “trong ánh lửa run run, vàng nhạt”(tr.210). Ba Râu và Long bị bắt trói trong đêm mưa (tr.269)… tuy thời gian là ban đêm, nhưng cảnh vật, con người  lại được miêu tả sáng rõ như ban ngày. Bối cảnh đêm không tạo được hiệu quả nghệ thuật nào đáng kể. Không gian và thời gian trong TMĐN mới chỉ là yếu tố chất liệu, chưa trở thành yếu tố nghệ thuật phục vụ cho việc khắc hoạ nhân vật và thể hiện chủ đề tư tưởng, không đáp ứng yêu cầu cuả bút pháp hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa 

Trong miêu tả, HVB sơ ý để lộ một số chi tiết vô lý, làm người đọc phải ngẩn ngơ. Chẳng hạn, trang 124tập II, tác giả vừa viết :”Rất tiếc là bầu trời đêm nay lại thiếu một mảnh trăng”, thì ngay đó (tr.125), tác giả lại viết :”Bóng nàng Hằng Nga dưới dòng suối êm ả vẫn nghiêng mặt cười duyên”. Hoặc, Long bị thương nặng ở chân, “anh đang choáng váng, xây xẩm mặt mày, vết thương phía sau nhói mấy lượt. Từng đợt nhức buốt làm tê dại hai đường gân chân, giật liên hồi hai dây chằng bên cổ. Long cố cắn răng thật chặt, quyết đứng vững bằng chân bị thương, khiến từng giọt máu tươi rớt xuống đất”(tr.131/II). Rồi liền sau đó  (tr.132)dọc con suối tắm ánh nắng, lượn vòng, Long bước thoăn thoắt gần như chạy “. Đáng kể nhất là hình ảnh “cô gái mặc áo trắng bị giặc bắn đứt vạt áo trong trận phục kích mía (tr.296/II) lúc xe tăng ập đến, chúng quạt đại liên bụi mù, lấp cả dấu chân dấu tay chỗ cô gái vừa bò, “chỉ còn lại đấy nửa vạt áo trắng từ ngực trở xuống lủng lẳng trên cành gai móc ó”(tr.124). Người đọc hiểu là cô gái đã chết dưới hỏa lực đại liên của giặc. Vậy mà, sau trận phục kích, cô gái lại xuất hiện, ”để nguyên chiếc vú bên trái vun đầy, chắc nịch, và nửa khung ngực trái nở nang, tràn trề thấm máu”(tr.136). Người đọc ngỡ cô bị thương nặng ở ngực nên ngực mới tràn trề thấm máu. Nhưng không, cô chỉ  bit thương “sướt da bụng” mà thôi (!) (tr.140).

Như vậy có thể thấy, những hạn chế của HVB là hạn chế về cách thể hiện ( yếu tố kỹ thuật) , một phần có thể do quan niệm của nhà văn về tính quần chúng, hay do ảnh hưởng miêu tả kiểu truyện kiếm hiệp ngày xưa, cũng thể do “cái tạng “ riêng con người Đồng Nai của HVB, thích những cảnh cường điệu, “giật gân”, những tình huống “phi thường”, những cách nói năng “bỗ bã”, thích chêm vào “cái tục” dân gian…mà không phải là do “chưa thoát khỏi ảnh hưởng các khuynh hướng nghệ thuật Tư sản “(Nguyễn Kim Chi,sđd). Hạn chế làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm là ngòi bút HVB chưa đạt tới tính chân thật nghệ thuật, vì thế những gì ông muốn trình bày, muốn phản ánh đã không đạt được như chủ đích sáng tác.                                                                       

Điếu đáng trân trọng là HVB đã ghi lại được những giấy phút đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Tinh thần bám đất quyết tử của nhân dân, ghi được phần nào tính cách và hào khí Đồng Nai, đặc biệt là khung cảnh xóm làng Đồng Nai : dòng Đồng Nai rì rầm (tr,121/I), thác Trị An lồng lộn gào thét (tr.139/I), dòng Đồng Nai uất nghẹ mùa tháng mười, sôi sục máu tươi của người dân Đồng Nai từ đáy sông trào lên (tr.156/I), sông Đồng Nai lấp lánh dưới ánh nắng gay gắt tiết trời mù nắng (tr.235).

Ngày nay đọc Trên Mảnh Đất Này, người đọc được sống lại những tháng ngày “gian lao mà anh dũng” của nhân dân Đổng Nai, và đặc biệt nhận ra điều này :”cái vĩ đại của Đảng là tập hợp được các lực lượng…dưới ngọn cờ của Đảng, dưới ngọn cờ của dân tộc” để tiến hành kháng chiến, đạt được những thăng lợi vẻ vang. Tình yêu quê hương của HVB chảy tràn trên trang văn. Tác phẩm cũng đem đến cho người đọc nhiều hình ảnh đặc thù của đời sống, sinh hoạt, chiến đấu của con người Đồng Nai trong quá khứ.
      1/1988

________________________________
(1)     Nguyễn Thành lập : Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Văn Nghệ Quân Đôị số 3 năm 1985.tr.127
(2)     Nguyễn Kim Chi.Tạp chí Văn Học số 2. Năm 1963.tr.16 – Phan Cự Đệ, Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Đại, tập 1, tr.168
(3)     M.Gorky Bàn Về Văn Học. Nxb Văn Học Hà Nội.1970.tr.174
(4)     Cácmác-Ph.Angghen _V.I.lênin : Về Văn Học và Nghệ Thuật. Nxb Sự Thật.1977.tr.83                        
(5)     Văn Nghệ Đồng Nai sồ 81 . tháng 5 năm 1987.tr.13
(6)     Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung Ương Đảng Cộng Sản VN tại Đại Hội Đại Biều toàn quốc lần thứ VI. (*) Bản in của Nxb Đồng Nai năm 1984
(7)     (1) Thư gửi Latxan 18.5.1859 – C. Mác – Ph Angghen – V.I.Lênin : về Văn Học và Nghệ thuật, sđd.tr374.  
(8)     Văn Nghệ Đồng Nai số 85, tháng 9/1987.tr.7
(9)     Xem thêm các chi tiết tục ở tập II, các trang : 53, 54, 55, 58, 96, 98, 107, 111, 162, 166, 236, 249,…
(10) Tập 2, tr 44,45,47
(11) Đọc thêm bài viết của BCT về tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn :
             Đọc Miền Đất ven Sông ,thử tìm hiểu tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn
             Trang web Hội Nhà Văn Ngày 28/8/09. http://hoinhavanvietnam.vn/News.asp?cat=8&scat=&id=1735
             Xin đọc thêm chuyên luận BCT viết về Hoàng Văn Bổn

                                                                                               

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

-NS Trần Viết Bính


THẮP LỬA NIỀM TIN

(Nghe 10 ca khúc trong tập “Đồng chí không phải là anh” của nhạc sĩ Trần Viết Bính)

Bùi Công Thuấn

 

NS Trần Viết Bính
 

Phải nghe trực tiếp nhạc sĩ Trần Viết Bính trình bày ca khúc của mình, bạn đọc mới cảm nhận được sắc thái thẩm mỹ của giai điệu, hồn nhạc và thái độ sống của người nhạc sĩ trước những hiện tượng của cuộc sống hôm nay (tranvietbinh.vnweblogs.com). Và dù ca khúc có viết về đề tài nào, phê phán những hiện tượng bất công nào, thì tiếng nói của người nhạc sĩ vấn là tiếng nói đầy tâm huyết và trách nhiệm.

 

1.Mười ca khúc là một tiếng lòng yêu thương nhân dân khi cuộc sống của họ còn bao nhiêu khó khăn, khi những bất công xã hội còn vây bọc xung quanh. Người nhạc sĩ “Không thể ngợi ca, khi cuộc sống quanh tôi còn xót xa, những án tử hình oan sai, những đứa con không biết đánh vần chữ hiếu, tuổi thơ không được hát dân ca,”Người nhạc sĩ phải kêu lên:”Lương y như từ mẫu ơi có đau đớn không khi thấy cái sống đến không cách gì níu giữ, khi thấy cái chết đến không cách gì chặn lại, không phải vì thiếu thuốc, không phải vì thiếu tài, mà vì thiếu tiền”(Thiên đường áo trắng).

 

Người nhạc sĩ nhập vai với người công nhân cao su mà nhìn, mà tự hỏi: “Năm nay, trên rừng cây này, người phu đồn điền cao su năm ấy tự hỏi vì sao, vì sao. Những ông chủ mới anh ta là ai là ai? Những ông chủ mới anh ta là ai là ai. Nhìn lên dinh thự lộng lẫy nguy nga nhìn vào cảnh đời giàu có xa hoa. Người công nhân già nhìn rõ anh ta là đồng chí năm xưa thân quen, là ông quan chức năm nay cách xa, lắm quyền lắm tiền”(Anh ta là ai)

 

2. Đứng về phía nhân dân, người nhạc sĩ bày tỏ một thái độ quyết liệt trước những cái xấu, kẻ xấu.” “Nhân dân chung từng hạt thóc. Những bà mẹ chung bao nước mắt, những người vợ chung bao nhớ thương, những đồng đội chung máu chung xương, có phải chăng để ngày hôm nay vun vén cho anh cuộc sống giàu sang? Đồng Chí đâu còn là anh! Đống Chí không phải là anh!”Người nhạc sĩ nhìn rõ bản chất bọn lưu manh nói chuyện tình nghĩa bên những cuộc rượu :”Tình nghĩa để có những chữ ký đổi trao cho nhau. Tình nghĩa để có những con số loanh quanh chen nhau. Tình nghĩa để có những mưu tính riêng tư cho nhau. Tình nghĩa để có những tội ác đong đưa bên nhau”(Tình nghĩa… Rượu)

 

3.Cuộc sống có nhiều bất công nhưng người nhạc sĩ vẫn vững lòng tin. “Tự do! Công bình là niềm tin hình thành trong tôi, là lẽ sống và nguyên theo suốt cuộc đời” (Niềm tin) bởi đó là lý tưởng của Cách Mạng tháng Tám 1945:” Sao vàng bay rừng cờ Cách mạng, cha anh đứng lên giành quyền làm người”Người nhạc sĩ vẫn thiết tha với cuộc sống của nhân dân, nói với mọi người cũng là nói với chính mình:”Hãy để lại tình thương cho người, hãy để lại bài ca cho đời”(Để lại)

 

4.Chùm ca khúc “Đồng chí” không phải là anh được nhạc sĩ Trần Viết Bính gọi là “vũ khí” trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công đang tồn tại khi toàn Đảng, toàn dân đang dồn sức cho công nghiệp hóa , hiện đại hóa đất nước hôm nay.

Quan điểm văn nghệ là vũ khí đấu tranh cách mạng là quan điểm căn cốt của văn nghệ cách mạng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng ghi rõ :”Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận khăng khít của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, có sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu sắc với đời sống nhân dân.”

Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng đề ra chủ trương :” Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Công chúng quen nghe anh hùng ca, tình ca, nên khi nghe những ca khúc có nội dung phê phán cái xấu cái bất công có thể có những cảm nhận khác nhau. Thực ra tinh thần phê phán cái xấu, kẻ xấu là một nội dung quan trọng của văn chương nghệ thuật Việt nam. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện cười, tuồng, chèo, Cải lương luôn có những nhân vật, những câu chuyện phê phán (nhân vật hề, chẳng hạn). Nó thể hiện chân lý của nhân dân, thể hiện tinh thần dân chủ và khát vọng về cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống của nhân dân.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính kế tục truyền thống ấy. Ngôn ngữ phê phán của Nhạc sĩ Trần Viết Bính là ngôn ngữ trực tiếp đặt vấn đề, một loại ngôn ngữ tinh lọc có sức tác động trực tiếp đến người nghe, khơi lên và đòi buộc người nghe phải suy nghĩ, và không thể vô cảm. “Tôi không thể ngợi ca khi cuộc sống quanh ta còn nhiều cay đắng…Những án tử hình, những án chung thân ở những nơi  công lý lệch cán cân, những cái chết không đáng chết ở những nơi thừa sức cứu con người. Những biệt thự nguy nga tráng lệ của những ông bà ‘đầy tớ’ nhân dân. Những đứa con không biết đánh vần chữ hiếu sống sung sướng khi mẹ cha thiếu thốn từng ngày. Trẻ thơ đến trường không được hưởng công bằng từ tấm bé…”Trong cấu tứ, Nhạc sĩ Trần Viết Bính dùng nghệ thuật tương phản và trùng điệp để làm nổi bật vấn đề.

Về giai điệu, đây là loại ca khúc hướng về quần chúng, nói lên tiếng nói quần chúng nên giai điệu dễ nghe, dễ cảm. Có 7/10 ca khúc viết ở âm giai thứ (Mineur) giai điệu buồn thương, diễn tả nỗi đau xót, day dứt, phẫn nộ trước hiện tượng bất công. Ở những chỗ cao trào, giai điệu vút lên cao, hoặc lặp lại cấu trúc, lặp lại âm hình, dùng những quãng xa, quãng nghịch (quãng 6, quãng 7) để khẳng định một thái độ quyết liệt. Chẳng hạn: “Đồng chí đâu còn là anh! Đồng chí không phải là anh! Đồng chí đâu còn là anh! Đồng chí không phải là anh!”Hoặc :”Tình nghĩa, để có những chữ ký đổi trao cho nhau- Tình nghĩa để có những con số loanh quanh chen nhau-Tình nghĩa để có những mưu tính- tình nghĩa để có những tội ác đong đưa bên nhau”(Tình nghĩa…Rượu)

Để diễn tả những tình huống cảm xúc phức tạp, Nhạc sĩ Trần Viết Bính từ bỏ lối viết cân phương, mà đẩy giai điệu phát triển theo ngôn ngữ diễn tả. Đây là giai điệu của kẻ lạng lách xe:” Anh có khác gì con thiêu thân- Khi nghĩ mình là tay đua tốc độ-Vun vút vun vút vun vút xe anh lao nhanh như là làm xiếc, lạng lách lạng lách lạng lách xe anh gầm rú náo loạn giao thông. Mô tô lao nhanh sẽ đưa anh vào bệnh viện- Mô tô lao nhanh sẽ đưa anh đến nghĩa trang ô hô ô hô”(Con thiêu thân). Đọc câu văn, bạn đọc không am hiểu âm nhạc vẫn cảm thấy giai điệu đã vút lên thế nào. Ngôn ngữ tự nó đã có tính giai điệu, tính hình tượng.

 Một điều dễ nhận thấy là giai điệu của nhạc sĩ Trần Viết Bính trong những ca khúc này bám sát nhạc tính của tiếng Việt. Và tính chất căn bản vẫn là giai điệu trữ tình. Điều này khác rất xa những kiểu nhạc “ chế” những kiểu Rap bình dân đang thịnh hành, bởi nhạc sĩ Trần Viết Bính đặt ra những vấn đề lớn, bởi tâm hồn người nhạc sĩ nhạy cảm luôn đau đáu nỗi đau của nhân dân, và đồng thời, trong hành trình sáng tạo, nhạc sĩ Trần Viết Bính làm giàu có thêm tài sản âm nhạc của mình bằng thể loại ca khúc có tính phê phán, bên cạnh những tình ca, những tráng ca, nhi đồng ca và dân ca đã rất thành công của ông.

Tôi thích những ca khúc thể hiện tâm huyết của người nhạc sĩ. Những ca khúc này thể hiện một hồn nhạc trong trẻo. Tư tưởng vút lên, có sức thuyết phục, có sức thắp lửa, và có sức lay động, lan tỏa sâu xa.(Niềm tin, Để lại)

Tháng 12.2013