(Đọc Khu Vườn Hạnh Phúc, truyện đồng thoại của Nguyễn Thái Hải. Nxb Trẻ
2014)
Bùi Công Thuấn
Khu Vườn Hạnh Phúc là cuốn sách thiếu nhi thứ 23 của Nguyễn Thái Hải
và là cuốn thứ 45 của Khôi Vũ- Nguyễn Thái Hải.
Tôi không
rõ các cháu thiếu nhi thích thú như thế nào khi đọc Khu Vườn Hạnh Phúc, nhưng người lớn tuổi như tôi, khi theo chân nhà
văn Nguyễn Thái Hải vào Khu Vườn Hạnh
Phúc, lại tìm thấy những cái thú vị rất riêng. Lúc đầu tôi tưởng mình chỉ
là người đứng ngoài mà nhìn xem các cháu vui chơi trong vườn, giống như phụ
huynh khi chở con đến nhà trẻ, thường đứng bên ngoài xem các cháu trong vườn
chơi mẫu giáo rồi yên tâm ra về, tin rằng, ở nơi ấy, con mình được chăm sóc và
giáo dục tốt. Thế nhưng, khi đặt chân vào Khu
Vườn Hạnh Phúc của nhà văn Nguyễn Thái Hải, tôi đã bị cái đẹp và sức hấp dẫn
của những câu chuyện trong khu vườn đưa mình vào thế giới trẻ thơ, được sống
như trẻ thơ, trong một bầu khí đầy sức sống và thanh khiết. Đôi khi phải tự
nhìn lại chính mình, nhưng khi ra khỏi khu vườn ấy, tôi vẫn thấy lòng âm vang
bao điều điều thú vị.
Một hành trình khám phá, sáng tạo
Khu Vườn Hạnh Phúc chỉ là một khu vườn nhỏ,
nhưng trong mắt nhà văn, mọi thứ đều mới mẻ và lung linh sắc màu. Đó là một
hành trình khám phá sáng tạo. Không gian nghệ thuật là khu vườn xinh xắn với hàng
chục cây ăn trái bao quanh, giữa có một sân cỏ rộng. Khu vườn ấy còn có cây táo
sai trái và vô số những chậu hoa. Một góc sân cỏ, cây nhãn lòa xòa với căn nhà
gỗ nhỏ xíu của ông Lu Lu cùng Mi Lu Anh và Mi Lu Em-hai chú chó nhỏ dễ thương…
Trong vườn, còn có một chuồng chim bồ câu, một đàn gà, cô mèo nhỏ Miu Miu, bướm,
đàn kiến, ếch, nhái, gián, rắn, chuột xù, ốc sên, gió và hoa quỳnh… Nhà văn đã khám
phá ra một xã hội sinh động, đầy sức sống với những sinh hoạt, những biến cố,
những con người, chứa đựng cái đẹp và những
bài học thú vị dành cho bạn nhỏ.
Đôi khi ta
có thể bắt gặp một con mèo rượt theo một con sẻ trên sân, như một trò đùa nghịch
vui vui vậy thôi, nhưng Nguyễn Tháu Hải có thể dựng nên một câu chuyện rất hay
về chú Sẻ Bạc Má ỷ tài trêu chọc cô mèo Miu Miu, bị cô Miu Miu vồ, may mà có
Milu Em cứu, nếu không chắc đã vong mạng. Ông Lulu đã nhắc nhở mọi người về bài
học “đừng ỷ tài”
Những trận
mưa thường làm ngập lụt sân nhà, đời sống sinh hoạt của bao gia đình gặp khó,
nhưng Nguyễn Thái Hải lại khám phá ra trong Khu
Vườn Hạnh Phúc một cộng đồng biết
chung sức giúp đỡ nhau, dù rằng, ở mỗi con người riêng lẻ có thể có những
lúc “không ưa” gì nhau. Mưa làm cho cả khu vườn thành một cái ao khổng lồ. Tất cả phải núp vào mái hiên. Nơi đây có đủ mặt
ông Lu Lu, anh em Milu, gia đình Gà, cô Miu Miu, một anh Cóc Tía, vài cậu Ếch,
Nhái, một chú Dế, một chú Kỳ Nhông. Mi Lu Anh đã nhảy xuống nước cứu được một
chú Gián, và một chú ếch con. Thật cảm động cảnh chú Dế làm hô hấp nhân tạo và
ông Lu Lu hà hơi ấm cho Gián…Cô Miu Miu thường ngày không ưa gì bọn Ếch, Nhái,
Dế, nhưng trong cảnh nước lụt như thế này, mọi người nương nhau mà sống thì cô
tỏ ra hiền khô và rất quân tử nữa. Khi mưa tạnh, ông Lu lu ra vườn hỏi thăm những
gốc cây, hoa mười giờ, cỏ xanh bị mưa gió và nước bẩn trùm lên. Ông động viên họ
chịu khó. Đôi khi trong mưa, tôi có nhìn thấy đàn kiến bò trên cột, hay một con
gián bơi trong nước, nhưng không thể hình dung được một thế giới đầy sức sống
và đầy tình thương yêu như nhà văn miêu tả.
Tương phản
với thế giới hiền hòa chung sống của mọi loài là cuộc đấu tranh quyết liệt đối
với những kẻ phá hoại. Đó là gã Chuột hung bạo, gã Rắn nguy hiểm. Nguyễn Thái Hải
miêu tả cuộc đấu tranh này thật hấp dẫn. Kẻ ác có nhiều thủ đoạn gây ác, lỳ lợm
và tàn bạo. Gã Chuột rượt bắt gà con, ăn trứng bồ câu. Bị đánh đuổi, hắn vẫn
gan lỳ ngoạm cánh bồ câu non lôi đi…Gã rắn xuất hiện là mang đến sự hiểm nguy
cho cả cộng đồng. Hắn tấn công đàn gà và đàn bồ câu, ông Lulu khôg cản được. Rắn
đánh ngã vợ chồng Gà. Milu Anh xuất hiện kịp thời giải cứu, nhưng bị rắn mổ cho
mấy nhát. Cô Miu Miu và Milu Em hợp sức
chiến đấu cũng không xong. Cái ác, kẻ ác tưởng thắng thế, may còn có bác làm vườn,
Rắn bị tiêu diệt. Những bài học tự nhiên toát ra từ những tình huống, những biến
cố, và ghi lại những ấn tượng sâu sắc. Trong đời thường, có lẽ chẳng bao giờ ta
được chứng kiến một cuộc chiến thực sự giữa cộng đồng những con vật hiền lành với
loài thú ác như vậy. Vâng, đó là khám phá và sáng tạo.
Trong sự
sáng tạo, Nguyễn Thái Hải cũng có những chi tiết thật tinh tế, giàu thẩm mỹ và
giàu ý nghĩa nhân văn. Tôi rất thích chi tiết cây quỳnh nở hoa trong chương “không tha kẻ phá hoại”. Đánh đuổi được
gã Chuột hung dữ, các loài đã mở tiệc mừng. Đàn
chim con trình bày một màn múa, Một cô chim đang tuổi cập kê hát một bản tình
ca. Đặc biệt, một cây Quỳnh tình nguyện nở hoa sớm trước căn nhà gỗ để tô điểm
cho buổi họp mặt. Sự xuất hiện của đóa quỳnh trong đêm liên hoan của các
loài đem đến hương hoa và sắc màu, tất cả tạo nên thế giới của cái đẹp tinh khiết,
như chính tâm hồn trẻ thơ.
Những bài học thú vị
Viết cho
thiếu nhi, dù là kể truyện gì, nhà văn cũng phải đặt mục đích giáo dục lên trước
tiên. Nhưng sự giáo huấn lộ liễu, khô khan, áp đặt thường gây phản cảm. Nhà văn
sẽ bị gò ngòi bút vào những khuôn, sẽ phải viết những lời dạy dỗ, và vì thế,
nhiều khi phải hy sinh sự sáng tạo và tính nghệ thuật của tác phẩm. Truyện đồng
thoại của Nguyễn Thái Hải có thể đem đến cho người đọc và những người viết văn
khác nhiều kinh nghiệm về tính giáo dục của truyện viết cho nhi đồng.
Nguyễn Thái Hải nhấn mạnh đến bài học giáo dục ở từng chương, nhưng
truyện vẫn hấp dẫn. Nhan đề mỗi chương là một bài học. Kết thúc chương tác giải
lại nhắc lại bài học ấy : Hãy can đảm làm
việc phải, Đừng ỷ tài, Đức hy sinh
đáng quý, Giúp đỡ kẻ hoạn nạn, Đừng
liều lĩnh, Sức khỏe là vàng,…tài năng của nhà văn là ở chỗ kể được những
câu chuyện mà tự cốt truyện, hình tượng, tình huống chứa đựng được bài học một
cách tự nhiên, hiển nhiên như chân lý, đầy sức thuyết phục.
Câu chuyện về sự hy sinh của bà bồ câu Bạch thật cảm động. Đàn bồ
câu trở nên đông đúc. Chuồng bô câu chật chội. Một đôi bồ câu ra riêng, và cô
dâu đến ngày sinh nở. Bà bồ câu Bạch, dù cũng đang bụng mang dạ chửa, đã nhường
ngăn chuồng của mình cho bạn trẻ. Bà ra nằm ngoài hiên, trò chuyện chỉ bảo cho
cô bồ câu trẻ. Rồi hai đứa con cô bồ câu chào đời an lành. Trời bỗng đổ mưa, từ
trưa đến đêm. Mưa tạt ướt ổ rơm bà bồ câu bạch, bà vẫn xòe cánh ấp trứng
trong sự lo lắng của ông bồ câu và anh bồ
câu trẻ. Khi cơn mưa tạm ngớt, hai đứa con bà bồ câu Bạch chào đời. Bà kiệt sức,
qua đời. Hàng xóm xúm lại mỗi người giúp một tay, nhưng không cứu được bà bồ
câu. Xác bà lạnh cứng, đôi cánh duỗi ra che phủ gần hết ổ rơm. Hôm sau cậu chủ
nhỏ phát hiện, bảo bác làm vườn chôn bà bồ câu Bạch ở gốc cây. Buổi tối, ông
Lulu làm lễ tưởng niệm, ông đã đọc điếu
văn ca ngợi đức hy sinh của bà. Tôi tin chắc câu truyện có sức lay động tâm hồn
trẻ nhỏ về đức hy sinh của người mẹ, về tình người, tình cộng đồng, về cả lòng
biết ơn với những người đã hy sinh.
Những bài học về đừng ỷ tài,
đừng liều lĩnh, tham thực cực thân, giúp đỡ kẻ hoạn nạn, bảo vệ danh dự tránh
voi không xấu mặt nào cũng thú vị, ấn tượng và sâu sắc như vậy. Chương Hạnh Phúc Trong Lòng Ta không chỉ dành
cho thiếu nhi và cho cả người lớn. Chương này đã nâng truyện đồng thoại cho thiếu
nhi thành truyện tư tưởng đặc sắc, mà hiếm tác giả viết cho thiếu nhi đạt được.
Gà Tơ hỏi mẹ :”Thưa mẹ, vậy đúng ra, con
phải nghĩ thế nào về hạnh phúc?”. Nói cách khác, “hạnh phúc là gì”. Đây là
một câu hỏi mà con người hằng kiếm tìm, và tùy mỗi góc độ, người ta có những
quan niệm về hạnh phúc và đau khổ rất khác nhau. Nguyễn Thái Hải để thím gà mẹ
dắt Gà Tơ đi dạo quanh vườn, quan sát mọi loài mọi vật mà nhận ra ý nghĩa của vấn
đề. Đầu tiên là gốc Táo sai quả. Thím gà hỏi con nhưng cũng là khẳng định:”làm tròn bổn phận kết trái của minh đem lại
niềm vui cho chủ, như thế có phải là hạnh phúc không?”. Đi qua sân cỏ, mẹ
con thím Gà nhìn những ngọn cỏ vươn lên trong nắng mai reo hát trước gió, tiếng
cười rộn rã thật vui, và nghe cỏ nói :”bất
cứ nơi nào có đất, có ánh mặt trời là có mặt chúng tôi”, Thím Gà nói con
ghi nhớ điều này: “cuộc sống vô tư cũng
là cuộc sống hạnh phúc chan hòa nữa…”. Cảnh ông Lu Lu kể chuyện cổ tích cho Mi Lu, bồ câu, đó cũng là hạnh phúc
. Anh em Gà Ô chăm lo luyện tập, thương yêu nhau cũng là hạnh phúc. Nhìn theo đám
bông mười giờ nở, Gà Tơ hỏi mẹ :”Sống
theo lẽ tự nhiên của trời đất, đó cũng là hạnh phúc phải không me?- Chính thế”.
Nhìn năm con bồ câu tập dợt say mê, Gà thím nói :”Ai mà không vậy, say mê với công việc hằng ngày và làm cho trọn vẹn,
thì dù có mệt nhọc đến đâu, trong tâm hồn cũng thấy tràn trề… hạnh phúc…”.
Nhìn chú Gà và các em đi dạo vui vẻ, đó cũng là hạnh phúc. Gà Tơ nhìn cha mẹ,
nó nghĩ đây cũng là hạnh phúc. Nhìn cô Miu Miu hiền lành bên cậu chủ đang cho bồ câu ăn thóc, thím Gà
nói :“Một đời sống thân thiện, an phận
cũng có thể gọi là hạnh phúc”. Ông chủ ra sân, cậu chủ khoe đàn bồ câu, Gà
Tơ nói với mẹ, gia đình ông chủ thật hạnh
phúc. Sau cùng Gà Tơ hỏi mẹ,”Có phải
hạnh phúc đích thực chỉ có được do sự bằng lòng với những gì mình có, phải
không mẹ?”. Thím Gà nhìn con đáp âu yếu :”Hạnh phúc ở trong lòng ta.”. Nguyễn Thái Hải đã dẫn bạn đọc đi và
nhận ra hạnh phúc ở quanh ta, hạnh phúc thật nhiều và đa dang.
Có thể nói chương Hạnh Phúc
Trong Lòng Ta là một tổng luận về
hạnh phúc của Nguyễn Thái Hải. Vấn đề có thể vượt quá sức hiểu của trẻ, và cũng
chưa phải là một nhu cầu tinh thần của trẻ, bởi trẻ con thường hồn nhiên, vô
tư, vui chơi, không trăn trở nghĩ suy như người lớn. Dù vậy, việc chỉ ra cho trẻ
ý nghĩa đích thực của hạnh phúc cũng là điều cần thiết, bởi câu hỏi căn cốt của
cuộc sống là hạnh phúc. Với Nguyễn Thái Hải, Hạnh phúc là hướng về tha nhân, về
cộng đồng, mà làm việc và cống hiến, làm tròn trách nhiệm của mình. Với bản
thân, hạnh phúc nằm trong sự say mê làm việc, sống thuận theo lẽ tự nhiên, bằng
lòng với những gì mình có, thân thiện và yêu thương tha nhân. Hạnh phúc ở trong lòng ta.”Quan niệm về
hạnh phúc như thế có nhiều yếu tố tinh túy của tư tưởng phương Đông và phương Tây, lại rất thực tiễn.
Điều thú vị là Nguyễn Thái Hải phát hiện ra những tư tưởng ấy từ những hình ảnh
cụ thể, đời thường mà trẻ có thể tiếp nhận dễ dàng. Gà Tơ hỏi đám Bông Mười Giờ:
“-Tại sao các bạn không thử nở sớm một
chút coi nào?”Bông Mười Giờ hỏi lại :” …Nở
sớm để làm gì?”, và khi nắng lên, Mười Giờ nở rộ. Gà Tơ hỏi mẹ :”Sống theo lẽ tự nhiên của trời đất, đó cũng
là hạnh phúc phải không mẹ?”.Tôi chưa bao giờ nhìn hoa Mười Giờ nở mà có thể
nhận ra một triết lý sống đẹp như vậy. Nói cho cạn nhẽ, Khổng Tử nói sống thuận
theo Thiên Mệnh hay Lão Tử nói đến “vô vi” cũng chỉ là sống theo lẽ tự nhiên của
trời đất mà thôi, giản dị như hoa Mười Giờ nở mỗi ngày.
Tôi tâm đắc những điều Nguyễn Thái Hải nói với trẻ về tính cộng đồng,
lối sống tình nghĩa, về bảo vệ những giá trị nhân bản (lòng yêu thương, đức hy
sinh, sự tương kính...) và giá trị truyền thống (tinh thần đoàn kết, tính trung
thực, lòng nghĩa khí, thái độ quyết liệt đối với cái xấu, cái ác...). Trong xã
hội hôm nay, người trẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, sống thực dụng vô luân,
chạy theo những hào nhoáng và những giá trị ảo, vô cảm trước nỗi thống khổ của
tha nhân và tội ác man rợ xảy ra hàng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc; thì tiếng nói của
nhà văn Nguyễn Thái Hải là sự khẳng định mạnh mẽ những giá trị nhân bản cần vun
đắp cho thế hệ trẻ, nhất là các cháu thiếu nhi. Giá trị tiếng nói của nhà văn
là ở ngôn ngữ nghệ thuật và những hình tượng đủ sức chuyển tải tư tưởng. Tôi
tin là nhà văn Nguyễn Thái Hải trong Khu
Vườn Hạnh Phúc đạt được những gía trị ấy.
Và những chia sẻ
Tôi hiểu,
viết cho nhi đồng rất khó, và viết được như Khu
Vườn Hạnh Phúc, truyện cho thiếu nhi không có nhiều. Văn Nguyễn Thái Hải
dung dị, hấp dẫn và giàu tính tư tưởng. Bên dưới những truyện kể là tấm lòng
nhân ái thiết tha nhà văn dành cho thiếu nhi và cho cuộc đời. Quan niệm của
Nguyễn Thái Hải về hạnh phúc trong chương Hạnh
phúc ở trong lòng ta có thể là tư tưởng nền tảng nhiều tác phẩm của ông, và
của chính đời sống hiện thực của nhà văn. Cùng với năng lực sáng tạo phong phú,
bấy nhiêu điều đủ làm nên giá trị cho tập truyện.
Khu Vườn Hạnh Phúc là một truyện dài có kết
cấu “lỏng lẻo” của cách viết hiện đại. Mỗi chương có thể đứng độc lập như một
truyện ngắn với cốt truyện, nhân vật, tình huống và chủ đề riêng biệt. Tuy
nhiên, cả tập truyện lại thống nhất trong một khung cảnh, sự tương quan giữa
các nhân vật, và thống nhất một chủ đề. Nguyễn Thái Hải khai thác ở mỗi chương
là câu truyện của một nhân vật chính. Truyện của Milu, của Sẻ Bạc Má, gã Chuột
hung bạo, bà bồ câu Bạch hy sinh, truyện tình của cô Miu, chú Gà và Đại Bạch, lũ
Sên, bồ câu tập bay. Điều đặc sắc là Nguyễn Thái Hải luôn khám phá ra những
tình huống bất ngờ đẩy cao kịch tính và thường kết thúc truyện có hậu. Chính những
tình huống bất ngờ đầy sáng tạo làm cho truyện phong phú và hấp dẫn. Mỗi truyện
còn có màu sắc thẩm mỹ riêng, góp thành những sắc màu trong một hòa điệu lấp
lánh. Chương 1 là mối thương cảm Milu bị đòn oan. Chương 2, chim Sẻ Bạc ỷ tài
trêu ghẹo cô Miu, bị Miu vồ súyt chết, vậy cũng đáng. Chương 3, Không tha kẻ phá hoại, hồi hộp như một
truyện trinh thám. Chương 4. Sự hy sinh của bà bồ câu Bạch để lại mối buồn
thương sâu sắc. Chương 9, cuộc thách đấu của Chú Gà và Đại Bạch mang tinh thần nghĩa
khí dân gian Nam bộ ….chương cuối là niềm vui và hạnh phúc tràn ngập cả khu vườn.
Nếu được
chia sẻ, tôi xin có vài suy nghĩ riêng. Nguyễn Thái Hải kể chuyện tình của cô
Miu Miu và cuộc đánh ghen của Mướp có quá lớn so với tuổi thiếu nhi chăng? Truyện
có thể gây ra những nghi ngại của trẻ với người lớn, có thể khứa vào mặc cảm của
những em mà gia đình bố mẹ có những gãy đổ. Ở một vài truyện khác, đành rằng
cái xấu, cái ác phải bị tiêu diệt, kẻ xấu phải bị trừng trị, nhưng kết thúc số
phận của gã Chuột (Không tha kẻ phá hoại),
gã Rắn (Tránh voi không xấu mặt), bằng
“bạo lực”, cùng với nhiều cảnh “bạo lực” khác (Sức khỏe là vàng, Quyết bảo vệ danh dự), liệu có khơi dậy tính tính
“hiếu thắng” ở trẻ con không? Tôi cũng thấy, ở những truyện có “đánh võ”, Nguyễn
Thái Hải chưa khai thác được những chiêu thức đặc trưng của các loại “võ” như
“võ mèo”, “võ rắn”, “võ gà”, “võ cẩu” trong các cuộc chiến đấu…Thế nên cuộc thách
đấu của chú Gà và Đại Bạch (Quyết bảo vệ
danh dự) chỉ được miêu tả bằng vài “chiêu” như “đá song phi, bồi thêm một cú đá, vươn mỏ tới mổ thật mạnh”, Nói vui
vậy, hẳn bạn đọc nhận ra nhà văn có nhiều cách tạo hấp dẫn cho câu truyện…
Tôi nghĩ rằng
một vài chương trong tập truyện này có thể đưa vào sách giáo khoa cho trẻ đọc,
bởi truyện có nội dung hay và sâu sắc về tư tưởng, tính giáo dục rất cao. Năm 2012 Hội Nhà Văn tổ chức hội thảo “Văn học cho thiếu nhi nhìn từ miền Đông Nam
Bộ” ở Đồng Nai. Đến nay, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã góp được một tập truyện
hay vào thành quả của hội thảo. Đó là một nỗ lực sáng tạo thật quý giá.
Xin chúc mừng
sự thành công của nhà văn Nguyễn Thái Hải.
Tháng 4 năm
2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét