Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

"TRỞ VỎ LỬA RA" CỦA PHAN KHÔI

“TRỞ VỎ LỬA RA” CỦA PHAN KHÔI
Bùi Công Thuấn




Trao đổi với nhà văn Phan Nam Sinh về cuốn Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi, anh cho biết:” Những ý kiến về "Trở vỏ lửa ra" anh sưu tầm được, tôi cũng có biết, nhờ đó mới nhận ra các nhà phê bình xưa nay không được công bằng cho lắm khi nhận xét về cuốn tiểu thuyết này.” (Email ngày 18.12.2015)

Chỉ là một trao đổi rất nhỏ nhưng Phan Nam Sinh làm tôi băn khoăn mãi về điều anh cho rằng các nhà phê bình xưa nay không được công bằng cho lắm khi nhận xét về Trở vỏ lửa ra. Tôi cũng ngạc nhiên vì có rất ít bài viết về cuốn tiểu thuyết này của Phan Khôi, mặc dù cho đến nay người ta cũng đã nói nhiều đến Phan Khôi. Hẳn phải có một điều “bí mật” nào đó của sự im lặng và “không công bằng cho lắm” này.

1."TRỞ VỞ LỬA RA" và NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯƠNG THỜI.

Phan Khôi viết Trở vỏ lửa ra năm 1939, hẳn ông đã đọc Đoạn Tuyệt (1936) của Nhất Linh, Nửa chừng xuân (1934) của Khái Hưng và Tắt Đèn (1937) của Ngô Tất Tố. Chủ đề chống lễ giáo phong kiến trong văn chương Tự Lực Văn Đoàn và chủ đề chống sưu thuế áp bức của Tắt Đèn đã chiếm lĩnh văn đàn giai đọan trước 1945. Chắc chắn trong sáng tạo nghệ thuật Phan Khôi không thể lặp lại chủ đề này.

Thực ra, trước cả Tự Lực Văn Đoàn, Phan Khôi đã có những bài báo về những vấn đề này. Nguyễn Hưng Quốc nhận xét: ”Đi trước Nhất Linh trong cuốn Đoạn tuyệt và Khái Hưng trong cuốn Nửa chừng xuân, ngay từ năm 1931, Phan Khôi đã đả kích chế độ đại gia đình, nguyên nhân của những quan hệ thù nghịch hay hục hặc bất hoà giữa mẹ chồng và nàng dâu, đã quyết liệt chống lại việc cưỡng bức hôn nhân”. Ông còn nhấn mạnh: ”Sớm hơn bất cứ người nào khác, ngay từ năm 1929, Phan Khôi đã đặt ra vấn đề nam nữ bình quyền và vấn đề nữ quyền (feminism) trong văn học.”(1) Như vậy, về mặt tư tưởng, Phan Khôi là người tiên phong, nhưng chuyển hóa tư tưởng thành hình tượng nghệ thuật trong một tác phẩm tiểu thuyết, Phan Khôi là người đi sau. Nhất định Phan Khôi phải có sự khác biệt với Nhất linh, Khái Hưng và Ngô Tất Tố. Sự khác biệt này làm nên phẩm chất văn chương của Phan Khôi và phẩm chất nhà văn của tác giả.

Xin lược lại nội dung của Trở vỏ lửa ra”.

Trở vỏ lửa ra là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Nghi. Nghi sinh trong một gia đình khá giả ở Quy Nhơn, học ở Phan Thiết. Nghi ở với gì Tuấn. Ông bà Giám – cha mẹ của Nghi - không có con trai nên đã lập người cháu họ là Trần Công Thưởng làm kế tự. Khi cha mẹ Nghi qua đời, Thưởng không muốn cho Nghi tiếp tục học. Anh ta gọi Nghi về và đặt vấn đề “con gái đi học để làm gì mới được chứ.” Thâm tâm Thưởng muốn chiếm hết gia tài cha mẹ Nghi để lại. Nhờ sự can thiệp của bà Giáo, Nghi tiếp tục ra Phan Thiết học cho đến khi đỗ bậc Tiểu học. Được tin Nghi tốt nghiệp, Thưởng lại viết thư gọi cô về với ý định gả cho một người giàu có trong vùng. Nghi từ chối lời đề nghị của Thưởng cô quyết tâm học để thi Tú Tài. Nhờ Hiệp là chị gái giúp tiền, Nghi vào Sài Gòn học Cao đẳng Tiểu học. Thưởng phải thanh toán tiền học cho Nghi suốt bốn năm Nghi học ở Sài gòn. Hắn xót xa và căm giận Nghi. Nghi muốn đi Hà Nội học nên trở về quê và đề nghị Thưởng chia gia tài. Thưởng mượn chữ “hiếu” đề nghị chia gia tài theo tỉ lệ có lợi cho hắn. Nghi không chịu, cô đành tạm gác lại việc chia gia tài và mượn tiền chị gái ra Hà Nội học. Ở đây, Nghi quen Phạm Hị Xuân Sơn, một bạn học cùng cảnh ngộ như Nghi, hai người trở nên rất thân thiết. Họ trọ chung với nhau. Một thời gian sau, anh rể là phán Thục qua đời, chị Hiệp lâm vào cảnh khốn khó, Nghi mất chỗ dựa. Nàng trở về nhà định đồng ý với đề nghị của Thưởng về tỉ lệ chia gia tài, nhưng chị Hiệp không chịu. Hai chị em kiện ra cửa quan. Quan hứa là sẽ đòi lại công bằng cho chị em cô. Nghi lại mượn tiền chị ra Hà Nội học. Thưởng đã hối lộ rất đậm cho quan nhằm kéo dài thời gian vụ kiện. Ở Hà Nội, để có tiền chi tiêu, Nghi đã phải đi làm thêm ở nhà in. Rồi Nghi bị bệnh lao nặng. Cô được Sơn và Hà Văn Hải (sinh viên trường thuốc, con trai quan Án sát tỉnh Bình Định vốn thầm yêu Nghi) hết lòng yêu thương chăm sóc. Nghi biết mình không thể qua khỏi nên đã bán hết nữ trang, quần áo và thuê một căn nhà nhỏ ở làng Bưởi, cạnh hổ Tây và thuê người vú già chăm sóc mình. Trong đêm trừ tịch (1930), Nghi trao tình cho Hải qua bức tranh Nghi vẽ chân dung Hải. Từ đó nàng không nói lời nào nữa. Sau đó mấy hôm Nghi qua đời lặng lẽ. Sơn và Hải lo hậu sự cho Nghi. Chị Hiệp đang quá khó khăn không ra được. Thưởng gửi cho Hải một lá thư nói rõ hắn “không còn anh em gì” với Nghi. Hắn còn nguyền rủa Nghi :”Nó làm thân con gái chưa có chồng, mà nó đi luôn, đi Nam rồi ra Bắc, ngày ông bà cho đến ngày cha mẹ banh da nẻ thịt đẻ ra nó nữa nó cũng không về. Ngày nay nếu nó đến nỗi chết đường chết sá như thế là có lẽ bởi vong linh tiền nhân nhà tôi bắt nó, vì nó đắc tôi nhiều lắm” rồi hắn nhờ Hải: ”Quan lớn có rộng ơn cho nó vài nhát cuốc là qúy lắm, tôi có ra làm gì”.Truyện kết thúc bằng lá thư của Thưởng. Tác giả không viết gì thêm.

Độc giả nhận ra ngay tư tưởng chống phong kiến và ý thức đòi nữ quyền trong nội dung câu chuyện. Xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, coi con gái là người ngoài họ, bởi khi đi lấy chồng, người con gái thuộc về nhà chồng, không còn thuộc về cha mẹ ruột (“Nữ nhân ngoại tộc”). Vì thế Nghi không được cha mẹ cho kế thừa tài sản. Ông bà Giám lập Trần Công Thưởng là người cháu họ quyền kế thừa. Toàn bộ tài sản cha mẹ để lại bị Thưởng thâu tóm, Nghi gặp bao khó khăn, sau cùng chết nghèo khổ, tha hương, không thân thích. Nhân vật bà Giáo nói với Nghi: Chị phải biết chị là nạn nhân của cái xã hội Annam hàng ngàn năm nay. Cái chế độ ấy đã không coi đàn bà con gái chúng ta ra gì, cho nên chị mới phải mở vào cái tình cảnh đáng thương như thế. Tác giả cũng bình luận trực tiếp: ”Cho nên sinh trong một gia đình chuyên chế trong một xã hội đầy những chế độ bất bình và tàn khốc, duy có kẻ nào lành như con cừu,, không thích tự do như con lợn thì mới sống được yên thân; còn ai biết đau đớn mà nhúc nhích, thấy ngột ngạt mà vùng vẫy, là người ấy sẽ thiệt thân, sẽ chết, chết dưới sức phản động của cái chế độ ấy.”

Vẫn biết vậy, nhưng Nghi vẫn chống lại cái xã hội ấy, cái chế độ ấy. Chí hướng và con đường của Nghi hoàn toàn khác với Loan (Đoạn Tuyệt) và Mai (Nửa chừng xuân). Cả Loan và Mai đều chống lại mẹ chồng và những hủ tục, để đòi tự do yêu đương và hạnh phúc cá nhân. Nghi quyết tâm theo học, và học lên nữa. Cô coi việc học như một lý tưởng, một cuộc cách mạng và chỉ có học mới có cơ hội tự giải phóng. Nghi nói với bà Giáo:

“- Con quyết đi học nữa, một là vì con yêu cha mẹ con, con muốn làm y theo sở nguyện của người, hai là vì con không bằng lòng làm một người đàn bà thường, mà ưng làm một người có học thức, xin lỗi thầy, như thầy chẳng hạn”
- Chị đã quyết định như thế?
- Dạ con quyết lắm. Nhiều khi con nghĩ dại rằng nếu không đi học nữa, thì thà con chết
Bà giáo cười tủm tỉm:
- Chị Nghi nói cái gì nghe cũng dễ dàng quá. Hôm trước chị nói làm cách mạng, bữa nay chị lại đòi chết…”
Tác giả cũng lưu ý người đọc: “Người đọc truyện nên nhận thấy chỗ này trước nhất: hết thảy cái lịch sử của cô thiếu nữ bạc mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học. Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu nữ khác, nghe lời Cửu thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia đình sầm uất, con cái sum suê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rốt cục chỉ một mảnh hốn thơ phiêu bạt ở đất người? Nhưng mà nếu thế thì lại đã không có truyện rồi!

Chị Hiệp nói với Sơn: ”Con em tôi nay mai như có mệnh hệ thế nào thì cũng chính bởi cái tư tưởng cao xa của nó làm hại nó! Nó tưởng cái tài lực của nó có thể vẫy vùng để thoát ra ngoài khuôn khổ được, chứ có biết đâu rằng rút cục lại nó vẫn một hạng “trở vỏ lửa ra” như tôi hay là như chúng ta”

Phan Khôi đã xác định đúng con đường của Nghi. Xã hội Việt Nam hàng ngàn năm phong kiến, rồi thực dân, phụ nữ đều không được đi học. Cửu Thưởng nhắc lại nhiều lần vấn đề “con gái đi học để làm gì mới được chứ.” Đó là vấn đề của ngàn đời. Con gái có học cho lắm, đi lấy chồng là hết. Bởi ở nhà chồng, họ chỉ là cái máy đẻ và cái máy làm việc, chỉ cần biết đọc biết viết là đủ. Cha mẹ ruột cho con học nào có nhờ được gì. Và vì thế họ không cho con gái đi học. Ở nhà chồng, phụ nữ thực chất họ là nô lệ. Muốn tự giải phóng, phụ nữ phải được học để biết về giá trị bản thân, để biết về vai trò xã hội, để biết quyền lợi của mình như một nhân phẩm bình đẳng với nam giới. Nghi quyết tâm học là vậy. Nghi chịu đựng mọi khó khăn để được học và sau cùng Nghi chết khi chưa kịp thi Tú Tài. Nói cách khác, Nghi chết trên con đường thực hiện lý tưởng, chết trên ngưỡng cửa khát vọng đạt đến lý tưởng. Đó là một bi kịch. Chính hoàn cảnh xã hội cũ đã đè bẹp khát vọng của Nghi.

Nghi là một nhân vật bi kịch, điều này hoàn toàn khác với Loan và Mai. Để giải phóng Loan, Nhất Linh để cho Loan phạm tội ác giết chồng, cùng với tội ngoại tình với Dũng. Kết thúc truyện tác giả để Loan và Dũng nối lại tình xưa. Loan đọc thư tỏ tình của Dũng gửi qua Thảo mà hạnh phúc say đắm:”Loan muốn về để được yên tĩnh nghĩ đến cái sung sướng của mình. Nàng như người say…”. Còn Khái Hưng, Ông chọn giải pháp để Mai ở vậy nuôi con, nuôi em ăn học, chẳng khác gì một người phụ nữ chính chuyên trong xã hội phong kiến. Cả hai nhân vật sau cùng đề đạt được hạnh phúc. Kết thúc truyện Mai ở bên Lộc, hai người cùng bàn tính tương lai. ”Hạnh phúc như bao bọc, như âu yếu hai tâm hồn khoáng đoạt, đã siêu thoát ra ngoài vòng tư tưởng nặng nề, u ám”. Trái lại, Nghi bị dồn đến đường cùng. Muốn có tiền để học, Nghi đòi chia gia tài nhưng Cửu thưởng trì hoãn. Nhờ vả chị Hiệp để ra Hà Nội học chỉ được lúc đầu. Khi chồng chị Hiệp chết (phán Thục), chị Hiệp chỉ còn cái quán nhỏ không giúp Nghi được nữa. Nghi đi làm thêm rồi bị bịnh phải bỏ làm, bỏ học, sau cùng Nghi bán tất cả những gì mình có được để có tiền thuê nhà trọ riêng, tránh lây bịnh cho Sơn. Nàng sống cô độc, chết tha hương, không sao đạt tới ước vọng Tú Tài. Lá thư của Thưởng gửi cho Hải kết thúc truyện để lại một nỗi bi thương, ngậm ngùi không sao thốt thành lời. Xin nghe lại lời ái điếu của tác giả dành cho Nghi: ”Cho nên sinh trong một gia đình chuyên chế trong một xã hội đầy những chế độ bất bình và tàn khốc, duy có kẻ nào lành như con cừu,, không thích tự do như con lợn thì mới sống được yên thân; còn ai biết đau đớn mà nhúc nhích, thấy ngột ngạt mà vùng vẫy, là người ấy sẽ thiệt thân, sẽ chết, chết dưới sức phản động của cái chế độ ấy.” Phan Khôi biết rõ cái kết cục ấy của cuộc đời Nghi nhưng ông vẫn theo chân Nghi đến hơi thở cuối cùng của đời nàng, để nói cho mọi người biết: “hết thảy cái lịch sử của cô thiếu nữ bạc mạng ấy được chép lại đây cho bà con xem chỉ bởi cô là một người con gái mà lại quyết lòng cầu học”.Tôi hiểu ông muốn xây dựng Nghi như một nhân vật lý tưởng thực hiện tư tưởng xã hội của ông.

2. TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN HAY HIỆN THỰC?

Đọc “Trở vỏ lửa ra” ta thấy cái phong vị những truyện Lãng mạn của Tiểu thuyết Tự Lực Văn đoàn, cũng có cái gay cấn của tiểu thuyết Hiện thực Tắt Đèn. Có phải đây là chỗ riêng của Phan Khôi không?

Tác giả kết thúc truyện bằng cuộc tình nở vội giữa Nghi và Hải (Nếu cuộc tình này đến sớm hơn, số phận Nghi có lẽ sẽ khác). Nghi đã lâm bịnh nặng. Hải chăm sóc mỗi ngày. Trong đêm trừ tịch Nghi tặng Hải bức vẽ chân dung Hải do chính tay Nghi vẽ. Sự tinh tế của Nghi làm Hải vô cùng ngạc nhiên. Nghi bảo Hải giữ bức vẽ làm kỷ niệm về Nghi, sau đó nàng qua đời lặng lẽ trong tình yêu thương của Hải. Có thể coi đó là một chuyện tình ”có hậu” của Nghi. Nàng tự chọn người yêu, dành hết tâm trí cho người yêu đến phút sau cùng của đời mình và ra đi trong sự trao gửi yêu thương trọn vẹn, dù sự trao gửi ấy cũng là bi kịch. Bi kịch của hai người yêu nhau phải chia lìa nhau vĩnh viễn. Nhưng trước sự phũ phàng của cửu Thưởng và của cuộc đời, cuộc tình ấy vẫn có thể giúp Nghi tìm được giấc ngủ bình an.

Cũng đồng thời với cảm xúc lãng mạn ấy là nỗi đắng cay phẫn nộ độc giả dành cho Cửu Thưởng. Nhân vật này được viết bằng bút pháp của chủ nghĩa hiện thực.

Trước tiên là sự dốt nát của Thưởng khi phải hầu quan Tây (chương 2). Thưởng nhận được trát của Công sứ Quy Nhơn đòi đền hầu có việc. Hắn không biết là việc gì nên lo sợ như gặp tai nạn gì lớn lắm. Hắn đi hỏi những người trí thức trong làng để biết cách đối phó, nhưng người ta chỉ trả lời qua loa. “Ngày hôm sau, cửu Thưởng vào đến tòa, trước chỗ quan Công sứ ngồi thì thụp lạy bốn lạy. Không đợi quan hỏi gì cả, chàng cứ một mực kêu xin…Quan Công sứ hết sức ngạc nhiên hỏi người thông ngôn chứ anh chàng ấy làm cái gì mà rộn rịp thế. Thông ngôn thuật lại những lời cửu Thưởng kêu oan cho ngài nghe, thì ngài lắc đầu nói mình không biết việc gì, sở dĩ đòi hắn đến đây là chỉ để giao tận tay hắn một phong thư của trong toà Phan Thiết gởi ra cho hắn mà thôi”. Đó là thư của bà Đốc trường Nữ Phan Thiết gửi cho hắn, bảo hắn cho Nghi trở lại trường học. “Nghe vợ đọc xong lá thư, cửu Thưởng thở hắt ra một cái thật dài, khoan khoái như lúc vào tòa xử xong, đựơc vô sự mà về.”Ngòi bút Phan Khôi vẽ những nét sắc xảo đầy tính hài hước về cửu Thưởng.

Hắn tuy dốt nát nhưng có cái tính toán tráo trở hết sức thực dụng, và dấu rất kín tâm địa sau những chiêu bài. Cụ thể là việc chia gia tài của ông Giám để lại. Theo lẽ, 100 mẫu gia tài thì để hương hỏa 25 mẫu, còn 75 mẫu chia ba phần, cửu Thưởng, Hiệp, Nghi mỗi người một phần. Hắn đòi chia hai phần, hắn giữ 50 mẫu hương hỏa cho cha mẹ, ông bà, ông cố, ông cao, còn 50 mẫu chia cho 3 người. Hắn nói, “Có lẽ nào chỉ đặt 25 mẫu cho cha mẹ, còn ba đời ông bà trên nữa không có lấy một cục đất à? Ngày cha mẹ mình thì vật bò giết heo, mà ngày ông bà thì con gà cỗ xôi cũng không biết lấy gì mà sắm như thế sao cho phải đạo làm con cháu? Giá ngày nay thầy còn nghe tôi nói phải là thầy cũng phải theo. Thầy làm nên nổi cơ đồ, là nhờ mồ mả của ai chớ?”. Với luận điệu đó, hắn trì hoãn việc chia gia tài, sau cùng thì hắm chiếm được tất cả.

Đó là thủ đoạn “kiên định” hắn sử dụng để chiếm phần gia tài của chị em Nghi. Đối phó với việc Nghi đi học làm hắn tốn tiền, hắn ứng xử linh hoạt hơn nhiều. Đầu tiên hắn dụ cho Nghi về nhà, sau đó quyết giữ không cho Nghi đi học nữa. Khi Nghi trốn đi, hắn báo sẽ không gửi tiền lên nữa. Nhưng hắn phải trả tiền học cho Nghi vì không ngờ lá thư hắn dụ Nghi về lại trở thành chứng tích pháp lý trói buộc hắn (chương 8). Nghi học xong Tiểu học Hắn dụ Nghi không đi học để hắn làm mai cho con nhà giàu. Nghi từ chối và lại trốn đi. Đến năm thứ tư, Nghi 18 tuổi, dịp tết, Nghi về thăm nhà cha mẹ. Ngày 1 tết Phán Thục gái dẫn Nghi về để thắp nhang. Cửu Thưởng chào Hiệp (chị của Nghi) rồi quay mặt về phía Nghi hỏi: ”Con này là con nào tôi không biết?...nhà này chẳng ai biết con Nghi là con nào”. Vâng, con người trở mặt đến thế là cùng. Vậy mà khi Nghi học ở Hà Nội, lúc đã ốm nặng, Thưởng nghe người ta đồn ầm lên rằng, Nghi sắp lấy Hà Văn Hải. Đốc tờ, là con quan Án Bình Định, Thưởng viết thư đấu dịu với Nghi ngay. Hắn tính toán rằng, biết đâu quan Án sẽ can dự vào vụ kiện mà xử cho bên Nghi hơn. Thư hắn viết cho Nghi rất nặng “tình nghĩa”. Nhưng ngay sau đó, khi biết Nghi không qua khỏi, hắn lại viết thư hất hủi và nguyền rủa Nghi.

Ngòi bút Phan Khôi mổ xẻ khá sắc xảo nhiều khía cạnh phức tạp của hiện thực theo những quy luật khách quan của dòng chảy tự sự. Từ việc bọn quan lại ăn hối lộ, việc kinh doanh thua lỗ của phán Thục (chồng Hiệp), đến những thủ đoạn tính toán của cửu Thưởng dẫn đến sự kết thúc số phận không thể khác của Nghi. Nghi đã bị hoàn cảnh xã hội đè bẹp mọi khát vọng, truyện kết thúc mang tính bi kịch. Tất nhiên nhân vật cửu Thưởng chưa đạt đến tính “điển hình” của Chủ nghĩa Hiện thực, ngòi bút của Phan Khôi cũng không đi sâu miêu tả những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn xã hội, không có dòng nào về hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930 (là thời điểm trong truyện) và những năm 1939 (là thời điểm ông viết truyện). Truyện chỉ thu gọn trong mâu thuẫn gia đình. Điều này khác với Tắt Đèn hay Chí Phèo. vì thế Trở vỏ lửa ra không hẳn là một truyện được viết theo bút pháp của chủ nghĩa Hiện thực. Nói cách khác, tiểu thuyết của Phan Khôi vừa hướng về lý tưởng, vừa dựa trên nền của hiện thực. Ông không quan tâm đến bút pháp mà quan tâm thể hiện tư tưởng. Tuy nhiên, nhân vật của ông chưa đạt đến tầm vóc kiểu nhân vật tư tưởng.

3. CÁI RIÊNG CỦA VĂN CHƯƠNG PHAN KHÔI

Theo Đỗ Ngọc Thạch, trong bài Văn chương và văn chương của nhà báo, Phan Khôi viết: "Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: tín, đạt, mỹ. Tín, nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó. Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó. Bất kỳ văn nước nào thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được…”(2)

Có thể coi đó là quan niệm văn chương của Phan Khôi. Ông không để cập đến các kiểu bút pháp (phương Đông hay phương Tây, tôi nghĩ Phan Khôi không thể không biết). Ông quan tâm đến hiệu quả “hữu dụng” của văn chương là, làm cho người đọc “tin” là thật, làm cho người đọc hiểu đúng ý mình và sao cho tác động sâu xa đến tâm hồn người đọc. Ông ý thức được giá trị thẩm mỹ của văn chương: ”song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó”.

Những quan điểm trên soi chiếu vào Trở vỏ lửa ra có giúp người đọc hiểu gì về “cái riêng”(phong cách) của văn chương Phan Khôi không?
Để thực hiện những “nguyên tắc” viết văn của mình, trước hết Phan Khôi sử dụng một lối văn giản dị: giản dị bình dân trong lời văn, giản dị trong cấu trúc tác phẩm và giản dị cả trong miêu tả. Phan Khôi không đặc tả chân dung nhân vật, không có dòng nào miêu tả khung cảnh nơi Nghi sinh sống: cảnh nhà cha mẹ Nghi, khung cảnh trường học ở Phan Thiết, Sài gòn, Hà Nội, ngôi nhà trọ ở làng Bưởi cạnh Hồ Tây. Tất cả chỉ được nói đến rất sơ sài. Câu truyện khởi đi chỉ có 3 nhân vật: Nghi, bà Giáo, bà Tuấn, sau thêm vào cửu Thưởng, Hiệp, phán Thục, vợ cửu Thưởng. Những chương cuối có thêm Sơn và Hải. Sự việc được phát triển trong suốt tác phẩm là việc Nghi đi học, những sự việc khác chỉ là việc liên quan. Không có những tuyến truyện khác phát triển song song. Tính cách của các nhân vật cũng đơn nhất (như kiểu nhân vật cổ tích). Người tốt (bà Giáo, bà Tuấn, Hiệp, Sơn, Hai) thì tốt từ đầu đến cuối, kẻ xấu (cửu Thưởng) cũng xấu từ đầu đến cuối. Truyện được “kể” nhiều hơn là “dựng”. Vì thể “Trở vỏ lửa ra” là “truyện dài” hơn là “tiểu thuyết”. Cách kể của Phan Khôi cũng khá gần với cách kể dân gian, (tức là chỉ tập trung vào sự việc mà không miêu tả cảnh, xây dựng nhân vật thành hai tuyến chính- tà, cùng lúc thêm vào những lời bình của người kể). Chọn lựa cách viết này, có lẽ ông hướng đến đối tượng người đọc là quần chúng bình dân.

Xin đọc một đoạn “kể chuyện” khá tiêu biểu sau đây:

“Năm ấy, ông thần Tài nhà phán Thục hình như bắt đầu đội nón ra đi. Đắp con đường từ Bình Định lên An Khê dài mấy trăm cây số vừa xong chưa kịp giao cho sở Lục Lộ thì một cơn mưa to làm lở hết. Cất một cái trường học giá năm vạn đồng, cất xong, bị chủ trường bẻ rằng sai kiểu, không chịu nhận, rồi hai đằng kiện nhau mãi đến hơn một năm mà chưa thanh khoản. Đến việc thầu cơm cũng bị lỗ, hồi đầu năm làm giao kèo thì giá thực phẩm hạ, được ít tháng bỗng cao lên gấp hai làm chàng phải thâm xác bảy, tám ngàn đồng. Tất cả sự thất bại ấy gây cho chàng một cơn khủng hoảng riêng về kinh tế; thêm nữa, một cơn đau mắt xuýt chết.

Ốm vừa khỏi dậy thì tòa án xử xong vụ kiện trường học, tuyên cáo chàng thua. Cho là tòa xử ức mình, phán Thục lập tức đi vô Sài Gòn thuê thầy kiện chống án. Chẳng may đến Sài Gòn mới mấy hôm công việc lập dập chưa ra chi thì bệnh chàng tái phát. Vào nhà thương chữa không khỏi rồi chàng chết tại đó. Bấy giờ vào mùa thu 1928, phán Thục kém một tuổi đầy năm mươi”(chương XII)

Đọc đoạn văn trên bạn đọc có thể nhận ngay ra hai tiêu chuẩn Phan Khôi đề ra đầu tiên là Tín, và Đạt. Chuyện ông kể rất thật (Tín). Sự việc xảy ra có nơi chốn, thời gian cụ thể. Ý tứ ông trình bày rất rõ ràng (Đạt) bởi câu văn chỉ có nghĩa tường minh, không có hàm ý. Và tiêu chuẩn thứ ba là “Mỹ”, tức là cái hay, cái đẹp, thể hiện ở cách kể chuyện dí dỏm, dân dã, như “thần Tài… bắt đầu đội nón ra đi”; các sự việc liên tiếp xảy ra được lý giải bằng vận xui theo kiểu “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Con người sống trên đời không tránh được những năm tháng xui xẻo, “chẳng may”. Phan Khôi viết “phán Thục kém một tuổi đầy năm mươi” tức là tuổi 49. Đó là “năm tuổi” hạn rất xấu. Phán Thục không qua khỏi. Phan Khôi khai thác truyện theo niềm tin này.

Đọc Trở vỏ lửa ra, người đọc cũng dễ nhận ra tài năng nghệ thuật của Phan Khôi. Ông nắm được”bí quyết” tạo ra sự hấp dẫn trong cách kể chuyện, giữ được “độ căng” trong suốt truyện. Ở mỗi chương, ông xây dựng và phát triển một mâu thuẫn, và cài trước một “bí mật” sẽ phát triển ở chương sau. Những “cài đặt” trước này đem đến cho người đọc nhiều thú vị khi được phát hiện. Thí dụ, lá thư cửu Thưởng dụ Nghi về (chương 6) mà hắn cho là khôn ngoan, lại trở thành chứng tích pháp lý trói hắn, buộc hắn phải trả tiền học cho Nghi (chương 9). Đó là đòn “gậy ông đập lưng ông”, là cách “tương kế, tựu kế” của bà Giáo đánh lại cửu Thưởng. Ông viết những đoạn đối thọai sinh động và đầy cá tính cho nhân vật (thí dụ ngôn ngữ nhân vật Hiệp, chị Nghi, khi nói chuyện với cửu Thưởng-chương 8)

Tôi thích nhất cái cách ông thể hiện tư tưởng qua nhân vật. Đó là một giá trị của tác phẩm còn với ngày hôm nay. Trong Trở vỏ lửa ra, Phan Khôi coi trọng tư tưởng dân chủ, pháp quyền phương Tây, tôn trọng quyền cá nhân trong việc chọn lựa thái độ sống (nhân vật bà Giáo), nhưng đồng thời ông cũng tôn trọng nét đẹp tinh tế của văn hóa phương Đông, ở việc hành xử sao cho “phải lẽ, phải đạo”(nhân vật phán Thục giữ lời đoan ngôn với cha vợ-chương 11), ở lối sống có tình có nghĩa, có trước có sau (tình chị em Nghi với Hiệp, tình bạn với Sơn và Hải, tình như cha mẹ của Nghi với bà Giáo và bà Tuất)…

4. NHÀ VĂN PHAN KHÔI

Trong tọa đàm tưởng niệm Phan Khôi 2007, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Phan Khôi, người đi trước thời đại”.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người lập “hồ sơ Phan Khôi”, đã định danh Phan Khôi là: nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn xuôi hư cấu, tác giả tiểu phẩm hoạt kê châm biếm, tác giả hồi ký hồi ức tự truyện, dịch giả, tác giả Hán văn.(3) Ông nhận định về năng lực và giới hạn trong khả năng viết truyện của Phan Khôi: mạnh suy lý, logic nên nhất quán, triệt để ở tứ, ở tư tưởng đặt vào cốt truyện, nhưng hơi thiếu linh hoạt linh động và chất sống trong mô tả, dựng các cảnh trong truyện.

TS Nguyễn Hưng Quốc (ở Úc) nhận xét, Phan Khôi (1887-1959) là một tên tuổi lớn, nhưng Phan Khôi không phải là một nhà thơ lớn, không phải là một nhà văn lớn, không phải là một học giả lớn; ông cũng không phải là một nhà báo lớn. Viết phê bình văn học, chỉ tập trung vào những ngọn đỉnh cao nhất của từng thể loại, người ta có thể bỏ qua Phan Khôi, tuy nhiên, nếu viết lịch sử văn học, nhằm tái hiện diện mạo nền văn học Việt Nam hiện đại trong quá trình vận động của nó qua những thời kỳ, những biến thái, những trào lưu và những khuynh hướng khác nhau, người ta lại không thể không nhắc đến Phan Khôi, hơn nữa, không thể không nhắc đến ông một cách trọng vọng.”(1 sđd)

Và theo TS Nguyễn Hưng Quốc, Thanh Lãng cũng ca ngợi Phan Khôi bằng những lời rất đẹp: “Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh tuý nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc chiết của Tây phương.”(1 sđd)

Trở vỏ lửa ra chứa đựng nội dung của tất cả những nhận định trên. Và tôi xin nói thêm, Phan Khôi là một nhà văn tài năng, bởi ông có những sáng tạo nghệ thuật của riêng ông, những sáng tạo có sức thuyết phục. Tôi nghiền ngẫm lời này của ông:”Giá Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu nữ khác, nghe lời Cửu thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà lại gia đình sầm uất, con cái sum suê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng, chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rốt cục chỉ một mảnh hốn thơ phiêu bạt ở đất người? Nhưng mà nếu thế thì lại đã không có truyện rồi!”. Vâng, viết thế nào thì thành truyện và là truyện hay. Đó là vấn đề trăn trở của nhà văn, bởi đó cũng là con đường“bí mật” mỗi nhà văn phải tự khai phá. Và Phan Khôi đã có cách riêng của mình…

Tháng 12. 2015
____________________________________
(1) www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid...
(2) http://blog.tamtay.vn/entry/view/731550/Ngu-su-van-dan-Phan-Khoi-Do-Ngoc-Thach.html
(3) vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/seminar-2982014-tai-espace-nhan-dien-tc-gia-phan-khi/+&cd=55&hl=vi&ct=clnk&gl=vn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét