Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

NGHĨ RỜI RẠC VỀ TIỂU THUYẾT NGƯỢC MẶT TRỜI


NGHĨ RỜI RẠC VỀ

TIỂU THUYẾT NGƯỢC MẶT TRỜI

(Ngược Mặt Trời, Nguyễn Một, nxb Hội Nhà Văn 2012)

 Bùi Công Thuấn

 


Hai bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh (thay lời tựa) và nhà thơ Nguyễn Liên Châu (lời bạt) in trong tâp tiểu thuyết Ngược Mặt Trời đã nói khá sâu sắc về nội dung của tác phẩm và những nỗ lực văn chương đáng trân trọng của Nguyễn Một. Tôi không nhắc lại để khỏi làm mất thời gian của bạn đọc.

Sau đây là những ý nghĩ rời rạc của tôi khi đọc tập tiểu thuyết này.

 

1.”Tiểu thuyết rời rạc

 

Nhà văn Nguyễn Một gọi tác phẩm của mình là “tiểu thuyết rời rạc” và nhà thơ Nguyễn Liên Châu đã nói khá kỹ về tính chất “rời rạc” của Ngược Mặt Trời trong lời bạt. Tôi không nghĩ như vậy. Ngược Mặt Trời được viết chặt chẽ, công phu, giàu cảm xúc và giàu năng lực sáng tạo. Không hề có chỗ nào là rời rạc. Bạn đọc không thể đọc đảo ngược các chương của tập truyện, càng không thể đọc theo kiểu ”vớ được chương nào thì đọc chương nấy như đọc những truyện ngắn độc lập

 

Bởi vì, Ngược Mặt Trời được kể theo cấu trúc cổ điển. Nhân vật bước đi theo số phận. Các sự việc được sắp xếp theo tuyến thời gian, tuyến định mệnh (lời tiên tri của ông Bảy Đò về cái chết của Hà. Tr.185), tuyến nhân quả (cha ông tử đạo, con cháu bỏ đạo và bị trừng phạt.tr 116-tr.141). Mỗi chương lại được kết nối với chương sau bằng một tình tiết kết nối liền mạch, logic. Một cấu trúc nhiều tầng lớp như thế sao lại là “rời rạc”. Tôi nhìn thấy sự tài hoa của Nguyễn Một trong việc tổ chức các lớp lang, sự xuất hiện của từng nhân vật và số phận của họ; cách nhà văn lý giải các vấn đề, cách nhà văn sử dụng “đa phương tiện” cho mục đích viết. Hơn thế Nguyễn Một còn tài hoa trong việc sử dụng nhiều thủ pháp.

 

Thủ pháp chính là thủ pháp “hồi ức”. Tác giả miêu tả nhân vật đang hành động trong hiện tại, nhân một sự việc nào đó, nhớ lại và hình ảnh đời sống quá khứ hiện về. Thủ pháp này chiếm lĩnh phần lớn trong việc xây dựng các nhân vật, nó tạo nên tầng hiện thực chồng lên trên thực tại. Tuy vậy, điều này không mới. Thủ pháp thứ hai là xáo trộn quá khứ và hiện tại. Đang kể chuyện nhân vật ở hiện tại, chương sau kể chuyện nhân vật ở quá khứ, khiến cho người đọc dễ mất phương hướng thời gian giữa các thế hệ nhân vật, và lạc mất tuyến truyện chính là câu chuyện kể về nhân vật Nguyễn Chạc. Thủ pháp thứ ba là gán cho nhân vật  một khả năng siêu nhiên và tận dụng khai thác khả năng đó để tái hiện cuộc sống ở phần bị che khuất. Nhân vật Chín Toàn (tr. 68), từ khi bị mù, ông có thể nhìn thấy và nói chuyện với hồn người chết; cũng vậy Nguyễn Chạc (tr. 51) trong những cơn mộng du, nói chuyện với hồn ma người lính chết trận. Chương Không tìm lại được (tr. 124), Nguyễn Chạc lang thang trong rừng, gặp hồn ma người lính Lê Văn Hải, và nghe Hải kể lại cái chết của mình. Qua đó Nguyễn Một bày tỏ quan điểm của mình về cuộc chiền tranh trong quá khứ. Thủ pháp thứ tư là cho nhân vật mẹ Têrêsa chìm vào những suy nghiệm “mạc khải” lúc cầu nguyện, từ đó Nguyễn Một nói về những vấn đề của lịch sử : lịch sử đạo Công Giáo bị bách hại và lịch sử thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nguyễn Một để cho mẹ Têrêsa hội kiến với hai thánh tử đạo là Matthêu Lê Văn Gẫm (tr.111) và Cha Mạc Danh Du (Josep Marchand-Giuse Du-tr133). Mẹ Têrêsa cũng chất vấn Cha Bá Đa Lộc (tr. 147).

Nhờ sử dụng những thủ pháp ấy, Nguyễn Một có điều kiện mở rộng biên độ thời gian không gian cho câu truyện. Tính hư cấu của tiểu thuyết cho phép nhà văn sử dụng mọi biện pháp để sáng tạo. Nguyễn Một đưa nhiều mẩu chuyện dân gian vào tác phẩm, chẳng hạn, chuyện tìm mộ người chết (tr.71), thầy địa lý chỉ kho báu (tr 93), chuyện Đức Mẹ hiện ra (143- người đọc có thể lần ra dấu vết ở Đức mẹ Tào Pao hay hiện tượng ở Bạch Lâm Đồng Nai những năm gần đây), chuyện giết trinh nữ làm thần tài giữ của (tr.94), chuyện cạm bẫy bí mật trong kho báu cùng với những bùa chú… Nếu nhìn ở cấp độ thủ pháp xây dựng tác phẩm, tôi không thấy có gì là mới, là cách tân trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết ở Ngược Mặt Trời. Tôi ngờ rằng Nguyễn Một muốn viết một tác phẩm theo kiểu bút pháp Hiện Thực Huyền Ảo, bởi chiếm đa phần trong nội dung tập truyện là hiện thực được tái hiện trong ký ức, trong những hồi ức, những “mạc khải”, những mộng du, trong thế giới của hồn ma, của cổ tích,.

 

2.Một cốt truyện “rời rạc”

 

Theo dõi hành động truyện và số phận của nhân vật chính Nguyễn Chạc, người đọc thường bị mất dấu vết của nhân vật này ở hiện tại. Chạc là nhiếp ảnh gia. Chán thành phố chật hẹp, anh trở về làng quê, nhưng làng quê ấy đã mất tích hoàn toàn, chỉ còn trong ký ức của anh. Suốt tập truyện, người đọc chỉ thấy anh lang thang nơi này nơi kia. Và không có hành động gì làm phát triển cốt truyện. Thành ra câu chuyện về nhân vật này thật đơn giản. Chương mở đầu, Nguyễn Chạc dẫn cô gái Ngân Hà lên đồi để chụp ảnh nude, kiểu chụp ngược ánh sáng mặt trời. Sau đó, bằng phép liên tưởng tác giả kể về những nhân vật khác với nhiều hồi ức, kết cấu truyện phân nhánh như nhánh cây, đến chương Năm hai mươi lăm tuổi của Ngân Hà (tr. 180), cốt truyện mới trở lại việc chụp hình, sau một năm Chạc không đụng đến máy. Và lần này những hình Nguyễn Chạc chụp, khi in ra, không thấy Hà, chỉ thấy những cơn lốc (tr. 207), Chạc thấy Hà bay vào vùng ánh sáng mặt trời. Câu chuyện của Chạc khắc họa một chủ đề: không thể tìm thấy được những gì đã mất, không thể giữ được những gì không thuộc về mình. Và câu chuyện của Nguyễn Chạc chỉ là một chuyện tình lãng mạn, đơn giản.

 

Những chuyện khác kể theo nhân vật này, chuyện của Chín Toàn, Hoàng Thạch, ông Bảy chèo đò, Trần Danh-Hoàng Lan, Mẹ Têrêsa ..là để tác giả trình bày những chủ đề khác. Đó là chủ đề về lòng tham, lòng thù hận của con người, về chiến tranh, về  đạo Công Giáo bị bách hại ở Việt Nam, về nhân vật lịch sử Bá Đa Lộc. ..

 

Ngược Mặt Trời là tiểu thuyết hư cấu, kiểu Hiện Thực Huyền Ảo, có nhiều yếu tố hoang tưởng, nên những vấn đề lịch sử (tôn giáo, chiến tranh) do tác giả đặt ra không thể xem xét ở góc độ hiện thực của khoa học lịch sử, dù tác giả có dựa trên tư liệu lịch sử để hư cấu. Thí dụ viết về hai vị thánh tử đạo Việt Nam Matthêu Lê Văn Gẫm (tr.111) và Cha Mạc Danh Du (tức Josep Marchand-Giuse Du-tr133), phần tư liệu chính lấy từ tiểu sử các thánh tử đạo Việt Nam. Tác giả chỉ tiểu thuyết hóa phần trình bày cho phù hợp với nội dung câu chuyện đang được kể.

 

Điều có thể thấy rõ nhất tính chất “rời rạc” trong cách miêu tả của Nguyễn Một là sự mơ hồ, đứt đoạn khi nói về cuộc chiến. Cuộc chiến không được miêu tả cụ thể-lịch sử, không có những sự kiện, những cột mốc không gian, thời gian. Chỉ có những hồn ma nơi này, nơi kia kể lại cái chết của mình. Sự rời rạc còn do mạch kể đứt đoạn về không gian. Không có một không gian cụ thể làm bối cảnh, mà những không gian khác nhau ở những thời điểm khác nhau, dù có dấu vết Bửu Long, núi Chúa,…Do tính chất “rời rạc”(không hiện thực) này, các vấn đề Nguyễn Một đặt ra không có khả năng trở thành những vấn đề cần được giải quyết trong hiện thực. Nói cách khác, nếu nhà văn có tham vọng muốn nêu và giải quyết những vấn đề lớn của hiện thực và lịch sử, thì tôi e rằng Ngược Mặt Trời chưa đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà tác giả trao cho tác phẩm

 

Ngược Mặt Trời tô đậm chủ đề về lòng hận thù. “Ta quan sát nhiều thế kỷ qua rồi, ta biết, con người ở thế giới bên kia-thế giới của cha mẹ cháu-bị tham vọng, hận thù tàn phá, rồi cháu sẽ thấy họ sẽ còn tàn sát nhau”(tr.86). Chiến tranh, cũng chỉ là hận thù:”Lòng hận thù chỉ xuất hiện khi bom đạn trút xuống làng quê này, lòng hận thù chỉ xuất hiện khi những con người xa lạ đến và dạy cho những người dân của làng quê mình lòng hận thù...”(tr. 37) Cả cái chết của Nguyễn Thị Chìu, cô bạn gái lúc thiếu thời của Chạc, cũng được lý giải bằng lòng hận thù phi lý giữa hai dân tộc (tr.109). Những gì Nguyễn Một viết ra, khá mơ hồ (vì là Hiện Thực Huyền Ảo). Chẳng hạn, cuộc chiến đấu chống xâm lược của dân tộc ta để bảo vệ quyền tự do, độc lập, nếu chỉ coi là cuộc tương tranh hận thù của hai phía (tr. 55) thì không ổn, bởi cái thế giới của các hồn ma do Nguyễn Một vẽ ra, không phải là hiện thực bom đạn Mỹ dội xuống đất nước này trước năm 1975. Qua lời của linh hồn người lính chết trận, Nguyễn Một gọi cuộc chiến tranh vừa qua là “cuộc chiến chán chường” do trời đày dân tộc mình (tr 53). Nhân vật Hoàng Thạch gọi là “cuộc chiến chết tiệt”(tr. 33). Những nhận định như vậy, người đọc đã gặp trong Quán Dương Cầm (Đặng Thị Thanh Liễu-2002), Bóng Anh Hùng (Doãn Dũng-2009)

 

Những vấn đề khác được đặt ra trong tác phẩm như sự bách hại đạo Công Giáo ở Việt Nam, vai trò của Bá Đa Lộc và việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cũng chỉ là sự nhắc lại một vấn đề cũ mà không có kiến giải gì mới. Chỉ là cái nhìn lãng mạn trên một vấn đề hiện thực, dù cái nhìn ấy có vẻ chân thành và nhiều thiện cảm. Nguyễn Một nhắc lại luận điểm này, Bá Đa Lộc đã đưa thực dân Pháp vào xâm lược Việt Nam (tr.148), và “nhìn bằng con mắt bây giờ thì ta sai”(tr.147). Phải chăng đó là sự thanh minh cho Bá Đa Lộc? Điều lý giải này chẳng có giá trị gì. Việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam nằm trong xu thế xâm lược của các nước tư bản phương tây. Pháp xâm lược Đông Dương, các nước châu Phi. Anh xâm lược Ần Độ, Úc Châu, Mỹ đối với Philippine, Guam…Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn là một trong những nguyên nhân. Không phải vì đạo Công Giáo mà Pháp xâm lược Việt Nam. Nếu nói đạo Công Giáo mở đường và là nguyên nhân Pháp xâm lược Việt Nam thì giải thích thề nào việc Pháp xâm lược Lào và Cambodia, vì hai quốc gia này hai nước Phật giáo? Giải thích thế náo việc Anh xâm lược Ấn Độ, đất nước của nhiều tôn giáo?

 

Nếu những vấn đề lịch sử được đặt ra trong tác phẩm không giải quyết trong hoàn cảnh lịch sử-xã hội cụ thể, thì câu chuyện được kể chỉ còn là một câu chuyện lãng mạn. Chuyện tình yêu của Chạc và Chìu, chuyện tình yêu của Chạc và Ngân Hà, và kết cục, cả hai người con gái này đều chết. Cái chết của Ngân Hà, một người con gái tự nguyện làm người mẫu để chụp hình nude cho Chạc, là một cái chết mơ hồ, không rõ nguyên nhân, không tìm được thủ phạm, nói đúng hơn Hà chết để ứng nghiệm lời tiên tri của ông Bảy chèo đò, lời tiên tri không có bất cứ một căn cứ nào. Có chăng là Nguyễn Một gán ghép số phận họ vào “thân phận  của người phụ nữ trong cuộc chiến máu lửa của đất nước”(tr143)

 

Ngược Mặt Trời miêu tả nhiều cuộc tình lãng mạn như thế. Tôi gọi là “cuộc tình lãng mạn”, bởi nó không được miêu tả trong hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, không phát triển trong các mối quan hệ xã hội, mà hoàn toàn theo chủ quan của tác giả. Cuộc tình Trần Danh-Hoàng Lan là một thí dụ. Trần Danh (người vô thần) và Hoàng Lan, một nữ tu bỏ đan viện theo trai. Họ sống với nhau, có con. Rồi Trần Danh hối tiếc thời gian trước khi gặp Hòang Lan. Sau cùng cả hai bị giết chết, không rõ nguyên nhân, không tìm ra thủ phạm. Nguyễn Một muốn nói gì qua cuộc tình ấy? Ca ngợi tư do hay tố cáo hận thù, hay chỉ là một kiểu tình yêu lãng mạn có thêm chút bạo lực?

 

Vì hiện thực được miêu tả trong tác phẩm là “hiện thực huyền ảo” nên chẳng ai bắt bẻ được, song kiểu viết Hiện Thực Huyền Ảo cũng trói tay tác giả khi nhà văn muốn lên tiếng nói về những vấn đề hiện thực (vấn đề chiến tranh Việt Nam, vấn đề đạo Công Giáo bị kỳ thị ở Việt Nam). Ngỡ rằng Ngược Mặt Trời có thể chuyên chở những vấn đề lớn mà tác giả ấp ủ, nhưng thực tế chỉ là chuyện tình lãng mạn, đơn giản (câu chuyện Nguyễn Chạc chụp hình nude cho Ngân Hà) có thêm thắt những chuyện ma quái và một ít bạo lực (bọn thổ phỉ bắn chết Bảy Đò và Hoàng Thạch)

 

3. Những ghi nhận

 

Tính chất tài hoa của ngòi bút Nguyễn Một thể hiện khá rõ trong nhiều yếu tố của Ngược Mặt Trời. Đó là giọng văn điềm tĩnh, có chiều sâu, có sự thăng hoa cảm xúc. Nguyễn Một có khả năng viết những đoạn rất thơ và những chương rất dữ dội, phức tạp. Anh thâm nhập sâu vào thế giới tâm hồn, thế giới tâm linh đặc biệt ở nhân vật mẹ Têrêsa. Nguyễn Một viết rất thuyết phục suy nghĩ, cảm xúc của mẹ. Đó là thế giới tư tưởng, thế giới mặc khải và thế giới ngôn ngữ riêng của người Công Giáo. Từ đây anh lý giải cách nhìn những bách hại mà đạo Công Giáo phải chịu trong lịch sử là con đường khổ nạn của Chúa, là con đường nên thánh và làm triển nở màu nhiệm đức tin. Các vua nhà Nguyễn càng bách hại thì đạo Công Giáo càng phát triển, và ngày càng có nhiều chứng nhân anh dũng như thánh Mattheu Lê Văn Gẫm, thánh Giuse Du (Lm Joseph Marchand). Có vài chi tiết chưa chính xác, tôi nghĩ đó chỉ là lỗi kỹ thuật. Lời Đức Giêsu cầu nguyện:”Lạy cha, nếu được xin cha hãy cất chén đắng này cho con, nhưng cha hãy làm theo ý cha chứ đừng làm theo ý con”(tr. 134) Đây là lời Chúa cầu nguyện trong vườn cây dầu trước lúc nộp mình chịu chết, không phải trong 49 ngày cầu nguyện của Chúa Giêsu (tr.133). Trong Kinh Thánh Tân Ước, Chúa Giêsu được Thần khí dẫn vào trong hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày trước khi Ngài rao giảng Tin Mừng (Mt 3, 1-2), không phải 49 ngày. Ở trang 32, Hoàng Thạch “đọc 50 lần bài kinh Kính Mừng, 50 kinh Lạy cha, và 50 kinh Sáng danh. Ông muốn lần chuỗi mân côi Mười lăm sự thương khó…”. Chi tiết này không chính xác về cách đọc kinh của người Công Giáo. Người có đạo thường đọc một chuỗi 50 kinh Kính Mừng, chia làm 5 chục. Mỗi chục đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Sáng Danh. Nếu lần chuỗi, thì có thể lần Năm sự Thương. Chỉ khi nguyện ngắm tưởng niệm Chúa chết trong mùa Phục Sinh, người ta mới ngắn 15 Sự thương khó của Chúa. Không có lần chuỗi 15 sự thương khó.

 

Nguyễn Một có khả năng sáng tạo những câu chuyện như trong truyền thuyết (Kịch), kể cả truyền thuyết trong hiện thực (câu chuyện của A Hóa). Vở kịch Pho tượng đồng đen làm hé lộ một tài năng khác của Nguyễn Một, tài năng viết kịch, và nếu muốn, anh có thể thành công. Việc anh tiểu thuyết hóa tư liệu tiểu sử hai vị thánh tử đạo cũng là một khả năng văn chương mà nhà văn non tay không dễ thành công. Anh viết lại như chính câu chuyện anh kể. Dấu tích tư liệu đã được chuyển hóa triệt để. Và so với Đất Trời Vần Vũ, anh đã viết Ngược Mặt Trời với một bút pháp khác hẳn. Đó là một nỗ lực có nhiều tìm tòi để tự đổi mới, để vượt qua chính mình. Nỗ lực ấy thật đáng trân trọng.

 

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu kết thúc bài bạt cho Ngược Mặt Trời viết thế này :”Trong tôi còn hai nỗi ám ảnh: 1/ Đi tìm nguồn cội không có thật là còn giữ thiêng nguồn cội của Nguyễn Chạc. 2/ Sự an nhiên trong veo của một Thánh Nữ như Ngân Hà khi chĩa hai bầu vú thanh tân thách thức mặt trời. Cần phải gặp tác giả để ‘thanh toán hai nỗi ám ảnh này”(tr.213) Tôi nghĩ nhà thơ Nguyễn Liên Châu chỉ nói đùa cho vui, chẳng lẽ nhà văn Nguyễn Một lại đặt chi tiết Ngân Hà chĩa hai bầu vú thanh tân thách thức mặt trời làm chủ đề chính của tác phẩm?!!! Dù có cố tình hiểu theo nghĩa của “Hiện Thực Huyền Ảo” đi chăng nữa, thì việc chụp hình nude, miêu tả sex trong tác phẩm, cũng chỉ là một “thủ pháp” tạo “hấp dẫn” thời thượng cho tác phẩm mà thôi, làm gì có tư tưởng và nghệ thuật đến nỗi “ám ảnh” nhà thơ!

 

Ngược Mặt Trời không phải là đi về phía bóng tối hay cái nhìn phía khuất tối (góc khuất của Bá Đa Lộc, bóng tối của chiến tranh Việt Nam, những mặt trái của xã hội hay của long người), mà chỉ đơn thuần là chụp hình ngược ánh sáng mặt trời, một kỹ thuật rất khó của nhiếp ảnh. Bởi nhiều lần Nguyễn Chạc nhắc lại điều này khi dẫn Ngân Hà lên đồi, “anh vẫn mơ những tấm ảnh ngược mặt trời được chụp bởi thân thể tuyệt mỹ của Hà”(tr. 180)

 

Tháng 12 năm 2013

 

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2013


CHÚC CÁC BẠN GIÁNG SINH VUI VẺ, AN LÀNH
CHÚC NĂM MỚI 2014 MỌI ĐIỀU TỐT ĐẸP NHƯ Ý NGUYỆN


Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

NHƯ LÀ GIẤC MƠ 2- Ca khúc của Bùi Công Thuấn


NHƯ LÀ GIẤC MƠ 2

Nhạc và lời : Bùi Công Thuấn

Ca sĩ : Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc

 

Em như cơn gió vô tư đến với anh

Em như hương ngát, ngọt ngào hương thơm lành

Em như hoa tươi thắm, ban mai đón ánh dương

Ngày vui đang tời là tình yêu lên ngôi

 

Nhớ con đường cũ em thường lang thang trong chiều

Nhớ ơi là nhớ hôm nào phố xá bỗng yêu

Em trong vòng tay rộn rang chân bước rất vui

Nhớ Ngõ Thời Gian những ngày em vắng nói cười

 

Em không mơ ước như con gái phố thị

Em đơn sơ lắm, chỉ cần anh không rời

Em yêu anh lắm, trăm năm dẫu kiếp người

Tình em mãi mãi là tình yêu khôn nguôi

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

TIẾNG KÈN SAXO


TIẾNG KÈN SẮC- XÔ
Truyện ngắn
Bùi Công Thuấn

 

 


                                                                                                           

                        Đó là mùa hè 1963. Tôi học lớp 7 tại một vùng quê miền Tây xa xôi. Nơi đây có những kinh rạch chằng chịt và vườn cây sai quả. Việc chèo ghe, cắt lúa, bắt cá thì tôi làm cái rẹt chẳng thua kém ai, còn việc học, tôi thường đội sổ. Trong học bạ tôi, môn học nào thầy cô cũng ghi yếu, từ tên xuống dưới yếu, yếu, kém ...Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình yếu kém như vậy. Đầu tôi âm u lắm. Những con Tóan, công thức Hóa học, những định lý Vật lý đối với tôi nó xa xăm như sao Hỏa. Tôi cứ  tự hỏi học ba cái rắc  rối  ấy làm gì.

 Cái tôi cần là làm sao mỗi ngày bắt được vài ký cá, có tiền xài , kiếm được ít lá khô để chụm bếp. Thế là đủ. Tôi mong nhất là mùa mưa lũ tháng bảy, nhà đừng dột, để quần áo mùng mền đừng bị ướt mem. Nước ngập mênh mông ,  mưa như trút nước, ngồi trong nhà mà như ở ngòai trơi thì khổ không biết chừng nào .Mùa lụt ngồi bó gối trên sàn nước, không biết lấy gì nấu cơm, rầu hết sức. Nhà nghèo, không than, không củi, tôi phải chèo ghe đi bứt từng tàu chuối khô về chụm. Ngày nắng ráo còn đỡ , ngày mưa thì đành nhịn đói. Có lẽ vì chỉ lo cái ăn, cái đói nên cái đầu tôi nó ngu chăng.

Suốt  tuổi thơ, tôi chưa bao giờ được  ăn no. Buổi sáng  đi học, bà nội bảo, ăn nhiều chi cho nặng bụng , học nó ngu. Bưã tối, bà nội lại bảo, tối đi ngủ, ăn chi cho nặng bụng. Mỗi khi tôi lấy gạo nấu cơm, bà nội bắt đem rá gạo cho nội coi. Dù tôi đã tiết kiệm hết mức, nhưng nội cũng bốc lại một nắm gạo để phòng khi đói. Quanh năm suốt mùa chỉ có rau muống với mắm tôm bảy món .Thường là mắm gói lá chuối hấp nồi cơm. Rất tiện, cơm chín thì mắm cũng chín. Ngày nào ăn sang, bà nội cho thêm quả trứng. Cá câu được, không dám ăn. Nội bắt đem bán hết .

  Sáng tinh mơ  tôi đã ra vườn tưới rau. Chiều  lại tưới, ngày gánh 400 đôi nước. Mùa lúa thì suốt ngày ngòai đồng, xạ lúa, nhổ cỏ, cấy dặm, bắt cào cào. Công việc không sao làm hết được. Ruộng lúa nhà tôi  chừng sáu xào , bề ngang hẹp, dài 600 mét, nhìn  mênh mông, lội bộ chân không từ đầu ruộng tới cuối ruộng cũng  đứt hơi. Lúa chín thì còng lưng  cắt, rồi gánh  về chất thành đống. Sau tết, rãnh rỗi, mỗi ngày lôi ra đập  ít bó. Cả việc sàng xảy, phơi luá, rê luá, chở lúa  đi chà ở nhà máy,  chỉ một mình tôi làm .

 Nhờ thế mới chừng lớp bảy, việc gì tôi cũng rành. Mưa nắng làm cho người tôi đen mun, ánh lên màu nước phèn vàng ươm ở ruộng. Nếu lấy tay mà cào,  da sẽ trắng bóc như có lớp phấn. Ở lớp, bọn con gái luôn nhìn cái cẳng lội ruộng của tôi mà cười. Tôi thấy nhột nhột .

 Chẳng bao giờ mẹ cho tiền ăn quà.Thực ra cũng có, ấy là ngày đi thi. Mẹ cho một đồng. Năm hào đi xe lôi cho kịp giờ thi, ngày thường tôi chỉ đi bộ, năm hào ăn một ly chè đậu đỏ, để thi cho nó hên, cô bán chè ở cổng trường nói như vậy. Bọn con nhà giàu mỗi sáng chúng ăn một gói bánh kem sốp, có đến 5 đồng. Chúng nhai rốp rốp. Tôi  thèm lắm,  nhưng biết mình nghèo,  quay mặt ngó lơ  như không. Tôi không đòi cha mẹ bất cứ cái gì. Cả đến quần áo mặc, một năm cha tôi chỉ may cho một bộ duy nhất, cái quần đùi và chiếc áo sơ mi trắng vải thô để đi học. Ngày thường bà ba đen, quần xà lỏn vải thô. Ăn chắc mặc bền, bà nội tôi thường dạy vậy .

  Tôi học ngu cũng phải. Suốt ngày ngòai đồng,  chẳng học bài bao giờ. Tối đến mới thắp đèn dầu ngồi học. Ngọn đèn chỉ bằng hột đậu xanh. Ánh đèn tù mù. Chừng nửa giờ, tôi đã ngủ gục. Cha tôi bắt tắt đèn đi ngủ, học khuya tốn dầu.  Bà nội bảo, hồi xưa, cha tôi không chịu học. Ồng  trốn   đi chơi. Sáng sáng , ổng cũng đi học như người ta, nhưng cuốn vở nhét vào bụi tre . Trưa về coi bộ ngon lành lắm. Tập vở trắng trợt. Cho đến khi nội biết chuyện thì đã muôn.

  Cha tôi không qua khỏi lớp ba. Thế nên ổng không bao giờ dám la rầy tôi chuyện học hành , vì tôi học tới lớp 7 lận , nhờ thế cũng êm bụng.Trước mắt bà nội và cha, tôi là đứa ngoan, chịu khó làm lụng, chịu khó học hành, biết phận nghèo không đua đòi.Tôi cũng tự hào về mình .

 Khổ nỗi, mỗi khi đến lớp, tôi lòi cái đuôi dốt ra, mắc cỡ hết sức.

 Tôi dốt nhất là môn Nhạc. Gịong của tôi nó khàn khàn, chua chua như nước phèn dưới xình. Mỗi khi xướng âm, cổ tôi thóat ra những âm lơ lớ, ngang ngang, không sao bắt vào âm chuẩn của thầy được. Tôi xướng âm mà nghe như con gì nó kêu. Cả lớp cười bò. Thầy Thành nhăn mặt, lắc đầu. Tôi càng cố gắng lên giọng chừng nào, lớp càng cười chừng ấy. Dầu vậy, thầy Thành vẫn kiên nhẫn tập lại cho tôi hàng chục lần. Tôi chưa thấy ai kiên nhẫn như vậy.

 Có lần tôi hỏi thầy:

_ Thưa thầy, học nhạc để làm gì ạ ?

Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi,  xem tôi có thể hiểu được những gì thầy sắp nói không . Giọng thầy ấm hơn mọi khi :

_ Học nhạc để làm gì à ! Em còn nhỏ , thầy khó nói cho em hiểu được. Này nha, lúc nhỏ mẹ ru em bằng gì ? Những bài hát ru chứ gì !  Âm nhạc đó.  Em có thấy khi đưa người chết ra nghiã điạ , người nhà giàu còn thuê cả phường bát âm và ban kèn nữa. Ồn ào và rình rang, nhưng đó là Âm nhạc , nó làm cho đám ma trang trọng hơn . Sống hay  chết, con người luôn gắn bó với Âm nhạc. Âm nhạc là linh hồn thanh khiết của cuộc sống, nó có  sức mạnh lớn lắm, rồi em sẽ hiểu.
 
                      Nghe thầy nói, đầu tôi mơ hồ, vẫn chẳng hiểu học Nhạc để làm gì. Học  nhạc, cùng lắm là để hát hò cho vui, âm nhạc làm gì có sức mạnh ghê gớm. Mấy cái anh đờn ca tài tử chỉ ngồi nhậu rồi đờn tưng tưng, có làm được gì ! Chắc thầy quan trọng hóa thôi. Ông thầy nào cũng cho môn học của mình  là nhất. Tôi chỉ biết một điều là tôi rất khổ sở với môn Nhạc.  Bảo tôi xuống đìa bắt cá , hay leo dừa bẻ trái lấy nước uống chơi, tôi làm trong nháy mắt. Việc xướng âm, quả thực là quá sức mình.

Có điều tôi rất thích thầy Thành. Thầy hiền hòa, điềm đạm, vui tính và đào hoa nữa, mặc dù tôi chẳng hiểu đào hoa là gì, người ta bảo vậy. Dường như thầy cũng dành cho tôi nhiều cảm tình thì phải. Đôi mắt thầy rất sáng, nhưng u ẩn. Có một sức mạnh tiềm tàng và  một chân trời rất xa trong đôi mắt ấy...Thầy thổi kèn Sắc xô  rất hay. Tiếng kèn  khoẻ và  mượt. Làn hơi nhiễn  và ngọt  . Có khi  nó mênh mang như gió cuốn ngoài đồng, lại có khi trầm lắng  ầm ì như sóng ngầm muà nước lũ. Ấy là bây giờ tôi mới nhận ra tiếng kèn cuả thầy hay như vậy, chứ lúc ấy, tôi cứ ngẩn người ra mà nghe. Tôi rất thích cái dáng  nghệ sĩ của thầy. Cái tư thế thầy đứng thổi kèn nó không giống cái dáng tôi lội ruộng cầm cuốc.

 Tôi  phục thầy lắm. Vì thầy thổi được  cái kèn rất lạ. Cái cổ nó như cổ ngỗng. Mình nó có rất nhiều nút bấm, như nắp ve chai. Miệng kèn loe ra. Đã có lần tôi  thò tay vào loa kèn.  Bên trong chẳng có gì, vậy mà sao nó kêu được. Kèn đám ma chỉ là cái ống tre nhỏ, miệng loe bằng cái chén, chẳng có nút bấm nào, ai cũng thổi được. Chỉ cần  rặn hơi, phùng mang thổ , là nó kêu, dễ ẹc.

 Khi thầy thổi kèn, ngón tay thầy  thoăn thoắt. Những cái nắp ve chai cứ  chập vào rồi nhả ra liên tục. Thanh âm bay khắp đất trời. Tôi không thấy thầy ngắt lấy hơi bao giờ. Cái ấy mới tài ! Có lần thầy Thành cho tôi tập thổi. Tay tôi chẳng biết bấm  làm sao. Tôi nắm chắc cây kèn, hít một hơi căng lồng ngực, lấy sức thổi. Cái kèn hét lên như ngỗng kêu.Tôi ôm bụng cười, chảy cả nước miếng. Ở thôn quê người ta nuôi ngỗng để trông nhà. Có người  lạ,  ngỗng hét lên  inh ỏi. Tôi không hiểu sao cái kèn cũng hét được như ngỗng . Thầy Thành bảo, ngày xưa khi thầy mới tập thổi, nó cũng kêu như vậy. Thầy còn bảo,  mai mốt thầy sẽ tập cho tôi. Tôi thích lắm. Nhưng nói thực tình, tôi còn mắc lội ruộng .

                         *                      *                       *

 Tối nay trường tổ chức văn nghệ cuối năm và phát thưởng. Nghe đâu có cả quận trưởng đến dự. Trường tôi nằm ngay mặt lộ, cách dinh quận chừng cây số. Sát bên trường là một con rạch. Con lộ vắt qua rạch chạy về tỉnh. Ngồi trong phòng học, chúng tôi có thể nhìn xuống rach coi người ta bơi thuyền, bán cá, bán rau. Những ngày nghỉ học, bọn học trò chúng tôi thường đứng trên lộ nhảy xuống cống rạch tắm , rồi bơi ra sông. Ở vùng quê này, bọn học trò coi trường là nhà, coi sông rạch là nguồn vui. Tắm sông là cơm bữa, nhưng tắm một mình không thích. Phải đông, thi nhau nhảy, thi nhau lặn hụp, thi nhau bơi, cả thi nhau mò bắt cá  mới thích. Ngồi học nhưng cái đầu chúng tôi ở dưới rạch, cứ bị thầy cô la hòai.

  Cả trường nhộn nhịp ngay từ sáng sớm, hàng phố cũng nô nức chờ xem. Ở vùng quê, rất hiếm có  diễn văn nghệ. Người dân quê chẳng có gì vui chơi, nên hễ có gánh hát về, hoặc trường làm văn nghệ là người ta đi coi rất đông. Họ vừa coi văn nghệ vừa hãnh diện vì có con em mình diễn . Cải lương thì quen rồi. Nghe tân nhạc và xem múa nó mới lạ hơn, nó tân thời hơn.

 Thầy Thành gọi tôi đến giúp thầy chuẩn bị sân khấu, nối giây điện, căng màn  và trang trí. Thầy Thành cắt chữ và những hình ngộ ngộ.Thầy chỉ cho tôi cách dán trên phông màn.Thầy Thành giỏi thật. Cái gì thầy cũng làm được.Thầy tập chương trình văn nghệ cả tuần nay, Thầy làm sân khấu rất đẹp. Thầy sắp xếp bọn học trò diễn văn nghệ đứng ngồi chỗ nào, ăn mặc kiểu gì, diễn  làm sao.. Cái sân khấu là nơi hấp dẫn nhất.

 Tôi phụ thầy,  lúc trên sân khấu, lúc xuống phòng thầy lấy thêm đồ trang trí.

Lần đầu tôi được vào phòng riêng của thầy Thành. Đối với bọn con nít chúng tôi , phòng riêng thầy cô là chỗ rất linh thiêng , chỉ được quyền ngó vào thôi. Chỉ những học trò rất cưng , thầy cô mới cho vào. Tôi rất sung sướng.

  Đó là căn phòng đơn sơ nhưng gọn ghẽ, ngăn nắp. Có bàn làm việc.Trên bàn có những cuốn sách dày cộm.Trên tường treo chiếc kèn. Một tấm màn  che cái giường và chỗ treo quần áo. Phía sau phòng là một mái che, có một cái hỏa lò, một ấm nước, hai cái nồi, chắc nồi nấu cơm và thức ăn. Phía rạch có một bờ đá làm chỗ lên xuống tắm rửa. Ghe bán hàng thường tấp vào đó.

Hồi chiều, tôi thấy có hai phụ huynh chèo ghe, tấp vào bờ đá, rồi lên nhà thầy Thành. Họ xách theo hai giỏ cá. Chân còn dính xình, có lẽ họ mới lội dười đià bắt cá. Hôm nay là ngày cuối năm, họ đem tới biếu thầy ăn lấy thảo.

Ở đây, người dân  quý thầy cô lắm. Mùa nào thức ấy. Có khi chục xòai tượng, có khi vài con ếch, có khi cây thuốc rê, có khi con cá lóc to, hoặc quầy chuối. Họ gọi là cây nhà lá vườn .Đám giỗ đám kỵ đều mời thầy. Ngày tết đều cho con tết thầy, dù chỉ là cái bánh chưng hay một đòn bánh tét. Chữ “ thầy“ với họ còn thiêng liêng lắm.” Không thầy đố mày làm nên” ông cha dạy vậy .Họ gửi gắm con em cho thầy. Người dân chân lấm tay bùn chỉ mong con em biết được mặt chữ  là đủ.

 Khi hai phụ huynh cáo từ , thầy Thành mời họ ở lại coi văn nghệ. Họ đứng nhìn sân khấu , lại nhìn ra sân . Họ lên con lộ nhìn tới nhìn lui. Chập sau, họ chèo ghe đi, họ bảo về cụ bị tối đi coi văn nghệ. Hôm nào có cá lớn sẽ đem biếu thầy. Sau khi họ đi khỏi, thầy Thành bảo tôi :

 _ Tối nay thầy nhờ em chút việc có được không ?

_Dạ , được.

 Buổi tối , sân trường đông nghẹt người. Bọn học sinh reo hò bằng thích.  Đồng bào các nơi đổ về nô nức.Tiếng chào hỏi,  tiếng gọi nhau í ới. Người ta nói chuyện oang oang. Nông dân mà. Người khoe có con diễn tối nay. Người khoe có con lãnh thưởng. Người khoe có nghe nói chương trình đêm nay đủ cả ca múa nhạc, sôm tụ lắm. Cái thích nhất là được ăn, được mặc, được đi chơi sau một ngày lội ruộng mần ăn, ai cũng vui vẻ.

 Tôi được thầy Thành phân công kéo màn. Bọn con nít chúng tôi múa hát lung tung cả , nhưng bà con cứ vỗ tay đôm đốp.Cái hấp dẫn của đêm diễn chính là những cái ngây ngô trẻ con của chúng tôi. Đứng bên cánh gà kéo màn , lâu lâu tôi lại thò cổ ra nhìn xuống sân, là để tụi bạn và bà con thấy mặt. Có tiếng la :

_ Thằng Tâm kìa.Thằng Tâm ! Tâm ơi…

 Tôi thụt cổ vào ngay, sướng như điên.
 
              Thầy Thành xoa đầu tôi bảo đừng làm thế , mất trật tự .Trông thầy vừa vui, vừa trang nghiêm. Nhưng mắt thầy rất sáng, nhất là từ lúc có quận trưởng đến. Chắc là diễn cho cấp trên coi làm thầy hãnh diện chăng. Chúng tôi chẳng bận tâm điều ấy.  Quận trưởng  là cái ông  nào, trong đám đông đêm nay, mọi người  như nhau, cùng coi văn nghệ , coi chúng tôi diễn.  Chúng tôi mới là nhân vật chính. Thầy Thành mới là linh hồn của buổi diễn. Tôi hãnh diện về thầy và làm theo lời thầy .

Gần cuối chương trình, quận trưởng lên sân khấu phát biểu ba hoa về thành tích diệt cộng trong trận càn vừa rồi. Sân trường nhốn nháo. Có tiếng chửi thề. Người ta đến đây là để xem văn nghệ,  đâu để nghe tuyên truyền.

Tôi thóang thấy hai phụ huynh hồi chiều đến gần sân khấu.Thầy Thành khều tôi nói nhỏ. Tôi lập tức lẻn ra sau. Không có ai chú ý. Sân trường càng ồn ào hơn.  Tên quận trưởng cứ nói , chẳng ai thèm nghe ,.. Tôi đến bên dao điện,  giật cái cầu chì quăng đi. Rồi chuồn ra phía trước lập tức. Sân trường tối thui, phía sân khấu có tiếng nổ lớn .

 Có tiếng la của cảnh sát:

_ Việt công liệng lựu đạn,  nằm xuống.

Chẳng nhìn thấy gì. Sau tiếng nổ, sân trường  im ắng quá . Người ta nằm đè lên nhau. Một chập sau mới có tiếng ồn ào.

 Người đứng phiá ngòai  chạy dạt lên con lộ. Tiếng súng lên đạn lách cách và tiếng chân chạy rầm rập . Cảnh sát lo bảo vệ tên quận trưởng. Tiếng xe Deep rồ máy,  de nhanh ra lộ vụt đi.  Hai ánh chớp sáng ngời , rồi ánh lửa vàng , đỏ rực lên. Hai tiếng nổ liên tiếp, long trời, ở phía cây cầu vắt ngang rạch. Trong khói và lưả đỏ rực ấy, tôi thấy,  chiếc xe Deep bị hất tung lên. Có tiếng cảnh sát la ;

_ Xe quận trưởng trúng mìn rồi…nằm xuống.

Nghe tiếng hô trúng mìn , người ta nằm sát đất, nín thở, chờ đợi những tiếng nổ tiếp theo. Chạy lúc này là ăn đạn. Tiếng súng bắn qua bắn lại trên lộ và phía ruộng rất rát. 

 Bỗng có tiếng kèn Sắc xô trỗi lên từ phía sân khấu. Tiếng kèn rất hùng tráng , bài Giải Phóng Miền Nam .Mọi người ngóc đầu dậy hướng về phía tiếng kèn. Tất cả đều lạ lùng và hồi hộp. Ai biểu diễn văn nghệ giờ này ? Có ánh đèn pin quét về phía sân khấu. Ô kìa . Một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh và ngôi sao vàng  treo trên phông màn sân khấu tự bao giờ . Thầy Thành đang đứng trước lá cờ ấy, thổi hết sức mình. Tiếng kèn vang  rất xa.Trông thầy oai phong dũng mãnh làm sao. Đạn bay chíu chíu về phía thầy Thành. Tiếng kèn vẫn thúc giục rộn rã. Lại có ánh chớp và tiếng nổ ở ngòai lộ.Tiếng lựu đạn nổ rất đanh . Có tiếng hô rất quyết liệt : “ Xung … phong ‘. Tôi nghe đúng là tiếng của người phụ huynh hồi chiều .Tiếng súng bây giờ giòn giã hơn ở phía ruộng. Bọn cảnh sát dạt ra.

 Tiếng kèn im bặt .Tôi nằm nín thở . Không biết thầy Thành có sao không. Bỗng có bàn tay xoa trên đầu tôi.Tiếng nói rất nhỏ và ân hoan:

 _ Tâm. em khá lắm. Ở lại học giỏi, thầy đi đây. Thầy sẽ gặp lại em.

 Trong bóng đêm nhấp nhóang , tôi vừa kịp nhận ra dáng thầy Thành, vai có đeo súng, bước chân băng tới trước.Tôi không biết thầy Thành đi đâu. Dường như thầy băng qua con rạch sau trường và lẫn vào đồng ruộng mênh mông .Tôi sung sướng và hồi hộp. Lần đầu tiên  giúp thầy được một việc làm thầy vui

  Tiếng súng im hẳn, người ta bò ra lộ,  rồi tan vào bóng đêm rất nhanh . Chẳng ai dám lớ ngớ ở đây, sợ ăn đạn  của bọn cảnh sát. Những cuộc tấn công của Việt Cộng lúc này xảy ra luôn, nên người ta cũng không còn lạ lùng mấy nữa.

Sáng hôm sau, người ta đến xem hiện trường rất đông. Sân trường còn vương vãi dép guốc, mũ nón  nhưng không có ai bị thương. Lá cờ nửa đỏ, nửa xan , sao vàng vẫn còn treo trên sân khấu, xung quanh có nhiều lỗ đạn .

 Có tiếng bàn tán:

_ Sao Việt Cộng lại tấn công vào nhà trường.

_ Tại có thằng quận trưởng ngồi đó. Họ đánh thằng quận trưởng .

_ Đánh thằng quận thì đánh vào đồn, vào dinh. Ở đây chết học trò thì sao ?

_Ngày thường nó ở trong  lô cốt,  bê tông dày cộm,  lính tráng bu quanh ,

  trung  liên nó quạt như vãi thóc .

_ Việt Cộng  ghê thiệt.
                   
                       Bây giờ tôi mới biết hai vị phụ huynh đến gặp thầy Thành chiều qua là Việt cộng. Giỏ cá là giỏ đựng mìn. Con cá lớn  là tên quận trưởng .Tiếng nổ lớn trên sân khấu chỉ là tiếng pháo đùng để lừa bọn cảnh sát .Trận địa ở trên lộ, chỗ chiếc cầu vắt qua con rạch. Việt cộng gài mìn, phục kích tên quận trưởng . Họ đánh trả trận càn vừa qua. Bọn cảnh sát nói thầy Thành cũng là Việt công.Vậy mà tôi không biết.  Bây giờ thầy Thành đi đâu ?

 

                        *                          *                       *
 
Ba mươi năm sau tôi mới gặp lại thầy Thành.

Tôi đang đứng trong nghĩa trang  tỉnh. Nắng lấp lánh trên lớp lớp  ngôi mộ.Tôi tìm thấy mộ thầy Thành ở một góc khuất, một ngôi mộ cũ, không nhang khói. Trên bia mộ, có tấm hình của thầy năm xưa. Hình đã phai nhưng ánh mắt thầy vẫn  rực sáng và u ẩn. Thầy đang nhìn thẳng vào tôi như ngày nào , ấm áp và nhân hậu . Tôi không ngờ gặp lại thầy nơi đây. Lưu lạc mấy chục năm, tôi mới có dịp về lại quê cũ. Mắt tôi rưng rưng nhòa lệ.

 Bây giờ tôi đã hiểu học nhạc để làm gì, nhưng thầy Thành đã không còn trên cõi đời này nưã . Tôi muốn thổi một giai điệu Sắc -xô thật trữ  tình để tâm sự với thầy. Nhưng tiếng kèn của tôi vẫn chỉ là tiếng ngỗng kêu.

 Ở ngoài kia ồn ào và nhiều tiếng ngỗng kêu quá, thầy có buồn không ?
                                           

  ****************************************

 Nguồn : tập truyện ngắn HẠNH, nxb Hội Nhà Văn 2005

 

 

 

 

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

BÙI GIÁNG, AI NGƯỜI CHIA SẺ


BÙI GIÁNG , AI NGƯỜI CHIA SẺ

 Bùi Công Thuấn

 


            Đã có nhiều người viết về  Bùi Giáng, tôi chỉ ghi lại vài cảm nhận cuả mình , như là để góp thêm một cách hiểu thơ ông ,  may ra chia xẻ được chút nỗi niềm cuả ông .

 

1. Trạng thái “ điên “ cuả Bùi Giáng có ý nghiã gì ?.(*)

 

                 Theo thầy Thích Nguyên Tạng ( chùa Pháp Vân, Gia Định, Sàigòn ) , Bùi Giáng tự ghi tiểu sử cuả mình cho thầy trong cuốn sổ tay  vào  buổi trưa ngày mùng 10 tháng 11 năm 1993 như sau :                          

                           1971 – 75 - 93

Điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang

Rong chơi như hài nhi (con nít)

Được gia đình ông Phó Chủ Tịch (482) Lê Quang Định,  Hội Đồng Thành Phố đối xử

                          thơ mộng thênh… “

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 ỏ làng Thanh Châu xã Vĩnh-Trinh huyện Duy Xuyên Quảng-Nam . Tạ thế tại bệnh viện Chợ Rẫy Sai-Gòn, hồi 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998.           Ông là cháu ngoại của tổng-đốc Hoàng-Diệu, con của ông Bùi-Thuyên và bà Huỳnh-Thị Kiền làm nghề dậy học ở Đà-Lạt, Sài-Gòn, biên soạn sách giảng luận về văn học, triết học, kiếm hiệp, viết văn, làm thơ…

Theo Võ Đắc Danh ,   hồ sơ lưu trữ tại nhà thương điên Biên Hoà ghi nhận Bùi Giáng nhập viện hai lần. Lần thứ nhất vào năm 1969, lần thứ hai vào năm 1977, thời gian này Nguyễn Ngu Í vẫn còn trong bệnh viện, hai người cùng ở khu 3 .


Bệnh án của Bùi Giáng có đoạn ghi: "Bệnh tái phát từ tháng 4 năm 1969, có hôm thức suốt đêm để viết, nói huyên thuyên, chơi chữ, có khi la thất thanh, ý tưởng tự cao tự đại. Hay phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị, văn hoá trọng đại, có ý nghĩ bị người ta phá hoại sự nghiệp văn chương. Tháng 3 năm 1969 bị cháy nhà và cháy tất cả sách vở quý báu nên đương sự bị bệnh mỗi ngày một nặng hơn...".

          Tuy nhiên đọc thơ Bùi Giáng , tôi không thấy bệnh điên ảnh hưởng gì đến câu chữ cuả ông. Trái lại , ông ý thức rõ trạng thái điên cuả mình , điên là một thái độ sống có ý thức.

              Đời này đất đá cằn khô
                                                      Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
                                                      Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời

                                                                                                       ( Dzách )

                                                      Uống và say nói lăng nhăng
Miệng mồm lý nhý thằn lằn đứt đuôi
Tâm can chân thể chôn vùi
Mặt trời không mọc với người lem nhem
Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm
Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ

                                                                                    ( Người Điên Uống Rượu )

Ông điên từ một lần đầu
Tới lần đuôi đứt ruột rầu rĩ đau
Tuyệt mù biển cạn sông sâu

Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ  .1996

                                                                                   ( Ông Điên )

Anh đã định suốt thiên thu vạn kỷ

Làm thằng điên rồ dại suốt thiên thâu

Nhưng em ạ, dường như anh vô lý

Lúc đoạn trường anh đứt ruột khổ đau

                                 ( Quá Khứ Cuả Anh )

 

                        Những dòng thơ “ điên “ ở trên như ẩn chưá một điều gì sâu kín lắm trong tâm hồn Bùi Giáng . Ngôn ngữ thơ vưà gói kín vưà gợi ra trạng thái mơ hồ , nưả như đuà , nưả như thật , nưả hồn nhiên , nưả thương đau và cô độc cuả tâm hồn Bùi Giáng . Không có mặt trời mọc , không có trăng bên thềm , chỉ có tuyệt mù sông sâu , biển cạn  , bụi hồng và sự hiện hữu người ngợm vô thường trong  nỗi đau đứt ruột

 

2. Thơ Bùi Giáng , thơ tư tưởng

 

            Trong thơ , người đọc khó khám phá ra nỗi đau thực sự cuả Bùi Giáng là gì, nhưng nỗi đau ấy bàng bạc trong hồn thơ ông

 

Niềm đau đớn xót xa như vĩnh quyết
Niềm điêu linh như vĩnh biệt muôn đời
Tôi về giữ mộng mù khơi
Kết thành viễn tượng cho đời chiêm bao
                                                    ( Ngày Nay Ngày mai )

Ăn làm sao? nói làm sao?
Thủy chung muôn một? còn đau đớn nghìn?
                                                    ( Mười Hai Con Mắt )

            Phải chăng đó là nỗi đau cuả những cuộc tình “ rã đôi “ không thành lời . Sự “ chia ngã đường thu “ đã để lại những vết thương tâm  không rõ  nguồn cơn , nở thành những “ đoá đoá sầu để Bùi Giáng tặng cho đời .. Ông có nhắc đến một vài người cụ thể : “Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử,  Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh ( tức Trí Hải Ni Cô) “ ( tiểu sử tự ghi ) Nhưng những người phụ nữ này được Bùi Giáng  tôn vinh như là mẫu thân sinh đẻ ra mình , tuyệt không có chút gì là quan hệ  nhục thể cuả tình yêu nam nữ , nhớ mong , hờn ghen , đau khổ,  hẹn hò,  mộng mơ như trong thơ tình cuả những nhà thơ khác.

Tặng đời đóa đóa hoa sầu
Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi                            

                                     ( Theo Áng Mây bay )        

Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường Thu chia ngã chân trời rộng tênh
                                             ( Mai Sau Em về )

Kính thưa công chúa Kim Cương,
Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây .
Tờ thư rất mực móng dày,
Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?

                                      ( Kính Thưa )

Con về giũ áo đười ươi
Nực cười Trí Hải ngậm ngùi mẫu thân
Đẻ con một trận vô ngần
Mẹ còn đẻ nữa một lần nữa thôi
Mẫu thân Phùng Khánh tuyệt vời
Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi

                                         ( Thơ Điên )

 

Nhân vật Em trong thơ Bùi Giáng  thấp thoáng bóng hình một con người cuả thực tại ,

cuả kỷ niệm cuả yêu thương , nhưng  cũng là  huyễn hoặc “ sương bóng “ tâm tưởng để Bùi Giáng giãi bày

 

Em đi sương bóng vô ngần
Nhìn anh như ngó một lần người điên
                                                      ( Mộng )

Xin ngó lại bàn chân em bước
Vì em đi vào lúc gió đương bay
Năm ngón nhỏ như sương đầm lá ướt
Em đưa tay anh vói bắt chừng này
Ngồi kể lại chuyện ngày xưa cũ kỹ
Em không nghe vì anh cũng không nghe ..
                                 (  Nhiên Tượng )



             Chuyện tình yêu chỉ thoáng qua rất nhẹ vậy “ Niềm đau đớn xót xa như vĩnh quyết “ cuả Bùi Giáng là gì ? Có lẽ xuất phát từ thẳm sâu  ý thức về thân phận thiên tài , số kiếp kẻ  phong vận bạc mệnh mà Nguyễn Du  nói đến trong Độc Tiểu Thanh Ký ? Xưa nay người phong vận phải mang lấy những hận sự , những kỳ oan , như một định mệnh , biết “ hỏi đoạn trường từ đâu “ , dù có hỏi trời cũng không có lời giải đáp ” . Cổ kim hận sự thiên nan vấn / Phong vận kỳ oan ngã tự cư “. Bùi Giáng  tự kham lấy những nghiệp chướng ấy chăng , rồi nín thinh như cỏ cây

                       

Em về trúc thạch mốt mai
Sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên

                                          ( Mười Hai Con Mắt )

Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

                                          ( Chào Nguyên Xuân )
Dấu bèo phong vận nín thinh
Sóng phơi trường mộng bình minh vô thường
Nắng hồng chiếu bóng đài gương
Lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu …

                                               (   Vẫn Là Là )

 

            Thực ra , trong bản chất cuả thân phận  làm người  , Bùi Giáng đau nỗi đau kiếp nhân sinh , nỗi đau cuả sự thất bại trong nỗ lực  vượt qua “ bốn nuí “ ( Chữ cuả Trần Thái Tông  ,1218 - 1277  , trong Thiền Tông Chỉ Nam ) ,  vượt qua   sắc không  , ngũ uẩn , vô thường  . Bùi Giáng  không sao  đặt được bước chân vào cõi thanh tịnh vô vi (Asamkrita )  . Ông tự dày vò mình trong hình hài “  đười ươi “ , con vật , giống khỉ , ngưả mặt cười vu vơ (  hình ảnh “ điên “ cuả Bùi Giáng )

 

                                                         …Em về giũ áo mù sa

 Tiền trình vạn lý anh là đười ươi…

 

                                                        …Em về giũ áo đười ươi

                                                            Trút quần phong nhụy cho người phụ nhau.

                                 

                                                 Đười ươi tại hạ ra đời

                                                            Thời gian rạch xé tô bồi cho em.

                   

                                                        ….Ông  già rất mực đười ươi

                                                             Già nua lắm lắm còn cười vu vơ.

 

            Nhận ra “ tinh thể đười ươi “ trong thân phận người là một  giác ngộ tư tưởng cuả Bùi Giáng .

 

Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.

 

Trong Thiền Luận ,  Daisetz Teitaro Suzuki   nhắc đến Thiền Thoại sau : Khi Ngưỡng

Sơn ( 804-899) hỏi về Phật tánh. Thiền Sư Hồng Ân thí dụ như vầy: “Như ngôi nhà có sáu cửa nhốt khỉ đột. Ở ngoài có người hô to “khọt khọt”, khỉ đáp lại “khọt khọt”, cứ thế sáu cửa cùng hô cùng ứng. Ngưỡng Sơn hỏi lại: “Ví như lúc ấy khỉ ngủ thì sao?". Hồng Ân bước xuống một tay nắm Ngưỡng Sơn, vừa múa vừa nói: “Khỉ ơi khỉ ơi , ta với ngươi cùng đối mặt nhau đây”.

 

 Đoạn thơ  trên biểu hiện  tâm hồn , tính cách , kiều nói năng rất  Thiền cuả Bùi Giáng .

 Bùi Giáng nhận ra Phật Tánh trong hình hài đười ươi cuả người , cuả tôi  . “ người cũng là tôi , tôi cũng là người , ấy rằng tinh thể đười ươi “ . Vũ trụ ,  thời gian là nhất thể , tự tại , không sinh diệt : “ một cũng là ba , là hai , là một ; mai , mốt cũng là hôm nay “ . Sự giác ngộ như thế là bước giác ngộ thứ nhất để dẫn đấn đại ngộ . Đây không phải là sự  xoá nhoà ranh giới giữa cái tôi và cái ta, giữa cái riêng và cái chung” như nhận xét cuả  Nguyễn Hưng Quốc .

                        Trong đoạn thơ trên , phải chăng Bùi Giáng mượn lời  thiền sư Hồng Ân để thể hiện tư tưởng cuả mình ? Rõ ràng  tư tưởng thơ Bùi Giáng là  tư tưởng Phật Giáo  . Đời hư huyễn , như hạt sương , bọt nước , như ánh chớp , như áng mây , vô thường  , chiêm bao ( Bùi Giáng có nhiều bài thơ đề tài Chiêm Bao ) .Tự Tánh cuả vạn vật là KHÔNG, sự từ bỏ  Ngã  , không để vướng mắc vào bất cứ cái gì đạt tới tinh thần  Ưng vô sở trú “,  ( Giới thiệu Kinh Kim Cang – Thích Thái Hoà ). Dường như Bùi Giáng đang phát tâm, an trú tâm và hàng phục tâm, đoạn trừ ngã chấp, ngộ nhập ngã- không

           Anh đã định sẽ cùng em kể lể

Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao

Vườn hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ

                                                            Một mùi hương hồng tụ ở nơi nao”  
                  

Anh đã định bỏ hoàng hoa say đắm

Bỏ tâm tư về vắng lặng phương trời

Bỏ tất cả tâm tình xưa say đắm

Tới muôn sau tình tuyệt vọng không lời

                           ( Quá Khứ Cuả Anh )

 

                        Có lúc  Bùi Giáng đã đạt đuợc sự hồn nhiên thanh tịnh (1) , vượt qua sắc không , đạt đến tinh thần cuả Hoa Nghiêm , hoà trong  tạo vật . Tôi không thấy hồn thơ Bùi Giáng bị vây khốn như Thanh Tâm Tuyền đã từng viết về ông .

 

                                                              Rong rêu ngày tháng rong chơi
Tìm xuân tinh thể chốn nơi nào là
Sưu tầm túy vũ cuồng ca
Hồn nhiên như thể như là hài nhi?
                                        ( Bé Con Ơi )

                                                          …Một hàng cây bóng thần tiên
Dập dìu ở giữa khuôn viên thêu thùa
Bé con bốn đứa nô đùa
Một trai ba gái bốn mùa chạy quanh
                                     ( Thiên Thanh Là Là )

                                                               Xin yêu mãi mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
                                              (  Phụng Hiền )

                                                              Nâu sồng ăn mặc sớm hôm
Ðêm nằm ngó nguyệt sáng dòm song the.
                                        ( Ăn Mặc Nâu Sồng )

Dưới mắt người hành đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, con ong, cái kiến cho đến cọng cỏ, bụi gai, không cái gì mà không dễ thương, không phải là Phật ,  kể cả sơn hà đại địa , phiến đá,  dòng suối trong  rừng, một miếng gỗ, cục đá hay đồng chì ..

                      Nhưng Bùi Giáng không trở thành Thiền Sư , ông vẫn sống với  thân phận đười ươi khỉ đột  giưã đời  , vẫn tra hỏi tìm kiếm mỏi mòn trong cõi bể dâu , và ngày càng xa hút .. trong cái nhìn cuả con người , cái  nhìn đười ươi  , nghi hoặc  , đo , đếm  .

 

Đười ươi giũ áo tình phong nhã

Khỉ đột trút quần tưởng Việt siêu …

                                      ( Chiêm Bao 7 )

  Cố gắng trăm năm tìm kiếm mãi

Mỏi mòn nghìn mối thể thân ly …

                                 ( Chiêm Bao 3 )

Hỏi tên rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa

Gọi tên? Rằng một hai ba

Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

                                                                                                 ( Tặng Mã Giám Sinh  )

                        Ông chỉ đạt tới tiểu ngộ mà  không đạt tới đại ngộ  cuả  Thực tướng vô tướng ; thực tánh vô tánh . Trạng thái “ điên “ cuả Bùi Giáng chính là trạng thái bất lực trước cuộc vượt qua đề  tái sinh “, mặc dù Bùi Giáng đã nhiều lần nói đến tái sinh.

 

Anh đã định sẽ yêu đời suốt kiếp

                                                            Suốt thiên thu từ vạn thuở phiêu bồng

                                                            Rồi anh chợt thấy mình luôn liên tiếp

                                                            Nửa điên cuồng nửa rồ dại bông lông

                                                                                                  ( Quá Khứ Cuả Anh - tại Lê Gia Trang 1991 )

Tỉnh ra nửa sợ nửa mừng
Tận cùng gió núi trăng rừng tái sinh

                                               ( Chuyện Chiêm Bao 20)

  Tận cùng gió gác trăng lầu

  Tái sinh rừng biển buồn rầu trăm năm

                                                 ( Chiêm Bao 21 )

                         Chưa giác ngộ , người ta thấy núi là núi sông là sông. Giác ngộ rồi , người ta vẫn thấy núi là núi , sông là sông , nhưng là một tâm hồn tái sinh . Tái sinh trong tâm bình thường không phải tâm sai biệt  . Như trở về nhà xưa , hoa xuân như lộng lẫy hơn, dòng nước đầu non như chảy mát rượi hơn, trong vắt hơn , trong mọi vật bình thường là toàn thể vũ trụ , là tự do.

 

                        Chính vì không vượt qua được sắc tướng huyễn hoặc hồng trần  , Bùi Giáng cứ phiêu du trong cõi đời cô độc mù khơi , hành trình ấy như một bế tắc , lại vưà như một khám phá hiện sinh làm nên thơ Bùi Giáng , những bài thơ ấy chia xẻ được với mọi người nỗi niềm gần xa . Bởi vì nếu Bùi Giáng “ ngộ “ được chân như , có lẽ thơ Bùi Giáng chỉ còn là những bài kệ để thuyết pháp mà thôi  .

                         

tôi người thủy thủ ra đi
chân trời thấy nước đợi kỳ lên mây
sao đêm đố xuống triều đầy
ai đưa kiếm vút ngang mày hư không
                                     (  Mái Hiên )

lạnh lụng dấu bước bờ sau
mấy đời ly biệt về đau trong mình
năm sầu sa mạc nín thinh
đi vào giá buốt mông mênh cuối trời
                              ( Mái Hiên )

3. Giá trị thơ Bùi Giáng

 

                     Thơ Bùi Giáng tài hoa ở câu chữ , những câu chữ chưá đầy bí mật  . Nhiều người đọc thơ Bùi Giáng không hiểu , tấm tắc khen , rằng là  tài hoa , rằng là hay …  nhưng bất lực , không  giải mã được  ,  đành “ tán “ như vầy : “có khi không hiểu hết nghĩa nhưng tâm hồn vẫn bàng bạc một nỗi cảm hoài. Có thể thơ Bùi Giáng nói được đôi điều rất chân thật với tâm hồn ta, và ta được hưởng ít giây phút sung sướng phiêu bồng mà hầu hết chúng ta đã đánh mất, đã rời quá xa trong cuộc sống đầy phân chia đến chỗ cằn cỗi này”.( Phạm Xuân Đài ) . Nguyễn Phú Long trích dẫn thơ trong  một bài luận về “Sở Dĩ Nhiên”  cho rằng , đọc thơ Bùi Giáng không cần hiểu ý nghiã bài thơ  :” Nhưng tại sao lại đặt vấn đề ý nghĩa cho một bài thơ nhỉ ? Bài thơ là bài thơ, những gì ta thấy ta đọc là những gì ta đọc ta thấy vậy thôi. Đừng đi tìm ý nghĩa. Bài thơ như thế đấy, nó không cần có y’ nghĩa.  Nguyễn Hưng Quốc còn đi xa hơn : “ Bùi Giáng rất gần các nhà thơ hậu hiện đại. Bùi Giáng còn gần gũi các nhà thơ hậu hiện đại ở một khía cạnh khác nữa: một số khá nhiều những bài thơ của ông là loại thơ không thể giảng .Nói cách khác, bài thơ là bài thơ. Không có ý nghĩa nào ẩn đằng sau bài thơ để chúng ta đào xới, tìm kiếm… Chúng ta không thể phân tích. Chúng ta chỉ cần nghiệm (experience). Đọc lần thứ nhất: chúng ta không hiểu gì cả. Đọc lần thứ hai: chúng ta vẫn không hiểu gì cả. Đọc lần thứ ba: chúng ta lại vẫn không hiểu gì cả.”

 

                   Ô hay ! Bùi Giáng làm thơ là để mong có người chia xẻ tâm sự điêu linh , vậy mà người đọc lại không hiểu , không cần hiểu , không cần đọc những gì ông gửi gắm qua câu chữ , thử hỏi Bùi Giáng có buồn không ?

Xổ bầu tâm sự điêu linh
Ai người chia xẻ với mình với ta

                                             (Một giờ)

                   Không phải thơ Bùi Giáng là “  thơ gần với thơ Hậu Hiện Đại, bài thơ là bài thơ , không có ý nghiã nào ẩn sau để chúng ta đào sới “, đấy chỉ là cách nói cuả sự bất lực trước ngôn ngữ tư tưởng cuả thơ Bùi Giáng . Thơ tư tưởng phải hiểu bằng tư tưởng , không phải bằng câu chữ ; hơn nưã  Bùi Giáng đã dùng một loại ngôn ngữ “ khép kín “ ,  yêu cầu rất cao đối với người đọc để có thể hiểu thơ ông :

Ngữ ngôn khép kín mặc dầu
Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra
Dịu dàng cuối lá đầu hoa
Mười về châu lệ chín sa dòng dòng

                                     ( Bé Con Ơi )

Bùi Giáng bảo rằng phải mở óc trong đầu ra , mở máu trong tim ra , phải có hùng tâm , phải trở về chín phương  trời mười phương Phật  nước mắt dòng dòng tuôn rơi ( như chín chiều ruột đau ) mới có thể đọc Bùi Giáng , lại phải biết trân trọng nâng niu , dịu dàng như nâng niu hoa lá . Nhất là phải có

 hùng tâm “ , đừng nghi tâm .Chữ “ hùng tâm “ theo tôi , là chữ Bùi Giáng mượn cái tâm cuả Nguyễn Du : Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên / hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên “ ( Tạp Thi ) . Vời yêu cầu như thế , việc đọc thơ Bùi Giáng thật không dễ dàng .

 

Thực ra thơ Bùi Giáng là thơ tư tưởng , thể tính cuả nó là tư tưởng , không phải câu chữ , hơn nưã  ở nhiều bài thơ , Bùi Giáng đã dùng kiểu diễn đạt “ vô ngôn “ cuả Thiền . Với kiểu ngôn ngữ này , càng bám vào ngôn ngữ , người đọc càng bị mắc bẫy bởi chính tư duy cuả mình  . Thí dụ ;

             Đệ tử hỏi:     - Thế nào là Phật?

             Thiền sư Tịnh Không (1091-1170) đáp :

                                     - Nhật nguyệt sáng soi ức triệu cõi

                                       Ai hay mua móc gội non sông! ( Thiền Uyển Tập Anh )

 

             Bùi Giáng cũng trả lời những người hỏi mình :

Hỏi tên rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa

Gọi tên? Rằng một hai ba

Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm

                                                   ( Bùi Giáng )

            Cách trả lời cuả Bùi Giáng trong đoạn thơ trên cũng là  cách trả lời cuả thiền sư Tịnh Không . Nếu người đọc chỉ tra hỏi , đo , đếm với cái tâm sai biệt ( Nghi tâm ) , chỉ bám vào câu chữ , thì  không thể hiểu ông nói gì . Bởi vì Bùi Giáng tồn tại vô sắc tướng trong đoạn thơ .  Người đọc cảm được cái hay cuả  đoạn thơ  nhưng khó giải thích được được bản chất thẩm mỹ cuả đoạn thơ là gì  . Đây chính là đặc điểm ngôn ngữ Thiền.  Không hiểu mới là Thiền . Bởi vì Thiền  “ ..Bất lập văn tự , trực chỉ nhân tâm “,  Thiền loại bỏ tất cả sự nhận thức cuả  trí.   Khi còn bám vào sắc tướng ( lời ) còn nghi tâm , thì không hiểu được ý ở ngoài lời.

Tất nhiên bằng trực giác , ta vẫn có thể hiểu được lớp nghiã tường minh cuả văn bản , bởi vì trong ta đã có sắn vốn ngôn ngữ để hiểu . Ta hiểu được  Biển xanh dâu “ vì trong ta đã có câu thơ Kiều “ Trải qua một cuộc bể dâu   .Trong ta , ai cũng đã từng một lần dệt mộng cho  tình đầu cuả mình ,

” mộng ban đầu “,  mộng dưới hoa “ , “ mộng bình thường “ . Đoạn thơ còn quen thuộc ở cấu trúc giống với đoạn thơ Nguyễn Du giới thiệu Mã Giám Sinh , một nhân vật để lại nhiều ấn tượng cho người đọc Kiều . Sự thú vị càng tăng lên  khi người đọc nhận ra  phép đối trong câu chữ cuả Bùi Giáng với câu chữ cuả Nguyễn Du : “ Hỏi quê: “ rằng huyện Lâm Thanh cũng gần ( truyện Kiều ) , đối với “ Hỏi quê ? Rằng mộng ban đầu đã xa “( Bùi Giáng ) . Bùi Giáng đối lập mình với Mã Giám Sinh , từ đó  đặt mình trong tương quan với Nguyễn Du.  Câu thơ Nguyễn Du là câu thơ tả thực nói cái đời thường , quê quán , tuổi tác , gia cảnh .Câu thơ Bùi Giáng ngược lại, dẫn người đọc vào trường ngôn ngữ nghệ thuật đòi sự  cảm nhận lãng mạn. Cái hay cuả đoạn thơ còn ở chỗ Bùi Giáng làm thay đổi đột ngột cách tư duy cuả người đọc. Đang từ kiểu tư duy hình tượng với biển xanh dâu , đột ngột đổi sang kiểu tư duy cụ thể đo đếm,  một,  hai , ba , rồi tức khắc chuyển sang  tư duy triết học với những “ diệu tưởng , nghi tâm “ . Tư duy logic cuả người đọc bị lật nhào , đoạn thơ   mở ra chiều tư tưởng , buộc người đọc phải thoát ra khỏi câu chữ  để nhìn bằng cái tâm không sai biệt. Tiến trình đọc như vậy tạo ra khoái cảm thẩm mỹ .Người đọc có thể không hiểu câu chữ Bùi Giáng vẫn cảm nhận được cái hay cuả thơ ông là vậy.

 

            Nói thơ Bùi Giáng là thơ tư tưởng thì giá trị thơ Bùi Giáng cũng là giá trị cuả chính tư tưởng ấy . Vậy tư tưởng thơ Bùi Giáng là gì ? Ở trên  tôi đã nhận ra tư tưởng cuả kinh Kim Cang , kinh Hoa Nghiêm , tư tưởng Thiền trong thơ Bùi Giáng , nhưng còn một thế giới tư tưởng khác  trong thơ Bùi Giáng là thế giới tư tưởng Nguyễn Du :  biển xanh dâu , đoạn trường ,  phong vận , lầu xanh , cát lầm , bụi hồng , hùm thiêng ( thân phận Từ Hải ) , Đạm Tiên , Từ Hải …Bùi Giáng mượn thế giới tư tưởng nghệ thuật ấy để thể hiện tâm hồn mình

 

Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

                                   ( Chào Nguyên Xuân )

Tồn sinh quá khứ chôn vùi
Cơn say suốt kiếp - trận cười thâu canh

                                    ( Gõ Cưả Tồn Sinh )

Hùm thiêng chắp nối của tin
Cho người thổn thức cầu xin đá vàng

                                     ( Mười Hai Con Mắt )

Tuyệt mù biển cạn sông sâu
Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ
                                      ( Ông Điên )

Cô đơn chứa đựng đầy miền
Cảo thơm tiền kiếp qủa nhiên bây giờ .

                                      ( Quanh Co )

Mặc người
mưa Sở mây Tần
Riêng mình
gìn giữ
một lần đầu tiên

                           ( Riêng Mình )
Dấu bèo phong vận nín thinh
Sóng phơi trường mộng bình minh vô thường
Nắng hồng chiếu bóng đài gương
Lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu
                                               (   Vẫn Là Là )

Sao bằng riêng một biên thuỳ
Cõi điên vũ trụ tuỳ nghi tung hoành
            ( Sao Bằng )

Lừng bay thân thế pha mù
Sương mây tuyết dậy thân bù cho thân

                   (Đạm Tiên)

Nhưng thơ Bùi Giáng không chỉ có ngần ấy tư tưởng. Những hệ tư tưởng ấy chưa đủ để ông giải quyết những vấn đề cuả hiện hữu và  cũng không giúp ông nói hết sự trải nghiệm hiện sinh cuả mình , bởi cuộc đời ông , thời đại ông và tư tưởng cuả ông  khác rất xa với quá khứ . Ông tìm đến một cách thể hiện khác , đó là thái độ “ điên “ . Thiền thọai kể lại nhiều hành vi cuả các Thiền sư mà nếu nhìn bằng con mắt bình thường ta có thể sẽ thốt lên rằng “ điên thật ! điên thật !“, chẳng hạn : có một thượng tọa tên là Định hỏi sư Lâm Tế  về đại nghĩa pháp Phật . Sư bước xuống ghế rơm, nắm lấy Định , xáng cho một bạt tai, rồi xô ra. Định choáng váng chưa biết phải làm gì . Một ông tăng đứng bên bảo Định sao không lạy Sư đi. Định toan lạy thì ngay lúc ấy hốt nhiên ngộ đạo. Sau đó,  Định qua cầu gặp ba ông tọa chủ. Một ông hỏi Định : tôi nghe nói dòng thiền sâu thẳm phải dò đến đáy, thế nghĩa là gì ?”.  Định bèn nắm lấy người ấy , toan ném xuống sông ( dẫn theo Suzuki ) . Thiền Uyển Tập Anh kể lại : Thiền sư Đại Xả (1120-1180)  thường xoã tóc , quên ăn, không ở hẳn một nơi nào . Ngày 5 tháng 2 năm Trinh Phù thứ 5 , sau khi  dặn dò đệ tử , sư đọc bài kệ , đến canh năm hôm ấy sư uống thuốc độc mà qua đời .( Thế có là điên hay không ? )

Phải chăng Điên là một cách hành Thiền cuả Bùi Giáng ? và Điên cũng là cách  né tránh đối diện với thực tại , thực tại thời chiến tranh Việt Nam , trước và sau 1975 ? Ta không thấy Bùi Giáng bày tỏ bất cứ chính kiến nào về thực tại đó như thơ văn đương thời . Bài thơ Về Quảng Nam được viết bằng ngôn ngữ đời thường thể hiện rõ thái độ né tránh ấy :

Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam
Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàng
Duy Xuyên, Tiên Phước, Hoà Vang, Thăng Bình...

Tìm người bạn cũ không ra
Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày...

Xóm làng đồng ruộng lạ thay
Chỉ còn dáng núi chạy dài xa xa
Giữ nguyên hình ảnh đậm đà
Còn trong kỷ niệm bao la tuổi nào...

Ngắm nhìn. Tim máu xôn xao
Tôi rời đất Quảng trở vào Miền nam
Tâm hồn bao xiết hoang mang
Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng
                                                1995

Ta chỉ thấy thấp thoáng tâm hồn Bùi Giáng xiết bao hoang mang , xôn xao ,  dở dang trước thực tại đã thay đổi lạ lùng .Bùi Giáng không lộ ra bất cứ một phản ứng  chinh trị xã hội nào.Thái độ này chẳng khác gì Nguyễn Du lúc sinh thời. Nguyễn Du sống im lặng ,  dấu kín tư tưởng cuả mình với thực tại thời Gia Long  . Nhiều bài thơ cuả Nguyễn Du mượn đề tài Trung Quốc . Thật khó tìm thấy hình ảnh đời sống thật cuả xã hội Việt Nam và thái độ cuả Nguyễn Du trong thơ ông. Thái độ cuả Bùi Giáng với Nguyễn Huệ ( bài Nguyễn Huệ ) cũng gần như thái độ Nguyễn Du với Từ Hải , mà có ý kiến cho rằng Từ Hải là hình bóng Nguyễn Huệ.  Và , phải chăng thái độ cuả Bùi Giáng cũng là thái độ “ giả cuồng “ cuả Nguyễn Gia Thiều trước thời cuộc ? Nguyễn Huệ ra Bắc 1786 , Nguyễn Gia Thiều lẩn trốn ở núi rừng . Khi không còn trốn tránh được , ông trở lại Thăng Long uống rượu , giả cuồng , bất hợp tác với Tây Sơn.

Bùi Giáng ý thức rõ việc lúc nào điên , lúc nào tỉnh , ông cũng ý thức rõ người đời hoài nghi về thái độ “ giả cuồng “ ấy  cuả ông

 

Uống và say nói lăng nhăng
Miệng mồm lý nhý thằn lằn đứt đuôi

                            ( Người Điên Uống Rượu )

Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không.

                                                      ( Bao Giờ)

Tôi nằm ở giữa vườn cây
Tấm lòng men rượu từ nay chịu chừa
Điên cuồng nhảy múa sớm trưa
Từ nay chấm dứt - thượng thừa hoàng trang

          ( Cũng Là Như Thế )

 

            Uống rượu , điên cuồng nhảy muá , nói năng lí nhí , cười khóc bâng quơ ..Nếu nhìn ở hiện tượng ngôn ngữ thì đó là hành vi cuả người điên không còn ý thức , nhưng ở Bùi Giáng đó là một hành vi có ý thức , một thái độ chọn lưạ hiện sinh . Nhất định thái độ ấy phải xuất phát từ tư tưởng . Có thể là ông mắc phải  sai lầm nào đó trong đời , hay sai lầm cuả  những dấn thân “ tội lỗi “

 

Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ
Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

                                    ( Hư Vô Và Vĩnh Viễn )

Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang

                                               (Bờ Luá )

            Cũng có thể đó là thái độ sống “ hồn nhiên “ cuả người “ đắc đạo “ .Người đời nhìn ông điên , nhưng , với ông , đó là tự do. Chữ  tự do hiểu theo tư tưởng Phật , không phải tự do chính trị . Tôi không nghĩ rằng “Anh càng lang thang, càng lên cơn điên dữ dội, càng điêu linh tàn tạ, nhưng cùng lúc anh đang đóng vai trò của một sứ đồ tự do, bản thân anh là một bài ca đầy cảm hứng cho nỗi khát khao tinh thần tự do của xã hội…. Anh tượng trưng cho sự "ngoài vòng cương tỏa" mà người văn nghệ chân chính nào cũng thèm muốn.( Phạm Xuân Đài ) . Thực ra đó là tinh thần “ Ưng vô sở trú ‘ cuả kinh Kim Cang , tinh thần tự do cuả Lâm Tế Nghĩa Huyền (? – 867 ) “…gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng thân thiết, giết hết, chớ ngần ngại : đó là con đường độc nhất để giải thoát. Đừng để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình, hãy vượt lên, hãy bước qua, hãy tự do.”( Dẫn theo Suzuki )

 

Ngủ yên bên lá cỏ chiều
Giữa trời thu mỏng gió dìu mây trôi
Ngủ yên bên suối bên đồi
Bên rừng thu tạnh bên người xót xa
Cát lầm ngọc trắng ố hoa
Bên đời thổn thức thiết tha bên người
Ngủ yên cây cỏ ngậm ngùi
Một giờ yên ngủ lấp vùi trăm năm
Tỉnh ra tìm lại chỗ nằm
Chốn xa xôi ấy đêm rằm trăng soi

           ( Chuyện Chiêm Bao 17 )

 

            Bùi Giáng có thể ngủ yên bên cỏ , bên suối , bên đồi , bên rừng  để lấp vùi trăm năm , nhưng Bùi Giáng  không thể quên nguôi nỗi đau đời . Ông gắn bó  đá vàng bên đời buồn tủi , bên người xót xa , ông   thiết tha bên người với tất cả nỗi ngậm ngùi thổn thức  cuả cõi nhân sinh , và ông bỗng nhận ra mình lạc mất  trong chốn xa xối ấy ,  tỉnh ra đi tìm lại chính mình .

                                           
Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian

                                ( Trước Khi )

 

            Có thể nhận thấy sau Nguyễn Du , Nguyễn Gia Thiều , Cao Bá Quát , thì Bùi Giáng là người làm thơ tư tưởng  , và đưa thơ tư tưởng Việt Nam lên những bước phát triển mới . Điều này trở thành giá trị thơ Bùi Giáng , vì đương thời và cả  hiện nay , rất ít nhà thơ Việt Nam trở thành nhà thơ tư tưởng ( Có chăng là Phạm Thiên Thư , và hiện nay là Trần Ngọc Tuấn với tập thơ Gió Reo ). Tuy nhiên tư tưởng thơ Bùi Giáng không sánh được với tư tưởng thơ Nguyễn Du và Nguyễn Gia Thiều ở sự giác ngộ những trải nghiệm bể dâu , ở cái “ hùng tâm “ và thần lực cuả một hồn thơ mà ngòi bút có thể làm rung chuyển khắp cõi nhân gian như Không Lộ Thiền Sư  Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.” ( Không Lộ - ?-1119 . Thiền Uyển Tập Anh )

 

 

 

4. Bùi Giáng có cách tân thơ không ?

 

            Bùi Giáng không có cách tân gì về thơ , ông chỉ kế thưà truyền thống và làm mới thơ bằng phong cách ngôn ngữ cuả mình.

 

            Về nghệ thuật và tư tưởng , thơ Bùi Giáng nằm trong  bầu khí tư tưởng và thế giới nghệ thuật cuả thơ cổ điển , cuả Nguyễn Du , tư tưởng Phật Giáo .

 

Thử xem xét  yếu tố thiên nhiên trong thơ Bùi Giáng , người đọc nhận ra ngay  chất cổ điển trong  

cách Bùi Giáng sử dụng những  chất liệu này . Thiên trong thơ Bùi Giáng rất ít khi là thiên nhiên đời thường cuả ca dao, đó là thiên nhiên khái niệm,  mang tính trí tuệ , tính tư tưởng cuả thơ Đường , nó cũng mang cái nhìn Hoa Nghiêm cuả Bùi Giáng trên hoa cỏ , sông núi , ruộng đồng,   gió trăng , mây nước. Thiên nhiên ấy cũng mang màu sắc Kiều cuả Nguyễn Du. Ta gặp nhiều hình ảnh này : chân trời rộng tênh , nguyệt tỏ bên thềm , biển cạn sông sâu , chiều xuân thơ mộng  , bình minh vô thường  , sương đầm lá ướt ,  vườn hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ , gió núi trăng rừng , biển xanh dâu , cây cỏ ngậm ngùi  , trời thu , rừng thu  , mây trôi , bụi hồng ,   cát lầm  , nguyên khê , đầu núi , …và  dường như thấp thoáng Bùi Giáng  trong bài thơ này :                       

                                            Nhị cú tam niên đắc

                                            Nhất ngâm song lệ lưu

                                            Tri âm như bất thưởng

                                            Quy ngoạ cố sơn thu

                                                           ( Giả Đảo )

                                                                             [  Ba năm làm được hai câu thơ /mỗi lần ngâm lên hai hàng lệ chảy /

                                                                                                                       ( nếu )bạn tri âm mà không thưởng thức /

                                                                                                               ( ta sẽ)  về nằm trong  núi xưa ( với ) muà thu ]

 

Nằm giữa vườn cây nhớ bốn trời
Ba bề bảy ngõ nhớ muôn nơi
Tưởng chừng thiên hạ mênh mông quá
Mà thơ ta chỉ có vài lời
Tặng người người có nhận hay không
                          ( Cũng là như thế - Bùi Giáng )

 

Thơ Lục bát cuả Bùi Giáng cũng gần gũi như Lục bát cuả Đoạn Trường Tân Thanh , và gần như ca dao , có cả thơ đuà cợt kiểu ca dao ( Tuy Nhiên Em Có Mặc Quần , Lời Sơn Nữ )

 

           Nhiều bài thơ cuả Bùi Giáng có giọng thơ  cuả thơ Lãng Mạn 1930-1945 ( Ly Tao 1.Ly Tao III. .Màu Trời Đó …)  Cảm hứng chính cuả thơ Bùi Giáng là cảm hứng lãng mạn có màu sắc Thiền ( Chào Xuân Nguyên , Cỏ Hoa Hồn Du Mục , Dư Vang … )

 

          Bùi Giáng có rất ít bài thơ nói về thực tại bằng ngôn ngữ đời thường.( Không Đề - tặng nhạc sĩ Quốc Bảo ; Nguyễn Huệ , Về Quảng Nam , Em Mọi Ơi ) , ngay cả những bài  như thế cũng lãng đãng không khi lãng mạn  ( Oà Các Em , Nỗi Lòng Tô Vũ – kỷ niệm 15 năm chăn dê )

 

         Nhưng Bùi Giáng có phong cách ngôn ngữ riêng , người ta có thể nói đến kiểu ngôn ngữ Bùi Giáng . Ông sử dụng rất nhiều từ Hán Việt bên cạnh từ thuần Việt , đó là vốn từ Hán Việt cuả nhà Phật và cuả văn chương cổ điển , đồng thời ông tạo nên những từ lạ so với vốn từ đã quen dung . Nhiều bài , từ Hán Việt  dày đặc đến nỗi trở nên rất khó đối với độc giả bình thường

 

  Em từ non nước Viễn Khơi

  Trùng lai cố quận chịu chơi một lần

                                                                                        (  Em Từ )

Thiệt thòi đời mộng phiêu linh
Cành sương ngọc thụ tồn sinh cát lầm
Giấc quày quả lạnh anh trâm
Bóng đu sung rớt bến trầm luân sâu
Hoài mong hiu hắt nhịp cầu
Mà hương quan vắng xa màu mây trôi.

                                  ( Muà Phượng Cũ. )

 

                   Điều này giải thích tại sao thơ Bùi Giáng khó hiểu . Bùi Giáng cố ý dùng  nhiều từ Hán Việt trong một cấu trúc ngữ pháp đã bị xáo trộn so với cấu trúc bình thường  để tạo nên “ mật ngữ “ cuả riêng ông  . Có điều lạ là tuy có nhiều từ Hán Việt nhưng thơ ông không hề cổ điển , có lẽ vì ông khai thác thi tứ , đề tài , chất liệu và tạo ra trường nghiã mới so với thơ cổ điển chăng. Cách dùng chữ Hán Việt cuả Bùi Giáng rất khác Nguyễn Du.  Trong  Đoạn Trường Tân Thanh ,  Nguyễn Du đặt từ Hán Việt bên cạnh những từ thuần Việt sao cho người đọc dù không biết chữ Hán vẫn có thể cảm hiểu được thơ .

 

“ Song sa vò võ phương trời

   Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng “ ( Nguyễn Du )

 

Thiên hương quốc sắc lạ thay
Một tòa sẵn đúc dày dày thiên nhiên
Khiến đời tứ đảo tam điên
Cuồng quay đảo phụng cường kiên điên hoàng
                         ( Gà Gáy Sáng – Bùi Giáng )

                        Với Bùi Giáng , làm thơ như một trò nghịch ngợm chữ nghiã cuả một con người tài hoa. Trong đoạn thơ trên , rõ ràng có bàn tay nghịch ngợm rất mực tài hoa cuả Bùi Giáng. Câu thơ Kiều

 Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên “ đã được Bùi Giáng viết lại “ Một toà sẵn đúc dày dày thiên nhiên “ và câu thơ “ cuồng quay đảo phụng cường kiên điên hoàng “ , xáo trộn nghịch ngợm triệt để những từ Hán Việt  ,  ngữ nghiã trở nên xa lạ không sao hiểu được . Có thể  sắp xếp lại theo cấu trúc thông thường  : phụng hoàng kiên cường quay cuồng điên đảo . Tất nhiên  như thế không còn là thơ Bùi Giáng , và ngay cả khi đã xắp lại như thế , vẫn khó tìm ra một  cấu trúc thực sự hợp lý để hiểu ý thơ.  Mật ngữ cuả Bùi Giáng là ở đó . Thực ra Bùi Giáng có  thể viết những câu thơ thật thà hiền lành thế này:

Chiều nay anh làm thơ
Chẳng còn hay như trước
Suốt một tháng
Viết không được một câu
Thì lấy đâu ra thơ
Mà tặng em cho được
Tặng một câu cũng chưa đủ
Thì lấy đâu bốn câu
Cho đủ một bài.   ( Em Mọi Ơi )

 

                    Bùi Giáng là một phong cách đặc sắc ,  nếu  chỉ viết như thế sẽ chẳng bao giờ có thơ Bùi Giáng để người đọc ái mộ.

 

Phong cách thơ Bùi Giáng  trước hết thể hiện ở trò chơi ngôn ngữ thách đố người đọc

như trong trò chơi ú tim . Bùi Giáng có khả năng biến hoá ngôn ngữ một cách tài hoa . Tôi không nghĩ đó là thi pháp , mà chỉ là sự tài hoa cuả ngòi bút , cuả cá tính sáng tạo .Thi pháp thơ Bùi Giáng nằm trong thi pháp thơ cổ điển và thơ Lãng Mạn . Bùi Giáng chưa vượt ra ngoài cõi thi pháp ấy.

 

Nguyễn Hưng Quốc coi những kiểu chơi chữ cuả Bùi Giáng như là thi pháp , điều ấy có

 đi xa quá chăng ?. Ông nhận định :  Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhoà của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay… xoá nhoà những đường biên về giọng điệu., xoá nhoà ranh giới giữa truyền thống và hiện đại .., xoá nhoà ranh giới giữa cái gọi là thơ và cái gọi là phi thơ … ,  xoá nhoà giữa cái lý và cái phi lý..  (  Cuộc Hoà Giải Vô tận – Trường Hợp Bùi Giáng ) .

 

Đúng là có những hiện tượng lẻ tẻ như vậy , nhưng không là chủ đạo cuả ngòi bút

Bùi Giáng ..Thơ ông  là thơ truyền thống , chủ yếu là Lục bát , thất ngôn cổ điển ( Chiêm Bao 7 , Chiêm Bao 4.. ) thơ 7 chữ . 8 chữ kiểu Thơ Mới ( Kể Chuyện , Giòng Sông ; Hư Vô và Vĩnh Viễn .. ) , lâu lâu ông đuà nghịch  một chút  , tạo ra một kiểu chơi chữ mới , thách đố ngôn từ , dẫn người đọc vào những miền xa lạ cuả tư duy , tạo ra sự thích thú , như kiểu làm thơ phá cách vậy thôi , đuà một chút thôi mà !

 

Phong cách Bùi Giáng toát ra từ thế giới nghệ thuật cuả cả bài thơ . Thơ Bùi Giáng là một thế giới riêng , thế giới thơ cổ điển cuả hôm nay .  Thế giới cuả nghệ thuật kết hợp với tư tưởng , cuả  tâm thức hiển hiện trong ý thức , cuả câu chữ thật nói lời  vô ngôn  , cuả sự trộn lẫn tài hoa và bi thương  , cuả thực tướng và hư huyễn , cuả những “ đổ lộn “, “ từ bỏ  núi sông , thành luỹ , hiện hữu , thời gian , thành “ tiếng vàng vang vọng  “ xa lạ..Tiếng Việt trở nên sang trọng và phong phú vô cùng , câu thơ trùng trùng nghiã , chữ gọi chữ , chữ thai nghén nghiã mới , nghiã gọi tâm , tâm lay động  thái hư , vang vọng mãi vào vô biên . Bùi Giáng có nhiều bài thơ hay , không chỉ có câu thơ hay  .Điều đặc biệt là có thể nhặt ra những câu thơ hay , để riêng lẻ , câu thơ vẫn tồn tại độc lập như câu thơ Kiều .

 

Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh
Gót chân khơi rộng bóng cành
Nhịp vang đầu núi vọng thành lũy siêu
Thời gian chắc bước bên chiều
Khóc sông bến lạ mưa chiều sớm xuân
Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng
Hồn du mục cũ xa gần hử em

                       ( Cỏ Hoa Hồn Du Mục )

 

Những bài thơ như Cỏ Hoa Hồn Du Mục  trở nên mới lạ và làm nên phong cách Bùi

Giáng so với thơ đương thời . Tôi nghĩ rằng người đọc  có thể tìm thấy nhiều giá trị khác trong thơ ông nếu có được trình độ tư tưởng và khả năng vượt qua được kiểu ngôn ngữ  Bùi Giáng  : Một rừng dày đặc từ Hán Việt trộn lẫn với khẩu ngữ ,  nghịch ngợm , xáo trộn   , thành “ mật ngữ“ ,  thách đố năng lực tư duy , tạo ra thú vị.

Dù sao chăng nưã ,Bùi Giáng tạo được một mẫu ngông thời đại , sáng tạo một kiểu say

sưa , chán đời cuả thế kỷ XX , khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ XIX và Tản Đà đầu thế kỷ XX “ ( T. Khuê –Tự  điển Văn Học bộ mới – Nxb Thế Giới 2004 ) .Đó là kết luận cuả Tự Điển Văn Học

 

Nếu Bùi Giáng đọc được nhận định như thế , có lẽ ông chỉ cười  , cái cười “ đười ươi “

nắm tay ngưả mặt nhìn “đười ươi “ , như ông đã cười khi gặp bà Khổng Tử ở Lục Tỉnh ( Đêm Lục Tỉnh )

  

                                                                                                                                       2007              


*******************************************                                                                     

 

(1) Thiền Luận - Daisetz Teitaro Suzuki   :

               Trường Thủy Từ Huyền hỏi Thiền sư Huệ Giác ở núi Lang Gia, : 

-          “Cái thanh tịnh bổn nhiên nhân sao bỗng dưng sanh núi sông thế giới?”

             ( Thanh tịnh bổn nhiên vân hà hốt sanh sơn hà đại địa?)

             Câu hỏi mượn ở kinh Lăng Nghiêm, đoạn Phú Lâu Na hỏi Phật tại sao cái Chân Như Tuyệt Đối hốt nhiên hóa thành thế giới hiện tượng nầy .

 

(*) có thể giải thích cái điên cuả Bùi Giáng theo quan điểm cuả Trang Tử :

                   …Trong văn hóa Trung Hoa người ta thường thấy hiện tượng lạ lùng này là bậc đại trí phát sinh lòng hoài nghi đối với mình và cho rằng vũ khí tốt nhất trong cuộc tranh đấu trên đời là sự tôn sùng ngu độn và sự ẩn dật. Từ cái thuyết "khí trí" của Trang T đến sự tôn sùng kẻ ngu chỉ có một bước ngắn; và trong văn chương cùng hội họa của Trung Hoa ta thấy hình ảnh của nhiều người hành khất, nhiều nhà ẩn dật bất hủ, nhiều nhà sư điên, hoặc những đạo sĩ kỳ dị, như trong tập "Minh Liêu tử du"..


..Kẻ ngu được hoan nghênh, đó là một sự thực không chối cãi được. …Trong lịch sử Trung Hoa có nhiều người điên, hoặc điên thật hoặc giả điên mà được nổi danh, được người ta kính yêu. Như họa sĩ Mễ Phí, có lần bận lễ phục tới lạy một phiến đá, gọi phiến đá đó là "ông Nhạc", vì vậy mà có danh hiệu là ông Mễ Điên. Ông ta với Nghê Vân Lâm, một họa sĩ danh tiếng đời Nguyên đều mê sự sạch sẽ. Lại như thi sĩ điên nổi danh, hòa thượng Hà Sơn, đầu bù, chân không, đi lại các ngôi chùa, làm mọi việc lặt vặt trong cái nhà khói (nhà bếp của chùa), xin cơm thừa căn cặn mà ăn và làm được những bài thơ bất hủ viết lên tường các nhà khói. Vị hòa thượng điên được người Trung Hoa ái mộ nhất là hòa thượng Tế Điên., cũng gọi là Tế Công (ông Tế); đời ông sau được người ta chép thành một chuyện dài gấp ba bộ Don Quichotte mà vẫn chưa hết. Ông sống một đời ma thuật, làm thuốc, say rượu, và như có thần lực, có thể cùng một lúc xuất hiện ở hai nơi cách nhau cả trăm dặm. Miếu thờ ông hiện nay ở Hổ Bào, trên bờ Tây Tử Hồ ở Hàng Châu. Những thiên tài lãng mạn, vĩ đại, thế kỷ mười sáu và mười bảy, như Từ Văn Trường, Lý Trác Ngô, Kim Thánh Thán (ông này tự đặt tên hiệu là Thánh thán (nghĩa là tiếng thở dài của Thánh) là vì, theo ông, đúng lúc ông sanh ra đời, ở miếu thờ Khổng Tử trong làng bỗng phát ra một tiếng thở dài bí mật). Tuy các vị đó cũng là những người bình thường như chúng ta nhưng bề ngoài có những cử chỉ trái hẳn thói thường, cho nên người đời gọi là cuồng. “ (
Lâm Ngữ Đường- Một Quan Niệm Về Sống Đẹp - The Importance Of Living. Nguyễn Hiến Lê dịch )



Nguồn : CHÚT TÌNH TRI ÂM-Bùi Công Thuấn. Nxb Hội Nhà Văn 2009