Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Trường ca Lòng Hải Lý của Đỗ Quyên

THƠ BAY TRÊN PHẬN CON NGƯỜI
(Đọc Trường ca LÒNG HẢI LÝ của Đỗ Quyên.Nxb HNV 2011)
Bùi Công Thuấn






Tôi chần chừ mãi mới viết được những dòng này, bởi, với tôi, trường ca Lòng Hải Lý của Đỗ Quyên không dễ đọc. Và cũng bởi Đỗ Quyên là một tác giả có tầm vóc một công dân toàn cầu. Anh sinh tại Hà Nội (1955); Định cư tại Canada (1996); Giảng dạy ngành Vật lý hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội(1977-1988); Cộng tác viên khoa học Viện Dubna, Nga (1988-1990); Làm báo ở Ðức (1990-1996), ở Úc (2004-2008); ở Canada (1996-2010); Học bổng khoa học nhân văn Rockefeller 2001-2002, Trung tâm William Joiner, Mỹ.

Đỗ Quyên vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu và phê bình văn học; đồng thời là người say mê hoạt động văn học nghệ thuật. Đỗ Quyên cũng là khuôn mặt đặc sắc của văn học nghệ thuật hải ngoại Bắc Mỹ (Canada) bên cạnh những tài năng khác như Nguyễn Đức Tùng, Lưu Diệu Vân,…

1. “THƠ THẬT KHÔNG CẦN PHÊ BÌNH”


“Thơ thật không cần phê bình”, Đỗ Quyên bảo vậy. Anh còn dội một thùng nước lạnh lên đầu các nhà phê bình muốn đọc trường ca của anh:
“Ta cũng nghỉ chơi khâu làm thơ đoản
từ nay
Cứ trường ca mà nã chương một, hồi hai
Cánh phê bình
bảo đảm chỉ đọc câu đầu, đoạn kết rồi gõ máy liên hồi
phán:
Ý tưởng đầy mình, nội công chắc sẵn
Ngữ vựng, từ căn… hàng lũ hàng đàn
Gia cảnh an toàn ..”
(Đống chữ-Thân 2)
Ý của anh là, không nhà phê bình nào có đủ can đảm đọc hết tập trường ca này, họ chỉ đọc câu đầu, đoạn kết rồi phán bằng những lời tụng ca. Cũng có thể anh “dị ứng” với những nhà phê bình phong trào. Vậy thì tôi còn biết viết gì đây!

Trước khi viết về tác giả hay tác phẩm nào, tôi có thói quen tìm xem các nhà phê bình đã nói gì. Điều này cho tôi cái nhìn thoáng về đối tượng, và quan trọng hơn, tôi sẽ tránh lặp lại những gì người khác đã viết. Hơn thế, nó có thể gợi ý hay kích thích tôi tìm kiếm những điều chưa ai nhận ra. Cũng có khi đây là dịp được đối thoại với nhiều người, cọ sát với trí tuệ thời đại, được vậy thì thật thú vị. Tôi thích đọc các tác giả khó là vì vậy. Phê bình, đối với tôi, là đồng khám phá, sáng tạo với tác giả.

Trong chuyên luận 40 năm thơ hải ngoại, Văn Việt có bài giới thiệu rất hay về thơ Đỗ Quyên [1]. Bài viết cho tôi cái thú vị được thưởng thức một bản văn hay cả về nội dung và văn phong, nhưng cũng gây cho tôi những điều nghi ngại. Tác giả của Văn Việt nhận xét: “...trường ca Đỗ Quyên mô phỏng một thế giới không đặc trưng, không có cốt tủy, thậm chí không cả trung tâm không ngoại biên. Thơ ấy không dùng được vào việc gì có ích, nhưng bỏ qua không được.”

Tôi tự hỏi, một người đa tài và thành đạt như nhà thơ Đỗ Quyên, đã dồn tất cả say mê tâm huyết đời mình để làm thơ, một người ý thức sâu sắc rằng: “Văn chương là chữ nghĩa được con người tạo tác bằng mồ hôi và máu đào, bằng cuộc đời và có khi cả sinh mạng”[2], vậy mà thơ của người ấy lại không dùng được vào việc gì có ích, thì chẳng lẽ, sự lựa chọn con đường văn chương của Đỗ Quyền là sai hay sao? Chẳng lẽ, những lời khen thơ Đỗ Quyên chỉ là trò quảng cáo?

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng lại có những nhận định khác. Trong buổi sinh hoạt văn nghệ hàng năm nhân dịp ra mắt tạp chí Người Việt Hải ngoại tại Vancouver, ngày 1-12-2007, Nguyễn Đức Tùng đã đọc một tham luận có những khám phá sâu sắc về trường ca Đỗ Quyên (Talawas đăng lại 2008)[3]. Ông cho rằng: “Đỗ Quyên là người có kiến thức văn học uyên thâm... Nhà thơ, bằng tác phẩm của mình, hay đôi khi bằng cả cuộc sống của họ, mà trong trường hợp này, một cách hết sức thận trọng, tôi muốn nhắc đến ví dụ Đỗ Quyên, giúp chúng ta ý thức về đời sống - dòng chảy của mỗi người. Người đọc tìm thấy trong thơ tiếng nói của mình, qua những khúc quanh khác nhau của cuộc đời bí ẩn mà chỉ riêng họ biết mà thôi, một tiếng nói dịu dàng nhưng nghiêm khắc, kiêu hãnh nhưng nhân từ, đem họ trở lại với cội nguồn sâu thẳm của đời sống”.

Như vậy là thơ Đỗ Quyên có ích đấy chứ, nào phải không dùng được vào việc gì có ích!

Tác giả Phi Hà ghi nhận được nhiều ý kiến nhận xét về trường ca của Đỗ Quyên [4].

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: ““Sau 1975 chúng ta đã có một mùa trường ca. Nhưng sau đó các nhà thơ của chúng ta gần như ít viết trường ca. Cho nên một cố gắng như của Trần Anh Thái ở trong nước, một cố gắng như của Đỗ Quyên ở nước ngoài là rất đáng quý và đáng được phân tích, đáng được nghiên cứu, được tiếp tục. Và tôi nghĩ cái này phải đọc chậm, sống chậm, như là Đỗ Quyên đã dành 25 năm trong 35 năm của anh ở nước ngoài để viết nên trường ca này.”
.
Nhà văn Hoàng Minh Tường, chia sẻ: “Tôi có cảm giác rằng, anh Đỗ Quyên là người đích thực sinh ra để làm thơ, một người yêu thơ đến tận cùng”.

Nhà văn Văn Chinh đọc ở Đỗ Quyên điều này: “Đỗ Quyên nhắc chúng ta nhớ rằng người sáng tác phải luôn luôn ra khỏi những phạm trù quen thuộc mà các nhà thơ mới, các nhà thơ thời chống Mỹ đã làm – vì họ đã ngôn ngữ đẹp lên nhưng cũng khai thác chúng đến cũ rồi. Đỗ Quyên dùng những câu thơ của mình trong Lòng hải lý, để đo khoảng cách mà các nhà thơ đã ly thân với chính bản thân mình, với những thói quen, mà tôi nhớ có câu là phải “đả đảo đất dưới chân mình”.

Nhà phê bình Văn Giá giải thích vì sao thơ Đỗ Quyên khó đọc: “Tạm gọi trường ca Đỗ Quyên mang tính tiểu thuyết, nghĩa là hướng vào cái cá nhân đời tư, thường ngày, dở dang, không hoàn kết...(theo lý thuyết M.Bakhtin). Do đào sâu vào nội tâm cá nhân, nên bút pháp nhất quán từ đầu đến cuối là suy tưởng. Bút pháp này có cái hay, nhưng đọc cũng nặng, người đọc phải cố gắng. Chính vì thế, nếu lấy cái khung soi ngắm quen thuộc về trường ca như lâu nay thì sẽ không đọc nổi trường ca Đỗ Quyên. Vì lẽ đó có thể nói rằng: Trường ca Đỗ Quyên sẽ không dễ dàng đi vào bạn đọc Việt Nam hiện nay, nó kén chọn độc giả.”

Nguyễn Đức Tùng cũng xác nhận tính khó hiểu của thơ Đỗ Quyên: “Đối với nhiều người, thơ anh vừa dễ hiểu vừa khó hiểu, đọc từng câu thì hiểu, đọc toàn bài thì không hiểu gì cả. Như thế là vì anh đi trước độc giả quá xa, hay vì tính đặc trưng của thơ anh là vượt thoát các cố gắng giải thích?[3-đd]

2. TÔI ĐỌC THƠ ĐỖ QUYÊN

Xin trích một đoạn:

…Những đùi vế vút lên
sáng lại câu thơ cổ điển
Con đường sôi âm ỉ
ngút ngã tư già
Chế ngự từng thước tấc
phố nhà chưa lấn hết
Đường biên xấu hổ
cổng thành chúm chím gót chân
Nóc nhà thờ ngang cánh chim
thánh rỏ lệ mát bàn chân lữ khách
Những đứa con thừa cha
chạy ra
ném
các đụn tuyết không tan…
(Lòng Hải lý-Tám)

Tôi đọc và không thể hiểu. Rồi viện kinh Kim Cang mà rằng, không hiểu ấy là hiểu, mà nói hiểu, có nghĩa là không hiểu!!! Tôi tự an ủi mình vậy! Cũng may, Đỗ Quyên bảo: “Thơ thật không cần phê bình”.

Thú thực là nhiều lần tôi định bỏ cuộc. Đọc trường ca của Đỗ Quyên vất vả quá, vất vả hơn đi cày, trầy trật hơn đánh vật. Đọc đi, đọc lại; đọc nhanh, đọc chậm, Thơ như bức tường thành chắn lối, không sao thâm nhập được vào thế giới chữ nghĩa của Đỗ Quyên. Đọc theo Thi Pháp học, tìm cái lạ hóa, tìm thủ pháp, nhạc điệu vv,… thì Thơ vỡ nát. Đọc theo lối “truyền thống”, tìm mắt thơ mà điểm, nhưng tìm hoài nào thấy đâu là mắt thơ. Thơ cứ ào ạt tuôn chảy, lớp lớp sóng dồi. Lại thay đổi cách đọc. Đọc theo Cấu trúc luận và Giải cấu trúc. Chữ nghĩa vẫn chênh vênh, vì thơ Đỗ Quyên rất lỏng lẻo về cấu trúc. Có thể đọc đọan nào trước, đoạn nào sau cũng được; đọc cả đọan hay đọc rời từng câu, vẫn có nghĩa. Đây là những câu rời:

Em bảo:
Người đi biển không làm thơ
Anh bảo:
Người làm thơ đi biển.
(Lòng Hải lý-Ba)

- Em là bầu trời
cho thơ anh nở

Những bông hoa tươi nhờ nước mắt
(Đống chữ-Thân 7)

Không phải thơ Đỗ Quyên vừa dễ hiểu, vừa khó hiểu mà có những đọan khó hiểu và có những đoạn dễ hiểu. Những đoạn anh viết theo kiểu thơ truyền thống (Lục bát, thơ Lãng mạn) là những đoạn dễ hiểu:

Thơ ai khóc gió trên trời
Thơ em khóc lá khóc người dưới mây
Xưa em đen cả tháng ngày
Nay em trắng một đời này em thơ…
(Đống chữ-Thân 4)
Bạn có trong đời ba nỗi đau
Để riêng tận góc một lòng sâu
Lâu lâu gặp lại cho tôi nhận
Chung đỡ phần đang ở trong nhau…
(Đống chữ-Thân 7)
Tôi căng mắt quan sát thơ Đỗ Quyên, và nhận ra điều này. Thơ Đỗ Quyên là những dòng suy nghĩ miên man, trôi đi từ việc này sang việc khác, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, và trôi rất xa nguồn. Khoảng cách những câu thơ là những liên tưởng đứt đoạn, ẩn dụ nối tiếp ẩn dụ “cái biểu đạt” dẫn lối cho “cái biểu đạt” khác, khiến người đọc không sao theo kịp. Các hình ảnh thơ liên tiếp xuất hiện, phi logic. Các con chữ thuộc những trường nghĩa khác nhau đứng liền nhau. Tư duy ngôn ngữ và và quy tắc ngữ pháp Việt bị phân rã. Thời gian, không gian, nhân vật cốt truyện tạo nên cấu trúc không tồn tại. Không có một hiện thực nào được phản ánh để người đọc có thể dùng làm hệ quy chiếu qua đó xác lập ngữ nghĩa.

Với kiểu tư duy thơ này, tôi chỉ còn trông nhờ vào kinh nghiệm đọc dựa trên lý thuyết tiếp nhận hiện đại. Tôi nhận ra Đỗ Quyên sử dụng nhiều thủ pháp của văn chương Hậu hiện đại như, chen vào các yếu tố ngẫu nhiên, phi logic, sự phân mảnh, sự phi tâm, chất diễu nhại, tính chất trò chơi, xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày, tác phẩm tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt…Từ đó tôi tái cấu trúc và giải cấu trúc tác phẩm, kết nối các liên tưởng, loại bỏ những yếu tố ngẫu nhiên, phi lý; giải mã các ẩn dụ, các biểu tượng (thí dụ: Đảo, đảo nắng đảo mưa, tấm-vé-đời, bàn chân, con đường, những nụ hoa không nở, ly café mồ côi…); kết tụ những mảng hiện thực bị phân mảnh; lấp đầy những khoảng trống văn bản và đọc cái nghĩa do chính mình tìm thấy trong tác phẩm. Ý nghĩa này có khi trùng với ý nghĩa của tác giả gửi trong tác phẩm, có khi khác biệt do tầm kỳ vọng (Hans Robert Jauss) của người đọc, hay do sự khác biệt của cộng đồng diễn dịch (Stanley Fish) mà người đọc mang theo khi đọc tác phẩm. Tôi đọc trường ca Lòng Hải lý như đọc một tác phẩm mở (Umberto Eco). Và Đỗ Quyên nhắc tôi rằng: “Bản chất của thơ cần có mặt mà chưa cần để hiểu” (Buồn muộn cùng thế kỷ, chương 3)

Chẳng nhạn,
Trường ca Lòng Hải lý có chín đoạn thơ và một Phụ lục. Chủ thể, nhân vật Ta, khi thì độc thọai, khi đối thoại với em, với mẹ, với bạn…(thực ra đó là sự phân thân của tác giả trong một cuộc đối thoại giả định). Trải suốt trường ca là một câu chuyện (có cốt truyện, tình huống, nhân vật, thời gian, không gian), câu chuyện về hành trình thơ, về làm thơ, về số phận thơ, tương lai thơ... Câu chuyện này bị xé ra thành những giải, những chi tiết, và ngẫu nhiên quăng vào các đoạn thơ. Có khi câu viết về Thơ nằm giữa những xô bồ suy nghĩ miên man khác. Nếu không tái cấu trúc câu chuyện này, loại ra ngoài những yếu tố không nằm trong cấu trúc chính và giải cấu trúc này, người đọc sẽ hoàn toàn bị lạc trong rừng trùng trùng điệp điệp câu chữ, sẽ không sao lần được lối ra.

Cũng vậy, cả 4 trường ca trong tập Lòng Hải lý (Lòng Hải lý, Đống chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ, Bài thơ không thuộc về ai), cũng là một câu truyện dài về Thơ, về hành trình thơ, về thân phận thơ, niềm tin vào thơ…, cho nên không phải vô tình mà Đỗ Quyên sắp xếp 4 trường ca này vào chung một tập thơ.

Câu chuyện, có điểm mở đầu, có điểm cuối:
Khởi một điểm hành trình -
Chữ của ta mang Nghĩa của đời
từ đó.
(Đống chữ-Thân 1)
Điểm cuối:
Tới gần rồi,
điểm cuối!
Đảo mưa trong anh
anh nắng trong em
Đường mòn đau thêm
thổn thức lịch trình xoắn ốc
Câu thơ treo ngửa
nấc
(Lòng Hải lý-Chín)

Và đây là câu viết về thơ treo vào giữa đoạn thơ, lơ lửng, lạc lõng, rời rạc, không kết nối giữa câu chuyện nhà thơ đang nói với bạn:

Bạn chỉ có đảo này trong địa chỉ
Còn bến kia trên bức ảnh nhộn màu
Con lộ ấy như vạn ngàn con lộ
Tiếng còi tàu không vượt tiếng còi tàu

Bút dốc ngược thơ xuôi dòng chảy
Im lặng thay mỗi chiếc kim giờ!
Ta bỏ bạn trên các đinh địa lý –
tên những làng, núi, sông...

3. LÒNG HẢI LÝ

Thơ anh có nỗi buồn mênh mông của gió
Bay trên phận con người
(Bài thơ không thuộc về ai- Kết số 10)
Chắc chắn đêm nay ba về và muộn
Việt Nam một vai, thế giới một vai
Ba dành hết. Phần cho nhân loại
những mùa thu có lá rơi đầy
(Buồn muộn cùng thế kỷ-Chương 3)

Lòng Hải lý là tấm lòng của tác giả đối với Thơ và đối với đời. Thơ là trái tim hiện sinh như “Sóng vỗ một lần thôi/ Câu thơ hạ rồi/ và mãi”. Thơ là cuộc lãng du vô định. “Để giờ mãi lênh đênh/ Mẹ là gió/ Tình chúng mình làm sóng/ Thơ - trước mặt/ chân trời.” Thơ là niểm hoan lạc miên viễn:

“Có sóng trên giấy
như có sóng trong lòng
Có gió bốc dưới mỗi bàn chân
và trong từng ngòi bút
Mùi trang giấy viết tinh khôi
ngửi suốt đời không ngán”

Thơ là niềm đam mê mãnh liệt:
Bằng thơ anh định nghĩa đó là sự trọn vẹn của tự do
Mực cây bút đời của anh đang ứa màu cam vàng đỏ màu của mãnh liệt và đam mê cần để ngồi 12 tiếng không ăn uống không làm tình không vào hộp thư điện tử để trải kín 24 trang trường ca
(Buồn muộn cùng thế kỷ-chương 3)

Người thơ có sự nhạy cảm khác thường: “Em biết thơ là bể khổ/ biết anh yêu thơ là khổ/ biết em yêu anh là khổ/ và biết anh yêu em là khổ kép khổ đơn.”

“Có khi một câu "Chó chết!"
đã làm thơ anh quẫy muôn lần
Có khi chỉ hắt đi trong ly trà đôi hạt bụi
là con tàu thơ anh lao”
(Buồn muộn cùng thế kỷ-chương 2)

Thơ là hạnh phúc bất tử:
“Theo con sông chữ nghĩa trên những chuyến đò ngang
là hạnh phúc ngắn
Hãy theo những chuyến đò dọc
để đến thác đầu ghềnh và những bãi hoang đổ ra biển đời của văn chương
để chết trong hạnh phúc bất tử
(Buồn muộn cùng thế kỷ-Chương 4)
Thơ có giá trị như chính đời sống

Người sống, đống chữ
Người chết, đống chữ…
Những người thơ
đang sống-chết
Đi gom ngàn con chữ/ như gom ngàn cọng cỏ, nhánh lau....
Sẽ có/ trong một ngày mơ của mình
(Đống chữ-Chung)

Đỗ Quyên tích lũy những tấm -vé -đời làm vốn cho thơ, đó là những chặng đường đời, vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ mà nhà thơ đã trải qua
“Mình tích thủ các tấm - vé - đời/… Buồn vui, thành bại/… Chúng lóe ánh sáng kêu gọi…/ Chúng xếp hàng nhẫn nại/ chờ nhìn tấm vé cuối…/ tấm vé chưa nằm yên/ kích nới Lòng - Hải - Lý dài them/.trên các tấm vé mới” (Lòng Hải lý- đoạn 4)

Đỗ Quyên luôn thôi thúc cách tân thơ trước sự ám ảnh về cái chết của Thơ, khi cuộc hành trình bị trì trệ, con thuyền nằm in một chỗ.
“Chết phi lâm sàng với bác sĩ
là chết lâm sàng của kẻ làm thơ và của kẻ độc hành
Đường hẹp lại khi hành nhân nằm mãi
Những con thuyền thêm một chốn bơ vơ”
(Lòng Hải lý- Sáu)
“Nhà thơ hôm nay không thể viết câu chữ nghĩa địa, ý tưởng mồ mả, nhịp điệu lên đồng, chủ đề quan tài, thể loại hóa vàng hôm qua
Để nghệ thuật sống tồn”
(Bài thơ không thuộc về ai-chương 3)
Chương viết về thân phận nhà thơ (Đống chữ-Thân 5: Mộ văn) là chương đầy bi thiết, bộc lộ sự tài hoa rất mực của ngòi bút Đỗ Quyên. Bên dưới sự diễu nhại khôi hài, Đỗ Quyên dành nhiều nước mắt cho những nhà thơ vì hoàn cảnh riêng mà phải tìm cái chết để sống, để khẳng định sự tồn tại một nhân cách. Từ xưa đến nay, từ đông sang tây, bao nhiêu là cảnh thương tâm: Lý Bạch, Essenin, Nguyễn Tất Nhiên, Maiacovxki, Hemingway?

Nhất Linh đã chết (hay tự chết) như thế nào?”
Ôi những cái thời anh hùng trong tấc gang/ hèn nhục trong choáng váng…”
…Nhất Linh trước sau cũng chết
như một nghi án chính trị-văn chương
Tài mệnh cho ông
chọn Chết triết học -
như con dê giữa hai bó cỏ
… Gió Canada sẽ thổi lên trời xanh những tiếng khóc của em
như hôm qua mưa phùn Bắc Việt làm ướt thêm những
trang văn ông trong mắt mẹ.

Không gian ngập tràn tiếng khóc:

Những trận mưa rào Bắc Mỹ không kỳ thị
nước mắt của những người phụ nữ da mầu
Mưa dài
cho mắt ai sâu
cho vai ai nặng những chiều thiếu quê
Những người phụ nữ di dân khóc để ngày kết thúc
trong khi những người phụ nữ bản xứ làm thế cho một ngày lên
Cái bồn tắm khóc để không ai còn bứt rứt
Keyboard khóc cho dân chủ thành hình
Tờ lịch khóc thì đời mới hết những thằng đốn mạt
Chiếc bút không khóc đến khi giá nhà chưa giảm
Ngày mai không bao giờ khóc cho ngày hôm nay
Chúng ta có còn khóc sau khi Thời gian là chủ nhân ông của vũ trụ này?
(Buồn muộn cùng thế kỷ-chương1)
Đỗ Quyên cũng khóc cho chính mình.

Cho ta khóc một hệ người
người là ta rồi đó
thơ cầm ngang lòng tay
tìm đau trong ngày mai
(Đống chữ-Thân 3)

Và mong một sự hóa thân:
“Thường là nhà thơ không thể tìm ra câu kết cho một bài thơ chỉ còn chờ câu kết
Muốn thân xác mình lấp vào.”(Bài thơ không thuộc về ai-Kết 16)

Thực ra đàng sau câu chuyện về Thơ, Đỗ Quyên trải lòng kín đáo và dữ dội về cuộc đời. Thơ Đỗ Quyên không phản ánh thực tại, có chăng là vài hình ảnh nơi ông đang sống hoặc vài chi tiết về gia đình (Đống chữ-Thân 8: Hôm nay đi tuyến Yonge-Spadina subway/ Tôi có Toronto với hai đường tàu điện ngầm…). Tuyệt nhiên không có hiện thực những năm ông sống ở Việt Nam, ở Nga, ở Đức…

Hiện thực trong thơ Đỗ Quyên là hiện thực tư tưởng, hiện thực hư cấu, tuy có thấp thoáng những mảnh đời thực, nhưng Đỗ Quyên chuyển hóa thành suy tư, thành nhận thức có phẩm chất triết học. Tuy vậy thơ Đỗ Quyên chưa đạt tới phẩm chất thơ tư tưởng, về căn cốt thơ Đỗ Quyên vẫn là thơ trữ tình.

Thấp thoáng trong dòng chảy trữ tình là sự lên tiếng nói. Khi là giọng sâu lắng đến tận cùng hiện sinh, khi là sự đối mặt quyết liệt với thực tại; khi là bài ca hào sảng trên đỉnh núi mây ngàn, lúc là giọng trầm thống như sóng gầm dưới đáy đại dương sâu thẳm. Đỗ Quyên lên tiếng nói về những vấn đề không thể lặng im.

Nhân loại bắt đầu vô nhân đạo
lúc mũi tên hiện đại hóa đạn chì
ngọn lao thành hỏa tiễn…
…quên cội nguồn, địa dư và sử ký
thực hành chức năng đồ tể
quáng mù…
Hãy khước từ những viên đạn
cũng như khước từ làm những viên đạn!

(Lòng Hải Lý –Bảy)

Thuyền nhân/ Bộ nhân/ Lâm nhân/ Tường nhân/ Phi cơ nhân
Các gan bàn chân không chứa hằng số sợ…/ …Tự - do - đi - lại
- nhân quyền ấy thua cả súc vật quyền,
này Liên hiệp quốc!

(Lòng Hải lý-Bốn)
…Nhân loại bốn loại người:
sợ và không sợ Sự thật,
biết và không biết Sự thật.
Đập tảng băng tập quán, rèm chủ thuyết,
ô giả dối được thiêng hóa

bằng chiếc cu trần
sẽ giết tiệt cái giả Sự thật.
(Lòng Hải lý-Phụ lục)
Thi thoảng lo lo
Tôi hay nhìn lại
Nguồn Chữ nghĩa của riêng mình số lượng đến đâu
và chất lượng ra sao
Sợ nhất là bị các tính từ xấu
(độc quyền, tha hóa, xuống cấp, mị dân, tham nhũng, bê tha,
chuôm chỉa, hối lộ, lạm phát, tham ô và sến)
đòi làm cha, làm mẹ!

(Đống chữ-Thân 1)
Nếu không Tàu, chúng ta đi về đâu?
Lời hỏi lớn
như hình nước Việt
cái móc câu dưới tảng thịt Trung Hoa
Bao giờ nước mình ngẩng mặt được
không vướng một tán cờ

(Đống chữ-Thân 5)

Con chung của chúng ta với Thời gian
sẽ là những đứa trẻ vạm vỡ
của Tự do
của Bình đẳng sẽ là những đứa trẻ duyên dáng
Hoàn cầu sẽ ế các cuộc chiến tranh -
cuộc chiến máu thịt hay cuộc chiến nước bọt, mồ hôi -
Tôn giáo quy về ba đạo chính: đạo Quá khứ, đạo Hiện tại, đạo Tương lai
Vì bị lột trần truồng
triết lý, chủ nghĩa chỉ còn biết che phần kín của mình
Môi trường, Sida, Mafia và Đói cũng bị kỷ nguyên Thời gian xếp vào hàng
chuyện nhỏ
(Buồn muộn cùng thế kỷ-chương1)

Sách Việt ngữ cho tụi con tìm ở đâu ba?
Ngoài dăm cuốn Hai Bà Trưng, một Ông Gióng... con thuộc từ ngày trong nước
Em con chờ các cuốn khác
nó vẽ lên lưng voi Hai Bà cái laptop và dí vào tay Ông Gióng cell phone
Tụi sắc dân khác bạn con không có vấn nạn nước non
nặng và ê chề đến vậy
Làm người gốc Việt thật nhiều điều đáng nói
vấn đề là nói làm sao

(Buồn muộn cùng thế kỷ-chương3)

Tình cảm với quê hương thật sâu nặng, những tứ thơ mới lạ giàu suy tư.

Những ai không còn quê hương
Sáng thức dậy theo giờ kẻ lạ
Chiều về những con đường xa
Đêm ngủ lưng không dính đệm

Những ai không còn quê hương
Cầm bút viết ra chữ huyết
Gặp mặt nhau lại thấy đau
Nhìn trời không thấy đáy đâu

Những ai không còn quê hương
Nghe lá rơi không còn nhẹ
Mây trôi là mây không về
Nước chảy đến cùng nước cạn

Những ai không còn quê hương
Bàn tay xòe không hết
Trái tim cong như trời cong
Con mắt chỉ nhìn thấy đất

Những ai không còn quê hương
Chồng vợ cái con bầu bạn
Một đời ngơ ngác chờ
Hai chữ quê hương về lại
(Bài thơ không thuộc về ai-Chương 2)

Thực ra, có thể tìm thấy ở mọi câu thơ của Đỗ Quyên những ẩn hiện tư tưởng. Và suy tư day dứt nhất của Đỗ Quyên là suy tư về thời gian, về nỗi cô đơn hiện sinh. Buồn muộn cùng thế kỷ là nỗi buồn thấm thía về thời gian: “Chúng mình bỏ nước/ là bỏ Thời gian/ 25 năm ngơ ngáo cái ngáo ngơ của những bài thơ không có dấu…”. Và Bài thơ không thuộc về ai là tiếng kêu bi thương về Thời gian, vì thơ không còn những gì đời còn, cả những ai không còn những gì đời còn... Những tư tưởng này kết đọng từ chính đời sống của anh. Dường như Đỗ Quyên cố ý tránh né “những vấn đề nhạy cảm” về chính trị và văn hóa. Cũng có thể, anh là người đã trải nghiệm bước chân trên mọi nẻo đường đời với tư cách một công dân toàn cầu, với tư cách “Những ai không còn quê hương”, thì những vấn đề anh quan tâm sẽ không giống với nhà thơ trong nước. Chẳng hạn:

Các phê bình gia thi ca lâu nay
(hẳn rớt môn tâm thần học?)
trong thơ
không đo thành thục độ điên
Phân loại thơ phiến diện vô ngần:
thơ cách mạng, thơ tình, thơ miền Nam-miền Bắc
thơ yêu nước, thơ hải ngoại, thơ trong nước,
thơ tỉnh lẻ, thơ chiếu trên, thơ toàn quốc,
thơ dada, thơ hậu hiện đại, thơ vân vân
Thiếu: thơ điên cấp 1, thơ điên cấp 2, thơ điên cấp cứu
Gọi thế e tranh chữ của y khoa
Nay đề nghị:
lấy đơn-vị-điên-trong-thơ là một Bùi Giáng (viết tắt: BG)

Tôi hiểu đây là khát vọng hội nhập toàn cầu hóa thơ Việt. Đỗ Quyên từng nhận xét thơ Việt có 21 đặc điểm, và thơ Việt còn chậm so với thế giới. Nhưng những nhà thơ trong nước đa phần không quan tâm chuyện này. Bởi thơ trong nước đựợc đặt trên một hệ tư tưởng và nghệ thuật khác, nên thơ mới được phân chia như Đỗ Quyên nhận xét.

4. NHỮNG NỖ LỰC CÁCH TÂN THƠ VIỆT

Ở thời điểm này (2017), sự ồn ào về “cách tân” thơ Việt đã lắng xuống sau khi phong trào “thơ khó hiểu”, thơ trình diễn… của những người trẻ như Nguyễn Thúy Hằng, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh…đầu thế kỷ XXI đã trở thành quá khứ. Bởi người ta không thấy được những cách tân của “thơ khó hiểu” đem đến những giá trị gì? Đơn giản vì, nếu công chúng không hiểu thì ai sẽ đọc thơ? Và thật dễ hiểu khi ít năm trở lại đây, công chúng trẻ xô vào đọc những trang chưa thành văn, chữ nghĩa chỉ để mơn trớn vuốt ve cảm xúc của cái tôi thời @. Xin đọc:

“Nếu là cây
Ta muốn làm cỏ dại
Sống hoang sơ chẳng phụ thuộc đất trời
Ta nhỏ bé nhưng ngang tàng mạnh mẽ
Ta mong manh nhưng chẳng ngại đêm dài…”
(Nếu- Iris Cao)
“Chán rồi cây ạ nắng yêu mây
Còn mưa sao cứ đứng mãi chờ
Thôi thì ta biết khi mây ấm
Là lúc nắng lên mưa cúi đầu…”
(Chán-Iris Cao)

Tôi sẽ chỉ nói về những cái riêng của Lòng Hải lý bên cạnh thơ trong nước trước “đổi mới”. Từ đây, người đọc có thể nhận ra những đóng góp của Đỗ Quyên cho thơ Việt trong xu hướng hội nhập toàn cầu hóa.
Lòng Hải lý không “phản ánh hiện thực” như thơ Xã hội chủ nghĩa. Đỗ Quyên không bám vào kỷ niệm, không nhào nặn lại những tứ thơ về làng quê, cánh đồng, con cò, giòng sông, hay những con đường Trường sơn mùa này đẹp lắm, như thơ trong nước, kiểu thơ “ăn mày quá khứ”. Đỗ Quyên sáng tạo một “hiện thực” tư tưởng-thẩm mỹ, xin đọc:

Những ai không còn nơi hẹn
Khi cái lò gạch cũ mới rồi
Chí và Thị tối ngày ăn cơm tiệm
Nằm salon xem vidéo đời lá chuối cháo hoa xưa
Đừng vào các trang website năm sao (tốn thời gian, tiền bạc hơn cả các khách sạn năm sao)
Thị dâm không phải là thương dân yêu nước
Quan dâm không phải là vì dân chủ tự do
Xưa sau ba lần hẹn mới có thể hành động
Hẹn là hành động
Bây giờ
Như mặt trời
Mọc lên tức là chiếu sáng
(Bài thơ không thuộc về ai-Chương 2)
Đoạn thơ có bóng dáng của hiện thực, nhưng nếu bám vào cái hiện thực ấy để đọc thơ, thì hiện thực lập tức vuột khỏi tay người đọc. Cấu trúc logic của đọan thơ bị phá vỡ, khác hẳn với thơ trước đây lệ thuộc vào cấu trúc. Vì thế không thể kết nối logic Những ai không còn nơi hẹn với, thị dâm, quan dâm, với thương dân yêu nước, với dân chủ tự do, với mặt trời/ Mọc lên tức là chiếu sáng. Chỉ có duy nhất một chữ “hẹn” làm nhiệm vụ giữ cho đoạn thơ không phân rã. Nhưng nếu vượt qua được ngôn ngữ tường minh của văn bản, người đọc sẽ thấy tư tưởng hiện lên.

Người đọc thấy rõ trong tập trường ca Lòng Hải lý một vài đặc điểm của văn chương hậu hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận xét: “Cấu trúc, xét về toàn bộ, không phải là điểm mạnh của trường ca Đỗ Quyên. Các tác phẩm hậu hiện đại thường có cấu trúc đa chiều; nhưng đa chiều không phải là lỏng lẻo… Nói một cách dễ hiểu hơn, anh có xu hướng đi về phía chủ quan hơn là phía khách quan. Điều này thể hiện trên hai hình thức: trường ca của anh nặng về phía trữ tình, và nhân vật thu hẹp lại chỉ còn là một người, đó là người nói (speaker). Người nói hay người kể chuyện trong trường hợp này lại trùng với tác giả (author). Thứ hai là ngôn ngữ của anh, trong những đoạn thơ không thành công, nặng về tán thán, tuyên bố, kể lại, thiếu tính trực tiếp vốn là điểm mạnh trong mạch thơ Đỗ Quyên. “[6]

Tôi không rõ có phải nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận diện hậu hiện đại ở xu hướng khách quan, thông qua ngôn ngữ và người kể chuyện hay không? Tôi hiểu ngược lại, chính cấu trúc lỏng lẻo (như đã nói ở trên) của trường ca Lòng Hải lý là một đặc điểm hậu hiện đại. Hiện thực phân mảnh, sự xóa bỏ ranh giới giữa văn chương và đời thường, trộn lẫn thể loại, sự phi tâm hóa, ngôn ngữ xô bồ (cả thanh lẫn tục), sự giải thiêng những “đại tự sự” (Thí dụ, Đỗ Quyên diễu nhại về việc tự sát của các nhà thơ, về giá trị của thơ ca, về những chủ đề lớn như yêu nước, cách mạng, nhân đạo chủ nghĩa, tự do, nhân quyền, tôn giáo…) là dấu ấn rất đậm trong thơ Đỗ Quyên, khiến thơ Đỗ Quyên rất khác với thơ trong nước trước đổi mới. Dù vậy Đỗ Quyên biết giữ sự chừng mực cần thiết để thơ vẫn là thơ, kiểu thơ tư tưởng, không phải là “rác”. Đỗ Quyên cũng tự kềm chế diễn ngôn để tinh thần “giải thiêng” không gây sốc cho người đọc có não trạng quen ”thần tượng hóa”.

Nhân loại bốn loại người:
sợ và không sợ Sự thật,
biết và không biết Sự thật.
Đập tảng băng tập quán, rèm chủ thuyết,
ô giả dối được thiêng hóa
bằng chiếc cu trần
sẽ giết tiệt cái giả Sự thật.
(Lòng Hải lý-Phụ lục)

Đây là sự kềm chế:

Ơn ba mẹ sang đây
Con được chọn mình
chọn đất ở cho mình
Bà lẩm bẩm "Số chúng mày đỏ hơn ông cha!"
Những lời sánh so con rất ngại

Con có thời gian của con. Cha ông có của cha ông
So sánh là hủy diệt
(Buồn muộn cùng thế kỷ-chương 3)

5. NHỮNG GÌ ĐỌNG LẠI

Tôi không bận tâm lắm về “truyền thống” hay hậu hiện đại trong trường ca Lòng Hải lý của Đỗ Quyên. Điều tôi tìm kiếm là trường ca này có giá trị gì về tư tưởng và nghệ thuật. Và Đỗ Quyên có thể đóng góp gì cho thơ Việt đương đại?

Viết trường ca khó, trước hết là làm sao giữ cho được giòng cảm xúc luôn trào tuôn như núi lửa phun nham thạch, giữ cho được mạch tư tưởng dũng mãnh như sóng ngầm đáy đại dương và có được một vốn từ vựng như lúa chất đầy kho. Đỗ Quyên có thừa những phẩm chất này.

Nhờ sử dụng những “thủ pháp” của văn chương hậu hiện đại, Đỗ Quyên thay đổi liên tục cách thể hiện con chữ trên văn bản; thay đổi, trộn lẫn thể loại (thơ tự do, Lục bát, thơ Lãng mạn…); thay đổi nhiều giọng điệu trần thuật; đổi vai Ta nhiều lần trong đối thoại với Em, với Mẹ, với Con, với nhà thơ tự sát và cánh nhà thơ chưa tự sát, với súng đạn, thòng lọng, và với đủ loại người nhà thơ gặp trên đường Hôm nay đi tuyến Yonge-Spadina subway.

Bỏ qua nhiều đoạn triền miên suy tư về những điều riêng tư, người đọc có thể gặp được nhiều đoạn thơ hay về tứ, xúc động về tình, trăn trở về tư tưởng; và một ấn tượng rất mạnh về chủ thể trường ca: Tác giả Đỗ Quyên. Bên dưới cái lạnh lùng như băng, cái lý trí căng như thép, chất trí tuệ khô khan, là con người tình cảm, yêu tha thiết cuộc sống, bi phẫn trước bao nhiêu cảnh đời đau thương, khao khát và tràn đầy một niềm tin lao mình vào ngày mai, Sống và Thơ.

Và điều còn lại là một hồn thơ Việt thuần khiết:

Chữ còn - Thơ còn
Còn tình
Là còn bạn còn ta
Còn vợ còn con còn cửa còn nhà
Dẫu có còn tha phương,
có còn ghim lòng một ngày về quê về nước
lạy mồ mẹ mả cha vái hồn cúng vía ông bà
tìm thăm khuôn trời cũ
hố rác nào xưa chứa bài thơ tình Số 1...
…Để ta còn Thơ
như mái chèo đòi sông nước,
như lá đòi thu
ngoài cửa sổ hôm nay.
(Đống chữ-Thân 1)

Tháng 4 năm 2017


________________________________

[1] vanviet.info/tho/bon-muoi-nam-tho-viet-hai-ngoai-46-do-quyn/
[2] Đỗ Quyên – Văn là chữ người viết mãi mà thành
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19560
[3] http://4phuong.net/ebook/48259157/truong-ca-do-quyen.html
[4] Phi Hà - Đỗ Quyên và trường ca, những ghi nhận bước đầu:
http://trannhuong.net/tin-tuc-9520/do%CC%83-quyen-va%CC%80-truo%CC%80ng-ca-nhu%CC%83ng-ghi-nha%CC%A3n-buo%CC%81c-da%CC%80u.vhtm
[5] (Nếu- Người yêu cũ có người yêu mới-Iris Cao.tr.126.Nxb Văn học 2014, in lần thứ tư)
[6] Talawas 2008-Nguyễn Đức Tùng-Trường ca Đỗ Quyên

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

PGS-TS ĐỖ LAI THÚY-NHÀ PHÊ BÌNH LAI GHÉP

Lý luận và phê bình văn học-Diện mạo của một thời
PGS-TS ĐỖ LAI THÚY,
Nhà phê bình lai ghép


Bùi Công Thuấn


PGS-TS Đỗ Lai Thúy


PGS-TS Đỗ Lai Thúy là Tiến sĩ Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật, Phó Giáo sư Văn học. Ông viết nhiều công trình về văn hóa và phê bình văn học. Lã Nguyên nhận xét: “Nhìn vào nhan đề sách của Đỗ lai Thúy, độc giả có thể thấy rõ, trong hoạt động khoa học, phạm vi quan tâm của ông khá rộng, mở ra ở nhiều khu vực. Ông xuất hiện trước độc giả chủ yếu như một nhà văn hóa học. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học. Nhưng ngay ở đây, văn học chỉ là chất liệu khảo sát để ông đưa ra những kết luận về văn hóa”[1].

Tôi quan tâm đến ông với tư cách ông là nhà phê bình văn học. Ở ông, có sự lai ghép Văn hóa học với văn học, lai ghép Phân tâm học với Thi pháp học, lai ghép nghiên cứu hệ hình với cách nhìn truyền thống. Ông đề xuất nhiều ý tưởng trong đó có phương pháp phê bình ông gọi là phê bình văn học từ văn hóa: “thiết nghĩ, đã đủ điều kiện lý luận để nâng cấp phê bình văn học từ văn hóa thành một phương pháp với tư cách đầy đủ…Phê bình văn học dù một tác phẩm, tác giả hay một trào lưu đều phải tìm hiểu trước tiên là hệ thống văn hóa mà tác phẩm, tác giả hay trào lưu ấy thuộc vào.”[2]

1.NHÀ PHÊ BÌNH CÓ THAM VỌNG LẬP THUYẾT

Tác giả Lê Sử (khoa Ngữ văn- Đại học Vinh- Nghệ An) nhận xét Đỗ Lai Thúy là nhà phê bình Thi pháp học: “có thể nói Con mắt thơ là một công trình nghiên cứu phong cách các nhà Thơ Mới bằng con đường Thi pháp học… Trong phê bình, Đỗ Lai Thuý, trước hết, chứng tỏ mình là một nhà khoa học, ông đặt giả thuyết, vận dụng các nguyên lý của phê bình thi pháp học, tìm con đường, phương án giải quyết mới, xây dựng mô hình, nỗ lực vận dụng các thao tác khoa học… Mục đích là để khai phá ra những chiều kích thẩm mỹ mới của tác phẩm nghệ thuật”[3]

Lã Nguyên (PGS-TS La Khắc Hòa) thì nhận xét: “Đỗ Lai Thúy gắn bó với Phân tâm học đã hơn hai mươi năm nay và rất mực thủy chung với nó…Đỗ Lai Thúy đã góp phần đưa phân tâm học trở lại với nghiên cứu văn học Việt Nam, và ở những công trình nghiên cứu theo hướng ấy, ông đã tạo ra nhiều đột phá: Thứ nhất: Sự phát hiện phân tâm học trong chất liệu văn học. Thứ hai: Mở ra hướng phê bình thi pháp phân tâm học.”; “Đỗ Lai Thúy tự xếp mình vào nhóm “phê bình phân tâm học văn bản”[13]. Nhưng xem cách phân tích văn bản, thấy hóa ra ông vẫn trung thành với thi pháp học. Cho nên, có thể gọi phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy là phê bình Thi pháp Phân tâm học.” [1-đd]

GS-TS Trần Đình Sử nhận diện Đỗ Lai Thúy trong cuốn “Bút pháp của ham muốn” như sau: “Công trình này, theo tôi có thể gọi là thi pháp học phân tâm học, bởi phân tâm học là góc độ nghiên cứu, còn mục đích khám phá của tác giả là bút pháp, là thế giới nghệ thuật của thi sĩ.”[4]
Như vậy, các nhà nghiên cứu đã định vị Đỗ Lai Thúy là nhà phê bình Thi pháp Phân tâm học. Theo tôi, ông tập trung phân tâm tác giả, không phải phân tâm văn bản.

Ông cho biết, nếu như cái khác là bản mệnh của nghệ thuật, thì, quy luật tạo ra cái khác, đó là tính lai ghép. Tính lai ghép trong phê bình cũng cái độc đáo trong ngòi bút Đỗ Lai Thúy. Ông vận dụng tất cả các phương pháp phê bình để thiết lập thành mô hình tiếp cận tác phẩm. Trong cuốn “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy”, mô hình tiếp cận của ông gồm ba bước: Tiếp cận tiền văn bản, văn bản và hậu văn bản.

Ở mỗi bước ông thực hiện như sau:

Tiếp cận tác phẩm từ tác giả: Phê bình tiểu sử học, Phê bình văn hóa-lịch sử, Phê bình xã hội học, Phê bình phân tâm học.
Tiếp cận tác phẩm từ văn bản: Phê bình phong cách học, Phê bình Thi pháp học,Phê bình Cấu trúc-Ký hiệu học,Phê bình phân tâm học, Phê bình văn học từ hệ thống văn hóa.

Tiếp cận tác phẩm từ người đọc: Phê bình theo lý thuyết tiếp nhận, Phê bình hậu/ Giải cấu trúc. Phê bình Thông diễn học, Phê bình Nữ quyển luận, Phê bình hậu thực dân, Phê bình phân tâm học.

TS. Lê Thị Thanh Tâm (ĐH KHXH&NV TPHCM) nhận xét rất hay về cách viết “lẩy triết” của Đỗ Lai Thúy: “thao tác lẩy triết nhuần nhuyễn đến khó tin của tác giả khi động chạm các vấn đề tác giả, tác phẩm thơ.”; “Đằng sau (hay là phía trong) những bình luận phảng phất tinh thần triết lý của Đỗ Lai Thúy là sự chuyển hóa nhuần nhuyễn các phát ngôn triết học, tôn giáo mà tác giả đã lĩnh hội”; “Đỗ Lai Thúy đúng là người kể chuyện về số phận của nàng thơ bằng thi tứ.”; [6]

Sự nhận diện ngòi bút phê bình của Đỗ Lai Thúy không mấy khó. Đỗ Lai Thúy cũng lưu ý những giới hạn của sự định danh này. Ông nói về công việc viết phê bình văn học của mình: “…dù là ngưởi mê lý thuyết, nhưng những hiểu biết lý thuyết của tôi, chủ yếu là những tri thức ‘tiên thiên’, có tính chất siêu nghiệm, nên khi phê bình, tôi bao giờ cũng xuất phát từ thực tiễn tác phẩm, dựa vào trực giác nghệ thuật, chỉ đến khi cần xây dựng các mô hình nghiên cứu, cần khoa học, tôi mới cầu viện đến lý thuyết…”(Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy)

Nhưng nếu đọc kỹ Đỗ Lai Thúy, người đọc có thể nhận ra Đỗ Lai Thúy có một nỗ lực muốn lập thuyết trong phê bình văn học. Để thực hiện điều này, ông tập trung vào lập luận, ông cố phân tích vấn đề sao cho sâu sắc, có tính khoa học, viết đầy tự tin về mỗi luận điểm của mình (giống kiểu viết của Bakhtin, Sartre hay Derrida…), và phân tích tác phẩm minh họa cho luận thuyết. Cho nên điều mà Ts Lê Thị Thanh Tâm nhận xét rằng “Đằng sau (hay là phía trong) những bình luận phảng phất tinh thần triết lý của Đỗ Lai Thúy là sự chuyển hóa nhuần nhuyễn các phát ngôn triết học, tôn giáo mà tác giả đã lĩnh hội”, thực ra là cách viết có mục đích lập thuyết.

Tác giả Mai Anh Tuấn, người tự nhận mình là một người đọc thực dụng, khi đọc Thơ như là mỹ học của cái khác đã nhận xét về khát vọng lập thuyết của Đỗ Lai Thúy như sau:

khát vọng lập thuyết, với các bước cơ bản: đưa ra một quan niệm mỹ học của thơ, xử lí các nguồn thơ để mô hình hóa diễn trình thơ, chứng minh sự đặc sắc của thơ bằng việc khu biệt hóa những giá trị thơ ca tiêu biểu. Các đường hướng, thao tác này tập trung xoay quanh phạm trù “cái khác” - từ góc nhìn văn hóa, xã hội, triết học và nghệ thuật, đến góc nhìn mỹ học thơ ca…nhà phê bình này ý thức rất rõ việc phải hợp lí hóa, cấu trúc hóa quan điểm của mình”[7]

Chỉ cần đọc phần luận giải của Đỗ Lai Thúy về “cái Khác” thì có thể nhận ra tất cả mặt mạnh và mặt yếu về lý thuyết của ông:

Áp dụng vào thơ, đặc biệt thơ Việt, cái Khác còn thêm một số thuộc tính cụ thể hơn. Thơ, trước kia, là một tổ chức ngôn ngữ đặc biệt, không bình thường so với văn xuôi, nhất là với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Bởi thế, thơ, tự thân nó, đã là một cái Khác. Cái Khác này đồng nghĩa với cái tiểu ngạch (nhỏ, lẻ, phụ), cho nên luôn có nguy cơ bị cái chính ngạch (to lớn, đồng bộ, chính thức) đồng hóa. Cho nên, cái Khác, một mặt phải chống lại sức hút của quyền lực trung tâm của cái chính thống và chính thức để bảo vệ sự tồn tại độc lập của mình. Mặt khác, nó phải chống lại chính bản thân nó. Bởi lẽ, cái Khác, sau một thời gian bị nghi kị, ghẻ lạnh, bắt đầu được chấp nhận, rồi quảng diễn ra đại chúng, thì đã trở thành quen mòn, không còn là khác nữa. Vì thế, để bảo vệ mình mãi là một cái Khác, thơ trong tiến trình của nó, phải luôn luôn đổi khác. Thơ Việt, mỗi lần đổi khác, ngoài sự tự thân vận động của nó, bao giờ cũng phải có sự trợ lực, nhiều khi là cú hích quyết liệt, của các yếu tố bên ngoài. Thơ Việt, bởi vậy, luôn là sự lai ghép. Nó lớn lên bằng những yếu tố ngoại sinh, tức cái Khác của cái Khác. Thậm chí, có thể nói, thơ Việt khác từ trong trứng nước, từ ở những thành phần cấu tạo nên nó…

…Sự gặp gỡ giữa thơ và hệ hình hậu hiện đại không chỉ đưa cái Khác lên thành phạm trù chủ đạo của mỹ học hậu hiện đại, mà còn, quan trọng hơn, giúp ta nhận thức được chính cái Khác mới là thực chất của thơ. Bởi thế, có thể lấy cái Khác làm hệ quy chiếu để tư duy lại tiến trình thơ, từ đó, đưa ra một cái nhìn khác, một lối viết khác lịch sử thơ. Thơ Việt, cho đến nay, ít nhất có đến 11 lịch sử: 1) Thơ chữ Hán, 2) Thơ chữ Nôm, 3) Thơ quốc ngữ lúc giao thời, 4) Thơ Mới, 5) Thơ đầu kháng chiến chống Pháp, 6) Thơ Nhân văn và hậu Nhân văn, 7) Thơ thành thị miền Nam 1955 - 1975, 8) Thơ chính thống và chính thức, 9) Thơ Đổi mới và hậu Đổi mới, 10) Thơ đương đại, 11) Thơ hải ngoại…”(Thơ như là mỹ học của cái khác)


Ông ôm đồm, bao biện trong luận thuyết của mình mọi thứ lý thuyết (mà ông không ghi nguồn) chỉ để khẳng định “Chính cái khác mới là thực chất của thơ, và, có thể lấy cái Khác làm hệ quy chiếu để tư duy lại tiến trình thơ”. Có thể tìm thấy lý thuyết về Cái Khác (The Others) từ Freud, F. Saussure, trường phái Hình thức Nga, Edward Said, Derrida, Chủ nghĩa Hậu thực dân,…Vì thế cái Khác không phải là lý thuyết do Đỗ Lai Thúy đề ra. Nó cũng không phải là thực chất của thơ, càng không phải là hệ quy chiếu để tư duy lại tiến trình thơ. Khi nói đến bất cứ tác giả văn học nào (nhà thơ, nhà văn), nhà phê bình, nhà nghiên cứu luôn phải tìm ra cá tính sáng tạo của họ, phong cách của họ. Bản thân cá tính sáng tạo và phong cách chính là Cái Khác. Nâng vai trò của Cái Khác lên thành một lý thuyết để từ đó làm hệ quy chiếu nghiên cứu, phê bình văn học, tôi nghĩ cả về “lý thuyết và phương pháp” đều không có gì mới, mà chỉ là mượn khái niệm của người khác đề “làm mới” mình mà thôi.

Ông viết về nhiều nhà thơ trong nhiều cuốn sách khác nhau, mỗi cuốn cần có cái gì khang khác với cuốn khác. Thực ra, chỉ là khác về cách đặt tên sách. Những nhà thơ trong Bút pháp của ham muốn (Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều; Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm) cũng khác nhau như các nhà thơ trong Thơ như là mỹ học của cái khác (Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Bùi Giáng). Trong Hé gương cho người đọc, Đỗ Lai Thúy cũng dùng Phân tâm học để lý giải về Nguyễn Du, như là dùng phân tâm học trong Bút pháp của ham muốn. Khi ông nhận định rằng: “Cái Khác ở thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ tự do”thì tôi hoàn toàn không còn nghi ngời gì nữa rằng ông không hiểu thơ Thanh Tâm Tuyền. Khi nói về thơ Hậu hiện đại, ông luận: “thơ hậu hiện đại đích thực không dừng lại ở cấp độ thủ pháp, mà đã tiến tới cấp độ quan niệm thực tại. Có như vậy mới sản sinh ra được cái Khác hậu hiện đại. Một cái Khác không phải là khác biệt, khác lạ trong quan hệ với cái ngoài nó, mà là một cái Khác trong quan hệ với chính nó, mang tính tự thân, là sản phẩm của một cá nhân tự lập và tự trị. Chính cái Khác này không chỉ cứu sống cái chết của tác giả, mà còn bội nhân tác giả, vì giờ đây người đọc cũng là tác giả. Một cái Khác như vậy, hẳn không nằm sẵn trong bài thơ, cũng không nằm sẵn trong đầu tác giả, mà được sinh ra trong tiến trình bập bênh giữa tác giả, văn bản và người đọc. Thơ trở thành mỹ học của cái Khác.”Những đoạn “lập thuyết” như thế này chỉ làm người đọc hoa mắt mà thôi, vì nó vô nghĩa và buộc tôi phải nghi ngờ sự thẩm thấu các lý thuyết văn học của Đỗ Lai Thúy. Bởi làm gì có cái khác “không nằm sẵn trong bài thơ, cũng không nằm sẵn trong đầu tác giả”. Trước đó ông đã khẳng định: “thơ, tự thân nó, đã là một cái Khác “. Nói cách khác, không có tác phẩm thì làm gì có tác giả và có người đọc!

Các nhà thơ khác nhau ở kiểu tư duy nghệ thuật, ở bút pháp, phong cách, ở cách sử dụng ngôn ngữ, ở nội dung tư tưởng, ở “cái tạng” riêng…, những điều này do cá tính sáng tạo làm nên và văn hóa, thời đại chi phối. Đọc câu văn: “thơ Việt khác từ trong trứng nước, từ ở những thành phần cấu tạo nên nó…”, thực sự tôi không hiểu Đỗ Lai Thúy định nói gì. Thơ Việt khác từ trong trứng nước là khác với cái gì? Và những thành phần cấu tạo nên nó là thành phần nào? Ông định nói về sự khác biệt của 11 lịch sử thơ Việt mà ông tự xếp loại chăng (Thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm, thơ chữ Quốc Ngữ…). Nếu vậy, cần phải xem lại tính khoa học của việc xếp loại này.

Có thể nói việc lập thuyết về “Cái Khác” của Đỗ Lai Thúy không giúp lý giải bản chất nghệ thuật của thơ ca, vậy sử dụng thuyết này (của Freud, Saussre, Said, Derrida, lý thuyết tiếp nhận), Đỗ Lai Thúy có dụng ý gì? Đỗ Lai Thúy viết: “Mỗi cái Khác làm nên một lịch sử, một lịch sử thơ./…nhìn thơ Việt dưới dạng những lịch sử thơ có thể thấy được sự phong phú, đa dạng của thơ. Mỗi lịch sử đều có ý nghĩa và giá trị của nó, kể cả các dòng thơ nhỏ, lẻ, phụ mà trong cái nhìn nhất thể hóa không đáng coi là lịch sử. Đồng thời cho thấy sự vận động đa chiều và đan xen vào nhau của một lịch sử số nhiều. Cái nhỏ, phụ như là cái Khác rồi cũng lớn lên, phổ thông hóa, không còn là cái khác nữa, nhưng lại làm điều kiện cho một cái Khác khác ra đời. Như vậy, sự khác nhau của mỗi lịch sử chỉ là ở mức độ tự phản tỉnh của nó. Với sự đa lịch sử mà không có lịch sử nào là trung tâm như vậy, thơ Việt vẫn là một tổng thể, nhưng là một tổng thể mở: tổng thể phi tổng thể.”

Đoạn văn trên giúp người đọc nhận ra Đỗ Lai Thúy muốn viết lịch sử thơ Việt theo tiêu chí của Cái Khác, đồng thời, ông cũng giải trung tâm thơ Việt. Ông ôm vào thơ Việt tất cả mọi ngọn nguồn sáng tác trong mọi không gian, thời gian (không gian địa lý, không gian xã hội, không gian văn hóa, không gian song ngữ, không gian nghệ thuật hàng xóm, không gian công cộng, không gian mạng- trong nước, hải ngoại, trung tâm, ngoại biên, cái tiểu ngạch (nhỏ, lẻ, phụ), cái chính ngạch...). Đó là cái nhìn “hợp lưu”, đa nguyên, và cái nhìn Giải trung tâm của Hậu hiện đại.

Nguyễn Mạnh Tiến trong tham luận Tọa đàm ‘Đỗ Lai Thúy và Thơ như là mỹ học của cái khác” do Khoa Viết văn – Báo chí (ĐHVH HN) tổ chức ngày 26/4/2013 nhận xét: “Hiểu theo nghĩa đó, nhà thơ cách tân thơ – làm mới thơ, vì thế phải được định nghĩa như người làm khác đi mỹ học thơ. Và vì vậy, thay vì gọi là người đổi mới thơ, từ nay, ta gọi là người đổi khác thơ. Cái khác mang tính bổ sung, vì thế, từ đây, lịch sử thơ cho phép không loại trừ bất cứ nỗ lực đổi mới/khác thơ ở trong mọi không gian thơ Việt khác nhau. Cái khác, thậm chí, còn gọi mọi nỗ lực về cùng một mâm, nằm cùng một chiếu, đôn trên vai cái chung gọi là nền văn học dân tộc.”[5-đd]. Người đọc đương thời hiểu những ý nghĩa không nói ra của cả Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Mãnh Tiến về những thực thể thơ Việt đương đại. Nguyễn Mạnh Tiến kết thúc bài viết bằng lời kêu gọi: “người ta có quyền nghi ngờ mỹ học của cái Khác, hay phương pháp hệ hình như quan niệm của Đỗ Lai Thúy. Hơn thế, tôi còn thiết tha muốn độc giả nên biết khoác cho sự đọc của mình đôi cánh của hoài nghi. Vì biết hoài nghi, đó là con đường vương đạo dẫn đến cái khác trong nhận thức...”

Sự nghi ngờ những “lý thuyết”, những nhận định của Đỗ Lai Thúy là có cơ sở. Sau đây là một trường hợp cụ thể:

Đỗ Lai Thúy đề xuất phương pháp tiếp cận văn học từ văn hóa. Ông viết: “...thiết nghĩ, đã đủ điều kiện lý luận để nâng cấp phê bình văn học từ văn hóa thành một phương pháp với tư cách đầy đủ. Phương pháp phê bình này có nhiều thuận lợi, bởi nó dẫn nhà phê bình (cũng như người đọc) đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, từ cái biết nhiều đến cái biết ít, từ cái toàn thể đến cái bộ phận bằng con đường loại suy khoa học. Bởi lẽ, văn học với tính cách là một yếu tố của hệ thống văn hóa thì phải chịu sự chi phối hoặc sự quy định (chứ không phải quan hệ nhân quả đơn thuần của quyết định luận) của văn hóa. Phê bình văn học dù một tác phẩm, tác giả hay một trào lưu đều phải tìm hiểu trước tiên là hệ thống văn hóa mà tác phẩm, tác giả hay trào lưu ấy thuộc vào.”[8]

Mặc dù ông có dẫn Truyện Kiều, bám víu M.Bakhtin, thì những luận điểm của ông cũng bị nhà phê bình Nguyễn Hòa bẻ gẫy[9]: Từ cách Đỗ Lai Thúy đặt vấn đề không thỏa đáng, Nguyễn Hòa viết: “phải chăng để luận chứng cho sự ra đời của một “phương pháp phê bình mới”, ông đã dựa trên một tiền đề lý luận - thực tiễn còn mang màu sắc chủ quan và cảm tính?”; việc Đỗ Lai Thúy Lý giải quan hệ giữa văn hóa và văn học, Nguyễn Hòa yêu cầu: “tôi nghi ngờ điều Đỗ Lai Thuý cho rằng văn học: “Sáng tạo những giá trị mới cho bản thân nó và cho hệ thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay đổi của hệ thống”. Kính mong PGS TS Đỗ Lai Thuý thử đưa ra một dẫn dụ để chứng minh trong một thời kỳ nào đó của lịch sử loài người, đã có lúc các sáng tạo văn học từng dẫn tới sự thay đổi của hệ thống văn hóa?”, rồi Nguyễn Hòa lấy làm tiếc: “Thật đáng buồn, là một tác giả như PGS TS Đỗ Lai Thúy - người thường tỏ ra khá am tường về văn hóa qua một số bài viết, lại không nắm được các vấn đề lý luận - thực tiễn có tính bản chất trên đây hay sao?”; Khi Đỗ Lai Thúy đưa ra luận điểm: “cách tiếp cận văn minh. Cho đến nay loài người đã trải qua ba giai đoạn văn minh lớn, cơ bản: Văn minh gốc tự nhiên, văn minh gốc kỹ thuật và văn minh gốc con người.”Nguyễn Hòa thưa lại: “Tôi đồ rằng, do chưa tìm hiểu quan hệ văn hóa - văn minh, nên PGS TS Đỗ Lai Thuý đã “gán” cho văn minh những ý nghĩa của chính văn hóa… Người ta nghiên cứu văn hóa để qua đó tìm hiểu văn minh, thì PGS TS Đỗ Lai Thuý lại đi theo chiều ngược lại, ông lấy văn minh làm “đột phá khẩu” để xem xét văn hóa.”

Nguyễn Hòa kết luận: ”Thiết nghĩ, tình trạng hời hợt, cảm tính, thiếu vắng một số căn cốt lý thuyết cơ bản về đối tượng cùng những luận giải mang màu sắc “hư vô” của PGS TS Đỗ Lai Thuý mà tôi phân tích trên đây có nguồn gốc từ việc ngay ở điểm xuất phát, ông đã không xác lập một khái niệm văn hóa có tính chất công cụ, bảo đảm cho sự nghiên cứu luôn luôn nhất quán về mặt khuynh hướng. Khái niệm ấy, có thể là do ông vay mượn của người khác hay do ông tự tạo lập, thì chí ít ra nó cũng không đẩy ông tới các kiến giải nhì nhằng, lúc thì coi văn hóa có cùng cấp độ với văn minh, lúc lại “gán” cho văn minh các phẩm chất của văn hóa, không nhận thấy hệ thống xã hội cũng là bộ phận cấu thành của văn hóa, đặc biệt là “sáng tạo” ra ý tưởng oái oăm về sự xung đột và chống lại của văn học đối với văn hóa…!”;

Cuối cùng, dẫu bài viết này là khá gay gắt, tôi vẫn không thể không công bố. Bởi tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đặt mọi “phát kiến khoa học” dưới sự soi chiếu của khoa học. Một ngày mà tinh thần phản biện trong khoa học còn bị suy giảm bởi thói quen “dĩ hòa vi quý” hay nể nang thì ngày đó, chúng ta còn phải đối mặt với những sản phẩm “giả khoa học” chỉ gây cản trở, nếu không nói là làm nhiễu loạn nhận thức chung của cộng đồng nghề nghiệp và công chúng.”

Không chỉ có nhà phê bình Nguyễn Hòa “phản biện” Đỗ Lai Thúy, GS-TS Trần Đình Sử cũng “phản biện” rất thẳng thắn về bài viết “Khi người đọc xuất hiện” của Đỗ Lai Thúy [10], dù trước đó ông vui mừng giới thiệu Bút pháp của ham muốn.

GS-TS Trần Đình Sử nhận định khái quát bài viết:

Trong bài này anh Thuý muốn xác lập cơ sở lý luận cho một hệ hình phê bình văn học hiện đại, tức tiếp cận tác phẩm văn học từ phía người đọc, giới thiệu vai trò quan trọng của thông diễn học đối với nghiên cứu, phê bình văn học hôm nay. Đáng tiếc là nó có quá nhiều chỗ trái với logich khoa học và thực tế, chứng tỏ một lối làm việc (tuỳ tiện) đáng buồn…/ Quan niệm về “người đọc cổ điển” của anh là một đề xuất tuỳ tiện.”;
“Đỗ Lai Thuý thiếu kiến thức về người đọc trung đại và hoạt động đọc của họ cho nên có nhiều chỗ sai
…”

Hai là, quan niệm cho rằng người đọc cổ điển chỉ biết đọc thụ động, họ đọc văn như là “bắt vòi sang đấy (tác phẩm) là tiếp nhận được mọi thứ theo nguyên tắc bình thông nhau” (nguyên văn của anh Thuý!) cũng khó tin. Lí thuyết của Đỗ Lai Thuý chỉ là sự suy diễn bắt nguồn từ một quan niệm tiến hoá thô thiển, thiếu hẳn tri thức và quan điểm lịch sử…”

“Điểm thứ ba. Sự đối lập người đọc cổ điển và người đọc hiện đại theo bốn điểm như trên sở dĩ không đúng chủ yếu là do Đỗ Lai Thuý, tuy trích dẫn nhiều tên tuổi nổi tiếng phương Tây, song tôi nghĩ, anh chỉ mới hiểu chung chung, chưa cụ thể về hoạt động đọc và bản chất, cơ chế của sự đọc…”
“Điểm thứ 5. Đỗ Lai Thuý dựa vào lí thuyết tiếp nhận, thông diễn học, hiện tượng học để xác lập khái niệm người đọc hiện đại… Ở đây Đỗ Lai Thuý có ít nhất 3 ngộ nhận

Anh không phân biệt cái chung, cái riêng, chỗ thì đem cái chung quy cho cái riêng, chỗ thì lại đem cái riêng quy thành cái chung. Thật không có ai tư duy khoa học như Đỗ Lai Thuý.


GS-TS Trần Đình Sử kết luận: “Điều chúng tôi muón nói là làm khoa học thì không được tuỳ tiện, lại càng không được hư cấu.”

Cả nhà phê bình Nguyễn Hòa và GS-TS Trần Đình Sử đều chỉ ra sự thiếu kiến thức, lối làm việc tùy tiện và những “sáng tạo, hư cấu” ra những ý tưởng oái oăm, tạo ra những sản phẩm giả khoa học, của Đỗ Lai Thúy khi ông muốn “lập thuyết”.

Như vậy, xét từ cách tiếp cận thơ theo hệ hình, theo tiêu chí của Cái Khác, đến cách tiếp cận văn học từ văn hóa của Đỗ Lai Thúy, nhìn ở góc độ “lập thuyết”, Đỗ Lai Thúy còn cần nhiều thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm hơn nữa, và nhất là đừng tự huyễn hoặc với chính mình. Rất tiếc là thời đại đã vượt qua ông rất xa.

2.NĂNG LỰC CỦA NHÀ PHÊ BÌNH

Tôi quan tâm đến những bài phê bình văn học của Đỗ Lai Thúy. Bởi ở đó giúp tôi nhận ra tài năng của nhà phê bình.

TS Lê Thị Thanh Tâm cho rằng: “phần viết về Lê Đạt (theo đánh giá của cá nhân tôi) là đáng giá nhất… Đây là phần viết tốt nhất của Đỗ Lai Thúy bởi cách viết bông phèng thuần thục và cảm nhận tinh tế tuôn chảy không bị khựng lại bởi thuyết nọ thuyết kia”[6-đd]. Lã Nguyên thì cho rằng: “Các bài Đi tìm ẩn dụ Hoàng Cầm, Đi tìm thực chất thơ Hồ Xuân Hương, Hồ Xuân Hương cọ tình vào đá là những áng văn xuất sắc nhất trong phê bình phân tâm học của Đỗ Lai Thúy

Đỗ Lai Thúy viết về nhiều nhà thơ (4 tập sách với trên 30 nhà thơ) sao chỉ có bài viết về Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hồ Xuân Hương được đánh giá cao? Có thể là TS Nguyễn Thị Thanh Tâm và PGS-TS La Khắc Hòa (Lã Nguyên) chỉ chọn ra những bài hay nhất để khen theo “chuẩn” riêng của mình. Đọc bao giờ cũng là cảm nhận riêng, không ai giống ai. Tôi sẽ trực tiếp đọc những gì ông viết để tránh bị “ám thị” bởi ý kiến giới thiệu của tác giả và của những người đã đọc ông, để tái khám phá Đỗ Lai Thúy qua văn bản.

Nguyễn Du là một tác giả đã được nghiên cứu nhiều, Đỗ Lai Thúy có khám phá gì mới? Bài Nguyễn Du từ “một ai đó” đến “không ai cả”[11] chứng minh nhận định này: “Nguyễn Du là một thiền sư-cư sĩ, vừa giống như mọi người, tuân theo lẽ thường tình, vừa khác với mọi người, sống theo sự giác ngộ của mình, dìm một ai đó trong không ai cả.”.

Đỗ Lai Thúy chọn bài thơ Ngã độc Kim cương thiên biến linh của Nguyễn Du để khẳng định con đường giác ngộ của ông: “Phương pháp mà Nguyễn Du chọn tu là độc tụng và chiêm nghiệm (Ngã độc Kim cương thiên biến linh = Ta đọc kinh Kim cương nghìn lượt). Đọc, đọc nữa, đọc mãi rồi sẽ sinh ra nghi tình, tức một tình trạng mâu thuẫn với lý trí, hay lẽ phải thông thường, mà không giải quyết được. Đây chính là công án thiền. Rồi hôm nào đó tình cờ gặp một duyên sống mà bỗng nhiên bừng ngộ. Nguyễn Du đã chứng ngộ như vậy khi đứng trước Đài đá phân kinh của thái tử Chiêu Minh nhà Lương.”

Nhưng do đâu Nguyễn Du tìm đến Phật để trở thành Thiền sư?, Đỗ Lai Thúy dùng phân tâm học để lý giải: “Thực ra, những mất người thân, mất điều kiện sống ổn định, mất tính vĩnh cửu của vương quyền khiến Nguyễn Du, nhìn từ phân tâm học Freud, rơi vào mặc cảm bị tước đoạt. Điều này tạo ra một trống rỗng lớn trong tâm hồn ông. Để lấp đầy khoảng trống nỗi sợ/nỗi sợ khoảng trống ấy, Nguyễn Du nhất định phải nhanh chóng trở thành một ai đó… Có thể nói, đến đây, về mặt tâm thần, Nguyễn Du chẳng những không lấp đầy được trống rỗng mà còn lún sâu vào tình trạng phân rã, hoặc phân liệt, hay khủng hoảng tâm thần. Chứng u uất, âu lo, trạng thái tâm thần bất định “đi không yên ổn, ngồi không vững vàng” là dấu hiệu của bệnh ủy hoàng (hystérie) như Trương Tửu đoán định. Đây hẳn là thời điểm Nguyễn Du tìm đến với đạo Phật,

Nhưng rồi Đỗ Lai Thúy lại hoài nghi: “Thực ra, việc Nguyễn Du đã là một thiền sư hay vẫn chỉ là một nhà nho, đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến các thiền sư-học giả Vạn Hạnh

Đỗ Lai Thúy lý giải việc làm quan của Nguyễn Du và đưa ra một nhận định làm sửng sốt những người đã đọc kinh Phật: “…ta dễ hiểu vì sao Nguyễn Du, với tính cách là một thiền sư-cư sĩ, vẫn ra làm quan, vẫn sống cuộc đời quan trường như mọi người, nhưng khác mọi người ở chỗ dù tận tụy với công việc nhưng ông vẫn giữ được khoảng cách với quan trường, nghĩa là ông không ngụp lặn trong đó và không lấy sự thăng quan tiến chức làm mục đích sống của mình.”; May mắn là thiền sư-cư sĩ Nguyễn Du còn là một nghệ sĩ nữa, nên ông thấu hiểu và đầy cảm xúc với cuộc đời. Tức là bệnh ham muốn từ thuở một ai đó vẫn còn nguyên”

Thú thực là tôi không sao “nuốt trôi” những suy diễn hoàn toàn chủ quan, bịa đặt của Đỗ Lai Thúy khi ông lý giải về Nguyễn Du. Sự vận dụng Phân tâm học cùng với việc giải thích về kinh Phật, về sự giác ngộ của Nguyễn Du của Đỗ Lai Thúy là không thể chấp nhận được. Nguyễn Du bị “khủng hoảng tâm thần, có dấu hiệu của bệnh ủy hoàng (hystérie)”. Nguyễn Du đã giác ngộ mà “bệnh ham muốn từ thuở một ai đó vẫn còn nguyên” thì sao gọi là giác ngộ? Con đường giác ngộ của Phật là diệt dục điều sơ đẳng đó ai cũng biết.

Đỗ Lai Thúy gọi Bùi Giáng là “nhà thơ của các nhà thơ”[12], là “Thi sĩ-triết gia”. “Bùi Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại”.

Đỗ Lai Thúy khám phá về Bùi Giáng: “Một trong những cách sống thể hiện sự nhất quán của thi cách và nhân cách Bùi Giáng đó là bệnh điên của thi nhân”, nhưng rồi Đỗ Lai Thúy lại tự phủ định: “chuyện Bùi Giáng có điên thật hay không. Tạm gác sang bên vấn đề bất khả giải”.
Thế nhưng Đỗ Lai Thúy lại nói khá kỹ về bệnh điên của Bùi Giáng: “Bùi Giáng, trước hết, rất ý thức về cái điên của mình”; “Bùi Giáng còn dấn thân quyết liệt vào nghề nghiệp điên. Bởi lẽ, thi nhân tìm thấy ở điên niềm hạnh phúc. “Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời”; “Điên của Bùi Giáng, bởi vậy, chính là một thái độ sống, một cách tồn tại ở đời.”;

Và Đỗ Lai Thúy kết luận: “Người điên cũng như người chứng ngộ đều cùng chung một cõi vô trí.”; “Ông như một Bồ Tát không bước hẳn vào cõi vô ngôn, vô trí mà vẫn ở lại với Lời để cứu Lời.”

Đọc bài viết của Đỗ Lai Thúy viết về Bùi Giáng. Tôi trông chờ ông giảng một bài thơ nào đó của Bùi Giáng, nhưng tuyệt nhiên không. Bài viết của Đỗ lai Thúy chỉ toàn là những nhận định võ đoán, Đỗ Lai Thúy không sao thâm nhập vào được thế giới tư tưởng và nghệ thuật của Bùi Giáng. Ngay cả luận điểm cốt lõi của bài viết là: Bùi Giáng là “thi sĩ- triết gia” cũng không được Đỗ Lai Thúy lý giải. Rất tiếc là, Bùi Giáng bị điên mà Đỗ Lai Thúy lại không dùng phân tâm học để đọc thơ ông. Đỗ Lai Thúy và Phân tâm học sẽ hòan toàn bất lực trước thơ Bùi Giáng vì thơ Bùi Giáng là thơ tư tưởng, tư tưởng của Bùi Giáng là tư tưởng của Hoa Nghiêm, cách diễn ngôn của Bùi Giáng là cách nói vô ngôn của Thiền.[13]

“Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.”

Bùi Giáng không hề là Hậu hiện đại như Đỗ Lai Thúy cố gán ghép cho ông. Thụy Khuê cho rằng: “Bùi Giáng tìm về người thầy Nguyễn Du như một cứu cánh. Hầu như mỗi bài thơ của ông đều có ít nhất một chữ hoặc một câu của Nguyễn Du. Và cấu trúc toàn bài thường dựa vào ý một câu Kiều”[14]

Thanh Tâm Tuyền là một hiện tượng cách tân thơ ở miền Nam trước 1975. Thơ ông là một cõi riêng thách đố trí tuệ người đọc. Trong bài viết “Thanh Tâm Tuyền đi tìm tiếng nói” [15], Đỗ Lai Thúy, bằng thi pháp học, có những phát hiện tinh tế, sâu sắc về lớp vỏ chữ:

“Ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền để tương ứng với một thực tại vỡ vụn, rời rạc, cũng trở nên rời rạc, vỡ vụn. Thi nhân tước bỏ hầu hết những từ nối, từ gối, từ cú pháp, khiến mạch liên kết giữa chữ và chữ bục đứt, các từ rời ra. Thi nhân cũng lược bỏ các ý chuyển tiếp, các hình ảnh chuyển tiếp, khiến mạch câu, đoạn bị đứt gãy đột ngột, bất ngờ. Như vậy, các từ, các cụm từ, các câu, các hình ảnh, các ý tưởng rời nhau, trở thành những đơn vị độc lập, tự thân, đứng cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, tự sắp xếp với nhau hoặc liên hệ với nhau một cách tình cờ…
…Ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền, vì thế, mang tính rời rạc, tự thân, chưa có nghĩa, hoặc chỉ mang nghĩa tự điển của vật liệu…”
“Bài thơ câu dài ngắn, tồn tại như những khả thể, đằng sau bài thơ được hiện hữu ấy còn thấp thoáng, ẩn khuất những bài thơ khác ở dạng tiềm/ tiền sinh. Câu thơ thì chảy tràn từ dòng trên xuống dòng dưới như những chiếc đồng hồ Dali. Còn từ thì luôn vượt thoát hấp lực của trường ngữ nghĩa nguyên thuỷ, do "trung tâm tạo nghĩa" sinh ra, để lang thang trong không gian bên ngoài trúc tìm nghĩa mới. Thơ Thanh Tâm Tuyền, vì thế, vượt qua ngữ học cấu trúc của Saussure để đến với ngữ dụng học của Witgenstein.


Đỗ Lai Thúy cũng nhận xét về Cái Tôi, về cấu trúc thơ, về nhịp điệu thơ của Thanh Tâm Tuyền. Ông lần đến tư tưởng sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền là: “Sáng tạo, theo Thanh Tâm Tuyền, là sự nổi loạn

Tôi mong được đọc một bài Đỗ Lai Thúy phân tích thơ Thanh Tâm Tuyền, nhưng trong bài viết, tuy ông có dẫn chứng bài thơ Phục Sinh (để nói về Cái Tên và Cái Tôi của Thanh Tâm Tuyền), và bài Lệ đá xanh (để nói về nhịp điệu làm xô lệch cấu trúc bài thơ - nghĩa là những yếu tố hình thức thơ), ông không hề phân tích ý nghĩa bài thơ.

Tôi ngờ rằng Đỗ Lai Thúy không đọc được thơ Thanh Tâm Tuyền. Bởi thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ tư tưởng, mỗi bài thơ là một “dòng ý thức” về hiện sinh được diễn đạt bằng nghệ thuật Siêu thực. Cái Tôi trong thơ Thanh Tâm Tuyền là Cái Tôi với dòng ý thức trôi chảy, khác với Cái Tôi trong Thơ Mới là Cái Tôi tâm trạng. Đỗ Lai Thúy chỉ lần mò ở lớp vỏ chữ của thơ, ông không sao nhập vào được dòng ý thức và nghệ thuật Siêu thực. Ông mơ hồ rằng: “thơ Thanh Tâm Tuyền thao thiết một ý thức, ý thức hiện sinh, ý thức về thời cuộc, về tự do, về hôm nay, về một hiện thực cực thực, về thân phận nhược tiểu, về da đen, về Việt Nam và về thế giới”và sau cùng ông ca ngợi: “Thanh Tâm Tuyền cho đến nay, vẫn là một quả núi, đột khởi, sừng sững, gây kinh ngạc. Bởi, với những cấu trúc bị xô lệch, những nhịp điệu bị trôi chảy..., thơ ông đã đạt tới văn chương hiện đại giai đoạn cuối kỳ.”

Đỗ Lai Thúy viết về Thanh Tâm Tuyền như một con người siêu hình. Ông gạt bỏ tất cả bối cảnh xã hội, thời cuộc trong đó Thanh Tâm Tuyền chìm nổi. Ông cũng bỏ luôn mảng thơ Thanh Tâm Tuyền viết trong thời gian đi cải tạo, như vậy làm sao Đỗ Lai Thúy có thể hiểu tiến trình thơ Thanh Tâm Tuyền. Thi pháp học và Phân tâm học chỉ giúp Đỗ Lai Thúy hiểu đặc điểm thơ Thanh Tâm Tuyền về ngôn ngữ, nhịp điệu, cấu trúc, còn những tầng lớp khác của cấu trúc thế giới nghệ thuật thơ Thanh Tâm Tuyền, Đỗ Lai Thúy không đọc được.

Tôi định dừng đọc Đỗ Lai Thúy ở đây, song có người khen bài Đỗ Lai Thúy viết về thơ Hoàng Cầm, tôi đành phải dành ít phút để đọc Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm [16].

Đỗ Lai Thúy nhấn vào vài luận điểm: “Về Kinh Bắc là một giấc mơ. Không chỉ do Hoàng Cầm viết trong trầm mộng, mà chính vì thi phẩm có đường nét của giấc mơ”; “Giấc mơ bao giờ cũng ẩn chứa những ham muốn vô thức”; Mặc cảm Oedipe chi phối toàn bộ tập thơ Về Kinh Bắc nói riêng và cả đời thơ Hoàng Cầm nói chung”; “Ẩn ức tình dục không được thỏa mãn của thời thơ ấu đã phổ vào thơ Hoàng Cầm”; “Lá Diêu bông là ước mơ tình dục bất hợp pháp đã chi phối suốt cả đời Hoàng Cầm”

Do đâu Hoàng Cầm có mặc cảm Oedipe, Đỗ Lai Thúy lý giải: “Hoàng Cầm là một người có tuổi thơ không bình thường. Mẹ Hoàng Cầm là một cô gái làng Bựu, một làng quan họ nổi tiếng, Ông bà lấy nhau rồi chê nhau đến hơn mười năm trời… khi Hoàng Cầm sinh ra, mẹ nhà thơ phải vượt cạn một mình, rồi cũng một mình tần tảo nuôi con… Nhà thơ đã sớm cảm nhiễm cái gia cảnh của mình… Nỗi buồn ấy thực ra là mặc cảm Oedipe, yêu mẹ ghét bố, mà nhà thơ, chưa nói bấy giờ mà ngay cả bây giờ, vẫn chưa ý thức được

Đỗ Lai Thúy kết luận về thơ Hoàng Cầm: “Tóm lại, Về Kinh Bắc hội đủ các yếu tố của một thi phẩm siêu thực: giấc mơ, ẩn dụ, huyền thoại, viết tự động…, nhưng vẫn chưa phải là một tác phẩm đúng nghĩa của chủ nghĩa siêu thực như ở phương Tây

Thú thực là tôi thấy Đỗ Lai Thúy áp đặt quá đáng nhận thức chủ quan của mình về thơ Hoàng Cầm. Ông sử dụng Phân tâm học một cách méo mó để giải thích vấn đề. Từ hoàn cảnh riêng cha mẹ của Hoàng Cầm ông suy ra mặc cảm Oedipe, con trai yêu mẹ, ghét bố. Từ nhận định Về Kinh Bắc là một giấc mơ, ông dẫn đến ý tưởng Giấc mơ bao giờ cũng ẩn chứa những ham muốn vô thức”; ông cho rằng “ham muốn vô thức” ấy là “Ẩn ức tình dục không được thỏa mãn của thời thơ ấu” của Hoàng Cầm…

Ai cũng biết đâu phải giấc mơ nào cũng chứa những ẩn ức tình dục! Người ta sẽ hỏi, đứa trẻ được thỏa mãn ẩn ức tình dục như thế nào? Và được thỏa mãn ẩn ức tình dục, nên trẻ con không bị buồn bực dồn nén chăng. Mặc cảm Oedipe và Ẩn ức tình dục là hai khái niệm Phân tâm học khác nhau. Mẹ Hòang Cầm một mình tảo tần nuôi con, Hòang Cầm sớm cảm nhận gia cảnh mà thương mẹ, đó là một thứ tình cảm tinh thần, đâu phải là “ẩn ức tình dục”, đâu phải mặc cảm Oedipe, con trai ghét bố khi thấy bố gần gũi âu yêm mẹ! Bố Hoàng Cầm đi xa, bỏ rơi mẹ Hoàng Cầm, làm sao có mặc cảm Oedipe được!

Đọc bài viết, Tôi tự hỏi, chẳng nhẽ Hoàng Cầm làm thơ chỉ là để thỏa mãn ẩn ức tình dục của riêng nhà thơ? Vậy đâu là giá trị những sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Cầm đối với cộng đồng xã hội, cộng đồng văn hóa và lịch sử thơ Việt?

Tôi thực sự hoài nghi cái cách mà Đỗ Lai Thúy sử dụng phương pháp Phân tâm học. Đỗ Lai Thúy chỉ dùng thơ Hoàng Cầm làm chứng cớ cho nhận định của mình về Hoàng Cầm, tức là dùng tác phẩm như vật chứng, lời chứng để quy kết về tác giả, hơn nữa là những quy kết áp đặt, giả định, chủ quan. Một phương pháp đọc thơ như vậy, liệu có đem đến những thông tin đáng tin cậy hay không? Tất nhiên tôi không phủ định những phân tích thi pháp của Đỗ Lai Thúy trong bài này. Ông có những phát hiện thú vị. Tuy nhiên đó chỉ là những phát hiện về vỏ chữ của thơ, còn giá trị tư tưởng, sáng tạo nghệ thuật đều bị Đỗ Lai Thúy bỏ qua.

3.“KẺ THÍCH CHIA RẼ DƯ LUẬN”[17]

Đỗ Lai Thúy đã viết về các nhà thơ: Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều; Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm (Bút pháp của ham muốn); Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Dương Khuê, Tú Xương, Tản Đà (Hé gương cho người đọc); Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Xuân Thu Nhã Tập (Mắt Thơ); Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Bùi Giáng, (Thơ như là mỹ học của cái khác).

Nhìn vào công trình của Đỗ Lai Thúy, Mai Anh Tuấn cho rằng Đỗ Lai Thúy “cặm cụi trục vớt những danh thi”. Đúng là Đỗ Lai Thúy viết về những nhà thơ (hầu hết) đã thành người của thiên cổ. Tôi không thấy mặt những nhà thơ đương đại, những nhà thơ trong hệ hình Hậu hiện đại nối tiếp Bùi Giáng như ông nói, chẳng hạn Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Văn Cầm hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Hữu Hồng Minh... Chẳng nhẽ họ không có gì cho ông đáng viết?

Lý giải điều này thế nào?

Phải chăng đó là thái độ né tránh vì ông sợ phiền phức đối với người đang sống, vì nếu ông dùng Phân tâm học để phát hiện ra những “ẩn ức tình dục” của họ như trường hợp ông viết về Hoàng Cầm. Ông kể: “khi tôi viết bài về Xuân Diệu đăng đầu tiên trên một tờ báo điện tử, con trai Huy Cận đến tận toà soạn doạ sẽ kiện Đỗ Lai Thuý vu khống Xuân Diệu, vu khống Huy Cận. Tôi bắn tin, muốn kiện cứ kiện Tô Hoài trong Cát bụi chân ai trước.”. Đỗ Lai Thuý nói vui, rằng “người làm phê bình bao giờ cũng phải có bản lĩnh, lì lợm, thậm chí, mặt dày mày dạn” [17-đd]

Đỗ Lai Thúy không viết về những nhà thơ hệ hình Hậu hiện đại theo chân Bùi Giáng, là vì ông không đọc được họ (hạn chế về năng lực và phương pháp phê bình). Trước đó, ông đã không đọc được thơ siêu thực-dòng ý thức của Thanh Tâm Tuyền và thơ vô ngôn viết theo mỹ học Thiền của Bùi Giáng thì sao ông đọc được Siêu thực của Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, làm sao ông đọc được những tác phẩm thơ bị phá vỡ cấu trúc, phá vỡ không gian, thời gian, nhân vật và thi luật, và xen vào những ngẫu nhiên, hoang tưởng, những mảnh vỡ của thơ Văn Cầm Hải, Nguyễn Thúy Hằng, Ly Hoàng Ly. Ngay cả thơ Tân hình thức của Khế Yêm mà ông khen ngợi, ông cũng không hề chạm vào…Bởi Thi pháp học và phân tâm học không giúp ông thâm nhập được vào thế giới thơ của những nhà thơ này. Cho nên ông khai quật thơ những ngưới đã chết (thời đại đã vượt qua họ) là vì vậy. Có lẽ phải chờ các nhà phê bình trẻ đến sau ông, khi họ được trang bị lý thuyết và kỹ năng bài bản hơn ông, họ thuộc thế hệ hậu hiện đại, lúc ấy may ra họ sẽ kế tục được ông.

Ông thích “chia rẽ dư luận” là vì, như GS-TS Trần Đình Sử và nhà phê bình Nguyễn Hòa nhận xét, ông “hư cấu” những lý thuyết không có cơ sở, ông đưa ra những nhận định áp đặt lên đối tượng phê bình trái với lý luận và thực tiễn (trường hợp Nguyễn Du, Hoàng Cầm chẳng hạn), và ở việc ông “xoay trục” liên tục từ Thi pháp sang Phân tâm học, rồi nghiên cứu hệ hình chuyển sang tiếp cận văn học từ văn hóa, nó lộ ra rằng chưa phương pháp phê bình nào giúp ông khám phá được bản chất, giá trị đích thực của sáng tạo nghệ thuật. Ông dùng tác phẩm làm chứng cớ để quy kết về tác giả, đó là một phương pháp phê bình đã lạc hậu lắm rồi. Ông đặt ra mô hình tiếp cận tác phẩm: Tiền văn bản-Văn bản-Hậu văn bản có vẻ “hoành tráng”, nhưng tôi không thấy ông thực hiện mô hình này trong công trình nào. TS Lê Thị Thanh tâm gọi lối viết của ông là một lối phê bình “âm ỉ sướng”, vì “Đỗ Lai Thúy mang đến cái sung sướng khoái trá cho người đọc qua những “chân trời” thơ tinh tế, sắc cạnh.” và nhận định về con đường của ông: “Từ kỹ năng, khả năng, đến bản năng, tài năng là con đường quá dài…” [6-đd].

Nói ông là người thích chia rẽ dư luận làm tôi nhớ đến những ý kiến “khá gay gắt” của Nguyễn Hòa, Trần Đình Sử [đd], và những lời nặng nề của Nguyễn Tôn Hiệt [18] nhận xét về ông.

Dẫu thế nào, có thể khẳng định điều này, Thi pháp học cùng với năng lực bẩm sinh (trực giác nghệ thuật) đã giúp ông khám phá được nhiều điều thú vị về nghệ thuật ngôn từ của các nhà thơ, từ đó ông có những trang viết bay bổng, giàu cảm xúc, có thể làm say mê người đọc.
Còn những điều khác…, như ông nói: “người làm phê bình bao giờ cũng phải có bản lĩnh, lì lợm, thậm chí, mặt dày mày dạn


_____________________

[1] Lã Nguyên-Đỗ Lai Thúy và phê bình phân tâm học Việt Nam:
https://languyensp.wordpress.com/2016/02/14/do-lai-thuy-va-phe-binh-phan-tam-hoc-viet-nam/
[2] Đỗ Lai Thý-Tiếp cận văn học từ hệ thống văn hóa:
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/cac-binh-dien-cua-van-hoa/2956-do-lai-thuy-tiep-can-van-hoc-tu-he-thong-van-hoa.html
[3] Lê Sử-Đỗ Lai Thúy và phê bình Thi pháp học
https://www.facebook.com/permalink.php?id=316117815185932&story_fbid=316383101826070
[4] Trần Đình Sử- Đỗ Lai Thuý và bút pháp ham muốn
http://vietvan.vn/vi/bvct/id1108/Do-Lai-Thuy-va-but-phap-ham-muon/
[5] Nguyễn Mạnh Tiến- Chú giải ngắn về phê bình văn học Đỗ Lai Thúy và Thơ như là mỹ học của cái khác,
Tham luận tại tọa đàm: “Đỗ Lai Thúy và Thơ như là mỹ học của cái khác” do Khoa Viết văn – Báo chí (ĐHVH HN) tổ chức ngày 26/4/2013)
http://vietvan.vn/vi/bvct/id3511/Chu-giai-ngan-ve-phe-binh-van-hoc-Do-Lai-Thuy-va-Tho-nhu-la-my-hoc-cua-cai-khac/
[6] Lê Thị Thanh Tâm-Phê bình thơ xác lập đẳng cấp thưởng thức nghệ thuật
http://vietvan.vn/vi/bvct/id3517/Phe-binh-tho-xac-lap-dang-cap-thuong-thuc-nghe-thuat-(*)/
[7] Mai Anh Tuấn- Đọc thơ như là mỹ học của cái khác.
http://vannghequandoi.com.vn/Diem-sach/Doc-Tho-nhu-la-my-hoc-cua-cai-khac-282.html
[8] Đỗ Lai Thúy-Tiếp cận văn học từ hệ thống văn hóa-Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/cac-binh-dien-cua-van-hoa/2956-do-lai-thuy-tiep-can-van-hoc-tu-he-thong-van-hoa.html
[9] Nguyễn Hòa- PGS TS Đỗ Lai Thuý: từ những tiền đề sai đến một kết quả… đúng!?
http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/2257702-.html
[10] Trần Đình Sử- Những luận lí khó tin (Đọc Khi người đọc xuất hiện của Đỗ Lai Thuý)
https://trandinhsu.wordpress.com/2016/03/26/li-thuyet-kho-tin/
[11] Đỗ Lai Thúy- Nguyễn Du từ “một ai đó” đến “không ai cả
vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nguyen-du-tu-mot-ai-d-den-khng-ai-ca/
[12] Đỗ Lai Thúy-Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ:
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4731&CategoryID=41
[13] Xin đọc: Bùi Công Thuấn-Bùi Giáng, ai người chia sẻ
http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=7197
[14]Thụy Khuê-Hiện tượng Bùi Giáng
http://thuykhue.free.fr/stt2/index.html
[15] Đỗ Lai Thúy-Thanh Tâm Tuyền đi tìm tiếng nói
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18198
[16] Đỗ Lai Thúy-Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cấm
http://tqtrung1010.blogspot.com/2012/09/tham-khao-o-lai-thuy-viet-ve-tho-hoang.html
[17]- Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy - Kẻ thích chia rẽ dư luận
http://www.tienphong.vn/van-nghe/nha-phe-binh-do-lai-thuy-ke-thich-chia-re-du-luan-618028.tpo
[18] Nguyễn Tôn Hiệt-Đỗ Lai Thúy và trường phái “luộc văn”
talawas.org/talaDB/showFile.php%3Fres%3D14440%26rb%3D0106+&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn


Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

GS-TS TRẦN ĐÌNH SỬ và THI PHÁP HỌC

Lý luận và phê bình văn học-Diện mạo của một thời
GS-TS TRẦN ĐÌNH SỬ và THI PHÁP HỌC
Bùi Công Thuấn



GS-TS Trần Đình Sử là một giáo sư hàng đầu của ngành giáo dục và cũng là nhà khoa học có uy tín trong nghiên cứu văn học. Ông nổi tiếng với nhiều công trình về Thi pháp học như Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Giáo trình thi pháp học (1993). Thi pháp văn học trung đại (1998), Dẫn luận thi pháp học (1999), và Thi pháp truyện Kiều (2002)... Ông cũng là trưởng tiểu ban xây dựng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ GD&ĐT. Do những đóng góp to lớn về giáo dục và văn học, ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000...Trong năm 2017 ông nhận Giải văn hóa Phan Chu trinh về nghiên cứu.
Tôi viết về ông với sự quý mến, trân trọng và chia sẻ, dù vậy, tôi cũng rất đắn đo khi viết những dòng này.

1.NGƯỜI TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Để hiểu một người, không gì bằng nghe chính người ấy tâm sự. Ngôn ngữ cung cấp cho người nghe thông tin về sự việc được nói đến (Cái biểu đạt dẫn đến hiện thực được nhận thức), thông tin về quyền lực của diễn ngôn, về chủ thể diễn ngôn, và hơn nữa...

GS-TS Trần Đình Sử kể về cuộc đời mình: [1]

“Tôi nhớ những ngày tháng Tám năm 45, nhà tôi ở cửa Nhà Đồ, thành phố Huế, một hôm tự nhiên ba tôi đem về cờ đỏ sao vàng, đem cả gươm và dáo dài. Tôi nhớ đã cùng ba tôi đi xem vua Bảo đại thoái vị. Tôi được đỡ leo lên cột điện có dóng sắt đóng chéo rất đau chân để nhìn sang Ngọ môn. Sau này được nghe nói lại, trước khi vua thoái vị, ông Trần Huy Liệu đứng chống nạnh hai tay, chỉ khi vua đọc xong chiếu thoái vị thì ông mới đứng chắp tay, đón ấn kiếm. Sau đó thì mặt trận Huế vỡ, cả nhà tôi chuyển ra Quảng Trị. Khi thuyền qua huyện Hải Lăng giữa đêm khuya thì bị nghi là Việt gian, hai bên bờ tiếng hô râm ran, bắt Việt gian, Bắt Việt gian. Nghe tiếng hò náo loạn, Ba tôi thức dậy vội cầm giáo ra đứng ở mũi thuyền nhìn quanh xem Việt gian ở đâu. Một lúc thì biết, hoá ra người ta nghi ba tôi là Việt gian. Hàng chục người giáo mác lội ra giữa sông vây chặt khiến thuyền chúng tôi suýt chìm, và chúng tôi bị đưa lên bờ, giải về nhà lao Hải Lăng. Đồ đoàn bị tịch thu hết. Tôi bị giam cùng ba tôi trong xà lim. Tôi nghĩ mình nên hát quốc ca để họ khỏi hiểu lầm, và tôi đã hát quốc ca rất to trong đêm, nhưng không ai đoái hoài. Sáng hôm sau chúng tôi được đưa lên xe tải có dân quân mang gươm áp tải, đưa về thị xã Quảng Trị. Về tới nơi thì gặp toàn người thân, người ta xem giấy tờ và cho về nhà. Hồi ấy mà bị nghi Việt gian dễ chết như chơi. Có nơi nghe nói Việt gian, không xét xử gì hết chém liền. Thật hú vía.
Nhà tôi ở thôn Phúc Khê, xã Triệu Sơn huyện Triệu Phong đã hai lần bị Tây lùng đốt trụi, sau đó chuyển lên chiến khu Ba lòng, ở thôn Làng Hạ, xã Triệu Nguyên. Tôi đã tham gia đội thiếu nhi cứu quốc xã, tham gia diễn kịch cương do các anh bên Ty công an tỉnh dàn dựng. Năm 1951 đi bộ ra Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh học ở Trại Thiếu sinh Quảng Trị, do tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức cho con em trong tỉnh, cùng Ngô Thảo và nhiều bạn khác. Sau năm 1954 tôi được chuyển sang trường Học sinh miền Nam, lúc đầu ở Diễn Châu, sau chuyển ra Đan Phượng, Hoài Đức rồi Tây Tựu, Thượng Cát, Từ Liêm, sau đó về Phổ thông cấp 3 Hà Nội, rồi Nguyễn Trãi 3 Cửa Bắc.

Khi ở Đức Thọ tôi đã cùng đội thiếu niên đánh trống cỗ vũ Cải cách ruộng đất, chứng kiến đấu và bắn địa chủ. Khi ra Hà Nội tôi cùng các bạn từng xe đất đắp đường Thanh Niên Hồ Tây, đắp bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu. Từng chứng kiến Nhân Văn Giai phẩm. Chứng kiến hợp tác hoá nông nghiệp. Vào tuyến lửa, chứng kiến chiến tranh leo thang, phá hoại của Đế quốc Mĩ. Chứng kiến ngày cả nước tang tóc khi Bác Hồ từ trần. Chứng kiến ngày vui toàn thắng, cả Hà Nội đổ ra Bờ hồ Hoàn Kiếm ăn mừng, rồi thống nhất đất nước. Chứng kiến người anh em núi liền núi sông liền sông đánh giết đồng bào biên giới phía bắc nước ta. Chứng kiến những ngày đất nước khốn khổ trong cơ chế bao cấp tem phiếu và bị cấm vận. Chứng kiến và tham gia ngày đổi mới. Chứng kiến sự sụp đổ niềm tin rồi sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt nguyên lí văn học
.”

Ông trải lòng: “Nghiên cứu văn học là một ngành cực khó, không chỉ đòi hỏi năng lực nhạy bén mà còn đòi hỏi hiểu biết rất nhiều, rất toàn diện. Là một người Việt Nam lớn lên trong hai cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng xã hội liên tục, nghịêt ngã tôi cảm thấy thiếu thốn đủ thứ. Được sang học Trung Quốc, Liên Xô là những nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, là rất vinh dự, tôi vẫn thấy thiếu thốn về tư tưởng, học thuật. Là người đã nắm vững tiếng Trung, tiếng Nga, song tôi luôn đau khổ vì không biết tiếng Pháp, tỉếng Anh, tiếng Đức, chưa hiểu hết nhiều điều trong lĩnh vực mà tôi quan tâm. Tôi luôn luôn cảm thấy sự lúng túng của mình. Cảm thấy thế giới của mình còn rất hạn hẹp. “[đd]

Khi nhận Giải Văn hóa Phan Chu Trinh 2017, ông tự nhận xét về cuộc đời hoạt động nghiên cứu của mình:

“Tôi là một giảng viên đại học, bắt đầu giảng dạy bộ môn lí luận văn học ở đại học sư phạm từ giữa những năm sáu mươi thế kỉ trước. Trong khi dạy, tôi dần dần nhận thấy tính chất công thức, sơ lược của lí thuyết theo quan điểm mĩ học Mác – Lênin thời ấy, chủ yếu dạy về quan điểm triết học và chính trị, không giúp nhiều cho người học thấy được đặc trưng, sự phong phú, vẻ đẹp cũng như giá trị văn hoá của sáng tác văn học. Nhờ tự học tiếng Nga và đọc các sách báo Nga hồi ấy, tôi thấy giới trí thức Liên xô vào thời “tan băng” đã có một bộ phận đi tìm những con đường tiếp cận mới, trong đó có thi pháp học. Các sách về phương diện này trước đó bị ngăn cấm, lúc bấy giờ đã lần lượt được in lại. Trên các tạp chí khoa học luôn có mục thi pháp, đăng tải các lí thuyết và tìm tòi mới. Do nghiên cứu lí thuyết bị cầm đoán, các nhà khoa học Nga đi vào nghiên cứu, phân tích tác phẩm, theo hướng thi pháp văn học với các tên tuổi lớn như M. Bakhtin, D. Li khachev, V. Shklovski, V. Girmunski…, cùng các nhà nghiên cứu trẻ ở Viện văn học thế giới như G. Gachev và các tác giả khác.

Thi pháp học nhấn mạnh đến nguyên tắc sáng tạo văn học lạ hoá và hư cấu, tạo ra một chỉnh thể có tính kí hiệu. Nó nghiên cứu thi pháp như hệ thống các phương thức, phương tiện tạo nên tác phẩm nghệ thuật, khẳng định tính quan niệm, tính chủ thể của sáng tác, nhận rõ sự khác biệt giữa hình tượng nghệ thuật với các hình ảnh sao chép giản đơn từ thực tế, từ đó chỉ ra nội dung, tính sáng tạo và cá tính của nghệ sĩ. Như thế thi pháp học góp phần khắc phục quan niệm phản ánh giản đơn và xã hội học dung tục, xác nhận tính

Thi pháp học là một hướng nghiên cứu mở, nó có thể dung nạp nhiều cách tiếp cận khác nhau như chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, nữ quyền luận, diễn ngôn học, xã hội học…Do đó mở rộng nghiên cứu các lí thuyết đó thì nghiên cứu thi pháp càng có thêm hiệu quả. Sau năm 90, song song với quá trình hội nhập, chúng ta tiếp thu thêm nhiều lí thuyết của phương Tây, việc ứng dụng thi pháp học đã đi vào chiều sâu. Nhiều công trình có thể không nêu tên thi pháp song thi pháp với tư cách là hệ thao tác nghiên cứu vẫn không bao giờ vắng mặt.

Bên cạnh dạy học lí luận văn học ở đại học, chúng tôi còn biên soạn chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn trung học phổ thông, trong đó chủ yếu là làm văn và đọc hiểu văn học. Chúng tôi nhận thấy cần thay đổi lối giảng văn cũ kĩ chủ yếu là dạy đọc chép. Trong đọc văn, chúng tôi khắc phục cách hiểu môn văn hẹp hòi chỉ là đọc các áng văn, thơ. Chúng tôi đề xuất cách hiểu văn nghĩa rộng, ngoài văn thơ là chính, học sinh còn đọc các văn bản có tính chất văn hiến, như cáo, chiếu, biểu, hịch, văn tế, các trích đoạn lịch sử, bình sử, các văn bản truyền bá khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên, văn bản báo chí. Bằng cách đó học sinh biết tiếp cận với các loại văn bản có nội hàm văn hoá của dân tộc để sau khi tốt nghiệp học sinh không xa lạ với văn hoá nước nhà và khoa học hiện đại. Chỉ tiếc là bộ môn giáo học pháp trong nhà trường còn quá cũ kĩ, chưa đáp ứng tư tưởng mới và chương trình con nặng nề. Để khắc phục sự cũ kĩ này, chúng tôi đã giới thiệu những cách tiếp cận mới như đọc hiểu văn học, các hình thức làm văn mới như biểu cảm, văn thuyết minh, nguyên tắc dạy học mới trên cơ sở lây học sinh làm trung tâm, phát triển cá tính của học sinh. Theo chúng tôi, dạy học văn học trong nhà trường không thể xa rời với văn hoá đọc
…”[2]

Những chia sẻ của GS-TS Trần Đình Sử ở trên đủ để người đọc hình dung quá trình hoạt động khoa học của ông, hiểu được tâm thế và ước vọng của ông trong nghiên cứu, đồng thời cũng hiểu phần nào hiệu quả những công việc ông đã dành hết sức lực, tâm huyết để làm.

Có thể coi ông là một mẫu mực của người trí thức Xã hội chủ nghĩa. Ông đã sống, học tập và hoạt động trên đất nước Xã hội chủ nghĩa (Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô). Nhà Nước cũng dành cho ông nhiều ưu đãi để ông có thể hoàn thành những nhiệm vụ trí thức. Nhà Nước cũng đã dành cho ông phần thưởng tôn vinh những đóng góp của ông. Cũng như nhiều trí thức Xã hội chủ nghĩa khác, dù trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn của đất nước, ông đã nỗ lực vươn lên, học tập và nghiên cứu; và có những đóng góp quan trọng cho học thuật nước nhà, tạo ra những hiệu quả tích cực làm phát triển đời sống trí thức và đời sống xã hội (giáo dục) của một thời

2.THI PHÁP HỌC , “hướng nghiên cứu mở”

Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá cao các công trình Thi pháp học của GS-TS Trần Đình Sử. [3] Tôi xin không nhắc lại, chỉ ghi nhận đôi điều:

TS Cao Thị Hồng cho rằng: “Người đầu tiên xác lập được tư tưởng học thuật, đề xuất một cách đầy đủ nhất hệ thống luận điểm khoa học thi pháp học hiện đại là Trần Đình Sử. Bên cạnh đó ông còn đồng thời triển khai tư tưởng học thuật thông qua việc luận giải đánh giá các hiện tượng văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại”. “Mô hình nghiên cứu của Trần Đình Sử bao gồm: quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, tình tiết, kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ thể hiện”, “Điểm đặc biệt là mô hình lý thuyết này có tính linh hoạt mềm dẻo, nó có thể bao hàm vào bản thân nó những bình diện của phong cách học, tự sự học, tu từ học, ký hiệu học, ngữ học. Theo quan niệm của mô hình này, thế giới nghệ thuật chỉ có thể được quy nạp, khái quát từ cái nền ngôn từ của văn bản, xuất phát từ những biểu hiện của ngôn từ mà rút ra.

TS Chu Văn Sơn nhận xét về văn phong của Trần Đình Sử: “Thi pháp học là lí thuyết khái quát từ nghệ thuật ngôn từ để trở về nghiên cứu nghệ thuật ngôn từ. Vì thế nó có một sức sống mạnh mẽ. Song, Thi pháp lại là thứ chúa phức tạp. Những người quen giản đơn không mặn mà lắm với Thi pháp cũng phải. Và khối người vẫn còn lầm lẫn, đánh đồng Thi pháp này với dạng thi pháp quen nghe trong truyền thống phương Đông hay Thi học của Arixtôt đến từ Hi Lạp.”; “Để cho ý của mình nổi trội và áp đảo, ông [Trần Đình Sử] đã huy động tất cả những kiến văn Đông Tây Kim Cổ có được để biện bác, thuyết phục. Lời thì sắc, ý thì chắc, mạch thì chặt, hơi thì nóng. Tất cả cứ toát lên một văn phong kiêu hùng. Phải, kiêu hùng là sắc thái nổi trội trong văn Trần Đình Sử. Đọc ông, người ta thấy đó là văn của trí và chí. Phía nào cũng ngùn ngụt.”

Nhà lý luận phê bình Đỗ Minh Tuấn nói về ảnh hưởng của GS-TS Trần Đình Sử: “Có thể nói, Trần Đình Sử đã đưa Thi pháp học lên ngôi ở Việt nam ngay trước thềm đổi mới, những người bảo thủ nhất trong nghiên cứu văn học cũng không phản đối. Các GS Đặng Thai Mai, Đỗ Đức Dục rất ủng hộ, cho rẳng Trần Đình Sử đã mở ra cánh cửa mới chưa từng có ở Việt Nam, mở ra những triển vọng mới cho nghiên cứu và phê bình văn học. Trần Đình Sử đã gây ngạc nhiên thú vị cho giới nghiên cứu, giảng dạy và phê bình văn học lúc bấy giờ khi nhấc bổng thần Ăng-tê nghệ thuật khỏi mặt đất hiện thực mà vị thần này vẫn còn nguyên sức mạnh, thậm chí còn tỏ ra nhiều năng lượng hơn xưa! Thế là, liền trong mấy năm trời, các viện nghiên cứu, Hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn, các tổ chuyên môn của một số trường Đại học, các diễn đàn, các CLB văn học nghệ thuật mời ông đến nói chuyện và tổ chức Hội thảo về thi pháp học y như ngày nay người ta mời các nhà cảm xạ học đến trình diễn trò thôi miên, hút những chiếc thìa nĩa, những chiếc muôi múc canh bay đến dính chặt vào thân thể!”

Lã Nguyên (PGS-TS La Khắc Hòa) là người có nhiều bài viết sâu sát về GS-TS Trần Đình Sử. Ông nhận xét về cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu: “Trần Đình Sử đã chứng minh đầy thuyết phục: thơ Tố Hữu là đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị Việt Nam…Trần Đình Sử đã đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề mà trước nay nghiên cứu văn học ít quan tâm. Đó là những vấn đề như quan niệm nghệ thuật về con người, không gian và thời gian nghệ thuật, chất thơ và phương thức thể hiện”; “Tôi cho rằng, đây là một trong những hướng thi pháp học hiện đại có nhiều triển vọng nhất, bởi nó mở ra khả năng giải quyết hàng loạt vấn đề mà mĩ học nhiều thế kỉ đặt ra, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Dĩ nhiên, nếu không có một trí tuệ sắc sảo, một tình yêu và ý thức trách nhiệm cao trước những giá trị tinh thần của dân tộc, chắc đâu cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu đã ra mắt bạn đọc!

Về cuốn“Thi pháp truyện Kiều” Lã Nguyên nhận xét, “cuốn sách của Trần Đình Sử đầy những phát hiện; phát hiện nào cũng sâu sắc góp phần nâng sự hiểu biết và trình độ cảm thụ của người đọc đối với Truyện Kiều lên một tầm cao mới

Về cuốn “Trên đường biên của lí luận văn học của Trần Đình Sử, Lã nguyên nhận xét: Cuốn sách “là tuyển tập các tiểu luận đã được ông công bố rải rác trong vòng mươi năm trở lại đây. Tôi gọi đây là cuốn sách bàn luận về sự khủng hoảng của lí luận văn học và suy ngẫm, tìm kiếm lối thoát cho sự khủng hoảng ấy”.

PGS-TS Văn Giá kể lại: “Thế hệ chúng tôi, đọc Trần Đình Sử ngày đó vỡ ra được rất nhiều. Điều thấm thía nhất đối với chúng tôi đó là nghiên cứu văn học sao cho văn học được là văn học, tức là nhìn văn chương xuất phát từ cái nhìn nghệ thuật chứ không phải bằng cái nhìn của xã hội học hoặc chính trị thô giản. Các công trình của Trần Đình Sử đã góp phần kéo thế hệ chúng tôi và nhiều người khác ra khỏi cái vòng luẩn quẩn nội dung tư tưởng chính trị xã hội của văn học. Cái mệnh đề nổi tiếng: “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu hình thức mang tính quan niệm” của Trần Đình Sử đã thực sự tiếp sức cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại nước ta.”

Những nhận xét đánh giá của các PGS-TS đã khẳng định GS-TS Trần Đình Sử mở ra khả năng giải quyết hàng loạt vấn đề mà mĩ học nhiều thế kỉ đặt ra, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đó là những đánh giá trân trọng và tôn vinh.

Tuy nhiên, mọi lý thuyết văn học đều có hạn chế của nó, ngay cả những lý thuyết văn học dựa trên những nền tảng triết học có giá trị (Phân tâm hiện sinh của J.P.Sartre chẳng hạn). Có lẽ sau những “thành công vang dội”, GS-TS Trần Đình Sử cũng nhận ra những giới hạn nghiên cứu lý thuyết về Thi Pháp học của ông. Ông viết: “Thi pháp học là một hướng nghiên cứu mở, nó có thể dung nạp nhiều cách tiếp cận khác nhau như chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, nữ quyền luận, diễn ngôn học, xã hội học…”; “Sau năm 90, song song với quá trình hội nhập, chúng ta tiếp thu thêm nhiều lí thuyết của phương Tây, việc ứng dụng thi pháp học đã đi vào chiều sâu. Nhiều công trình có thể không nêu tên thi pháp song thi pháp với tư cách là hệ thao tác nghiên cứu vẫn không bao giờ vắng mặt.

Như vậy Thi pháp học (của Trần Đình Sử) chỉ là một “hướng nghiên cứu mở”, nó không phải là một lý thuyết văn học độc lập. Mô hình thi pháp học của Trần Đình Sử không đủ sức lý giải mọi vấn đề, mà cần phải dung nạp thêm các lý thuyết khác như chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, nữ quyền luận, diễn ngôn học, xã hội học. Thi Pháp học, thực chất, chỉ là một “hệ thao tác nghiên cứu”. Đúng vậy. Vận dụng Thi pháp học là xem xét quá trình nhà văn kiến tạo tác phẩm, từ ý thức thẩm mỹ đến chọn lựa đề tài chủ đề, chất liệu, kiểu tác phẩm, kiểu diễn đạt, dùng từ, tu từ…nói gọn lại là, đó là các thao tác hình thức kiến tạo tác phẩm. Nghiên cứu tác phẩm theo Thi Pháp học là nghiên cứu hình thức, dù đó là hình thức mang tính quan niệm do Trần Đình Sử đưa ra. Ngay cả phạm trù “Thế giới nghệ thuật” được coi là trung tâm của Thi pháp học Made in Việt Nam của Trần Đình Sử (chữ của Đỗ Minh Tuấn) cũng không phải do ông phát hiện ra. Đỗ Minh Tuấn cho biết: “Khái niệm “Thế giới nghệ thuật” có từ lâu, đã được các học giả lớn như Likhachop, Bakhtin ở Nga nói đến như là sản phẩm mới của thế kỷ 20 biểu hiện một tiềm năng sâu sắc của văn học nghệ thuật khác với đặc tính phản ánh giản đơn và sao chép. Trần Đình Sử không phát minh ra khái niệm này, nhưng ông đã sống hết mình với nó, đem nó vận dụng vào các thể loại văn học khá triệt để và sống động, làm cho nó sống được, gây ảnh hưởng lây lan.”

Ngày nay để khám phá tác phẩm, người ta dùng Cấu trúc luận và Giải cấu trúc cùng với các lý thuyết tiếp nhận. Thi Pháp học chỉ được vận dụng ở cấp độ tìm hiểu quá trình kiến tạo tác phẩm, như là thao tác hình thức. Bởi chỉ có thể dùng Thi pháp học để xem xét hệ thống tác phẩm của một tác giả, xem xét một trào lưu văn học, xem xét một nền văn học được sáng tác theo một khuynh hướng riêng. Thí dụ thi pháp thơ Thiền, Thi pháp thơ Đường, Thi pháp ca dao, thi pháp thơ Hiện thực xã hội chủ nghĩa…Thật khó có thể coi những đặc điểm kiến tạo của của một tác phẩm là thi pháp. Thí dụ, khó có thể nói về thi pháp truyện Chữ người tử tù nhưng có thể nói đến thi pháp Nguyễn Tuân dùng để viết Vang Bóng một thời…Chỉ khi những đặc điểm kiến tạo tác phẩm của một tác giả được tìm thấy trong toàn bộ hệ thống tác phẩm của ông ta, lúc đó mới có thể nói đến thi pháp. Cũng vậy Thơ Tố Hữu có sự chuyển đổi cả tư tưởng và nghệ thuật từ Từ Ấy đến Việt Bắc, Gió Lộng và Ra Trận… Thật khó nói đến một thi pháp thống nhất. Những đặc điểm chung về kiến tạo tác phẩm của Tố Hữu tạo nên phong cách thơ ông, còn cái gọi là Thi pháp thơ Tố Hữu, còn lại chỉ là thủ pháp nghệ thuật. Dù sao cũng có thể vận dụng lý thuyết “nghệ thuật như là thủ pháp” của trường phái Hình thức Nga như là Thi pháp.

Trương Vĩnh Trường [4] trên Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 377, có bài “Sự tráo trở của thi pháp” nhận xét về Thi pháp học của Trần Đình Sử. Sau khi so sánh những nhận định của GS-TS Trần Đình Sử viết về thơ Tố Hữu trong hai cuốn: Thi pháp thơ Tố Hữu” và cuốn Trên đường biên của lý luận văn học, Trương Vĩnh Trường đã đặt vấn đề: “Có hai Tố Hữu trong một Trần Đình Sử và ngược lại, có hai Trần Đình Sử trong một Tố Hữu.” Nghĩa là, trước kia GS-TS Trần Đình Sử hết lời khen thơ tố Hữu, còn bây giờ ông lại nói khác: “Các tác phẩm của Hồ Chí Minh, Tố Hữu trong phê bình văn học hiện nay được coi là kinh điển của văn học cách mạng. Tất nhiên vị trí kinh điển của văn học không phải nhất thành bất biến. Một khi hệ giá trị có thay đổi thì vị trí kinh điển của tác giả, tác phẩm văn học cũng thay đổi theo”. Lý giải điều này phải thế nào?

PGS-TS Văn Giá cho biết về cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu:

“Lứa chúng tôi ngày ấy cũng đã nghe lỏm được cái ý cho rằng Trần Đình Sử viết về Tố Hữu để...kiếm điểm… Sau này, khi tuổi lớn thêm, trong lúc tâm tình thân mật, tôi có đem chuyện này ra hỏi lại. Ông cười lớn: “Trời ơi, tôi viết quyển này là do Nhàn (Vương Trí Nhàn) nó đặt hàng. Nhàn lúc đó đang làm ở NXB Hội nhà văn. Nhàn bảo: năm nay năm chẵn kỷ niệm 40 năm cách mạng, đặt ông viết cuốn nói về thi pháp thơ Tố Hữu. Cách viết đừng lý luận nhiều, cứ đi vào tác phẩm luôn, lý luận ở ta có ai đọc đâu. Tôi nhận lời. Nhàn lại bảo: Nếu cần gặp Tố Hữu, NXB sẽ tổ chức. Tôi từ chối. Khi sách in ra, tôi gửi một cuốn đến NXB nhờ đem tặng ông Tố Hữu. Từ bấy, đến tận năm 1989, ông Hoàng Trinh gọi tôi bảo ông Tố Hữu không còn làm chức tước gì nữa, cậu nên đến thăm ông ấy một chút, ông ấy giờ buồn lắm. Tôi đến. Tố Hữu không nói một câu nào về quyển sách của tôi, mà ông nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Trưa rồi. Bụng thì đói chết cha đi được, mà ông ấy vẫn không dứt chuyện. Đến hơn 1 giờ chiều ông ấy mới tha cho...Nhưng mà phải nói ông ấy thông minh. Tiếng Việt ông ấy giỏi lắm, tinh tế lắm...Sau này, một hôm tình cờ gặp nhau, Trần Đương (dịch giả văn học Đức) nói rằng ông Tố Hữu bảo “cậu Trần Đình Sử viết được đấy”...Về chuyện này, tôi tin Trần Đình Sử chân thành
.”

Theo PGS-TS Văn Giá, GS-TS Trần Đình Sử viết cuốn Thi Pháp thơ Tố Hữu chỉ là viết theo “đơn đặt hàng” của Vương Trí Nhàn. Nhưng tôi nghĩ rằng, lời khen của Tố Hữu không phải là không có ý nghĩa đối với con đường thăng tiến học thuật của GS-TS Trần Đình Sử. Bởi lúc ấy Trần Đình Sử mới ở Liên Xô về, và Thi Pháp thơ Tố Hữu là công trình đầu tiên trình làng, báo công với Nhà nước. Chọn thơ Tố Hữu để viết công trình chắc chắn là một diễn ngôn có ý nghĩa chính trị của Trần Đình Sử.

3. DẠY VĂN LÀ DẠY ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Nói về việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ Văn PTTH của GS-TS Trần Đình Sử, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Phó vụ trưởng vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), có bài Trần Đình Sử- từ một góc nhìn viết khá cặn kẽ.[5]

“Làm thế nào để có được một công chúng văn học có trình độ? Câu trả lời sẽ hết sức phiến diện nếu như không thấy hết vai trò của nhà trường; nếu không cần và không quan tâm đến việc dạy học văn ở nhà trường. Trong khi cả nhà văn và công chúng văn học đều trải qua và chịu ảnh hưởng của học vấn nhà trường. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là hình thành, bồi dưỡng, nâng cao trình độ “tiếp nhận” tác phẩm văn học cho HS”…

…“CT Ngữ văn THPT năm 2002 thì quan niệm dạy văn trước hết là dạy đọc văn, hình thành và rèn luyện phương pháp, cách thức đọc-hiểu văn bản mới thực sự trở nên rõ nét và nhất quán. Người chủ trương và góp phần quan trọng trong việc khẳng định quan niệm này là GS.TS. Trần Đình Sử, trưởng tiểu ban xây dựng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ GD&ĐT khi đó.”…

…“Dạy học đọc-hiểu tác phẩm văn chương theo tinh thần này được hiểu một cách khá toàn diện. “Đó là một quá trình bao gồm việc tiếp xúc với văn bản, thông hiểu cả nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò, tác dụng của các hình thức, biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết và cả các giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Đọc hiểu là hoạt động duy nhất để học sinh tiếp xúc trực tiếp với các giá trị văn học. Đọc hiểu bắt đầu từ đọc chữ, đọc câu, hiểu nghĩa của từ và sắc thái biểu cảm, hiểu nghĩa của hình thức câu, hiểu mạch văn, bố cục và nắm được ý chính, cũng như chủ đề của tác phẩm. Lý giải những đặc sắc về nghệ thuật và ý nghĩa xã hội nhân văn của tác phẩm trong ngữ cảnh của nó. Trong quá trình học đọc, HS sẽ biết cách đọc để tích lũy kiến thức, đọc để lý giải, đọc để đánh giá và đọc sáng tạo, phát hiện. HS sẽ học cách trích câu hay, trích chi tiết, trích ý, học cách thuyết minh, thuật lại nội dung văn bản đã học”…

“…Những nét chính về quan niệm đọc-hiểu văn bản vừa nêu trên được ghi trong CT Ngữ văn THPT của Bộ GD&ĐT năm 2002, nhưng thực chất là của GS Trần Đình Sử, người chịu trách nhiệm chính trong việc khởi thảo CT Ngữ văn THPT hiện hành... Rõ ràng quan niệm này là sự triển khai, tiếp nối và nhất quán với lý luận thi pháp mà ông hiểu rất tường tận
”…

Sau nhiều năm ngành giáo dục phổ thông thực hiện chương trình và sách giáo khoa do ông thực hiện, GS-TS Trần Đình Sử có lẽ đã nhận ra sự hạn chế của phương pháp dạy văn do ông đề xuất. Ông nói: “Chỉ tiếc là bộ môn giáo học pháp trong nhà trường còn quá cũ kĩ, chưa đáp ứng tư tưởng mới và chương trình con nặng nề.”

Cách kiểm chứng đúng nhất là phải xem học sinh PTTH học Ngữ văn như thế nào và đạt được kết quả gì từ chương trình và SGK do ông thực hiện? Hình như chưa có một điều tra nào cụ thể, chỉ biết rằng có nhiều tiếng kêu ca rằng học sinh chán học văn.
Thực tiễn dạy Ngữ Văn ở PTTH có nhiều vấn đề.

Nếu dạy văn là dạy đọc hiểu văn bản thì trên lớp thầy cô không thể thực hiện được ý tưởng này. Thí dụ, Vợ Nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyện Minh Châu, hay Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, mỗi tác phẩm chỉ có 2 tiết dạy, thầy cô dạy đọc hiểu như thế nào theo yêu cầu của GS-TS Trần Đình Sử là: “Đọc hiểu bắt đầu từ đọc chữ, đọc câu, hiểu nghĩa của từ và sắc thái biểu cảm, hiểu nghĩa của hình thức câu, hiểu mạch văn, bố cục và nắm được ý chính, cũng như chủ đề của tác phẩm. Lý giải những đặc sắc về nghệ thuật và ý nghĩa xã hội nhân văn của tác phẩm trong ngữ cảnh của nó”? Chỉ cho học sinh đọc văn bản không thôi cũng đã gần hết giờ rồi, còn đâu mà giảng giải chữ, giảng câu đến bố cục, chủ đề, đặc sắc nghệ thuật. Vợ Nhặt có rất nhiều yếu tố văn hóa Bắc bộ, nếu không giảng thì học sinh không sao cảm nhận được tác phẩm. Trong giáo dục, yếu tố người học có ý nghĩa quan trọng. Tôi không rõ GS-TS Trần Đình Sử đã thử dạy ở THPT một tiết nào chưa để ông có thể kiểm nghiệm quan niệm dạy văn của mình?

Đọc hiểu văn bản đòi hỏi trình độ rất rộng về tri thức: tri thức văn hóa nhiều mặt, kết hợp với các lý thuyết văn học và phương pháp phê bình văn học (Phương pháp tiểu sử, phương pháp giáo khoa, phương pháp xã hội học Mác-xít, xã hội học văn chương của Bakhtin, Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận…). Ngay cả thầy cô, nhiều người cũng chật vật với tác phẩm dù đã có sách giáo viên hướng dẫn. Làm sao học sinh tự mình có thể giải mã tác phẩm. Xin đọc bài của TS Chu Văn Sơn viết về bài thơ Đàn ghita của Lorca, thơ Thanh Thảo, và bài viết về Chiếc Thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Chính TS Chu Văn Sơn cũng chưa hiểu đúng hai tác phẩm này. Bài thơ của Thanh Thảo viết bằng bút pháp Siêu Thực, nhưng TS Chu Văn Sơn lại cho rằng Thanh Thảo viết bằng Tân Hình Thức, và Thơ Sắp đặt. Truyện Chiếc Thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu có hai câu truyện lồng vào nhau tạo nên 3 chủ đề. Truyện được xây dựng bằng 6 tình huống liên tiếp nhau dẫn đến chủ đề, nhưng TS Chu Văn Sơn lại khẳng định Chiếc Thuyền ngoài xa chỉ có một cốt truyện và 1 tình huống [5]. Cũng vậy, truyện Một người Hà Nội của Nguyễn Khải có chủ đề là: Dù bão táp cách mạng có đánh bật rễ văn hóa Hà Nội, thì rồi bão táp sẽ qua đi, văn hóa Hà Nội vẫn bền vững. Giống như bà cô Hiền, suốt từ những năm kháng chiến chống pháp, rồi hòa bình lập lại, Hà Nội đánh tư sản, cô Hiền vẫn sống ung dung như tư sản ở Hà Nội. Kháng chiến chống Mỹ Hà Nội có 660 người con vào Nam chiến đấu, hòa bình trở về chỉ còn hơn bốn chục. Cô Hiền có hai con vẫn nguyên vẹn, thậm chí, lúc con về vào đến giữa nhà, cô cũng không nhận ra, cô tưởng là khách mua hang (vô tâm đến thế là cùng!). Suốt mấy chục năm Hà Nội chịu đựng bom đạn Mỹ, nhà cô Hiền tháng nào cũng tiệc tùng họp mặt những người thượng lưu trí thức…Nguyễn Khải muốn nói gì qua một nhân vật như thế? Đọc tùy bút Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải có thể hiểu thâm ý của tác giả. Nhưng sách hướng dẫn giáo viên lại không nói điều này.

Điều đáng nói là chương trình rất nặng nề và lạc hậu so với thời đại. Thí dụ, học sinh hôm nay không thể cảm nhận nổi Rừng Xà Nu vì truyện giả tạo. Đọc Mùa Lá rụng trong vườn học sinh thấy chán cách viết rườm rà kiểu nông dân “cà kê dê ngỗng”, và những vấn đề đặt ra trong tác phẩm đã bị hiện thực qua rất xa. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa gây ra một tâm trạng nặng nề, u ám, vì vì sự cam chịu bạo hành của người đàn bà hàng chài…

Chương trình hầu như bỏ phần Lý luận văn học (Ở lớp 12 chỉ học sơ sài về Quá trình văn học và Phong cách nghệ thuật), thì sao có thể “có được một công chúng văn học có trình độ”?

Bây giờ Bộ giáo dục-Đào tạo đề ra mục tiêu dạy Ngữ Văn là “chú trọng việc rèn các kỹ năng, năng lực hành động, vận dụng kiến thức, tăng cường thực hành và gắn nỗi dung bài học với thực tiễn cuộc sống”. Đọc hiểu văn bản chỉ còn là một kỹ năng. Học sinh còn phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác như kỹ năng tạo lập văn bản nói và văn bản viết, kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, kỹ năng trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ khi phát biểu theo chủ đề…
Mọi phương pháp dạy Văn ở THPT đều phá sản khi nỗ lực của nhà trường và học sinh học chỉ để thi tốt nghiệp. Mãi vẫn là nhồi nhét, văn mẫu. Học sinh làm văn nghị luận xã hội chỉ là “chém gió”…

3.THÂN PHẬN TRÍ THỨC

GS-TS Trần Đình Sử đã có một cuộc đời trải nghiệm những biến cố lớn của lịch sử. Ông viết: “tôi đã cùng đội thiếu niên đánh trống cỗ vũ Cải cách ruộng đất, chứng kiến đấu và bắn địa chủ. Từng chứng kiến Nhân Văn Giai phẩm. Chứng kiến chiến tranh leo thang, phá hoại của Đế quốc Mĩ, Chứng kiến ngày thống nhất đất nước. Chứng kiến người anh em núi liền núi sông liền sông đánh giết đồng bào biên giới phía bắc nước ta. Chứng kiến và tham gia ngày đổi mới. Chứng kiến sự sụp đổ niềm tin rồi sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt nguyên lí văn học.”… tôi thấy giới trí thức Liên xô vào thời “tan băng” đã có một bộ phận đi tìm những con đường tiếp cận mới, trong đó có thi pháp học”[đd]

Là một trí thức ông không thể không bày tỏ thái độ trước những biến động lớn lao của lịch sử. Có thể là, giai đọan trước kia, sự thăng tiến của ông hanh thông, nên ông ít có những băn khoăn, hoài nghi. Năm 1962, ông được cử đi tu nghiệp tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Nam Khai (Trung Quốc). Năm 1966, về nước ông làm giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Vinh. Từ năm 1976 đến 1980, ông sang làm nghiên cứu sinh tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ki-ép và bảo vệ luận án PTS tại Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm khoa học U-crai-na. Từ năm 1981, ông trở về làm giảng viên tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và 10 năm tham gia soạn chương trình và sách giáo khoa PTTH của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Nhưng những năm gần đây, người ta thấy ông có nhiều “băn khoăn, hoài nghi” hơn. Và với tư cách nhà khoa học đầu ngành lý luận văn học ông không thể không lên tiếng. Ông dịch bài Ba loại phê bình xấu của Đinh Phàm để gián tiếp bày tỏ thái độ với hiện trạng phê bình ở Việt Nam: “Tất nhiên đây chỉ là mặt trái của môi trường sinh thái phê bình, nếu không vạch mặt chỉ tên thì di hại vô cùng.”

Trong bài Phê bình kiểm dịch ông lên tiếng: “Nhưng nhìn lại sản phẩm phát hiện của các vụ kiểm dịch om sòm trên văn đàn, ví như những bài báo của các tác giả thuộc nhóm Nhân Văn Giai phẩm, hoặc các bài báo của Trương Tửu, hay tác phẩm Sương tan của nhà văn Hoàng Tiến, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không hiểu họ chống Đảng, đồi trụy ở chỗ nào?/
Phê bình kiểm dịch là một tồn tại khách quan. Nó cũng là phê bình chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình kiểm dịch này. Các nhà phê bình kiểm dịch đầu đàn thường được trao nhiều giải thưởng cao quý. Nhưng rõ ràng, phê bình kiểm dịch không quan tâm tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất hoài nghi giá trị và ý nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học đích thực./ Có thể nó cũng là một loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học
.[6]

GS-TS Trần Đình Sử không nêu tên cụ thể những ai là “Các nhà phê bình kiểm dịch đầu đàn thường được trao nhiều giải thưởng cao quý”. Ông công nhận phê bình kiểm dịch “cũng là phê bình chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình kiểm dịch này”nhưng ông không định danh được, hay ông không muốn nói ra mà chỉ lấp lửng: “Có thể nó cũng là một loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học”.

Tất nhiên là người đương thời có thể hiểu những đối tượng ông ám chỉ là ai. Về mặt văn bản, Trần Đình Sử ra vẻ khách quan khoa học khi nghiên cứu vấn đề, xong trong diễn ngôn, ông tỏ cay nghiệt với loại phê bình này. Mượn lời Voltaire (1694 – 1778), ông coi nhà phê bình kiểm dịch “cũng giống như người ta muốn kiểm tra các loại lợn đem ra thị trường có bệnh hay không, người ta đã thiết lập những người chuyên môn kiểm tra lưỡi lợn. Những người kiểm tra lưỡi lợn trong văn học không phát hiện được một nhà văn nào là lành mạnh cả”.

Tôi nghĩ đó là một đánh giá không khách quan. Nói cho đúng, những nhà phê bình mà Trần Đình Sử gọi là nhà phê bình kiểm dịch là những nhà phê bình chính trị, họ có nhiệm vụ bảo vệ chế độ. Ông với họ cùng đứng ở trung tâm quyền lực diễn ngôn, trong cùng một hệ thống, tuy có khác nhau về công việc, song vẫn chung một nhiệm vụ chính trị. Về những nhà phê bình chính trị, từ báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) của Trường chinh đến Nghị quyết 23 của Bộ chính trị đều xác lập vị trí và nhiệm vụ của họ. Trường Chinh viết: “Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được”.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 23 cũng nói rõ: “Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch.”

Theo Chu Giang, bài Phê bình kiểm dịch là bài “ví von so sánh những người phê bình luận văn của Nhã Thuyên giống như việc làm của các nhân viên thú y ở ngoài chợ xem lưỡi lợn, nếu thấy có bệnh thì hô hoán lên cho mọi người đừng mua”, rằng: “Giáo sư Trần Đình Sử tỏ ra dạn dày kinh nghiệm văn bút khi bảo vệ Nhã Thuyên. Ông không đi thẳng vào nội dung luận văn mà chỉ đi xung quanh ‘bên lề’”.[7]

Có lẽ Chu Giang nói đến bài viết: “Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại” của Trần Đình Sử. [8] GS-TS Trần Đình Sử viết: “Về mặt văn hóa, khái niệm ngoại biên, lề chỉ bộ phận cộng sinh cùng văn hóa chính thống”; “M. Bakhtin quan niệm bản chất văn hóa nằm ở ngoại biên. Ngoại biên của ông trong tiếng Nga là granitxa (граница), có nghĩa là ranh giới, biên giới, lằn ranh, giáp ranh, đường biên, sự tiếp giáp, giáp giới”; “Toàn bộ văn hóa, văn học… đều tồn tại trên đường biên, đường ranh giới”; “Quan niệm về ranh giới của Bakhtin cho ta hiểu rằng, toàn bộ sức sống văn học, nghệ thuật nằm ở đường biên. Kìm giữ văn học, nghệ thuật ở trung tâm là kìm hãm sự phát triển, sinh sôi của chúng. Quan niệm này cũng cho thấy ngoại biên hóa là quy luật khách quan của nghệ thuật và lí thuyết, phê bình.”

Bài viết này GS-TS Trấn Đình Sử mượn lời Bakhtin để khẳng định rằng: “toàn bộ sức sống văn học, nghệ thuật nằm ở đường biên… ngoại biên hóa là quy luật khách quan của nghệ thuật và lí thuyết, phê bình.”, “Mọi sáng tác văn học ở trung tâm đều bắt nguồn từ ngoại biên”. Điều này gián tiếp khẳng định bằng học thuật lý thuyết trung tâm-ngoại vi, và thuyết về cái bên Lề, cái Khác của Nhã Thuyên là đúng. Nhã Thuyên dẫn Derrida, Foucault, khẳng định Sự trỗi dậy của cái bên lề - một hiện tượng có tính quy luật của vận động. Trong suốt Luận văn, Nhã Thuyên lặp lại rất nhiều lần tư tưởng này: Ngoại vi hóa là xu thế thời đại. “Nhìn trên diện rộng, giải trung tâm trong văn học Việt Nam cũng đồng nghĩa với quá trình ngoại vi hóa, hay ngoại vi hóa là để giải trung tâm văn học dòng chính, giải trung tâm cái chính thống”. Mà giải trung tâm, theo Nhã Thuyên, là “lật đổ” cái chính thống, cái trung tâm.

Có sự khác biệt đáng kể quan niệm về “đường biên, ngoại biên” của Bakhtin với khái niệm “ngoại vi- trung tâm” trong Giải cấu trúc của Derrida mà Nhã Thuyên vận dụng. Tôi không rõ GS-TS Trần Đình Sử có để ý điều này không? Vì GS-TS Trần Đình Sử không dùng Giải cấu trúc để đọc Luận văn Nhã Thuyên mà chỉ ở “ngoài lề”, ông không nhận ra diễn ngôn và thái độ diễn ngôn của Nhã Thuyên, đồng thời lý thuyết của Bakhtin có độ vênh đáng kể với thực tiễn văn học Việt Nam, thành ra, GS-TS Trần Đình Sử đã không “cứu” được Nhã Thuyên.

Có thể là GS-TS Trần Đình Sử biết có sự khác biệt giữa quan niệm của Bakhtin và Derrida, nhưng ông vẫn vận dụng Bakhtin, do một ẩn ý khác. Bakhtin là một tác giả lớn. Cuộc đời và tác phẩm ông bị vùi dập một thời gian dài. Bakhtin thể hiện mạnh mẽ khát vọng dân chủ, đối thoại, đa âm. GS-TS Trần Đình Sử học ở Bakhtin chăng? trong bài Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học ông đòi đặt lại tất cả vấn đề: “Giải cấu trúc đem lại một ý thức phản tư. Nó muốn soát xét lại tất cả, không trừ một chỗ nào, mọi nguyên lí, định lí, nguyên tắc, phương pháp, nhận định, khái niệm, làm rõ những điểm mù, tìm đến các khía cạnh mới, hợp lí. Giải cấu trúc đòi hỏi phải viết lại văn học sử, viết lại lí luận, đọc lại người trước với tinh thần khoa học, phát hiện mọi ngộ nhận, mọi thành kiến, phát hiện những nhận thức mới, chân lí mới, đưa người đọc vào những tìm tòi mới. [9]

Ông cho rằng Khái niệm phương pháp sáng tác trong lí luận phê bình văn học mác xít là nguỵ tạo[10]

Cần đưa khái niệm phương pháp sáng tác ra khỏi hệ thống lí luận phê bình văn học ở Việt Nam [11].

Ông phủ định quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị: “xét về mặt lí thuyết, nói văn nghệ tòng thuộc chính trị, văn nghệ phục tùng chính trị là không đúng. Văn nghệ và chính trị là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau thuộc thượng tầng kiến trúc, có chức năng vị trí khác nhau, tác động qua lị với nhau, không thể coi văn nghệ là một bộ phận (tòng thuộc) của chính trị, phục vụ chính trị được”;”Gọi văn nghệ là công cụ, vũ khí nói chung cũng không đúng.”[12] Ông cũng phê phán phê bình xã hội học Mác-xít: ”lí luận văn học Mác xít vì bản chất là xã hội học, tuy có đem lại một ít sinh khí, khí thế trong đấu tranh xã hội, nhưng nhìn chung đối với phê bình văn học nghệ thuật, một lĩnh vực thẩm mĩ, nó có rất nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Trong điều kiện xã hội học mác xít độc tôn thì các khiếm khuyết ấy càng phát huy tác dụng tiêu cực”[13]

Nếu những diễn ngôn của ông là đúng, thì các nguyên lý văn học của Đảng là sai, và văn học xây dựng trên những nguyên tắc sai ấy (văn học 1975-1986) không thể đúng được, vậy làm sao có thể đánh giá “Với những thành tựu đã đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học, nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay.”(Báo cáo chính trị Đại Hội Đảng lần thứ IV, 1976).

Tôi hiểu rằng ông chỉ muốn phủ định sự độc tôn của lý luận phê bình Mác-xít và muốn đổi mới lý luận phê bình ở Việt Nam. Ông khẳng định lý luận văn học Mác-xít ở Việt Nam “đã có tác dụng to lớn trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đã hình thành một nền văn nghệ mới giàu sức chiến đấu, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và đấu tranh thống nhất nước nhà”[14]. Thực tế là, làm sao ông phủ định được những tài năng của văn học 1945-1975 như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Quang Dũng, Hữu Loan, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Thi, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh…

Thực ra ông cũng chỉ dám đưa ra những “băn khoăn, hoài nghi” khi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã mở rộng tinh thần Nhân văn và dân chủ để tiếp cận với mọi thành tựu của nhân loại. Ông vẫn đứng ở trung tâm quyền lực chính trị và diễn ngôn. Ông không đứng ở ngoại vi, ở bên Lề, hoặc trên đường biên, đường ranh, càng không có ý định vượt qua “đường biên”. Đó là thái độ chọn lựa của ông, thái độ này khác với Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên). Nhã Thuyên chọn đứng về phía bên lề, đứng với người bên Lề để giải trung tâm, giải chính thống, để “lật đổ cái chính thống đã già cỗi, xơ cứng.”

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đã đưa Việt Nam hội nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa. Tuy vậy, văn học Việt Nam và Lý luận văn học Việt Nam cũng chỉ mới ở chặng đầu. Đúng như GS-TS Trần Đình Sử nhận xét: “Sự đổi mới lí thuyết văn học thực ra chỉ mới bắt đầu. Hành trình này con gian nan”[2-đd]Bản thân ông cũng đã có những nỗ lực tiếp cận với những lý thuyết mới. Tôi đọc được những bài này trên trang bog cá nhân của ông: Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hôm nay, Bản chất xã hội, thẩm mĩ của diễn ngôn văn học, Bước ngoặt diễn ngôn và sự đổi thay hệ hình nghiên cứu văn học, Quan niệm diễn ngôn như là yếu tố siêu ngôn ngữ của nghiên cứu văn học, Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học, Tác phẩm văn học như là kí hiệu nghệ thuật, Tự sự học từ kinh điển đến hậu kinh điển. Văn học như là tư duy về cái khả nhiên…(*)

4.ĐÔI ĐIỀU NGHI NGẠI

Trong tọa đàm Trần Đình Sử trên đường biên của lí luận văn học” chiều 23/1/2015 do Khoa Viết văn báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức, TS Nguyễn Xuân Diện thuật rằng, GS-TS Trần Đình Sử nói vui: “Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”. [15]

Tôi ngẫm nghĩ mãi về điều ông nói. Ông nói đùa hay ông nói thật lòng mình? Nếu ông nói đùa, thì đó là cách nói tự đề cao. Bởi nếu ông là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh thì sao Nhà Nước lại tặng giải thưởng cho ông, Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh lại tặng giải thưởng cho ông? Chẳng lẽ ông lại phụ lòng Nhà Nước và phụ lòng Quỹ Văn hoá Phan Chu Trinh có mục đích tôn vinh danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại?

Tôi nghĩ ông có “tâm sự”, và muốn chia sẻ tâm sự ấy với đồng nghiệp, với học trò của ông. Dĩ nhiên là đồng nghiệp và học trò ông không ai nỡ “bắt tội” ông, vì người ta biết rằng ông có quyền được sai.[16] Tôi nghĩ rằng, ông biết những gì ông nghiên cứu về lý luận văn học, về Thi pháp học đã bị lý luận văn học hiện đại vượt qua. Và bằng tư duy mở, ông cần phải nói để các thế hệ sau vượt lên. Dẫu thế nào, các công trình của ông đã ghi tên ông vào lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam. Ông nói thật tâm sự của mình, đó là điều phải lẽ của một nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học, của một người suốt hành trình trên con đường vạn dặm, đã suy gẫm, kiếm tìm chân lý nghệ thuật …

Tháng 4 năm 2017
______________________________
[1] Trò chuyện cùng Giáo sư Trần Đình Sử về đời và nghề
http://vietvan.vn/vi/bvct/id1374/Tro-chuyen-cung-Giao-su-Tran-Dinh-Su-ve-doi-va-nghe/
[2] Trần Đình Sử- Diễn từ nhận Giải văn hóa Phan Chu Trinh, hạng mục nghiên cứu cùa Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh. https://trandinhsu.wordpress.com/2017/03/29/dien-tu-nhan-giai-cua-quy-van-hoa-phan-chau-trinh-ngay-24-3-2017/
Xem thêm video: https://www.youtube.com/watch?v=X9xA8AiQ07k
[3] Xin đọc:
- Cao Thị Hồng: Trần Đình Sử với tiếp nhận thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam
vandoanviet.blogspot.com/2015/01/tran-inh-su-voi-tiep-nhan-thi-phap-hoc.html
-Chu Văn Sơn: Trần Đình Sử và Thi Pháp học: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
-Lã Nguyên: Một hướng nghiên cứu có triển vọng (về chuyên luận thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử)
https://languyensp.wordpress.com/2015/07/29/mot-huong-nghien-cuu-co-trien-vong-ve-chuyen-luan-thi-phap-tho-to-huu-cua-tran-dinh-su/
-Lã Nguyên: Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử và giới hạn của những cách đọc
http://vietvan.vn/vi/bvct/id2789/Thi-phap-Truyen-Kieu-cua-Tran-Dinh-Su-va-gioi-han-cua-nhung-cach-doc/
-Lã Nguyên: Trần Đình Sử và những đường biên khoa học
https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tran-dinh-su-va-nhung-duong-bien-khoa-hoc
-Lã Nguyên: Việt Nam thế kỷ XX và những xu hướng lựa chọn tư tưởng văn nghệ nước ngoài
https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/viet-nam-the-ky-xx-va-nhung-xu-huong-lua-chon-tu-tuong-van-nghe-nuoc-ngoai
-Lã Nguyên: Lý luận, phê bình văn học Việt Nam thời hậu chiến
http://vanvn.net/tu-doi-vao-van/li-luanphe-binh-van-hoc-viet-nam-thoi-hau-chien/929
-Lã Nguyên: Sự tiếp nhận các lý thuyết hiện đại phương Tây từ 1986 đến nayhttps://languyensp.wordpress.com/2016/01/29/su-tiep-nhan-cac-li-thuyet-van-nghe-hien-dai-phuong-tay-tu-1986-den-nay/
-Văn Giá- Trần Đình Sử - người thồ chữ
http://tacphammoi.net/tran-dinh-su-nguoi-tho-chu_n5138.aspx
-Đỗ Minh Tuấn: Trần Đình Sử múa gươm dưới trời mưa
https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tran-dinh-su-mua-guom-duoi-troi-mua
-Nguyễn Khắc Phi: Chân dung Nhà giáo tiêu biểu: GS.TS.NGND TRẦN ĐÌNH SỬ
http://hnue.edu.vn/Tintuc/Tonghopthongtin/tabid/260/news/402/ChandungNhagiaotieubieuGSTSNGNDTRANDINHSU.aspx
[4] http://tuanbaovannghetphcm.vn/su-trao-tro-cua-thi-phap/
[5] Xin đọc: Bùi Công Thuấn-TS Chu Văn Sơn và phê bình văn học
https://buicongthuan.wordpress.com/2017/04/05/ts-chu-van-son-va-phe-binh-van-hoc/
[6] Trần Đình Sử-Phê bình kiểm dịch
https://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/17/phe-binh-kiem-dich/
[7] Chu Giang- Luận chiến văn chương-quyển ba.Nxb Văn học 2015.tr. 57
[8] Trần Đình Sử- Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại
https://trandinhsu.wordpress.com/2013/07/28/ngoai-bien-hoa-trong-tien-trinh-van-hoc-viet-nam-duong-dai/
Đọc thêm Trần Đình Sử (cùng nội dung): Ngoại biên hóa diễn ngôn lí luận, phê bình và sáng tác trong tiến trình văn học đương đại Việt Nam- http://vietvan.vn/vi/bvct/id3612/Ngoai-bien-hoa-dien-ngon-li-luan,-phe-binh-va-sang-tac-trong-tien-trinh-van-hoc-duong-dai-Viet-Nam/
[9] https://trandinhsu.wordpress.com/2013/06/13/giai-cau-truc-va-chuyen-doi-hinh-thai-dien-ngon-trong-li-luan-phe-binh-van-hoc-trung-quoc/
[10] http://vietvan.vn/vi/bvct/id3310/Khai-niem-phuong-phap-sang-tac-trong-li-luan-phe-binh-van-hoc-mac-xit-la-nguy-tao/
[11] https://lythuyetvanhoc.wordpress.com/2012/07/22/tran-dinh-su-can-dua-khai-niem-phuong-phap-sang-tac-ra-khoi-he-thong-li-luan-phe-binh-van-hoc-o-viet-nam/
[12] https://trandinhsu.wordpress.com/2015/07/12/tiep-nhan-nguyen-li-van-nghe-phuc-vu-chinh-tri-o-viet-nam/
[13] https://trandinhsu.wordpress.com/2015/07/23/tiep-nhan-phuong-phap-luan-xa-hoi-hoc-mac-xit-trong-nghien-cuu-phe-binh-van-hoc-viet-nam-truoc-1986/
[14] Trần Đình Sử: Tiếp nhận lí luận văn nghệ Mác Lê nin ở Việt Nam giai đoạn 1945 – 1986
https://trandinhsu.wordpress.com/2015/05/10/tiep-nhan-li-luan-van-nghe-mac-leenin-o-viet-nam-giai-doan-1945-1986/
[*] https://trandinhsu.wordpress.com
[15] https://giangnamlangtu.wordpress.com/2015/01/25/tuong-thuat-toa-dam-tran-dinh-su-tren-duong-bien-cua-li-luan-van-hoc/
[16] Thụy Khuê chỉ ra chỗ sai của ông: Thụy Khuê-Phê bình văn học thế kỷ XX, chương 5, phần 2:
http://thuykhue.free.fr/PBVH/Chuong05-PheBinhPhanTam-2.html
-Chu Giang- Luận chiến văn chương quyển 3- Kiểm dịch Trần Đình Sử. Nxb Văn học 2015, tr. 57-81.