VỚI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI
Bùi Công Thuấn
(Lời tựa cho cuốn sách HOA ĐỎ BÊN SÔNG,Nxb Hội Nhà Văn 2014)
Năm 1988 tôi
được kết nạp vào Hội VHNT Đồng Nai, Ban Âm Nhạc. Trong lễ kết nạp, cố nhà văn
Nguyễn Đức Thọ (NĐT) có phỏng vấn tôi và đưa tin. Tôi nhớ mãi nụ cười hiền lành
và tác phong lanh lợi của anh. Sau này khi viết phê bình văn chương, tôi mới đọc
văn NĐT. Hồi Ức Làng Che và Dấu Chân Tiên của anh thực sự thuyết
phục tôi. Anh viết về những bi kịch dữ dội của con người Việt Nam trong những
khúc quanh khốc liệt của lịch sử. Tôi nhìn thấy ở anh triển vọng một nhà văn viết
truyện ngắn hay của văn chương VN. Rất tiếc anh lại ra đi quá sớm. Những tài
năng thực sự phải chăng chỉ lóe sáng như một ánh sao băng giữa trời. Nguyễn Đức
Thọ nhắc tôi nhớ đến ngọn nguồn Hội VHNT Đồng Nai, thời nhà văn Lý Văn Sâm làm
chủ tịch Hội.
Cho đến giờ,
tôi vẫn còn nợ nhà văn Hoàng Văn Bổn một món nợ tinh thần, món nợ tự nguyện. Đó
là tôi chưa thể viết được một công trình nghiên cứu về ông. Bởi ông không chỉ
là nhà văn, mà còn là nhà văn hóa lớn của Đồng Nai. Những lần gặp ông ở văn
phòng Hội, lúc nào tôi cũng thấy ông ưu tư. Ông bảo tôi muốn đọc tác phẩm nào của
ông thì cứ ghé nhà. Trước một khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, tôi biết mình
không đủ sức khám phá hết tài năng nhiều mặt của ông. Điều làm tôi kính phục
ông là, ông sinh ra và sống chết Trên Mảnh
Đất Này, ông sống và viết cho một lý tưởng cao đẹp. Ông đã có những đóng
góp cho văn học nghệ thuật chung của cả nước, như một nhà văn lớn. Tôi gọi ông
là nhà văn lớn bởi ông có nhiều bộ tiểu thuyết sử thi viết về Đồng Nai, hẳn
nhiên ông đã đổ hết công sức và tâm huyết của ông cho những bộ sử thi ấy. Và hẳn
nhiên, ông đã sống đắm mình trong thời đại bão táp Cách mạng và kháng chiến vĩ
đại của dân tộc thì ông mới có thể phản ánh được thời đại lịch sử vẻ vang ấy.
Những nhà văn như ông ở Đồng Nai chỉ có Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm. Nhà văn trẻ
không ai có thể theo chân ông được. Và tôi biết, ông sẽ còn mãi ưu tư.
Sự thật là, khi viết phê bình văn chương, tôi bị mất lửa nhiều lần. Vì tôi đã ảo tưởng về thời đại của mình. Tôi ảo tưởng rằng, phê bình là đánh giá tác phẩm, tìm kiếm cái đẹp nghệ thuật và qua đó khẳng định tài năng văn chương. Tôi ngộ ra sự ảo tưởng của mình khi nhận ra thời đại của tôi khác với thời đại của Hoài Thanh. Thời của Hoài Thanh, tài năng lấp lánh như sao đầy trời. Văn chương VN hôm nay rất hiếm tài năng. Như thế, làm gì có chỗ cho phê bình nghệ thuật. Người cầm bút viết văn làm thơ hôm nay viết vì rất nhiều thứ ngoài văn chương. Thật khó tìm được một nhà thơ nhà văn dành cả đời mình để khám phá cái đẹp, viết để làm giàu có đời sồng tinh thần của nhân dân và làm phong phú vốn văn hóa của dân tộc. Lúc sinh thời, nhà thơ Hải Ba đọc bài tôi viết về thơ ông, ông đã phủ định thẳng thừng những nhận xét của tôi. Tôi hiểu ông ái ngại về những nhận xét ấy, vì nó dễ làm tổn thương con người xã hội của ông. Ông là một đảng viên. Mà đảng viên thời của ông (1960-1990) phải là những con người toàn vẹn, lý tưởng, không thể có khuyết điểm. Đọc thơ ông, tôi nhận ra những quan ngại của ông về lý tưởng ông theo đuổi, ông tỏ lộ những điều không thể chấp nhận (với tư cách đảng viên). Tôi biết ông sợ. Bởi ông đã sống suốt một đời treo nỗi sợ vô hình trên đầu.
Bây giờ tôi hiểu hơn về các Hội Văn Nghệ địa phương (kể cả Hội Nhà
Văn trung ương). Ở các Hội văn nghệ địa
phương, chức năng của Hội là làm văn
nghệ phục vụ chính trị. Hội có chức năng phát triển văn nghệ quần chúng. Nghị
quyết 23 của Bộ Chính Trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ cụ thể:” Văn hóa, văn nghệ là một bộ phận khăng
khít của toàn bộ sự nghiệp cách mạng, có sứ mệnh phục vụ các nhiệm vụ của cách mạng trong từng thời kỳ và gắn bó sâu
sắc với đời sống nhân dân...- Phát triển
sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng phát triển văn
học, nghệ thuật chuyên nghiệp. “Quy định số 284-QĐ/TW ngày 5-2-2010 của Ban Bí thư đã khẳng định: “Công tác cán bộ lĩnh vực văn hoá, văn học,
nghệ thuật là công tác cán bộ của
Đảng. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản
lý đội ngũ cán bộ lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật…” Các quan điểm ấy đã xác lập tiêu
chí chính trị là tiêu chí tiên quyết của văn nghệ. Đó cũng là quan điểm của
Đảng xuyên suốt trong các thời kỳ Cách mạng Việt Nam, từ Hội Văn Hoá Cưu Quốc 1943
đến nay. Điều này càng quan trọng khi tình hình đạo đức xã hội ngày càng suy
thoái, và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu.
Vì thế Hội Văn Nghệ hay tạp chí Văn Nghệ của Hội trước hết, và tiên
quyết, phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kế hoạch hoạt động
của Hội hàng năm đều phải đặt mục tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tỉnh. Khi
đã đặt tiêu chí chính trị làm tiên quyết thì vấn đề chất lượng nghệ thuật không
phải là quyết định. Cũng vì thế vấn đề phê bình văn nghệ, trước hết phải đặt trên
tiêu chí chính trị, lấy việc phục vụ các nhiệm vụ cách mạng là thang giá trị. Đánh
giá tác phẩm là xem xét tác phẩm đáp ứng thế nào các nhiệm vụ chính trị, có sai
phạm chính trị hay không? Thật cũng dễ hiểu Hội kết nạp tất cả những ai có khả
năng cầm bút phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng (gọi chung là quần chúng), mà không
bận tâm nhiều đến tài năng sáng tạo. Ngoài những nhà thơ nhà văn được kết nạp
vào Hội Nhà Văn có tay nghề chuyên nghiệp hơn, những người cầm bút khác trong
Hội là thuộc về văn nghệ quần chúng. Tôi đã đọc văn nghệ Đồng Nai với tinh thần
ấy.Và tôi cũng đọc VNĐN với tiêu chí khác, tiêu chí khám phá những cá tính sáng
tạo và phong cách nghệ thuật trong sự vận động nội tại của lịch sử văn học.
Văn nghệ Đồng Nai hiện nay đã có nhiều tên tuổi. Đó là các nhà văn
(xin gọi chung là vậy) Anh Hoàng, Trần Thúc Hà, Tấn Hoài, Lê Đăng
Kháng, Phạm Thanh Quang, Đào Sỹ Quang, Nguyễn Một, Dương Đức Khánh, Trần Thu
Hằng, Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh, Hạnh Vân… Các nhà thơ Cao
Xuân sơn, Trương Nam Hương, Hải Ba (trước kia), Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Đỗ
Minh Dương, Xuân Bảo, Hồng Phương, Đào Trọng Thử, Nguyễn Hoài Nhơn, Ngọc Thùy
Giang, Trần Ngọc Tuấn, Nguyễn Đức Phước, Tiêu Thanh Giang, Khương Hà Bùi,
Nguyễn Thị Khánh…Tôi đã được đọc ít nhiều tác phẩm của các tác giả này.
Tôi thấy rằng đội ngũ nhà thơ nhà văn Đồng Nai sung sức, say mê văn chương,
thực hiện tốt trách nhiệm nhà văn - chiến sĩ. Tác phẩm phục vụ tốt cho nhiệm vụ
cách mạng của Đồng Nai (xin đọc tác phẩm của các trại sáng tác về học tập gương
đạo đức Hồ Chí Minh, đề tài Công nghiệp, đề tài Tam Nông, đề tài nhà giáo, nhà
trường…). Cá nhân mỗi người cầm bút đều có những nỗ lực âm thầm tự thân. Những
vấp váp lúc này lúc khác là trong quá trình vượt lên để trưởng thành, để đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Không có những sai phạm nặng nề như Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất của Nguyễn Khải
hay Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh…
Nhìn trong xu thế phát triển, có nhà văn Đồng Nai đã vươn tầm vóc
đến với bạn đọc cả nước, tác phẩm đạt giải của Hội Nhà Văn. Đó là tín hiệu đáng
mừng của Văn Nghệ Đồng Nai hôm nay. Tuy nhiên, xét ở mặt tài năng sáng tạo (khai phá lối viết mới, có được tư duy nghệ thuật
mới) và phong cách độc đáo, thì văn
chương của các tác giả Đồng Nai hôm nay còn mờ nhạt. Tôi chưa nhìn thấy triển
vọng nào trên con đường phát triển của văn nghệ Đồng Nai, bởi đội ngũ chủ lực
của văn nghệ Đồng Nai hôm nay đã nhiều tuổi, lực bất tòng tâm và đội ngũ kế
thừa chưa khẳng định được tài năng và sức lực để đi trên con đường vạn dặm.
Là người viết phê bình văn chương, tôi quan tâm đến tác phẩm và giá
trị tác phẩm (tôi không dùng chữ chất lượng). Bởi khi xét giá trị tác phẩm, thì
tùy tiêu chí đánh giá mà tác phẩm có
giá trị hay không. Khi đã lấy tiêu chí phục
vụ các nhiệm vụ của cách mạng làm chuẩn, kết hợp với nhiệm vụ phát
triển sâu rộng văn nghệ quần chúng làm nhiệm vụ trọng tâm thì tiêu chí
về chất lượng nghệ thuật là chuẩn mực hạng hai. Và ngay cả lấy chuẩn mực nghệ
thuật, thì thế nào là hay, thế nào là không hay cũng không dễ phân định rạch
ròi. Thế nên nhiêu khi tôi cũng băn khoăn về một vài việc liên quan đến tiêu
chí. Chẳng hạn giải Trịnh Hoài Đức đặt ra tiêu chí tác phẩm phải có ít nhất 50
phần trăm nội dung viết về đất nước con người Đồng Nai. Điều này đúng với yêu
cầu chính trị, nhưng thật khó cho nhà văn. Bởi văn chương cần phải vượt qua cái
ao làng, vươn tới cộng đồng cả nước và cộng đồng thế giới. Cuốn Chút
Tình Tri Âm của tôi được giải khuyến khích vì tiêu chí này, mặc dù tôi mất
4 năm mới hoàn thành, trong khi có bài hát viết về Đồng Nai lại đạt giải A,
giải B. Thú thực nếu có cảm hứng, một nhạc sĩ có thể chỉ mất 30 phút là viết
xong một ca khúc, không cần mất 4 năm như tôi. Vâng, còn nhiều điều băn khoăn,
nhưng điều quan trọng đối với một người cầm bút không phải là giải thưởng, mà là
anh có viết được không, tác phẩm của anh có được cộng đồng công nhận hay không,
tác phẩm ấy có sống được với thời gian hay không?
Tất nhiên là chính quyền và nhân dân Đồng Nai mong mỏi các văn nghệ
sĩ Đồng Nai viết được những tác phẩm lớn. Đó là món nợ mà chưa nhà văn nhà thơ
Đồng Nai nào trả được (ngoại trừ Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn). Ngày xưa
(1925-1940), M.Sôlôkhôp chỉ viết về sông Đông cũng trở thành nhà văn thế giới
(tác phẩm Sông Đông Êm Đềm). Sông Đồng Nai vẫn đang nhẫn nại chờ các nhà
văn nhà thơ Đồng Nai viết về mình, như thể Sông
Đồng Nai Êm Đềm (tôi giả định vậy). Dầu vậy, số lượng tác phẩm được in và
được giải của Ban Van Học Hội VHNT Đồng Nai là những tín hiệu đáng mừng và là
những nỗ lực thật đáng trân trọng. Trong 5 năm (2007-2013) nhà văn nhà thơ Đồng
Nai đã in 70 tác phẩm, trong đó có tác
phẩm đạt giải của Hội Nhà Văn, của Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội VHNT Việt
Nam.
Tập sách này không phải là văn học sử, cũng không có mục đích phản
ánh phong trào sáng tác của văn nghệ Đồng Nai. Người viết chỉ chọn đọc tác phẩm
trong phạm vi khả năng của mình, khám phá những gía trị tư tưởng, tình cảm và
nghệ thuật của tác giả trong từng tác phẩm cụ thể. Để ghi lại đôi điều ngẫm
nghĩ, làm tư liệu cho người đi sau khi tìm hiểu văn chương nghệ thuật Đồng Nai.
Các tác giả chuyên nghiệp được đọc chuyên chú hơn. Các tác giả văn
nghệ quần chúng được đánh giá ở
mặt phong trào.
Tôi cũng sử dụng nhiều phương pháp phê bình để xem xét tác phẩm.
Trước hết là phương pháp phê bình Cấu Trúc luận, xem xét ý nghĩa tác phẩm từ
chính cấu trúc của nó, có khi ý nghĩa ấy không nằm trong chủ đích sáng tạo của
tác giả. Rồi đặt tác phẩm trong tương quan với tác giả (phương pháp tiểu sử, phương
pháp phê bình Phân Tâm Học), tương quan với xã hội (phương pháp Marxist), với
văn hoá cộng đồng (Giải Cấu Trúc và chũ nghĩa Duy Vật Văn Hoá) để xem xét giá
trị nội dung của tác phẩm. Tôi vận dụng Phong Cách Học và Thi Pháp Học để khám
phá cái riêng của tác giả. Bao giờ tôi cũng lần theo ý thức sáng tạo, quan điểm
thẩm mỹ của tác giả để tìm đường thâm nhập tác phẩm. Dẫu thế nào, mỗi góc nhìn
chỉ thấy được một nửa sự thật. Và vì thế, phê bình gây ra tranh cãi, tranh cãi
học thuật, điều ấy là bình thường. Đối với tôi, phê bình cảm tính, chủ quan,
không đem đến bất cứ giá trị nào, và nhiều khi nó gây ra tai hoạ...
Tập sách có hai phần, Hoa Đỏ
Bên Sông viết về các tác giả Đồng Nai, và Mở Thêm Cửa Sổ để nhìn rộng ra những khoảng trời khác của văn
chương Việt Nam hiện nay.
Tháng 1.2013