Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

NGUYỄN HÒA - "BÀN PHÍM VÀ CÂY BÚA"

Phê bình văn học-Diện mạo của một thời
NHÀ PHÊ BÌNH VỚI “BÀN PHÍM VÀ CÂY BÚA”
Bùi Công Thuấn





“Bàn phìm và cây búa” (Nxb Văn học-2007) là cuốn sách đầu tiên của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa.
Nhà báo Mai Xuân Nghiên hỏi:
- “Bàn phím và “Cây búa” nghe có vẻ “chém đinh chặt sắt” quá, thưa anh Nguyễn Hòa?
- Không. Tôi “nghịch” ấy mà. Cũng như các đồng nghiệp khác, bây giờ tôi ít dùng bút, mà chỉ dùng computer. Còn “cây búa” thì có liên quan đến câu chuyện cách đây hơn 10 năm. Anh Nguyễn Duy đọc mấy bài phê bình của tôi rồi bảo: “Anh mà kiếm được tiền tài trợ, sẽ trao giải “cây búa vàng” cho chú”. Quen dần, nhiều người cũng đùa, gọi tôi là “cây búa”. Tôi dùng lại chữ “cây búa” của Nguyễn Duy, nhưng để nó trong ngoặc kép, tức là cho có hình ảnh chứ không phải “cây búa” theo nghĩa đen...”[1]

HOÀ NHƯNG KHÔNG HÒA

Nhà phê bình có tên là Hòa nhưng trong phê bình ông không hòa với ai cả. Theo tường thuật của Trần Ngọc Linh trên Vietnam.net, trong Hội nghị lý luận phê bình lần thứ II, có người gọi Nguyễn Hòa là "thùng thuốc súng" và hỏi ông, năm nay ông chuẩn bị súng ống đạn dược ra sao để đến hội nghị? Nguyễn Hoà chỉ cười và bảo: “Đang lau chùi dầu mỡ cất ở nhà”. Nhưng ai mà tin được? Ít nhất thì ông Nguyễn Hoà cũng có tham luận đọc tại Hội nghị lần này. Thiên hạ lại bàn tán, dự đoán về những người sắp bị Nguyễn Hoà "phê" và "bình".[1b]

Do đâu Nguyễn Hòa hay phê bình trực diện vào tác giả? Ông nói: “Tôi là người sống trung thực, thẳng thắn nên gặp khuất tất trong nghề là không chịu được. Hơn nữa, môi trường học thuật, văn chương ở Việt Nam đã đến lúc phải được cảnh báo… cái “tạng” của tôi thì không dung túng cho sự khuất tất.”[2] À! Nguyễn Hòa chỉ phê bình “sự khuất tất” trong môi trường học thuật, văn chương ở Việt Nam. Điều này này có nguồn gốc hiểu được.

Nguyễn Hòa là một người lính biên giới. Ông được quân đội cho về học ngành văn hóa quần chúng tại ĐH Văn hóa Hà Nội, học chuyên tu 3 năm. Học xong ở ĐH, ông được điều về dạy ở Khoa triết của Học viện Chính trị - Quân sự. Nguyễn Hòa không được đào tạo bài bản về lý luận và phê bình văn học. Sở học của ông là do tự học. Cách học của ông cũng lạ. Ông kể: “tôi cứ nghe bạn bè kháo nhau có thầy nào giỏi giảng ở đâu thì đạp xe đến nghe, đông quá thì kê ghế ngồi ké ngoài cửa sổ. Sau này, tôi may mắn được tiếp xúc với những cây đại thụ của ngành khoa học xã hội như các thầy Trần Đình Hượu, Từ Chi, Đoàn Văn Chúc... Tôi rất quý sự học nhưng phải là học thực chứ không phải để lấy cái bằng.”[3 đd]

Trong cuốn Bàn phím và “Cây búa”, Nguyễn Hòa viết về hai loại hiện tượng, hiện tượng “đạo văn” và các công trình anh đánh giá thấp nhưng lại được quảng cáo, lăng-xê rầm rộ. Với những người đạo văn, ông không cho họ con đường thoát. Ông rất tự tin về bài viết của mình. Nguyễn Hòa giải thích: “Tôi thường phải lật đi lật lại, bảo đảm chắc chắn mình đúng thì mới viết. Cũng có một vài người đưa ra ý kiến bóng gió này khác nhưng chưa ai chứng minh được tôi sai cả. Tôi biết, bắt bẻ được tôi là rất khó, bởi khi viết bài báo dù nhỏ thôi nhưng đều được tôi triển khai như một hệ thống chặt chẽ. Bởi thế, khi gửi đến toà soạn nào, bao giờ tôi cũng đề nghị không cắt. Không phải vì tôi kiêu ngạo mà bởi hệ thống bài viết của tôi chặt chẽ đến mức mà cắt đoạn nào ra là có nguy cơ sập toàn bài”[4-đd]

Có một trường hợp mà tôi thấy ông gay gắt, quyết liệt, là cuốn Con mắt thơ của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy. Nguyễn Hòa kể:

Con mắt thơ - là cuốn ăn cắp kinh hoàng…Hồi ấy Hội Nhà văn họp vào thứ bảy để xét giải. Anh Nguyên Ngọc bảo mọi người về nghỉ chủ nhật và cân nhắc kỹ, sáng thứ hai bỏ phiếu. Chiều thứ bảy, tôi nghe cái tin sắp bỏ phiếu và trong đó có “Con mắt thơ”. Tôi bảo Chu Văn Sơn cùng đến chỗ anh Nguyên Ngọc. Hai thằng đi bằng cái xe Babetta cổ lỗ sĩ của tôi.

Đến nhà Nguyên Ngọc, tôi lấy cuốn của Đỗ Lai Thúy ra (khi đó là cuốn duy nhất về lý luận – phê bình có khả năng đoạt giải) và trình bày: Bọn em chẳng phải hội viên, nhưng bọn em ra gặp anh là vì Hội. Ông Ngọc hỏi: Làm sao? Tôi giở cuốn sách và nói: Đây là cuốn ăn cắp. Ông hỏi tiếp: Ăn cắp của ai? Lúc ấy, tôi mới lôi ra một loạt tên tuổi mà ông Ngọc cũng quý mến. Ông Ngọc bảo: Sao lại có chuyện đó, ông Đặng Tiến còn viết bài ca ngợi cơ mà? Tôi bảo: Ông Tiến viết cách đây bao nhiêu năm, có thể đã quên rồi. Hoặc có thể, người ta cứ để trao giải rồi mới “nện” cho xấu hổ thì sao? Tình huống xã hội có nhiều lắm. Nếu các anh vẫn bỏ phiếu thì em không phản đối, nhưng sẽ lên tiếng. Chúng em không phải phản đối Hội Nhà văn, mà lên tiếng để bảo vệ giới tri thức trong nước!

Anh Ngọc lại hỏi: Chú cho dẫn chứng đi. Tôi bảo Chu Văn Sơn: Bây giờ tôi cầm quyển của Đỗ Lai Thúy, Sơn cầm cuốn của Lê Huy Oanh, hai thằng cùng “song ca” cho anh ấy nghe nhé!

Tôi và Sơn đọc được nửa trang. Nguyên Ngọc giật mình hỏi: Thế có ngoặc kép không? Tôi nói: Nếu có ngoặc kép, thì chúng em đến gặp anh làm gì?

Rồi ông Thúy cũng đến nhà Chu Văn Sơn để nói khó. Sơn không công bố chuyện đó nữa. Thế mà 7 năm sau, ông Thúy vẫn tiếp tục tái bản mấy lần, không sửa chữa, bất chấp thiện chí của đồng nghiệp. Đến năm 2002, tôi phải thốt lên với Chu Văn Sơn: Thôi đến mức này thì không thể nào im lặng được nữa. Ông ấy khinh bọn mình quá. Ông ấy lợi dụng sự tử tế của anh em. Vì tôi vẫn nghĩ, với những gì ông Thúy đã làm được thì việc gì phải đi ăn cắp. Dù sao ông Thúy cũng có tên tuổi rồi.”[5]

Trong bài viết: “PGS TS Đỗ Lai Thuý: từ những tiền đề sai đến một kết quả… đúng!?” phản biện bài: “Tiếp cận văn học từ hệ thống văn hóa” của Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Hòa lại nhắc lại chuyện Con mắt thơ của Đỗ Lai Thúy: “Quả thật, thưa PGS TS Đỗ Lai Thuý, tôi buộc phải nói rằng Mắt thơ (hay trước đây là Con mắt thơ) là tác phẩm nên “giấu đi” chứ không nên “khoe ra” trước bàn dân thiên hạ, vì lẽ đơn giản: đó là một công trình “đạo văn” mà bất kỳ một trí thức nào có chút liêm sỉ cũng nên lấy làm xấu hổ. Lâu nay, trước nhiều đồng nghiệp, Mắt thơ hầu như không có ý nghĩa, nên dù đến năm 2006 trong bản tham luận, ông có “đánh bóng mạ kền” cho nó bằng cách giới thiệu mình đã đạt được “thành tựu” gì trong đó.”[6]

Cũng trong bài viết trên, Nguyễn Hòa còn chỉ ra Đỗ Lai Thúy “hời hợt, cảm tính, thiếu vắng một số căn cốt lý thuyết cơ bản về đối tượng cùng những luận giải mang màu sắc “hư vô”… cả khi xem xét vấn đề từ góc độ triết học với việc sử dụng khái niệm ý thức xã hội và sự phân loại ý thức xã hội, PGS TS Đỗ Lai Thúy cũng chỉ dựa trên các suy đoán chủ quan chứ chưa xem xét như những đơn vị kiến thức được thâu nhận có hệ thống, cơ bản và cập nhật.”[6-đd]

Thực ra muốn đánh giá phẩm chất bài viết của Nguyễn Hòa, người đọc phải đi lại con đường ông đã nghiên cứu, phải có trí thức sâu rộng, đọc nhiều. Điều này thật không dễ. Chỉ những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu mới làm được. Dù vậy, ý kiến của Nguyễn Hòa phản biện trong hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”, và thái độ quyết liệt của ông với cuốn Con mắt thơ của Đỗ Lai Thúy đến nay tỏ ra là những nhận định có cơ sở.

Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên tử” do tạp chí Nhà Văn tổ chức ngày 8/8/2012 tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam với sự tham dự của một số nhà khoa học, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, báo chí và nhiều nhà phê bình. Theo Kỷ yếu hội nghị, có 22 tham luận. Đa số tham luận là những bài tụng ca thơ Hoàng Quang Thuận. Nguyễn Hòa không đến dự hội thảo nhưng có gửi tham luận.

Nguyễn Hòa nói thẳng: “tôi vẫn xin nói ngay rằng, đó là mấy bài “thi ký” rất yếu về ý tưởng lẫn cách thức tổ chức bài thơ, cách thức sử dụng ngôn từ… Nếu thực sự “tiền nhân mượn bút” của Hoàng Quang Thuận để “viết thơ” thì xem ra thơ của “tiền nhân” đã sa sút đến mức thê thảm! Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép 2 bài tứ tuyệt thành 1 bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý tứ khôi hài.”

Nguyễn Hòa hoài nghi về bản chất của vấn đề: “Tôi không rõ Hoàng Quang Thuận được khai tâm – hoằng pháp từ khi nào, song căn cứ vào những gì ông kể thì xem ra, sự “đốn ngộ” của ông đã nhanh chóng thấu đến cõi của “tiền nhân”. Chẳng thế mà hàng trăm năm nay, “tiền nhân” không chọn ai, lại chọn đúng 1 ông Giáo sư- Tiến sĩ để “giáng bút”. Và tôi kinh ngạc vì thấy vào thời buổi văn minh phát triển như ngày nay, 1 GSTS lại có thể kể một cách rất tự tin về 1 câu chuyện nhuốm màu hoang đường không khác gì điều kỳ bí của mấy ông bà “thần lô, thánh đề”. [7]

Sau đó Hoàng Quang Thuận bị phát hiện đạo văn, Thường vụ Hội Nhà Văn phải nhận trách nhiệm trước công luận:

“3. Trước dư luận về Hội thảo “Hoàng Quang Thuận và non thiêng Yên Tử”, Ban Thường vụ Hội Nhà văn đã đưa ra những đánh giá về hội thảo này, đồng thời rút kinh nghiệm một cách nghiêm khắc những thiếu sót trong việc quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí Hội Nhà văn, trong đó có việc chọn lựa tác giả và tác phẩm để hội thảo.

4. Ngay sau cuộc họp này, Ban Thường vụ Hội Nhà văn đã có văn bản yêu cầu Tạp chí Nhà văn giải trình một số vấn đề liên quan đến việc tổ chức Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” mà dư luận đang đề cập…”(Thông báo của Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam)[8]

Trong sự việc này, nhà phê bình Nguyễn Hòa ghi được một điểm son trong lòng tin của người đọc. Bởi ông không theo dàn đồng ca khen thơ Hoàng Quang Thuận. Ông đối diện với với văn bản thơ để khám phá vấn đề. Ông tự hào là người “ngửi mùi” nhanh lắm”[5-đd] những “mùi” khuất lấp ngoài văn chương.

KHÓ TRÁNH NHỮNG NGHI NGẠI

Nhà thơ, nhà phê bình Inrasara mượn chữ của Nguyễn Hưng Quốc gọi Nguyễn Hòa là “nhà phê bình mù”. Inrasara cho rằng, bài “Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây” của Nguyễn Hòa đăng trên Vanvn.net, ngày 3-8-2016 phạm cả khối sai lầm về kiến thức mà người đọc có hiểu biết cơ bản về hậu hiện đại không khó nhận ra. Inrasara bênh vực Hậu hiện đại, chê Nguyễn Hòa lạc hậu và “mù” về văn chương Hậu hiện đại Việt Nam.

Inrasara cho rằng: “Nếu chỉ đọc báo Văn nghệ, và báo văn nghệ Nhà nước các loại thì nhận đinh kia không sai [BCT: nhận định của Nguyễn Hòa], nhưng tinh thần hậu hiện đại là phi tâm hóa. Mà đại bộ phận sáng tác hậu hiện đại nằm ở “ngoại vi”: Văn chương mạng, sáng tác của người Việt hải ngoại, văn học ngoài luồng, tác phẩm in phi chính thống./ 12 năm, xuất hiện hơn trăm tác giả hậu hiện đại ở cả phía chính thống lẫn [sáng tác bị cho là] ngoại vi [không kể tác giả là người Việt hải ngoại] thuộc ba thế hệ khác nhau, thì “lối viết hậu hiện đại trở nên phổ biến ở Việt Nam” rồi là gì! Không nhận ra chúng mới là mù.”[9]

Nhưng rồi thực tế văn chương đã giúp Inrasara nhận ra rằng:“Có thể các sáng tác hậu hiện đại được sơ khởi bày ra ở trên, tạo cảm giác cho người đọc rằng chúng chỉ là những thử nghiệm dị hợm, một thái độ phá phách không hơn không kém. Cũng có thể lắm thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay chưa nẩy nòi ra “tác giả” tài năng để tạo ra “tác phẩm” hậu hiện đại lớn. Thực tế, thơ hậu hiện đại Việt có đó, không thể chối bỏ. Nó đã khởi động. Nó đang xảy ra…Nó chưa là thành tựu, và “chưa đi đến đâu”, như vài phán định dễ dãi về nó như thế. Nên, chưa thực sự xâm nhập vào dòng chính lưu để chính nó trở thành chính lưu.”[10]

Một nhà phê bình nói về văn học ngoài luồng, một người lại nhận xét văn chương ở giòng chính lưu, họ không gặp nhau là phải. Tuy vậy, Inrasara cũng phải công nhận những nhận định của Nguyễn Hòa là không sai. Và đến nay (2017) nhìn vào sự phát triển của văn chương Hậu hiện đại ở Việt Nam, người đọc có thể phân xử trong hai người, hay cả hai nhà phê bình “tay ngang”, ai sáng, ai “mù”!
Có nên đánh thức tính xấu hổ trong phê bình là nhan đề bài viết của nhà thơ Nguyễn Trọng tạo Nhân đọc 2 bài viết của Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Hòa [11]. Đó là các bài: Sao cứ ép tôi hiểu thơ giống ông của Nguyễn Thanh Sơn (Tia sáng, 8-2001)

và bài Về một chàng hiệp sĩ – thi sĩ cưỡi Rôxinantê đỡ đầu cho "thơ trẻ" của Nguyễn Hòa (Tia sáng, 9-2001). Nguyễn Trọng Tạo bênh vực Thơ Trẻ (thơ của những nhà thơ trẻ tuổi đầu thế kỷ XXI như Văn Cầm Hải, Vy Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh...). Ông không chịu được những nhận định của Nguyễn Hòa và Nguyễn Thanh Sơn chê Thơ Trẻ. Nguyễn Trọng Tạo viết: “...tôi không đồng tình với Nguyễn Hòa (Ngọc Oanh) khi phê phán quá quắt và vô nguyên tắc thơ Văn Cầm Hải, và Nguyễn Thanh Sơn sổ toẹt thơ Vi Thùy Linh, hai nhà thơ trẻ có tài, có học, và có thức trong "thơ trẻ" gần đây, thậm chí có anh còn đòi cả "các ngành hữu quan" (nghĩa là pháp luật) can thiệp vào thơ của họ.” Nguyễn Trọng Tạo giải thích: “Vấn đề văn trẻ nói chung và thơ trẻ nói riêng, gần đây được tranh luận tương đối sôi nổi với nhiều nhận định khác nhau. Có khen, có chê và có cả "sổ toẹt". Điều đó chứng tỏ "thơ trẻ" đã có một cái gì đó làm cho người ta chú ý. Đó là những phản ứng lành mạnh (trên mặt bằng chán ngấy trước đó). Ấy thế mà Nguyễn Hòa không chỉ sổ toẹt thơ trẻ mà còn sổ toẹt cả phê bình”.

Nếu Nguyễn Trọng Tạo phân tích cái hay cái mới của thơ trẻ để thuyết phục nhà phê bình già Nguyễn Hòa thì hay biết mấy, trái lại, Nguyễn Trọng Tạo lại “đánh” vào năng lực và nhân cách Nguyễn Hòa. Rằng, nhà phê bình phải biết xấu hổ. Ông còn dẫn kinh điển: “C.Marx còn cho đấy là một dạng thức cách mạng ("Sự xấu hổ – đó cũng là một dạng của cách mạng").

Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, Nguyễn Hòa nên xấu hổ vì: “khi phê bình bài phê bình của tôi với tựa đề "Sự ngộ nhận trong phán xét văn trẻ", Nguyễn Hòa đã nhiều lần dẫn sai tựa đề này thành ra "sự ngộ nhận trong phán xét thơ trẻ". Văn là nói chung về văn chương, còn thơ là thơ mà thôi. Cũng như trước đây khi anh Nguyễn Hòa viết bài phê phán những bài thơ đang ở dạng bản thảo chưa hoàn chỉnh của Văn Cầm Hải "Phải chăng đó là thơ" anh không đủ can đảm ký tên. Nguyễn Hòa mà phải khoác cho mình một cái tên ái nam ái nữ Ngọc Oanh gì đó”.

Nguyễn Hòa nên xấu hổ vì kiến thức phê bình nông cạn: “Khi Nguyễn Hòa khẳng định: "thơ trẻ" (ở ta – NTT) trở về với những đài tưởng niệm cách đây dăm ba chục năm người phương Tây đã từng dựng lên để nhớ tới "thơ điện", "thơ man rợ" – những thứ thơ mà các nhà thơ như Marinetti, Pélieu, Merssagier... đã chế tạo ra", và cho rằng nó đã "lỗi thời", thì xem ra anh hiểu khá nông cạn về nhà thơ lớn người Ý từng sống ở Pháp có tên là Marinetti (1876-1944).”

Nguyễn Hòa nên xấu hổ vì “sở đọc” và “sở hiểu” của mình rỗng tuênh: “Tôi tự nghĩ rằng cái "sở hiểu" của mình thật có hạn, cái "sở đọc" lại càng có hạn hơn, vì càng đọc càng thấy mình ngu dốt trước tri thức mênh mông của thiên hạ. Tôi không rõ "sở đọc" của Nguyễn Hòa đến đâu, nhưng khi anh viết: "Có cái gì đó khôi hài khi Nguyễn Trọng Tạo khen ngợi những câu thơ trẻ nhưng qua đó lại bộc lộ cái "sở đọc" còn quá hạn hẹp”. Nếu biết tự xấu hổ, chắc chẳng ai dám khoe cái "sở đọc" rộng hoác của mình. Đọc mà không hiểu thì thà không đọc còn hơn.”

Cuộc “đụng độ” giữa Nguyễn Hòa với Inrasara và Nguyễn Trọng Tạo tuy khác về hiện tượng, nhưng cùng là một vấn đề. Đó là dụng chạm giữa nhà phê bình và nhà thơ, đụng chạm giữa “nhà phê bình già” chê thơ trẻ (Thơ Hậu hiện đại ngoại vi và Thơ Trẻ chính lưu trong nước) với người bênh vực thơ trẻ đầu thế kỷ XXI. Trong khi trao đổi, ngôn ngữ của hai bên có lúc quá đà, mỗi bên đều không kềm chế được cảm xúc của mình. Từ hiện tượng này, phê bình văn học Việt Nam lộ ra một điểm yếu ấy là, nhiều nhà phê bình (theo cảm quan và tư duy nghệ thuật cũ) đã không theo kịp sự phát triển của sáng tác.

Nhưng điều tôi nghi ngại nhiều về Nguyễn Hòa là bài ông viết về GS Nguyễn Huệ Chi, sau đó bài của Nguyên Hòa bị Đặng Văn Sinh phản bác.[12]

Nguyễn Hòa cho biết: “Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng…năm 2013…, tôi bị bất ngờ với “giải thưởng thành tựu” dành cho sự nghiệp văn học của… Giáo sư (GS) Nguyễn Huệ Chi! Cũng ngẫu nhiên, đúng thời điểm GS Nguyễn Huệ Chi nhận giải thưởng thì tôi công bố bài Đôi điều gửi tới GS Nguyễn Huệ Chi (BCT: Văn nghệ số 41 912.10.2013- phê bình cuốn sách Văn học cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của GS Nguyễn Huệ Chi), trong đó đưa ra một số câu hỏi và đề nghị Giáo sư trả lời, trong đó có mấy câu hỏi khá hệ trọng mà GS Mai Quốc Liên, GS Nguyễn Đình Chú đặt ra đã lâu nhưng chưa thấy GS Nguyễn Huệ Chi nói gì…”[14e] Trong bài viết, Nguyễn Hòa đặt vấn đề: “GS Nguyễn Huệ Chi "đạo văn" hay "phóng tác" từ tác phẩm của Trần Nhân Tông nhưng lờ đi, không nói rõ nguồn gốc, hoặc ông bắt chước Nguyễn Lang (đoạn của Nguyễn Lang khá dài nên không dẫn lại, có thể tìm đọc trong: Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, NXB Lá bối, SG, 1973, từ tr.276 đến 279; và Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, H, 2008, từ tr.256 đến tr.258), rất mong GS Nguyễn Huệ Chi tường giải vấn đề này”.

Đặng Văn Sinh cho biết: “ngoài việc chụp mũ GS Nguyễn Huệ Chi đạo văn của Trần Nhân Tông và Nguyễn Lang, nhà phê bình Nguyễn Hoà còn nghi ngờ ông rút ruột luận án tiến sĩ của Trần Hải Yến khi viết bài “Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát”.

Ở phần Kết, Nguyễn Hòa còn yêu cầu: “Lời kết, cuối cùng xin nói ra điều băn khoăn nhất của tôi với GS Nguyễn Huệ Chi là tại sao bài viết của GS Mai Quốc Liên, GS Nguyễn Đình Chú công bố công khai đã lâu mà hoàn toàn không thấy GS Nguyễn Huệ Chi đả động? Tôi băn khoăn vì thiển nghĩ dù GS Nguyễn Huệ Chi có thể coi đó là điều rất bình thương hoặc chỉ là biểu hiện của thái độ ác ý, đố kỵ...và ông “không thèm chấp” thì ông vẫn nên nói rõ một lần để bảo vễ danh dự của mình. Bởi đơn giản vì nếu ông đã và sẽ im lặng thì sự hồ nghi vẫn mãi đeo bám theo ông.”

Đặng Văn Sinh (nhà văn) tự nhận mình là “một người từ lâu có dõi theo con đường học thuật và hoạt động xã hội của GS Huệ Chi mà không có hân hạnh quen ông, từ chỗ tò mò đến băn khoăn tìm hiểu, thấy đã đến lúc phải lên tiếng với công luận một đôi điều. Bài viết của chúng tôi gồm hai phần, nhằm giải đáp hai câu hỏi trong số ba câu của ông Hoà, còn câu cuối, ông mượn lại lời GS Nguyễn Đình Chú (một người thầy đáng kính), vì không phải là người trong cuộc, xin nhường cho người khác có đủ thẩm quyền hơn mình, bởi xét ra, câu hỏi ấy hẳn liên quan đến nội tình lịch sử một thời kỳ dài của Viện Văn học”.

Đặng Văn Sinh đã trưng ra nhiều bằng chứng để luận giải GS Nguyễn Huệ Chi không “đạo văn” và không “rút ruột” luận văn của người khác. GS Nguyễn Huệ Chi là một nhà nghiên cứu, ông có cách làm khoa học, sâu sắc và tầm bao quát vấn đề. Từ đây Đặng Văn Sinh cảnh báo Nguyễn Hòa:

“Với những dẫn chứng và đối chiếu tuần tự của chúng tôi, trên cơ sở cứ liệu cũ mới còn lưu giữ trong sách báo, cùng những nhận xét, đánh giá nghiêm chỉnh của một số nhà văn, nhà khoa học như GS Vũ Khiêu, TS Đặng Thị Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà nghiên cứu Đỗ Quý Toàn..., thiết nghĩ, nhà phê bình Nguyễn Hoà nên bình tĩnh đọc hết Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật. Có thể, sau khi đọc và nghiền ngẫm trên tinh thần của một người cầm bút vì chân lý, cùng với thời gian, hy vọng ông sẽ có một cách nhìn khác, công bằng hơn, bao dung, và độ lượng hơn so với cách đọc chộp vội từng đoạn từng khúc (đoạn chương thủ nghĩa), với những ngôn từ “ném đá” trước đây của ông”

Trong bài viết, nhiều lần Đặng Văn Sinh phê phán Nguyễn Hòa: ““con mắt xanh” của nhà phê bình đao búa lại mắc bệnh quáng gà theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ cách tiếp cận văn bản cẩu thả đến phương pháp luận sai lầm, xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng, Nguyễn Hoà đã bộc lộ sự non yếu trong bài viết của mình về khả năng chuyên môn”; ” chúng tôi vẫn nghi ngờ, Nguyễn Hoà, thật ra, chưa hề đọc luận án tiến sĩ của Trần Hải Yến cũng như chuyên luận về Giai nhân kỳ ngộ diễn ca… của GS Nguyễn Huệ Chi một cách nghiêm túc. Chính vì thế, ông đã vội vàng quy chụp bằng thứ ngôn ngữ đao búa, cưỡng bức chân lý từ những lý do ngoài văn chương. Đây chính là điều tối kỵ đối với người cầm bút phê bình, vì phản biện kiểu ông Nguyễn Hoà chính là mình tự hạ thấp mình”.

Tuy nhiên, Đặng Văn Sinh vẫn phải thừa nhận có sự giống nhau giữa những đọan văn Nguyễn Hòa công bố, rằng Nguyễn Huệ Chi “đạo” văn của văn bản gốc. Đặng Văn Sinh viết về sự giống nhau của Nguyễn Huệ Chi và Trần Nhân Tông: “Trên thực tế, quả thật hai văn bản khá giống nhau, và không thể phủ nhận một điều, khi viết công trình của mình, Nguyễn Huệ Chi đã tham khảo từ trước tác của Trần Nhân Tông”. Đặng Văn Sinh cũng công nhận sự giống nhau của Nguyễn Huệ Chi với luận văn của Trần Hải Yến: “So sánh giữa hai văn bản, chúng tôi thấy, giữa Nguyễn Huệ Chi và Trần Hải Yến cũng có một vài điểm tương đồng về cách nêu khái niệm (như các phạm trù “thời gian nghệ thuật”, “không gian nghệ thuật”, điều mà từ rất nhiều năm nay hầu như ta nghe đã quen đến thành nhàm); hay cách đặt vấn đề và phương pháp luận, nhưng về cấp độ, có thể nói giữa hai bên hoàn toàn khác nhau...”

Việc Đặng Văn Sinh xác nhận có sự giống nhau trong văn bản của GS Nguyễn Huệ Chi với Trần Nhân Tông và Trần Hải Yến đúng như những gì nhà phê bình Nguyên Hòa nêu ra, như vậy cách đặt vấn đề của Nguyễn Hòa là có cơ sở, không phải là “vu khống” như Đặng Văn Sinh quy kết. Tôi thiết nghĩ, nhà phê bình Nguyễn Hòa không phải là nhà nghiên cứu chuyên sâu một vấn đề như GS Nguyễn Huệ Chi. Vì thế ông phát hiện vấn đề mà chưa có thời gian và điều kiện nghiên cứu lại toàn bộ quá trình nghiên cứu của GS Nguyễn Huệ Chi, nên ông chỉ đặt vấn đề và muốn được nghe lý giải. Nguyễn Hòa viết: “rất mong GS Nguyễn Huệ Chi tường giải vấn đề này”. Vấn đề thứ ba Nguyễn Hòa nhấn mạnh: “điều băn khoăn nhất của tôi với GS Nguyễn Huệ Chi là tại sao bài viết của GS Mai Quốc Liên, GS Nguyễn Đình Chú công bố công khai đã lâu mà hoàn toàn không thấy GS Nguyễn Huệ Chi đả động? Và trong bài viết bênh vực GS Nguyễn Huệ Chi, Đặng Văn Sinh cũng không nói gì. Ông chỉ nói úp mở rằng: “không phải là người trong cuộc, xin nhường cho người khác có đủ thẩm quyền hơn mình, bởi xét ra, câu hỏi ấy hẳn liên quan đến nội tình lịch sử một thời kỳ dài của Viện Văn học”.Thế nghĩa là Đặng Văn Sinh vẫn chưa phản biện đến cùng những gì Nguyễn Hòa đặt ra.

“CÓ LÚC ÂN HẬN...”

Viết phê bình về một tác phẩm đã rất đụng chạm, đụng chạm với tác giả, với nhà xuất bản và bạn đọc, nhiều khi phản ứng của họ rất dữ dội (thí dụ, phản ứng của Nguyễn Vĩnh Nguyên với nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên-xin xem bài Những Nhà phê bình phong trào). Viết về những khuyết tật văn hóa như nhà phê bình Nguyễn Hòa đã làm còn khó biết bao, vì bài viết đụng chạm trực tiếp tới nhân cách, danh dự của người khác, và rất dễ làm họ tổn thương. Người viết dễ phải đối mặt với pháp luật. Hơn nữa nếu tâm người viết không trong sáng, cách viết không minh triết, trình độ tri thức không đủ để đối thoại, thì bài phê bình sẽ thành văn bản tác giả tự tố cáo mình, tự phơi bày nhân cách của mình trước thiên hạ...

Trong các nhà phê bình văn học đương thời, Nguyễn Hòa là người duy nhất theo đuổi mục tiêu phát hiện và lên tiếng trước nạn “đạo văn” trong văn chương, học thuật Việt Nam (tất nhiên ông còn nói về nhiều vấn đề văn chương, học thuật khác). Ông cho biết:”Tôi không tự giao cho mình nhiệm vụ phát hiện các “ông bà đạo chích”, phát hiện của tôi chỉ là ngẫu nhiên thôi. Tôi ham đọc, đọc cũng nhiều, lại có trí nhớ kha khá, nên trong quá trình đọc thi thoảng lại “túm” được một vị. Tôi biết cũng có người đọc nhiều, đọc rộng, nhớ tốt và cũng phát hiện ra “đạo văn” nhưng vì lý do nào đó mà không lên tiếng. Còn tôi, vì rất dị ứng với sự khuất tất nên tôi nói huỵch toẹt ra để mọi người nhận diện.”[13]

Tôi muốn lý giải do đâu ông chọn con đường này?

Nguyện Hòa cho biết:
“Trước khi về Văn nghệ Quân đội, tôi đã sống trong quân ngũ 24 năm. Nhìn chung mọi việc đã theo quy củ đúng luật nhà binh, “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày”. Ở Văn nghệ Quân đội, tôi không chỉ được làm việc yêu thích mà còn được thoải mái hơn. Nhưng khổ nỗi chất lính ăn sâu quá rồi, nên hay cứng nhắc!”

“Tôi đến với phê bình văn học hay nghiên cứu văn hóa hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, tôi chẳng có chuẩn bị từ trước cũng không có ý định từ trước. Khi có thời gian khá dài tôi làm việc ở Khoa Triết học, mười mấy năm ở đấy, hồi ấy cũng rỗi, mình đọc sách triết học thì mới vỡ ra một thứ, nó là khoa học, nó cung cấp cho cách nhìn rất tốt, đặc biệt là những người làm khoa học thì cần phải có nó. Trong khi có nó rồi thì lại nhìn ra rằng, cần phải nhìn sự vật, cố gắng nhìn sự vật trong 5 nguyên tắc rất rõ ràng: khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển” [14b]

Như vậy có thể thấy phẩm chất nhà phê bình ở Nguyễn Hòa là tổng hợp chất lính và cách nhìn khoa học của triết học, hướng về đối tượng văn học (tác phẩm) văn hóa (con người trong xã hội). Đối với người lính, đúng-sai, lập trường phải rõ ràng, không chấp nhận sự khuất tất. Đối với cách nhìn khoa học-triết học, sự vật phải được tìm đến ngọn nguồn của nó. Cùng với cá tính “rất dị ứng với sự khuất tất nên tôi nói huỵch toẹt ra để mọi người nhận diện”, Nguyễn Hòa viết về nạn “đạo văn”, một hiện tượng văn hóa suy đồi của thời kinh tế thị trường (như nhiều sự suy đồi khác, chẳng hạn nạn tham nhũng)

Hồng Thanh Quang là người viết nhiều bài về Nguyễn Hòa (tôi đọc được 7 bài). Ông trò truyện, chia sẻ với Nguyễn Hòa về nhiều vấn đề văn hóa, văn học. Bởi cả hai cùng xuất thân là người lính. Hồng Thanh Quang có nhiều câu hỏi thẳng và hóc búa, đặt Nguyễn Hòa đối diện với lương tâm và phải nói thật về mình. Ông hỏi Nguyễn Hòa: [13]

-Trong hoạt động của anh, trong vai trò “Cây búa!” anh nhận một cách đùa cợt thế thôi, anh có nghĩ bao giờ mình đã “ngộ sát” không? Cách đây vài hôm, tôi có đọc được tin bác sĩ riêng của Michael Jackson cũng bị kết án tù vì tội ngộ sát. Ở trong cương vị của anh, trong làng văn, anh đã bao giờ “ngộ sát” ai chưa?
Nguyễn Hòa:
- Tôi chưa…
Hồng Thanh Quang:
- Anh đã bao giờ anh bị cảm giác anh đã nặng lời với ai đó quá?
Nguyễn Hòa:
- Có lúc có ân hận về chuyện đó chứ. Có lúc là gọi điện cho nhau…

Nguyễn Hòa kể:
“Có vị tình cờ thấy tôi thì nói: “Ông đánh tôi ác quá!”, tôi trả lời ngay: “Tôi bắt quả tang ông là “đạo chích” chứ đâu có đánh đấm!”. Té ra mình làm việc lương thiện, có trách nhiệm mà vẫn bị trách cứ!”[13-đd]

Nguyễn Hòa có ân hận vì có những lúc anh nặng lời với một ai đó. Nhưng anh cho biết: “Đã theo nghề thì theo đến cùng, tôi luôn nghĩ vậy, tuy cũng có lúc chán nản. Tôi chán nản không phải vì bị ghét, mà chủ yếu vì thấy việc làm của tôi nhiều khi như là công cốc. Người “ăn cắp” vẫn nhởn nhơ như không, vẫn đứng trên bục giảng bài, vẫn thăng quan tiến chức, có khi còn lớn tiếng phê phán…“đạo văn”![14]

Nguyễn Hòa tâm sự:
“Đời sống văn học xem ra ngày càng phức tạp, hỗn độn, với sự “lên ngôi” của sự phù phiếm kèm theo là các “giá trị giả” nên nhiều khi tôi chán ngán, chẳng thích viết phê bình nữa. Về xu hướng thì nhiều người thường thích khen chứ không thích chê. Chắc vì thế trong một số trường hợp, người ta viết như khen lấy được, rồi sử dụng vài lý thuyết nhặt nhạnh thiếu hoàn chỉnh từ nước ngoài để bảo lãnh cho lời khen. Khi ông tây đã bảo thế này, bà tây đã nói thế kia thì chẳng nhẽ còn dám phê phán?”

Tôi nghĩ, vị trí phê bình văn học của Nguyễn Hòa khó có người thay thế. Bởi tuy ông dùng “búa” để đánh vào nạn “đạo văn”…nhưng không phải ai cũng làm được như ông.

Tuy vậy, trong khi cọ sát với Inrasara, Nguyễn Trọng Tạo, GS Nguyễn Huệ Chi…Nguyễn Hòa để lộ ra những mặt hạn chế của một nhà phê bình phong trào mà ở độ tuổi của ông rất khó vượt qua.

Tháng 5 năm 2017


Nguồn: Bùi Công Thuấn-Phê bình văn học-Diện mạo của một thời
________________________
[1,2,3&4] Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Bằng cấp không đảm bảo cho trí tuệ.
http://nongnghiep.vn/nha-phe-binh-nguyen-hoa-bang-cap-khong-dam-bao-cho-tri-tue-post2829.html]
[1b] Trần Ngọc Linh-vietnam.net- http://www.thotre.com/luutru/index.php?menu=detail&mid=40&nid=1090
[5] Khắc vía Tiến sĩ giấy: Nhà phê bình lừng danh Nguyễn Hòa! http://thvl.vn/?p=12448
[6] http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/2257702-.html
[7] Nguyễn Hòa-Thơ ‘nhập đồng’- http://phebinhvanhoc.com.vn/tho-nhap-dong/
[8] http://phebinhvanhoc.com.vn/thong-bao-cua-thuong-vu-hoi-nha-van-viet-nam/
[9] Inrasara-Nguyễn Hoà, nhà phê bình mù: vanviet.info/tren-facebook/nguyen-ha-nh-ph-bnh-m/
[10] Inrasara-Hậu hiện đại &Thơ hậu hiện đại Việt: Một phác họa
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=7299
[11] Nguyễn Trọng Tạo-
http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c92/n500/Co-nen-danh-thuc-tinh-xau-ho-trong-phe-binh.html
[12] Đặng Văn Sinh-GS Huệ Chi đạo văn hay nhà phê bình Nguyễn Hòa vu khống?
https://xuandienhannom.blogspot.com/2013/11/gs-hue-chi-ao-van-hay-nha-phe-binh.html+&cd=19&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
[13]-Đạo văn-Một mất mười ngờ
http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Nha-phe-binh-Nguyen-Hoa-Moi-nguoi-can-phai-tu-tao-lap-mot-day-than-kinh-xau-ho-324594/
[14] Hồng Thanh Quang có nhiều bài phỏng vấn, trao đổi với Nguyễn Hòa (7 bài)
a. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Có lúc có ân hận
http://daidoanket.vn/cung-ban-luan/nha-phe-binh-van-hoc-nguyen-hoa-co-luc-co-an-han/69916
b. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hoà: Việc của nhà văn trước hết là sáng tác
http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/nguyen-hoa-viec-truoc-het-cua-nha-van.html
c. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hoà: “Cần chân thành và trung thực”
http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/nguyen-hoa-ban-ve-tinh-cach-viet.html
d. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Đừng để "quân hồi vô phèng”
http://nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/nguyen-hoa-canh-bao-quan-hoi-vo-pheng%E2%80%9D.html
e. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Đồng hành với nhà văn
http://thuvientulap.org/sach-va-van-hoa-doc/nha-phe-binh-van-hoc-nguyen-hoa-dong-hanh-voi-nha-van.htm
f. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hòa: Nhà văn nên biết lắng nghe http://www.nxbcand.vn/default.asp?tab=detail&zone=72&menuid=29&id=5792&path=Nh%C3%A0_nghi%C3%AAn_c%E1%BB%A9u_v%C4%83n_h%E1%BB%8Dc_Nguy%E1%BB%85n_H%C3%B2a:_Nh%C3%A0_v%C4%83n_n%C3%AAn_bi%E1%BA%BFt_l%E1%BA%AFng_nghe
g. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa: Đừng nghĩ mình có quyền ban phát
http://daidoanket.vn/tin-tuc/cung-ban-luan/nha-phe-binh-van-hoc-nguyen-hoa-dung-nghi-minh-co-quyen-ban-phat-354661


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét