“BỜM
ƠI LÀ BỜM !”
Bùi Công Thuấn
1.”Bờm ơi là bờm !”
Có lần, tôi
hí hửng đi chợ mua một miếng heo quay về
ăn, gọi mừng món mới ngày lĩnh lương. Những tưởng thế nào cũng được người bạn đời khen, “trời ơi! sao hôm nay anh đảm đang thế!”,
và tôi sẽ ưỡn tấm ngực đầy tự hào:”Xưa
nay anh vẫn đảm đang, ấy chứ lị”. Ai ngờ, nàng cầm miếng thịt lên nhìn và lắc
đầu, “bờm ơi làm bờm! đàn ông đàn ang các anh đi chợ là dễ bị lừa
lắm. Nó bán được cho anh chỗ này nó vừa
mừng lại vừa cười vào mũi cho, bờm ạ!. Tôi ớ người ra, tôi bị nàng gọi là bờm,
mà sao là bờm ? Tôi hỏi nàng, sao em bảo anh bờm? Nàng nói, chính câu hỏi của
anh đã chỉ ra anh là thằng bờm thứ
thiệt rồi chứ còn là sao nữa. “Bờm ơi là
bờm! lại còn hỏi”. Tôi là thằng bờm, tôi là thắng bờm? thế nào là bờm ?
Tôi chợt nhớ đến bài ca dao.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười
Bài ca dao giúp tôi hiểu Bờm là thằng khờ, là thật
thà quá đến mức không biết tính toán lợi lộc gì cả. Ba bò chính trâu, ao sâu
cá mè, bè gỗ lim không lấy, lại lấy nắm xôi! Vâng bờm là khờ, là quá thật thà, dưới mức trung bình của thói
thường tình trong đời sống.
Tôi những tưởng rằng bài ca dao thằng bờm do nhân
dân làm ra là để giải thích thuộc tính “bờm”
của một loại người chất phác, thật thà, không biết tính toán lợi lộc cho
mình. Nhưng khi đọc bài viết của Nguyễn Trọng Bình, Lê Tiến Dũng, Đỗ Minh Tuấn
thì các tác giả “giải mã” ý nghĩa bài ca dao
không phải là vậy. Nguyễn Trọng bình tổng kết ý kiến người đi trước và
đưa ra các lý giải ý nghĩa bài ca dao như sau:
2. Bài ca dao Thằng Bờm
phản ánh sự bất công trong xã hội.
..Tiếng cười của thằng Bờm ở cuối bài ca dao là tiếng cười để tác giả dân gian
qua đó bộc lộ những khát vọng, những ước
mơ chính đáng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.
3 Bài ca dao thể hiện một triết lý nhân sinh có ý
nghĩa muôn thuở của người xưa đó là: trong cuộc sống không phải anh có tiền, có
của là anh muốn gì cũng được, mua gì cũng được, đổi gì cũng được, làm gì cũng
được...
4 Bài ca dao Thằng Bờm khẳng
định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư duy dân gian sâu sắc và độc đáo của
người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa
chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những người nghèo khó về tiền bạc nhưng có
khi họ rất “giàu” về trí tuệ “(Kiến thức ngày nay, số 740,ngày
01/03/2011
2. Hạn chế của
phương pháp phê bình.
Bây giờ thì tôi
hoang mang thật sự, không còn biết ý nghĩa thực của bài ca dao là gì. Ý kiến của
những nhà nghiên cứu trên có thật là chân lý của vấn đề hay không. Tôi mơ hồ rằng
những kiến giải ấy nằm ngoài văn bản bài ca dao, điều này thúc giục tôi bước
vào một cuộc truy tìm ý nghĩa khả tín mà nhân dân muốn gửi trong bài ca dao này
Nguyễn Trọng Bình cho rằng Phú Ông là kiểu người như
Thạch Sùng, tự hào có mọi thứ, chỉ thiếu cái quạt mo. “Lão trọc phú đã huênh hoang cho rằng nhà ta “cái gì cũng có” nhưng khi
thằng Bờm trưng ra “cái quạt mo” thì lão mới tá hỏa. Nếu “Thạch Sùng thiếu mẻ cá kho” thì tên
Phú Ông này thiếu cái “cái quạt mo” cũng không có gì là lạ và khó hiểu.”(đd).
Tôi đọc đi đọc lại bài ca dao, rõ ràng là trong văn bản bài ca dao trên tuyệt
nhiên không có bất cứ một dấu chỉ nào, rằng nội dung cuộc trao đổi của thằng bờm
với phú ông giống như cuộc trao đổi trong truyện Thạch Sùng. Tác giả bài viết
đã tưởng tượng ra câu chuyện Thạch Sùng ngoài văn bản bài ca dao, hay nói cách
khác tác giả đã áp đặt cái nghĩa chủ quan của mình cho văn bản mà bản thân văn
bản không hề có. Vì thế, những suy diễn tiếp theo càng lạc xa ngoài văn bản hơn
nữa. Ấy là, tác giả kết luận :“Bài ca dao
Thằng Bờm là tiếng cười châm biếm, đả kích những hạng người giàu có nhưng tham lam, ngu dốt và đặc biệt là rất hay khoe khoang, vênh váo, tự
đắc, mình là số một trong thiên hạ”.
Kết luận rằng :” Bài
ca dao Thằng Bờm phản
ánh sự bất công trong xã hội, bộc lộ những
khát vọng, những ước mơ chính đáng về một
cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.”nghe như là tác giả
đang nói về thằng bờm trong thời đại hôm nay, ước mơ xây dựng một nước Việt Nam
XHCN văn minh, tiến bộ, công bằng, dân chủ, và giàu mạnh. Đọc bài ca dao, người
đọc đều nhận rõ Bờm đâu có ước mơ gì. Tất cả những gì phú ông hứa đổi đều bị Bờm
gạt phăng đi. Bờm đâu có mơ giàu có
để công bằng với phú ông. Phú ông cũng không dùng quyền lực để tước đoạt quạt
mo của thằng bờm. Trong tương quan xã hội, địa vị Bờm, vẫn ngang hàng với phú
ông. Nó vẫn làm chủ tài sản của nó. Phú ông chẳng làm gì được.
Kết luận sau đây có lẽ là một ngẫu hứng lãng mạn không
hơn không kém:” Bài ca dao Thằng Bờm khẳng định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư
duy dân gian sâu sắc và độc đáo của người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy
giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những
người nghèo khó về tiền bạc nhưng có khi
họ rất “giàu” về trí tuệ”(đd). Hóa ra tác giả ám chỉ thằng bờm là nhân
vật trí tuệ, là người giàu có, còn phú ông mới là kẻ ngu dốt, nghèo nàn ! nếu
được như vậy thì quả là phúc đức 10 đời cho thằng bờm. Hoan hô Bờm, hoan hô thằng
Bờm
rất giàu có về trí tuệ !!! (hoan hô người
bạn đời đã mắng yêu tôi là Bờm! Hóa ra nàng khen tôi trí tuệ!)
Tôi không tin điều ấy, bởi đã là bờm thì làm gì có trí tuệ! Dân gian không ai gọi Bờm là người tuy
nghèo về vật chất mà rất giàu có về trí tuệ cả. Bờm là bờm, là khờ khạo,
thậm chí thiểu năng trước những người khôn ngoan.Thế thôi. Vậy do đâu lại có những
giải mã như vậy. Tôi nhận ra rằng các tác giả đã áp dụng phương pháp phê bình Marxist
và Phản
ánh luận của Lê Nin để phân tích bài ca dao. Đọc tác phẩm văn học bằng
phương pháp này, người ta luôn tìm xem đâu là cuộc đấu tranh giai cấp được phản
ánh trong tác phẩm, tìm xem ý nghĩa xã hội của tác phẩm là gì, và luôn đứng
trên lập trường quần chúng, lập trường cách mạng để đánh giá tốt xấu, hay dở. Từ
đó người ta gán cho phú ông là giai cấp địa chủ bóc lột muốn cướp đoạt hết
thành quả lao động của người nông dân kể cả cái quạt mo là thứ chẳng có giá trị
gì; Từ đó suy ra câu chuyện trong bài ca dao là cuộc đấu tranh giai cấp mà nhân
dân là kẻ chiến thắng; cũng từ đó nói đến sự “phản ánh sự bất công trong xã hội”
và phản ánh khát vọng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.
Những suy diễn như thế hoàn toàn là áp đặt chủ quan của tác giả, nằm ngoài ý
nghĩa của chính văn bản bài ca dao.
3.Đâu là căn cốt
của vấn đề ?
Bài ca dao
này nói đến phú ông - thằng Bờm, nói đến trâu bò, ao cá, bè gỗ… chắc chắn nó đã
ra đời trước khi chủ nghĩa Marx truyền vào Việt Nam. Như thế tác giả dân gian
đâu có sáng tác theo quan điểm cách mạng, đâu có xây dựng nhân vật điển hình cho
các giai cấp trong xã hội, đâu có miêu tả hoàn cảnh điển hình mà ở đó tập
trung mâu thuẫn giai cấp, đâu có mở ra tương lai theo cách nhìn lãng
mạn cách mạng. Bờm không đại diện cho một giai cấp nào trong xã hội Việt
Nam. Cuộc đổi chác giữa bờm và phú ông không phải là một cuộc đấu tranh giai cấp,
nó rất khác với “cảnh mua bán ở nhà Nghị Quế “ trong Tắt Đèn. Người ta không thể
tìm thấy bất cứ yêu cầu nào của của chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ nghĩa trong
bài ca dao này. Vì thế, làm gì có chuyện tố cáo giai cấp thống trị bóc lột, làm
gì có “ai thắng ai ”. Rõ ràng phương
pháp phê bình Marxist không phù hợp để phân tích bài ca dao này, đơn giản
phương pháp này chỉ áp dụng cho các tác phẩm viết bằng phương pháp tả thực. Tức là
những tác phẩm mà nhà văn hướng về hiện thực để sáng tác, tìm nhân vật, tìm cốt
truyện, quan tâm đến những vấn đề xã hội. Nhà văn viết tác phẩm là để lên tiếng
nói với hiện thực, để góp phần cải tạo xã hội. Nói như Sóng Hồng :“Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ mỗi vần
thơ bom đạn phá cường quyền” hay như Thạch Lam, “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và
đắc lực mà chúng ta có , để vừa tố cáo vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác , vừa làm
cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”. Bút
pháp tả thực buộc nhà văn phải tuân thủ những quy luật vận
động khách quan của hiện thực.
Đến đây thì ngụ ngôn thằng bờm lộ ra thông điệp về giữ gìn nhân cách làm người trong
đời. Bao nhiêu kẻ đã thân bại danh liệt vì lòng tham không cùng trước những
lợi lộc do hợp đồng, do quà biếu, do hối lộ đem lại, để rồi tự bán thân làm nô
lệ. Cũng vậy không biết bao nhiêu người vì “máu mê” mà đánh đổi tất cả. Những
thí dụ tôi nêu ở trên đủ làm rõ bài học mà ngụ ngôn thằng Bờm nhắc nhở chúng
ta. Thế còn thằng Bờm, nói với chúng ta thông điệp gì? Bờm không chỉ giữ vững
nhân cách trước những cám dỗ vật chất, nhưng Bờm còn sáng lên nhiều phẩm tính
đẹp khác, Bờm không sợ hãi, không quỵ lụy, trước phú ông (kẻ giàu có, quyền lực),
Bờm biết rõ giá trị cái mình có và không đánh mất giá trị đó (cái quạt- có
người bảo đó là cuộc sống thanh thảnh nhàn nhã). Bờm có cách ứng xử khôn khéo
khi từ chối phú ông bằng nụ cười im lặng. Nụ cười vượt lên tất cả. Có người bảo
nụ cười của Bờm là nụ cười của Thiền Sư :” Nụ
cười của Bờm quả là nụ cười của thiền sư, vì trở thành câu hỏi cho nhiều người.
Hãy thử hình dung vào buổi trưa hè ấy, ngài cầm quạt mo, cử chỉ ung dung tự
tại, an lạc...”,” Chẳng thấy đức
Phật, các vị cao tăng đắc đạo, nét mặt luôn hoan hỉ, lúc nào cũng cười đó sao? (2).
Xin thưa rằng, bài ca dao không thể hiện tư tưởng Thiền, không viết bằng thi
pháp Thiền mà đặc trưng là vô ngôn, vì thế không thể áp đặt nụ cười của Bờm là
nụ cười Thiền được.(Xin cứ so sánh với thơ Thiền Lý-Trần)
Ôi! thằng Bờm thật đáng yêu.
Tháng 5.2012
_________________________________________________
(1) Trí khôn của
ta đây
Bác nông dân hàng ngày dắt trâu đi cày. Con trâu đi
trước kéo cái cày thật nặng theo sau. Dù công việc nặng
nhọc nhưng trâu ta vẫn vui vẻ đi làm.
Một hôm, sau buổi cày, bác nông dân đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, cho trâu ăn cỏ bên bờ ruộng. Cọp đến hỏi trâu rằng: "Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế". Trâu trả lời cọp: "Tuy người bé nhỏ, nhưng nó có trí khôn".
Cọp đến chỗ bác nông dân chặn hỏi: "Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho ta xem với". Bác nông dân đáp: "Trí khôn tôi để ở nhà". Cọp bảo: "Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem". Bác nông dân trả lời: "Được chứ... Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt, thì ông cọp ăn mất trâu của tôi thì sao?"
Cọp không biết trả lời thế nào. Bác nông dân thấy vậy nói: "Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem?". Cọp ta bằng lòng. Bác nông dân bèn lấy dây thừng, cột cọp thật kỹ vào gốc cây, lấy tay cày đập vào đầu cọp rồi châm lửa đốt. Bác vừa đốt, vừa nói rằng: "Trí khôn của tao đây... Trí khôn của tao đây".
Trâu thấy vậy, nó cười ngã nghiêng, cắm đầu xuống đất, gãy mất hàm răng trên. Lửa cháy làm đứt sợi dây trói, cọp thoát được. Từ đó trên mình cọp có vết vằn, cọp sợ lửa là vậy.
(2)
http://rongmotamhon.net/mainpage/detail.php?ID=500&p_id=16&tg=2
(3) Thơ
Thiền Lý-Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét